sáng tác Chàng kia ơi!

sáng tác  Chàng kia ơi!

***
Mây mù bao quanh bao thành trì cổ, tiếng người, tiếng ngựa hòa vào với làn gió lạnh. Trời đổ cơn mưa đầu mùa ầm ầm dập đi ánh lửa, quân lính chạy hớt hải lên xuống vào thành. Cánh cổng bằng đồng vững chãi được đóng kín, người ở dưới nghe được chỉ huy trên thành hô:

“Quân ta toàn thắng, rút quân.”

Khắp mạn bắc là quân nước Đại Việt rút vào, tuyến phòng thủ được giữ vững. Tiếng hò reo khắp năm quân chấn động cả đất trời:

“Đại Việt muôn năm, Đại Việt muôn năm!”

Tướng chỉ huy tên Quế là một bậc anh dũng, giặc đã đến tận cùng không cần đuổi theo chỉ cần để chúng thấy được sự nhân từ của quân ta là đã bảo vệ được bờ cõi đất nước mười năm tới không bị loạn lạc. Ông đã ngoài năm mươi, mái tóc đã bạc phơ bên mai, cả khuôn mặt hiện lên sự uy dũng của một tướng quân cả đời người trên lưng ngựa.

Chợt, ông nhớ ra vị phó tướng đang bị thương trong thành, chàng ta là một thanh niên tài đức vẹn toàn, tuổi mới chỉ ngoài hai mươi. Đường công danh sáng rực rỡ nên lão cũng có ý muốn gả con gái cho vị tướng tài này, thế nhưng chàng ta đã có hẹn ước với một người bạn thanh mai trúc mã chốn quê nhà. Lại nhớ đến lời cầu khẩn của chàng ta sau trận này muốn được về quê cũ. Xem xem trí nhớ của ông, thật là đã già rồi, chàng ta vậy mà đã vào quân ngũ được năm năm có lẻ rồi.

Thanh nằm ở trên sạp, mồ hôi lạnh túa ra như tắm, vết thương chém đúng bên sườn phải khiến anh như mất đi nửa cái mạng. Nhưng trận này đánh hay lắm, đáng lắm, hơn nửa năm trời hai bên giằng co trên ngọn núi Tam Điệp nhờ sự bền gan nằm gai nếm mật mà quân ta đã thắng. Bên ngoài căn phòng anh em trong quân ngũ đang mải miết thu dọn chiến trường, không chỉ có Thanh mà hàng trăm binh lính khác cũng bị thương không nhẹ. Trong cái gió lạnh thét gào của đầu đông, Thanh dần thiếp đi vào giấc mộng.

Người con gái mới tết tóc hai bên, đầu đội nón che đang lội qua suối về nhà. Đôi chân nàng trắng muốt đùa nghịch với dòng nước chảy xiết, nắng trên cao đã gắt lắm rồi mà nàng vẫn chưa chịu về, gồng sắn sau lưng cứ nhấp nhô, nhấp nhô theo bước chân tinh nghịch.

Đột nhiên nàng nhìn ra phía xa xa, chàng thiếu niên đang từ trên núi gánh củi về. Chà, hình như chàng trai kia là con nhà bác Lương mới chuyển đến thôn làng, không biết chàng ta tên gì nhỉ?

“A...ôi trời!”

Cứ mải miết suy nghĩ đôi chân nàng vấp phải hòn đá cuội trơn trượt, thế là guồng sắn sau lưng đổ ập xuống rơi thẳng vào dòng nước chảy xiết.

Trời ơi, trời ơi làm sao đây, nước chảy trôi sắn xuống hồ sâu mất, lần này sẽ bị mẹ mắng chết. Đột nhiên trong đôi mắt nàng chợt nảy ra một ý, nàng nhìn chàng trai đang gánh đòn kia, hô to:

“Chàng kia ơi!”

Nghe thấy tiếng gọi, Thanh dừng hẳn bước chân ngoái đầu lại nhìn. Chỉ thấy cách chàng vài chục bước chân, một thiếu nữ chừng mười bốn mười lăm mặc chiếc áo vải thô, khuôn mặt nàng hơi ửng đỏ do đứng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt.

