Nguyễn Bính - người giữ hồn quê

Nguyễn Bính - người giữ hồn quê

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 32 đến từ Nam Định
Giữa biết bao thi sĩ đi tìm thi pháp hiện đại của các trường phái tượng trưng, siêu thực... từ phía trời Tây xa xôi vào cái thời ấy thì Nguyễn Bính vẫn lặng lẽ tìm về với dòng chảy của ca dao và lục bát, van xin mọi người hãy giữ cho được cái “quê mùa”. Và chính cái “quê mùa” tưởng chừng như đi ngược dòng chảy của thời đại đã tạo nên một hệ giá trị riêng trong thơ Nguyễn Bính mà theo Tạ Tỵ dù cho “tới nay Bính đã đi sâu vào lòng đất, gia tài để lại cho cuộc đời tuy không vĩ đại nhưng cũng đủ chứng minh giá trị của một thi nhân trong lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam”

Nguyễn Bính.png

(Nguyễn Bính - người giữ hồn quê )

Nhận xét về thơ Nguyễn Bính có rất nhiều nhà văn, nhà phê bình đã dùng những từ có cánh cho ông như:

Thơ Nguyễn Bính có “một điều quý vô ngần: hồn xưa của đất nước”. (Hoài Thanh, Hoài Chân)

Rằng, thơ Nguyễn Bính là “Thơ của đồng quê … hình tượng thơ càng ngẫm càng lấp lánh tri thức”. (Nguyễn Đình Thi)

Rằng, “So với các nhà thơ lãng mạn trước đây, Nguyễn Bính đứng riêng một cõi”. (Lê Đình Kỵ)

Và rằng, thơ Nguyễn Bính có “cái thi pháp trời cho những bậc thiên tài có tên gọi là tự nhiên như thở”.V.v… (Nguyễn Duy)

Thơ Nguyễn Bính không bao giờ cũ. Nguyễn Bính là nhà thơ của nhiều thời. Vì ông luôn là khác biệt. Khác biệt một cách gần gũi. Gần gũi một cách khác biệt. Tầng sâu nhất của thơ Nguyễn Bính không chỉ là hồn dân tộc, mà còn là “giọng nói của toàn nhân loại thức dậy” qua giọng nói của một con người, một cá nhân. Thơ Nguyễn Bính “dường như nói bằng hàng nghìn giọng, mê đắm và thuyết phục, nó nâng cái mô tả từ chỗ ngắn ngủi một lần và tạm thời lên chỗ tồn tại muôn đời”.

Nguyễn Bính luôn là như thế, trước hết, ngay từ cách nhà thơ đến với hiện đại.

Trong thời kỳ nảy sinh và phát triển của thơ mới (từ năm 1932 đến năm 1945), “Sự gặp gỡ phương Tây là cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỉ”. Bấy giờ, vấn đề đặt ra cho quá trình tiếp biến văn hóa với phương Tây, chủ yếu với Pháp, không còn là sự lựa chọn giữa canh tân và thủ cựu, mà là đổi mới thế nào, theo chiều hướng nào.Trong lúc Âu hóa vừa là xu thế vừa là ưu thế của đổi mới cả chiều rộng lẫn chiều sâu, với những nhà thơ rất tiêu biểu như Xuân Diệu “mới nhất trong các nhà Thơ mới”, Hàn Mặc Tử “lạ nhất trong các nhà Thơ mới”, Chế Lan Viên “không thể lấy kích tấc thường mà hòng đo được” (Hoài Thanh), thì “người nhà quê Nguyễn Bính vẫn ngang nhiên sống như thường”, thơ Nguyễn Bính vẫn là “tiếng nói vui buồn của tâm hồn dân gian muôn thuở”.

Thơ Nguyễn Bính bổ sung một minh chứng rất sâu sắc và lý thú, thuyết phục về quy luật của mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết, văn hóa dân gian và văn hóa dân tộc. Trong mối quan hệ này, văn học dân gian, văn hóa dân gian luôn là nền tảng, cơ sở, là “văn học mẹ”, “văn hóa mẹ”. Điều ấy đặc biệt rõ vào giai đoạn đầu khi văn học viết hình thành và những giai đoạn, thời kỳ văn hóa, văn học dân tộc đứng trước những bước ngoặt thử thách, biến đổi lớn lao. Trong thời kỳ của Thơ mới, chính văn học dân gian, văn hóa dân gian, đất quê, hồn quê, trực tiếp nhất là ca dao, hát nói, đã dẫn Nguyễn Bính đến với hiện đại một cách đầy thuyết phục. Ca dao, hát nói, lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân, luôn mang hơi thở cuộc sống hiện tại. Những bài ca dao-dân ca, hát nói, mỗi lần được diễn xướng là một lần sáng tạo, “mỗi lần biểu diễn đều là một lần sáng tác” . Vì vậy, ca dao-dân ca, hát nói luôn song hành cùng hiện đại. “Ca dao hay lưu truyền lại được vì nội dung thiết cốt đến người ta, bổ ích cho người ta; ca dao sinh ra là do thời sự, do phút giây ngày tháng hôm đó cần thiết, nhưng lại nói được chuyện lâu dài, phổ biến được trong thời gian và không gian”. Cách Nguyễn Bính đến với hiện đại thêm một lần làm sáng tỏ luận đề triết học: “Truyền thống là người lính canh của tinh thần nhân loại… Không có tâm linh nằm ngoài truyền thống”

Thơ Nguyễn Bính đặc rệt truyền thống, mà vẫn mới, vẫn riêng. Ông đã làm mới mê hồn thơ lục bát và thơ thất ngôn theo cách của ông. Nói về những nhà thơ tiêu biểu cho thơ lục bát, người ta sẽ, ngay lập tức, đi thẳng từ ca dao, Nguyễn Du đến Nguyễn Bính, như một mặc định. Đặc biệt, cùng với các nhà Thơ Mới khác, Nguyễn Bính đã đưa cái tôi cá nhân, cũng là cái tôi của thời đại, cái tôi của nhân loại vào thơ, tự nhiên nhi nhiên. “Như một vụ big bang trong văn học, sự ra đời của cái tôi đã trở thành nhân tố cốt tử để tạo ra một thời đại trong thi ca”, góp phần quan trọng đưa văn học Việt Nam “thực hiện một chuyển dịch quan trọng: vượt khỏi phạm vi khu vực để tiến vào thế giới”. Cái tôi ấy, vào những năm tháng đất nước dồn tất cả sức mạnh vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, tất nhiên sẽ chưa phù hợp. Nhưng khi cuộc sống trở lại trạng thái bình thường, nó lại tìm được những đồng vọng để hiểu thêm một thời và con người. “Cứ đi sâu vào hồn một người, ta sẽ gặp hồn nòi giống. Và đi sâu vào hồn một nòi giống, ta sẽ gặp hồn chung của loài người”. “Thơ Nguyễn Bính thuộc trường hợp hiếm hoi…, bởi vì trong cuộc cọ xát cũ mới ấy, đã bộc lộ những sâu sắc trong tâm hồn không chỉ của một cá nhân, mà cả một dân tộc, không chỉ của một thời, mà, có lẽ, của nhiều thời…”. Cũng nhờ đó, Nguyễn Bính có các tập thơ hay (chẳng hạn, những tập thơ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945), những bài thơ hay (Lỡ bước sang ngang, Tương tư, Lòng mẹ, Chân quê, Cô hái mơ, Mưa xuân, Hoa cỏ may, Qua nhà,Thư cho thầy mẹ, Chờ nhau, vv…) và hàng trăm câu thơ tuyệt bút như thể trời đất, quỷ thần cho. Nếu chọn một nhà thơ có nhiều câu thơ thần bút nhất trong phong trào Thơ Mới, chắc chắn Nguyễn Bính sẽ đứng hàng thứ nhất.

Một trong những nguyên nhân chính để Nguyễn Bính là nhà thơ của nhiều thời là thơ ông thể hiện rất đặc sắc rất nhiều cổ mẫu kết tinh từ những mô thức tâm lý, “những kinh nghiệm được lặp đi lặp lại nhiều lần của loài người”. Từ điển văn học giải thích: “Cổ mẫu là khái niệm dùng để chỉ những mẫu của các biểu tượng, các cấu trúc tinh thần bẩm sinh, trong tưởng tượng của con người, chứa đựng trong vô thức tập thể của cộng đồng nhân loại”. Nói cách khác, cổ mẫu là những biểu tượng bền vững, bắt nguồn từ vô thức tập thể, chất chứa chiều sâu tâm lý, cảm xúc được chiêm nghiệm qua các thời đại khác nhau của cộng đồng. “Kho báu của nhân loại nằm trong tính đa dạng sáng tạo, nhưng nguồn gốc của tính sáng tạo lại nằm trong tính thống nhất sinh thành của nhân loại”. Người đọc văn học theo lý thuyết cổ mẫu thường dõi theo những biểu tượng, những motif lặp đi lặp lại nhiều lần, có ý nghĩa phổ quát trong các tác phẩm để thấy những ý nghĩa điển hình của nó trong văn hóa, văn chương nhân loại và dân tộc cũng như những ý nghĩa chuyển dịch, xung năng, tương tác của nó trong các tác phẩm, tác giả cụ thể.

Xin chỉ nói về một vài cổ mẫu.​

Trước hết là cổ mẫu Hành trình, cụ thể thêm: cổ mẫu Đi và Lỡ bước.

Hành trình, theo cách nhìn của lý thuyết cổ mẫu, “là tìm kiếm, tìm chân lý, sự bất tử và phát hiện một trung tâm tinh thần”. Hành trình “trở thành dấu hiệu và biểu tượng của sự luôn luôn chối từ bản thân…, và cần kết luận rằng cuộc du hành duy nhất có giá trị là cuộc du hành của con người bên trong bản thân mình”. Nhân loại đã có bao nhiêu cuộc hành trình, đớn đau và vĩ đại: hành trình của Chúa, hành trình về đất Phật, hành trình về miền đất hứa, hành trình dời Ai Cập, hành trình của Don Quixote,vv…Nguyễn Bính đã đi đâu, về đâu? Trở lại với không khí xã hội thời Thơ mới. Trong “cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ”, hành trình của Nguyễn Bính là hành trình của thi sỹ “giang hồ”, cô đơn, lỡ bước, khi dấu ấn cuối cùng “giấc mơ quan trạng”, “Ngựa bạch buông chùng áo Trạng Nguyên” (Xóm Ngự Viên) - lý tưởng của nho sỹ bình dân một thời, đã vĩnh viễn khép lại: “Khoa cử bỏ rồi, thôi hết Trạng”, “Lỡ duyên búi tóc củ hành, Trường thi Nam Định biến thành trường bay”(Con nhà nho cũ):

Anh đi đấy, anh về đâu
Cánh buồm nâu, cánh buồm nâu, cánh buồm
(Không đề).

