Dự thi Một mảnh ghép nhỏ trong ký ức tuổi thơ của tôi

Dự thi Một mảnh ghép nhỏ trong ký ức tuổi thơ của tôi

TaTa05
TaTa05
  • Thành Viên 19
Sau cơn mưa mùa xuân, khi ánh nắng hè gay gắt đã bắt đầu chiếu lên những tán cây bằng lăng chính là lúc những bông hoa vải thiều trắng muốt nối tiếp nhau kết quả. Quả vải ban đầu chỉ bé bằng hạt gạo nhưng chỉ sau mươi ngày đã to bằng đầu đũa, mang chiếc áo xanh nhạt thay thế cho màu trắng tinh khôi của hoa vải thiều. Rồi tới khoảng tháng sáu, khi tiếng tu hú ngân vang choán hết một vùng trời đất cũng là lúc những vườn vải thiều quê tôi dần chuyển sang màu đỏ. Cây vải to, tán tròn, xòe nở lùm xùm như đĩa xôi, mỗi chùm thường có đến chục quả vải, vỏ quả sần sùi màu đỏ sậm. Khi vải đã chín hẳn, những chùm quả trĩu xuống tưởng như không còn đủ sức để đỡ những quả vải nữa vậy. Mùa vải chín , dân làng tôi nô nức đi trẩy vải rồi chọn ra những quả ngon nhất mang ra chợ bán, chợ Hón làng tôi bình thường luôn thoang thoảng mùi cá tươi giờ đây lại tràn ngập sắc đỏ, nồng nàn mùi mật ngọt- mùi của quả vải chín. Nếm thử trái vải thiều chín vừa hái xuống đã được mang ra chợ của các bác nông dân, tôi như được quay trở về tuổi thơ vậy, vẫn là trái vải thiều căng mọng, chín đỏ ấy, vẫn hương vị thơm ngọt ấy nhưng những trái vải ở nhà văn hóa hồi ấy lại đem lại cho tôi một cảm giác khác hẳn với bây giờ.

4856

Chợ vải. Nguồn: Internet

Tôi nhớ hồi đó, khi trong làng tôi chưa có nhiều vườn vải như bây giờ, chỉ có một cây vải thiều to tướng được bác trưởng thôn lấy giống đem về trồng trước cửa nhà văn hóa. Cây vải được bác vô cùng nâng niu, yêu quý, ngày nào tôi đi qua cũng thấy bác lúc thì tưới nước, lúc lại đứng ngắm từng chùm hoa chiếc lá của cây, bác bảo khi nào vải chín đỏ, nặng trĩu quả sẽ chia cho mỗi nhà một ít để cả thôn cùng được thưởng thức mùi vị vải thiều quê nhà. Nghe bác nói vậy, tôi háo hức lắm, tôi còn nhớ ông tôi đã kể cho tôi nghe rằng: " Nguồn gốc của vải thiều Thanh Hà là ở Trung Quốc. Vào những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, cụ Hoàng Văn Cơm quê ở Hải Dương từng làm phu khuân vác ở Hải Phòng khi thấy mấy ông lái buôn người Trung ăn rồi vất hạt đi đã nhặt vài hạt đem về quê hương ương giống và mọc được ba cây con. Sau đó, cụ chiết cành và nhân giống thêm nhiều cây hơn rồi tạo ra các vườn vải thiều như bây giờ, sở dĩ gọi là cây vải thiều là vì hạt giống của nó xuất phát từ Thiều Châu, Trung Quốc. Con cháu để nhớ ơn cụ nên đã xây dựng miếu thờ cạnh cây vải tổ, người ta nói rằng: Cụ Hoàng Văn Cơm đem vải thiều về trồng ở quê nhà cũng như đem cơm áo về cho dân làng Hải Dương". Nghe xong câu chuyện này, tôi cảm thấy vô cùng biết ơn cụ đã mang về cho đất nước ta một thứ quả ngon xuất xắc như vậy, càng muốn được thử thật nhiều thứ quả ngọt lành đó hơn, nhìn cây vải trĩu quả màu hồng hồng sắp chín hẳn của bác trưởng thôn, trong đầu tôi bỗng lóe lên một ý tưởng vô cùng táo bạo.

