Dự thi Nước Mắt Của Mùa Đông

Dự thi  Nước Mắt Của Mùa Đông

“Mẹ mày bị người ta đánh chết rồi.”



Năm đó, mùa đông ở cái làng này rét hơn hẳn. Cái cây cổ thụ to lớn cùng dàn cây tre ở đầu làng trông xơ xác, tiền tụy thấy rõ. Đã không biết bao giờ, người dân trong làng dần quen thuộc với hình ảnh của bà mụ béo tay xách nách mang bên mình tận chín đứa con. Đứa lớn nhất chắc cũng tầm mười lăm mười bảy, đứa nhỏ nhất hãy còn bế trên tay. Ngày mà bọn chúng tới làng, lúc nào cũng thấy chúng lẽo đẽo theo sau mẹ nó đi xin cái ăn, cái mặc trông cực khổ vô cùng. Những tưởng bọn chúng chỉ ở lại cái làng nghèo nàn này vài ba tháng nhưng đến tận giờ thì cũng được mấy năm rồi.

Cái ngày mà mười mẹ con họ tới, người trong làng bắt đầu túm tụm lại bàn tán dữ lắm. Nào là sinh nhiều thế rồi của cải, tiền bạc đâu mà nuôi cho đủ. Nào là con thì nhiều mà cha nó thì chẳng thấy, phải rồi cái vấn đề lớn nhất đây là cha tụi nhóc đâu mất. Mẹ con họ tới làng lúc nào cũng lầm lầm lì lì cố xin từng miếng ăn, miếng mặc mặc kệ người trong làng bàn tán vào ra.

Cứ đến tối, lúc thì mẹ con chúng chui rúc bên cái sạp cũ kĩ của người bán hàng mà ngủ nhờ một đêm, lúc thì trú tại căn nhà hoang xập xệ, dơ bẩn trông sắp xập đến nơi, lại có lúc bọn chúng mệt quá mà thiếp đi ngay bên vệ đường. Thấy thương cũng vừa thấy tội, người dân đã cố gắng làm cho mười mẹ con chúng một cái chòi ở cuối làng gần nhà mẹ con chị Xíu có gì mà hay.

Chị Xíu nổi tiếng trong làng với vẻ tốt bụng và hơn cả là lòng thương người nên ai hoạn nạn, khó khăn đều tới nhờ chị. Dù là vậy, chị cũng chỉ có thể giúp đỡ được vài bát gạo hay vài đồng xu lẻ nhỏ nhặt vì gia đình chị cũng không khá khẩm hơn là bao nhiêu với căn nhà nhỏ cũ nát, xám đục giăng từng màng nhện, ổ chuột ở khắp nơi. Khi biết nhà mẹ con họ sang ở gần nhà mình, chị cũng vui vẻ ra chào hỏi.

- Mẹ con chị Tru đấy à? Vậy là từ nay chúng ta là hàng xóm rồi, có gì bất tiện chị đừng ngại cứ hỏi tôi nhé.

- K... kệ... tụi... ta... tao.

- Mẹ à!

Chị Xíu hơi bất ngờ với lời nói của mẹ Tru, ngẫm nghĩ một hồi mới hóa ra rằng bà ấy bị cái tật cà lăm.

- Con xin lỗi cô, mẹ con có hơi không được bình thường nên mong cô bỏ qua ạ.

- Ừ... ừ không sao đâu.

Con bé Hoài là đứa con cả của gia đình đông con này, nó năm nay cũng đã lớn tướng rồi. Ở cái tuổi thiếu nữ này đáng lẽ nó phải cao lớn khỏe mạnh lắm, nhưng thay vào đó là bộ dạng gầy guộc, trơ xương như bị bỏ đói mấy năm. Nói mấy năm thì là nói quá, nhưng có khi cả tháng chúng nó mới ăn vài ba bữa là thật.

- Mẹ à. Người ta là đang giúp đỡ mình, mình nói như thế thì họ sẽ không giúp mình nữa đâu.

- Làm sa... sao biết đu... được... ai là... là người tốt... ch... chứ?

- Nếu họ không phải người tốt thì họ đã không dựng cái chòi nhỏ này cho mình rồi mẹ à.

- M... mẹ biết rồi.

Cái chòi mà người dân đã dựng cho bọn họ nói là cái chòi cho sang chứ nó không khác gì một cái chuồng chó. Chín con người như là chó mẹ và đàn chó con cố lúc nhúc trong một nơi chật hẹp đến cả thở cũng khó khăn thì làm sao mà sinh hoạt đây. Quanh chòi lại toàn là cỏ cây xơ xác và những đống rác thải tràn lan bị người ta vứt bỏ trên đường. Hướng về bên phải cách căn chòi một đường không xa, nhìn kĩ thì sẽ thấy ngôi nhà của mẹ con chị Xíu ở đó, trông tàn tạ đến mức thảm thương. Bề ngoài thì có vẻ u tối như thế, nhưng bên trong lại là những con người mang yêu thương phân phát cho người dân nơi đây.



1640872198102.png

Ảnh: Tiengtrunghsk

Đến giờ thì gia đình đông con ấy cũng đã sống tại ngôi làng này được ba năm, chẳng một ai biết chính xác gia đình họ đến từ đâu và vì sao lại chuyển đến đây. Lâu lâu cũng chỉ nghe được những lời đồn đoán phong phanh rằng họ không có nhà cửa, cứ ở tại chỗ nào đó mấy năm rồi lại chuyển đi nơi khác kiếm cái sống. Bọn họ bật cười trước lời kể của cái Hoài, vì chả ai lại dùng từ sống đi đôi với từ cái bao giờ, họ là dùng sự sống để nói về cuộc sống của mình.

