Thông Báo Nhận xét của giám khảo Sen Biển về các tác phẩm dự thi sáng tác theo chủ đề Nhà tuần 1

Thông Báo Nhận xét của giám khảo Sen Biển về các tác phẩm dự thi sáng tác theo chủ đề Nhà tuần 1

Sen Biển
Sen Biển
  • Cộng tác viên 36
1) *Tác phẩm “ một trăm năm năm ngọn cỏ hóa mây” của tác giả Cỏ Phong Sương là bài viết trong trẻo như lời hát ru của bà nhưng lại có một vết cắt nhỏ mang lại nỗi buồn sâu, hằn lên trái tim tác giả và khiến cho độc giả nức nở theo từng con chữ... cách viết của tác giả uyển chuyển mượt mà khiến cho độc giả có cảm giác như đọc một bài thơ. Cách đặt tên tựa đề vừa có chất thơ vừa có chất thiền khiến tôi thầm cảm phục tác giả, bởi Cỏ Phong Sương hình như đã đến được vùng giác ngộ mà tác giả muốn còn chúng tôi những con người trần tục chỉ biết thầm ao ước và ngưỡng mộ mà thôi.

2) Tác phẩm thơ” quê hương lời ru” của tác giả Vũ Thúy là một tác phẩm giản đơn nhưng đặc biệt. Tôi thích cái cách mà tác giả bày tỏ tình cảm với quê hương mình, thích các sử dụng phương ngữ ngọt ngào của tác giả và chính cách sử dụng phương ngữ này đã khiến cho bài thơ của tác giả khác biệt. Nó cho tôi biết rằng chị đến từ Yên Bái một vùng quê nghèo nhưng bình yên và xinh đẹp và quả đúng như tác giả đã kết bài:
Cao như núi và sâu như biển cả
Chẳng bao giờ quên được dẫu đi xa
Yên Bái ơi...bao nỗi nhớ thiết tha
Trong tim khắc nơi quê nhà yêu dấu
3) * Tác phẩm “ nhà vẫn luôn là nhà” của tác giả Lãnh Nguyệt Hàn là một tác phẩm làm cho người ta thấy ấm áp và hạnh phúc. Tại sao tôi lại nói như vậy? Bởi vì cách mà tác giả xử lý các vấn đề đưa ra một cách rất khúc triết mạch lạc, nó khiến cho các độc giả dù có khó tính đến đâu cũng không thể bắt bẻ được . Ở trong tác phẩm này tình yêu ngọt ngào, trong trẻo của Linh và Quân đẹp như một bản nhạc với khúc dạo đầu trong trẻo, còn tình cảm của chú Quang và mẹ Linh thì tươi mát như những giọt nước mưa thấm sâu vào tâm hồn độc giả. Có thể thấy rằng Lãnh Nguyệt Hàn là một người có cách nhìn đời rất hiện đại và bao dung khi “ se duyên” cho mẹ Linh với chú Quang . Điều đó khiến cho độc giả tin rằng “ không phải cứ đi qua đổ vỡ là không có hạnh phúc” mà hạnh phúc ở ngay bên cạnh chúng ta đó thôi. Cô bé Linh hiện lên là một cô bé lí lắc hiểu chuyện và đáng yêu khi đã chấp nhận cho người đàn ông khác bước vào thế giới của mẹ mình. Một chi tiết rất nhỏ nhưng cũng rất “ đắt giá” kể lại chuyện mẹ Linh dẫn Linh lần đầu về thăm ông bà ngoại ông bà chửi đấy mắng đấy nhưng vẫn dang rộng vòng tay đón đứa con lầm lỗi trở về. Quả đúng là “ nhà vẫn luôn là nhà”

4) Tác phẩm “ ngôi nhà trong ký ức tuổi thơ” của tác giả Phùng Văn Định là một tác phẩm thiên về miêu tả. Khả năng miêu tả của Phùng Văn Định thì không có gì phải bàn cãi rồi. Nhưng Phùng Văn Định vẫn chưa bật lên được để đưa tác phẩm của mình thật sự tỏa sáng. Quay lại nói về “ ngôi nhà trong ký ức tuổi thơ” nếu đã là “ ký ức tuổi thơ “ thì có vẻ đoạn nói về ngôi nhà mới xây là một đoạn truyện thừa có cũng được không có cũng được... vì nó không liên quan gì đến tuổi thơ của tác giả cả.
5) Tác phẩm thơ” tôi về tìm lại quê tôi “của tác giả Hoa Phù Sa về cơ bản là một bài thơ hay nhưng tôi vẫn bảo lưu lời nhận xét mà tôi đã comment ở dưới bài dự thi “ cả bài thơ của bạn hay nhưng khổ cuối làm hỏng bài thơ” vì dù bạn đã sửa sau khi tôi nhận xét nhưng từ “ đời thường” có vẻ là một từ bạn cố gắng dùng cho đúng vần nó làm cho bài thơ của bạn có vẻ gượng ép không thực sự hài hòa. Để tiện cho các bạn theo dõi tôi xin trích nguyên văn 4 câu thơ nguyên gốc và 4 câu thơ bạn đã chỉnh sửa cho các độc giả tiện theo dõi :
Đây là 4 câu nguyên gốc của tác giả:
Nghẹn ngào hai tiếng quê hương
Ngỡ xa lại quá tầm thường quê ơi
Dù cho đi khắp muôn nơi
Trong tim luôn nhớ bầu trời nhà quê
Còn đây là 4 câu thơ mà tác giả đã sửa lại:
Nghẹn ngào hai tiếng quê hương
Ngỡ xa lại quá đời thường quê ơi
Dù cho đi khắp muôn nơi
Trong tim luôn nhớ bầu trời nhà quê
Dễ dàng nhận thấy trong 4 câu thơ này ngoài hiện tượng ép vần thì bạn còn bị lỗi lặp từ: một khổ thơ có 4 câu bạn đã 3 lần sử dụng chữ quê. Đây là một lỗi khiến cho tác phẩm của bạn bị giảm giá trị