“Nàng gọi ta ư?”

“Phải ạ.”

Chàng để lại gánh củi xuống dưới, lại nhìn những củ sắn đang bị dòng nước chảy xiết. Hiểu được chuyện gì đang xảy ra, chàng nhanh chóng chạy đến cùng nàng vớt những củ sắn đang trôi nổi trên dòng.

“Phù, mệt quá, cảm ơn chàng đã ra tay giúp đỡ.”

Hai người mệt lử ngã người xuống tảng đá bên gốc cây đề. Thật may là tất cả sắn đã được xếp gọn, chợt nhớ đến đã quá trưa, nàng còn phải về nhà nấu cơm cho cha mẹ nữa.

“Tôi phải về có việc gấp, khi khác gặp lại chàng sau nhé!”

Thanh ngẩn ngơ nhìn bóng người con gái đang chuẩn bị rời đi, lòng chàng chẳng nỡ nhưng với tính nhát của mình chẳng sao mà mở lời được. Mãi đến lúc nàng đã đi sắp khuất sau hàng cây, chàng mới vội vã hô:

“Nàng...nàng tên là gì thế?”

Thiếu nữ hơi quay đầu nhìn chàng trai đứng bên suối, nàng cười tủm tỉm nói:

“Tôi tên là Hạnh.”

Bóng người đi đi khuất chỉ còn Thanh đứng ngây ra đấy. Dường như đến con chim cũng cười nhạo sự rụt rè của chàng, nó hót lanh lảnh một tiếng rồi vụt bay đi.

Thì ra là Hạnh, cây hạnh đơm bông!

Thanh bừng tỉnh dậy, kí ức ngọt ngào thuở thiếu thời khiến chàng vẫn cứ ngây ngẩn trong gian phòng. Chàng nghe thấy tiếng chim sáo đậu ở ngoài, tiếng chim vẫn lanh lảnh, vẫn trong vắt như xưa, đã năm năm rồi chưa trở về. Chiến loạn khiến thư từ cũng chẳng về được quê hương nhưng mà, chẳng phải là chàng sắp được tung vó về quê nhà, áo gấm công danh đường đường chính chính cầu hôn nàng sao?

“Tướng quân, thuộc hạ muốn về quê.”

“Ngay hôm nay ư? Vết thương của ngươi chỉ mới lành, ngươi nên nghỉ ngơi dăm ba hôm nữa.”

“Xin người tác thành cho mong muốn của thuộc hạ.”

Lão Quế nhìn chàng, hơi thở dài một tiếng, đành chấp nhận:

“Thôi được, mùa xuân năm sau nhớ đến đây để chỉnh đốn quân ngũ.”

Tiếng vó ngựa ầm ầm như rền vang khắp nẻo đường, từ miền núi trập trùng uốn lượn đến đô thành phồn hoa. Đã qua kinh thành Thăng Long, chỉ một chút, một chút nữa thôi là chàng sẽ về với mẹ cha, về với nàng. Lửa nóng trong trái tim người thanh niên hừng hực, chàng đã đổi biết bao nhiêu con ngựa, mỗi ngày chỉ nghỉ ba canh giờ, đến lúc nằm mơ cũng nhớ tới lời thề đêm ấy.

“chàng nhất định phải bình an trở về, thiếp chẳng mong chàng áo gấm về làng vinh hoa phú quý chỉ mong người được an khang. Cho dù chỉ có một ngày thiếp vẫn sẽ đợi chàng.”

Những ngày trên chiến trường máu tanh nhìn từng đồng đội của mình ngã xuống. Thanh nghĩ, hay là nàng hãy đi lấy chồng, đừng đợi chàng nữa, nếu mà có một ngày chàng tử trận nơi sa trường hoang vắng, nàng biết làm thế nào?

Nhưng chàng vẫn ích kỉ lắm, chàng học được cách tồn tại nơi chiến trường. Chàng học được cách cầm máu, học được cách kìm nén tiếng rên đau đớn mỗi khi có nhát kiếm đâm tới. Vậy mà chàng làm được rồi, chàng đã sống, chàng không muốn nàng gả đi, chàng thúc ngựa thật nhanh, thật nhanh hơn nữa để về nhờ song thân sang nhà nàng cầu ước.