Con Hoài nó đờ đẫn khi nghe được những lời nói đó, phải, nó biết chứ. Sẽ chẳng có một con người nào lại ví cuộc sống quý báu này của mình bằng từ “cái” cả, chúng thật là rẻ rúng. Mũi nó cay xéo lên, hàng mí mắt bên dưới đang cố ngăn lại cho nước mắt của nó không trào ra, trong mắt nó hiện tầng sương mù đục hẳn cả lên. Nó là đang cố kiềm lại nổi giận, nổi đau khổ mà nhà nó phải trải qua để rồi nó chỉ còn nhìn thấy cuộc sống này qua chữ “cái”. Cuộc sống này quý giá biết bao và khi đứng trước từ “cái” trông nó thật nhỏ bé, thật mỉa mai, tầm thường. Nó là đau lòng trước số phận và hoàn cảnh của gia đình mình...

Ngoài trời cũng đang trong giữa mùa đông, gió mùa Đông Bắc cứ từng cơn rồi từng cơn lần lượt kéo đến không ngớt. Lạnh đến độ cắt da cắt thịt, lạnh đến độ thịt của mấy đứa nhóc thâm tím lên như da trâu, thịt thối để lâu ngày trông như sắp chết đến nơi. Điều đó khá bình thường khi chúng nó còn rất nhỏ và da thịt lại càng mỏng manh làm sao có thể chịu đựng được cơn rét này. Mẹ Tru cứ loay hoay ôm những đứa còn nhỏ vào lòng để sưởi ấm, làm giảm bớt đi cái nhiệt độ băng giá ngoài trời rồi dùng những lời ru thật “tai hại” ru chúng ngủ. Dù vậy thì cũng không khá khẩm hơn là bao.

Tối một hôm, cái Hoài trằn trọc mãi không ngủ được, một phần cũng là do cái lạnh và một phần cũng là do nó đau buồn nên không thể ngủ được. Nó nhổm dậy, lấy tay kéo cái chăn rách rưới, mỏng manh đắp lên người mẹ và mấy đứa em xong rồi với lấy cái áo khoác cũ mặc lên người và rời khỏi đó.

Trong đêm, nó một mình đi quanh khắp ngôi làng nghèo nàn này, đây là làng Vân Thị - một trong những ngôi làng nghèo của nơi đây. Dù là “ngôi làng nghèo” vẫn có người dân sinh sống ở đây, không quá ít nhưng cũng không quá nhiều. Cả ngôi làng dù sáng hay tối cũng đều bao trùm bởi một không gian ảm đạm, tĩnh mịch đến đượm buồn. Riêng ở nhà ông Phú hộ Trần lại mang một màu sắc giàu có đến lóa cả mắt.

Cái Hoài đi được chừng nửa đường, nó dừng lại chú ý đến cái cửa hàng bán nước của bác Cầm đang phát sáng với những ánh đèn yếu ớt trong đêm tối. Bác Cầm ngoài bán nước ra còn bán thêm cả phở nữa, chúng được xem là những món ăn vô cùng xa xỉ tại nơi đây. Đang dọn hàng bán thì bác bất chợt phát hiện ra nó, với tay gọi nó vào bên trong, không phải là thương tình cho nó cũng không phải là đãi nó ăn hay uống cái gì. Mà bởi vì muốn gọi nó mà thôi.

- Giờ này mà không ngủ còn đi lang thang ngoài đường làm cái gì?

- Con không ngủ được, tâm trạng hơi rối bời nên muốn ra ngoài dạo bước cho thoải mái mà thôi.

- Có đói không? Làm một bát chứ?

- Haha... Bác đừng dụ con, con không có tiền mà trả cho bác đâu.

Bác Cầm là chủ cửa hàng nơi đây, bác có lẽ là mở cửa hàng này chỉ dành cho nhà ông Phú hộ mà thôi. Cái làng này đã nghèo, ai ai cũng chỉ có cho mình một căn nhà mục nát và những thửa ruộng heo hốc vào mùa đông chẳng trồng chọt được gì. Đến cả những dân thường còn không thể ăn nổi thì một đứa cả chữ thường hơn cả dân thường như nó có mơ cũng chẳng dám cầm một bát phở nóng hổi trên tay. Nó quả là một món ăn vô cùng xa xỉ. Nó cười trừ, rồi ngoảnh mặt đi nhìn phía xa xăm trong đêm tối mù, gió lạnh thổi mạnh vào người nó, rùng mình mà co rúm người lại trông thảm thương thật. Một lúc lâu thì trời cũng đã tờ mờ gần sáng, tiếng gà lúc thì the thé, lúc thì inh ỏi đua nhau mà gáy phá tan cả màn đêm tĩnh lặng.

- Không định về sao? Trời càng gần sáng lại càng lạnh đấy, đừng để bị cảm.

Đúng là trời lại bắt đầu lạnh thêm rồi, tầng sương mù bắt đầu xuất hiện giăng hết tầm nhìn của con người nơi đây. Nó nên trở về nhà, cứ ở mãi chỗ này cũng thật nhàm chán và không để làm việc gì. Nó chào tạm biệt bác Cầm rồi cất bước, những tiếng bước chân của nó trên đôi dép lào xỏ ngón rách tươm trông thật nặng nề, như ai đó đang cố kéo nó xuống tận đáy vực của bùn sâu. Vẻ mặt nó mang một nỗi buồn cá rằng không ai thể hiểu được. Những cơn gió Đông như chủ ý coi nó là kẻ thù cứ lần lượt phả vào mặt nó những luồng gió lạnh đến thấu xương, đến thấu tận tâm can của đứa trẻ chịu đựng trước số phận nghèo khổ đến cùng cực của mình.

Nó đang đi, thì gặp bà cụ Móm.

- Cái Hoài đấy à? làm cái gì mà lại đi một mình giữa trời lạnh thế này?

- Dạ chào cụ, cháu đang trên đường về nhà đây, hôm nay đúng là lạnh hơn mọi ngày cụ nhỉ.

