Chia Sẻ Chọn lọc mở bài và kết bài các tác phẩm 12 hay nhất

Chia Sẻ Chọn lọc mở bài và kết bài các tác phẩm 12 hay nhất

Anh Tony
Anh Tony
Một bài văn nghị luận văn học hay là bài viết mà ngay từ phần mở đầu phải tạo được sức hút, chiếm được cảm tình, chạm đến trái tim của giám khảo. Tuy đây không phải phần trọng tâm nhưng lại là phần không thể thiếu, góp phần làm nổi bật vấn đề nghị luận. Mở bài hay sẽ tạo cho người đọc sức cuốn hút, hấp dẫn của bài viết và kết bài độc đáo sẽ để lại ấn tượng cho người đọc, giám khảo. Đó chính là bí quyết để bạn đạt kết quả cao trong kì thi Tốt nghiệp THPT Quốc Gia.

ĐẤT NƯỚC

Nguyễn Khoa Điềm



- Mở bài:
1. Không biết tự bao giờ mà hai tiếng “Đất Nước” trở nên thiêng liêng và ăn sâu vào tâm thức mỗi người. Đất nước hiền hòa trong miền cổ tích ấu thơ, đất nước tươi đẹp nhưng cũng đầy biến động mà ta nhận ra khi đã trưởng thành, đất nước bao dung che chở xác thân người khi bình an xuôi tay nhắm mắt… Trong văn chương, đất nước vốn là một đề tài quen thuộc. Nguyễn Khoa Điềm – nhà thơ trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mỹ - đã nối tiếp thế hệ văn nghệ sĩ đi trước một lần nữa viết về đất nước bằng ánh nhìn của một người trí thức hiện đại, ý thức được sứ mệnh của mình đối với non sông, kêu gọi tuổi trẻ Việt Nam xuống đường hòa cùng không khí sục sôi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trích đoạn “Đất Nước” nằm ở phần đầu chương V của trường ca “Mặt đường khát vọng” (sáng tác năm 1971) đã thể hiện những nhận thức sâu sắc mới mẻ về đất nước, làm sáng tỏ tư tưởng Đất Nước của Nhân dân trong văn học Việt Nam.

2. Nhà văn Pháp Mác – xen – pruts từng cho rằng: “Một cuộc thám hiểm không cần đến một vùng đất mới mà cần đến một đôi mắt mới”. Cùng viết về đề tài đất nước, song mỗi cây bút lại có một cảm nhận khác nhau. Có đất nước thanh bình, yên ả; có đất nước bão động, chiến chinh; có đất nước linh thiêng với những tên tuổi mang tầm vóc thời đại; cũng có đất nước lặng thầm với những người nhỏ bé, vô danh… Bằng “đôi mắt mới” của người trí thức đô thị, Nguyễn Khoa Điềm đã phát hiện ra “một hình ảnh đất nước giản dị, gần gũi nhất” qua trích đoạn “Đất Nước” (trích chương V trường ca “Mặt đường khát vọng”, được viết năm 1971). Đoạn trích kết tinh tư tưởng sâu sắc mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm, cũng là đóng góp to lớn của ông đối với thơ ca dân tộc.

- Kết bài:
Trong bài “Lời chào”, Nguyễn Khoa Điềm đã viết:
Tôi lớn lên lấp lánh những sắc hồng
Phượng cứ nở hoài hòa như đếm tuổi
Bỗng chiều nay một buổi chiều dữ dội
Tôi nhận ra mình đang lớn lên…
Nhà thơ nhận ra “mình đang lớn lên”. “Mình đang lớn lên” hay chính tuổi trẻ miền Nam “đang lớn lên”, đang tận hiến trí tuệ và sức lực của mình cho non sông, Tổ quốc? Bằng những hình ảnh gợi cảm, giọng thơ sôi nổi, lúc thiết tha, Nguyễn Khoa Điềm đã thuyết phục người đọc qua lí lẽ đơn giản mà sâu sắc: chính nhân dân lao động đã tạo dựng, giữ gìn, làm nên truyền thống nghìn đời của dân tộc. Từ đó, tác giả muốn thức tỉnh ý thức, tinh thần dân tộc, tình cảm gắn bó với nhân dân, với đất nước của tuổi trẻ Việt Nam trong những ngày đánh Mỹ.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Từ khóa
kết bài mở bài ôn thi thpt ôn thi đại học lớp 12 song vợ chồng a phủ đất nước
2K
0
3

Vanhoctre

Văn Học Trẻ
Thành viên BQT
19/8/19
804
680
362,999
Việt Nam
vanhoctre.com
Xu
1,336,147
VỢ CHỒNG A PHỦ

Tô Hoài



- Mở bài:
1. Tô Hoài - một trong những nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Ông có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục, tập quán của nhiều vùng miền khác nhau của đất nước. “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm xuất sắc của Tô Hoài (1952) in trong tập “Truyện Tây Bắc”. Tác phẩm là kết quả của chuyến đi cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc. “Vợ chồng A Phủ” là câu chuyện về những người lao động vùng cao Tây Bắc không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, giam hãm trong cuộc sống tăm tối đã vùng lên phản kháng, đi tìm cuộc sống tự do. Trong truyện, hình tượng nhân vật Mị gây ám ảnh trong tâm hồn người đọc, góp phần thể hiện rõ chủ đề truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” và tư tưởng của nhà văn Tô Hoài.

