Hình tượng người anh hùng trong sử thi Ramayana

Hình tượng người anh hùng trong sử thi Ramayana

nauyeee
nauyeee
  • Thành Viên 20
Tác phẩm trong chương trình ngữ văn 10 "Rama buộc tội" trích trong sử thi Ramayana của Ấn Độ. Đó là 1 trong 2 bộ sử thi rất nổi tiếng, tác phẩm bất hủ có sức trường tồn lâu dài trong lòng người Ấn Độ. Người Ấn Độ thường tự hào rằng “chừng nào sông chưa cạn , núi chưa mòn thì sử thi Ramayana cong làm say lòng người và cứu giúp họ ra khỏi tội lỗi”. Một trong điều làm nên sự thành công của sử thi là cách xây dựng hình tượng nhân vật. Hình tượng nhân vật người anh hùng được biểu hiện qua sử thi nổi tiếng này, anh hùng - con người lí tưởng của thời đại.

6126

Nguồn ảnh: Internet
1. Về vẻ đẹp ngoại hình:

Nhân vật anh hùng trong sử thi về ngoại hình phần lớn thường có tầm vóc đẹp, có kích thước lớn lao. Đây là điều hết sức hợp lý bởi nó là sự cộng hưởng thể chất của cả cộng đồng. Và ở cộng đồng nào thì người anh hùng sử thi đều xuất hiện trọng vẻ đẹp tạo hình theo quan điểm thẩm mỹ, theo chuẩn mực riêng của cộng đồng ấy.

Trong sử thi Ramayana, nhân vật anh hùng lại có được vẻ ngoài thánh thiện do các biện pháp kỹ thuật sử thi được sử dụng trong sự kết hợp nhuần nhuyễn với những yếu tố tôn giáo. Hoàng tử Rama trong tác phẩm có “đôi mắt sáng như mặt trời và mặt trăng, có đôi tai nghe thấu nhạc của trời đất, chàng là kẻ thù của mọi sự ghen tuông hờn giận và tội ác tàn bạo”.

2. Về vẻ đẹp phẩm chất – sức mạnh, tài năng, trí tuệ, đức hạnh:

Ngoài tầm vóc mang kích thước vũ trụ, tiêu biểu cho sức mạnh thể chất – tinh thần của cộng đồng dân tộc, nhân vật anh hùng sử thi còn sáng ngời vẻ đẹp của đức hạnh, trí tuệ, tài năng và lòng dũng cảm,… Tất cả được thể hiện qua những hành động cao cả, dũng cảm của người anh hùng với những chiến công hiển hách. Hêghen đã nhận định: “Tinh thần dũng cảm làm thành cái hứng thú chủ yếu mà tinh thần dũng cảm là một trạng thái tâm hồn và một hoạt động không hợp với tính cách biểu hiện trữ tình, cũng không phù hợp với hành động có tính kịch, nhưng lại đặc biệt phù hợp với hình tượng sử thi". Nhân vật anh hùng sử thi không thể tồn tại nếu không vượt qua được mọi khó khăn thử thách để giành chiến thắng vang dội, lập được những chiến công hiển hách. Người anh hùng phải có những khát vọng lớn lao, những lý tưởng cao cả và lý tưởng ấy cũng là đại diện cho lý tưởng của cộng đồng dân tộc.

Trong sử thi Ramayana, người anh hùng Rama luôn lùi bước trước những hành động đi ngược lại bổn phận. Với niềm tin lý tưởng “chiến thắng thuộc về những người đề cao Dharma” nên người anh hùng Rama luôn hành xử theo bổn phận, tinh thần cao thượng và sự vị tha. Rama được quyền nối ngôi cha, nhưng vì cha đã hứa với thứ phi Kaikêyi đày mình vào rừng để nhường ngôi báu cho Bharata, Rama không dám cãi lại lệnh cha. “Lời hứa của cha là danh dự, danh dự của cha là danh dự của mình và của dòng giống. Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cha là một bổn phận. Đó là tiêu chuẩn đạo đức của đẳng cấp quý tộc và xã hội đương thời”. Chàng vui lòng từ giã cuộc sống vương giả để ra đi và chàng nói với thứ phi Kakêyi: “Không có một đạo giáo nào lớn hơn là phụng sự cha mình và thực hiện mệnh lệnh của cha… Phụng sự cha là bổn phận cao nhất của con người”.

Theo quan niệm của người Ấn Độ, người anh hùng lý tưởng bên cạnh sức mạnh, tài năng và lòng dũng cảm thì phải là con người luôn luôn thực hiện Dharma. Trong sử thi Ramayana, người anh hùng Rama được khắc họa nổi bật lên cùng phẩm chất tuyệt đối trung thành với bổn phận, có sự bao dung độ lượng cao cả và ý thức về danh dự. Mọi hành động của Rama đều luôn tuân thủ tuyệt đối theo trách nhiệm và bổn phận của Dharma. Một tình huống thấm đẫm nước mắt là khi Rama buộc tội Xita, đây là thử thách buộc người anh hùng phải lựa chọn Danh dự hay Tình yêu? Quyền lợi, trật tự xã hội của cộng đồng hay Hạnh phúc cá nhân? Rama đã lựa chọn hy sinh người mình yêu thương nhất để lựa chọn hành động theo bổn phận thuần khiết của một đấng quân vương là xây dựng gia đình chuẩn mực, có vị hoàng hậu đáng kính nể về tình yêu chung thủy. Vì vậy, Rama được người Ấn Độ xem như là hiện thân của đạo lý Dharma, “là khuôn vàng thước ngọc của đẳng cấp Kshatrya”.

Nhân vật anh hùng sử thi luôn hiện diện song hành cùng sức mạnh thể chất và tài năng, phẩm chất đạo đức siêu phàm, là người anh hùng toàn thiện toàn mỹ và trở thành “khuôn vàng thước ngọc” về vẻ đẹp vật chất và sức mạnh đạo đức của con người thời đại. Người anh hùng trong Ramayana là sự khái quát hóa cao độ những khát vọng lý tưởng về sức mạnh, tài năng, lòng dũng cảm, đức hạnh của toàn thể cộng đồng dân tộc sản sinh ra nó. Vẻ đẹp ấy là chỗ dựa, niềm tự hào của cả cộng đồng dân tộc nên luôn được nhìn nhận, đánh giá, ngợi ca với niềm tôn kính thiêng liêng. Người anh hùng trong Ramayana trở thành biểu tượng cho tâm hồn, tính cách dân tộc Ấn Độ yêu chuộng hòa bình, hòa hợp và bình đẳng.

Lê Thị Bích Thủy
 
Từ khóa
hình tượng người anh hùng trong sử thi ramayana
3K
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top