Người Giữ Ánh Sáng Tuổi Thơ Tôi

Người Giữ Ánh Sáng Tuổi Thơ Tôi

Cảm ơn má đã không biến ba con thành nhân vật phản diện,


Hồi nhỏ, ba là anh hùng trong mắt tôi, ba rất tuyệt vời.

Thời niên thiếu, ba trở thành hình mẫu người đàn ông tốt mà tôi đặt ra cho bạn trai tương lai.

Lúc trưởng thành, từng mảng tối trong gia đình bắt đầu hé lộ, ba tôi là người ba tốt nhưng không phải là người chồng tốt.

Ba chưa bao giờ đánh đập má tôi, ba đi làm lo tài chính gia đình. Chắc đó là hai điểm tốt duy nhất mà ở khía cạnh một người chồng mà ba tôi đã làm được.

Ba tôi gia trưởng. Đối với ba, đàn ông làm việc lớn ở ngoài, đàn bà lo việc trong nhà. Tuy sau này, má tôi cùng ra đi làm với ba, nhưng khi trở về nhà, mọi việc nhà cửa, cơm nước, lo con cái, đều là má tôi làm. Ba không hề xắn tay phụ lấy. Kể cả khi má tôi bệnh, mệt, ba cũng không quan tâm. Chỉ duy nhất khi má tôi sinh con, nằm cữ, không thể ra nấu cơm, giặt giũ, ba mới làm.

Ba tôi độc đoán. Trong nhà, những việc lớn liên quan tài chính, ba tôi tự quyết định. Có lần Tết, ba tôi đánh bài thua sạch tiền, sẵn tiện, ba bán luôn đám mía non với giá rẻ để lấy tiền đánh bài tiếp. Và má tôi không có quyền lên tiếng dù mấy đám mía đó là tài sản, công sức của cả hai vợ chồng.

Ba tôi là người chồng vô tâm. Trong ký ức tuổi thơ, mỗi lần Tết đến, nhà nhà đều đi chụp hình gia đình, riêng gia đình tôi, chỉ duy nhất có hai lần chúng tôi chụp hình đủ mặt cả nhà. Còn lại, toàn là má tôi bồng bế, chở bốn anh em xuống studio để chụp hình. Mỗi năm, mới đầu tháng chạp, còn cả tháng nửa mới tới Tết, ba tôi đã có mặt ở các sòng bài từ sáng đến khuya, ăn ngủ luôn ở sòng bài. Thậm chí đến sáng mùng một, ba cũng không hề về nhà. Chỉ có mấy má con lủi thủi với nhau đón tết. Ngày Tết, mặc cho má một mình lo toan mọi thứ, dọn dẹp nhà cửa, dẫy cỏ mộ ông ngoại, gói bánh tét, đúc bánh chưng, làm mức, lo cúng ông công, ông Táo, lo cúng tất niên, giao thừa, lại thêm coi sóc bốn đứa nhỏ leo nheo. Ba tôi vẫn tàng tàng ăn ngủ rồi đi đánh bài, hiếm hoi lắm, hôm nào đánh bài thua, hết tiền sớm, ba mới về sớm được một bữa, thế mà cả nhà vui như hội. Có năm, nửa đêm giao thừa, đợi mấy đứa con ngủ say, má đi tới từng sòng bài kiếm ba. Tìm được ba, năn nỉ ba về nhà đón mùng một với cả nhà, nhưng ba bỏ mặc. Má một mình, đi bộ về nhà, nửa đường, tủi thân ngồi khóc ở ống cống.

Những điều đó, má chưa bao giờ kể cho chúng tôi nghe. Những gì má kể, chỉ là ba làm lụng vất vả thế này, ba làm lụng vất vả thế kia để tụi tôi thấy được sự hy sinh cao cả của ba, nhưng lại không thấy được sự hy sinh lặng thầm của má. Chúng tôi lớn lên trong một gia đình êm ấm. Tôi vô cùng biết ơn má vì điều đó. Tuổi thơ tôi trôi qua trong êm đềm, không phải thấy cảnh mâm bay, chén rơi trong giờ ăn, không phải thấy cảnh người lớn đánh đập, chì chiết nhau. Cũng bởi vì, má tôi cố nhịn nhục và giấu nước mắt vào trong.

Khi trưởng thành, tôi dần dần nhận ra những góc khuất ấy, đã dần thấy được những lần má khóc thầm. Má cũng dần dần mở lòng hơn để kể với tôi, những câu chuyện má giấu rất lâu rồi. Vì má biết, tôi đủ trưởng thành để hiểu.

Tôi vô cùng biết ơn má, đã cho tôi một tuổi thơ hoàn hảo, không sứt mẻ để tôi có thể trưởng thành một cách trọn vẹn về nhân cách và cảm xúc. Tôi vô cùng cảm ơn má, má đã không biến ba thành nhân vật phản diện trong mắt những đứa trẻ là bọn tôi.
 
5
0
0
Trả lời

Bình luận mới

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.