Soạn văn Người ở bến sông Châu - Sương Nguyệt Minh - Ngữ văn 10, Cánh Diều, chi tiết nhất

Soạn văn Người ở bến sông Châu - Sương Nguyệt Minh - Ngữ văn 10, Cánh Diều, chi tiết nhất

Triều Anh
Triều Anh
  • Thành viên BQT
  • Người yêu của văn chương ❤️ đến từ Sóc Trăng
Đại tá, nhà văn, nhà báo Sương Nguyệt Minh tên thật là Nguyễn Ngọc Sơn (sinh năm 1958). Anh đã giành nhiều giải thưởng văn học như Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010, Giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2003-2004, Giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Bộ Quốc phòng 5 năm (1999-2004). "Người ở bến sông Châu" là tác phẩm xuất sắc của Sương Nguyệt Minh được trích dạy trong sách Ngữ văn 10, Cánh Diều. Để hiểu hơn về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm này, VHT mời các em cùng xem bài soạn đầy đủ và chi tiết sau đây:
soan-bai-nguoi-o-ben-song-chau1-min.jpg

Ảnh sưu tầm

I. Tìm hiểu chung

1. Tác giả


- Sương Nguyệt Minh tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Sơn sinh năm 1958.
- Quê: xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình ( chú ý sông Châu) .
- Gia đình: Nho học
- Bản thân: từng là một người lính. Ông viết văn bằng sự trải nghiệm và thể nghiệm của một con người đi ra từ cuộc chiến.
- Phong cách sáng tác:
+ Trong các sáng tác của ông, hình ảnh làng quê với những góc nhìn vừa hiện thực, vừa lãng mạn đan cài, soi chiếu vào nhau.
+ Phong cách lịch lãm, tài hoa, tinh tế trên mỗi trang văn của tác giả.
“Nếu như có thể nếm được, thì các truyện ngắn của Sương Nguyệt Minh đều có vị ngọt và cay. Đó là vị ngọt của phong cảnh làng quê của trăng nước, tình người, vị cay xót của số phận con người” (Nguyễn Hữu Đại)
+ Cảm xúc của Sương Nguyệt Minh được dồn nén chân thực, xúc động qua những mảnh đời, những thân phận éo le, ngang trái, những tình cảm trớ trêu, nghiệt ngã sau trận chiến. Nhà văn chú ý khai thác thân phận, trách nhiệm, tình yêu, bi kịch thời hậu chiến… thông qua những trang viết đầy ám ảnh và lôi cuốn, gửi đến độc giả những bức thông điệp thấm thía, sâu sắc về bài ca sức sống mãnh liệt của con người, về lòng nhân ái, niềm tin yêu và khát vọng sống trong an bình.

2. Tác phẩm

- Truyện ngắn Người về bến sông Châu được nhà văn Sương Nguyệt Minh sáng tác năm 1997.
- Truyện ngắn đã được chuyển thể thành phim có tên “Người trở về”.
- Tóm tắt truyện: Tác phẩm kể về sự bất hạnh mà những người phụ nữ Việt Nam phải gánh chịu sau năm 1975. Trong chiến tranh, cô Mây là nữ y tá dũng cảm. Hòa bình lập lại, cô trở về nhà thì thấy bản thân bị gọi là liệt sĩ, người yêu cũ tưởng cô đã hy sinh nên đi lấy vợ. Chịu đựng vết thương từ chiến trường, cô lại nhận thêm những thương tổn trong cuộc sống mới. Mây sống lặng lẽ trong nỗi cô đơn ở lều cỏ bên bến sông Châu, phụ giúp ông chèo đò, chở đám bạn của Mai đi học, nhận làm y tá ở trạm xá xã, nhận đỡ đẻ cho cô Thanh trong tình huống nguy kịch, cứu được cả hai mẹ con cô. Thím Ba chết vì vướng bom bị, dì Mây lại nhận nuôi bé Cún, dì gặp lại chú Quang - người thương binh dì cứu ở chiến trường. Kết thúc truyện là sự thay đổi trong tiếng ru của dì Mây.

II. Đọc - hiểu văn bản

1. Các sự kiện chính

- Phần 1: từ đầu đến “dì ngồi như tượng”.

