Nhà Nơi nào cho thương nhớ lòng tôi ?

Nhà  Nơi nào cho thương nhớ lòng tôi ?

T.Thảo
T.Thảo
  • Thành Viên 18
Không phải ai cũng lớn lên từ đồng quê với những vụ lúa chín, và không phải ai cũng mến thương cái mùi thơm của những gốc rạ, cọng rơm. Nhưng riêng tôi – một đứa lớn lên từ vùng quê, ký ức tôi khắc sâu biết bao ngày tháng yên bình, những con người chất phác vô tư, những nụ cười tươi giữa đòng đòng những mồ hôi dưới dòng nắng đổ. Và cứ độ tháng năm vừa tới là lòng tôi lại trào dâng bao kỷ niệm thời tấm bé cùng cánh đồng vàng ươm đương hối hả mùa gặt.

Tháng năm về, nắng gió lê thê, làm chao nghiêng cánh chim trời tít tắp, làm ngập nghừng nỗi nhớ mênh mang. Tháng của những con nắng dữ dội như thác đổ, những cơn mưa bất chợt chẳng hề báo trước, làm cho lúa khổ đủ đường. Tuy vậy, cái nắng, cái mưa chưa bao giờ làm vơi đi niềm vui trên khuôn mặt của người dân bao đời chân chất.

Tôi về thăm quê khi đang vào mùa gặt. Đó là một buổi sáng sớm còn lờ mờ ánh đêm, hơi gió mát lành đánh động những hạt sương long lanh còn sót lại đâu đó trên những phiến lá xanh mượt. Xe tôi bon bon qua những cánh đồng, lướt nhanh mà thật lặng lẽ, khẽ khàng tựa như một sợi mây hồng trên vòm trời xanh thẳm. Ấy thế mà trong khoảnh khắc thôi, lòng lại run run với bao cảm xúc ngổn ngang mà ngay đến cả bản thân mình chưa rõ. Không hiểu sao tôi lại yêu mảnh đất này đến thế! Chẳng hiểu sao tôi lại xao xuyến những mùi hương, những cảnh vật, con người, giọng nói. Chẳng hiểu sao một cánh hoa dại ven đường cũng đẹp, cũng làm cho hồn bồi hồi, vương vấn.

Vào vụ gặt quê tôi vẫn vậy nhỉ? Những bạt vàng trải khắp vùng quê, cong mình nâng đỡ những hạt ngọc trĩu nặng. Lúa ôm ấp nhau theo gió chạy mãi đến phương trời nào xa tít, rì rào như đang reo vui một vụ mùa bội thu. Vẫn thấy các bác, các cô, các mẹ đến từ rất sớm nhưng chẳng còn rộn rã như xưa nữa. Không còn thấy những thiếu nữ đôi mươi tay hái, tay liềm, không còn tháy những trai tráng gánh giồng những quang đầy lúa. Sẽ ít thấy những giọt mồ hôi bởi cái nắng như thiêu, má đỏ hây hây mà tay vẫn thoăn thoắt, miệng nói cười vui tươi. Bên cạnh con người lao động không biết mệt mỏi là những vịt gà cũng hòa âm inh ỏi, những chim chóc cũng bay tới góp phần – vươn mỏ gắp những hạt rơi vãi, có chú trâu lười biếng nằm lắc lư cái đuôi lim dim đôi mắt ngoài đê... Bây giờ tất cả đã thay bằng máy đập liên hợp, máy tuốt, nhờ máy móc hiện đại mà bà con cũng đỡ vất vả hơn nhiều. Và dù âm thanh của máy có lớn đến đâu, tai tôi vẫn nghe rất rõ tiếng nói, tiếng cười, lời tạ ơn của những người dân đáng quý ấy. Ồn ào thật đấy! Nhưng cái ồn ào mà yên ả này biết kiếm đâu? Bụi bặm thật đấy! Nhưng cái mùi hương ấy làm sao có thể tìm ở một nơi nào khác? Riêng chỉ có quê hương là thế.


5637



Mà lạ thật đấy! Ngày xưa tôi không hay theo mẹ ra gặt lúa đâu. Bởi tôi sợ nóng, sợ đen, sợ cả đỉa nữa. Vậy mà nay tôi cứ đi mòn cả gót trên sải đường con con để được thơm một cái nắng hay một con mưa, để lấm lem chút bùn đen cho đầy lên thương nhớ. Đúng là khi xa quê, dù cuộc sông có bề bộn đến bao nhiêu, thời gian có phũ phàng xóa đi mọi thứ, dù có mạnh mẽ, dũng cảm đến nhường nào thì khi xa quê vẫn nhớ, khi về vẫn thương, vẫn phải mềm lòng. Rồi bất giác lại rưng rưng, lại thêm yêu một điều gì đó rất quan trọng luôn cất dấu trong trái tim máu đỏ. Tôi ngồi tựa mình vào gốc đa già, hít một hơi thật dài, nhắm mắt và trở về ngày xửa ngày xưa...