Câu hỏi không lời đáp. Nhịp thơ cũng theo cánh buồm, nhỏ dần, rồi mất hút. Đến nhịp thơ cuối, không còn thấy màu nâu của cánh buồm. Nhịp thơ điệp mà không trùng. Đi mà không biết đi đâu! Về không biết về đâu. Như thân phận trên dòng sông cuộc đời mênh mang, hoang vắng: “Giang hồ ai biết đi đâu mà tìm” (Giang hồ). Dễ hiểu vì sao thơ Nguyễn Bính hay nhắc nhiều đến con đò, bến đò, “chuyến đò thân thế”, và sân ga, con tàu: “Đò sang còn một chuyến này, Khách sang còn một người đây hỡi đò!” (Người đi), “Đem thân đi với giang hồ, Sân ga phẳng lặng, bến đò lênh đênh” (Quê tôi). Ấy là con đò quê, ga là ga xép. Cũng có khi là con sông trong tâm tưởng, chảy rất mạnh, rất mênh mang trong văn hóa phương Đông: sông Tương, sông Dịch.Thời gian chủ yếu là buổi chiều và trong đêm, thời gian mà người ta sống với mình, là chính mình nhiều nhất: “Càng chiều anh thấy con đường càng xa” (Định mệnh), “Tàu biết bây giờ chạy đến đâu, Đêm sâu hoàn trả lại đêm sâu”(Chuyến tàu đêm). Con tàu, sân ga trong thơ Nguyễn Bính thật buồn:

- Tàu chạy hình như để chở buồn,
Chở người đi nhớ, kẻ về thương
(Chuyến tàu đêm).

- Con tàu ngược, con tàu xuôi
Con tàu chẳng đợi chờ tôi bao giờ
(Xa xôi).

- Những từ ga lớn, từ ga nhỏ
Đời chẳng làm cho lấy một ga
(Chuyến tàu đêm).

- Ở đây…tôi ở riêng đây,
Hoa tim rớm máu rụng đầy sân ga
(Rừng mai xa cách).

- Tàu đi để lại ga đơn chiếc
Đường sắt nằm chờ những chuyến qua
Có người lưu lạc bên đường sắt
Mỗi chuyến tàu đi lại nhớ nhà
(Nhớ).

Nguyễn Bính cũng là một bóng người giữa “những đời phiêu bạt, thân đơn chiếc”, những bóng người đổ bóng xuống sân ga: “bóng lẻ”, “Hai bóng chung lưng thành một bóng”, “bóng liêu xiêu”, “bóng nhòa trong bóng tối”. Ông phân thân mình: “Một mình làm cả cuộc phân ly” (Những bóng người trên sân ga).

Tường vàng, mái đỏ màu son
Nhà ga lại chứa linh hồn nhà ga
(Nhà ga).

Cái “hiện đại”, rực rỡ bề ngoài của tường vàng, ngói đỏ không che được, mà còn tô đậm thêm cái quẩn quanh, đơn điệu, vu vơ, sống mòn chẳng những của cuộc đời những cụ xếp già, ông ký trẻ và thục nữ “chưa kén được người”, mà cả của những thân phận phiêu bạt, giang hồ. Nhà ga đứng ở hai đầu câu thơ nhưng chỉ là một, cô độc; còn linh hồn của nó thì ở giữa, trong chính nó, trong tâm trạng sâu thẳm của con người. Trong hai câu thơ ấy, cái không nói ra nhiều hơn và được cảm nhận mãnh liệt hơn rất nhiều cái đã nói ra.

Chẳng ngẫu nhiên, “Lỡ bước sang ngang”, tên một bài thơ lại được đặt tên cho cả một tập thơ! Không chỉ người con gái “lỡ bước sang ngang”, mà chính Nguyễn Bính và cả thế hệ những người như ông “lỡ bước sang ngang”trong hành trình ấy, trên chuyến đò và sân ga ấy:

Năm ấy sang sông lỡ chuyến đò
Đò đầy sóng lớn nước sông to
Mười hai bến nước xa lăng lắc
Lầm tự ngày xưa, lỡ đến giờ. (Mười hai bến nước)


Trên hành trình “dan díu nợ giang hồ”, “Tự mình đắp núi khơi sông, Tự mình đày ải tấm lòng mình đi” (Đêm nay khơi tỏ tim đèn), “tâm hồn tôi”, cái tôi đang tự tìm mình của Nguyễn Bính đến với rất nhiều nơi. Địa danh thực là Lạng Sơn, Vinh, Huế, Sài Gòn, ga Kép,vv…Địa danh thực mà ảo, ảo mà thực hoặc hoàn toàn ảo thì nhiều hơn rất nhiều: Kinh thành, Xóm Ngự Viên, Mười hai bến nước, Một nghìn cửa sổ, Lầu hoa, Rừng Mơ, Rừng mai, Bến mơ,Vườn Tiên, Suối Thiên Thai,v.v…Ông phân thân thành cặp đối lập: Tráng sĩ - Thi sĩ. Con người “Tráng sĩ” của Ông, có lẽ, là “cái rớt”cuối cùng của kiểu nhà nho tài tử trong văn học Việt Nam trung đại. Con người ấy vẫn có cái chất hào hoa, kiêu bạc nhưng xuất hiện đã rất lu mờ và đầy cô đơn - cái cô đơn của tráng sĩ không còn hợp thời, không bao giờ có “lúc khải hoàn thân gió bụi”(Lá thư về Bắc):

- Sông lạnh thấy đâu người gọi gió,
Trăng tà tìm mãi kẻ mài gươm.

- Thời chưa gặp đó nằm suông mãi,
Suông cả ân tình rượu cũng suông
(Xuân vẫn tha hương).

- Hỡi người đi gió cùng mưa
Có xây dựng nổi cơ đồ gì không
(Nam Kỳ cùng gió cùng mưa).

- Đem theo cát bụi đường xa lại
Tráng sĩ dừng chân khẽ thở dài
(Quán lạnh).

Con người “Thi sĩ” mới thực sự thể hiện “cái tôi”của Nguyễn Bính:

- Tôi say mơ thấy vì Tiên Trích,
Vua gọi mà không chạy xuống thuyền
(Cho tôi ly nữa).

“Vua gọi mà không chạy xuống thuyền”, chỉ thi sĩ đích thực, đam mê đích thực và tột cùng mới hạ bút viết được những câu thơ như vậy! Cũng như nhiều nhà thơ khác của Thơ mới, Nguyễn Bính đến với Tình yêu - tình cảm phổ quát của con người. Nhưng khác với nhiều nhà thơ, tiếng vọng của vô thức tập thể, của cổ mẫu luôn tự nhiên dệt thành những vần thơ. Nguyễn Bính là một trong những nhà thơ đã cụ thể hóa được cuộc sống vô thức của toàn nhân loại trong nhiều bài thơ tình yêu. Ông lý tưởng hóa tình yêu trong những bồn chồn, nhớ thương, day dứt. Và, như Platon, nhà hiền triết vĩ đại, trong tác phẩm “Bữa tiệc hay Hội thảo về Tình yêu”, đã nói: “khi tình yêu được chuyển dịch từ một lý tưởng sang một con người bằng xương bằng thịt”, từ ý niệm vĩnh cửu đến con người cụ thể, thì thực tế điều này lại đưa tới sự “bất cân đối với những điều thiêng liêng”. Vì thế, thơ tình của Nguyễn Bình cũng là hành trình Đi - Lỡ bước.

R. M. Rilke (1875 - 1926), một trong những nhà thơ lớn nhất của thế kỉ XX, dặn nhà thơ trẻ: “Ông đừng viết thơ tình; đầu tiên ông nên tránh những thể loại đã quá thông dụng và quen thuộc: đấy là những thể loại khó nhất, vì sức phải lớn và chín muồi mới đưa ra được một cái gì riêng giữa vô số thành công và phần nào là thành công xuất sắc của người đi trước”. Nguyễn Bính có những vần thơ tương tư nổi tiếng ngay từ hồi còn rất trẻ, vì thơ ông luôn bật lên từ cuộc hướng nội, luôn tìm tài nguyên cho thơ từ trái tim mình, luôn lui về với những chi tiết ngày thường của chính ông cung cấp:

- Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người
(Tương tư).

- Hồn anh như hoa cỏ may
Một ngày cả gió bám đầy áo em
(Hoa cỏ may).

- Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình…với nhau
(Chờ nhau).

- Giếng thơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều
(Qua nhà).

- Cô hái mơ ơi! Cô gái ơi
Chẳng trả lời nhau lấy một lời!
Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng
Rừng mơ hiu hắt, lá mơ rơi…
(Cô hái mơ).

- Hai tay người đẹp trông mềm quá
Tôi có ngờ đâu khóa được người
(Chú rể là anh).

Ông vương quốc hóa, địa đàng hóa tình yêu: “Ví chăng có một nước Tình Ái, Em làm hoàng hậu, anh làm vua” (Ái khanh hành), “Với người trong giấc mơ tiên, Của chàng thi sĩ quê trên mây hồng” (Mười hai bến nước), “Hồ tiên đâu phải hồ trần, Em không thả cá mà thuần thả thơ” (Xây hồ bán nguyệt). Nỗi nhớ, sự chờ mong tình yêu trong thơ Ông được dệt bằng bao cảm xúc, bao biểu tượng, đi thẳng vào trái tim người:

- Ví chăng nhớ có như tơ nhỉ
Em thử quay xem được mấy vòng?
Ví chăng nhớ có như vừng nhỉ
Em thử lào xem được mấy thưng?
(Nhớ).

- Nhớ người nhớ cả vầng trăng
Đêm đêm trời cứ xây bằng nước mưa
(Nghĩ làm gì nữa).

- Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi qua ngõ
Để mẹ em rằng: Hát tối nay?
(Mưa xuân).

Nguyễn Bính đi vào chính mình, nhờ đó đã nói được và nói rất hay, rất sâu những biện chứng tâm hồn, những qui luật tình cảm, cái điều của muôn thuở, muôn người: “Mẹ cha thì nhớ thương mình, Mình đi thương nhớ người tình xa xôi” (Thư cho thầy mẹ), “Trời xanh còn khóc nữa là, Nhớ nhà ít, nhớ người ta thì nhiều” (Gặp nhau). Sống trong tâm lý tình yêu, cảm nhận về thời gian, không gian trong thơ Ông rất đặc biệt, theo cách dân gian nhưng vẫn là duy nhất của riêng Ông, độc bản: “Láng giềng đã đỏ đèn đâu, Chờ em ăn dập miếng trầu, em sang” (Chờ nhau), “Chờ mong như suốt đêm qua, Chàng ơi! Một tháng là ba mươi ngày”, “Cách một ngày ngựa với ba ngày đò” (Thư cho chị), “Nhà em cách bốn quả đồi, Cách ba ngọn suối, cách đôi cánh rừng, Nhà em xa cách quá chừng, Em van anh đấy, anh đừng yêu em” (Xa cách), “Thương như thế, nhớ làm sao, Kinh thành biết có mưa rào đêm nay” (Thương nhớ Kinh thành).

Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính phần lớn là lỡ hẹn, ly biệt. Lỡ hẹn ngay từ chờ đợi bồn chồn, xốn xang của cuộc hẹn tình yêu đầu đời. Ông nhập thân, hóa thân thành cô gái trong “Mưa xuân”. Mưa ấy, từ những bông hoa bụi “ phơi phới bay”, nhanh chóng chuyển thành “mưa nặng hạt”, những hạt mưa sầu tủi, tội nghiệp, bẽ bàng. Con đường đến với tình yêu tưởng gần, hóa ra là xa ngái:

Mình em lầm lũi trên đường về
Có ngắn gì đâu một dải đê
Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Lạnh lùng thêm tủi với đêm khuya
(Mưa xuân).

