Dự thi Mùi Quê Hương - Xuân Vũ

Dự thi Mùi Quê Hương - Xuân Vũ

Xuân Vũ
Xuân Vũ
  • Thành Viên 19
Như một thức quà ngon của đồng nội, nàng xuân về mang theo hương thơm ngọt lành. Mùa xuân đẹp lắm, đẹp đến mức nếu chỉ nhìn bằng mắt thường sẽ chẳng thể nào con người ta cảm nhận được hết sự chuyển biến diệu kì của đất trời. Chính vì lẽ đó mỗi năm Tết đến xuân về, thiên nhiên lại ghi khắc trong lòng tôi bằng một mùi hương thân thương, ngọt lành: mùi quê hương.

Tôi từng say hương hoa mai. Trước đây nhà tôi có một cây mai rừng được ông nội chăm từ dưới quê gửi lên. Tuy nói là mai rừng nhưng cây chỉ cao chừng 1 mét, cây mai nhiều tuổi thành ra gốc to, cằn cỗi và xù xì. Cha tôi thích cây mai ấy lắm, ông thường khen dáng mai cuộn đẹp, tán lá tròn rất tự nhiên xoè rộng ở phần gốc rồi thu nhỏ dần ở phần ngọn. Khoảng độ 20 tết, tôi theo cha ra vườn lặt lá mai. Đó không phải là công việc dễ dàng, ông nói mai đẹp hay không là phụ thuộc vào thời gian lặt lá có phù hợp không, phải biết xem xét tiết trời và nụ hoa để tính toán. Từng chiếc là xanh mướt rơi dần xuống nền đất, cây mai trở nên trơ trọi xót xa với những lộc non chồi biếc. Thế nhưng chỉ chừng vài hôm nữa thôi cánh mai sẽ bung ra như con bướm vàng vươn mình bay vút lên trời thiêng đón mừng Tết về. Khi những cánh hoa bung nở hết mình đã để lộ ra nhụy hoa vàng tươi, tỏa hương thơm thoang thoảng. Ai cũng bảo hoa mai làm gì có mùi, thật ra là có nhưng mùi hoa nhẹ và thanh. Hương hoa mai kén người thưởng, muốn cảm nhận rõ con người phải biết lắng lòng, buông hết tạp niệm cho tâm hồn thanh thản. Phải có cái lòng thuần khiết lắm hoa mai mới e ấp gửi trao cái tình của mình. Ngọt như mật và nồng say như rượu - đó là hương mai.

Con đường chợ hoa ngày Tết dậy mùi đất làng. Mùa xuân trăm hoa đua sắc, chợ hoa càng giáp Tết lại càng nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Từ chiếc xe tải cao gần bằng căn nhà cấp 4, người ta khệ nệ khiêng từng chậu cây kiểng cho kịp phiên chợ huyện cuối năm. Hoa cúc vàng đại đóa đón nắng, chậu lan ghép vươn mình lên cao, bông mào gà đỏ chói hứng sương, rồi còn có cả những loài cây, loài hoa mới lạ mà tôi và cả mẹ chẳng biết tên. Mỗi năm một hiện đại, công nghệ lai tạo ngày càng tiên tiến, nhiều giống hoa mới sinh ra liên tục góp mặt vào bản hoan ca của Đất Mẹ chào xuân. Trong cái hội thi đọ sắc ấy, tôi nghe tiếng thở than của những loài hoa truyền thống, hình như các chị sợ nụ hồng của mình kém duyên trước lớp em thơ còn mơn mởn của thời nay. Biết cái lòng hay hờn dỗi của mấy nàng, anh gió nhẹ lướt qua, chen vào từng cánh hoa mong manh mà đoạt lấy hương thơm của các chị bay lên vút trời mây rồi buông đôi tay. Hương hoa theo gió tỏa ngát cả một vùng trời, ấy là mùi hoa tự nhiên, cái mùi mà không một nền công nghệ nào có thể thay thế được. Năm nào cũng vậy, dù phát đạt hay khó khăn, dù khấm khá hay bế tắc, cứ đến 25 Tết là nhà tôi lại ra chợ Xuân sắm một cặp cúc để trưng trước ngõ, hai chậu mào gà để trước hiên và cạnh bên là cây quất cho thêm xanh. Thuở bé tôi thường không hiểu vì sao cả nhà phải nhịn ăn nhịn mặc để mua những bông hoa chỉ có thể nở vỏn vẹn một tuần lễ, những lúc nghe câu hỏi ấy của tôi cha lại cười ầm lên rỗi vỗ đùi một cái đét, nói: “Tết mà” – cái câu nói muôn thuở của bao người.