6) Tác phẩm “ nhà một chữ thôi nhưng bình yên lắm “ của tác giả Hạt Dẻ Cười là một câu chuyện rất bình dị của gia đình 4 người trong những ngày nghỉ dịch. Chỉ là những việc lặp đi lặp lại sáng ,trưa, chiều, tối, mà cũng đủ mang lại hạnh phúc cho tác giả. bằng lối viết trong trẻo, lạc quan tác giả đã dẫn dắt người đọc đến một quan điểm sống đúng đắn đối với một thời kỳ khó khăn của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Điểm cộng của tác phẩm chính là những hình ảnh minh họa bằng chính những “ người mẫu gia đình” đọc văn bạn viết,xem hình bạn gửi có thể thấy được rằng gia đình bạn là một gia đình hạnh phúc. Xin chúc mừng bạn.
7) Mỗi đứa trẻ luôn là nguồn cảm hứng vô cùng vô tận của me. Đọc " khi nhìn vào mắt con" tôi như thấy được tình yêu bao la rộng lớn mà tác giả dành cho cô con gái nhỏ của mình. Thơ là cuộc sống và cuộc sống là thơ. Khen thêm rằng " mẫu nhí" đáng yêu quá!

8) Bài viết “ tình người giữa biển đời bao la” của tác giả Ngọc Trâm có thể nói là một bài viết 2 trong một khi vừa có tính thời sự lại vừa có tính văn học. Bạn đã cập nhập được tình hình dịch bệnh covid trên đất nước Việt Nam. Ngoài ra bạn cũng đề cập đến cái chết thương tâm của chàng trai trẻ người Việt trên đất nước Nhật Bản. Với lượng thông tin hữu ích cùng với cách trình bày uyển chuyển, bạn đã thuyết phục được tôi. Ngoài ra tôi phải khen bạn vì cách tìm ảnh minh họa rất phù hợp với nội dung bài viết. Lần đầu tiên tôi xem kỹ ảnh minh họa đến vậy. Bởi Ngọc Trâm đã lấy hình các bài báo về tình hình chống giặc covid làm hình minh họa cho bài viết của bạn ấy.

9) Với tác phẩm thơ “ giận hờn” bằng ngôn ngữ thơ trong trẻo dễ thương tác giả đã biến những hờn giận của đôi lứa yêu nhau trở nên sinh động, hấp dẫn người đọc. Thật đúng là yêu thì vẫn yêu mà giận thì vẫn giận. Bởi thế cho nên “ nỗi nhớ nhung dập dờn như con sóng”. Cảm ơn tác giả Nguyễn Hải Liên vì một sáng tác hay.

10) Tác phẩm “ một giấc mơ “ của Thảo Nhung là cuộc đối thoại giữa tôi của hiện tại và tôi của quá khứ để nhận ra rằng lòng mẹ là nơi an toàn nhất, bình an nhất, một chốn để đi về. Tác giả đã cho những độc giả trẻ tuổi với cái “ tôi” to đùng có điều kiện nhìn nhận lại mình, thấu hiểu hơn sự yêu thương, chăm lo của bố me.

11) Tác phẩm “ nhà là nơi chống giặc covid “ của tác giả “ hạt dẻ cười “ cho thấy tinh thần lạc quan của người viết và gia đình trước cơn sóng dữ covid 19 . Ngoài ra trong tác phẩm này tác giả đã khéo léo lồng ghép thông điệp giáo dục trẻ nhỏ chăm chỉ đọc sách vào bài viết. Với một đoạn văn dù ngắn giới thiệu về những cuốn sách hay mà bạn và các con đã cùng đọc, tác giả đã tạo cho độc giả sự tò mò háo hức về các cuốn sách. Thật đáng quý biết bao.

