Ngoại truyện: Chị Dậu mơ thấy các con

Ngoại truyện: Chị Dậu mơ thấy các con

Chị Dậu chạy trên cánh đồng giữa đêm đen mưa gió, bão bùng. Sấm chớp xé rạch ngang trời đinh tai, nhức óc. Chị không dám ngoái cổ nhìn lại phía sau và cũng không dám đứng lại nữa. Gió cứ giật và mưa trút xuống, sấm chớp đì đoàng tưởng như sẽ gieo mình nơi hoang vắng. Chị chạy chầm chậm lại nhưng cứ sợ quan cụ hiện ra trước mặt. Chị hoảng hốt chạy tiếp và dường như có ma đang đuổi sau mình thì phải. Chị cố gắng chạy nhưng tiếng của lão quan cụ ấy vẳng vẳng bên tai “ Đào ơi…ơi…ơi… chờ tao với…ơi…ơi…với…với..với…”. Chị lấy lại sức bình sinh, lên thế chuẩn bị đối phó lại với lão nếu lão đuổi theo. Lúc này, chị nghĩ lại cái cảnh bọn nhà cường hào lí trưởng kéo vào nhà bắt chồng chị lên nhốt trên sân đình vì không nộp thuế. Chị dừng lại nói trong vô hư:

- Mày lại đây! Bà cho mày xem! Mày già rồi nhá!

Nhưng đang chuẩn bị cho việc ẩu đả với lão quan cụ thì chị nghe Bà Đất hỏi:

- Này mẹ đĩ Dậu, sao tối tăm thế này mà lại quanh quẩn nơi đồng không mông quạnh thế kia?

Chị Dậu giật thót người quay lại, tưởng quan cụ hiện hình:

- Mày lại đây, lại đây…bà cho mày xem!

Bà Đất run lên miệng lắp bắp:

- Ơ! Sao lại gọi bà là mày? Bà Đất thổ địa ở đây mà!

Chị Dậu quát lớn:

- Không đất với đai gì hết. Cút ngay không tao giáng cho một trận nghe! Đời bà khổ lắm rồi! Con cái thì bị bán đi. Chồng thì ở nhà trông hai đứa nhỏ, không biết giờ này ra sao? Cút…

Chị Dậu thở hổn hển và lấy lại bình tĩnh rồi ngộ ra trước mặt mình là một bà hiền hậu, vui vẻ. Bà Đất tâm sự với chị Dậu hồi lâu trong đêm rồi đưa chị vào lùm cây bên đường bảo chị ngủ đi chờ trời sáng thì khắc biết.

Chị Dậu không còn vội vàng chạy nữa mà ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Trong giấc mơ, chị mơ thấy cái Tý đã lớn khôn và được trở về đoàn tụ với gia đình, mẹ con rau cháo có nhau sau bao nhiêu năm trời đi ở đợ cho Nghị Quế. Cái Tý bước vào nhà với vẻ như một thiếu nữ, tóc dài đen mun, nhoẻn cười chào mẹ, cha:

Thầy, u ơi! Con được về với thầy u và các em rồi này!

Dần ơi, cái Tĩu ơi! Chị về với các em rồi này, bao nhiêu năm xa các em, chị nhớ lắm! Kẹo Hải Hà chị mua này, các em ăn đi! Đừng ăn rễ khoai lang nữa! Ăn đi rồi chị kể cho các em sao mà chị về được với các em nhé!

Thằng Dần đã lớn, ngạc nhiên không nhận ra chị Tý hồi còn nhỏ. Nó đứng tần ngần hồi lâu rồi mới nhớ lại:

- Chị Tý của em đây ư? Sao chị đẹp quá vậy? Vào nhà đi chị. Nhà mình thầy u không còn khốn khó như trước nữa. Hồi chị đi, cái Tĩu còn đang bú mẹ, giờ nó lớn rồi này chị.

Cái Tĩu chẳng hiểu gì cứ lén lút nhìn chị Tý rồi lại quay sang nhìn anh Dần. Vẻ e thẹn không dám lại lại chị Tý.

Cái Tý nhìn cha mẹ vỗ về:

- Thầy u ơi! Con mua cho thầy u bộ quần áo đẹp này, bỏ mấy bộ quần áo rách đó đi. U ơi! Bỏ cái mê nón rách đi! Con mua cho u cái nón bài thơ xứ Huế bán ở chợ Rồng Nam Định đấy, đẹp u nhỉ?

Chị Dậu đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Và tự hỏi:

- Tý à! Sao con mua cho thầy u và các em nhiều thế? Chứ đồ đạc sắm sửa cho con đâu?