Tình yêu trong thơ Nguyễn Bính rất nhiều nước mắt biệt ly. Nỗi cô đơn của Ông đủ lớn để vũ trụ hóa, vô tận hóa những nỗi đau và cô đơn của con người: “Nước mắt là cơm bữa, Hợp tan như bèo trôi” (Đề tặng ảnh), “Đêm nay hai đứa chung tình ấy, Khóc ướt trần gian để biệt nhau”(Bạc tình),“Cửa hàng nghìn khép lại, Tất cả một đêm nay, Có lòng ta rồ dại, Mở ra muôn nghìn ngày” (Một nghìn cửa sổ), “Trời xanh hãy trả lời tôi, Sao người đẹp lại là người…trời xanh”(Người con gái ấy), “Giờ này có lẽ chàng đương khóc, Cả một mùa đông khóc ở ngoài”( Nhớ thương ai), “Có lẽ ngày mai đò ngược sớm, Thôi nàng ở lại để…quên tôi”(Thôi nàng ở lại), “Người cách sông rồi…Tôi cách sông ”. Nhưng, đau khổ, cô đơn nhất của Ông, có lẽ vẫn là hành trình vô vọng đi tìm cái tôi của mình: “Tôi tìm đâu thấy mảnh trời Thần Tiên”, “Nhưng đau lòng biết bao nhiêu, Người tôi yêu chỉ biết yêu như người” (Đào Nguyên), “Thương tôi mình hiểu cho tôi nhé, Mà chỉ mình tôi mới hiểu tôi” (Mười hai bến nước). “Cái tôi là không thể chia sẻ được” [5, tr. 73]. Và thực ra, chính Ông cũng không hiểu bản thân mình, vì thế Ông luôn luôn đi tìm mình. Rõ ràng, thơ Nguyễn Bính là “cuộc du hành của con người bên trong bản thân mình”. Hành trình ấy không bao giờ tới đích, bởi vì “con người luôn là câu đố trên thế gian và có lẽ là câu đố vĩ đại nhất…Trong tâm hồn con người có những chiều sâu mà chỉ nghi lễ mới xuống tới được”(2).

Nguyễn Bính là nhân vật điển hình của cặp phạm trù gia đình - không gia đình thời Thơ mới. Đây cũng là cổ mẫu rất tiêu biểu của văn hóa và văn học nhân loại. Gia đình là khái niệm, tổ ấm gần gũi, thiêng liêng, con người lớn lên từ đó và luôn hướng về nó như chỗ tựa tin cậy, an toàn, vững chắc. Bởi vậy, mỗi lần ra khỏi nhà, nhân vật truyện cổ tích thần kỳ đều gặp những tai họa hoặc phải trải qua những thử thách khó khăn. Trong văn học nước ngoài, chỉ cần nhắc tác phẩm “Không gia đình”của nhà văn Pháp Hector Malot, thế kỷ XIX, cũng đủ thấy. Trong thơ Nguyễn Bính, mẫu đề Không gia đình luôn song hành với mẫu đề Đi- Lỡ bước. Với Nguyễn Bính, mổ côi mẹ từ ba tháng tuổi, “Mẹ hiền mất sớm, giời đầy làm thơ”, sự bùng nổ của cảm xúc Không gia đình càng nhức buốt.

- Con đi mười mấy năm trời,
Một thân bé bỏng, nửa đời gió sương.
Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
Cầm như đồng kẽm qua đường đánh rơi.

- Thầy ơi! Đừng bán vườn chè
Mẹ ơi! Đừng chặt cây lê con trồng
(Thư cho Thầy Mẹ).

Những câu thơ ấy như được viết bằng cô đơn, bằng nước mắt, hờn tủi và nhớ thương nhức buốt!
Yêu gia đình, nhưng Nguyễn Bính vẫn là, nói đúng hơn, vẫn phải là “con chim lìa đàn”:

- Lạy đôi mắt mẹ đừng buồn,
Ngày mai con lại lên đường ra đi
(Lại đi).

- Hỡi ôi! Những kẻ lên đường
Đang tâm để cả cô đơn lại nhà
(Chia tay).

Nguyễn Bính có gần mười bài thơ gửi chị Trúc, về chị Trúc – nhân vật có bóng dáng trong đời thật nhưng cũng là nhân vật văn học (Lỡ bước sang ngang, Một chiều say, Xây hồ bán nguyệt, Xây lại cuộc đời, Xuân tha hương, Xuân vẫn tha hương, Xuân lại tha hương, Khăn hồng, Chị đã ghen). Phần vì chị Trúc đẹp, duyên dáng, gần gũi, phần nữa, và đây mới là căn nguyên chính, nhà thơ thấy từ đây hình bóng của người mẹ, của những người thân yêu, của điểm tựa tin cậy để gửi gắm, sẻ chia, tỏ bày những tâm sự, nỗi niềm khó biết nói cùng ai ]. Con người luôn có những mặc cảm, ẩn ức, thiếu thốn tình cảm gia đình và luôn đẫm chất quê hương ấy làm sao không nhớ gia đình, nhớ quê hương, nhất là những dịp xuân về. Ngày xuân, ngày tết - thời điểm của gặp gỡ, sum họp giản dị, thiêng liêng trong mái ấm gia đình, vậy mà Ông vẫn biền biệt: “Em đi non nước xa khơi quá, Mỗi độ xuân về bao nhớ thương!” (Xuân vẫn tha hương), “Chiều ba mươi, hết năm rồi, Nhà tôi, riêng một mình tôi vắng nhà” (Xuân về nhớ cố hương). Chính từ tầng sâu tâm thức của tiếng vọng Không gia đình, ông đã có những vần thơ tuyệt bút của thánh thần:

Từ nay khi nhớ quê nhà
Thấy mây Tần biết đó là thôn Vân
(Anh về quê cũ).

Mây quê hương luôn bay trên đỉnh trời tha hương. Nó ngấn lệ trong thơ Ông, hay lệ trong thơ Ông đã kết thành những đám mây trên đỉnh trời tha hương ấy? Thực mà rất ảo! Ảo mà rất thực!

Các nhân vật trữ tình trong thơ Nguyễn Bính phần lớn cũng trong trạng thái tinh thần Không gia đình, cô đơn. Đó là cô sư nữ trẻ đẹp “Có cô sư nữ người mong mỏng/ Buông thõng dây gầu xuống giếng thơi” (Chiều quê); cụ sư già ép thân xác đến với cô tịch, vô thường: “Sư già quét lá sau chùa/ Để thiêu xác lá trước giờ lên chuông” (Chùa vắng). Là tráng sĩ: “Đêm nay tráng sĩ không nơi trọ, Nằm tạm qua đêm quán dọc đường” (Quán lạnh). Đặc biệt, điển hình cho số phận, tâm trạng Không gia đình chính là người phụ nữ “Lỡ bước sang ngang”: “Mười năm gối hận bên giường, Mười năm nước mắt bữa thường thay canh”. Tiếng pháo, dây pháo đỏ trong ngày cưới của các cô gái luôn gắn với tiếng thở dài của cả người trong cuộc và người ngoài cuộc. Cả đến người mẹ cũng sống trong bồn chồn, khắc khoải lo âu với trạng thái Không gia đình của người con gái khi đứa con bước chân về nhà chồng. Người mẹ gượng cứng cỏi, chủ động bao nhiêu trước mặt con, thì lại yếu mềm bấy nhiêu ngay khi bàn chân con bước khỏi nhà mình. Những câu thơ dưới đây cũng chính là “Huyền thoại mẹ”:

Đưa con ra đến cửa buồng thôi,
Mẹ phải xa con khổ mấy mươi.
Con ạ! Đêm nay mình mẹ khóc,
Đêm đêm, mình mẹ lại đưa thoi
(Lòng mẹ).

Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: “Ở cái thời ấy, Nguyễn Bính như phần đông các thi sĩ đều buồn. Nguyễn Bính không những buồn mà còn thêm vị đắng cay của kẻ lưu lạc. Nhưng thơ ông không có cái buồn tan rã, đẩy người ta tới chỗ tuyệt vọng, trong nỗi buồn ấy vẫn thấy ấm nóng, khắc khoải tình yêu sự sống”.

Chỉ dẫn một vài cổ mẫu trong thơ Nguyễn Bính, đủ thấy thơ Ông có những tầng sâu, ma lực thế nào! Càng thể hiện cái nhìn độc nhất, Nguyễn Bính càng đến gần và tôn cao vị trí danh dự của nghệ thuật. Thơ Nguyễn Bính luôn là độc đáo, của riêng Ông nhưng vì thế cũng là tâm trạng phổ quát, tiếng lòng của nhiều cá nhân không hề quen biết. Thơ Nguyễn Bính là thơ của nhiều người, nhiều nhà, nhiều thời. Những cổ mẫu thức dậy, đan dệt độc đáo trong thơ Ông đã góp phần làm cho thơ Nguyễn Bính không chỉ ở tầm dân tộc mà còn thuộc tầm nhân loại.

Khi chấm giải cho tập thơ “Tâm hồn tôi”của Nguyễn Bính, nhà văn Thạch Lam thay mặt Hội đồng giám khảo “Giải thưởng văn chương Tự lực văn đoàn, năm 1937”, đã nhận xét: “Ông Nguyễn Bính sẽ trở nên một văn sĩ có tương lai”. Còn nhà phê bình Phạm Mạnh Phan, người đương thời Thơ mới, đánh giá: Nguyễn Bính đích thực là thi sĩ, có những câu thơ tuyệt diệu. Một số nhà thơ, nhà phê bình sau này, như Nguyễn Duy, Ngô Thảo nhận thấy thơ Nguyễn Bính có những dấu hiệu, đặc điểm của thiên tài . Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đặt câu hỏi và tự Ông đã trả lời: “Cho đến tận hôm nay, có nhà thơ lục bát nào mà nhân dân thuộc nhiều như Nguyễn Bính chưa?!”

Bấy nhiêu cảm nhận, đánh giá, càng khẳng định Nguyễn Bính đã và sẽ là nhà thơ của nhiều thời!

Xin mượn câu của Nguyên Sa "Nguyễn Bính cũng là sự bắt đầu ở bất cứ đâu, tận cùng mà chẳng hết. Đọc bài thơ rồi lại đọc lại như chưa bao giờ hết". Thơ ông, với những hồn cốt quê hương, dân tộc của những điều xưa cũ nhất, sẽ trường tồn cùng với thời gian để nói với nhân thế rằng: Đã từng có một Việt Nam như vậy, đã từng có một lớp người như vậy.
 
Từ khóa
ca dao chân quê hoài thanh hồn dân tộc lỡ bước sang ngang người giữ hồn quê người nhà quê nguyễn bính nhà thơ nguyễn bính tuong tu xuân diệu
1K
4
4

QuangNhat

Thành Viên
15/7/22
175
217
43,000
Xu
1,103,427
Admin Phong Cầm như một kho tư liệu văn thơ vậy. Mình vô cùng ngạc nhiên, đến mức không tin được là sao lại có một bài bình thơ tuyệt vời như thế trên forum VHT. Rất cảm ơn bạn đã cho mình có lại được cảm xúc đẹp đến vậy.
 

