Baivanhay Hãy làm rõ “chất vàng của thiên nhiên” và “thứ vàng mười đã qua thử lửa” của miền Tây Bắc mà nhà văn Nguyễn Tuân đã khắc họa.

Baivanhay  Hãy làm rõ “chất vàng của thiên nhiên” và “thứ vàng mười đã qua thử lửa” của miền Tây Bắc mà nhà văn Nguyễn Tuân đã khắc họa.

Nguyễn Tuân tìm về với mảnh đất miền Tây của tổ quốc, để mê say khám phá chất vàng của thiên nhiên và con người nơi đây cũng là gợi về tâm hồn dân tộc đúc lại trong thiên tùy bút này. Và chính nơi đây, nghệ sĩ đã khám phá được rõ “chất vàng của thiên nhiên” và “thứ vàng mười đã qua thử lửa” của miền Tây Bắc. “Chất vàng của thiên nhiên” đó chính là những giá trị tinh túy, vẻ đẹp của thiên nhiên sông nước, “thứ vàng mười đã qua thử lửa” để chỉ vẻ đẹp tâm hồn của những con người lao động và chiến đấu trên vùng sông núi hùng vĩ và thơ mộng. Những vẻ đẹp tinh túy ấy được kết tinh trong đoạn trích diễn tả hành trình vượt thác của người lái đò.

4844



Nêu cảm nhận của anh/chị về trích đoạn sau:

“... Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới. Phối hợp với đá, nước thác reo hò làm thanh viện cho đá, những hòn đá bệ vệ oai phong lẫm liệt ... Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được. Thế là hết thác”...


(Trích “Người lái đò Sông Đà” - Nguyễn Tuân)

Từ đó hãy làm rõ “chất vàng của thiên nhiên” và “thứ vàng mười đã qua thử lửa” của miền Tây Bắc mà nhà văn Nguyễn Tuân đã khắc họa.

Bài làm​

Bàn về “Người lái đò Sông Đà”, Nguyễn Tuân chia sẻ “ Tùy bút “Sông Đà là thành quả nghệ thuật đẹp đẽ mà Nguyễn Tuân đã thu hoạch được trong chuyến đi gian khổ mà hào hứng tới miền Tây Bắc rộng lớn, xa xôi của Tổ quốc, nơi ông đã khám phá ra chất vàng của thiên nhiên cùng “thứ vàng mười đã qua thử lửa” ở nhân vật người lái đò”. Cuộc thám hiểm của người nghệ sĩ không phải đến một vùng đất mới mà là nhìn, phát hiện vùng đất đó bằng đôi mắt mới. Phải chăng Nguyễn Tuân đã nhìn núi sông Tây Bắc với lăng kính riêng, khám phá được “chất vàng của thiên nhiên” và “thứ vàng mười đã qua thử lửa” của miền Tây Bắc. Cảm nhận đoạn trích: “... Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới. Phối hợp với đá, nước thác reo hò làm thanh viện cho đá, những hòn đá bệ vệ oai phong lẫm liệt ... Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong, lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên nhanh qua hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được. Thế là hết thác.” bạn đọc một lần nữa được đắm chìm trong không gian hùng vĩ, mãnh liệt, tài hoa, hiểu hơn về “chất vàng” và “thứ vàng mười đã qua thử lửa” mà Nguyễn Tuân đã dụng công khám phá và khắc họa.

