CHỦ ĐỀ: GẶP GỠ - "ÁNH TRĂNG"

CHỦ ĐỀ: GẶP GỠ - "ÁNH TRĂNG"

Minn
Minn
  • Thành Viên 15 đến từ TP. HCM
27c7a13dba85a571c2110c42f4dad222.jpg
Ca sĩ Quang Dũng từng nói một câu rất hay: “Những cuộc gặp gỡ rồi chia ly vốn dĩ được xem như bản chất của cuộc sống và tạo cho cuộc sống này nhiều sắc màu và dư vị…”. Thật vậy, trên mỗi chuyến đi của cuộc đời mình, chúng ta va chạm, gặp gỡ những con người mới, bạn bè mới để rồi sẽ phải chia li. Thế nhưng những cuộc gặp gỡ đâu đến và đi một cách vô nghĩa như thế mà tất cả đều mang trong mình giá trị sâu sắc góp vào một phần trong nhân sinh quan của mỗi con người. Bằng thấu kính nhạy cảm vốn có, rất nhiều nghệ sĩ đã nhận ra điều ấy và quyết định ghi chép chúng vào văn chương. Nguyễn Duy cũng không phải ngoại lệ, ông đã mượn khổ bốn, năm và sáu trong bài "Ánh trăng" để ghi lại cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa giữa bản thân (người lính) với ánh trăng:
"Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn - đinh tối om
(...)
Ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình"

Những tác phẩm thơ của Nguyễn Duy luôn có cái hồn khiến cho người đọc cảm thấy trăn trở, suy ngẫm nhiều hơn trong từng câu thơ, "Ánh trăng" là một minh chứng cho điều đó. Được sáng tác sau ba năm kể từ ngày thống nhất đất nước, bài thơ mở ra cho độc giả một góc nhìn mới, một ý nghĩa vô cùng sâu sắc được thể hiện rõ qua ba khổ thơ cuối.