- Con không lạnh sao? Ta mặc cả đống lớp áo đấy.

Hoài lắc đầu.

- Được rồi, tấp vô đây chúng ta ngồi nghỉ một xíu, chắc con lạnh lắm rồi.

Con Hoài không nói gì, đi với bà cụ đến bên vệ đường tìm chỗ sạch sẽ một chút rồi ngồi lại ở đó. Nó giương mắt nhìn bà trông hoài nghi lắm. Bà cụ Móm loay hoay trong giỏ hàng lấy ra một bó xôi nóng hổi đưa cho nó rồi cất tiếng:

- Cháu ăn đi, chắc từ hôm qua tới giờ không ăn được thứ gì phải không?

Hoài hơi bất ngờ trước hành động của cụ, vẫn như mọi lần nó sẽ xua tay từ chối sự giúp đỡ của người khác. Bà cụ lại cười hiền xoa đầu nhìn nó

- Đừng ngại gì mà ăn đi, lá xôi này chỉ có xôi không, ta cũng không giàu có gì mà bỏ thêm thức ăn vào những bó xôi trong này. Nếu cháu không ăn, ta bán không hết rồi cũng vứt thì thật uổng phí.

Cụ Móm là người chịu khó nhất trong làng, cho dù trời có mưa hay nắng, thời tiết có xấu hay tốt thì bà cụ vẫn chăm chỉ ngủ muộn dậy sớm để nấu những lá “xôi không” bán cho người dân nơi đây. Bó xôi của cụ đặc biệt với lớp quấn bên ngoài là những miếng lá chuối dày hơi ngả màu xanh đục vì hơi nóng bốc lên từ những miếng xôi nóng hổi. Xôi của cụ đúng nghĩa với chỉ có lá và xôi, lâu lâu được bữa thì cụ cũng cho thêm vài củ lạc nhỏ xíu vào và ngoài ra bó xôi của cụ không còn gì cả. Cụ nấu, cụ bán thì là thế còn ai mua hay không thì cụ cũng không để tâm cho lắm. Có ngày, cụ còn chẳng bán được gói xôi nào đành đưa cho bọn trẻ nghèo trong làng để chúng ăn.

Cái Hoài nghe vậy cũng an lòng nhận lấy bó xôi từ cụ Móm, nó cầm bó xôi chắc trên tay và không có ý định ăn nó.

- Sao thế kia? Chê xôi ta ăn không có gì nên không ngon sao?

- Dạ không, cháu không đói cho lắm, cháu mang về cho mẹ và các em.

Cụ Móm nhận ra điều gì đó, liền lục lọi trong cái gánh xôi của mình lấy ra thêm hai bó xôi dúi vào tay con Hoài. Con Hoài chưa kịp ú ớ mấy câu, cụ bà liền đứng dậy nở một nụ cười cho nó rồi nhanh chóng bưng cả gánh xôi cùng mình rời khỏi nơi đây. Con Hoài là hiểu cụ đang nghĩ gì nên cũng không nói nhiều, đôi mắt nhìn chằm chằm vào ba bó xôi mà một bó thì sắp bị cái lạnh mà làm cho đông cứng lên rồi. Cũng đã tờ mờ sáng, nó không muốn ở lì đó nữa, nhanh chân chạy mau về nhà đưa thức ăn cho mẹ mình và bọn trẻ.

- Mẹ ơi, mẹ đói lắm rồi đúng không? Con có mấy bó xôi ở đây, mẹ ăn đi cho đỡ đói.

Mẹ Tru nghe thấy, liền nhìn ngay trên tay đang cầm mấy bó xôi của nó, trông mụ mừng rỡ lắm nhưng rồi cũng nhanh chóng mà hoài nghi nó lấy những thứ này đâu ra. Miệng mẹ Tru giật giật phát ra lời nói lắp ba lắp bắp ai nghe cũng thật muốn phát bực.

- Co... con lấy... lấy... nhữn...những thứ này... đâ... đâu ra?

- Là bà cụ Móm cho con đấy mẹ, đừng lo, chỉ có xôi thôi ngoài ra không có gì hết, mẹ mau ăn đi.

Con Hoài vừa nói dứt lời thì mẹ Tru đã giật ngay một bó xôi trên tay nó, mụ nhanh tay bóc từng mảnh lá ra để nhanh chóng ăn cái phần bên trong. Trông mẹ mình ăn ngon như vậy, nó cũng không lo nữa rồi quay sang đưa hai bó xôi còn lại cho bọn trẻ. Chúng hớt ha hớt hải nhận lấy nhưng vẫn không quên lời cảm ơn chị rồi chia nhau ra mà ăn. Thế còn Hoài? Nó sẽ ăn cái gì đây?

- Chị Hoài, chị không còn đồ ăn ạ?

Hoài nhìn sang, tay xoa đầu nhìn con nhóc Thi đang lấm lem mấy miếng sôi bên mép miệng, trông vừa đáng yêu vừa mắc cười lại vừa đáng thương đến chạnh lòng.

- Chị không đói, các em và mẹ cứ ăn đi kẻo lạnh hết bây giờ.

- Mẹ... mẹ kh... không ăn... nổi... nư... nữa. Con lấy... lấy... phầ... phần của... mẹ mà... ăn.

- Mẹ còn chưa ăn được một nửa kia mà, mẹ ăn hết đi mới có sức mà đi làm chứ.

- Không... không, mẹ ăn... no... no rồi. Mẹ đi... đi làm đây, kẻ... kẻo người... người ta lạ... lại chửi. Co... con ăn hết rồ... rồi trông... em giùm mẹ nhé.

