Dự thi Mùa hạ trở về- Thanh Nga

Dự thi Mùa hạ trở về- Thanh Nga

Thanh Nga
Thanh Nga
  • Thành Viên 37
Tp Hồ Chí Minh nơi miền đất phương Nam chỉ có nắng ấm. Nắng mùa hè trong Nam không gay gắt như vùng đồng bằng Bắc Bộ nơi Linh sống. Linh đặt chân đến vùng đất này khi còn là một cô sinh viên trẻ tuổi. Vốn là cô gái khoa văn mộng mơ lại xinh đẹp, Linh ngã ngay vào mối tình với chàng trai lãng tử con nhà giàu.

Những buổi tối đón đưa nhau qua con đường rợp lá me bay trên đường phố dài, Linh ngỡ tình yêu mãi long lanh như viên pha lê tỏa sáng lấp lánh như thế. Những quán quen bên lề đường đã níu gọi bước chân đôi tình nhân. Mùa hè thành phố HCM, những con phố dài không ngủ, từng cơn gió mát từ sông Sài Gòn phảng phất làm Linh thêm yêu nơi này, quên đi mùa hè nóng bức ở quê và muốn sống mãi ở nơi đây.

Một ngày khi Linh đang học năm cuối, Linh chuẩn bị bận rộn cho luận án tốt nghiệp, Linh phát hiện ra mình đã mang bầu. Nhưng thật không may cùng lúc đó, bạn trai của Linh nói lời chia tay. Cái thai trong bụng Linh và cả tình yêu dài đằng đẵng bên nhau mấy năm trời cũng không níu nổi bước chân người muốn quay đi. Linh đau đớn, vật vã, xót xa. Dường như bao cung bậc cảm xúc của đau khổ Linh đều nếm trải hết. Nhưng Linh nhất định giữ lại đứa bé, mặc dù nó có thể là vật cản trở cuộc sống của Linh sau này, dù bố mẹ Linh ở quê rất ghét thứ con gái không giữ tiết hạnh.

Linh được một người bạn thân giúp đỡ và đưa đến tạm trú tại một ngôi chùa cổ chờ ngày sinh con. Cũng may đó là khoảng thời gian Linh vừa bảo vệ tốt nghiệp xong thì cái thai đã lớn. Trong ngôi chùa này, dường như những gì cổ kính đều lưu lại nơi đây như lớp bụi thời gian không thể phai mờ. Linh cứ ngồi ngắm những vệt rêu bám vào thân cây mà lòng an yên thấy lạ. Linh chẳng còn đau khổ khi nghĩ về mối tình đã qua nữa. Rốt cuộc trong cuộc đời này, Linh nhận ra rằng, mọi thứ đến và đi với cô đều là nhân duyên.

Linh sinh con trong bệnh viện vào một ngày TP HCM đang kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30-4. Khắp các ngả đường nô nức người đi lại. Những ánh đèn vàng trong thành phố lấp lánh như ánh sao. Tít cất tiếng khóc chào đời một cách thuận lợi. Linh ngắm đứa con trai bé bỏng đang nằm lọt thỏn trong chiếc nôi nhỏ. Lòng Linh thầm mừng nhưng lại thoáng chút lo âu, Linh chưa đủ can đảm để nói với bố mẹ Linh ở quê về chuyện này.

Chỗ trọ Linh ở có một bà Tám rất tốt bụng. Bà Tám sống một mình, bà chẳng có con cái gì, ngày nào bà cũng đẩy xe bánh mì đi bán dạo. Bà Tám coi Linh như con. Linh thấy mình thật may mắn khi thành phố rộng lớn này, vẫn còn những người tốt bên cạnh cô để bao dung những nỗi đau, bất hạnh mà cô gái trẻ vừa mới lớn phải chịu đựng.

Tít lớn được hơn một tuổi, Linh gửi Tít ở trường mẫu giáo, Linh xin được công việc ở một tòa soạn báo nhỏ. Những dịp Linh về quê ngoài Bắc, Linh vẫn giấu bố mẹ về câu chuyện của Tít, Tít được bà Tám trông coi, Linh không nói cho bố mẹ biết mình đang có một đứa con trai.