Nguyễn Tuân được coi là cây đại thụ của rừng đầu nguồn Văn học Việt Nam thế kỉ XX với một phong cách nghệ thuật tài hoa, độc đáo. Vương quốc để Nguyễn Tuân xây lên tòa tháp nguy nga tráng lệ chính là tùy bút. Ta sẽ gặp trong các thiên tùy bút chân dung của một cái tôi tài hoa, uyên bác mà mỗi con chữ không chỉ là lâu đài chữ nghĩa mà còn là bể thẳm tâm hồn, chở nặng tấm lòng của nhà văn với đất nước, con người. Chính tấm lòng yêu con người, yêu đất nước góp phần làm nên những trang văn thật tài hoa của Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân là nhà văn của núi cao vực sâu, thác dữ, của những phong cảnh tuyệt mỹ. Tác phẩm “Người lái đò Sông Đà” rút từ tập “Sông Đà” là một trong những tùy bút đặc sắc của nhà văn này. Tác phẩm ra đời trong khí thế phấn khởi hăng say của miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Khi mà khắp đất nước vang “Tiếng hát con tàu”, sục sôi tiếng ca lao động vọng về từ “Đoàn thuyền đánh cá”. Chính những âm thanh ấy đã thổi bùng lên nhiệt tình cách mạng, giục giã bước chân yêu “xê dịch” với chút lãng tử nghệ sĩ của Nguyễn Tuân tìm về với mảnh đất miền Tây của tổ quốc, để mê say khám phá chất vàng của thiên nhiên và con người nơi đây cũng là gợi về tâm hồn dân tộc đúc lại trong thiên tùy bút này. Và chính nơi đây, nghệ sĩ đã khám phá được rõ “chất vàng của thiên nhiên” và “thứ vàng mười đã qua thử lửa” của miền Tây Bắc. “Chất vàng của thiên nhiên” đó chính là những giá trị tinh túy, vẻ đẹp của thiên nhiên sông nước, “thứ vàng mười đã qua thử lửa” để chỉ vẻ đẹp tâm hồn của những con người lao động và chiến đấu trên vùng sông núi hùng vĩ và thơ mộng. Những vẻ đẹp tinh túy ấy được kết tinh trong đoạn trích diễn tả hành trình vượt thác của người lái đò.

Đoạn trích miêu tả cảnh vượt thác của người lái đò mà ở đó, con sông Đà như một loài thủy quái biết bày binh bố trận đầy tinh quái còn ông đò như một vị tướng quân lão luyện, dũng cảm chiến đấu và giành được chiến thắng. Trận thủy chiến diễn ra với ba chặng, ở mỗi chặng là một nét đẹp gộp lại tạo nên bức tranh với vẻ đẹp hòa hợp “ chất vàng của thiên nhiên” và “ thứ vàng mười đã qua thử lửa”.

Tại thạch trùng vi thứ nhất, đá sông dàn thạch trận, mở ra năm cửa: bốn cửa tử và một cửa sinh. Những hòn đá bệ vệ, oai phong lẫm liệt. Sóng nước thì hò la vang dậy, ùa vào “bẻ gãy cán chèo”, “thúc gối vào bụng và hông thuyền” rồi “đội cả thuyền lên”, bám lấy thuyền như đô vật túm thắt lưng ông đò đòi lật ngửa mình ra, đánh miếng đòn hiểm độc nhất. Thác nước sông Đà mưu mô xảo quyệt tới mức như thể quân liều mạng. Trước thách thức đó, ông lái đò lúc bấy giờ đã bị thương nhưng vẫn nhất định giữ lấy mái chèo, hai chân kẹp chặt cuống lái, mặt méo bệch đi nhưng tiếng chỉ huy vẫn ngắn gọn, tỉnh táo. Ông đò thực thụ là một người chiến sĩ, người chỉ huy vô cùng bản lĩnh, dũng cảm. Nguyễn Tuân đưa nhân vật của mình vào hoàn cảnh khốc liệt mà ở đó, tất cả những phẩm chất ấy được bộc lộ, nếu không phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Nhà văn gọi đây là cuộc chiến đấu gian lao của người lái đò trên chiến trường sông Đà, trên một quãng thủy chiến ở mặt trận sông Đà. Đó chính là cuộc vượt thác đầy nguy hiểm chết người, diễn ra nhiều hồi, nhiều đợt như một trận đánh mà đối phương đã hiện ra diện mạo và tâm địa của kẻ thù số một.