Nói xong thì mẹ nó cũng đi làm mất, chắc cũng phải thắc mắc rằng ai lại đi mướn mụ Tru làm việc cho mình chứ. Còn ai khác ngoài nhà của ông Phú hộ Trần trong ngôi làng này, bọn dân thường thì có cái gì, lấy cái gì mà mướn người khác làm việc cho mình. Trong chòi, Hoài nhìn miếng xôi mà mẹ nó để lại, trong lòng ứa nghẹn một cảm xúc khó tả, dù mẹ nó có cà lăm hay đầu óc không được bình thường thì nó cũng thương mẹ nó lắm. Hoài biết rằng mẹ Tru không muốn ăn hết mà để lại cho nó một phần vì nó đã ăn cái gì đâu, nó là đang cố kìm cự cơn đói để bọn trẻ và mẹ ăn được thoải mái nhất. Lòng nó quặn thắt, tay nó run run cố gắng đưa từng miếng xôi thừa của mẹ nó lên mà ăn. Xôi chắc hẳn đã không còn ấm nữa, nó lạnh tanh, cứng ngắc như cái thời tiết mùa đông ở nơi đây. Thay vào đó, nó lại cảm nhận được tình thương ấm áp nhất mà mẹ nó dành cho nó, nó nghẹn lại.

Tận mãi đến trưa vẫn chưa thấy mẹ bọn trẻ về, vì canh đúng giờ này thì mẹ Tru đã trên đường về và cầm thêm một ít thức ăn từ nơi mẹ làm việc đem cho bọn trẻ. Cái Hoài hơi lo, vẫn cố trông đợi mẹ nó một lát những vẫn thế. Chờ mãi lại sốt ruột, Hoài đứng dậy định đi tìm mẹ nó thì ở đâu có một bàn tay nắm lấy vạt áo nó kéo lại.

- Chị Hoài ơi, chị định đi tìm mẹ sao? Cho tụi em theo với.

- Không được đâu, đông như thế sẽ làm phiền xóm làng đó.

Hoài an ủi các em của mình rồi dặn dò thằng Phi ở nhà trông em cho cẩn thận. Thằng Phi là đứa em sinh ra ngay sau con Hoài, cũng trạc tuổi nó nên trông khá chín chắn, có vẻ sẽ làm được việc. Nó cũng nghe lời chị mình mà nhẹ nhàng giải thích cho các em nhưng con bé Thi vẫn cứ cứng đầu bám dính theo chị Hoài. Cũng không còn cách nào, nên chị đành dẫn bé Thi đi theo mình.

- Này hai đứa, trưa nắng mà đi đâu?

- Dạ chúng con đi tìm mẹ, mãi mà vẫn chưa thấy bà ấy trở về.

- À, bà ấy làm việc cho bà Phú hộ trong làng, hai đứa thử đến đó hỏi xem có mẹ ở đó không.

Chị Xíu vừa ra đồng trở về, thời tiết đang là mùa đông nên đất đai cằn cỗi, cứng hết cả lên. Nhưng chị cũng chịu khó ra đó cày bừa cho mùa năm sau thuận lợi thêm tý, người chị lấm lem chảy đầy mồ hôi, cái áo bà ba nâu vì dầm mưa dãi nắng của chị mà sần sùi, bạc màu hết cả.

Chị em con Hoài cảm ơn chị Xíu rồi nhanh chóng tìm đường đi đến trước nhà của ông Phú hộ Trần. Cái cổng nhà họ to lắm, lại cao nữa, chắc có lẽ bọn họ mới sơn sửa lại nên trông chúng bóng loáng và mới toanh. Trên cổng khắc lên những chú rồng tinh xảo, dù nhỏ nhưng được khắc rất tỉ mỉ, trông thật đắt tiền. Hai bên là tường được xây cao và chắn hết mọi lối chỉ duy nhất có hai lối vào là cổng chính và lối đi sau cho bọn làm thuê làm mướn. Căn nhà họ trải dài khắp khu đất này, đằng sân sau là chỗ cho bọn gia nhân làm việc, bên ngoài đã thấy tráng lệ như thế, không biết bên trong sẽ còn hút hồn thế nào nữa.

Chị em chúng kêu to, kêu thật lâu, kêu khản cả cổ nhưng vẫn không thấy ai ra ngoài. Mãi một lúc sau, một bà già dáng trông nhỏ bé, chắc chắn tay cầm cái cán chổi nặng nề đi ra mở cổng; vẻ mặt bà ta nhăn nhó, hằn học khó coi lắm. Bà ta quát:

- Chúng mày là ai? Trưa nắng trưa nôi không để người ta nghỉ ngơi mà đứng đây kêu la cái gì? Có tin bà cho chúng mày một chổi là què chân luôn không?

- Dạ... dạ, bà cho con hỏi mẹ con còn làm việc ở đây không ạ?

- Mẹ mày là đứa nào? Mẹ mày là đứa trời đánh nào mà mày ở đây làm phiền bà?

Con Thi hơi nhăn mặt, bà ta có thể chửi, có thể mắng bọn nó. Nhưng tuyệt đối nó sẽ không để ai xúc phạm đến mẹ nó.

- Dạ là mẹ Tru, cả buổi trưa không thấy bà ấy về nên bọn con đến tìm ạ.

- Á à, là con mụ béo nói giọng cà lăm cà lắp đấy đấy à? Nó chưa làm hết việc cho buổi hôm nay nên tao bắt nó ở lại, biết rồi thì quay về cái chuồng chó của tụi mày đi.

Mặt mày con Thi hơi trầm xuống, nó đi lại nắm lấy cây chổi của bà ta đang cầm giật thật mạnh về phía nó. Vì mất đà và bất ngờ mà ba ta chúi ngã cả về phía trước.

- Ôi trời ơi, bớ làng nước ơi, bọn trẻ con này nó thấy tôi già cả nó đánh tôi, nó thấy tôi hiền mà nó bắt nạt tôi này làng nước ơi.

- Em làm cái gì vậy? - Hoài trợn mắt, chị hoảng sợ nắm lấy tay con Thi rồi kéo nó chạy mất, vừa chạy lại vừa hỏi.

