Dự thi HẠ VỀ BÊN NẾP NHÀ XƯA

Dự thi  HẠ VỀ BÊN NẾP NHÀ XƯA

HẠ VỀ BÊN NẾP NHÀ XƯA
images (15).jpg

Nghe điện thoại của ba xong, Ngọc Hân tần ngần hồi lâu. Thế là một mùa hạ nữa lại về, cô đã học xong năm hai đại học. Cô nhìn giá sách vở đã xếp đặt ngay ngắn, áo quần trong tủ cũng đã vơi đi một nửa. Các bạn của cô đã lần lượt về quê, chỉ còn lại cô với Hải và những mối ngổn ngang không đầu không cuối. Cánh cửa phòng bật mở, Hải chạy vội vào mang theo bong bóng nước của cơn mưa bóng mây vừa ngang qua, đầu tóc và áo quần đều ướt sũng. Ngọc Hân vội chạy đi lấy khăn lau cho bạn, những sợi tóc mây mềm mượt của Hải vẫn còn đọng lại những hạt mưa trong vắt, không quên mắng nhẹ Hải sao không mua áo mưa tiện lợi mà mặc, để ướt như vậy ốm sốt thì sao. Ở xứ người, vừa học vừa làm thật không phải dễ dàng. Hải hát líu lo như chim, cô nói tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Cái áo mưa tiện lợi đến tận mười lăm ngàn mà nhanh rách lắm, với lại tắm mưa một chút cũng rất mát mẻ. Tiếng nói tiếng cười rộn ràng cả căn phòng nhỏ.

Hải mồ côi ba mẹ từ sớm. Một mình Hải vừa tự nuôi mình học đại học, vừa gửi tiền về quê cho Chú Minh lo thêm cho cậu em trai đang học lớp 10. Gia đình Hải cũng khá giả, Hải vốn là cô tiểu thư chỉ biết sống trong êm đềm, nhung lụa. Thế rồi một chiều mùa hạ, một vụ tai nạn xe hơi đã cướp đi vĩnh viễn mái nhà của Hải. Hai chị em Hải phải sống dựa vào chú thím Minh, chú thím không giàu có gì, còn phải nuôi một đàn con thơ. Hải nói với cô rằng, đã có thời gian Hải chống chếnh tan vỡ, bi đát đến cùng cực, không nuốt nổi bát cơm trắng với lát cá kho đặm. Nhưng chú Minh đã bên cạnh hai chị em, vực Hải dậy. Hè này Hải không về vì Hải còn phải đi làm thêm, nếu có thì tiết kiệm chút tiền hai năm nữa cậu em đi thi đại học rồi. Tiếng cười của Hải giòn tan, rộn rã. Nghe Hải cười, Ngọc Hân luôn cảm thấy mùa hè thực sự rất đặc biệt, trong tiếng cười đó, không chỉ có nắng rang phượng cháy, thảnh thơi làm thêm mà không phải lo bài vở. Mà tiếng cười đó, còn cho Ngọc Hân một cảm giác gia đình.

Chú Minh của Hải rất hiền. Lần về thăm nhà Hải hè năm trước, Ngọc Hân được gặp chú thím Minh. Nhà chú thím có đến sáu đứa con, đứa nào cũng dễ thương lanh lợi. Mặc dù nghèo khó vây quanh nhưng trong ngôi nhà ấy không bao giờ ngớt tiếng cười. Thím Minh nói cực quá thì phải cười cho lớn con ạ, cười lớn rồi thì mới có sức mà làm việc, mà yêu thương. Nụ cười phải tươi như nắng giòn mùa hạ, trái tim cũng vì thế mà nồng nàn thắm đỏ. Chứ mà cứ im lặng buồn buồn, thím thấy sốt cái ruột lắm. Người phụ nữ canh điền ấy dáng người trầm thấp, vai u vác nặng, làm việc tối ngày, nhưng chưa một lần mắng con nạt cháu. Cũng không sách vở nhân nghãi như chú thím trong nhà Ngọc Hân.