=> Dì Mây về làng đúng ngày chú San – người yêu cũ lấy vợ ( tâm trạng ngổn ngang, giằng xé của dì Mây, chú San và những người thân trong gia đình)
- Phần 2: từ “Sáng” đến “Sóng nước lao xao”
=> Dì Mây ra sống ở lều cỏ bên bến sông Châu, phụ giúp ông chèo đò (tâm trạng buồn tủi của dì Mây, sự quan tâm và tình cảm của mẹ và Mai đối với dì Mây)
- Phần 3: từ “Làng xây trạm xá mới.” đến “con đường về bến”
=> Dì Mây trở lại với nghề y tá, làm việc ở trạm xá xã; cô Thanh vợ chú San đẻ khó, suýt chết, dì Mây đỡ đẻ, cứu sống cả hai mẹ con.
- Phần 4: từ “Tháng Ba lại về.” đến hết.
=> Thím Ba chết vì vướng bom bi, dì Mây nhận nuôi thằng Cún con thím Ba; dì Mây gặp lại chú Quang – người thương binh năm xưa nay về chỉ huy công binh xây cầu qua bến sông Châu, dì Mây từ chối tình cảm của chú Quang; hằng đêm, tiếng dì Mây ru thằng Cún lan xa, vang vọng trên bến sông Châu.

2. Nhân vật trung tâm và mối quan hệ giữa các nhân vật

- Nhân vật trung tâm: dì Mây
+ Đây là nhân vật xuất hiện từ đầu đến cuối truyện, thường xuyên có mặt ở hầu hết các sự kiện
+ Qua nhân vật, tác giả tập trung bộc lộ rõ nét khác biệt, độc đáo của chiến tranh Việt Nam và chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.
- Mối quan hệ giữa các nhân vật
Sơ đồ dựa trên 2 trục:
+ Trục dọc gồm các nhân vật ông, bố, mẹ, Mai, dì Mây, thím ba, thằng Cún - thể hiện mối quan hệ gia đình, ruột thịt.
+ Trục ngang gồm các nhân vật chú San, cô Thanh, dì Mây, chú Quang - thể hiện quan hệ tình yêu, tình nghĩa, tình đồng đội.
=> Tác giả thể hiện rõ tính cách kiên cường, phẩm chất tốt đẹp của người nữ thương binh nói riêng, của người phụ nữ Việt Nam trong và sau chiến tranh nói chung.
(Có thể liên hệ các hình tượng thông thường là người lính (nam) trở về thì người yêu đi lấy chồng. Trong truyện này lại là nhân vật nữ - dì Mây, trước xinh đẹp, trẻ trung, nay thân thể thương tật, lại phải đối mặt với tình huống éo le và đau đớn – người yêu cũ lấy vợ => để khắc họa đậm hơn tính cách và phẩm chất nhân vật.

3. Hình tượng nhân vật dì Mây

a. Sự kiện 1: Dì Mây khoác ba lô về làng cũng là ngày cưới của chú San - người yêu cũ