- Bà ta xúc phạm mẹ mình, chị không thấy tức giận sao? Nghe cách bà ta nói em cũng đủ biết rằng cái miệng đỏ ăn trầu của bả thối đến mức nào.

- Làm sao mà không tức cho được, chị biết là em giận nhưng đó là người của nhà Phú hộ. Chúng ta đụng đến khó lòng mà sống yên ổn với họ đó.

- Em không quan tâm...

Chạy được một khoảng xa, bọn chúng cũng dừng lại thở gấp lắm.

- Em không được làm như thế nữa, chúng ta thì không sao nhưng mẹ làm việc ở đó sẽ rất khó khăn đó, em hiểu không?

- Em biết rồi, em xin lỗi. - Thi gục mặt xuống tránh ánh mắt của chị, nó cũng là quá kích động mà lại làm ra việc không hay.

- Em biết lỗi là được rồi, giờ thì chúng ta về thôi.

- Chị ơi, em đói quá.

Hoài quên mất, bọn chúng là đi tìm mẹ về để lấy cái mà ăn. Nhưng mẹ không về thì đồ ăn đâu mà lót dạ kia chứ?

- Thôi em ráng chờ mẹ về rồi chúng ta có đồ ăn nhé. Chị cũng không biết kiếm ở đâu ra nữa.

Chị em nó với vẻ mặt buồn bã trở về nhà, nghĩ lại một bữa đói nữa rồi. Tụi nó cũng đã quen với chuyện này vì trước đây có mấy khi được ăn đủ bữa đâu. Bước vô sân, nó ngửi được một mùi thơm phảng phất bay ra từ căn chòi đó của mình.

- Chị Hoài và Thi về rồi đấy à? Mẹ đâu rồi?

- Mẹ còn làm việc chưa thể về được, em đang làm gì vậy?

- Em hâm lại nồi cá kho cho chị và cái Thi ăn, hồi nãy chị Xíu mang sang cho tụi em, em cho bọn trẻ ăn và chúng đi ngủ rồi chị ạ.

Thằng Phi hâm xong nồi cá kho rồi mang cùng hai chén cơm ít ra cho hai người. Nói là nồi cá kho cho sang chứ thật ra trong nồi chỉ có nước kho, vài miếng hành xơ xác, may mắn cũng được một miếng thịt chả bỏ miệng còn mắc lại trên xương cá. Không sao, đây có thể coi là bữa ăn sang nhất của chúng nó rồi, đã bao tháng chúng nó chưa được ăn một bữa như này. Cứ vậy mà đã xong cái buổi trưa mệt nhoài ấy.

Đến chiều trời lại trở gió to, chín đứa trẻ ở trong chòi co rúm lại chịu cái lạnh giá buốt của mùa đông. Cũng đã mấy ngày rồi bọn chúng không tắm, không phải là chúng nó không muốn tắm mà là không đủ nước để tắm. Mười con người chỉ cần dùng nước tắm thôi cũng đã hơn một bữa ăn của họ rồi, vả lại mùa đông này không làm gì chảy mồ hôi thì tắm làm gì cho phí nước. Bọn chúng nói vậy rồi cười híp cả mắt với nhau trông vui lắm.

Chín đứa trẻ ra ngồi trên một băng ghế gỗ người ta để ở đây đã lâu, nó lung lay, chấm lỗ đầy trên mặt ghế bởi những con nhọt tham lam kia. Cái ghế ẩm mốc, bốc lên một mùi tanh tưởi khó chịu; dù vậy, bọn chúng cũng không để tâm cho lắm vẫn ngồi trên đó cười đùa cùng hướng mắt mong chờ mẹ về.

- Hahaha tụi bây nhìn kìa, mẹ tao bảo là chúng nó có một người mẹ không được bình thường, tội nghiệp ghê.

Chúng nó ngồi trên ghế nhìn bọn trẻ ở làng vừa chơi đùa vừa giỡn cợt về chuyện của nhà nó, bé Thi tức giận định đứng dậy muốn tẩn cho chúng nó một trận thì thằng Phi nắm tay nó ngăn lại. Thằng Phi ngẩng mặt nhìn chúng nó rồi cười.

- Vậy tụi mày nên xem lại mẹ mày là người như thế nào khi lại đẻ ra những đứa con tật nguyền tính nết, nhân cách như thế.

- Mày... mày nói cái gì cơ? Mày muốn bị đánh cho bầm dập đúng không?

- Nói cho mày nghe, người thông minh sẽ không dùng vũ lực để giải quyết vấn đề, người ta dùng lời nói và cách đối xử để thể hiện sự cao quý của mình. Đồ ngu.

- Nó... nó nói cái gì vậy? Mẹ tao bảo không được lại gần bọn nó, đi thôi tụi bây.

Bọn trẻ kia sau khi kiếm chuyện xong thì bỏ đi hết, thằng Phi cười lớn rồi lại quay sang chơi đùa với các em của mình. Cái Hoài nhìn nó một lúc rồi bảo:

- Em rất thông minh đó, Phi.

- Hửm? Chị nói gì vậy? Em thông minh gì đâu.

- Phải chi em được đi học thì có lẽ sẽ có tương lai sáng hơn rồi.

- Em nói bao lần rồi, em không cần đi học. Nhà mình thế này thì đi học cái gì chứ.

Rồi không ai nói ai câu nào nữa, bọn chúng vẫn ngồi đó mặc cho cái không gian tĩnh lặng và cái cái thời tiết lạnh giá này bao trùm hết mọi nẻo đường. Trời chực tối, mặt trời cũng dần lặn đi để lại đây cả một vòm trời lóa lên một màu đỏ đẹp đẽ đến mức động lòng người. Chờ mãi mà hình bóng mẹ nó vẫn chưa xuất hiện, chúng nó sốt ruột cả lên. Trưa cũng vậy, bây giờ cũng vậy, mẹ nó mãi vẫn chưa về nhà. Chúng nó lo lắng quá, bỗng từ đằng xa có người chạy hớt ha hớt hải lại gần tụi nó. Nó có chút vui mừng vì những tưởng đó là mẹ, nhưng không phải.