Đầu tiên là sự gặp gỡ, hội ngộ cùng người bạn khi xưa. Tác giả đã mở màn bài thơ bằng một đoạn hồi ức: quá khứ của ông gắn liền với đồng, sông, bể và đặc biệt là trăng. Vầng trăng như một người bạn đồng hành, cùng rong ruổi khắp nơi, cùng đứa trẻ trưởng thành. Ngay cả khi trở thành người lính, ánh trăng ấy cũng không ngại khó nhọc mà vẫn luôn ở bên bầu bạn cùng chàng trai. Điều này khiến tôi liên tưởng đến hình tượng ánh trăng trong các trang thơ của nền thi ca kháng chiến: "Đầu súng trăng treo" ("Đồng chí" - Chính Hữu), "Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ" ("Vọng nguyệt" - Hồ Chí Minh), "Việc quân, việc nước bàn xong/ Gối khuya ngon giấc bên song trăng nhòm" ("Đối nguyệt" - Hồ Chí Minh),... Như vậy, có thể thấy rằng trăng và người lính luôn song hành, đi đôi với nhau suốt quãng thời gian kháng chiến gian khó. Thế nhưng khi hòa bình lặp lại, cuộc sống trở nên tiện nghi hơn thì liệu người lính năm xưa có còn nhớ đến trăng? Câu trả lời là không. Bởi khi con người trải qua cảm giác sung sướng ở thành phố, "quen ánh điện của gương", theo bản năng sẽ rất dễ quên đi những người đã đồng hành cùng mình những lúc khó khăn trong quá khứ. Khi này, vầng trăng tri kỉ "đi qua ngỏ" cũng "như người dân qua đường" mà thôi. Cứ ngỡ tưởng ánh trăng sẽ mãi bị lãng quên và chìm vào dĩ vãng, ấy vậy mà cuộc đời này lại luôn mang đến cho ta nhiều điều bất ngờ. Một người ra đi thì một người khác sẽ đến, cố nhân xưa đã lâu nay lại hội ngộ trong tình huống không ngờ. Và người lính trong thơ Nguyễn Duy cũng được gặp lại "bạn cũ" như thế:
"Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn - đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn"
Từ láy "Thình lình" kết hợp với phép đảo ngữ cùng với các động từ mạnh "vội", "bật", "tung" đã thể hiện một tình huống vô cùng bất ngờ, khi đèn điện tắt, không gian xung quanh như bị bóng tối bao trùm, theo phản xạ, người lính vội vã bật tung cửa sổ ra để hứng ánh sáng từ bên ngoài, sự vội vã, lo âu trong giây phút ấy chợt lắng lại khi nhìn thấy vầng trăng tròn. Phép đảo ngữ và từ láy "đột ngột" lần nữa được lặp lại tạo nên sự ngẫu nhiên cho cuộc tri ngộ. Lúc này như có một thứ gì đó dâng trào sâu trong lòng nhà thơ:
"Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng"
Ngược lại với nhịp thơ dồn dập ở khổ trước thì lúc này, nhịp thơ chậm lại như nhịp hồi ức của Nguyễn Duy. "Ngửa mặt lên nhìn mặt", nhà thơ đối diện với trăng cũng như là đối diện với chính mình trong quá khứ, điểm đặc biệt trong khổ thơ này là từ "mặt" được lặp lại hai lần trong cùng một câu: "mặt" đầu tiên hoán dụ cho người lính, từ "mặt" tiếp theo vừa hoán dụ cho vầng trăng vừa tượng trưng cho quá khứ. Đứng trước ánh trăng, tác giả như nhìn lại khoảng thời gian xưa. Quá khứ với hiện tại vốn xa cách nhưng sao giờ đây lại gần gũi quá! Từ láy "rưng rưng" cùng với phép so sánh và điệp ngữ "là" cho ta thấy sự xúc động nghẹn ngào của người lính khi gặp lại cố nhân, gặp lại một gương mặt thân quen và cũng là gặp lại tâm hồn chính mình. Trong phút chốc, sự xuất hiện đột ngột của vầng trăng khiến biết bao kỉ niệm về thiên nhiên, đất nước bình dị cứ thay nhau ùa về theo xúc cảm "rưng rưng" của một con người đang sống giữa phố phường hiện đại. Những tháng năm của quá khứ, vẻ đẹp của đồng, sông, bể, rừng không hề mất đi. Chỉ là con người có nhận ra hay không mà thôi. Hình ảnh "vầng trăng tròn" đột ngột xuất hiện ở khổ trước là một biến cố, một điểm khởi đầu mới cho sự gặp lại của con người với quá khứ khi xưa.

Như vậy, cuộc sống luôn mang đến cho chúng ta thật nhiều món quà, những cuộc gặp gỡ cũng là một trong số đó. Tuy nhiên sự gặp mặt giữa nhân vật trữ tình và trăng lại đặc biệt hơn. Cuộc gặp gỡ đó đã mang đến cho người lính bao nhiêu cảm xúc, từ lo lắng, bất ngờ cho đến vỡ òa xúc cảm. Nó đã gợi lại cho nhà thơ thật nhiều kí ức đẹp gắn liền với thiên nhiên, đất nước giữa cuộc sống hiện đại tuy sung sướng nhưng vô vị này.