12) * Tác phẩm “ bài tự tình số 1” của tác giả Nguyễn Trương Tấn Huy đã đưa người đọc về những kỷ niệm ngọt ngào của tác giả với bà ngoại đã khuất. Cách viết của tác giả đẹp như một bài thơ dẫu rằng tác giả có đan xen một nỗi tiếc nuối xót xa về những kỷ niệm cũ với bà nhưng thú thật lúc đầu đọc bài tôi cứ nghĩ rằng bạn viết cho người yêu, cách viết có phần “ nghệ thuật quá” khiến cho tác phẩm của bạn có đôi chút khiên cưỡng. Kỷ niệm về bát canh bí đỏ ngoại nấu thực sự mang lại xúc cảm mạnh cho bạn đọc “ canh ngoại nấu có vị ngọt thanh từ đường phèn, thơm dịu mùi đậu phộng rang, chín nhừ bí đỏ. Tôi đã ăn từ lúc nhỏ đến bây giờ và nghiện nó từ lúc nào không biết” để đến khi bà ngoại đi xa thì mẹ,rồi cô tác giả đã nấu cho bạn ấy ăn nhưng vẫn không tìm lại được mùi vị của canh bà ngoại nấu. Theo tôi đây chính là mùi vị của tình yêu thương vô bờ bến mà bà ngoại đã dành cho bạn. Đối với tôi “ bài tự tình số 1 “ là một sáng tác hay. Tuy nhiên điểm trừ của bạn chính là việc thi thoảng bạn gõ sai lỗi chính tả điều này làm cho tính thẩm mĩ của tác phẩm của bạn không cao. Hi vọng đến bài sau bạn sẽ rút kinh nghiệm hơn.

13) *Tác phẩm “ có bao giờ ba mẹ tự hào về con” của tác giả Lê Hoàng Huy là những dòng tâm sự nức nở của một đứa con từng chịu nhiều tổn thương dành cho ba mẹ của mình. Và thật may mắn là cuối cùng bạn cũng đã hiểu được tấm lòng mà ba mẹ đã dành cho ba mẹ. Ừ bạn nói đúng, có ba mẹ nào mà không tự hào về con,không yêu thương con. Chỉ là cách thể hiện của mỗi người sẽ không giống nhau. Tôi hình dung bạn như một con chim nhỏ chỉ khi xa rời cái tổ của mình thì mới hiểu được rằng cái tổ ấy ấm áp nhường nào. Đối với tôi đây là một tác phẩm hay. Xin chia sẻ và đồng cảm với bạn.

14) * Tác phẩm “ trong lòng tôi quê hương thế là mất” của tác giả Kim Hoa là tác phẩm gây cho tôi cảm giác nuối tiếc nhất. Tại sao lại vậy bởi vì cách đặt tựa bài của bạn khiến tôi bị sốc. Bạn viết về tình cảm của bạn dành cho bà ngoại của bạn một cách rất chân thành và nó lấy được cảm xúc của tôi. Tuy nhiên, trong câu chuyện mà bạn kể có những chi tiết bạn đã làm quá lên và gây ra hiểu lầm cho độc giả. Thú thật tác phẩm của bạn đã khiến ban giám khảo phải hội ý ngay sau khi đọc tựa bài. Bởi vì cái tựa bài và ngày tháng bạn đưa ra trong câu chuyện khiến tôi khi mới đọc dòng đầu tiên nghĩ rằng bạn là người chống chính quyền. Thật may mắn vì đây chỉ là hiểu lầm từ phía tôi. Điều đáng tiếc nữa là những câu chữ miêu tả thái quá khiến cho tác phẩm của bạn giảm đi rất nhiều giá trị . Tôi thấy được chỗ thiếu lô gic trong bài viết của bạn khi bà ngoại mất thì bạn viết” có lẽ cuộc đời chỉ mất một lần này thôi là mất tất cả rồi” chúng ta đều hiểu rằng ngoài ông bà thì ba mẹ cũng rất thương yêu chúng ta. Tôi tự hỏi bạn đặt bố mẹ ở đâu trong trái tim bạn khi bạn viết những câu chữ này ?

15) * Tác phẩm “ ngày giỗ của ba tôi” của tác giả Nguyễn Thị Thu Huyền là một tác phẩm tròn đầy với những câu chữ chân phương mộc mạc, làm nổi bật tình cảm mà bạn dành cho người ba đã mất. Tôi cảm thấy tác giả là một cô bé thiếu may mắn nhưng hạnh phúc hơn nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ bởi bạn vẫn nhận được tình cảm yêu thương của má và các anh chị em trong gia đình. Mong rằng với nghị lực của chính mình và tình yêu thương mà bạn nhận được từ người thân sẽ khiến bạn vững vàng hơn trong cuộc sống. Bạn gây được thiện cảm cho người đọc bởi cách bạn viết thư tâm sự với ba vào ngày giỗ của ba. Tôi tin rằng ba bạn ở nơi chín suối sẽ ngậm cười vì sự phương trưởng của các con. Đặc biệt là sự hiếu thuận của cô con gái út , là bạn.