Phong Cầm

Thạc sĩ lang thang ^^
17/5/21
890
910
363,000
32
Nam Định
forum.vanhoctre.com
Xu
7,469,529

Nhà thơ Nguyễn Bính và hành trình đi tìm cái đẹp

Trong Phong trào thơ Mới, “Xuân Diệu là người “mới nhất”, Hàn Mạc Tử “lạ nhất” và Nguyễn Bính “quê nhất” (1). Chính cái hương quê đậm đà ấy đã làm nên sức hấp dẫn của thơ ông:​

Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa
(Mưa xuân)


Dù trong giai đoạn nào, thơ Nguyễn Bính cũng đạt kỷ lục về xuất bản và vẫn chiếm được nhiều cảm tình của độc giả. Ngay cả hôm nay, sau những giờ làm việc căng thẳng, nhiều người lại lặng lẽ tìm về với những vần thơ trong lành, thánh thiện của ông như một sự ngơi nghỉ cho tâm hồn trở nên thanh tĩnh, để được sống lại trong khung cảnh xóm thôn yên ấm hòa mục, trong bầu khí quyển của văn hóa dân gian nghìn đời và được ru lòng mình trong điệu hồn dân tộc:

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
(Chân quê)


Giống như cảm giác hạnh phúc thơ trẻ của ngày hội trường, ta lại được trở về với những năm tháng của thời niên thiếu thần tiên:

Những buổi học về không có nón
Đội đầu chung một lá sen tơ
(Trường huyện)


Bạn đọc có cảm tưởng rằng: dường như những vần thơ của thi nhân đã được dệt từ hương hoa đồng nội, từ hương chanh, hương bưởi, từ sự ấm áp của thứ trầu quế thơm nồng, từ sắc tầm xuân tím biếc…, như được chiết xuất từ bao trầm tích văn hóa của một vùng quê yêu dấu. Tất cả trở nên sâu lắng trong thứ ánh sáng thông tuệ và minh triết dân gian, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, tạo nên một sức quyến rũ độc đáo vừa gần gụi vừa cao khiết. Vẻ đẹp đó huyền ảo, như mơ như thực. Trong sương khói bảng lảng của cõi mơ ấy, người ta thấy một mình Nguyễn Bính âm thầm, lặng lẽ, ngậm ngùi, đơn côi làm cuộc hành hương đi tìm cái đẹp đã bị đánh mất.

Tất cả những bài thơ hay nhất của tác giả đều được cấu trúc theo cảm hứng này. Cùng thời Nguyễn Bính, Nguyễn Tuân cũng đặt cược cả đời mình vào mục đích đi tìm cái dư âm, dư ảnh của một thời đã qua trong niềm hoài niệm khôn nguôi. Nhưng trong khi thi sĩ đồng quê Nguyễn Bính thiên về kiếm tìm vẻ đẹp dung dị của dân gian thì Nguyễn tiên sinh lại ráo riết đi săn lùng cái đẹp kiêu sa của văn hóa bác học với những nét đẹp kỳ thú sang trọng mang đậm màu phú quý: nào nhâm nhi chén trà sương buổi sớm, ngắm dò lan nở lúc trăng lên, thậm chí cả cái đẹp rờn rợn của cảnh bữa tiệc máu hay chém treo ngành… Dĩ nhiên trong mỗi nền văn hóa có những quan niệm nghệ thuật riêng. Một bên là vẻ đẹp tươi mát đầy sức sống phồn thực của nàng thôn nữ yếm thắm hoa đào, còn bên kia là vẻ khuê các của người con gái chốn lầu son gác tía. Là yếu tố nội sinh, so với văn hóa bác học, văn hóa dân gian mang đậm bản sắc dân tộc hơn nhiều, như một mẫu số chung của cả cộng đồng. Vì vậy ảnh hưởng của nó tới xã hội rất lớn. Điều này cũng góp phần quan trọng vào việc cắt nghĩa tính đại chúng của thơ Nguyễn Bính.

Sau hơn sáu mươi năm, đọc lại những tập thơ trước cách mạng của ông, chúng ta không khỏi giật mình, ngưỡng mộ: chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn mà thi nhân đã dâng tặng cho đời cả thảy 7 tập thơ – bẩy tập thơ tinh huyết trong vòng 3 năm: Lỡ bước sang ngang (1940), Tâm hồn tôi (1940), Hương cố nhân (1941), Một nghìn cửa sổ (1941), Người con gái ở lầu hoa (1942), Mây Tần (1942), Mười hai bến nước (1942). Trong số mấy trăm bài thơ ấy có bao nhiêu bài đã trở thành những câu thơ trong trí nhớ rồi bất tử. Những con số biết nói đó đã đủ minh chứng cho bút lực phi thường của một tài năng độc đáo trong cái nền chung của cuộc phục hưng văn hóa dân tộc đầu thế kỷ XX. Đó là một ẩn số đang cần lời giải đáp. Cũng như nhiều cây bút đương thời, ông ít có điều kiện học hành. Nhưng người trí thức bình dân Nguyễn Bính đã sớm hội tụ được mã di truyền của cả hai dòng văn hóa, song gien trội của thi nhân lại thuộc về văn hóa mẹ. “Tiếp thu trọn vẹn tinh hoa của nền văn minh thôn dã, nền văn hóa xóm làng” (2), là nguyên khí của đất trời hội tụ, Nguyễn Bính đã trở thành một thần đồng thơ vùng quê nghèo nước mặn đồng chua. Ngoài ảnh hưởng của cuộc giao lưu văn hóa Đông Tây thì điều cốt yếu làm nên một Nguyễn Bính tài hoa chính là những giá trị truyền thống. Cội nguồn dân tộc đã nâng cánh cho ông, giúp ông dễ dàng băng mình bay lên hòa cùng nhân loại, làm tâm hồn thi nhân thăng hoa rồi xuất thần mà có được những câu thơ tinh tế, mang phong cách thời đại: tân kỳ nhưng lại không hề gợn cảm giác bị thất cước:

Đã thấy xuân về với gió đông
Với trên màu má gái chưa chồng
Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn giời đôi mắt trong
(Xuân về)


Nhưng khác với nhiều nhà thơ cùng trang lứa, Nguyễn Bính chỉ tập trung tinh lực đi tìm chất thơ của cuộc đời, tách chúng khỏi cuộc sống cơm áo nhiều nhiễu sự đa đoan. Dường như ông chỉ tiếp cận đối tượng từ một điểm nhìn nghệ thuật duy nhất trong chiều sâu văn hóa. Dưới thứ ánh sáng tinh khiết ấy, tất cả những hình ảnh của cuộc sống nơi thôn dã mộc mạc, quê kiểng được tinh lọc và chưng cất; qua tâm hồn nhạy cảm của người thơ Nguyễn Bính, chúng đã trở thành những bức mẫu họa về cùng một đề tài vĩnh cửu – đề tài văn hóa, tạo thành một dòng chảy đầy sức sống phồn thực.

Chú tâm đi tìm lại hình hài đất nước qua những giá trị thuần Việt trong quá khứ, ống kính của thi nhân luôn luôn chỉ dọi về phía làng quê (nếu có nói đến thị thành thì cũng chỉ với mục đích đối sánh để thấy mặt trái của văn hóa thị thành mà thôi), nơi được coi là một pháo đài bền vững, là mảnh đất lưu giữ nhiều mã di truyền văn hóa dân tộc nhất. Làng quê của Nguyễn Bính là làng quê văn hóa. Ông chỉ đặc biệt quan tâm đến phần con người văn hóa trong mỗi con người và những khoảnh khắc văn hóa trong cuộc đời từng nhân vật. Đọc thơ Nguyễn Bính ta không bắt gặp những người nông dân chân lấm tay bùn mà chỉ thấy những cô gái trong khung cửi e ấp, trinh nguyên, anh lái đò đa cảm với những giấc mơ trở thành quan trạng, cô thiếu nữ ngây thơ đang mải mê bắt bướm ngoài vườn, đôi bạn học trò chung đầu chiếc lá sen tơ ướp nhị hờ, nàng sơn nữ hái mơ thơ thẩn trong rừng chiều êm ái, những cặp trai gái tương tư hò hẹn nơi đầu đình lúc đỏ đèn, một cô dâu thẹn thùng nức nở trong ngày hạnh phúc, người hàng xóm xinh đẹp với một mối tình mong manh vừa giăng tơ, một đôi bạn bé con rủ nhau ra vườn nhặt hoa bưởi chưng nước hoa rồi ngây thơ bôi lên mái tóc… Thoảng gặp là một bậc từ mẫu phong lưu trong ngày tết giữa sân gạch tường hoa, trong ngày cưới cô con gái rượu, hay ngày chớm đông tay mẹ khéo léo luồn chiếc mền bông chăm chút cho sự đủ đầy của cái tổ ấm gia đình rất đỗi nề nếp. Còn hầu như tất cả được bao phủ trong một khí quyển của tình yêu rất nhẹ, rất thanh, không pha màu sắc dục, vừa đủ để đắm say nhung nhớ. Đó là những con người tinh hoa của cộng đồng làng xã, mang trong dòng máu những giá trị văn hóa ngàn đời. Nhưng những biến thiên trong buổi giao thời đã làm cho họ bắt đầu thay đổi:

Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều
(Chân quê
)

Cuộc đời dâu bể, phũ phàng trong phút chốc đã biến bao “cô Kếu trở thành gái tân thời”, rất nhiều giá trị truyền thống đẹp đẽ đang bị mai một, phôi pha. Trong cuộc xâm thực dữ dội của văn hóa phương Tây những quốc bảo, quốc túy, quốc hồn đang có nguy cơ bị đánh mất. Nặng lòng với dân tộc, không nguôi day dứt, ông đã cố sức gắng gỏi, như người thợ khổ công đãi cát tìm vàng, “bòn mót lại những giá trị của một nền văn hóa dân gian đang vơi cạn”(3). Tháng tháng ngày ngày, Nguyễn Bính cứ một mình đăm đắm mong níu kéo lại cái đẹp trong quá khứ, loay hoay tìm cách bất tử hóa nó để gìn giữ cho muôn đời sau:

Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh
(Chân quê)


Khát khao tìm lại được những cái đẹp đã bị đánh mất, giữa buổi xô bồ, ông đưa con người về soi ngắm dưới một hệ hình quy chiếu cổ truyền. Nhân vật của ông hầu như chỉ được đặt dưới thứ ánh sáng của tình yêu vĩnh cửu. Trong khi phái cấp tiến đang ráng sức cổ vũ cho lối sống đầy vội vàng, giục giã:

Hãy sát đôi đầu hãy kề đôi ngực
Hãy trộn nhau đôi mái tóc ngắn dài
Những cánh tay hãy quấn riết đôi vai
Và dâng cả tình yêu lên sóng mắt

(Vội vàng – Xuân Diệu)

thì Nguyễn Bính lại thống thiết với những mối tình lãng mạn mang nặng chất platonique kín đáo, nghiêm túc mà theo ông phẩm hạnh quan trọng nhất vẫn là sự thuỷ chung. Một tình yêu duy nhất, lý tưởng- thứ tình yêu sẽ dẫn đến hôn nhân:

Trăng tròn chỉ một đêm rằm
Tình yêu chỉ có một lần mà thôi
.
(Ca dao)

Nhưng mơ ước vẫn chỉ là ước mơ, trước cơn lốc phũ phàng của cuộc đời, những điều ông nâng niu tôn thờ đều có nguy cơ bị mờ khuất, rồi băng hoại:

Lòng em như quán bán hàng
Dừng chân cho khách qua đường mà thôi
(Em với anh
)

Thất vọng trong tình yêu, chán chường vì thời cuộc, ông trở lại với cái tôi cô đơn mộng mị như một căn bệnh trầm kha của thời đại. Tất cả những mối tình ông dụng công xây đắp đều tan vỡ, mọi mối lương duyên chỉ đi đến kết cục lỡ làng.