- Tâm trạng của dì Mây
+ Gặp bố ở bến sông (giọng nói: nghèn nghẹn; hành động: nhào xuống đò)
=> Xúc động nghẹn ngào khi được trở về quê hương,
+ “Dì Mây miễn cưỡng trả lời, bụng dạ cứ để bên nhà chú San.
=> tâm trạng ngổn ngang, tan nát.
+ Cuộc đối thoại giữa dì Mây và chú San:
Chú San luôn nhận lỗi về phía mình, dì Mây từ chối. Cuộc đối thoại diễn ra chóng vánh nhưng người đọc có thể cảm nhận rõ sự đau khổ trong tâm trạng của hai nhân vật. Dì Mây nuốt nước mắt vào trong “Bây giờ không còn gì để nói nữa. Anh về đi!”; “Dì chống nạng gỗ, lộc cộc bỏ ra ngoài ngõ” từ uất ức, tức tưởi đến hờn trách (“Hôm nay là ngày gì? Anh nhớ không? Có ngờ đâu ngày ấy tiễn anh đi cũng là ngày li biệt”. Dì Mây cùng sống lại hồi ức ở Trường Sơn, tình cảm yêu thương sâu nặng bùng lên cồn cào, da diết làm cho nhân vật như mê mị đi (Dì Mây lặng đi, người rũ ra, mềm oặt. Dì từ từ khuỵu xuống.
+ Khi chú San muốn cùng dì quay lại sống với nhau.
Dì quyết định dứt khoát: “Không! ” Chú San chạy theo níu áo dì Mây. Dì đứng lại, thở hổn hển: “Thôi! Thôi! Lỡ rồi! Đằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ. Anh về đi!”; “Anh đừng lo cho tôi.” Dì thở dài đánh thượt: “Sự thể đã thế, cố mà sống với nhau cho vuông tròn.” Quyết định tỉnh táo, bản lĩnh, không muốn cô Thanh lại chịu khổ, khuyên chú San sống cho vuông tròn, có tình nghĩa, có trước có sau.
=>Tình huống éo le cho thấy dì Mây và chú San đều là nạn nhân của chiến tranh. Dì Mây đã chịu bao đau đớn cả về thân thể và tinh thần song dì đã cố gắng vượt lên bằng ý chí mạnh mẽ, bản lĩnh vững vàng. Dì có tình cảm da diết, sâu nặng, có lòng nhân hậu sâu sắc, luôn vị tha, biết hi sinh vì người khác.

b. Sự kiện 2: dì Mây ra sống ở lều cỏ bên bến sông Châu, phụ giúp ông chèo đò.

- Dì Mây ra sống với lều cỏ vì nhà chú San ngay sát nhà dì, dì vẫn còn nặng tình với chú San, không thể không đau khổ khi hàng ngày phải chứng kiến cảnh trớ trêu: vợ chồng chú San như đôi chim cu.
- Mái tóc của dì Mây trước đây:
+ Tóc dài (phải đứng lên ghế để chải tóc), đen óng mượt.
+ Tóc bồng bềnh như mây.
- Mái tóc của dì Mây bây giờ: tóc rụng nhiều, xơ và thưa.
=> Nguyên nhân do dì Mây đi bộ đội, đối mặt với những khó khăn, bom đạn, dịch bệnh nơi chiến trường. Từ đó, người đọc càng cảm nhận rõ hơn hậu quả của chiến tranh gây ra cho con người và sự thiệt thòi cho người con gái.
- Buồn, tha thẩn đi ra đi vào, có hôm bỏ bữa, lúc ngắm trời nhìn nước, lúc lụi cụi nấu cơm. Cuộc sống quẩn quanh.
=> Nỗi cô đơn và đau khổ giày vò.
- Dì đã cố gắng vượt lên, phụ ông chèo đò, chở lũ bạn Mai đi học, dì không lấy tiền đò.
=> Thương lũ trẻ, tấm lòng nhân hậu.
+ Đôi lúc, thấy dì Mây chợt cười nhưng khi nghe lũ trẻ nhắc đến chuyện lấy chồng, dì lại thoáng buồn.
=> Nỗi đau khổ vẫn giày vò, tủi phận.
- Tóc dì mọc thêm, da hồng hào trở lại. Đêm trăng sáng, dì Mây và Mai xuống bến sông tắm, vẻ đẹp của dì Mây dưới ánh trăng lấp lóa trên sông, quẫy nước bằng một chân còn lại.
=> Cho thấy những mất mát tuổi trẻ và sự hồi sinh của nhân vật. Dì Mây đã dần chấp nhận sự thật mất mát và dần vượt lên để sống có ý nghĩa.

c. Sự kiện 3: Dì Mây trở lại với nghề y tá, làm việc ở trạm xá xã, dì Mây đỡ đẻ cho cô Thanh - vợ chú San, cứu sống cả hai mẹ con.