16) * Tác phẩm” lắng nghe tiếng sóng” của tác giả Quách Thái Di là khúc tình thơ ngọt ngào của đôi bạn trẻ tuổi mới lớn. Tôi đặc biệt ấn tượng với dải ruy băng vàng mà nhân vật Mây treo ở cửa , dải ruy băng của hi vọng. Cho thấy Mây là một cô gái rất vị tha và có tâm hồn đẹp. Bởi tuy xa mẹ từ bé nhưng Mây vẫn nhớ thương và không hề oán trách mẹ. Mây khao khát được gọi mẹ, được mẹ ôm ấp. Dải ruy băng tượng trưng cho ước mơ của cô bạn nhỏ về tình mẫu tử. Kết thúc câu chuyện là rải ruy băng chờ đợi của Mây dành cho cậu bạn hàng xóm. Độc giả thấy bầu trời của niềm tin và hi vọng đọng lại trong tác phẩm. Đối với tôi đây là một tác phẩm hay.

17) Tác phẩm “ cha” của tác giả My Trần là một bài dài xúc động mà tác giả dành cho người cha quá cố nhưng bởi bạn viết quá dài nên bài thơ bị những lỗi rất đáng tiếc
Thứ nhất lỗi lặp từ : ví dụ như âm thầm- lặng thầm 2 từ cùng nghĩa đặt ở 2 câu thơ liền kề
Thứ 2 ép vần ví dụ như ở câu thơ thứ 2 khổ 2 “ hi sinh chịu đựng lũi lầm vì gia” người ta chỉ dùng từ lầm lũi chứ không ai dùng từ lũi lầm
Thứ 3 : sử dụng những câu thơ tối nghĩa( dù với một người đọc kỹ tác phẩm như tôi thì tôi hiểu bạn nói gì ví dụ như 2 câu thơ sau đây:
Tay dắt lũ trẻ con là ( là gì?)
Ông ơi chúng cháu tới nhà rồi đây

Trên đây tôi đã chỉ ra một vài lỗi sai về mặt nghệ thuật của bạn. Hi vọng bạn sẽ khắc phục các lỗi sai này cho những tác phẩm tiếp theo. Tóm lại đây là 1 tác phẩm xúc động về nội dung nhưng chưa ổn về mặt nghệ thuật. Mong bạn cố gắng hơn.

18) Tác phẩm “ nhớ nhà mùa dịch” của tác giả Bích Ngọc là một bài viết thể hiện được nỗi nhớ nhà của người con xa quê trong lúc dịch covid đang hoành hành. Những tình cảm mà khi bận vội chúng ta thường quên mất, thông qua tác phẩm tác giả cũng nói nên được tình cảm yêu thương lo lắng của cha mẹ dành cho bạn khi bạn đang ở xa nhà. Ẩn hiện bên trong tác phẩm chúng ta cũng thấy được nỗi khó khăn của những người phải ở trọ xa nhà trong mùa dịch. Thiếu thốn mọi bề nhưng vẫn vững tin ở ngày mai tươi sáng. Điểm trừ là tác phẩm của bạn đôi khi viết sai lỗi chính tả ví dụ thay vì viết từ “ xán lạn” thì bạn lại dùng từ “ sáng lạng” trong câu “ chỉ có trở về nhà tôi mới có thể mỉm cười tươi sáng lạng”. Từ “sáng lạng” không có nghĩa và không tồn tại trong từ điển tiếng Việt. Nó đơn giản chỉ là từ viết sai chính tả mà thôi. Ngoài ra theo nhận xét của cá nhân tôi thì tác phẩm của bạn cứ “ đều đều bình bình vậy thôi”. Nó thiếu điểm nhấn để được độc giả nhớ đến và tỏa sáng.

19) * Tác phẩm “ cây xoài mùa lá rụng” của tác giả Nguyễn Trương Tấn Huy là một bản tình thơ ăm ắp tình bà cháu. Cái hay và cái khéo cử tác giả là lồng ghép linh hồn, tình cảm vào cây xoài để mỗi trang văn viết về nỗi nhớ ngoại thêm nức nở, tái tê. Người đọc có cảm tưởng cây xoài cũng đang khóc nhớ thương ngoại như tác giả. Nhưng tác phẩm của bạn có chút xíu lỗi nhỏ rất nhỏ thôi là với nhân vật người cô ( hoặc người dì) trong câu chuyện bạn lưu ý nếu đã là cô thì xuyên suốt là cô mà là dì thì xuyên suốt là dì đừng lúc thì cô lúc thì dì bạn nhé. Và đôi khi bạn cũng viết sai lỗi chính tả nữa ví dụ từ rôm rả bạn viết nhầm thành rom rả . Ngoài ra, bạn còn mắc lỗi lặp từ rất đáng tiếc ví dụ trong một đoạn văn ngắn bạn lặp lại hai lần từ “ ban sơ”. Với lỗi lặp từ này làm cho đoạn văn không được êm mượt.Hi vọng bạn chú ý rà soát bài thật kỹ trước khi đăng bạn nhé. Văn học trẻ rất vui khi có một cây bút viết hay như bạn.