Khát khao tìm lại cái đẹp đang có nguy cơ bị đánh mất, ông đã chẳng ngại dấn thân vào chốn giang hồ để tìm lại quê hương: khi lên Hà Nội, khi vào Huế, lúc đến tận Hà Tiên xa lắc… Nghệ thuật giãn cách đã giúp Nguyễn Bính tìm lại được quê hương trong mộng tưởng. Từ sâu thẳm của cõi tâm thức, qua nỗi nhớ da diết, khắc khoải của người xa xứ, quê hương hiện lên trong ánh hào quang với những nét yêu kiều mới lạ. Chỉ còn lại là những giá trị văn hóa đẹp đẽ. Chỉ còn lại là những kỷ niệm êm đềm, thiêng liêng: những hội hè đình đám, tết lễ, cưới hỏi, những điệu hát chèo ngọt ngào duyên dáng, những đêm sáng trăng sáng cả vườn chè… Tiếng hát chèo được ông nói đến nhiều nhất bởi hồn dân tộc thấm đẫm trong từng câu hát… Nam Định quê ông chính là một trong những cái nôi đã sản sinh ra loại hình ca kịch truyền thống dân tộc nhất và cũng dân gian nhất ấy. Những mã di truyền văn hóa vùng đã tuôn chảy trong mỗi tế bào làm ông không những rất say mà còn đàn ngọt hát hay:

– Hội chèo làng Đặng hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem…
(Mưa xuân
)
– Năm qua làng Thượng hát chèo
Giai làng lân cận dập dìu sang xem
(Cô nữ phường chèo
)

Dưới góc nhìn văn hóa, khung cảnh trong thơ Nguyễn Bính chỉ là những khung cảnh văn hóa, chỉ xuất hiện toàn những không gian văn hóa như: vườn cây, gốc đa, bến nước, sân đình, nương dâu, bãi mía, mái lá gianh nghèo…

Ông đặc biệt quan tâm đến không gian vườn, một không gian văn hóa, nơi hò hẹn để chín nhớ mười thương. Khung cảnh lao động ở đây là khung cảnh vừa nên thơ, vừa kín đáo khác với lao động vất vả ngoài đồng, tạo nên một chất xúc tác để những mối tình giăng tơ duyên lại bén duyên. Vườn xuất hiện nhiều trong thơ ông, thôi thì đủ loại: nào vườn cam, vườn chè, vườn hồng, vườn chanh, vườn chuối, vườn cau, vườn dâu… và ánh sáng thông tuệ của trái tim đã mách bảo thi nhân có được những thứ vườn rất mơ hồ: vườn cổ tích, vườn Ngự uyển, vườn Thanh, vườn cũ, vuờn hoang, vườn ai, vườn Tiên… trong cõi mơ xưa:

– Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển
– Là đây hoa cỏ giống vườn Tiên
– Vườn Thanh qua đấy năm xưa
– Bướm tiên khi đã lạc vào vườn hoang…


Nhiều nhất là vườn hoa, với bao nhiêu là hương sắc đồng nội, mà hoa bao giờ chẳng mang ý vị biểu trưng cho cái đẹp của tự nhiên ban phát. Nào là hoa chanh, hoa bưởi, hoa cau, hoa ngâu, hoa cam, hoa cải, hoa gạo, hoa sen, hoa soan, hoa lài, hoa lý, hoa mơ, hoa mận, hoa hướng dương, hoa cúc, hoa bèo hoang dại và tím ngắt…

– Vườn ai thấp thoáng hoa đào nở
– Ra vườn nhặt những hoa cam rụng
– Xuân đến hoa mơ hoa mận nở
– Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
– Em đi từ độ hoa sen nở
– Sớm đào trưa lý đêm hồng phấn
– Hoa mai trắng xóa dưới chân đồi


Và cơ man nào là bướm: nào bướm trắng, bướm vàng, bướm nâu, bướm đen, bướm chúa… Những cánh bướm xinh đẹp duyên dáng như những vị xứ giả mang bức thông điệp, những lá bùa nhiệm màu của tình yêu thả vào những trái tim tương tư, làm cho người ta thêm nhung nhớ, giận hờn, say đắm:

Qua dậu tầm xuân thấy bướm nhiều
Bướm vàng vàng quá bướm yêu yêu
(Hết bướm vàng
)
Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
Thấy con bướm trắng thường sang bên này
(Người hàng xóm
)
Em ạ ngày xưa vua nước bướm
Kén nhân tài mở điệp lang khoa
Vua không kén trạng vua thề thế
Con bướm vàng tuyền đậu thám hoa
(Truyện cổ tích
)

Trong bức tranh văn hóa mà Nguyễn Bính vất vả kiếm tìm, người ta không thấy thời gian ba chiều thông thường mà bắt gặp rất nhiều thời gian ảo – thời gian văn hóa: là mùa xuân gắn liền với hội hè đình đám, là mùa thu mơ màng huyền ảo, gợi tình cảm mơ mộng xa xăm, là ngày tết lễ cưới hỏi với pháo đỏ rượu nồng, là những giấc mộng vàng triền miên không dứt… Thời gian luôn được tính bằng cách tính duy cảm, theo chu kỳ, tuần hoàn theo kiểu dân gian phương Đông:

Láng giềng đã đỏ đèn đâu
Hẹn em hễ giập miếng giầu em sang


Thời gian như có mặt khắp nơi: khi ẩn tàng trong sắc hoa, trong vật dụng, trong ngôn ngữ, trong không gian, trong cuộc hẹn hò; khi quy tụ, khi dồn nén ngưng đọng, khi tỏa sáng, lúc lê thê, khi vụt đi như một bóng câu… Bởi vậy, sự khác nhau rất cơ bản giữa thơ ông với những người cùng trường phái như: Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân… là ở chỗ: “một đằng là nghệ thuật tĩnh mang tính chất không gian, một đằng là nghệ thuật động mang tính thời gian. Sức trẻ của thơ Nguyễn Bính là ở sự thay đổi cả những cái dường như không thay đổi”(4). Nhờ thế mà thơ Nguyễn Bính bỗng trở nên mềm mại và có một khả năng diễn tả

Vì vậy, trong cuộc hành hương đi tìm cái đẹp đã bị đánh mất, ông đã tìm thấy biết bao giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc. ánh sáng văn hóa, như một cây đũa thần nhiệm màu giúp Nguyễn Bính đánh thức người nông dân ở mỗi chúng ta thức dậy, chính ông đã tìm thấy một “điều quý giá vô ngần: hồn xưa đất nước”(5). Đó là cái quốc hồn, quốc túy, quốc bảo mà cha ông nhiều thế hệ đã gửi gắm cho lớp cháu con hậu thế với nỗi đau đáu đợi chờ. Trên hành trình đi đến tận cùng của cái đẹp, ông đã gặp dân tộc để có được sự giản dị đến lạ lùng. Và nhờ đi đến tận cùng dân tộc ông đã gặp nhân loại.

Hà Nội, tháng 12-2002
Trần Thị Trâm
_______________
1. Nguyễn Đăng Điệp, Khối tình lỡ của người chân quê, Tạp chí Văn học số 5, năm 1994, tr.29.
2, 3, 4. Đỗ Lai Thúy, Con mắt thơ, Nxb Lao động, Hà Nội, 1992, tr.99, 111, 112.
5. Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội, 1992, tr.334.
 
  • Like
Reactions: Vanhoctre

Phong Cầm

Thạc sĩ lang thang ^^
17/5/21
890
910
363,000
32
Nam Định
forum.vanhoctre.com
Xu
7,469,529

Hiện tượng thơ Nguyễn Bính​


1.
Không phải ngẫu nhiên, Nguyễn Bính và thơ của ông đã trở thành hiện tượng văn học thu hút sự quan tâm của nhiều nhà lý luận phê bình, được đưa vào giảng dạy trong nhà trường từ phổ thông đến đại học. Nguyễn Bính là một trong những gương mặt tiêu biểu của phong trào Thơ mới, có vị trí đặc biệt trong tâm thức và tâm cảm người đọc. Những Lỡ bước sang ngang, Tương tư, Chân quê, Cô hái mơ, Xuân tha hương, Hành phương Nam, Sao chẳng về đây... của Nguyễn Bính đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của bao thế hệ người đọc. Tiếp nhận thơ Nguyễn Bính, vì thế là một nhu cầu, một khao khát, một chia sẻ, một tri âm của những tâm hồn đồng điệu.

Ở miền Nam trước 1975, nhiều tạp chí có bài viết về Nguyễn Bính như: Văn, Văn học, Văn nghệ, Nghiên cứu văn học, Bách Khoa, Khởi hành... Đặc biệt, để tưởng niệm Nguyễn Bính, tạp chí Văn học số 100/1970, Văn số 189/1971, đã có nhiều bài viết thể hiện cái nhìn đa dạng và trân quý về đời và thơ Nguyễn Bính. Ngoài ra, trong các sách nghiên cứu, lý luận phê bình văn học như: Lược sử văn nghệ Việt Nam nhà văn tiền chiến 1930 - 1945 của Thế Phong (SG, 1974); Việt Nam thi nhân tiền chiến (Q. thượng) (SG, 1968) của Nguyễn Tấn Long; Mười khuôn mặt văn nghệ, (SG, 1970) của Tạ Tỵ,... chân dung thi sĩ Nguyễn Bính cũng hiện lên một cách sinh động và phong phú. Việc khảo sát sự tiếp nhận về thơ và đời Nguyễn Bính qua các tư liệu này sẽ cho thấy rõ hơn giá trị của thơ Nguyễn Bính cũng như vị trí không thể thay thế của ông trong phong trào Thơ mới nói riêng và thơ ca hiện đại Việt Nam nói chung.

2.
Thật vậy, tiếp nhận văn học là một hành trình không có bến đỗ, là cuộc đối thoại không có chân lý cuối cùng. Bởi văn bản văn học là những diễn ngôn mang tính đa nghĩa, luôn mở ra nhiều chân trời sáng tạo cho người đọc. Vì thế, trong tiếp nhận văn học không có chỗ cho lối “phê bình quyền uy” và “áp đặt”. Đây cũng là một vấn đề được các nhà lý luận phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 quan tâm lý giải dưới nhiều góc nhìn khác nhau.

Là sản phẩm mang tính quan hệ, ngay khi xuất hiện, văn bản văn học là đối tượng nghệ thuật đưa ra để được người đọc tiếp nhận. Nó là một hệ thống kí hiệu mang tính “hàm hồ”, là cấu trúc mở hướng đến người đọc. Nói cách khác văn bản văn học không phải là vật thể tồn tại một cách ổn định, bất biến, mà đã chứa đựng trong đó tiềm năng đa nghĩa, một tính chất bất ổn. Đây là tính chất mở của văn bản, là tiền đề để văn bản văn học trở thành tác phẩm văn học. Vì thế, hoạt động tiếp nhận văn học là quá trình biến đổi theo những biến động xã hội và tầm đón đợi của người đọc. Nói như Đặng Tiến: “Một người không thể đọc được một tác phẩm hai lần cũng như không thể tắm hai lần ở một dòng nước như là một triết nhân Hy Lạp. Vì ở cuối dự định trở về một tác phẩm, người đọc sẽ bắt gặp một tác phẩm khác. Tác phẩm tự nó đã thay đổi ý nghĩa với thời đại và người đọc tự họ cũng thay đổi nhãn quan với thời gian. Niềm vui phóng khoáng mỗi lần khám phá như thế chính là yếu tính của nghệ thuật trong tác phẩm và khả năng lĩnh hội nghệ thuật trong độc giả”(1). Bởi lẽ, tác phẩm văn học không bao giờ là một công trình hoàn tất. Nó “là một sáng tạo không ngừng vì luôn luôn nó có thể mặc những ý nghĩa mới mà người đọc gán cho”(2). Thơ Nguyễn Bính trong sự tiếp nhận của lý luận phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 cũng được tiếp nhận theo hướng ấy.