Qua được vòng thứ nhất với không ít vất vả, con đò cùng người lái đò tiếp tục vượt trùng vi thạch trận thứ hai. Tại đây, đá sông tăng thêm nhiều cửa tử, cửa sinh bố trí lệch sang bờ hữu ngạn. “Dòng thác hùm beo đang hồng hộc tế mạnh trên sông đá, bám lấy thuyền rồi lôi vào tập đoàn cửa tử”. Với ông đò “cưỡi lên thác sông Đà phải cưỡi đến cùng như cưỡi hổ”. Ông “nắm chặt lấy bờm sóng, đúng guồng rồi ông đò ghì cương lái mà lái miết một đường chéo về phía cửa đá”. Chinh chiến đã lâu, ông đò thuộc lòng binh pháp của thần sông, thần đá nơi đây, cho nên ông lão đã vận dụng sáng tạo những chiến thuật của mình để giành lấy chiến thắng cuối cùng. “Đứa thì ông tránh và rảo bơi chèo lên, đứa thì ông đè sấn chặt đôi ra để mở đường tiến.” Ông lão ấy đã giao chiến với tướng đá, quân đá thạch trận sông Đà như một dũng sĩ anh hùng giữa đời thường. Nguyễn Tuân đã sử dụng hàng loạt những động từ mạnh “cưỡi”, “nắm”, “ghì cương”, “lái miết”, “tránh”, “đảo”, “đè sấn”, “chặt đôi để mở đường tiến”... để tập trung miêu tả những hành động chính xác, điêu luyện, thuần thục của người lái đò. Sông Đà thì mưu mô, hung bạo, ông đò lại tài trí, dũng cảm. Cuộc vượt thác đẹp như một trận thủy chiến mà ở đó thử thách nối tiếp thử thách, lòng người luôn phải kiên định và dũng mãnh đến cùng.

Chưa dừng lại ở đó, tiếp nơi trùng vi thạch trận thứ ba, bên phải, bên trái đều là luồng chết, luồng sống ở giữa bọn đá hậu vệ. Đúng là một đối thủ đáng gờm. Con thủy quái sông Đà bày binh bố trận cũng nham hiểm lắm, chưa bao giờ là sự nhân nhượng và dễ dàng cho những tay lái muốn đi qua khúc sông này. Đã hai trùng vi sắp đặt của sinh rất lắt léo, đến trùng vi thứ ba này được coi như “vòng chung kết” của một trận đấu “cân não” đòi hỏi cả tài trí và sức lực. Và, vào đến “vòng chung kết” này, ông lái đò hiện lên với sự nhịp nhàng, điêu luyện khi chèo lái con thuyền: “Vút, vút, cửa ngoài, cửa trong lại cửa trong cùng, thuyền như một mũi tên tre xuyên qua nhanh hơi nước, vừa xuyên vừa tự động lái được, lượn được.” Nguyễn Tuân đã đưa ra một phép so sánh độc đáo và chính xác, gây được nhiều ấn tượng trong lòng đọc giả. Đó là hình ảnh người lái đò và người lái xe đang lao xuống dốc đèo. Người lái xe khi nguy nan vẫn còn chỗ để bám víu, đó là phanh tay, có tiến lên, lùi lại được còn đối với người lái đò bây giờ thì không còn đường lùi “Cái thuyền mà lao xuống thác thì chả có cái phanh nào cả, chỉ có lao đi chứ không lùi lại, không lao trúng tim luồng nước thì thuyền quay ngang mà úp xuống chứ không có lùi gì cả”.

