Dự thi Nhớ vị Tết xưa

Dự thi Nhớ vị Tết xưa

Nhớ vị Tết xưa

Chiều nhạt nắng, thênh thang trong gió ngắm nhìn chậu mai, khóm cúc lan tỏa hương thơm đương tìm người chủ của mình để trở về nhà cho kịp thời khắc giao thừa. Hoa thơm, cọng ngò, manh áo mới…tất cả dường như biết nói, biết động đậy trước cái hồn của mùa xuân. Bước thêm vài đoạn, nghe mùi khói thơm bay ra từ phía ngõ nhỏ, ba bốn cô bé cậu nhóc đang tíu tít, háo hức cười nói bên nồi bánh chưng ngày Tết khiến những kỷ niệm gia đình ghi dấu trong trái tim tôi lặng lẽ trở mình thổn thức. Tôi nhớ nhà, nhớ bố mẹ - Nhớ vị Tết quê hương đến nao lòng.

Từng đoạn kí ức như thước phim tua nhanh chạy dài đưa tôi trở về thuở thơ bé chăn trâu, cắt cỏ. Thuở ăn chưa no, lo chưa tới. Chỉ mong cho nhanh đến Tết để được mặc quần áo mới, được đi chơi, được ăn thịt, ăn bánh, được xếp hàng nhận tiền mừng tuổi của ông bà, bố mẹ.

Hình ảnh ngôi nhà nhỏ thân thương bên khe suối bỗng chốc hiện về trong tâm thức. Miền kí ức của cái Tết xưa ẩn hiện như khói sương dẫn dắt tôi trở về nhà, về với hồi ức đẹp đẽ của thuở niên thiếu bên cha bên mẹ.

Gia đình tôi có 5 chị em, tôi là con thứ 2 trong nhà. Những năm đó, nhà tôi nghèo lắm. Cái cảnh thiếu trước hụt sau, vay ăn chạy nợ luôn thường trực đeo bám. Cha mẹ quanh năm suốt tháng bán mặt cho đất, bán lưng cho trời còm cõi nuôi chị em tôi ăn học.

Dăm ba sào ruộng của miền đất cháy, nắng hạn gió lào đâu đủ ăn đủ mặc. Ngoài làm nông, bố mẹ tôi còn làm thêm đủ nghề để kiếm kế sinh nhai. Khi thì đi rừng hái củi. Rừng thiêng nước độc như nhún nhường trước sự cần mẫn, chịu khó của người làm nông. Bố thường dùng chiếc rựa cùn xé lối rừng mà đi, gai rừng, nhành cây sắc nhọn hằn chi chít lên cánh tay rám nắng. Đôi chân vương đầy vết thương cũ mới do rừng để lại. Lắm lúc bố lại dùng con xe đạp thống nhất cà tàng đi bán dép, bán kem rông. Lầm lũi gió mưa, vất vả làm việc là thế nhưng cuộc sống vẫn cứ khó khăn chồng chất khó khăn. Tết về càng gần, bố mẹ lại càng nhiều nỗi lo toan để có một cái Tết đủ đầy cho con cho cái.

Trong kí ức của tôi ngày ấy, khi không khí Tết đã cận kề mọi ngõ ngách từng nhà. Ba giờ sáng, khi mọi người trong chăn ấm nệm êm. Thì hình ảnh mẹ tôi lại đang lụi cụi ngồi nhóm lửa trong giàn dụa nước mắt. Căn bếp rêu phong hoen ố làm bằng bùn với cỏ rơm như đang ôm ấp vỗ về lấy mẹ. Tôi tỉnh ngủ chạy lại sà vào lòng mẹ hỏi nhỏ: “ Răng mẹ khóc rứa mẹ?”. Mẹ giật mình ngẩng lên nhìn tôi, miệng mỉm cười, tay quệt đi những giọt nước mắt, miệng mẹ thì thào nỉ non “ Khói bếp làm mắt mẹ cay đấy!”. Tôi vô tư cười hì hì ôm lấy mẹ “ Mẹ ra ngoài đi, để con nhóm bếp cho, bố đang chuẩn bị lưới để ra ao kéo cá mẹ ạ”.

Năm nào cũng vậy. Cứ đến Tết nhà tôi thường kéo cá dưới ao sâu để bán kiếm thêm ít tiền sắm tết. Trời mùa đông lạnh cắt da cắt thịt. Mưa thâm gió bấc. Nhưng bố mẹ tôi lại chẳng nề hà. Họ ngâm mình dưới ao sâu, gồng mình trước cái lạnh tê lạnh tái hòng mong kéo được một mẻ đầy cá. Để cái Tết có bánh chưng, thịt lợn, để các con mình có thêm manh áo mới cho bằng bạn bằng bè. Nhưng năm đó, những cơn lũ về đã mang cá nhà tôi ra khơi. Cá còn lại trong ao chẳng còn bao nhiêu con. Kéo vài mẻ mà thấy cá vẫn vời vợi không vào lưới. Ánh mắt đờ đẫn của bố, dáng vẻ khom nom trước từng cơn gió thốc vì lạnh của mẹ đã ám ảnh tôi suốt những năm tháng tha phương lập nghiệp.