Đọc những bài viết về Nguyễn Bính trong lý luận phê bình văn học ở miền Nam trước 1975, ta như đến với một chân trời có nhiều sắc màu, đi vào một vùng tâm thức luôn vẫy gọi sự chia sẻ của người đọc. Nguyễn Bính trong sự tiếp nhận của các nhà lý luận phê bình văn học ở miền Nam trước 1975 được thể hiện ở những bình diện sau:

2. 1. Nguyễn Bính: Một thiên tài “lỡ vận”

Trong Mười khuôn mặt văn nghệ, Nguyễn Bính trong cái nhìn của Tạ Tỵ là một nhà thơ thiên tài nhưng là một thiên tài “lỡ dở”. Nguyễn Bính đến giữa cuộc đời như một vì sao lạ, lóe sáng rồi lại vụt tắt giữa vũ trụ khôn cùng của phận người mà những người yêu quý ông cũng ngỡ ngàng. Không lạ sao được, trong khi trên “bầu trời Thơ mới”, biết bao thi sĩ đi tìm thi pháp hiện đại của các trường phái tượng trưng, siêu thực... từ phía trời Tây xa xôi, thì Nguyễn Bính vẫn lặng lẽ tìm về với dòng chảy của ca dao và lục bát, van xin mọi người hãy giữ cho được cái “quê mùa”. Cho nên, theo Tạ Tỵ “Bính là con người làm Văn - Nghệ duy nhất ở thời đó không chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Tây - Phương cũng như Đông - Phương. Bính làm thơ một mình và thừa hưởng cái kho tàng văn hóa Dân Tộc qua các vần ca dao, qua nếp sống mộc mạc quê mùa”(3). Song, phải chăng, chính cái “quê mùa” tưởng chừng như đi ngược dòng chảy của thời đại đã tạo nên một hệ giá trị riêng trong thơ Nguyễn Bính mà theo Tạ Tỵ dù cho “tới nay Bính đã đi sâu vào lòng đất, gia tài để lại cho cuộc đời tuy không vĩ đại nhưng cũng đủ chứng minh giá trị của một thi nhân trong lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam”(4) và “chất thơ của Bính nó hiện diện như thế cách đây 30 năm, khoảng thời gian không xa xôi gì, mà sao nó làm cho người đọc hôm nay cảm thấy đằng đẵng xa vút mù khơi.”(5) Sự hiện hữu của thi nhân giữa cõi đời bao giờ cũng là một định mệnh. Và định mệnh của nghệ sĩ bao giờ cũng gắn với khổ đau và bất hạnh nhưng trong kiếp nghệ sĩ ấy, thi sĩ vẫn là số kiếp bất hạnh nhất. Sự đặt để số phận đó của Nguyễn Bính thi sĩ đã được Tạ Tỵ xác quyết: “Bính là một thiên tài, nhưng là một thiên tài lỡ dở, vì tổng kết từ cuộc sống bản thân tới nghệ thuật, ở bên trong mỗi dữ kiện người ta cảm thấy như Định Mệnh đã an bài cho Bính sự trừng phạt hơn ân thưởng. (...) Sự lỡ dở do Tình Yêu, do cuộc đời, do bạn hữu, do bản thân tạo nên, tất cả như va vào nhau để làm cho tiếng thơ buồn của Bính vút lên rồi tỏa ra những làn ánh sáng kỳ diệu giữa trời thơ nước Việt hôm qua, hôm nay và mãi mãi.”(6)

Đồng quan điểm với Tạ Tỵ khi tiếp nhận thơ Nguyễn Bính, nhưng Thế Phong lại có cách thể hiện riêng. Trong Lược sử văn nghệ Việt Nam nhà văn tiền chiến 1930 - 1945, Thế Phong đã dành cho Nguyễn Bính những trang viết đầy thiện cảm với những đánh giá khá cao về thi tài Nguyễn Bính: “Nguyễn Bính có thiên bẩm thi nhân từ thuở nhỏ. Sống ở miền quê từ thuở nhỏ, nhà nghèo, ít học, nhưng làm thơ lục bát rất hay, truyền cảm mãnh liệt và phổ biến sâu rộng nhất trong nhân dân thị thành cũng như nông thôn. Có thể nói sau Nguyễn Du, Nguyễn Bính là nhà thơ được mọi người học thuộc thơ ông nhiều nhất.”(7) Phải chăng, đây là ân sủng thượng đế đã dành cho cuộc đời một con người sống trên cõi đời không dài lắm nhưng thơ ca đã trở thành bất tử: Thi sĩ Nguyễn Bính, điều mà không phải người làm thơ nào cũng có được!? Chính sự tiếp nhận vượt thời gian của người đọc là một giá trị làm nên sự vĩnh cửu của thơ Nguyễn Bính. Vì vậy, trong cái nhìn đối sánh với các nhà thơ cùng thời, Thế Phong đã khẳng định phẩm tính của thơ Nguyễn Bính khi cho rằng: “Thơ Nguyễn Bính chẳng giống thơ một ai, chính thi nghiệp của ông cũng như Hàn Mặc Tử là rút ra trong cuộc sống thành khẩn của mình, sống rất sâu và nghệ thuật cao diễn tả, thành công rực rỡ. Không cầu kỳ như Vũ Hoàng Chương, không thuần túy lãng mạn dành riêng cho một giai cấp như xuân Diệu, không khóc đời suy tư kiểu Huy Cận, không có những hình ảnh thiên nhiên tạo vật buồn nhẹ như Lưu Trọng Lư; nhưng đi vào khía cạnh tâm hồn mọi người; khi mà thi sĩ cũng hòa đồng rung cảm.”(8)

Quả thật, không phải nhà thơ nào trong hành trình sáng tạo của mình cũng được các nhà lý luận phê bình dành cho những đánh giá cao như vậy!? Cái căn cước giá trị thi ca chỉ có thể có ở nhân vị của những thi sĩ tài năng đích thực mà thôi. Bởi, người làm thơ thì nhiều nhưng có mấy ai được gọi là thi sĩ, mà lại là thi sĩ có cá tính sáng tạo độc đáo, ám ảnh người đọc như Nguyễn Bính thì càng hiếm. Điều này đã được xác tín qua sự tồn sinh của thơ Nguyễn Bính từ khi ông còn sống trên cuộc đời cũng như lúc ông đã đi ra ngoài cõi sống mà Vũ Bằng đã xác quyết: “Tôi có thể nói rằng sau truyện Kiều, sau thơ Tản Đà, có lẽ thơ Nguyễn Bính được nhiều người tìm đọc và ngâm nga nhất.”(9) Nguyễn Bính, vì thế là một trong những hiện tượng văn học được Nguyễn Tấn Long viết khá nhiều trang trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (Q.thượng) với 110 trang (từ tr. 301 đến tr. 409) trong tổng số 818 tr. của cuốn sách dành cho 19 nhà thơ được chọn giới thiệu. Điều này cho thấy hình ảnh Nguyễn Bính trong tâm thức của các nhà lý luận phê bình văn học ở miền Nam sâu đậm như thế nào!?

Cũng như Tạ Tỵ và Thế Phong, Nguyễn Tấn Long đã có những đánh giá rất cao về thơ Nguyễn Bính. Theo Nguyễn Tấn Long: “Thời tiền chiến, Nguyễn Bính được kể là một trong những nhà thơ lớn, chiếm ngôi vị vững chắc trong làng thơ mới.”(10) Và để xác tín hơn ý kiến của mình, tác giả đã hơn một lần lý giải về “địa vị độc tôn” của Nguyễn Bính trong nền thi ca dân tộc khi khẳng định: “Nguyễn Bính đã tìm cho mình một hướng đi dị biệt, tạo cho mình một địa vị vững chắc, một chỗ đứng có hạng trên thi đàn. Ngôi sao của Nguyễn Bính vừa mọc là sức sáng chói chang cả khung trời nghệ thuật.”(11) Và cũng đồng quan điểm với Thế Phong khi nghĩ về đời và thơ Nguyễn Bính, Nguyễn Tấn Long cũng khẳng định ngôi vị tất yếu của Nguyễn Bính trên thi đàn khi cho rằng: “Thơ của ông rất hay, được đại chúng biết nhiều nhất, nhưng có lẽ tài bất thắng thời nên cuộc đời Nguyễn Bính lận đận lao đao, trôi nổi rày đây mai đó trên kiếp giang hồ.”(12) Và đây cũng là cảm thức của Kiên Giang, một nhà thơ tự nhận mình là “người học trò nhỏ” của Nguyễn Bính trong thi ca, khi đánh giá về số phận của đời và thơ Nguyễn Bính: “Thơ của Nguyễn Bính đã đi vào đại chúng nặng lòng yêu nước chống xâm lăng nhưng con người thi sĩ không mấy được trọng dụng? Hơn thế nữa, anh Bính là người phóng túng mang trọn vẹn tâm hồn thi sĩ đi vào cuộc đời nên làm sao tránh khỏi một vài cơn dội ngược đụng đầu trước kỷ luật trôn ốc.”(13)

Ý kiến của Kiên Giang, một nhà thơ Nam Bộ chính hiệu, một người Nam Bộ chính hiệu vốn mang trong huyết quản của mình sự thẳng thắn, trung thực càng cho thấy nhân cách nghệ sĩ cao đẹp của Nguyễn Bính. Đó là một nhân cách không bao giờ chịu khuất phục. Và chính điều này càng minh định rõ hơn cuộc đời của một thiên tài thi ca nhưng “lỡ vận” của thi sĩ Nguyễn Bính như những gì mà các nhà nghiên cứu đã viết về ông.

2.2. Nguyễn Bính với nỗi buồn, niềm cô đơn và thân phận lưu đày

Trong cái nhìn của chủ nghĩa hiện sinh, sự hiện hữu của con người giữa cõi trần thế chính là cuộc lưu đày và cuộc lưu đày của thi nhân là một cuộc đọa đày bất tận. Thế nên, Đinh Hùng trong Văn số 58/1966 đã có bài viết: “Nguyễn Bính kẻ lưu đày”; Viên Linh trong Khởi hành số 91/1971 có bài: “Nguyễn Bính và hệ lụy cuộc đời”... Còn Tạ Tỵ, khi nghĩ về hành trình sống và sáng tạo thơ của Nguyễn Bính thì cho rằng: “Bính làm thơ vì vận mệnh phán quyết. Thơ Bính đẹp như dòng suối và bi thương như bệnh hoạn.”(14) Tạ Tỵ cũng rất tinh tế khi cho rằng cái âm hưởng chủ đạo trong thơ Nguyễn Bính là nỗi buồn: “Thơ Bính buồn, thật buồn. Mỗi lời như một dòng lệ, ngay cả khi Bính không nói về mình.”(15) Nỗi buồn trong thơ Nguyễn Bính cũng được Nguyễn Tấn Long cảm nhận khá tinh tế: “Thơ Nguyễn Bính cho ta thấy sắc thái mang nặng một nỗi buồn gần như bất tận. Hầu hết thi phẩm của Nguyễn Bính đều có âm điệu trầm buồn, nhẹ nhàng, man mác, như thương tiếc xa xôi; những hình ảnh đau thương hối tiếc, phân ly...”(16) Phải chăng, chính những bài thơ thấm đẫm nỗi buồn nhân thế này cũng là một giá trị trong thơ Nguyễn Bính. Nỗi buồn ấy chính là kết tinh từ thân phận lưu đày của thi nhân trong những mùa xuân tha hương, trong những ngày tháng giang hồ trên khắp mọi miền đất nước, mà có những lúc ông phải sống như kẻ không nhà, sống trong đói cơm, thiếu áo và chỉ còn có thơ để ông “vịn” (từ của Phùng Quán) vào đó mà tồn tại, mà hiện hữu... Đào Trường Phúc trong bài viết: “Nguyễn Bính những mùa xuân tha hương”, khi nhận định về tính chất tha hương của Nguyễn Bính, rất có lý khi cho rằng: “Có hay chăng một thứ định mệnh ràng buộc Nguyễn Bính với những chuyến đi? Đó là những chuyến đi vừa thơ mộng vừa cay đắng, những chuyến đi thất bại. Đó là những chuyến đi cô quạnh, nếu có một kẻ đồng hành nào thì cũng chỉ là kẻ đồng hành tình cờ, gặp nhau trong nỗi cô đơn của mỗi người để chia sẻ một chút gió bụi buồn của giang hồ, rồi lại chia lìa nhau suốt đời. Đó là những chuyến đi chất chứa đầy nhớ thương, đầy chua chát, đầy tan nát. Đó là những chuyến đi tượng trưng đầy đủ nhất cho định mệnh của một thi sĩ giang hồ, của thi sĩ và giang hồ”(17)

