Nhà Dự thi NHÀ – Hai thập kỷ luyến lưu – Tri Ức

Nhà Dự thi NHÀ – Hai thập kỷ luyến lưu – Tri Ức

HAI THẬP KỶ LUYẾN LƯU

"Toàn ngôi nhà là một cuốn sách ký ức, nơi tôi tìm thấy mỗi ngõ ngách biết bao phiên bản ấu thơ của chính mình, nơi mỗi cái chạm là một cú hích gợi nhắc về hành trình trưởng thành đằng đẵng đã đưa tôi đến thời khắc hiện tại. Đó không chỉ là một ngôi nhà. Đó là mái ấm, chốn nương náu linh hồn, nơi cất giữ thời gian."

Hai thập kỷ luyến lưu - Văn Học Trẻ (2).jpg

Hai thập kỷ luyến lưu - Tri Ức
-Ừ, hai biết rồi.
Tôi đặt điện thoại xuống, nhìn ra ngoài cửa sổ. Nhìn từ lầu hai xuống có thể thấy những chùm quả nhỏ xanh lè của cây táo dại, chiếc nón rộng vành phơi trên những thanh rào của cái chuồng gỗ vừa dựng hơi lay động, những loài chim chẳng biết tên chao lượn trên bầu trời, chú mèo mướp uể oải sải bước trên những tầng tôn xanh ọp ẹp. Chiều đã tàn.
“Ánh tà dương tưởng như vô hạn. Nhưng chỉ rực rỡ trong chốc lát, rồi cũng tan biến vào mây hồng cuối trời…”
Danh sách kết hợp ngẫu nhiên phát đến giai điệu này, lòng bỗng buồn rã rời. Nó chẳng liên quan gì đến hoàn cảnh hay tâm trạng tôi, nhưng lại là bài hát lúc trước ở nhà tôi thường nghe. Tâm tưởng tôi phút chốc bay qua những rặng mây ráng đỏ, lưu lãng muôn miền ký ức…

Chẳng nhớ rõ đó là năm nào, nhưng là vào một ngày đẹp trời, ba tôi làm một mái hiên và những lưới hàng rào bao bọc ngôi nhà. Ông đặt bộ bàn ghế gỗ với những ấm trà, còn mẹ thì bài trí những chậu hoa, thế là chúng tôi có một khoảnh sân nhỏ xinh mát mẻ. Vào những dịp nghỉ hè về quê, tôi thường ngồi đây từ trưa đến chiều, lúc nhâm nhi ly nước mơ mát lạnh mẹ ủ và món gan rim thó được trong cái thẩu mồi nhậu cất trong góc bếp của ba; lúc lại hí hoáy vẽ vời; lúc chỉ ngẩn ngơ ngắm nghía, lắng nghe vạn vật.

Trước mặt tôi là chiếc cổng màu xanh ngọc bích dẫn ra con ngõ nhỏ trải xi măng, từ đây có thể nhìn thấy mặt đường và vài cây ăn quả chi chít những chùm hoa vàng ghi ánh hồng dưới mặt trời tròn trịa về chiều phía đối diện. Còn sau lưng tôi là cửa sổ thiên nhiên. Qua những mắt lưới bự chảng, tôi nhìn thấy đủ loại màu sắc, xanh lục của muôn loại cành lá, lam nhạt của bầu trời, trắng của những dải mây với vô số hình thù kì thú, xám của những thân dã quỳ khô rũ ngả nghiêng, đỏ xen vàng của hoa, và nâu của gốc cây mục ruỗng, trơ trụi quắt queo bởi những phong sương năm tháng. Bên đó là một khu vườn rộng với những hàng mì tong teo rải rác; những bụi dã quỳ và trúc dại lăm le xâm chiếm mọi khoảnh đất; cùng những cây cà phê không ngay hàng mà hiếm hoi lắm mới có người đến tuốt khi tới vụ - trước lúc đó, hương thơm của loài hoa này thực sẽ không buông tha bạn, nồng nàn đến độ váng vất. Ngoài ra còn có những cây mít hễ đến mùa là um tùm trái ngọt - rất nhiều bận, sẽ có những ông chú chạy chiếc xe cọc cạch cột chiếc giỏ đằng đuôi đến hái trộm, và thi thoảng còn để lại cho nhà tôi một hai quả mít vàng đượm giòn tan, ý chừng để hậu tạ vì đã không "chỉ điểm" cho chủ vườn - những người mà chính ra chúng tôi cũng chẳng biết là ai. Nhưng cũng không hẳn mảnh đất này bị bỏ hoang, bởi xa thật xa sau những hàng cây tôi nhìn thấy màu đỏ cũ kĩ của bức tường gạch xây vụng về và màu trắng sáng của những trụ đèn cao vút lẫn màu xanh của những mắt lưới bọc quanh sân banh nhân tạo.