- Không gian: Đêm mưa gió dầm dề, đò ngang cách trở
- Tình huống: cô Thanh vượt cạn, thai ngôi ngược, đường lên huyện xa lắc- tình huống nguy hiểm đến tính mạng.
- Các nhân vật:
+ Cô Thanh đuối dần, không còn sức rặn, một hai phần sống, tám chín phần chết.
+ Chú San dở khóc dở mếu.
+ Thím Ba: khuyên can lo cho dì Mây( lại gặp vạ, dễ bị hiểu lầm).
+ Dì Mây: cuộc đấu tranh trong nội tâm thoáng qua: Từ chối thẳng không nhận; do dự nên hay không nên vì có khi vạ lây nhưng rồi quyết định dứt khoát: đỡ đẻ cho cô Thanh, cứu được cả hai mẹ con.
- Kết thúc: tiếng trẻ con oe oe, chú San bên cạnh vợ, dì Mây bước cao, bước thấp phía cuối con đường.
- Qua tình huống thấy được phẩm chất của nhân vật dì Mây:
+ Dì Mây không toan tính ích kỉ chỉ biết lo an toàn của bản thân mà can đảm, tự tin, tận tâm hết sức vì người khác, dù người đó là vợ của chính người yêu cũ của mình … Với tấm lòng nhân hậu cao cả hiếm có đó, dì Mây đã giúp cô Thanh sinh nở mẹ tròn, con vuông.
+ Sự lựa chọn, quyết định và hành động của dì Mây cho thấy phẩm chất đẹp đẽ của nhân vật: có bản lĩnh vững vàng, vượt lên tình cảm riêng tư, hoàn thành bổn phận, nghĩa vụ đạo đức tốt đẹp của người làm nghề y.
+ Sau khi cứu được cả hai mẹ con, dì Mây gục luôn xuống bàn, khóc tức tưởi: điều đó cho thấy không chỉ có bản lĩnh gang thép, dì còn rất nữ tính, rất phụ nữ, rất đời thường. Tiếng khóc của niềm vui khi đã cứu sống được hai mẹ con cô Thanh, tiếng khóc buồn tủi vì thân phận éo le, trớ trêu của mình, tiếng khóc của nỗi khao khát được làm mẹ, khao khát hạnh phúc.
=> Dì Mây thật đáng khâm phục biết bao. Đó là phẩm chất đẹp đẽ của nữ thương binh thầm lặng hi sinh, vượt qua nghịch cảnh, vươn lên làm người có ích với cuộc đời.

d. Sự kiện 4. Thím Ba chết vì vướng bom bi, dì Mây nhận nuôi thằng Cún con thím Ba; dì Mây gặp lại chú Quang – người thương binh năm xưa.

- Thím Ba bị vướng bom bi chết, thằng Cún mồ côi mẹ cho thấy chiến tranh đã qua đi nhưng hậu quả của chiến tranh vẫn còn rất nặng nề, dai dẳng. Mỗi người chúng ta cần sống bản lĩnh, can đảm đối mặt và sẵn sàng vượt qua những những tình huống khó khăn, nan giải trong cuộc sống và hãy quan tâm hơn đến những con người đã và đang chịu bao nỗi đau mất mát vì chiến tranh.
- Dì Mây quyết định nuôi bé Cún một lần nữa cho thấy tấm lòng nhân hậu tuyệt vời hiếm có của dì. Dì sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, tìm được niềm vui và ý nghĩa cuộc đời khi biết giúp đỡ những hoàn cảnh éo le, bất hạnh.
- Sự xuất hiện của nhân vật chú Quang cùng với tình yêu và lòng biết ơn của chú Quang càng giúp ta hiểu thêm về bản lĩnh và hi sinh thầm lặng của dì Mây trong và sau chiến tranh.
- Đoạn văn cuối: cảnh bầu trời, đêm sông Châu vào cuối thu bí ẩn, huyền diệu, buồn mà đẹp, bộc lộ tâm trạng, tình cảm gắn bó tha thiết của nhân vật đối với làng quê bên bến sông Châu.
- Tiếng ru của dì Mây thay đổi: tâm trạng lúc đầu của dì Mây vẫn còn chất chứa sự tủi thân, nỗi buồn từ những tình huống trớ trêu của số phận nhưng dần dần, dì đã chấp nhận được sự thật và vượt lên, tìm thấy ý nghĩa đời mình khi biết giúp đỡ người khác và làm những việc có ích cho cuộc đời.
=> Nhận xét chung về cuộc đời và tính cách của dì Mây: chiến tranh đã lấy đi của dì tuổi trẻ, nhan sắc và cả tình yêu, thân thể bị thương tật, ra khỏi cuộc chiến còn gặp tình huống trớ trêu éo le song với bản lĩnh phi thường, với tấm lòng nhân hậu cao cả và sự hi sinh thầm lặng, dì Mây đã vượt lên để thực sự sống có ích cho cuộc đời.