Thôn Điền vẫn vui vẻ, vẫn phồn thịnh như ngày xưa. Chàng nhìn những con người thân quen mà lòng như tiếp thêm hơi ấm, đó là bác Phương, bác Ngọ hay đi hái thuốc, tiếng ồ vang rộn rã khắp cả xóm.

“Ôi, con trai nhà ông Lương đã về rồi, ông Lương ơi…”

Bà con xóm trên làng dưới tưng bừng lắm, ông Lương vừa đi đánh cá ngoài suối cũng lật đật chạy về. Ông nhìn con trai, nỗi nhớ thương ùa về thật sâu. Rồi ông nhìn bà vợ, đôi mắt mà đỏ ửng lại pha chút lẩn tránh, ông chợt nhớ ra, thế mà…

“Cha mẹ, con trai bất hiếu giờ này mới về.”

Ông bà Lương vui lắm, tối hôm đấy mở tiệc thiết đãi bà con họ hàng. Xem kìa, chàng Thanh ngày ngày đốn củi trên núi nay đã thành tướng quân công thành danh toại rồi. Đây chẳng phải là cơ hội tốt sao, nếu con gái mình mà có một tấm chồng như thế thì còn gì bằng.

“Này cháu, nay cháu đã về quê thế đã tính đến việc thành gia lập thất chưa?”

Khuôn mặt rám đen của chàng sững lại, chàng hơi mỉm cười, nói:

“Thưa cô, cháu đã có vị hôn phu rồi, nàng ấy…”

“Ôi dào ơi, là cọn Hạnh ở làng bên á, nó đi lấy chồng từ mấy năm trước rồi.”

Lời nói của người phụ nữ làm Thanh giật mình, chàng quay ra nhìn cha mẹ, sắc mặt hai người đều tối sầm. Chàng biết, vậy mà chàng đọc được trong ánh mắt kia là sự bất lực và đớn đau, nàng chẳng lẽ đã.

“Cô ơi, nàng đã lấy chồng ư? Nàng lấy ai, lấy ai?”

Tiếng hỏi dồn dập của chàng thiếu tướng khiến người phụ nữ hơi sợ hãi, thì ra trong ánh mắt kia là sát khí của chiến trường nghìn người đã ngã xuống.

“Ta...ta, con bé ấy đã lấy chàng Trương buôn vải cùng làng.”

Tiếng nói mới chỉ vừa dứt, chàng đã chạy ra ngoài cưỡi lên lưng ngựa. Tiếng vó ngựa ầm ầm chạy đi chỉ còn để lại sự ngơ ngàng của làng xóm.

Chàng đã đến nhà chàng Trương rồi, ngay sau biệt viện chàng đứng đấy, im lặng. Chàng thật ra rất sợ hãi, nếu như nàng đang hạnh phúc, nếu như bóng nàng xuất hiện trong căn nhà này, chẳng phải nàng hứa là sẽ gả cho mình chàng thôi sao, giờ này sao lại nuốt lời cơ chứ?

Gió rét rít gào qua từng lớp ngói, đêm càng về khuya trong căn phòng kia chỉ còn một ngọn đèn. Bóng người phụ nữ in trên tường, sao mà bóng kia giống thế, thật giống nàng ngày nào đơm từng đường kim mũi chỉ khâu áo. Lại nhớ đến đã bao nhiêu năm trước, chàng cũng vụng đứng bên góc tường nhà nàng ngắm người con gái mình yêu chăm chú như thế.

Người phụ nữ mở cửa phòng đi ra ngoài, nàng chợt giật mình. Dưới gốc cây hạnh, có bóng ai đứng đấy nặng nề quá đỗi. Suýt nữa thì nàng bật kên tiếng hét. May mắn là người bên gốc cây đã bước ra, từ từ mà rung động.