Tuổi thơ tôi thật hồn nhiên và trong trẻo, được nuôi dưỡng bằng cả bầu trời đong đầy tình yêu thương của mẹ, của quê. Tuổi thơ tôi là những tháng nắng mưa không vướng bận, không buồn, không nuối tiếc. Là những hè nằm dài trên bãi cỏ khô nheo mắt nhìn trời xanh chưa từng vướng bụi, đưa tay với đám mây đi lạc nào đó, bắt nó về đựng vào ngăn tủ trái tim. Những cánh bướm phượng hồng bay bay trong gió nhuộm đỏ cả một góc trời, bay trong khúc đồng giao của bọn ve kêu hoài không biết chán. Sải cánh tay chạy tung tăng đi “phá” lúa, “phá” rau, nhảy vào hồn quê cảm nhận giọng nói thân thương của đất mẹ. Rồi những đêm một mình nhưng chẳng hề cô đơn, đu đưa trền chiếc võng vắt vẻo trước nhà, mơ về những ngôi sao lấp lanh trên cao và chìm vào câu chuyện cổ tích. Tuổi thơ tôi là những trò chơi thôn dã như ô ăn quan, nhảy lò cò, bịt mắt bắt dê, trốn tìm... với đám “anh em chí cốt“ . Là những cánh diều xanh xanh đỏ đỏ lượn vòng hoàng hôn, đám mục đồng ngồi thơ thẩn nghe sao vi vu, mặc cho đàn trâu thong thả nhai cỏ non, rồi chờ đợi một cô tiên bay xuống từ trời. Chiều tím cay cay trong làn khói bếp nhà ai, tiếng bà gọi về ăn bữa cơm muộn. Là dối gian đầu đời đi chơi, đi bắt chuồn chuồn, tắm sông bị mẹ bắt được đánh đít. Là những vết thương tứa máu khóc ầm ĩ rồi cũng quên mau. Khoảng trời ấy thật bình yên, trong trẻo, chưa hề có bão giông, chưa hề phải bận lòng, đau đớn. Vùng đất thần tiên ấy có khóc, có cười, có tủi hờn, giận dỗi, êm đềm mà đầy hãnh diện. Yêu lắm, yêu quá để giờ nhớ lại chợt thấy sao mà hạnh phúc, xốn xang!


5638



Chà! Cũng muộn rồi nhỉ, tôi phải về cho kịp chuyến tàu ngang. Tồi ngồi dậy, phủi áo và chạy trên con xe của mình. Ánh chiều đỏ phủ lên thôn quê một màu đổi mới nhưng vẫn đầy kỷ niệm. Tôi xa dần cái nắng như thiêu, xa dần cái mùi thơm thơm của lúa quyện với hương ổi man mác, xa dần những ngõ óng vàng màu lúa thóc, những nụ cười đong đầy thương mến và những con người đôn hậu chân phương. Ngay lúc này đây, tôi chỉ kịp để lại một cái nhìn rất khẽ và gửi lại đây một tâm hồn chất chứa bao hoài niệm. Trong thứ ánh sáng cuối cùng của quê hương, tôi nhìn thấy bóng hình một người phụ nữ lam lũ cả đời đầy chai sạn, cùng một người đàn ông gầy gò, hiền hậu đứng vẫy tay tiễn biệt, miệng cười mà nước mắt cứ chực trào ra. Trong sâu thẳm đôi mắt long lanh ấy, tôi nhận ra chút gì luyến lưu, tiếc nuối, tự hào, chút niềm tin, mong đợi. Trong giây phút ấy, tôi chợt bồi hồi nhớ đến đôi dòng thơ:

Khách xa gặp lúc mùa xuân chín
Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng
- “Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông trắng nắng chang chang? “
( Mùa xuân chín – Hàn Mặc Tử )

Nhớ lời bố dạy: “Chim cỏ tổ, người có tông. Như cây có cội, như sông có nguồn“. Dù có tha phương đến đâu, đất khách quê người đi chăng nữa cũng phải luôn nhớ tới quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn thì mới có thể “Lớn nổi thành người“. Vâng, con nhớ rồi, người thiếu nữ năm xưa hãy còn gánh thóc, người cha hãy còn thông thái, sâu sắc như ngày ngày nào. Này quê hương, ta chào người, ta đi đây!

Ruộng lúa bạt ngàn sẽ mau chóng gặt xong, nước chảy, nước cạn, nước cũng về biển lớn, mái tóc mẹ cha cũng trắng bạc gió sương, vậy trên đường đời tấp nập, con người có đổi thay chăng? Phải, ai rồi cũng khác, tôi khác, khác nhiều lắm! Vậy sẽ có một ngày tiếng “quê hương” thân yêu chẳng còn ở một góc bình yên nơi ngõ hồn? Ừm... có lẽ không đâu, dòng sữa quê hương luôn ấm lòng những “đứa trẻ” xa xứ, nơi trở về sau những thương tổn, mệt ngoài sẽ luôn đầy ắp tình yêu và kỷ niệm, mãi làm hồn ta xao xuyến, rạo rực, bâng khuâng!

Ôi! Liệu có nơi nào bình yên hơn quê hương nữa!
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
tro ve
  • Like
Reactions: Thiện Đức
611
1
2
Trả lời
Sau khi đọc bài viết của bạn thì một số hoài niệm về thời ấu thơ của mình cũng chợt ùa về. Tác phẩm mang màu sắc gợi tả về nơi miền quê yêu dấu khá tương đồng với quê hương của mình. Sức gợi tình trong từng câu chữ cũng đáng trân trọng. Sẽ càng tuyệt vời hơn nếu bạn có thể xem lại cách thức đặt dấu câu trong đánh máy và điều chỉnh một số lỗi chính tả (có thể do đánh vội). Chúc bạn ngày càng hoàn thiện vốn văn chương của mình nhé!
 
  • Like
Reactions: T.Thảo
Sau khi đọc bài viết của bạn thì một số hoài niệm về thời ấu thơ của mình cũng chợt ùa về. Tác phẩm mang màu sắc gợi tả về nơi miền quê yêu dấu khá tương đồng với quê hương của mình. Sức gợi tình trong từng câu chữ cũng đáng trân trọng. Sẽ càng tuyệt vời hơn nếu bạn có thể xem lại cách thức đặt dấu câu trong đánh máy và điều chỉnh một số lỗi chính tả (có thể do đánh vội). Chúc bạn ngày càng hoàn thiện vốn văn chương của mình nhé!
Thiện Đứccảm ơn bạn nha =))
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.