4. Đặc sắc nghệ thuật của truyện

- Bút pháp miêu tả (tả cảnh và diễn biến tâm lí các nhân vật) của tác giả trong truyện ngắn Người ở bến sông Châu
- Câu chuyện diễn ra trong những không gian và thời gian nào? Tìm hiểu ý nghĩa của những hình ảnh dòng sông, con đò, cây cầu xuất hiện trong truyện.
- Nhận xét về điểm nhìn trần thuật và người kể chuyện trong văn bản.
- Tả cảnh sống động; chọn đặc tả những cảnh nhằm ngụ ý hoặc chuẩn bị cho việc bộc lộ tâm trạng nhân vật: cảnh đám rước dâu qua sông, cảnh bến sông Châu lúc chập tối như báo hiệu tình huống trớ trêu, sóng gió sắp xảy ra. Cảnh đám cưới bên nhà chú San được tả sống động, hồi hộp, kịch tính; cảnh bến sông Châu mênh mang thời chiến tranh qua hồi tưởng của nhân vật đậm màu sắc sử thi, lãng mạn (đoạn 1); cảnh bầu trời, đêm sông Châu vào cuối thu bí ẩn, huyền diệu, buồn đẹp, bộc lộ tâm trạng, tình cảm gắn bó tha thiết của nhân vật đối với làng quê bên bến sông Châu (đoạn 4).
- Tả diễn biến tâm lý: diễn tả tâm lí cha con gặp nhau ở bến sông Châu giàu tính tạo hình, có sức gợi và gây xúc động; diễn tả tâm lí nhân vật San và Mây lúc gặp nhau có sự đa dạng về cung bậc tình cảm, rất hồi hộp, kịch tính: lúc đau khổ, uất ức, lúc như mê lịm đi, lúc bừng tỉnh, lúc nhớ thương da diết, cồn cào; lúc tỉnh táo, cương quyết.
- Câu chuyện diễn ra ở 2 không gian chính: không gian sinh hoạt gia đình (nhà ông ngoại và nhà chú San), không gian sông nước (bến sông - lều cỏ). Không gian nhà ông ngoại được tập trung thể hiện trong đoạn 1, ngày dì Mây về làng; không gian nhà chú San được đặc tả ở đoạn 3 gắn với việc sinh nở của cô Thanh. Không gian bến sông - lều cỏ chủ yếu nổi bật ở đoạn 2 và 4. Trong đoạn 4, không gian chiến trường cũng được gợi nhắc qua lời kể của công binh xây cầu.
Chuyện diễn ra trong thời gian: ngày đầu tiên dì Mây trở về sau chiến tranh; những ngày tháng dì Mây sống ở bến sông Châu (chèo đò chở học sinh qua sông, làm ý tá ở trạm xá, nuôi nấng thằng Cún). Thời gian tuyến tính được xen kẽ bởi những khoảng thời gian quá khứ được gợi lại qua các hồi ức, đối thoại (nhan sắc, tình yêu của dì Mây và chú San trước chiến tranh, tình huống dì Mây bị thương ngoài mặt trận vì che chắn cho thương binh Quang).
- Tác giả miêu tả một số hình ảnh như dòng sông, con đò, cây cầu… vừa có nghĩa thực vừa mang tính ẩn dụ, biểu tượng. Dòng sông gợi lên ý nghĩa về dòng đời bí ẩn, nhiều biến động, sóng gió (như tình yêu của dì Mây và chú San), nhiều hoàn cảnh trớ trêu, đau khổ (như cuộc đời dì Mây, thím Ba, thằng Cún); con đò là hình ảnh tượng trưng cho thân phận con người (dì mây “lỡ đò”), cho sự chia li, sự chuyên chở, nâng đỡ (dì Mây chèo đò đưa chú San đi học nước ngoài, dì Mây hào phóng đưa học sinh qua sông, dì Mây đỡ đẻ cho cô Thanh); cây cầu là hình ảnh tượng trưng cho chiến tranh phá hoại ;cho sự kiến thiết, xây dựng , cho sự hàn gắn, kết nối, nghĩa tình (kết nối giữa quá khứ và hiện tại, nghĩa tình giữa dì Mây và thằng Cún, dì Mây và chú Quang), …
- Điểm nhìn: người kể chuyện có khả năng di chuyển điểm nhìn linh hoạt, từ điểm nhìn bên ngoài (kể những điều nhân vật không thấy, không biết) sang điểm nhìn bên trong (kể thông qua cảm nhận, suy nghĩ của nhân vật Mai) và ngược lại.
- Người kể chuyện có khả năng thâm nhập vào đời sống nội tâm phức tạp của các nhân vật (Mây, San, Mai, người ông), thường xuyên mượn vị trí quan sát, thái độ, cảm nhận của nhân vật Mai để kể chuyện. Bằng cách này, điểm nhìn nghệ thuật có sự chuyển đổi linh hoạt giúp người đọc biết được nhiều thông tin hơn, rõ hơn về nhân vật dì Mây, San và các sự việc có liên quan.