Đến bấy giờ, tôi đã hiểu vì sao nước mắt mẹ lúc đó lại rơi? Không phải vì khói làm mắt mẹ cay đâu mẹ nhỉ? Mẹ khóc vì mẹ lo Tết các con không có quần áo mới để mặc, mẹ khóc vì mẹ lo Tết nhà mình thiếu thốn. Tết năm đó, tôi còn nhớ như in. Vì không có đủ tiền sắm Tết. Bố mẹ tôi phải đi vay thêm người ta 500.000đ. 500.000đ lúc bấy giờ là lớn lắm. Bố mẹ tôi mượn được tiền để sắm sửa Tết thì như bớt nỗi lo. Nụ cười trên môi bố mẹ đã tươi hơn lúc trước.

Bố cùng mẹ chở 5 chị em tôi trên hai chiếc xe đạp thống nhất ngày trước đi phiên chợ Tết chiều muộn. Sắm sửa đồ mới cho chúng tôi. 5 chị em có đồ mới để diện Tết thì thích chí cười tít mắt. Không khí Tết quê nhộn nhịp, bố mẹ sắm nào nếp, nào thịt, nào bánh kẹo. Mùa Tết quê tôi ngày ấy đẹp lắm. Tôi gọi đó là mùa yêu thương, mùa đoàn viên. Tôi nhớ cảnh cả nhà cùng ngồi bên bếp lửa rực hồng nghi ngút khói ngủ gà, ngủ gật trông chừng nồi bánh chưng kẻo hết nước. Tôi thích cùng với bố ép cái chả giò thơm ngậy mùi thịt mỡ thơm lừng. Tôi thèm được quây quần bên mâm cơm giao thừa cùng gia đình, vừa mở ti vi nghe lời chúc Tết từ chủ tịch nước vừa cụng ly chúc mừng năm mới. Lúc đó bố sẽ ôn lại những chuyện cũ đã qua, nhắc nhở chúng tôi phải sống tốt đời đẹp đạo, cố gắng từng ngày. Bố mẹ phát tiền mừng tuổi cho từng đứa. Nhận được tiền mừng tuổi, được ăn thịt gà, bánh mật, bánh chưng, bánh kẹo chúng tôi cười giòn tan hạnh phúc. Nhìn thấy chúng tôi như thế bố mẹ cũng bất giác nhìn nhau mỉm cười. Có chăng, hạnh phúc là đây? Tất bật mưu sinh, bão giông dừng lại sau cánh cửa. Gia đình đoàn viên, tình cảm yêu thương trọn vẹn trong không khí Tết, dù nghèo tiền nhưng tình thì đong đầy mãi mãi.

Trưởng thành, đi qua khó khăn, giông bão tôi thật sự thấm thía hai chữ gia đình quá đỗi trân quý trong cuộc sống này. Đời người vô thường, tiền bạc rồi cũng mất đi. Chỉ có tình thân là còn mãi. Chiều Bình Dương mùa này có từng đợt gió bấc thổi về lành lạnh. Đi qua những tháng ngày nơi đất khách, tôi càng trân trọng những tình cảm thiêng liêng, cao quý của tổ ấm gia đình, dù chỉ là một gia đình rất nhỏ nhưng gia đình ấy đã cho tôi nhiều thật nhiều tình thương, tiếp cho tôi thật nhiều sức mạnh để tôi có đủ niềm tin, ý chí và nghị lực bươn chải trên đất khách quê người.

Dừng chân tại căn phòng trọ của mình sau một chiều lang thang trên phố ngày cuối năm. “ Oe, oe oe...” tiếng khóc cu con giật mình tỉnh giấc khi đang ngủ bên bố nó làm tôi lật đật chạy vào. Bế vội cu con lên, áp bầu sữa nóng hổi, ngọt lành cho nhóc con tu ti. Tay còn lại xoa lưng cho nhóc lớn. Nhìn hai con say giấc ngủ chiều muộn, miệng tôi bất giác mỉm cười nghĩ về hành trình trở về quê hương đón Tết, tìm lại vị Tết xưa mà lòng mình luôn đau đáu nhớ về. Vị Tết yêu thương, vị Tết đoàn viên, vị Tết sum họp gia đình. Lời bài hát xuân như vang vọng lên tự đáy lòng:

“ Quà nào bằng gia đình sum họp

Tết nào vui bằng Tết đoàn viên”
 

Đính kèm

  • Nhớ vị Tết xưa- Văn học trẻ.jpg
    Nhớ vị Tết xưa- Văn học trẻ.jpg
    89 KB · Lượt xem: 244
Sửa lần cuối:
827
3
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top