Thi vị ở chỗ mảnh vườn này còn thu hút đủ loại sinh vật. Những con bướm, hoặc đơn sắc, hoặc rực rỡ len lỏi qua những cành lá, thi thoảng vờn qua mắt lưới như đang tò mò ngắm loài sinh vật đang hí hoáy viết vẽ bên này hàng rào. Những con chồn, sóc, và lũ gà tạo tiếng sột soạt giòn tan theo mỗi bước đi giẫm lên đám lá khô. Những con chim có chiếc đuôi dài màu nâu vẻ xinh đẹp - ba tôi nói đó là chim bìm bịp, cái tên đó thật quá quê mùa và không tương xứng chút nào với giống chim ấy, tôi nghĩ thầm. Loài quạ cũng nhiều, tôi vẫn thường thấy bóng chúng in rõ trên nền sân trắng ngoài mái hiên dưới cơn nắng trưa hè, cất lên tiếng kêu người ta vẫn cho là xấu xí. Những chú chim sẻ thì lúc nào cũng thấy, nhỏ nhắn, nhặt nhạnh. Lúc nào cũng nghe những tiếng sột soạt khe khẽ chẳng rõ từ hướng nào, bởi con vật nào. Còn có những tiếng chim, tiếng ve, tiếng tắc kè, và tiếng xe cộ, tiếng kim khí, tiếng nhạc từ rất xa vọng lại. Có một loài chim với tiếng kêu rất lạ, ú ú ú, liên tục và đều đặn như tiếng gõ chày, khiến tôi hình dung ra những làn sóng âm thanh trong suốt và đồng tâm cứ đều đều gõ vào không gian. Có lẽ là loài cú. Những loài động vật cũng có trật tự riêng của chúng, tôi nghĩ thế, vì âm thanh của chúng cứ lần lượt, chẳng bao giờ pha lẫn hay lộn xộn: loài này thi thoảng kêu một lúc rồi ngừng, rồi đến loài khác, những âm thanh riêng rẽ thú vị cứ luân phiên, giống như được hòa âm phối khí tỉ mỉ bởi nhạc công sự sống lỗi lạc vậy. Nhưng cũng có lúc nhà soạn nhạc ấy chán dòng nhạc đồng quê trữ tình mà chuyển sang chơi Rock. Những buổi trưa quái đản đó, anh chàng gà trống lông bông phía bên kia bức tường sẽ đột ngột gáy đến khản cổ, không biết là vì còn ngái ngủ sai lệch giờ giấc, hay là vì vội vã muốn chuộc cái lỗi quên gáy vào tinh sương mà lại thành sai càng thêm sai, tội lỗi chất chồng như vậy. Nếu phải ngày đẹp trời nữa thì gã chó hàng xóm lại còn nhiệt tâm phụ họa cho bằng một tràng tiếng sủa đầy uy lực. Mà cực kì đẹp trời nữa thì cô nàng tắc kè sẽ gia nhập cuộc chơi bằng thái độ không lấy gì làm vui vẻ, liên tục chặc lưỡi. Những lúc này thật là khiến lòng người cảm khái muốn hỏi thăm kẻ làm âm nhạc không xứng chức.

Nhưng rồi vào một ngày đẹp trời khác, khi tôi vừa mới ra trường đi làm được nửa năm, mẹ tôi gọi điện kể:
-Nãy ba mẹ ngồi trong sân, có ông kia đi ngang nhà mình, cứ nhìn nhìn rồi ghé vào nói là thầy phong thủy, hỏi tuổi ba mẹ rồi nói hướng nhà không hạp tướng mạng, luôn khiến gia đạo bất hòa, sức khỏe giảm sút.
-Giờ này còn thầy phong thủy luôn hở mẹ? Hay là ổng là cò đất, giả bộ nói vậy để mua nhà? Mà có khi hồi xưa ổng chôn vàng ở đây, giờ tìm cách đào lại đó. – Tôi nhớ đến những câu chuyện cổ tích, phì cười nói.
-Nhưng đúng là ở nhà cứ cãi nhau liên miên, bệnh quạng hoài, làm ăn cũng bết bát. Nửa tháng nữa lại tới hạn trả ngân hàng rồi. Hay là mình bán nhà.
-Bé ơi, sao vậy con?
Tôi nghe tiếng mẹ gọi, giật mình nhận ra mình vừa ngẩn người, rầu rĩ đáp:
-Con không biết nữa, ba mẹ cứ tính đi.
Chúng tôi nói thêm vài câu dặn dò vô thưởng vô phạt rồi cúp máy. Lòng tôi trĩu nặng. Thực ra tôi cũng không phải người chủ nghĩa khoa học tuyệt đối, đối với những chuyện bói toán tôi chỉ nửa tin nửa ngờ, có điều vẫn không tránh khỏi lo lắng và buồn bã. Lo lắng là vì nếu lời người kia là thật, tiếp tục sống như vậy cũng không tốt cho ba mẹ. Mà nếu chẳng hề có ông thầy phong thủy nào cả, thì sự thật là ba mẹ tôi đang tìm một cái cớ chính đáng cho quyết định ra đi vội vã, vì kinh tế gia đình đã khó chống đỡ thêm. Cả hai giả định này đều khiến tôi buồn.