- Chị Xíu, sao trông chị vội quá vậy? Đã xảy ra chuyện gì rồi?

- Hộc... hộc mấy đứa, mẹ... mẹ của mấy đứa... nằm chết ở đầu làng kia kìa.

“Đùng...”

Lỗ tai của bọn trẻ như có cái gì đáng ngang qua, mấy đứa đủ nhận thức được thì nhìn chằm chằm vào người chị Xíu sửng sốt với một vẻ không đáng tin cho lắm. Còn mấy nhóc còn nhỏ thì bọn chúng vẫn nô đùa, giỡn với nhau trên người của anh chị; chúng vô tư hồn nhiên đến đau lòng. Cái Hoài nhìn chị cười, nó xua đi mấy lời nói vô căn cứ của chị rồi bảo:

- Thấy em có vẻ không vui nên chị chọc em à? Haha... không vui đâu, mẹ em làm sao mà...

- Là thật, chị không rảnh để lấy mạng sống con người ra đùa giỡn với mấy đứa, mấy đứa mau ra gặp mẹ đi.

Lần này, nó thật sự tin rồi. Nó rùng mình đứng dậy, tay nó run lên dữ dội như máy cố gắng giữ thăng bằng đặt đứa em đang bế trên tay xuống ghế.

- Đưa chị, em và Phi mau chạy ra đó nhanh đi. - Chị Xíu bồng lấy bé em ở trên tay con Hoài rồi thúc giục nó.

Hoài nhanh quay sang tìm thằng Phi thì thấy nó đã chạy ra khỏi đây lâu rồi, tiếp đó là con Thi cũng chạy theo sau nó. Con Hoài không nghĩ ngợi nữa, nó buông thõng tất cả cứ cắm mặt hướng đến chỗ đầu làng mà chạy, theo sau nó là thêm hai đứa em nữa, chúng nó vừa chạy theo vừa khóc. Hoài vừa chạy vừa chắp tay lại, nó cầu xin đây chỉ là tin không đúng sự thật. Mẹ nó mà mất, chúng nó phải làm sao đây? Mẹ nó mất, ai là người chăm lo, bên cạnh, nuôi sống chúng nó đây?

Ở đầu làng, người dân túm tụm lại một chỗ, bàn tán xì xầm rầm rộ cả lên trên đường ngay trước nhà ông Phú hộ Trần. Nó như người mất hồn, ra sức cố chen chân vào đám người phủ kín bưng kia. Nó hét:

- MAU TRÁNH HẾT RA!

Người dân nghe thấy giọng nó, rụt rè lùi lại nhường chỗ cho nó nhưng vẫn không quên áp tai vào nhau mà chỉ trỏ đủ thứ. Nó chết lặng khi thấy, một người phụ nữ dáng tròn mập nằm bất tỉnh trên đất - là mẹ nó. Kế bên là thằng Phi, nó đang lay người mẹ Tru, mặt nó lạnh tanh như không còn một giọt máu nào cả. Còn con Thi lại vừa tức giận vừa khóc, nó khóc rất to, nó gào lên mà khóc hẳn như chưa bao giờ được khóc. Hai bé con khi nãy chạy theo sau nhìn thấy mà ngớ người, chúng đi lại gọi mẹ nó nhiều lắm, và nhận lại... là sự im lắng vô tình của mẹ nó.

Con Hoài đi lại, nó gục xuống bên cạnh mẹ Tru, nó là đang cố gắng giữ cho mình bình tĩnh nhất có thể. Nhìn toàn thân mẹ, da mẹ Tru đã xám ngắt đi nhìn như đã chết được vài canh giờ, thêm cái lạnh của mùa đông này mà người bà cứng ngắc như tảng đá. Tim nó quặn thắt, có ai đó như bóp chặt lấy tim nó mà vò nát, đau đớn đến cùng cực. Nó không dám tin cảnh tượng đang diễn ra trước mặt mình, nó không tin rằng mẹ nó đã chết.

Nó vô thức ngước mặt lên, đứng trước mặt nó là ông bà Phú hộ và bà già lúc trưa đã nói lời lăng mạ mẹ con nhà nó. Bà già kia đứng bên cạnh bà Phú hộ, bà ta sợ hãi, khép nép, run rẩy trông như đang trốn tránh một thứ gì đó. Nó trừng mắt nhìn thẳng vô mắt bà ta, bà ta giật mình khi chạm mặt với nó và sợ hãi trước cái ánh mắt dữ tợn của nó, run run đứng nép sau lưng bà Phú hộ. Nó nhận ra một điều gì đó, đứng dậy vô hồn đi lại chỗ ông bà Phú hộ.

- Này cô bé, bọn ta không biết mẹ con sao lại thành ra như thế, nhưng chắc chắn rằng bọn ta không bao giờ làm vậy. - Bà Phú hộ nhìn nó và giải thích cho nó một cách rất lãnh đạm, bà biết nó đang trong hoàn cảnh gì.

Nó nhìn bà Phú hộ không quan tâm cho lắm, đi lại sau lưng bà dùng tay nắm thật chặt áo của con mụ đang sợ phát hiện ra mình kia kéo mạnh ra khỏi đó. Bà ta sợ hãi, run lẩy bẩy lên như một con cá mắc cạn, cất lời nói đứt quãng giải thích.

- Tao... tao thề là... là tao không làm gì hết. Tao không giết nó.

- Tôi đã hỏi bà câu nào đâu mà bà sợ lên như thể sắp chết thế?