III. Tổng kết

- Truyện kể và ca ngợi về sự hi sinh thầm lặng, bản lĩnh phi thường, phẩm chất tốt đẹp của người nữ thương binh dì Mây cả trong và sau chiến tranh.
- Người phụ nữ ấy không gục ngã vì hai lần đau đớn, vì sự trớ trêu của số phận. Bằng bản lĩnh, nghị lực phi thường, chị đã hòa nhập vào đời sống, sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm mới, sống nghĩa tình, nhân hậu, yêu thương giữa cuộc đời.​

Xem thêm
Các bài soạn Ngữ văn 10 tại đây.
........................................
Chúc các em học tốt.
 
Từ khóa
bố cục bài người ở bến sông châu giáo án người ở bến sông châu nghệ thuật người ở bến sông châu nhân vật dì mây soạn bài người ở bến sông châu soạn văn người ở bến sông châu chi tiết tác giả người ở bến sông châu tâm trạng của dì mây tóm tắt người ở bến sông châu
3K
0
1

Triều Anh

Người yêu của văn chương ❤️
Thành viên BQT
3/12/22
606
440
63,000
Sóc Trăng
Xu
6,078,826

GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI SGK NGỮ VĂN 10, NGƯỜI Ở BẾN SÔNG CHÂU - SƯƠNG NGUYỆT MINH

* Câu 1: Tóm tắt sự việc chính.


Hoàn cảnh gặp gỡ trớ trêu của hai nhân vật dì Mây và chú San. Bởi ngày dì Mây khoác ba lô về làng cũng là ngày chú San đi lấy vợ. Chú lấy cô Thanh, giáo viên ở xóm Bãi bên kia sông. Chú San mặt rạng rỡ, lúc nào cũng cười cười còn dì Mây giọng cứ thế nghèn nghẹn lại.

* Câu 2: Lời đối thoại giữa các nhân vật và lời bình luận của người kể chuyện.

- Cuộc đối thoại giữa dì Mây và chú San:
+ Lời thoại của Chú San luôn nhận lỗi về phía mình, cầu xin dì có một cuộc nói chuyện với chú.
+ Lời thoại của dì Mây là sự từ chối.
=> Cuộc đối thoại diễn ra chóng vánh nhưng người đọc có thể cảm nhận rõ sự đau khổ trong tâm trạng của hai nhân vật.
- Lời bình luận của người kể chuyện:
Lời bình giúp người đọc dễ dàng hình dung ra không gian đối thoại giữa hai nhân vật cũng như tâm trạng, hành động của họ trong cuộc đối thoại.

* Câu 3: Tác dụng của biện pháp điệp từ trong đoạn văn.