Thế nhưng Nguyễn Duy đâu chỉ muốn nhắc lại quá khứ với niềm hạnh phúc đơn giản như thế. Qua hình tượng ánh trăng, ông còn muốn gửi đến cho bạn đọc một thông điệp về sự ơn nghĩa thủy chung qua cuộc gặp gỡ giữa người và trăng:
"Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình."
Con người thường bị cuốn theo sức hút của cuộc sống sung sướng, ấm êm mà quên đi những gì gần gũi, đơn sơ nhất. Ánh trăng thì vẫn cứ mãi chung thủy, cứ mãi lặng lẽ dõi theo từng bước đi của ta. Khoảnh khắc chạm mặt vầng trăng "tròn vành vạnh", người lính bất chợt chững lại. Tại sao trăng lại phúc hậu, nhẹ nhàng trong khi con người thì vô tình như thế? Từ láy tượng hình "tròn vành vạnh" không chỉ dùng để miêu tả hình dáng của trăng rằm mà còn ngầm hoán dụ cho một tâm hồn viên mãn, tràn đầy, thủy chung son sắc. "Kể chi người vô tình", dù bị lãng quên nhưng ánh trăng ấy lại không trách móc, hờn giận, không chấp nhặt sự việc đã qua. Như một người bạn ân nghĩa, vầng trăng vẫn trong sáng, phúc hậu, bao dung và im lặng như tờ. Từ láy tượng thanh "im phăng phắc" đã bày tỏ rất rõ sự lặng lẽ của trăng - cái im lặng tuy bao dung nhưng lại thật nghiêm khắc. Trăng dù im lặng nhưng vẫn đủ khiến cho người lính "giật mình", chột dạ vì sự vô tâm của mình trước ánh trăng dịu hiền luôn lặng lẽ soi bóng mà không đòi hỏi được đền đáp. Cái "giật mình" đó thể hiện sự bừng tỉnh đáng quý của con người. Giờ đây con người như đã tìm được đường trở về với mình trước đây, tìm lại những ngày tháng tình nghĩa đã vô tình lãng quên.

Như vậy, cuộc gặp gỡ lại với ánh trăng không những mang đến bao nhiêu cảm xúc mà còn là lời cảnh tỉnh cho người lính và bạn đọc về lối sống ân nghĩa thủy chung.

Tóm lại, sau tất cả, bằng giọng thơ gần gũi như tâm tình cùng với kĩ năng áp dụng biện pháp tu từ tinh tế, Nguyễn Duy đã thành công gửi gắm những thông điệp ý nghĩa qua cuộc gặp gỡ của nhân vật trữ tình trong trang thơ. Chính điều đó nên dù bài thơ đã khép lại, tâm trí bạn đọc vẫn cứ mãi ám ảnh về hồi chuông cảnh tỉnh ẩn sau từng câu thơ này.

Quả thật chủ đề về các cuộc gặp gỡ rất phổ biến trong văn chương. Đọc ba khổ cuối bài thơ "Ánh trăng", ta không khỏi liên tưởng đến "Lặng lẽ SaPa" của Nguyễn Thành Long. Cả hai tác phẩm tưởng chừng như không liên quan đến nhau ấy vậy mà lại có sự liên kết thật đặc biệt. Cùng viết về cuộc gặp gỡ, thế nhưng ở "Lặng lẽ SaPa", cuộc gặp ấy được thể hiện một cách trong sáng, năng động, chân thành qua hình tượng anh thanh niên giúp mang đến cho cô kĩ sư, ông họa sĩ và bạn đọc một nguồn năng lượng tích cực về cuộc sống lao động. Còn trong "Ánh trăng", cuộc gặp ấy đóng vai trò là một hồi chuông cảnh tỉnh cho độc giả về sự ân nghĩa thủy chung, trở về với cội nguồn đạo lí vốn có của người Việt Nam.

Đúng như ca sĩ Quang Dũng đã nói: “Những cuộc gặp gỡ rồi chia ly vốn dĩ được xem như bản chất của cuộc sống và tạo cho cuộc sống này nhiều sắc màu và dư vị…”. Qua thấu kính văn chương, những cuộc gặp ấy còn trở nên đặc biệt hơn, ý nghĩa hơn. Điều này đã được Nguyễn Duy thể hiện rất rõ qua sự hội ngộ của nhân vật trữ tình với trăng trong bài thơ "Ánh trăng".
 
763
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top