Nó nhìn bà ta như muốn ăn tươi nuốt sống đến nơi, nó bây giờ thật sự muốn bóp chết bà ta vì nó thừa biết mụ là người làm hại mẹ nó. Bỗng nhiên có một cánh tay nhẹ nhàng kéo nó lại, là cụ Móm.

- Thôi nào, vẫn chưa biết chính xác sự việc là như thế nào mà. Ông Phú hộ, tôi mong ông điều tra kĩ càng giúp chúng tôi, ông là một người công tư phân minh, tôi tin ông sẽ làm rõ mọi chuyện.

- Chuyện này là điều đương nhiên rồi, xin mời mọi người về hết cho. Tôi sẽ điều tra rõ vụ việc này, bắt người làm ra phải trả giá cho hành động tàn bạo của mình.

Nghe lời ông Phú hộ nói, người dân dần dần tản ra trở về, và rồi không còn một ai ở lại đây nữa.

- Các cháu đừng lo, chuyện hậu sự, cúng viếng ta sẽ chi trả cho mấy đứa.

Dứt lời, ông bà Phú hộ bước chân vào nhà. Bà già giúp việc kia cũng rón rén đi theo vào trong.

Giờ đây, ngay tại chỗ này; nền đất cứng và thô ráp, bầu trời về đêm lạnh lẽo, có vẻ còn lạnh hơn cả ngày hôm qua. Một màn đêm u buồn bao trùm lấy hết thân người bọn họ, những tiếng khóc, tiếng la hét, tiếng tức giận non nớt của bọn trẻ cứ liên tục vang lên. Nó tự hỏi làm sao ông trời có thể đối xử tàn nhẫn như vậy với chúng nó? Làm sao mà lòng người lại có thể tàn ác, nhẫn tâm cướp đoạt đi người thân của bọn nó như vậy? Những tưởng rằng, gia định bọn trẻ đã có thể sống ở một nơi bình yên, sống bên cạnh những người tốt bụng luôn kề cạnh giúp đỡ. Vậy mà bây giờ, mẹ nó - người thân, người bên cạnh duy nhất của chúng nó đã biến mất.

- Mẹ ơi, mẹ tỉnh dậy đi mẹ ơi. Chúng con không thể sống thiếu mẹ được, đừng bỏ bọn con mà...

- Chị Hoài, chị ơi... tất cả, tất cả là tại em. Tại em gây sự với bà già kia mà bà ta nỡ lòng hãm hại mẹ của chúng ta. Em... em xin lỗi. Em xin lỗi, chị ơi.

Bé Thi nước mắt, nước mũi tèm lem. Nó không còn là khóc nữa, mà nó đang gào khóc, nó khóc vang cả trời như đang thay thế cho câu hỏi tại sao lại nhẫn tâm làm thế với mẹ nó. Thằng Phi đang cố kiềm lại những giọt nước trên mắt nó, nhưng trong hoàn cảnh này, nó không đủ mạnh mẽ đến thế. Con Hoài ôm nó khóc nấc lên, có giỏi chịu đựng thế nào thì cũng làm sao mà không đau lòng đến như vậy.

Đêm đó, những giọt nước mắt đau khổ, những giọt nước mắt ngây thơ hồn nhiên của bọn trẻ cứ tuôn trào ra mãi chẳng ngừng, những giọt nước mắt tinh khiết nói lên cuộc sống khổ cực giữa xã hội nghèo nàn, bóp chết những mảnh đời bất hạnh như tụi nó. Trách oán ai đây khi số phận đã đẩy gia đình nhà bọn họ đến cùng cực thế này. Bà cụ Móm bên cạnh cũng không kìm được mà xót thương, đau khổ cho bọn trẻ, than trời làm sao những hình bóng trẻ thơ này lại phải chịu đựng cuộc sống bần tiện như thế. Bọn chúng thật là quá đau thương rồi, sao bọn trẻ có thể chịu nổi đây.

Một vài tuần sau, sau khi ông Phú hộ điều tra ra thì người đã giết hại mẹ Tru không ai khác là bà già giúp việc cho bà Phú hộ. Bà ta nói rằng vì tức con Thi dám làm vậy với mụ nên mụ bắt mẹ Tru làm hết thửa ruộng này đến thửa khác trong ngày hôm đó. Quá nhiều, mẹ Tru làm không nổi nữa nên xin mụ ta hôm sau sẽ làm tiếp, thế là bà ta tức giận lên lấy cái cán chổi to kia đập vào người mẹ nó. Không may sao mà lại đập chúng bộ phận sau gáy khiến mẹ Tru qua đời. Và bà ta đã được đưa lên quan trên xét xử, ngày mà người ta tới đưa mụ đi. Mụ mếu máo, cầu khẩn xin tha dữ lắm. Nhưng chẳng ai quan tâm mụ vì lòng dạ người này quá ác độc rồi.

Từ ngày mẹ bọn trẻ mất, bọn trẻ sống nương tựa vào sự giúp đỡ của những người dân trong làng. Ai sai gì thì bọn chúng làm đó, chủ yếu là những công việc nhẹ như bưng bê, rửa chén, phụ giúp các công việc vặt. Như lời hứa, ông Phú hộ đã đắp cho mẹ Tru một ngôi mộ đàng hoàng, tinh tươm và cúng vái thường xuyên nên trông ngôi làng cũng bình yên hẳn.

Nghe bảo rằng, mụ già đó có gửi lời xin lỗi và xin được tha thứ đến gia đình bọn trẻ. Xin lỗi, lời xin lỗi bây giờ nói ra thì được gì đây? Sau lời xin lỗi đó mẹ nó có thể sống lại với bọn trẻ được không? Lòng con Hoài nhớ lại những tháng ngày đó mà cảm giác quặn thắt lại ùa về một lần nữa. Nó đau lòng khôn xiết, chẳng ai có thể diễn tả được nỗi đau của bọn trẻ bây giờ. Con Hoài cười, một nụ cười thống khổ cất tiếng nói quặn lòng:

- Có tha thứ cho bà hay không thì mẹ tôi cũng đã chết rồi.
 