20) Tác phẩm thơ “ tháng năm bên gia đình” của tác giả Trần Thị Hồng Tâm là một bài thơ nói về người bố thân yêu của bạn, một người nông dân lam lũ, chịu thương chịu khó. Cách bạn viết bài thơ rất chân thành, mộc mạc và tình cảm. Về mặt nội dung thì bài thơ của bạn rất tốt, rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, chúng tôi xin góp ý một chút xíu xiu với bạn về mặt nghệ thuật, hi vọng bạn sẽ khắc phục được lỗi và cho ra đời những tác phẩm hay hơn trong tương lai.

Thứ nhất : bạn viết bài thơ này bằng thể thơ bát ngôn, một thể thơ không quá khắt khe về mặt âm luật như các thể thơ khác. Tuy nhiên nếu bạn chú ý được để bài thơ “ xuôi vần” thì nó sẽ dễ dàng tiếp cận với độc giả hơn. Bạn mắc lỗi gieo vần khiến cho câu kết khổ trước không liền mạch với câu đầu khổ sau( đây là lỗi ở hầu hết các khổ thơ của bạn. Ví dụ như câu kết khổ 1: yên tâm hơn khi bố kịp tới nhà (vần bằng) , nhưng câu đầu khổ 2 : tháng năm con thương bố vất vả ( vần trắc) độc giả đọc lên cảm thấy rất trúc trắc, khó đọc.

Thứ 2 : các câu thơ lộn xộn số từ khiến độc giả phải căng não không hiểu bạn viết theo thể thơ nào ( ở trên tôi đếm số câu 8 chữ nhiều hơn nên tạm xếp bài thơ của bạn vào thể loại bát ngôn) tuy nhiên nói có sách mách có chứng. Bạn đếm câu thơ thứ 1 khổ 1: tháng năm trời nóng như chảo lửa ( 7 chữ) thì sang câu thứ 2 cũng khổ 1: Bố ra đồng gặt lúa đổ mồ hôi( 8 chữ)

Thứ ba: bạn mắc lỗi lặp từ có những khổ thơ bạn nhắc tới bố những 3 lần. Bạn ơi! Biết là thơ về bố thì nhắc về bố là đúng rồi nhưng thơ là một hình thức nghệ thuật. Đôi khi bạn chỉ cần dùng hình ảnh cũng khiến người ta biết ồ thì ra cô ấy đang viết về bố của cô ấy.

Với một số lỗi mà chúng tôi đã chỉ ra trên đây hi vọng sẽ giúp ích cho bạn trên chặng đường sáng tác sắp tới.

21) Tác phẩm “ Đại Việt Kiêu Hùng “ của tác giả Trần Thị Ngọc Ngà là một bản sử ca anh hùng của nước Việt ta được bạn chuyển thể thành thơ. Chúng tôi rất nể các kiến thức lịch sử mà bạn tích lũy được nhưng có một vài lỗi bạn mắc phải chúng tôi sẽ đưa ví dụ dưới đây để bạn có thể sửa lại ở những bài lần sau :

Thứ nhất : viết sai tên tác phẩm của Lý Thường Kiệt. Tác phẩm của ông tên là " Nam Quốc Sơn Hà "bạn sửa thành " Sơn Hà Nam Quốc"

Thứ 2 : chỗ đáng viết hoa thì không viết hoa chỗ không đáng viết hoa thì lại viết hoa ví dụ chữ tổ quốc bạn viết hoa là sai cấu trúc tiếng Việt .

Thứ 3 : có nhiều câu bạn viết rất tối nghĩa khó hiểu. Ví dụ như trong câu :
Đến thời Lưu Bá lang băm
Mượn Kiều Công Tiễn sang thăm gọi là
Trong lịch sử không có Lưu Bá mà chỉ có Nam Hán Cao Tổ Lưu Nghiễm cha đẻ của Lưu Hoằng Tháo bại tướng của Ngô Quyền ở trận Bạch Đằng năm 938 mà thôi.
Trên đây là một số lỗi đáng tiếc mà chúng tôi đã chỉ ra trong tác phẩm “Đại Việt kiêu hùng “ hi vọng bạn sẽ khắc phục ở tác phẩm lần sau.

22) Tác phẩm “ Đêm Mường Lò “ của tác giả Vũ Thúy là một tác phẩm thơ mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc của vùng Tây Bắc. Bản thân tôi là người chấm giải nhưng khi đọc bài thơ của bạn tôi như được khám phá thêm những nét độc đáo của vùng Tây Bắc,ví dụ như” Piêu cút hả” nhưng điểm trừ của bạn là hình ảnh minh họa không phù hợp với bài viết( đang nói về phụ nữ Thái bạn lại cho hình minh họa là cô gái Tày cười tươi rói) mong bạn chú ý hơn trong việc chọn lựa hình minh họa ở các bài sau.