Thấm thoát cuộc sống của hai má con Linh cứ trôi êm đềm như vậy cho đến khi Tít đã lên bảy tuổi. Bảy năm sống với má Linh, Tít ra dáng chàng trai thương má và hiểu chuyện lắm. Tít không hỏi nhiều về ba mình, chỉ thấy má kể rằng ba rất đẹp trai. Bây giờ ba có một cuộc sống giàu sang, hạnh phúc ở một phương trời khác rồi. Má thường bẹo đôi má phúng phính đáng yêu của Tít, hai má con cùng cười giòn tan nơi căn phòng trọ nhỏ.

“Tít ơi! Ra ngoại cho con một ổ bánh mì này!”

Bà Tám lại ghé qua, bà kéo cái xe bánh mì cho gọn và gọi Tít lời yêu thương như thế. Tít đón lấy ổ bánh mì kẹp của bà Tám, hai cái răng sún trước cửa ngoạm một miếng. Má Linh lại toe toét cười:

“Ăn nhiều là mập ú đó chàng trai của tui!”

“Bác Tám nay đi chợ về sớm ghê ha!”

Vài tiếng còi trên đường phố vọng vào khu nhà trọ, âm thanh cuộc sống vẫn diễn ra với những mảnh đời chẳng ai giống ai. Họ hạnh phúc và khổ đau theo nhiều cách, như cuộc sống nắng mưa vẫn diễn ra hằng ngày.

Mùa hè năm nay lại đến. Tít được nghỉ hè, Linh định bụng sẽ đưa Tít về nói chuyện với bố mẹ ở quê. Linh sẽ thú nhận với bố mẹ mọi chuyện về Tít. Bí mật quá lâu Linh giữ nó cho riêng mình, đôi khi nó trở nên thân quen với Linh quá đỗi. Bao năm trôi đi, Linh chẳng có thể yêu đương nổi một ai nữa. Bao nhiêu tình yêu bây giờ Linh chắt chiu dành cho Tít hết rồi.

Vé máy bay đã được Linh chọn mua và sắp xếp công việc để về quê một chuyến cùng Tít. Tp HCM những ngày này, dịch bệnh Covid-19 bắt đầu lan tỏa nhanh chóng, các chốt kiểm soát ngặt nghèo được dựng lên. Hai mẹ con Linh dắt nhau đi mua đồ ăn cũng khó khăn. Trên đường phố, có những người vô gia cư ngồi trong góc tối. Họ như bức tượng lặng câm ngồi bên cạnh cơ man nào là thùng xốp, bìa carton, chai nhựa sặc sỡ màu sắc. Họ giống như một nốt trầm trong lòng thành phố mênh mang màu buồn.

Chiều nay, khi thu xếp nốt công việc ở tòa soạn trở về, Linh thấy trong người bắt đầu có dấu hiệu sốt cao và mệt mỏi. Sự lo lắng đã trở thành hiện thực. Vé máy bay đến ngày đành bỏ lỡ vì Linh đã phát bệnh rồi. Bà Tám và Tít lo lắng đưa Linh vào bệnh viện. Những ngày đầu hai má con còn trò chuyện với nhau được thường xuyên. Nhưng Tít không hiểu sao, những ngày sau Tít gọi không thấy má Linh bắt máy nữa. Đường phố bị phong tỏa nên vắng tanh vắng ngắt. Bà Tám biết Tít buồn nên bà thường dạy Tít học bài, đến bữa lại dạy Tít nấu cơm. Tít tráng trứng, luộc rau giỏi lắm.

“Ngoại ơi! Bao giờ má Linh về con khoe với má Linh món trứng rán ngon hết xẩy ngoại ha!”

Bà Tám méo mó nụ cười thương Tít như thằng cháu ruột thịt của mình. Bà Tám nhìn ra xa, nơi những con đường thành phố vắng hoe, bà lắng tai nghe một âm thanh cuộc sống hàng ngày, dù chỉ là tiếng còi xe cũng không có. Đâu đó chỉ có những bóng người mặc quần áo bảo hộ màu trắng kín mít từ đầu tới chân, họ đi lại trong hẻm này. Họ khiêng theo những chiếc quan tài bằng gỗ, một lát sau họ lại lặng lẽ đi ra.

Bỗng chiếc điện thoại của bà Tám rung chuông.