Nàng thẩn thờ, người kia vậy mà sao giống chàng thiếu niên năm xưa thế. Này đôi mày ngài, này đôi mắt, này sống mũi và đôi môi. Kìa, đó chính là chàng!

“Thanh...chàng đã về rồi ư?”

Nàng đứng đó trên hiên nhà nhìn người từng yêu sâu đậm. Thanh nhìn nàng, trái tim dường như ngừng đập, sao mà cơn gió lạnh quá khiến đôi môi chàng tím tái không thốt được nên lời. Chàng muốn hỏi tại sao, muốn hỏi lời thề năm xưa cứ vậy mà tuôn qua gió lạnh sao?

Hạnh hơi khụy gối ngồi xuống bên hiên, nàng giờ đây đã là phụ nữ có chồng, nàng không thể chạy lại ôm chàng như cái thuở thiếu thời ngây thơ kia nữa, không thể.

“Chàng, khỏe chứ?”

“Vì lẽ gì, vì lẽ gì mà nàng không chờ ta?”

Tiếng chàng khản đặc như con sói khát máu sống, nhìn lại bóng hình xưa sao xa lạ đến thế.

Hạnh chẳng thể nhìn vào đôi mắt rực cháy kia, nàng khép đôi mi, từ tốn nói:

“Chàng đi lâu quá, thiếp không đợi được nữa. Tướng công của thiếp rất tốt với thiếp, vậy nên xin chàng hãy quên đi câu hẹn ngày xưa. Chàng cũng nên đi tìm hạnh phúc của mình thôi.”

Chàng vội xông tới, ghì lấy đôi vai nàng ấn thật chặt, nỗi đau đớn của trái tim giằng xé khiến chàng muốn phát tiết hết thảy những giận dữ và kìm nén, chàng nói trong đau đớn:

“Sao nàng lại quên đi ta, sao nàng lại vội vã đến thế, ta đã nhớ nàng biết bao. Ngay cả tấm khăn mà nàng tặng ta đến nay nó vẫn giữ đến bên người. Đôi uyên ương kia vẫn đẹp như thế, chúng hạnh phúc như thế…”

Nàng ngắt lời chàng, giọng nàng trong gió đêm đặc biệt lạnh:

“Ta biết, ta biết chứ nhưng chàng biết không, lúc nhà ta chẳng có lấy một cắc bạc mua thuốc sắc cho mẹ, người giang tay cứu ta là chàng Trương. Những lúc mà ta suy sụp nhất chàng đều không có mặt, chàng nói công danh sự nghiệp cao cả kia nhưng ta không cần. Vậy mà chỉ có gió lạnh hằng năm cứ quấn lấy thân, chàng bảo ta phải biết làm sao?”

Đến cuối, nàng cũng chẳng giữ nổi bình tĩnh, đôi mắt nàng đỏ lựng lên. Vậy mà nàng cứ nghĩ nước mắt nên khô từ cái ngày mà nàng mặc áo đỏ lên kiệu lấy chồng. Cái rèm che mặt thêu hình uyên ương đêm ấy khiến nàng gào khóc. Nhưng trời thật biết trêu người, đã hai năm kể từ ngày lấy chồng, nàng đã chẳng khóc rồi!

Tiếng con khóc trong phòng làm nàng giật mình. Nàng quay mặt đi. Thanh từ từ buông thõng đôi bàn tay xuống, thất thần nghe tiếng khóc của trẻ con vang vọng trong đêm khuya.

Nàng vào phòng, đóng chặt cửa lại. Một tay nàng ôm con, tay còn lại che đi khuôn miệng đang bật khóc. Không, nàng không muốn chàng thấy tiếng khóc này, chàng vô tâm lắm, đã bao đêm nàng khóc đau đớn như vậy, đã bao đêm nàng mong chàng về, vậy thì cớ gì mà nước mắt này lại chảy vì chàng?

Thanh bước từng bước ra về. Ôi cái gió tháng chạp làm người lạnh lẽo, sao mà chàng không ngã nơi chiến trường kia đi, chàng còn sống để làm gì, để về nhìn nàng trách móc kia ư? Nhưng nàng trách đúng lắm, chàng vì công danh, vì lợi lộc nên mới ra đi, là chàng, là chàng sai mới phải!