Và cũng theo Đào Trường Phúc chính nỗi buồn, niềm cô đơn của những ngày tháng lưu đày trong kiếp giang hồ này đã đốt cháy trong tâm thức Nguyễn Bính một cuộc trở về, một khát vọng hoài hương, một cái “ngoảnh lại” trong cuộc phiêu lưu của việc chạy đua với định mệnh. Chính “Nỗi cô đơn, tình hoài hương, tâm trạng lưu đày cùng một lúc phả vào thơ Nguyễn Bính trong giai đoạn sau này của đời ông, một hơi thở chua chát thê lương và đốt nóng lên trong dòng thơ ấy ngọn lửa khao khát của một ngày về.”(18) Và “Trong nỗi cô quạnh ấy, ngọn lửa khát vọng của ngày về quê hương vẫn không tắt trong lòng Nguyễn Bính, ngọn lửa thắp sáng giữa cõi phi - ý - thức đó đôi lúc đã khiến cho chính ông có những ảo giác về một ngày về. Lời ước hẹn và giấc mơ của những bài thơ chất chứa lòng sầu xa xứ.”(19) Nhưng dù có khao khát đến tận cùng nỗi khao khát “qui cố hương” thì Nguyễn Bính cũng không thể nào vượt qua sự đặt để của số phận trong kiếp lưu đày của một thi sĩ giang hồ. Vì theo Đào Trường Phúc thì “tình hoài hương của Nguyễn Bính, như thế, vẫn không biến đổi gì từ cái bản chất đặc biệt phảng phất trong mỗi câu thơ, từ Lỡ bước sang ngang đến những bài thơ cuối cuộc đời ông. Nguyễn Bính trước sau vẫn chỉ là một thi sĩ giang hồ, một thi sĩ tha hương.”(20) Và lý giải điều này từ góc nhìn của chủ nghĩa hiện sinh, Đào Trường Phúc đã rất có lý khi cho rằng: “Nỗi cô đơn của Nguyễn Bính, của một kẻ tự lưu đày trong những chuyến lang thang tìm kiếm quê hương bằng những bước rời xa quê hương, như thế, trở thành gần như một nỗi cô đơn thu kín và tuyệt vọng.”(21) Song, phải chăng, chính nỗi buồn, niềm cô đơn của thân phận lưu đày này đã kết tinh thành những dự phóng, những cảm hứng sáng tạo trong thơ Nguyễn Bính mà nếu không có nó, liệu có thể có một đời thơ Nguyễn Bính như hôm nay!?

2.3. Nguyễn Bính với tình yêu và những ám ảnh tương tư

Trong cái nhìn của Vũ Bằng, Nguyễn Bính là một thi sĩ suốt đời mắc bệnh tương tư. Và theo Vũ Bằng, đây là một trong những phẩm tính, là tiếng gọi thao thiết vang lên trong thơ Nguyễn Bính, là yếu tố thần diệu để người đọc đến với thơ Nguyễn Bính. Điều hấp dẫn lạ lùng này theo Vũ Bằng đó là: “1) Nguyễn Bính đã nói tiếng nói chân thật của lòng với lời lẽ bình thường của dân gian, không cầu kỳ, không kênh kiệu. 2) Nguyễn Bính đã nhắm đúng vào một cái bịnh chung của đời người là cái bịnh tương tư: (...) Có thể nói tất cả văn thơ tiền chiến của Bính đều nhắm vào bịnh đó và anh nổi bật cũng vì bịnh đó.”(22) Phải chăng, chính căn bệnh “tương tư mãn tính” này là một yếu tính trong thơ Nguyễn Bính, chi phối toàn bộ thi pháp thơ ông cho nên theo Vũ Bằng: “Có phải vì thế, muốn làm thơ kháng chiến đến chừng nào, Nguyễn Bính vẫn không thể bật lên mà cho đến bây giờ, người ta còn thương Nguyễn Bính, yêu thơ Nguyễn Bính chỉ là vì những câu thơ chứa chất một tấm lòng tương tư não nùng, lê thê có từ ngày xưa và sẽ còn tồn tại mãi đến ngàn sau.”(23) Vì vậy, trong cái nhìn của Vũ Bằng, trước sau Nguyễn Bính cũng chỉ là một nhà thơ tiền chiến đúng nghĩa, mặc dù ông đã có những năm tháng lặn lội gian khổ với kháng chiến trong cuộc “tìm đường” của những văn thi sĩ tiền chiến ở một thời không xa như Vũ Bằng chia sẻ: “lang thang tìm một hướng đi, Nguyễn Bính thất vọng lại trở về thất vọng: rút lại đến những ngày cuối cùng anh lại trở lại làm người thi sĩ của thời tiền kháng chiến và lại tương tư rồi cứ tương tư cho đến chết”(24)

Vâng! Như Nguyễn Bính đã tự nhận trong thơ: “Gió mưa là bệnh của trời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”, vì vậy, khi nói đến căn bệnh tương tư trong thơ Nguyễn Bính không thể không nói đến khí hậu tình yêu trong thơ ông, cái đã làm nên “mưa gió, giông bão” trong cuộc đời của ông như một định mệnh. Đây cũng là một giá trị của thơ Nguyễn Bính mà không một người đọc nào đến với thơ Nguyễn Bính lại không bị ám ảnh. Tình yêu vốn là một chủ đề không mới lạ trong thơ nhưng ở thơ Nguyễn Bính tình yêu vẫn mang một nét đẹp riêng, một sắc thái riêng, một sự quyến rũ riêng: giản dị, chân mộc mà không tầm thường đơn điệu. Nó như cây cỏ, như hương hoa, như dòng suối thanh sạch làm tươi mát tâm hồn ta. Thơ tình Nguyễn Bính là một thứ thơ vô trùng, không bị nhiễm khuẩn của những thứ tình yêu nhục cảm tầm thường đang bày bán đầy dẫy trong các chợ thơ của thời được gọi là “hiện đại”. Đây cũng chính là cái nhìn của Sông Thai khi cảm nhận về tình yêu trong thơ Nguyễn Bính: “Thơ tình yêu của Nguyễn Bính không có những đam mê da diết, không có nhục dục thô bỉ, không có những sôi nổi ồn ào, điên loạn cuồng si hoặc bâng khuâng ray rứt... Thơ tình của Nguyễn Bính trong sạch, kín đáo và cao thượng. Và dấu vết nổi bật nhất trong thơ ông là tấm lòng chung tình, chung thủy”(25)

Thơ tình của Nguyễn Bính là sự kết tinh của những đau khổ thật, mộng mị thật, đắm đuối thật, nồng nàn thật chứ không phải là thứ tình yêu “tình một đêm” của những “cơn mưa bóng mây”. Vì vậy, nhận định về tình yêu trong thơ Nguyễn Bính, Tạ Tỵ viết: “Bính đi vào tình yêu với một mộng ước đắm đuối vô vàn để được trả bằng thất vọng”(26) và “Cái vòng tình ái lẩn quẩn mở rồi đóng, đóng rồi mở làm cho Bính bàng hoàng như tỉnh như mơ. Vốn là nòi tình nên thi nhân đắm mê vào hệ lụy như con thiêu thân lao mình vào ánh đèn tìm cái chết trong lửa đỏ.”(27) Bởi vậy, “Nguyễn Bính sáng tác rất nhiều, mỗi bài thơ như một khúc bi ca, như nỗi đau đứt ruột vì khung trời tình ái mà thượng để dành riêng cho Nguyễn Bính luôn luôn bị che phủ mây mù.”(28) Và thật sự Nguyễn Bính đã chết trong tình yêu. Nhưng từ cái chết trong tình yêu thơ Nguyễn Bính đã phục sinh và chính sự phục sinh này đã tạo nên sự bất tử của thơ Nguyễn Bính không chỉ trên diễn đàn Thơ mới mà còn cả trên thi đàn dân tộc, nói như Tạ Tỵ “Bài “Lỡ bước sang ngang” vào đời đã đưa Bính lên cao giữa vòm trời Thi Ca đầy tinh tú sáng chói với Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm, Hoàng Cầm, Tế Hanh, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên v.v.”(29) Đây cũng là cái nhìn của Nguyễn Tấn Long về tình yêu trong thơ Nguyễn Bính từ sự đối sánh với các nhà thơ của phong trào Thơ mới: “Ái tình của Nguyễn Bính, khác hẳn cái nóng nảy như Hồ Dzếnh; lãng mạn, say đắm như Xuân Diệu; chứa chan và dễ dãi như Huy Cận hay trầm buồn như một Vũ Hoàng Chương. Ngược lại tình yêu trong thơ Nguyễn Bính là một thứ tình yêu nhẹ nhàng, câm lặng, những mối tình mộng đẹp; nó là thứ tình yêu của một Đỗ Tốn trong Hoa vông vang. Yêu thì tha thiết chân thành nhưng tâm ý lại rụt rè, nhút nhát.”(30) Phải chăng, Nguyễn Tấn Long đã bắt đúng mạch cảm xúc tình yêu trong thơ Nguyễn Bính và cũng là cái tính cách của chính ông trong trường tình chăng!? Bởi, nói như Sông Thai “Đọc thơ Nguyễn Bính, ta thường thấy toát ra cái không khí tội nghiệp, bé bỏng và rất dễ bị động lòng trắc ẩn trước những mẫu tình duyên ướt đẫm nước mắt của tác giả.”(31)

Và theo Kiên Giang, trong một lần gặp nhau ở chiến khu, Nguyễn Bính có nhắc đến người con gái có tên Mây Nhạt mà lúc ở Rạch Giá Nguyễn Bính đã từng yêu, khi Kiên Giang trách Nguyễn Bính sao mơ mộng quá dù đã đi theo kháng chiến, Nguyễn Bính trả lời: “Thi sĩ có trái tim, có quyền yêu và nhớ chớ.”(32) Câu trả lời này cũng cho thấy nhân tính và phẩm tính thi sĩ trong Nguyễn Bính là một hằng số văn hóa mà không có trở lực nào có thể ngăn cản tiếng gọi của trái tim ông, một thi sĩ đa tài và đa tình. Thế mới biết, trái tim của thi sĩ là vương quốc của tự do và cũng chỉ ở vương quốc tự do ấy thi nhân mới sáng tạo những câu thơ thành thực, một phẩm chất không thể thiếu ở những nghệ sĩ đích thực mà khi viết về những nhà Thơ mới Hoài Thanh đã gọi đó là “cái khát vọng được thành thực. Một nỗi khát vọng khẩn thiết đến đau đớn.”(33)

2.4. Nguyễn Bính với hồn quê, tình quê và tình tự dân tộc

Trong không gian khá hẹp của phong trào Thơ mới ở Thi nhân Việt Nam, bên cạnh những tên tuổi lẫy lừng mà thơ ca của họ lấp lánh sắc màu tư tưởng và thi pháp phương Tây đang là mốt thịnh hành lúc bấy giờ, Hoài Thanh lại dành cho Nguyễn Bính, một thi sĩ mà theo ông: “vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm”(34) vị trí vô cùng trang trọng với tám bài thơ được chọn tuyển. Bởi, theo Hoài Thanh: “Thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê ẩn náu trong lòng ta.”(35) Có lẽ, vì thế, trong một xã hội đầy biến động của miền Nam với rất nhiều trào lưu tư tưởng Âu Mỹ tràn ngập, thơ Nguyễn Bính vẫn được tiếp nhận, lưu truyền trong công chúng. Đây cũng là cái nhìn của Tạ Tỵ khi nói đến cái hồn quê, tình quê, tình tự dân tộc trong thơ Nguyễn Bính: “Cá tính trong thơ Bính rất tự nhiên, mộc mạc không gò bó, kiểu cách như các thi nhân cùng thời. Thơ Bính đi gần với ca dao, rất gần với đại đa số quần chúng.”(36) Phải chăng, không phải lúc nào cứ hiện đại, cách tân mới làm nên giá trị của thơ ca!?