“Alô! Alô! Cho hỏi đây có phải người nhà của chị Nguyễn Thùy Linh không ạ, cháu thấy danh bạ điện thoại lưu là "má Tám" nên cháu gọi?”

“Vâng đúng rồi cô! Có chuyện gì vậy cô!”

“Cháu gọi điện từ bệnh viện Hùng Vương, cháu rất buồn phải thông báo cho gia đình, chị Linh đã mất vì bệnh viêm phổi cấp rồi ạ!”

Bà Tám ù tai không nghe thấy đầu dây bên kia nói gì nữa. Tít thấy khuôn mặt bà Tám biến sắc Tít chạy lại lay lay người bà.

“Ngoại ơi! Má con làm sao? Má con làm sao rồi?”

Bầu trời trở nên chật chội khi những đám mây vần vũ trên bầu trời đen kịt. Tít ôm bà Tám khóc gào lên cả căn phòng trọ nhỏ. Căn phòng dường như chẳng chứa đựng nổi nỗi mất mát bất ngờ của Tít.

Vậy là cả mùa hè ấy, ánh nắng hay mưa rào Tít cũng không cảm nhận được nữa. Khắp người em như phủ một tấm khăn tang màu trắng đến nghẹn ngào. Má Linh đi như mất cắp, Tít chưa bao giờ nghĩ đến điều đó ngay cả trong giấc mơ. Má còn dặn Tít vài hôm nữa khỏi bệnh trở về, hai má con sẽ cùng nhau về quê gặp ông bà ngoại ở ngoài Bắc, thế mà…

Tít lại nấu món trứng rán và rau luộc người ta hỗ trợ mang sang cho bà Tám, mấy hôm nay bà cũng mệt mỏi, lại còn phải cách li với Tít nữa. Tít cầm chiếc cặp lồng be bé đi qua chốt kiểm dịch, Tít cúi đầu xuống chỉ dám nhìn lòng đường, bởi nếu Tít ngẩng mặt lên, hình ảnh về má Linh lại tràn ngập khắp các con hẻm này.

“Cháu bé! Đi đâu mà ra đường một mình thế này, má con đâu sao không đi cùng?”

Một chú công an hỏi Tít khi qua chốt kiểm soát. Tít giấu đi giọt nước mắt tuôn rơi, lí nhí trong mồm:

“Má con… mất rồi!”

Chú công an nghe Tít nói rồi nín lặng, chú không nói thêm điều gì nữa mà âm thầm mở cửa chốt cho Tít đi qua. Tít lũn cũn đi thật chậm, vừa đi vừa lau nước mắt lã chã tuôn rơi.

Bà Tám cũng đỡ dần hơn sau trận ốm. Thời gian chậm rãi trôi qua cùng nỗi đau đến tột cùng của Tít mỗi khi nhớ má Linh. Người ta còn có người thân đùm bọc với nhau vượt qua nỗi mất mát này, Tít chẳng có ai ngoài má Linh và bà Tám là người thân từ khi Tít sinh ra. Mùa hè này có lẽ là mùa hè đáng nhớ nhất trong cuộc đời Tít. Mùa hè Tít không thấy hoa nở trên những hàng cây, không có những cuộc dạo chơi trong công viên Đầm Sen mà chỉ có tiếng khóc và đau thương. Có lẽ chẳng một ai muốn nhắc lại nỗi đau ấy.

Tít và bà Tám đứng xếp hàng nhận lại hũ tro cốt và đồ đạc của má Linh. Lúc má Linh đi, người má vẫn còn lành lặn vậy mà khi trở về, má lại nằm gọn trong chiếc lọ sành, ai mà không thương cho được. Bà Tám ôm Tít vào lòng, bà vuốt mái tóc đen láy của Tít và thương:

“Tít ơi! Con đừng buồn, ngoại sẽ đưa con về với người thân của con ở ngoài Bắc, Tít đừng khóc nữa. Hãy sống mạnh mẽ như má Linh con đã từng sống và yêu con!”

Tít hiểu chuyện, Tít không khóc nữa. Tít trở về cũng bà Tám, hai bà cháu sống tạm qua ngày chờ thành phố trải qua đợt dịch này.