Thôn dân trong xóm Điền chẳng hiểu tại sao chàng lại bỏ đi sớm thế kia. Ngày chàng đi gió rét rít gào đến nẫu ruột, cha mẹ chàng khóc thương con nhưng vẫn đành để chàng đi. Này áo gió đội mưa, chàng kia ơi, chàng đi sao?

Chiến trường chỉ một màu xám xịt, quân đội địch đông đúc vô kể. Thật là quái lạ, thế mà chúng vẫn còn chưa bỏ ý định xâm lược đất ta. Trận này nếu không bị giã cho tan bành thì chúng thật chẳng chịu nhượng bộ!

Nhưng điều khiến lão tướng quân đau đầu nhức óc là phó tướng kia cứ đòi nằng nặc ra trận tiên phong. Cái vết thương của chàng ta đã chắc vảy đâu chứ, thật chẳng hiểu được chàng ta lại thục mạng thế kia mà ra trận nữa.

Ông gọi một tên thân tín vào phòng, nói kín:

“Này, phải canh chừng không kẻo thằng Thanh gặp nguy mất.”

“Vâng, chú cứ yên tâm.”

Độ đi cùng Thanh vào rừng sâu, thế giặc đã yếu đi rồi, nếu cứ tiếp tục đuổi nữa e là không ổn mất. Chàng lệnh cho quân lính đuổi sát theo phó tướng không được để Thanh có sơ suất gì mới được.

Bỗng từ đâu, mũi tên cuối của kẻ sắp gần kề cái chết căng lên. Một phát trúng vào ngực quân Đại Việt. Chàng thanh niên ngã từ trên ngựa xuống, trập trùng như lá rụng.

Thật ra thì chàng ta chẳng thể sống được bao lâu nữa, trên người chàng ta chằng chịt vết thương. Có những vết thương làm chảy máu ướt đẫm bộ quân phục màu đen, chẳng ai nhận ra chàng đã suy yếu lắm rồi nhưng mà sao chàng muốn đi thế, chàng muốn đuổi chúng qua khỏi bờ suối, đuổi chúng đi khỏi những cái cây, đuổi bọn khốn ngày ngày rình chờ cướp đất nước nam.

“Thanh, ngươi sao rồi, cả người ngươi chảy đầy máu.”

“Ta...ngươi mau lấy trong ngực ta...cái khăn.”

Từng lời nói khó nhọc rít ra từ cuống họng. Độ vội lấy từ trong ngực ra chiếc khăn nhưng mà hình như, nó rách ra rồi thì phải, rách làm đôi chẳng thể vá lại.

“Ha...ha...ha, khụ...khụ.”

Đến cuối cùng thì chẳng còn gì nữa, chàng nhận thua rồi, chàng xin lui bước. Không oán, không hận, không trách nữa. Hạnh ơi, dưới gốc hạnh trong rừng, ta đã khắc tên nàng và tên ta, trường tồn cùng thân cây. Ta, ta sai rồi, nàng có thể tha thứ cho ta không, sau này ta sẽ không đi nữa, ta sẽ bảo vệ nàng mà.

Phó tướng đã không ổn rồi, Độ rít gào thuộc hạ mang cáng đưa chàng về. Máu chàng chảy xiết quá, từng dòng máu đỏ tươi thấm ướt lấy bộ quân phục màu đen, chẳng ngừng.

Đôi mắt chàng nhắm lại, hơi thở đứt đoạn như đang báo những giây phút cuối cùng, chàng không nhìn thấy gì nữa, chàng nhớ đến cái giọng nói lanh lảnh ngày nào, chàng nhớ đến cô thiếu nữ kia bên bờ suối, nàng rất đẹp, tóc của nàng đen nhánh đung đưa theo gió. Nàng ngày ấy yêu chàng biết bao. Ôi...chàng phải nhớ xem...Nàng...nàng nói điều chi…

“Chàng kia ơi!”

Phải là nàng hay là điều ước cuối cùng của chàng?

***
 
762
2
1
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.