Cái Tý liến thoắng:

- Thầy u đừng lo cho con. Hồi còn ở đợ cho nhà Nghị Quế con làm siêng năng được ông Nghị thương mỗi tháng cho hai cắc bạc, con dành dụm lại để ngày nào đó về để mua quà cho thầy u và các em. Thế là con sung sướng hẳn ra thầy u ạ!

Chị Dậu lo lắng:

- Ông thương con và cho con như vầy chứ bà có biết không? Hôm u mang con với đàn chó đi bán, bà Nghị bủn xỉn nói te tát vào mặt u “tiền tao có phải vỏ hến đâu mà bỏ ra cho mày. Thấy bở đào mãi” rồi nguýt cho một cái rõ dài, con có nghe đấy là gì?

Cái Tý phân bua:

- Bà vậy đấy, lúc nào cũng choang choác nhưng chẳng biết chữ gì đâu u. Thất học y như mình thôi. Cứ người ta mua gì viết vào giấy là bó tay à. Nói một thành mười cũng có hay đâu.

Hai mẹ con tranh luận về những món đồ cao sang ấy, anh Dậu thấy vậy liền thêm vào:

- Con có lấy trộm của ông bà Nghị gì không? Nếu có thì nói với u mang trả đi con kẻo mang vạ vào thân. Người nhà cường hào lí trưởng lại lao vào bắt bớ thì nguy con ạ!

Cái Tý quả quyết:

- Không có mà! Thầy u yên tâm đi! Con đã khôn lớn rồi, ít nhiều con cũng hiểu đời một chút chứ!

Chị Dậu thấy con cứ khăng khăng là không có chuyện làm xấu nên rất yên tâm và tin tưởng. Cái Tý chìa ra số tiền dành dụm trong cái dãi quần cho thầy u thấy rồi hỏi xem còn nợ ai thì mang đi giả hết.

Từ khi cái Tý về, gia đình chị Dậu vui vẻ hẳn lên. Nhà cửa sửa sang lại và cuộc sống thay đổi nhiều. Gia đình vui vẻ quây quần bên nhau…Anh Dậu như khỏe hẳn ra…

Bỗng tiếng sét gầm vang loãng trong không gian tĩnh mịch, chị Dậu thức giấc thì trời vẫn tối đen như mực. Bà Đất hiền từ hồi nãy không biết đã đi đâu, chị gọi trong vô vọng:

- Bà Đất ơi! Bà đâu rồi? Chờ cháu với..ơi..ới!

Bà Đất lại hiện lên:

- Bà đây! Bà đây! Cháu ngủ có ngon không?

Chị Dậu thỏ thẻ:

- Bà ơi! Cháu cảm ơn bà nhiều lắm! Có bà mà cháu mới được giấc ngủ ngon lành nhưng…

Chị ngập ngừng, Bà Đất hoảng hốt:

- Nhưng sao hở cháu?

- Nhưng các con của cháu và chồng cháu đâu?

- Sao? Cháu mơ thấy gì mà ngạc nhiên thế?

- Cháu mơ thấy cái Tý nay đã lớn lắm rồi, mua cho cháu đủ thứ: nào là quần áo, cái nón bài thơ xứ Huế và mua bánh kẹo đắt tiền cho các em rồi còn khuyên các em đừng ăn rễ khoai lang nữa bà ạ!

Bà Đất thấy chị Dậu vui vẻ cũng vui lây. Rồi thúc giục:

- Trong giấc mơ, cháu mơ giấc mơ đẹp đấy! Mai này rồi cũng sẽ thành hiện thực thôi! Yên tâm đi, trời có mắt, đời người mà " Sông có khúc, người có lúc", lẽ nào mà nắm tay từ sáng đến tối!

Chị thấy Bà Đất nói cũng có lý. Mong một mai thì thêm tươi đời mới. Chị vui vẻ kể cho Bà Đất không sót một chi tiết nhỏ nào về chồng, thằng Dần, cái Tĩu đã không còn khổ sở như ngày xưa. Ai cũng đã đổi thay. Bà Đất an ủi:

- Đời mình khổ nhiều phải không cháu. Cháu mơ thấy cuộc đoàn tụ gia đình là có điềm lành đấy! Bà thiết nghĩ như vầy: Cánh đồng này, nơi bà và cháu đang tâm sự sao bà thấy ai cũng khổ thế cơ chứ. Nhiều khi Bà thương người nông dân lắm, trời chưa tỏ đất đã mò mẫm cày cấy đồng sâu. Rồi khi thu hoạch lúa lại chất đống vào nhà Nghị Quế. Nghe đâu, hai vợ chồng chẳng biết chữ gì mà là địa chủ nước ác chứ. Thôi! Mai này cuộc sống đỡ vất vả hơn như trong giấc mơ của cháu!