Tít đặt chiếc ảnh xinh đẹp của má Linh trên bàn thờ, Tít nấu cho má những món ăn bà Tám dạy Tít bữa trước. Tít thầm nghĩ: “Chắc ở một nơi xa, má Linh sẽ vui vì Tít rất ngoan!”

Những ngày cuối hè đã dần qua, người ta bắt đầu tháo dỡ phong tỏa các chốt ở những con đường trong thành phố. Bà Tám chuẩn bị đặt vé máy bay, lo liệu mọi thủ tục để đưa Tít về quê. Dáng điệu của bá Tám nhỏ thó run run nhìn đến tội nghiệp.

Chuyến bay cất cánh dời Sài Gòn vào một buổi sáng mùa hè mây trời trong xanh đến lạ. Tít nhìn lại thành phố từ trên cao qua ô cửa kính máy bay một lần nữa. Những ngôi nhà to lớn nay trở nên nhỏ xíu khi nhìn từ trên cao, tạm biệt TP HCM, chẳng biết khi nào Tít mới có dịp được quay lại nơi đây nữa. Nơi đây cho Tít quá nhiều kỷ niệm về má và cho Tít cả những nỗi đau.

Về ngoài Bắc, Tít và bà Tám bắt xe từ sân bay về quê cũng không xa lắm, đi chừng mất 45 phút tới nơi. Con đường dẫn vào nhà ông bà ngoại Tít là con đường rợp bóng cây bằng lăng màu tím ngắt. Cuối hè rồi, những cánh hoa bằng lăng rụng hết, chỉ còn trơ cuống hoa và những tán lá xanh. Tít còn nhìn thấy cánh đồng lúa non bạt ngàn đang reo vui đón gió.

Ông bà ngoại đã đợi Tít trở về từ cổng. Bà ngoại khóc ôm hũ tro cốt của má Linh rồi khóc nức nở. Ông ngoại có mái tóc hoa tiêu ôm Tít vào lòng rồi nói:

“Mỗi bí mật là một điểm yếu, con Linh nó giấu điểm yếu của nó tài thật đấy!”

“Bố mẹ nào mà chẳng thương con, thương cháu, nó âm thầm chịu đựng một mình như thế làm gì cơ chứ!”

Bà Tám trao lại tất cả những gì còn lại thuộc về Linh cho ông bà ngoại của Tít. Bao năm xa nhà, hành trang của Linh chất đầy những kỷ vật và kỷ niệm, nhìn vào chỉ thêm xót xa. Cuốn nhật ký, những bức ảnh, những món quà lưu niệm…tất cả vẫn còn đây mà người đã về với mây trời.

Ngày hôm sau, bà Tám chào cả nhà và Tít để khăn gói trở lại TP HCM. Bà Tám sẽ lại đẩy xe bánh mì đi bán dạo khắp các con phố. Tít nhìn bà Tám đi khuất ngõ, lòng Tít đau như thắt lại. Tít khóc nhiều lắm. Bà ngoại mắt đỏ hoe an ủi Tít:

“Tít đừng khóc! Bao giờ cậu Long vào Sài Gòn, cậu sẽ cho Tít vào đó chơi và gặp bà Tám nhé!”

Tít thút thít một lúc rồi hiểu chuyện và thôi khóc. Vườn nhà ông bà ngoại Tít, khu vườn cuối mùa hạ, những trái mít, trái ổi sai lúc lắc ở trên cây. Mấy đứa bạn bằng tuổi Tít thấy Tít có đồ chơi đẹp, chúng chạy sang ngồi chơi cùng Tít. Trẻ con thường quên nhanh, Tít cười cùng bạn, Tít khoe hai chiếc răng sún trước cửa thật đáng yêu! Một lúc sau mấy đứa nhón nắng chạy ra ngõ chơi thả diều. Dáng Tít lũn cũn mập mạp gọi với theo đám bạn mới:

“Ê mấy đứa đi chầm chậm chờ tao cái coi! Mấy đứa ơi!”


bà cháu.jpg
 
Sửa lần cuối:
657
3
2

Trầm Từ Thương

Thành Viên
7/3/22
137
146
43,000
38
Xu
3,660
không hổ danh nữ hào văn mới nổi.
vẫn đỉnh qua ngôn từ và cách dẫn truyện
không đỉnh không phải Thanh Nga
 
  • Love
Reactions: Thanh Nga

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top