Như vậy, với sự miêu tả chi tiết, hình ảnh sống động, kì thú, độ dài câu văn linh

hoạt, từ ngữ đắc địa, độc đáo, đoạn trích đã tái hiện trận thủy chiến trên sông Đà. Trong trận chiến đó, sông Đà hung bạo và nham hiểm vô cùng, còn ông lái đò như một chiến tướng “tả xung hữu đột”, phát huy trọn vẹn, đủ đầy tài trí và sự linh hoạt ứng biến của mình. Vượt qua ba trùng vi thạch trận với rất ít cửa sinh, ông lái đò đã thành công trong việc phá vỡ trùng vi thạch trận này để giành thắng lợi về cho mình. Ông làm chủ thiên nhiên và tin vào sức mạnh của chính bản thân mình. Đối với người lái đò, con thuyền là chiến mã, mái chèo là thanh gươm, vượt thác là cuộc chiến phải chiến đấu đến cùng để giành chiến thắng. Đối lập với thiên nhiên sông nước bao la mênh mông, thế nhưng sức vóc của ông không hề nhỏ bé, đơn độc, ông hiện lên vững chãi, lồng lộng giữa sóng nước Đà giang.

Tóm lại, “chất vàng của thiên nhiên” và “thứ vàng mười đã qua thử lửa” của miền Tây Bắc mà nhà văn Nguyễn Tuân đã khắc họa làm nổi bật hình tượng thiên nhiên cũng như con người nơi đây. Nhà văn dùng cách thức so sánh, dùng chữ “vàng” (vẻ đẹp và sự quý giá) để ví von với vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng cho con sông và vẻ đẹp phẩm chất, khí phách, tài trí của con người lao động. Nếu vẻ đẹp của thiên nhiên là “chất vàng” thì vẻ đẹp con người là “vàng mười”, tức là vẻ đẹp hoàn thiện, hoàn mĩ. Nhưng vẻ đẹp và sự quý giá ấy không dễ tìm thấy, mà nó còn đang ẩn giấu, náu mình trong những vùng đất xa xôi, ở những thứ xù xì thô ráp, ở trong đời sống hằng ngày. Điều đó đòi hỏi nhà văn phải là người biết tìm kiếm, sàng lọc và phát hiện ra vẻ đẹp ấy, và thể hiện nó bằng tài năng của mình, Qua đó, tác phẩm là món quà dâng cho đời, góp nhặt những thứ “vàng mười” đẹp đẽ của thiên nhiên đất nước và con người. “Chất vàng” của con sông Đà thể hiện ở sức mạnh dữ dội của thác đá, tiềm ẩn trong đó giá trị về kinh tế, văn hóa, là thử thách và cũng là động lực để con người chế ngự và thể hiện tài trí. “Thứ vàng mười” được bộc lộ rõ nhất ở tài trí của người lái đò, người lao động bình dị nhưng là người nghệ sĩ tài hoa thực thụ trong công việc. Người nghệ sĩ chân chính là người cầm bút với cái Tài và cái Tâm. Nguyễn Tuân với nét bút tài hoa cùng tấm lòng nặng với đất với người, chính tấm lòng ấy đã góp phần làm nên những trang văn tài hoa trong “ Người lái đò Sông Đà” và đặc biệt là “chất vàng mười”, “thứ vàng mười đã qua thử lửa” của vùng đất nơi đây.

“Niềm vui của nhà văn chân chính là niềm vui của người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp” (K. Pautopxki). Với tuỳ bút “Người lái đò Sông Đà” và đặc biệt là trích đoạn vượt thác, ngòi bút của Nguyễn Tuân như nở hoa trong sự hoà phối diệu kì giữa cái đẹp của ngôn từ và ánh sáng tuyệt mĩ của chiều sâu hình ảnh, dẫn dắt người đọc đến với vẻ đẹp hung bạo mà trữ tình của thiên nhiên Tây Bắc, nhất là vẻ đẹp “vàng mười” nơi tâm hồn con người mà nhà văn tập trung khắc họa qua hình tượng người lái đò. Văn chương của Nguyễn Tuân đã mang đến cho chúng ta một chân trời huyền bí riêng biệt, hấp dẫn và độc đáo. Đó là chân trời của cái đẹp, của sự tài hoa và uyên bác...

 
Từ khóa Từ khóa
chất vàng của thiên nhiên ngữ văn 12 người lái đò sông đà nguyen tuan thứ vàng đã qua thử lửa
6K
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.