Trưa hôm đó là một buổi trưa vô cùng nóng nực, ngoài ngõ, nắng gắt như đổ lửa xuống mặt đất, những hàng cây ỉu xìu, cành lá không buồn rung rinh, làng tôi chìm vào im ắng chỉ để tiếng ve ra sức kêu ve... ve... Nắm bắt được thời cơ, tôi tập hợp đám trẻ con cùng tuổi trong xóm vác que ra trẩy trộm vải của bác trưởng thôn. Nhóm tôi có năm đứa, chúng tôi đứa thì dùng que trẩy từ bên dưới, đứa thì trèo hẳn lên cây hái từng trùm vải ném xuống, bọn tôi cứ làm việc thoăn thoắt cho tới lúc bác bảo vệ nhà văn hóa phát hiện rồi vác gậy đuổi thì đứa nào đứa nấy mới ôm vải chạy. Hoàn thành xong công cuộc trẩy trộm vải chúng tôi đến tới bước "thưởng thức chiến lợi phẩm". Lũ trẻ bọn tôi chạy tới "căn cứ bí mật" là một cái hang bé bé ở ngay bờ ao rồi để vải xuống đó, vừa ngồi nghỉ vừa tách từng chùm vải chia cho nhau. Bóc lớp vỏ ngoài sần sùi ra, tôi nếm thử lớp cùi thịt bên trong quả vải. Lớp thịt quả trắng mỡ ban đầu khô ráo nhưng khi cắn vào lại ngọt và nhiều nước đến lạ, vị ngọt của nó lan tỏa trên khoang miệng tôi, ăn một quả lại muốn ăn đến quả thứ hai, thứ ba... Tôi cùng tụi bạn ngồi thong thả thưởng thức, vừa ăn vừa cười đùa rôm rả, vừa ngân nga câu hát mà chiều nào xóm tôi cũng phát trên loa:
" Từ ngàn xưa nặng phù xa
Sông quê ta đắp bồi dồng ta
Cho cây lúa thêm xanh, cây vải thiều trĩu quả
Thêm quý, thêm yêu đất trời Thanh Hà
Dù đi đâu, dù về đâu, vẫn sáng trong mắt rượi lòng ta..."

Năm nay, trước diễn biến phức tạp của dịch covid- 19 và thời tiết nắng nóng thất thường đã khiến cho vải thiều quên tôi- Hải Dương nói riêng và cả nước nói chung rơi vào tình cảnh lao đao, mất mùa, khiến cho những người trồng vải vô cùng ngao ngán buồn bã. Trong tình hình dịch bệnh phức tạp như vậy, nước ta đã đưa ra những quy định nghiêm ngặt trong quy trình sản xuất vải, kiểm soát chặt dịch bệnh và chủ động kết nối với thị trường tiêu thụ lớn, để cho bà con nhân dân đỡ được phần nào nỗi lo mất mùa và ổn định được kinh tế. Là một công dân Việt Nam, chúng ta hãy chung tay đẩy lùi covid- 19 bằng những hành động thiết thực. Hãy chung tay "vượt dịch", cứu lấy cánh nhà nông trong tình cảnh khó khăn này!


4855

Cây vải của nhà văn hóa bây giờ. Ảnh thật

Những chùm vải thiều hồng đỏ mang hương vị ngọt dịu, tươi mát hồi đó đã trở thành một mảnh ghép nhỏ trong kí ức tuổi thơ của tôi. Vải thiều quê tôi bây giờ nhiều lắm, lũ trẻ bây giờ không còn phải thèm thuồng mà đi hái trộm như chúng tôi hồi đó nữa, chỉ cần bước ra chợ đã có thể mua được cả túi vải to đùng về nhâm nhi rồi. Cây vải của nhà văn hóa vẫn ở đó, vẫn rướn mình đón những đợt gió mùa lướt qua nhưng giờ đã không thể ra hoa được nữa vì sự phá hoại của lũ bọ xít còn chúng tôi thì đã lớn khôn, đã có những ước mơ hoài bão của riêng mình, không còn ôm mãi nhưng kỉ niệm thuở thơ ấu tươi đẹp nữa vì sở dĩ " những kỉ niệm đó tươi đẹp là bởi ta sẽ mãi không thể làm lại mà thôi..."

 
767
4
3

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top