Gia đình nhà Ngọc Hân không giàu có gì, nhưng các cô chú nhà nào cũng khá giả, có tiếng ngoan đạo với làng trên xóm dưới. Đó cũng là lý do Ngọc Hân không muốn về nhà. Từ bé, các cô chú chẳng bao giờ lì xì tết hay có một món quà nho nhỏ nào đó cho Hân cả, mặc dù những đứa em con cô cậu khác của Ngọc Hân thì có. Ông bà nội cũng vậy, Ngọc Hân học lớp nào mấy tuổi cũng không nhớ, mặc dù Ngọc Hân là đứa cháu đầu tiên của ông bà. Nói ra rồi ba mẹ lại nói Hân chấp vặt, nhưng biết làm sao được, yêu thương không hành động cũng giống như một mớ hào quang ở chốn xa xôi, Ngọc Hân không tài nào cảm nhận được. Đã thế lại còn hay trách móc, Ngọc Hân về hè mà không ra quê là sẽ bị trách móc, và mẹ Hân sẽ lại là người phụ nữ phải chịu điều tiếng không biết dạy con về quê cha đất tổ. Ngọc Hân thương mẹ, người phụ nữ suốt một đời hi sinh và chịu khổ hạnh vì cái mớ đạo lý mà cô chú nhà Ngọc Hân ngày ngày rao giảng trên mạng hoặc các cuộc chuyện trò với làng trên xóm dưới. Thế nên nghĩ đến họ hàng của mình, Ngọc Hân chỉ im lặng thở dài.

Ba Ngọc Hân lại gọi điện, kêu Ngọc Hân về cho được, hè này nhà ông bà có giỗ lớn. Mùa hè quê nội hiện ra trong tâm trí nó như một đoạn phim quay chậm nhiều hình khối. Đó là những chiều hái bần bên dòng sông Hiền Lương nước trong xanh mát. Những chiều lùa trâu về cùng lũ bạn mà nơi khóe miệng còn vương lại mẩu khoai nướng than thơm hổi tụi bạn chăn trâu nướng chín giữa đồng. Những chiều mót lạc sau cơn mưa chiều, đất bị mưa xối, những chùm lạc trắng phớ hiện rõ cả ra, phơi mình giữa luống đất. Bọn trẻ con nhao nhao mót lạc về luộc trên bếp lửa bập bùng khói, lạc non ăn mềm ngọt thanh tận đầu lưỡi. Nhưng Hân cũng không quên được những giọt nước mắt lặng lẽ của mẹ rơi sau chuồng heo, không quên được ánh mắt của cô ruột nó khi gác rổ khoai chín lên chạn bếp, nhất quyết không cho nó dù một củ bé bằng ngón tay. Nó không quên được những đêm hè nóng bức ngột ngạt cái quạt điện không được bật sợ tốn điện, những bữa cơm chiều khi sân nhà còn nung cái nắng lửa ban chiều nóng hổi, để tiết kiệm dầu, thế là nó cứ gắp một miếng, mồ hôi cứ túa ra và ánh mắt các cô chú cứ sợ đứa cháu nhỏ bằng que gầy sẽ ăn bằng hết cái mâm cơm ấy. Dần dà, nó không quay lại mùa hè quê nội nữa. Nó lớn dần, ngụp lặn trong sách vở, và trái tim dần xa lạ với nguồn cội quê cha.

Nó chưa hề kể ra những tâm tình ấy với ai, nó muốn bảo vệ cho nếp nhà ngoan đạo của gia đình nó. Bảo vệ cho tôn nghiêm của ba nó, dấu che những thiệt thòi của mẹ nó, và những giọt nước mắt mẹ lặng lẽ rơi rơi sau hè. Tiếng chuông điện thoại lại reo, của ba nó. Nó không muốn ba nó buồn, nhưng để quay về cái nơi không có tình thương dành cho nó, thật sự nó không muốn. Lần này Hải nghe máy, cô bạn cười tít hết cả mắt, nói với ba nó Ngọc Hân đi tắm nên không nghe điện thoại được. Rồi Hải nói Ngọc Hân đang sắp đồ định sẽ về, Hải cũng muốn về. Ba nó hào hứng thuyết phục Hải về, cháu về nhé, cháu về nhé, bác chạy cho tiền tàu. Ngọc Hân ngồi nhìn ra khung cửa sổ, mây bay là là trắng như bông. Thẳm sâu trong lòng, một hồn quê diệu vợi khẽ cứa vào lòng nó. Tiếng sáo diều, tiếng hò reo nơi bờ đê năm ấy bỗng tinh nghịch chạy qua trước mắt, như cười đùa, như mong đợi. Tiếng cười ba nó trong máy, sao nó thấy thương lạ. Hồn quê mênh mông, hồn quê thẳm sâu và diệu vợi, đó là một lát cắt vô hình mà không tài nào nó cầm nắm được. Nhưng tựa hồ trong phần tim gan thân thể của nó, hồn quê như ngọn lửa da diết bập bùng cứa mãi.