- Biện pháp điệp từ được sử dụng trong đoạn này:
+ “Từng cánh, từng cánh hoa đỏ tươi rắc đầy lối xuống đò”.
+ “Đò ngang bồng bềnh, bồng bềnh”.
- Tác dụng:
Nhấn mạnh đặc điểm rơi nhẹ, nhiều của những cánh hoa đỏ tươi và trạng thái của con thuyền. Từ đó, vẽ nên một không gian lãng mạn trong chuyến đò dì Mây tiễn chú San đi sang nước ngoài học.

* Câu 4: Hình dung tâm trạng và thái độ của các nhân vật.

- Tâm trạng và thái độ của nhân vật chú San:
Chú San bồi hồi nhớ lại và kể cho dì San nghe về những ngày tháng thiếu vắng dì San. Tình yêu thương mà chú dành cho dì ngày nào một lần nữa bùng cháy. Chú cũng rất kiên quyết và mong muốn cả hai sẽ làm lại từ đầu.
- Tâm trạng và thái độ của nhân vật dì Mây:
Cũng như chú San, tình cảm trong dì Mây vẫn đong đầy, nguyên vẹn như thuở đầu. Dì cũng nhớ lại những ngày nơi Trường Sơn thiếu vắng chú. Nhưng, khi nghe chú San đề nghị sẽ cùng làm lại từ đầu, dì Mây dường như bất ngờ, rồi dần lặng đi, người rũ ra.
- Tâm trạng và thái độ của nhân vật cô Thanh:
Cô Thanh đứng bên kia hàng râm bụt cứ đi đi lại lại. Chốc chốc lại dứt lá râm bụt xoàn xoạt => tâm trạng lo lắng, bồn chồn.

* Câu 5: Nhận xét về thái độ và quyết định của nhân vật dì Mây.

- Tình huống: Trong lòng chú San, tình cảm với dì Mây vẫn đong đầy nên chú ngỏ ý muốn quay lại và cùng sống chung với dì Mây, trong khi chú vừa lấy vợ.

- Quyết định của dì Mây:
+ Dì mây kiên quyết từ chối, mặc sự cố gắng níu kéo của chú San.
“Thôi! Thôi! Lỡ rồi! Đằng nào cũng chỉ một người đàn bà khổ. Anh về đi!” hay “Sự thể đã thế, cố mà sống với nhau cho vuông tròn”.
=> Thái độ của dì Mây rất cương quyết nhưng vẫn có đôi chút sự hụt hẫng, đau lòng bởi dì vẫn còn yêu chú San rất nhiều. Quyết định của dì Mây là đúng đắn. Từ đó, người đọc cảm nhận được dì là một người hiểu chuyện, cảm thông cho số phận của những người phụ nữ, biết quan tâm đến hạnh phúc của người khác.

* Câu 6: Thái độ của các nhân vật.

- Những người hàng xóm có thái độ cảm thông, xót xa cho số phận của dì Mây.
- Dì Mây khi tiếp khách thì khá ngượng ngùng. Khi khách đã về, dì ra bến sông Châu ngồi, tâm trạng lại thơ thẩn, lặng im, nhớ về chú San cùng với tâm trạng nuối tiếc.
- Nhân vật Mai vui vẻ khi dì về.

* Câu 7: Chi tiết về mái tóc dì Mây trước đây và bây giờ có ý nghĩa.

- Mái tóc của dì Mây trước đây:
+ Tóc dài (phải đứng lên ghế để chải tóc), đen óng mượt.
+ Tóc bồng bềnh như mây.
- Mái tóc của dì Mây bây giờ: tóc rụng nhiều, xơ và thưa.
=> Mái tóc của dì Mây trước đây và bây giờ đã có sự khác nhau đến chua xót. Nguyên nhân do dì Mây đi bộ đội, đối mặt với những khó khăn, bom đạn, dịch bệnh nơi chiến trường. Từ đó, người đọc càng cảm nhận rõ hơn tác hại của chiến tranh gây ra cho con người và sự thiệt thòi cho người con gái.

* Câu 8: Tâm trạng của nhân vật dì Mây.

Tâm trạng của dì Mây cũng không khá hơn là bao. Đôi lúc, thấy dì Mai chợt cười nhưng khi nghe lũ trẻ nhắc đến chuyện lấy chồng, dì lại thoáng buồn.

* Câu 9: Tình huống giúp nhân vật Mây bộc lộ phẩm chất và nhân cách.

