Hỏi Đáp Hình tượng con cò trong bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên

Hỏi Đáp  Hình tượng con cò trong bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên

Con cò luôn là một trong những hình ảnh thường xuyên được các thi nhân đưa vào những sáng tác của mình. Thế nhưng, để chuyển hóa hình ảnh con cò trong cuộc sống đời thường thành hình tượng như trong bài thơ "Con cò" của nhà thơ Chế Lan Viên thì quả thật là điều không hề đơn giản.

xkk (23).png


Câu hỏi: Trong bài thơ Con cò, hình tượng con cò được khai thác từ đâu? Ý nghĩa biểu tượng của hình tượng con cò?

Trả lời:

1. Hình tượng con cò được khai thác trong bài thơ “Con cò”


Hình ảnh con cò không chỉ xuất hiện ở nhan đề mà còn xuất hiện trở đi trở lại trong suốt bài thơ, sự lặp lại ấy nhằm tập trung triển khai nhan đề của tác phẩm, với nhiều ý nghĩa khác nhau trong suốt bài thơ. Âm hưởng của ca dao đã hiện lên ngay trong những dòng thơ mà tác giả tinh tế đặt trong ngoặc kép, là những cấu tư mà Chế Lan Viên đã tinh tế lược lấy để đưa vào thơ mình, nhằm thể hiện chân thực cái lời mẹ ru con. Người mẹ đã đưa vào tâm trí đứa con còn bế trên tay, bằng lời tâm tình, lời hát ru dịu dàng, cái khung cảnh quen thuộc nơi làng quê, thật yên bình, tươi đẹp, cho con say giấc êm đềm.

Có thể thấy trong lời ru của mẹ, cánh cò luôn hiện diện, cũng như những tình cảm ấm áp trìu mến yêu thương mà người mẹ dành cho đứa con thơ. Hai câu thơ tiếp:

“Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn

Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ”


Tác giả viết bằng câu tám chữ với cấu trúc vừa song hành, vừa tương phản của cò và con. Lời ru của người mẹ vừa bộc lộ nỗi xót xa, ái ngại cho sự cô độc, lẻ loi của cánh cò nhỏ bé, người mẹ lại khẳng định sự che chở, nuôi dưỡng đùm bọc con, con khác với cò, con có sự chăm chút nuôi nấng cả mẹ, con có thể thoải mái chơi rồi ngủ. Hình ảnh cánh cò từ trong ca dao lại tiếp tục xuất hiện:

“Con cò ăn đêm

Con cò xa tổ

Cò gặp cành mềm

Cò sợ xáo măng…”


Khác với hình ảnh con cò trong ca dao ở bên trên, ở đây Chế Lan viên cũng dùng âm hưởng của ca dao, nhưng lại để miêu tả nỗi vất vả, khó nhọc của con cò. Cò phải cô độc mò mẫm, gặp biết bao nguy hiểm, phải sợ sệt. Qua đó ta cũng có thể nhận thấy đây dường như là một hình ảnh ẩn dụ, gửi gắm vào đó thân phận của người nông dân chân lấm tay bùn, chịu nhiều vất vả, đắng cay, đặc biệt là thân phận những người bà, người mẹ phải lặn lội kiếm sống từng ngày. Tuy vậy nhưng họ vẫn nỗ lực giữ gìn nhân cách, phẩm giá thanh cao, giữ lại đức cho con cháu mình:

“Ngủ yên, ngủ yên, cò ơi, chớ sợ

Cành có mềm, mẹ đã sẵn tay nâng

Trong lời ru của mẹ thấm hơi xuân

Con chưa biết con cò con vạc

Con chưa biết những cành mềm mẹ hát

Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân”


Chế Lan Viên đi từ hình ảnh con cò ung dung, thanh thản bay từ cửa Phủ, bay từ Đồng Đăng đến con cò ăn đêm, con cò xa tổ. Tất cả đều là những nỗi lo lắng, trăn trở, những dự cảm sâu sắc của người mẹ về những bất trắc có thể xảy ra đối với đứa con bé bỏng của mình. Chính thế người mẹ đã thể hiện lòng bao dung che chở cho con bằng những lời ru thật ấm áp, ngọt ngào “thấm hơi xuân”, bằng tình mẹ bao la khi “Sữa mẹ nhiều, con ngủ chẳng phân vân”. Mẹ đã sẵn tay nâng cành mềm, che chở con khỏi sợ hãi, đơn độc, cho con những ngày tháng thật êm đềm, hạnh phúc, mà không cần phải lo đến “những cành mềm mẹ hát”.

“Ngủ yên, ngủ yên, ngủ yên

Cho cò trắng đến làm quen

Cò đứng ở quanh nôi

Rồi cò vào trong tổ

Con ngủ yên thì cò cũng ngủ

Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi

Mai khôn lớn, con theo cò đi học

Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân

Lớn lên, lớn lên, lớn lên…

Con làm gì?