Bà an ủi:

- Mẹ đĩ Dậu ạ! Âu cũng là số phận! Đời này khốn khổ, đời sau ắt sẽ sung sướng hơn. Bà cháu mình gặp nhau ở đây là hạnh phúc lắm rồi. Trời sắp sáng rồi, bà phải về với đất.

Chị tự hỏi chính mình:

- Thì ra, nãy giờ mình được Bà Đất hiền lành cứu giúp.

Chị lại nghĩ về các con và chồng chị không biết giờ này có ngon giấc ngủ canh chầy hay đang mong chờ mình ngày nào trở lại để tháng ngày rau cháo bên nhau, chia sầu, chia tủi. Trời lại lất phất mưa. Chị gọi con thảng thốt một mình trong đêm:

- Tý con ơi! Giờ con ở nơi nao?

Nước mắt chị lại giàn giụa chảy trong mưa và gió thổi. Chị vuốt những giọt nước mưa chảy xuống mặt và bước trong đêm cứ hướng phía chân trời sang sáng mà đi, trời sáng ra cũng sẽ biết đường về với chồng, với con.

Chị bước đi tron đêm một mình, trời vẫn còn tối lắm. Trong bóng tối lờ mờ, chị nhìn rõ một cặp cò trắng lặn lội kiếm ăn. Chị liên tưởng đến bài ca dao “con cò” mà người nông dân hay hát ru con ngủ và bài ca dao này chị cũng đã từng hát ru các con chị: “À ơi… Con cò mà đi ăn đêm/Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao/Ông ơi! Ông vớt tôi nao/Tôi có lòng nào, tôi sẽ xáo măng/Có xáo thì xáo nước trong/Đừng xáo nước đục đau lòng cò….à à con”

Hình ảnh các con chị cứ hiện rõ trong suy nghĩ, thương cái Tý còn bé mà phải chịu cảnh cơ cực “đi ở đợ” cho địa chủ để cho cha mẹ trả nợ. Ông trời ơi! Bất công quá đi thôi! Tý ơi, u có tội với con nhiều lắm! Mới 10 tuổi đầu mà phải chịu cảnh cơ cực đi làm tôi mọi cho người ta. Thương thằng Dần khi bán cái Tý đi mà van xin: Thầy u ơi đừng bán chị Tý đi để cho chị ở nhà chơi với con và em con! Nghe mà thương, mà xót. Bức bách chị phải nhắm mắt để bán con. Văng vẳng bên tai chị tiếng van xin của cái Tý:

- Con lạy thầy, con lạy u. Thầy u đừng bán con đi tội nghiệp. Thầy u để con ở nhà chơi với em con.

Càng nghĩ, chị càng đau đớn. Cuộc sống đói nghèo vương vào cuộc đời chị để rồi chị phải rẽ sang “ ngã đời” đi ở vú theo lời dụ dỗ của người khác cho đến hôm nay bước ra vẫn chưa hết cái vòng luẩn quẩn ấy.

Trời sáng hẳn, mưa tạnh. Phía chân trời đông, mặt trời hé sáng. Chị mệt mỏi, thất thểu đi một mình về phía xóm làng xa, nơi ấy chồng con chị đang đứng đợi ở đấy. Người dân làng yêu dấu đang chờ đón một ngày mới an lành, cuộc sống đủ đầy trong tương lai.

Chuyện một thời đã qua đọng mãi cho tới bây giờ mỗi khi đọc lại. Ôi! Thương…

Bài của Phùng Văn Định
Ảnh minh họa từ Internet.jpg

(Chị Dậu. Ảnh sưu tầm từ internet)
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
chị dậu cuộc đời
916
4
4
Trả lời
Ôi, tiếc đoạn xen nhân vật bà Địa của chú quá, giá như chú viết về giấc mơ đó kéo dài, thay đổi tất cả như trong mơ của chị, rồi sáng hôm sau người ta thấy chị chỉ còn lạnh lẽo bên đường, bà Địa đã đưa chị đi về nơi mà ước mơ thành sự thật, hoặc bà Địa này sẽ giúp chị đạt được một điều gì đó theo hướng cổ tích hóa. Còn chú đã tạo dựng nên nhân vật này nhưng tiếc là chưa có vai trò nhiều ngoại trừ đối thoại.
 
  • Love
Reactions: Hoa Phù Sa

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.