23) * Tác phẩm “ dáng hình quê hương” của tác giả jasmine Linh là một bài tản văn hay về quê hương. Đọc tác phẩm của bạn thấy lời văn của bạn rất đời thường, dung dị. Cái hay là bạn đã đi một đường đi khác với các tác phẩm cùng chủ đề. Bạn không yêu quê hương ngay từ phút đầu gặp gỡ mà nhờ có “ sự cố” bà nội bị ốm phải về quê trong tình thế bắt buộc hậm hực, bức bối rồi khi đã quen rồi thì thấy mến thấy thương. Tình cảm của bạn đối với quê hương và của quê hương ( những người dân quê đối với bạn ) thật chân thành đáng quý biết bao

24,25) *Chùm tác phẩm “ Tri Tôn quê tôi” và “tìm về” của tác giả Trần Thị Thái Thái Hòa tuy là 2 tác phẩm viết bằng 2 thể loại thơ khác nhau( một bài bát ngôn và một bài lục bát) nhưng cũng đều giới thiệu đến bạn đọc vẻ đẹp dung dị của huyện miền núi Tri Tôn ( phía tây tỉnh An Giang) nhưng điểm trừ của bạn là cách trình bày không khoa học các câu thơ viết liền mạch không chia khổ gây khó khăn và rối mắt người đọc. Và 1 điểm trừ nữa là bạn viết về một địa danh cụ thể ( Tri Tôn) nhưng không có phần chú thích thêm về địa danh này khiến cho người đọc nếu tò mò lại phải đi tìm hiểu từ nguồn tư liệu khác rất bất tiện.

26) Tác phẩm “ nhà là nơi chưa chan tình cảm gia đình “ của tác giả Nguyễn Thùy Trang là những trang viết giải thích và định nghĩa về gia đình rất sâu sắc mà bạn tổng hợp được thông qua đó bạn cũng lồng ghép tình cảm suy nghĩ của bản thân về gia đình rất mộc mạc chân thành. Điểm trừ của bạn là đôi khi bạn còn viết sai lỗi chính tả. Hi vọng bạn có thể sửa kỹ bài trước khi đăng và một lỗi đáng tiếc nữa là trong một bài văn ngắn có lẽ bạn “ say viết” nên vô tình lặp lại 2 đoạn văn tuy câu chữ khác nhau nhưng lại cùng một ý nghĩa . Tôi xin phép nhắc lại “ là những lần mắc lỗi bị cha mắng mẹ la và phạt không cho đi chơi với đám bạn trong xóm “ cách quãng một đoạn bạn nói về vấn đề khác xong viết tiếp đoạn này” chính những lần nghiêm khắc trách phạt của mẹ cha dạy chúng ta rằng làm người thì không được làm điều sai trái và phải có trách nhiệm với những việc mà mình làm” cách viết này làm tôi cảm thấy bạn đi đường vòng trong văn chương và gây khó khăn cho người đọc.

27) *Tác phẩm “ Bong Bóng trên dòng miệt thứ” là một tác phẩm tản văn bình dị chân chất rất đáng đọc. Từ tác phẩm của bạn người đọc biết đến những sinh hoạt bình dị gần gũi của người dân vùng đất mũi Cà Mau. Bạn còn khéo léo lồng ghép số phận của những con người nghèo khổ lênh đênh sông nước và cả tình cảm chân thành của gia đình đặc biệt là tình cảm của bạn dành cho ông nội. Tôi cảm nhận bạn là người cháu hiếu thảo vì tuy ông nội có lẫn, có quên bạn cũng không khó chịu mà quan tâm chăm sóc. Tác phẩm này của bạn theo tôi là một tác phẩm hay
28) *Tác phẩm” nhà nơi tôi được đổ đầy yêu thương” của tác giả Hạ Vân là một tác phẩm khiến tôi trăn trở. Bạn đã lồng ghép tình yêu thương lo lắng của bố mẹ cho bạn vào câu chuyện “ chạy việc” một thực tế đáng buồn của xã hội ta hiện nay. Những giọt nước mắt vỡ òa tự hào của bố bạn khi biết bạn đỗ công chức đã lấy được cảm xúc của tôi. Tôi chúc mừng bạn cô con gái rượu yêu quý của bố ban. Thông qua tác phẩm bạn nói lên được tình yêu thiết tha của bạn dành cho quê hương và những học sinh thân yêu của bạn. Cá nhân tôi thích một cô gái tự chủ, mạnh mẽ như bạn . Xin cho tôi bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho bạn nhé,Hạ Vân.