- Tình huống giúp nhân vật bộc lộ phẩm chất và nhân cách:
+ Vợ chú San vượt cạn thiếu tháng, thai ngôi ngược lại tràng hoa quấn cổ. Thím Ba đã loay hoay đỡ mãi nhưng không được, cô Thanh cũng đuối dần, nguy cơ tử vong khá cao.
+ Hoàn cảnh: đêm mưa to, đường lên huyện quá xa, đò ngang cách trở, mưa gió dầm đề.
+ Dì Mây lúc này đã khoác áo mưa đến và đỡ đẻ thành công cho cô Thanh.
=> Tác giả đã xây dựng tình huống rất hay để làm nổi bật phẩm chất và nhân cách của nhân vật dì Mây. Bởi, chú San là người đã phản bội tình cảm của dì Mây nhưng dì không chút thù oán, không vì chuyện cá nhân mà ngó lơ tình thế nguy hiểm của vợ chồng chú. Từ đó, người đọc cảm nhận rõ dì Mây luôn quan tâm đến người khác, bao dung, vị tha, có trách nhiệm trong công việc của mình.

* Câu 10: Ý nghĩa chi tiết dì Mây lại khóc.

- Tình huống: Sau khi đỡ đẻ thành công cho cô Thanh – vợ chú San, dì Mây đã gục luôn xuống bàn đỡ đẻ và khóc tức tưởi.
- Dì Mây khóc như vậy bởi lẽ người được hưởng hạnh phúc ấy đúng ra là dì Mây. Nhưng giờ đây, khi dì trở về, chú San đã lấy vợ. Đó cũng là lúc những hi vọng, chờ mong, niềm ao ước về một cuộc sống hạnh phúc cùng nhau đã bị dập tắt. Dì Mây khóc cho chính số phận mình, có lẽ giây phút đó, dì đã quá tủi thân và bởi những nỗi đau mà dì chịu đựng, dồn nén trong lòng quá lâu, chỉ trực chờ một khoảnh khắc nào đó, khoảnh khắc mà người con gái ấy không thể gồng mình lên chống đỡ được nữa thì giọt nước mắt ấy sẽ tuôn rơi.

* Câu 11: Hậu quả của chiến tranh qua số phận nhân vật thím ba, Cún

-
Tình huống: Bến sông Châu vẫn đầy bom bi chưa nổ và thím Ba vì đun te vướng bom bi nên đã qua đời. Vì vậy, thằng Cún đã mất mẹ và được dì Mây nhận nuôi.
- Từ nhân vật của thím Ba, thằng Cún, người đọc cảm nhận rõ hậu quả cay đắng mà chiến tranh để lại. Đó là những sự mất mát đáng tiếc, là những đứa trẻ bơ vơ, không nơi nương tựa vì bố mẹ chúng đã mất vì chiến tranh.

* Câu 12: Những thông tin quan trọng trong đoạn văn

- Dì Mây được một người thủ trưởng tán nhưng không đổ à Tình cảm sâu nặng và sự thủy chung của dì Mây.
- Công việc của dì Mây ở nơi chiến trường và nguyên nhân khiến chân dì bị thương (Dẫn chứng: Dì Mây chắn cửa hầm che chở cho thương binh. Bom nổ người lính công binh sốt rét tóc rụng trọc đầu vẫn lành lặn, còn cô ý sĩ Trường Sơn bị mảnh đạn phạt một chân”).

* Câu 13: Ý nghĩa sự thay đổi trong tiếng ru của dì Mây.

Tiếng ru của dì Mây “lúc đầu trầm lắng, nghèn nghẹn, xót xa, sau êm ái, trong sáng, mênh mang, ngân nga sâu lắng tận sâu thẳm con tim những người lính”.

=> Sự thay đổi trong tiếng ru của dì Mây dường như cũng là sự thay đổi trong tâm trạng. Có lẽ, tâm trạng lúc đầu của dì Mây vẫn còn chất chứa sự tủi thân, nỗi buồn từ những chuyện chẳng vui nhưng dần dần, dì đã chấp nhận được sự thật và cùng chung sống với nó.
........................................
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top