2. “Ta hẹn cùng em Tây Bắc nhớ
Nghe như tiếng ngựa ở bên mình
Sớm sương mờ ảo như hơi rượu
Ngang núi mùa thu bóng nắng nghiêng”

Nhắc tới Tây Bắc, chắc hẳn ta sẽ nghĩ ngay đến cảnh núi non trùng điệp, màu hoa ban, suối chảy róc rách, những điệu múa xòe, những sớm sương cheo leo đỉnh núi mờ mờ ảo ảo. Nhưng không, có một Tây Bắc rất khác trong “Vợ chồng A Phủ” của Tô Hoài. Một Tây Bắc đượm buồn với những người lao động bị áp bức, đoạ đày, giam hãm trong cuộc sống tăm tối mà tiêu biểu là hình tượng nhân vật Mị. “Vợ chồng A Phủ” (1952) – một minh chứng rõ ràng cho chân lí “Hạnh phúc là đấu tranh” chứ không phải là hành trình may rủi, đồng thời cũng làm sáng tỏ con đường đi tìm cuộc sống tự do của đồng bào Tây Bắc trong thời kì kháng Pháp.

3. Tây Bắc trong ta là miền núi non tuyệt đẹp, còn Tây Bắc trong Tô Hoài là “món nợ ân tình” sâu nặng mà ông “phải trả” bằng con chữ của mình. “Chéo lù! Chéo lù!”, lời chào mộc mạc của vợ chồng A Phủ đã để thương để nhớ trong Tô Hoài, thôi thúc ông đặt bút viết nên những dòng văn ngọt ngào như cổ tích mà đau đáu như hiện thực Tây Bắc dưới chế độ thực dân – phong kiến. “Vợ chồng A Phủ” là tác phẩm mà Tô Hoài đã trả “ món nợ ân tình” cho đồng bào nơi đây. Bởi lẽ họ nặng tình quá! Họ hiền hòa như dòng suối êm đềm chảy lặng lờ giữa rừng cao núi thẳm. Và khi kháng chiến bùng lên, họ lại quật cường, anh dũng, không tiếc máu xương cho bản làng, cho quê hương thân yêu.

- Kết bài:
1. Đã nhiều lần “lá ngón” xuất hiện trong văn chương. Ở thời điểm trước đó, dân tộc Thái có bài “Tiễn dặn người yêu”, có đoạn:
Em đến rừng ớt ngắt lá ớt ngồi chờ
Em đến rừng cà ngắt lá cà ngồi đợi
Em đến rừng lá ngón ngóng trông…
Và bây giờ, Tô Hoài đã vận dụng hình ảnh này làm thành chi tiết đặc sắc trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” với nhiều dụng ý. Hành trinh giải phóng thân phận của con người vùng cao Tây Bắc được lí giải rõ ràng bằng ngôn ngữ văn chương trong tác phẩm này. Mỗi lần nhắc đến cô Mị, người ta sẽ nhớ ngay đến những lần “định ăn lá ngón tự tử” của cô gái này. Dẫu thế nào thì người đọc vẫn nhận ra nguồn năng lượng tích cực mà Tô Hoài truyền tải thông qua nhân vật, để vực dậy những tâm hồn đang ngủ vùi trong tăm tối, u mê.

2. Hơn nửa thế kỉ trôi qua, cho đến nay, Mị vẫn còn đủ sức ám ảnh tâm can con người. Một cô gái Mông xinh đẹp. Một thân phận khổ đau. Một người đàn bà mạnh mẽ chuyển mình từ “tự phát” đến “tự giác” vùng lên đi tìm cuộc sống tự do. Hơi thở Tây Bắc dường như man mác trong từng câu chữ. Ra đời đã lâu, tuy vậy truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” vẫn còn nguyên sơ giá trị của nó, văn phong Tô Hoài vẫn mang một sắc thái riêng biệt không trộn lẫn vào bất kì gương mặt nào. Và mỗi lần giở lại từng trang văn Tô Hoài, hình ảnh cô Mị vẫn tác động mạnh mẽ vào xúc cảm người đọc, buồn, đau, khổ, hạnh… mọi thứ vẫn như lần đầu khám phá không gì đổi thay…
 