2K
5
9
Trả lời
Bạn lại mang đến cho mọi người một câu chuyện mà nơi đó lại chứa chan tình yêu thương và ấm áp lòng người như thế. Lần này thì bạn viết tốt hơn lần trước rất nhiều, tả từng chi tiết từ quang cảnh của ngôi làng, những người dân trong làng, tâm trạng, cảm xúc của từng nhân vật được bạn thể hiện rất rõ. Nói thật là chỉ mới đọc câu đầu thôi đã biết câu chuyện bi thương, đau buồn đến nhường nào rồi. Mình đã khóc ngất khi đọc phần cuối của truyện, từng câu chữ, từng cảm xúc bạn đặt hết trong ngòi viết của mình. Bạn là người miêu tả được tâm trạng nhân vật rất cụ thể làm mình nghĩ ngay đến Nam Cao. Loại văn cũng là chỉ những người nông dân xưa, khâm phục thật. Và vẫn như mọi lần, vốn từ vựng của bạn rất phong phú và rất đỉnh luôn nên đọc cực kì sướng, vì thế mà có vài chỗ mình thấy hơi thừa. Dù sao, đây là bài mình thích nhất tính tới thời điểm bây giờ
 
Sửa lần cuối:
  • Like
Reactions: Hoa Phù Sa
Bạn lại mang đến cho mọi người một câu chuyện mà nơi đó lại chứa chan tình yêu thương và ấm áp lòng người như thế. Lần này thì bạn viết tốt hơn lần trước rất nhiều, tả từng chi tiết từ quang cảnh của ngôi làng, những người dân trong làng, tâm trạng, cảm xúc của từng nhân vật được bạn thể hiện rất rõ. Nói thật là chỉ mới đọc câu đầu thôi đã biết câu chuyện bi thương, đau buồn đến nhường nào rồi. Mình đã khóc ngất khi đọc phần cuối của truyện, từng câu chữ, từng cảm xúc bạn đặt hết trong ngòi viết của mình. Bạn là người miêu tả được tâm trạng nhân vật rất cụ thể làm mình nghĩ ngay đến Nam Cao. Loại văn cũng là chỉ những người nông dân xưa, khâm phục thật. Và vẫn như mọi lần, vốn từ vựng của bạn rất phong phú và rất đỉnh luôn nên đọc cực kì sướng, vì thế mà có vài chỗ mình thấy hơi thừa. Dù sao, đây là bài mình thích nhất tính tới thời điểm bây giờ
Chí MẫnCảm ơn cậu, ngòi bút của Nam Cao vượt qua cả "nghệ thuật" luôn rồi. Làm sao mà mình có thể được, nhưng cảm ơn cậu đã đọc và cảm nhận cho mình nha. vốn từ vựng của mình không cao siêu gì đâu, mình check lại thì cũng thấy có vài chỗ hơi thừa rồi. lần sau mình sẽ rút kinh nghiệm, thanks bae. tuần sau mình thi học kì nên không tham gia được, mình sẽ up 1 bài thơ vui vui lên đây chơi hén :))
 
  • Like
Reactions: Hoa Phù Sa
Cảm ơn cậu, ngòi bút của Nam Cao vượt qua cả "nghệ thuật" luôn rồi. Làm sao mà mình có thể được, nhưng cảm ơn cậu đã đọc và cảm nhận cho mình nha. vốn từ vựng của mình không cao siêu gì đâu, mình check lại thì cũng thấy có vài chỗ hơi thừa rồi. lần sau mình sẽ rút kinh nghiệm, thanks bae. tuần sau mình thi học kì nên không tham gia được, mình sẽ up 1 bài thơ vui vui lên đây chơi hén :))
Cỏ Mây XanhMong chờ nè, với lại chúc bạn thi tốt nha
 
Có vài khúc tui đọc mà ứa nghẹn luôn , "cái chòi không khác gì cái chuồng chó" "bọn chúng không tắm được mấy ngày rồi" "người mẹ nó cứng ngắc lại như đã chế.t cả canh giờ". Từ ngữ diễn tả chân thật buồn đau lòng:((
 
Đây không hẳn là một bài dự thi mà đối với mình nó như một tác phẩm vậy. Lối viết văn của bạn khá giống với những tác phẩm "huyền thoại" như Tắt Đèn, hay Chí Phèo. Bạn miêu tả cái đói, cái nghèo nó bế tắc và cùng cực đến tưởng chừng như không còn lối thoát, một cuộc sống vô cùng đen tối trước Cách mạng tháng 8 vậy. Để mà khen và phân tích về tác phẩm chắc mình có thể viết thành đoạn văn mất :)) . Và mình cũng mong bạn sẽ ra thêm nhiều tác phẩm hay hơn thế nữa.<3
 
  • Love
Reactions: Cỏ Mây Xanh
Đây không hẳn là một bài dự thi mà đối với mình nó như một tác phẩm vậy. Lối viết văn của bạn khá giống với những tác phẩm "huyền thoại" như Tắt Đèn, hay Chí Phèo. Bạn miêu tả cái đói, cái nghèo nó bế tắc và cùng cực đến tưởng chừng như không còn lối thoát, một cuộc sống vô cùng đen tối trước Cách mạng tháng 8 vậy. Để mà khen và phân tích về tác phẩm chắc mình có thể viết thành đoạn văn mất :)) . Và mình cũng mong bạn sẽ ra thêm nhiều tác phẩm hay hơn thế nữa.<3
Đào AnỎ, cảm ơn đã dành lời khen cực đáng iu này ạ, em sẽ cố gắng hơn thế nữaa
 
  • Love
Reactions: Đào An

Trending content

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.