29) Tác phẩm thơ: Mẹ Tôi của tác giả Vũ Thúy là một tác phẩm lục bát ngọt ngào của tác giả Vũ Thúy về mẹ. Hình ảnh người mẹ trong thơ Vũ Thúy hiện lên tảo tần lam lũ giàu đức hi sinh nhưng điểm trừ của bạn là tham khảo nguồn từ bài thơ khác mà không ghi trích dẫn. Hi vọng lần sau bạn chú ý hơn :
Cánh cò cõng bóng ca dao
Mẹ tôi cõng cả hanh hao bốn mùa
Vũ Thúy có tham khảo câu:
Cánh cò cõng nắng cõng mưa
mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương( câu này ở một tác phẩm trích trong Ngữ văn 8)

3-50.jpg


30) Tác phẩm “ người đàn ông của đời con” là một tác phẩm tình cảm của bạn Thiên Đức viết về bố của bạn nhưng điểm trừ của bạn là cách chuyển đoạn không uyển chuyển. Nếu bạn biết cách chuyển đoạn hay hơn thì tác phẩm của bạn sẽ sắc nét hơn. Và cũng giống như một số bạn khác bạn mắc lỗi viết sai chính tả” cầm số tiền” bạn gõ nhầm thành “ cằm số tiền” Hi vọng sẽ đón đọc những tác phẩm hay hơn của bạn sau này.
31) Tác phẩm “ căn gác xép nhỏ” của Quách Thái Di đã đưa người đọc về với nơi ẩn náu lý tưởng của bạn thời thơ ấu. Giọng văn tự nhiên trong trẻo, những kỷ niệm tuổi thơ ngọt ngào của bạn cùng với cái nắng có vị mặn mòi của biển và cái gác xép là thế giới thu nhỏ của bạn đã hút hồn tôi
32) Tác phẩm : ông bà ngoại tôi của tác giả Đào Việt Thu là những dòng tự sự của bạn về ông bà ngoại đã qua đời trước cả khi bạn ra đời. Đầu tiên cho tôi xin chia sẻ sự thiệt thòi của bạn khi không được hưởng tình yêu thương của ông bà ngoại dù rất mong muốn. Thứ hai là xin gửi lời biết ơn tới mẹ của bạn vì đã giáo dục bạn thật tốt. Chính tình cảm thương nhớ của mẹ bạn dành cho ông bà đã lan tỏa đến bạn khiến cho bạn dù không một lần gặp ông bà cũng biết yêu thương ông bà chân thành. Tuy nhiên điểm trừ của bạn là lối kể truyện tràn lan kể hết truyện này đến truyện khác mà không chau chuốt lời văn. Tác phẩm của bạn giống thể văn truyền miệng nhiều hơn. Hi vọng với những nhận xét của chúng tôi bạn sẽ khắc phục được lỗi cho các tác phẩm sau này.

33)* Tác phẩm: “đã mấy lần mai con về “ của tác giả Nguyễn Phát là một truyện ngắn hay, ngọt ngào về tình cảm gia đình. Với lối viết đậm đà bản sắc văn học Nam Bộ rất tình cảm dịu dàng. Qua trang văn của bạn hình ảnh ba má hiện lên là những người nông dân chân lấm tay bùn rất mực thương con, có thể làm tất cả vì con nhưng cũng đầy tự trọng không muốn lụy phiền đến các con. Một lỗi nhỏ xíu xiu của bạn là “ bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày” bạn hay gõ nhầm các dấu câu trong bài dấu hỏi gõ nhầm thành dấu ngã và ngược lại. Nếu khắc phục được lỗi này tác phẩm của bạn sẽ tròn trịa hơn về nội dung và đẹp hơn về hình thức.

34) * Tác phẩm “ nơi nào cho thương nhớ lòng tôi” của tác giả T. Thảo là một tác phẩm tản văn hay và đẹp. Tôi bị cuốm hút bởi cảnh đẹp bình dị thân thương của quê hương bạn, tôi cũng muốn phơi mình dưới cái nắng tháng 5 của nơi ấy. Tuy nhiên bạn cũng mắc lỗi nhỏ là thi thoảng viết sai lỗi chính tả
35) bài thơ “ thân thương” của tác giả Hoa Phù Sa là một khúc tâm tình đau đáu của người con xa quê dành cho con sông Hồng yêu dấu. Nhưng bạn mắc những lỗi rất đáng tiếc khiến bài thơ của bạn không đọng lại được trong tâm trí người đọc ví dụ như câu “ chỉ có núi đồi cùng đồi núi hoang vu” chữ “cùng” mà bạn dùng là sai ý nghĩa bởi chữ cùng là để nối 2 hay nhiều sự vật với nhau núi đồi, đồi núi là cùng một sự vật mà bạn. Nếu bạn muốn nhấn mạnh sự hoang vu của núi đồi thì tôi sửa thử bạn xem có êm và có lý hơn không nhé “ chỉ có núi đồi, lại đồi núi hoang vu”
Thứ 2 là bạn để lỗi lặp từ quá nhiều. Trong thơ không nên để lỗi lặp từ nhiều sẽ khiến bài thơ như bị vướng ví dụ ở câu 3 khổ 4 bạn dùng ôi thương quá! Ngay câu 1 khổ 5 bạn dùng “ôi bờ tre”
Thứ ba là bạn đưa ra nhiều hình ảnh thơ nhưng câu từ chưa đủ sức bật để hình ảnh thơ ấy tỏa sáng
Một số góp ý nho nhỏ cho bạn mong bạn sáng tác ngày càng hay hơn