  • Like
Reactions: Anh Tony

Vanhoctre

Văn Học Trẻ
Thành viên BQT
19/8/19
804
680
362,999
Việt Nam
vanhoctre.com
Xu
1,336,147
SÓNG

Xuân Quỳnh


- Mở bài:
Nhiều năm về trước, Shelley – một nhà thơ nổi tiếng nước Anh đã từng viết những dòng thơ bất hủ, tạm dịch:
Nắng ôm mình trái đất
Trăng hôn biển mặn nồng
Có nghĩa gì em nhỉ?
Nếu em còn cô đơn…
Rõ ràng đời sẽ chẳng có nghĩa gì nếu không có tình yêu, nếu hai trái tim không hòa chung nhịp đập. Tình yêu đã thổi vào lăng kính tâm hồn của các văn nghệ nghĩ nguồn cảm hứng dạt dào, bất tận, khiến cho những ngòi bút đã từng hạnh phúc, đã từng mất mát, đã từng say đắm, đã từng vỡ tan ấy cứ khắc khoải, trăn trở viết hoài. Trong giai đoạn văn học đương đại Việt Nam, nếu Xuân Diệu được mệnh danh là “ông hoàng thơ tình” thì Xuân Quỳnh lại được giới chuyên môn đánh giá là một trong những nữ thi sĩ viết thơ tình hay nhất Việt Nam. Ở đề tài tình yêu, đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của Xuân Quỳnh (cùng với “Thuyền và biển”), “Sóng” là bài thơ đẹp nhất đời thơ của chị. Tác phẩm được Xuân Quỳnh viết năm 1967 trong chuyến đi thực tế ở vùng biển Diêm Điền (tỉnh Thái Bình), trải qua hơn nửa thế kỉ đến nay vẫn giữ nguyên giá trị của nó. Từ những vần thơ đầy nữ tính, Xuân Quỳnh khắc đậm từng cung bậc xúc cảm trong tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu.

- Đánh giá chung:
Trên thi đàn Việt Nam từ xưa đến nay có rất nhiều nhà thơ nổi tiếng với những sáng tác để đời. Do nhu cầu của cuộc sống luôn luôn đòi hỏi sự xuất hiện của những nhân tố mới mẻ, những cái không lặp lại bao giờ; và nó cũng nảy sinh từ nhu cầu của quá trình sáng tác văn học, vì đó là một yếu tố quan trọng tạo nên tính hấp dẫn, sức sống của tác phẩm và tên tuổi của người cầm bút. Trong số đó, chắc chắn phải kể đến tên tuổi của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Xuân Quỳnh là một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu, trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cùng thời với nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, Lâm Thị Mỹ Dạ, Ý Nhi, Nguyễn Thị Hồng Ngát,… Xuân Quỳnh cũng là thi sĩ có những sáng tác trải dài qua hai thời kỳ: trước và sau năm 1975. Cùng cầm bút sáng tác trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, song thơ ca Xuân Quỳnh không bị nhạt nhòa, lẩn khuất trong những tác phẩm cùng thời. Người đọc sẽ nhận ra một tiếng nói riêng, phong cách riêng trong thơ Xuân Quỳnh. “Sóng” là minh chứng cho sự mới mẻ, cách khám phá độc đáo và có chiều sâu của Xuân Quỳnh về tình yêu trong tâm hồn người con gái đầy thiết tha, hi vọng.

- Kết bài:
“Hoa ơi sao chẳng nói
Anh ơi sao lặng thinh
Đốt lòng em câu hỏi
“Yêu em nhiều không anh?”…
“Yêu em nhiều không anh?” và những câu hỏi tương tự như thế cứ trở đi trở lại trong thơ tình Xuân Quỳnh. Vì lẽ gì? Phải chăng người con gái ấy vì quá yêu, quá say đắm trong tình yêu, quá mong cầu một tình yêu vĩnh hằng cùng thời gian năm tháng nên luôn luôn trăn trở, âu lo. Cớ sao “Sóng” cứ luôn dâng trào trong trái tim bổi hổi thiết tha của bao người từ lúc “Sóng” mới ra đời cho đến khi những gương mặt thơ tình mới xuất hiện như một quy luật tất yếu? Cớ sao quy luật “đào thải” trên dòng chảy của văn học Việt Nam cứ giữ lại “Sóng” và những niềm nỗi, hạnh phúc lẫn xa xót của Xuân Quỳnh đến tận bây giờ? Những tình cảm trong “Sóng” đã vượt qua sự thách thức của thời đại, sóng biển hay sóng lòng vẫn cứ mãi vỗ bờ có bao giờ ngừng nghỉ phút nào đâu…
 
  • Like
Reactions: Anh Tony

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top