Một lần nữa, nó lại thở dài. Nó nhìn ra ban công căn phòng trọ, nơi có những đóa sen đá đang vươn mình bung nở. Hải thường nói, Hải là đóa sen đá, đóa sen trắng trong nhưng vô cùng cứng cỏi. Hải sẽ không bao giờ cúi đầu buông thả bởi nó còn một cậu em trai để bảo vệ, một gia đình nhỏ để nương tựa và thương yêu. Hải nhìn bóng lưng nó, tấm lưng ong mảnh mai và trên vai những sợi tóc rối cứ thế bay lòa xòa theo gió. Bất giác Hải xoa đầu nó và nói lại một câu xưa ơi là xưa: “ Một giọt máu đào hơn ao nước lã mày ạ”! Câu nói tan vào tai nó, hòa lẫn vào mạch huyết, da thịt và bờ vai nó bỗng run rẩy lạ kỳ. Ngọc Hân tựa đầu vào vai Hải, nhắm hờ mi mắt. Hải nhìn ra màn mưa bóng mây đang rơi xối xả trên chùm phượng thắm, khẽ chép miệng hát một đoạn nhạc của Trịnh Công Sơn : “Sống trên đời sống, cần có một tấm lòng, để làm gì, làm gì, em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”. Cái giọng chua lè của Hải làm Ngọc Hân bật cười. Cô nhỏ quay qua đấm thùm thụp vào vai bạn, hai đứa cười vang. Mùa hạ chắc đang đứng ở ban công, ướt đẫm mưa nhưng lại nở nụ cười nhìn tụi nó, âu yếm yêu thương.

Tiếng tàu hỏa hú dài tạm biệt sân ga, hai cô nhỏ kiểm tra hành lý rồi nhìn đoàn tàu đến hút tầm mắt. Sân ga Tiên An rợp mát bóng bàng, gió của cánh đồng lúa thổi lên mát rượi. Hải nắm tay Ngọc Hân, hai đứa men theo đường ray số 1 để vào sân ga. Đoàn tàu đã đi xa rồi, và sân ga của mùa hạ rất cũ đang đón chờ nó. Cảnh xưa không thay đổi mấy, lá bàng vẫn xanh um, những trái bàng chín vẫn rụng đầy dưới gốc và bọn trẻ con vẫn lấy đá khẽ cơm bàng ra để ăn với nhau. Ngọc Hân nhìn tuổi thơ đi qua, khẽ lau vội dòng nước mắt vừa hoen mi, ôm lấy cánh tay Hải. Phải ! "Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người".

Nhà xưa nếp cũ, nơi có ông bà nội, cô chú, anh em của nó chắc cũng vẫn như thế, không thay đổi gì đâu. Nhưng nó thì khác. Nó sẽ lấp đầy buồng tim mình bằng những yêu thương, những tha thứ. Nó xứng đáng được hạnh phúc. Bởi mùa hạ muôn đời xứng đáng được rực rỡ thắm tươi. Và Hải nữa – Hải xứng đáng có một mùa hạ rất tuyệt vời của tình bạn chúng nó!
 
Sửa lần cuối:
901
2
5
Trả lời
câu: "Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người." bạn nên bỏ trong dấu ngoặc kép nhé
 
  • Love
Reactions: Hiền Trần
tựa đề tác phẩm nghe thật hay và lãng mạn làm.
tác phẩm hay và giàu sức loang tỏa.
chúc tác phẩm lọt top tuần và có thứ hạng cao chung cuộc nhé.
 
  • Love
Reactions: Hiền Trần

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.