25 tháng chạp, tôi chạnh lòng nhớ đến mùi nếp mùi đỗ quê nhà. Năm nào cũng vậy, cứ trước đêm giao thừa một, hai ngày là tôi cùng lũ em lại sang nhà bà phụ gói bánh tét. Vừa qua đến nơi bà đã mang rổ đậu xanh vừa được ninh nhừ ra khỏi nồi. Mùi đậu bùi bùi xộc lên thơm nức mũi, đậu nào mà nghe vị thanh như hương sen ngày hè ấy mới là đậu ngon. Phần nếp cũng được bà tôi chuẩn bị kĩ càng, bà nói chọn nếp phải chọn hạt to, tròn, màu trắng đục, không bị gãy nát, phải ngửi được mùi thơm nhẹ, mùi ngọt như sữa mới đúng là nếp tự nhiên. Rồi hai mùi hương ấy dung hòa lại cùng mùi mỡ thịt béo ngậy trong chiếc bánh tét chắc nịch, bà tôi lại chọn những chiếc lá chuối xanh mướt, bắt chúng tôi lau thật sạch rồi cẩn thận gói quanh bánh, buộc lạt lại thật chặt. Mỗi đêm canh bánh, bà lại kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện cổ tích. Mặc cho thời đại có đổi thay ra sao, mặc cho đàn cháu đã độ hai mươi, bà và chúng tôi vẫn say sưa tìm về chốn thần tiên trên chuyến đò tuổi thơ năm nào: “Vật trong trời đất không có gì quí bằng gạo, là thức ăn nuôi sống người. Nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng trưng Trời Đất. Lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột để tượng hình cha mẹ sinh thành” ... Mùi nếp, mùi đậu và cả lời dạy của bà đã được tạc khắc trong trái tim tôi.

Giờ đây đi xa nhà rồi, tôi bỗng thấy nhớ cái không khí Tết của quê nhà đến nao lòng. Nhớ mùi dưa món, củ kiệu, nhớ cái mùi pháo khét lẹt giữa trời sao đêm giao thừa, nhớ mùi khói cay nồng từ nồi bánh tét bà nấu, rồi cả mùi nhang trầm hương vẽ đường từ nhân thế về cõi niết bàn cho con cháu bày tỏ lòng thành kính đến gia tiên, nhưng trên tất cả tôi nhớ mùi hương của mẹ. Thưở còn nằm nôi, có lẽ ngay cả khi chưa kịp nhìn nhận thế giới này tôi đã cảm nhận rõ ràng được mùi thơm ngọt lành của sữa mẹ. Từng dòng sữa nóng ấm nuôi lớn con lớn lên từng ngày, dòng sữa hòa cũng lời ru âu yếm trong những đêm hè trước hiên nhà. Khi lớn lên một tí, tôi lại say mê cái mùi bồ kết trên mái tóc đen mượt của mẹ. Tôi vẫn còn nhớ mãi hình ảnh mẹ xối từng gáo nước đậm mùi cây dại nhẹ nhàng dội lên mái tóc dài. Nhiều mùa xuân qua đi, càng lớn lên tôi lại càng thấm thía cái mùi mồ hôi mặn đắng chảy dài trên lưng mẹ, cứ mỗi cuối năm, mẹ lại tất tả chạy xuôi chạy ngược lo gom tiền sắm tết, lo cho đàn con thơ cái áo mới cho bằng bạn bằng bè. Thời gian vô tình cứ thế qua đi, hạ tàn, thu vàng, đông sang rồi thì xuân lại đến, lưng mẹ cứ ngày một còng thêm, đôi bàn tay nhăn nheo đầy vết đồi mồi vì sương gió. Tự nhiên tôi lại thổn thức khi nhớ về bản nhạc đầu mùa buồn đến não lòng:
“Mỗi mùa xuân sang
Mẹ tôi già thêm một tuổi
Mỗi mùa xuân sang
Ngày tôi xa mẹ càng gần...”

Mùa xuân – mùa vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa mang trọn hương sắc của trần gian nhưng cũng là mùa mang theo “mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi”. Đón một cái Tết xa quê làm tôi lại thèm được quay về những mùa Tết năm xưa, cái ngày tóc cha chưa điểm màu hoa râm, cái ngày lưng mẹ chưa còng ngang đau mỏi. Chuyến xe thời gian lại tiếp tục lăn bánh mang theo tiếng thở dài của tôi thầm hỏi trời xuân: Sẽ còn bao nhiêu mùa Tết được cạnh bên mẹ cha?
 

Đính kèm

  • Mùi Quê Hương - Văn học trẻ.jpg
    Mùi Quê Hương - Văn học trẻ.jpg
    86.5 KB · Lượt xem: 189
823
3
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top