36) Bài thơ “ nhận ra “ của tác giả joy là một bài thơ chạm được vào xúc cảm của bạn đọc khi tác giả đi khắp chốn khắp nơi mới nhận ra ba mẹ thương yêu mình như thế nào? Nhưng khi nhận ra rồi thì chỉ còn lại nấm mồ xanh thôi. Đau như cắt. Thật đúng là “ có không biết giữ mất lại đi tìm” . Điểm trừ của bạn là tác phẩm của bạn viết theo thể thơ tự do không tuân theo quy luật âm vần nào nên khiến cho bài thơ không được suôn mượt. Mong bạn cố gắng khắc phục ở những tác phẩm tiếp theo.

37) tác phẩm “ nhớ nhà” của tác giả Huyền Nguyễn viết theo thể thơ lục bát về nỗi nhớ của cô sinh viên khi xa gia đình, ước mong dịch bệnh qua mau nhưng hình như bạn gặp khó khăn khi gieo vần? Các vần gieo không khớp nhau làm cho bài thơ trúc trắc khó đọc . Ngay ở 2 câu đầu tiên khổ 1 người đọc đã dễ dàng nhận ra điều đó:
Cô Vy- hai tháng nhớ nhà
Nhớ mâm cơm đậm vị tình mẹ cha
( chữ tình ở câu bát không vần với chữ nhà ở câu lục) lục bát không tính vần của tiếng cuối câu lục và tiếng cuối câu bát bạn nhé nên nếu bạn nói chữ nhà câu lục vần với chữ cha câu bát là bạn viết sai luật lục bát) .

38) Tác phẩm “ nồi thuốc bắc của mẹ” của tác giả Hạt Dẻ Cười là những kỷ niệm ngọt ngào của bạn bên mẹ. Bài viết đã tạo được dấu ấn riêng khi bạn nhớ “ nồi thuốc bắc của mẹ” giữa rất nhiều nỗi nhớ về mẹ khác. Tuy nhiên cách hành văn của bạn vẫn có một số lỗi nho nhỏ khiến cho tác phẩm không thật sự nổi bật. Đó là lỗi lặp từ cụ thể trong đoạn văn sau” Trưa hôm ấy, cũng đã lâu lắm rồi, tôi mới lại được thưởng thức những món ăn quen thuộc của mẹ. Tôi bồi hồi nhớ về những trưa hè oi ả, đi học về, mồ hôi ướt đầm đìa vai áo, mẹ tôi đã đứng đợi sẵn ngoài cửa, trìu mến nhắc nhở tôi vào rửa mặt mũi chân tay rồi còn ăn uống. Ngày đó bụng đói cồn cào, cơm mẹ nấu lại thơm ngon, hấp dẫn, tôi ăn liền ba bát đầy đến lúc ợ lên một cái thật kêu mới thỏa mãn. Đúng là quãng đời học sinh, được sống gần gũi, vô lo, vô nghĩ bên cha mẹ. Quý giá biết bao!” một đoạn văn rất ngắn nhưng lặp lại quá nhiều chữ “ tôi” . Đó là một ví dụ cụ thể trong một số lỗi mà bạn mắc phải mong bạn chú ý và viết tốt hơn ở tác phẩm lần sau

39) Tác phẩm “ cho đến cuối cùng, giây phút con mong ngóng là...” tác giả Phan Thị Hoài Linh là một bức thư “ tưởng tượng” của cậu thanh niên bị sát hại ở Nhật viết cho mẹ ... bức thư đã khiến tôi khóc. Những gì là cảm xúc, hãy để cho cảm xúc lên tiếng. Chúng ta gửi nén nhang thành đến người thanh niên quá cố... và chia sẻ nỗi đau với mẹ của bạn ấy.

40) Tác phẩm “ Đại Thanh rồi sẽ lại bình yên” là một tác phẩm thể hiện sự mong ngóng về sự bình yên cho chung cư Đại Thanh khi dịch đang hoành hành. Tác giả cũng khéo léo truyền tải thông điệp 5k vào tác phẩm. Chỉ có một hiểu lầm nho nhỏ là tôi cứ liên tưởng” Đại Thanh” với nhà Thanh bên Trung Quốc lần sau bạn ghi thêm một dấu* chú thích nữa nhé
 
Sửa lần cuối:
1K
7
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Top