Sáng tạo thơ ca bao giờ cũng là một hành trình cô đơn từ sự nghiệm sinh và thấu thị của người nghệ sĩ. Vì vậy, khi cảm nhận về hành trình sáng tạo và khuynh hướng sáng tác thi ca của Nguyễn Bính, Thế Phong cũng nhận ra tính độc đáo trong phong cách thơ ca mang đậm bản sắc dân tộc của Nguyễn Bính khi cho rằng: “Thơ Nguyễn Bính có một bản sắc độc đáo, một địa vị không nhà thơ nào có được. Với lối diễn đạt bình cũ rượu mới, một thể thơ rất phổ biến của ta, thơ lục bát rất Việt Nam.”(37) Còn theo Sông Thai, Nguyễn Bính là nhà thơ ca dao đôn hậu. Theo ông: “Nói đến Nguyễn Bính là nói đến những bài thơ hiền lành dễ thương mang cái hình thức lục bát nhuần nhuyễn đậm đà màu sắc dân tộc. Dòng thơ của Nguyễn Bính chảy xiết một đường êm ái, duyên dáng. Lời thơ của Nguyễn Bính mộc mạc, hồn nhiên. Điệu thơ của Nguyễn Bính hài hòa, bình dị.”(38)

Tình quê, hồn quê và tình tự dân tộc trong thơ nguyễn Bính, theo Sông Thai còn được thể hiện ở việc sử dụng ngôn ngữ trong thơ Nguyễn Bính. Theo Sông Thai: “Sở dĩ thơ Nguyễn Bình gần gũi với nhân dân ta như thế là vì ông đã từng lăn lộn, hòa đồng với nhịp sống của đồng bào, chủ yếu là đồng bào dân quê, do đó ông đã vận dụng thành công ngôn ngữ của họ. Cách sử dụng ngôn ngữ bình dân của Nguyễn Bính lại hết sức nhuần nhuyễn tới mức tạo cho thơ ông một sắc thái riêng biệt: duyên dáng mà không kênh kiệu, thiết tha mà không vụng về, thành thực mà không sỗ sàng, lộ liễu. Đó cũng chính là giá trị của toàn bộ thơ ca Nguyễn Bính”(39). Đây là một đánh giá công bằng, khách quan, thấu tình đạt lý về thơ Nguyễn Bính. Và cũng là cảm nhận của Phạm Văn Song: “Thơ Nguyễn Bính không những bắt nguồn từ ca dao mà còn chịu ảnh hưởng của ca dao trong cách diễn tả nữa.”(40) Còn Vũ Bằng thì xác quyết, một cách dứt khoát: “Có thể nói rằng hầu hết các nhà văn nhà thơ, dù chê Nguyễn Bính, dù không ưa Nguyễn Bính cũng đều nhớ đại khái những câu thơ sau này của Bính nó làm người ta không muốn nhớ mà phải nhớ cũng như tục ngữ ca dao vậy.”(41)

Nhưng có thể nói, kết tinh những cảm nhận về hồn quê, tình quê và tình tự dân tộc trong thơ Nguyễn Bính đó chính là cảm nhận mang đầy tính nhân bản về những giá trị văn hóa Việt trong thơ Nguyễn Bính mà Nguyên Sa đã chia sẻ trong một bài viết khá sâu sắc, đầy tính triết mỹ về thơ Nguyễn Bính khi ông cho rằng: “Nguyễn Bính với tôi bây giờ là tiếng hát. Tiếng hát võng đưa. Tiếng hát lũy tre, tiếng hát buổi chiều mùa thu còn chút nắng không đủ ấm tiếng hát trẻ nhỏ khóc, tiếng hát thiếu nữ ngồi hong tóc, tiếng hát của mẹ của Hà Nội xa tắp của Vân Đình lo sợ, của những ngôi làng ven đường số năm cuối cùng trong ảo vọng.”(42)

Còn khi nhận định về thơ lục bát, một phẩm tính của tình tự dân tộc trong thơ Nguyễn Bính, Nguyên Sa viết: “Tôi chẳng thể bỏ được cái ý tưởng, không dựa trên phân tách nào hết, không xây trên biện chứng nào cả, ôi phân tách và tổng hợp, nhận thức trực tiếp và nhận thức biện chứng, sự phân biệt, phân tích và phân chia, tổng hợp và hỗn hợp, mười mấy năm trời tôi đùa rỡn với những trò trẻ đó trong các lớp học, mà trẻ con mới học xong lấy làm quan trọng, tưởng chừng khai phá được núi non, những phân tách và tổng hợp đó chỉ đưa ta đến vùng ngoại ô của thành phố, đến đồ trang sức của thân thể, đến sự mù lòa của trí thức trước thi ca, cái ý tưởng, vâng cái ý tưởng vu vơ là một trong những tinh túy của dòng lục bát của dân tộc là đó không phải là sợi chỉ có một khúc đầu và một khúc cuối không phải là dòng sông khởi đầu bằng suối và tận cùng nơi cửa biển dù nó, thơ ấy, vẫn có một khởi đầu và một tận cùng. Nó thơ ấy, là sự mịt mùng của biển...”.(43)

3.
Trong Văn học số 100 ra ngày 1/1/1970, Kiên Giang trong bài viết “Chiếc cầu cây giữa rừng tràm và biển cỏ của chiến khu đã gẫy rồi!” đã thành thực chia sẻ: “Viết về Nguyễn Bính tuy dễ mà khó. Khó vì không thể phóng đại, thêu dệt và viết sai về một người đã chết.”(44) Và ông lại trăn trở: “Viết cho người chết hay viết cho người sống?” Rồi chính Kiên Giang tự trả lời: “Viết cho cả hai”(45)

Thật vậy, viết về nhà thơ mà cuộc đời có quá nhiều bất hạnh và cô đơn như Nguyễn Bính là một điều không đơn giản. Nguyễn Bính không chỉ cô đơn trong suốt hành trình sống của mình mà ông còn cô đơn ngay cả trong cái chết, trong khi chết. Tâm sự của Kiên Giang phải chăng cũng là niềm ưu lo của những người cầm bút khi viết về Nguyễn Bính (kể cả người viết bài này). Trong sự tiếp nhận của lý luận phê bình văn học miền Nam trước 1975, ta thấy hầu hết các bài viết đều có chung một sự đồng cảm sâu sắc với đời và thơ Nguyễn Bính. Khi đánh giá các bình diện cơ bản trong đời và thơ của ông như: Tài năng thi ca; Nỗi buồn trong tình yêu, niềm cô đơn, thân phận lưu đày; Tình quê, hồn quê và tình tự dân tộc... các ý kiến đều thống nhất. Đây là điều hiếm thấy trong đời sống văn học khi đánh giá về một hiện tượng văn học mà không có những ý kiến trái chiều.

Kỷ niệm 49 năm ngày mất của Nguyễn Bính, đọc lại những bài viết về Nguyễn Bính trong lý luận phê bình văn học ở miền Nam trước 1975, thiết nghĩ cũng là một điều không chỉ có ý nghĩa về mặt khoa học mà còn có ý nghĩa về mặt thực tiễn để thấy được sự vĩnh hằng của một giá trị trong nền thơ ca hiện đại của dân tộc: Giá trị thơ Nguyễn Bính. Bởi nói như Nguyên Sa: “Nguyễn Bính cũng là sự bắt đầu ở bất cứ đâu, tận cùng mà chẳng hết. Đọc bài thơ rồi lại đọc lại như chưa bao giờ hết”(46). Và nói như Andre Malraux: “Nghệ thuật là cái chống lại định mệnh”. Phải chăng, thơ Nguyễn Bính cũng là một thứ nghệ thuật có khả năng “chống lại định mệnh” để miên viễn tồn sinh trong tâm thức của người tiếp nhận. Và nói như Nguyễn Phan trong Văn học giai phẩm năm 1974 thì “Nguyễn Bính, một ngôi sao sáng trong thi văn dân tộc” sẽ mãi mãi hiển linh.



Trần Hoài Anh

(SH313/03-15)

-------------------

(1) Đặng Tiến, Vũ trụ thơ, Nxb. Giao Điểm, Sài Gòn, 1972, tr.10

(2) Nguyễn Văn Trung, Nhà văn, người là ai? Với ai?, Nxb. Nam Sơn, Sài Gòn, 1965, tr.44.

(3) (4) (5) (6) (14) (15) (26) (27) (28) (29) (36) Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ, SG, 1970, tr.127, tr.125, tr.127, tr.134, tr.126, tr.129, tr.127, tr.128, tr.131, tr.126, tr.126).

(7) (8) (37) Thế Phong, Lược sử văn nghệ Việt Nam nhà văn tiền chiến 1930 -1945, Nxb. Vàng Son, 1974, tr.258, tr.259, tr.258.

(9) (22) (23) (24) (41) Vũ Bằng, “Nguyễn Bính, một thi sĩ suốt đời mắc bệnh tương tư” Văn Số 189 ra ngày 1/11/1971, tr.25, tr. 27, tr.35, tr.33, tr.26.

(10) (11) (12) (16) (30) Nguyễn Tấn Long Việt Nam thi nhân tiền chiến (Q. thượng), Sống mới Xb., SG,1968, tr. 302, tr.304, tr.302, tr. 302, tr.309.

(13) (32) (44) (45) Kiên Giang, “Chiếc cầu cây giữa rừng tràm và biển cỏ của chiến khu đã gẫy rồi!” Văn học số 100. ra ngày 1/1/1970, tr.83, tr. 80, tr.66, tr.67.

(17) (18) (19) (20) (21) Đào Trường Phúc “Nguyễn Bính những mùa xuân tha hương” Văn số 189 ra ngày 1/11/1971, tr.45, tr. 50, 5, tr.52, tr.53, tr.51.

(25) (31) (38) (39) Sông Thai, “Nguyễn Bính và những bước lỡ làng gieo neo trong cuộc sống” Văn học số 100 ra ngày 1/1/1970, tr.99, tr.99, tr.96, tr.98.

(33) (34) (35) Hoài Thanh, Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học, 2003, tr.18, tr. 336, 337

(40) Phạm Văn Song “Đọc lại Đám cưới bướm” Văn 189 ra ngày 1/11/1971, tr.56.

(42) (43) (46) Nguyên Sa, “Nguyễn Bính trong trí nhớ”, Văn học số 100 ra ngày 1/1/1970 tr.89, tr.91, tr.92.
 
  • Like
Reactions: Vanhoctre

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top