Chẳng bao lâu sau đó, khi tôi tưởng mọi chuyện đã lắng xuống, lại nhận được điện thoại của gia đình thông báo đã bán xong nhà, thủ tục xong xuôi, nhà cũng đã giao cho người ta. Khoảnh khắc đó, thế giới quanh tôi đứng lại. Mọi âm thanh lịm tắt, kim đồng hồ không nhúc nhích, và Trái Đất cũng chẳng còn quay nữa. Tôi đã lặng đi hai mươi giây, nhưng tôi cảm thấy mình đã rong ruổi giữa thời không hai mươi năm. Tâm trí tôi đã đi hoang vào những dải ký ức cũ kĩ suốt hai thập kỷ. Cũng giống như lần trước, đột ngột như thế, thậm chí còn chẳng cho tôi một cơ hội trở về gói ghém tư trang, nói một lời từ biệt, ngôi nhà đã chẳng còn thuộc về tôi, chẳng thể bước vào một lần nào nữa. Tôi bỗng thấm thía cái câu người ta nói, cuộc sống làm gì có nhiều cuộc chia tay mà được nói lời từ biệt đến thế, chẳng mấy ai biết trước được khi nào sẽ là lần cuối cùng. Buồn làm sao, tôi còn chẳng nhớ nổi lần cuối cùng tôi đã rời khỏi nhà như thế nào.

Có những nỗi đau không bao giờ bùng phát, nhưng cũng chẳng bao giờ lành lại. Tôi không nhớ chính xác mình đã trải qua những gì trong ngôi nhà ấy. Gần hai mươi năm ròng. Đã có rất nhiều sự thay đổi. Ngôi nhà đã thay áo qua biết bao mùa, nhưng mỗi dáng vẻ của nó đều khắc dấu mạnh mẽ trong lòng tôi, cũng như từng hồi ức của tôi đều chạm trổ trên từng bức tường chồng chất bao nhiêu vết sơn, trên từng khung cửa mòn hao cũ kĩ. Toàn ngôi nhà là một cuốn sách ký ức, nơi tôi tìm thấy mỗi ngõ ngách biết bao phiên bản ấu thơ của chính mình, nơi mỗi cái chạm là một cú hích gợi nhắc về hành trình trưởng thành đằng đẵng đã đưa tôi đến thời khắc hiện tại. Đó không chỉ là một ngôi nhà. Đó là mái ấm, chốn nương náu linh hồn, nơi cất giữ thời gian. “Một ngày nào đó tôi muốn trở về, song đã muộn rồi”, tiếng ca da diết như mũi dao cùn rỉ cứa qua cứa lại trong nội tâm. Cứ mỗi lần tôi tự nhắc ngôi nhà đã không còn thuộc về gia đình mình, đã không thể trở về nữa, trong lồng ngực lại như bị khoét sâu hơn. Vết thương nơi ấy không rách miệng, không chảy máu, nhưng bưng mủ bên trong, âm thầm quấy quá, từng chút một, ăn lần ăn mòn tâm hồn.
“Ba mẹ bán nhà rồi. Hôm nay chuyển ra.”
“Năm tháng chầm chậm trôi qua. Những biến ảo giữa cuộc đời gian truân…”
“Hai ơi, chừng nào gom đủ tiền mình mua lại.”
“Nào có ai hiểu thấu mộng tưởng bình đạm của tôi”
“Hai ơi, người ta đập xây nhà mới rồi.”
“Một ngày nào đó tôi muốn trở về, song đã muộn rồi”
Tâm trí tôi cứ như rơi vào quãng xước của chiếc đĩa CD cũ, những câu hát, những lời thông báo, những tiếng nức nở chồng chập lên nhau, day đi day lại mãi trong lòng.
Hai đầu dây điện thoại, hai phương trời cách biệt, chẳng biết ở nhà hôm đó thời tiết thế nào.
Có lẽ chẳng phải một ngày đẹp trời.

“Ừ, hai biết rồi.”


Hai thập kỷ luyến lưu - Văn Học Trẻ (0).jpg

Hai thập kỷ luyến lưu – Tri Ức
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
cuộc thi viết về nhà hai thập kỷ luyến lưu hồi ký mái ấm tản văn tri ức
522
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top