Con làm thi sĩ

Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ

Trước hiên nhà

Và trong hơi mát câu văn”


Ở khổ thơ thứ hai dường như nhà thơ đã bao quát toàn bộ cuộc đời của đứa trẻ, từ khi mới cắp sách tới trường cho tới khi khôn lớn và làm một nghề nào đó có thể là nghề thi sĩ. Đấy cũng chính là đại diện cho cuộc đời của mỗi một con người, ai cũng đều trải qua những giai đoạn như vậy. Và trong suốt chặng đường đó hình ảnh con cò vẫn luôn gắn bó với đứa trẻ, đã đi vào tiềm thức hết sức thân thuộc với mỗi người. Có thể thấy lời ru thiết tha, trìu mến của người mẹ đã đưa đứa con vào trong giấc ngủ say nồng. Trong những lời ru ấy cánh cò vẫn bay hoài không nghỉ, vẫn theo suốt trong từng hơi thở, trong từng giấc mơ của đứa trẻ. Dường như con cò từ trong ca dao đã thực sự sống dậy trong tâm hồn con người, vỗ cánh nâng đỡ cho con người trong suốt chặng đường đời. Chặng đầu tiên ấy là khi con còn ẵm ngửa, con còn ngủ trong nôi, cò đã đến cùng lời ru của mẹ, vào giấc ngủ thay mẹ vỗ về con ngủ. Khi con bắt đầu chập chững tới trường, cò lại theo con tới trường, có thể nói cánh cò chính là biểu tượng của người mẹ hằng ngày vẫn dõi theo con. Rồi mai này con khôn lớn, mẹ mong con làm thi sĩ, được sống một cuộc đời tự do tự tại, được như cò vỗ cánh bay xa, rồi con sẽ nhớ lại cánh cò, như nhớ về mẹ trong “hơi mát câu văn”.

“Dù ở gần con

Dù ở xa con

Lên rừng xuống bể

Cò sẽ tìm con

Cò mãi yêu con

Con dù lớn vẫn là con của mẹ

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”


Trong khổ thơ cuối nhà thơ vẫn tiếp tục sử dụng giọng thơ dìu dặt của lời ru, từng câu chữ lắng đọng những suy tư thật sâu sắc. Con cò được nhấn mạnh như là một hình tượng có ý nghĩa triết lý hơn cả. Hình tượng con cò chính là biểu tượng của lòng người mẹ yêu con tha thiết, sẽ luôn ở bên con suốt cả cuộc đời. Dù con có đi xa hay gần, lên rừng hay xuống biển, nhưng cánh cò trong lời ru của mẹ sẽ mãi theo con, sống trong tiềm thức của con, thay cho mẹ theo con từng bước đi. Dù mai sau khôn lớn, con đã rời xa mẹ đi khắp mọi phương trời, thì đối với mẹ con vẫn mãi bé bỏng, vẫn cần mẹ phải che chở. Chính vậy mẹ sẽ theo con cả đời, để có thể bảo vệ con suốt đời.

“Một con cò thôi

Con cò mẹ hát

Cũng là cuộc đời

Vỗ cánh qua nôi”


Và sau tất cả, Chế Lan Viên đã đúc kết lại ý nghĩa lời ru của mẹ. Đối với nhà thơ con cò không chỉ nằm trong ca dao, trong lời ru ngọt ngào của mẹ mà có còn có ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Cánh cò bay là cả cuộc đời, với biết bao suy tư, bao thăng trầm của cuộc đời, từ cánh cò mẹ dạy con biết bao điều, gửi gắm biết bao nhiêu tình cảm mà có lẽ cả cuộc đời con cũng chưa chắc đã biết hết được. Mẹ yêu con nhiều đến thế, yêu từ những lời ru, những cánh cò cho con.

Bài thơ đã ca ngợi cái tình cảm thắm thiết thiêng liêng của tình mẹ yêu con, qua đó Chế Lan Viên cũng ca ngợi ý nghĩa của mỗi lời ru đối với tâm hồn, cuộc đời mỗi con người. Nhà thơ đã vận dụng rất nhuần nhuyễn chất liệu ca dao, khai thác được hình ảnh con cò trong ca dao để nói về tình mẫu tử, ý nghĩa của lời ru. Giọng điệu của lời thơ có nhiều sáng tạo về ngôn ngữ, về cách sử dụng hình ảnh, nhiều câu thơ có sức triết lý sâu sắc.

2. Ý nghĩa biểu tượng của hình tượng con cò trong bài thơ “Con cò”

Đoạn 1:
Qua những lời ru quen thuộc, thắm thiết của mẹ, hình ảnh “con cò” đã đến với tâm hồn tuổi ấu thơ một cách vô thức. Những câu ca dao thể hiện ý nghĩa phong phú của biểu tượng con cò: đó là hình ảnh bình dị đặc trưng của làng quê Việt Nam.

Đoạn 2: Con cò trở thành biểu tượng của lòng mẹ bền bỉ, dịu dàng với con. Cánh cò trở thành người bạn đồng hành suốt cuộc đời con từ khi trong nôi cho đến lúc con trưởng thành.

Đoạn 3: Hình tượng con cò được khai thác ở ý nghĩa tượng trưng cho tấm lòng người mẹ lúc nào cũng theo sát bên con. Dù là ở đâu, dù là lúc nào, dù là cuộc sống có nhọc nhằn ra sao thì mẹ vẫn luôn ở bên con. Hình tượng ấy được nhà thơ nhấn mạnh, khái quát thành một quy luật sâu sắc, bền vững của tình mẫu tử.

Các bạn có thể xem các bài viết cùng chủ đề:
TẠI ĐÂY
 
Từ khóa Từ khóa
bài thơ con cò chế lan viên con cò
647
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.