Trăng đã trở thành hình ảnh biểu tượng trong nhiều tác phẩm thi ca. Thế nhưng, chỉ khi đến với bài thơ "Ánh trăng" của nhà thơ Nguyễn Duy thì ánh trăng mới mang một nét ấn tượng đặc biệt về sự gợi nhắc về những ân tình quá khứ đã dần bị rơi vào quên lãng.
Ôn tập kiến thức cơ bản tác phẩm “Ánh trăng” - Nguyễn Duy
Câu 1. Trình bày hiểu biết của em về tác giả Nguyễn Duy?
Trả lời
- Năm sinh: 1948;
- Năm mất :;
- Quê quán: thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa;
- Nguyễn Duy tên khai sinh là Nguyễn Duy Nhuệ, sinh năm 1948.
- Quê quán: xã Đông Vệ, thị xã Thanh Hóa (nay là thành phố Thanh Hóa), tỉnh Thanh Hóa.
- Mẹ mất sớm, Nguyễn Duy ở với bà ngoại từ nhỏ, chính vì vậy bà ngoại là người gần gũi, thân thuộc nhất với ông ;
- Năm 1966, ông nhập ngũ ;
- Từ năm 1971 - 1975, vẫn đang khoác áo lính, Nguyễn Duy về học tại khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội ;
- Cuối năm 1975, ông cùng đơn vị vào tiếp quản Vũng Tàu.
- Năm 1976, Nguyễn Duy vào sống và công tác tại thành phố Hồ Chí Minh, là biên tập viên báo Văn nghệ Giải phóng, rồi làm Trưởng đại diện của báo Văn nghệ ở phía Nam ;
- Thơ Nguyễn Duy có sự kết hợp hài hòa giữa cái duyên dáng, trữ tình với chất thế sự đậm đặc, nhiều bài là tiếng nói khảng khái, bộc trực, đầy ngang tàn mà trầm tĩnh, giàu chiêm nghiệm và mang tinh thần công dân sâu sắc ;
- Ông là một trong số không nhiều cây bút hiện nay đã góp phần làm mới thể lục bát bằng những tìm tòi theo hướng hiện đại, tạo nên nét độc đáo, hấp dẫn trong cấu trúc, hình ảnh và ngôn ngữ của thể thơ truyền thống này ;
- Những tác phẩm chính:
+ Cát trắng (1973) ;
+ Ánh trăng (1984) ;
+ Đãi cát tìm vàng (1987) ;
+ Mẹ và em (1987);
+ Khoảng cách (1986) ;
+ Nhìn ra bể rộng trời cao (1986).
Câu 2. Trình bày hoàn cảnh sáng tác của “Ánh trăng”
Trả lời
“Ánh trăng” là một bài thơ hay viết vào năm 1978, 3 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, được nhà thơ viết tại Thành phố Hồ Chí Minh. In trong tập “Ánh trăng”.
Câu 3. Ý nghĩa nhan đề “Ánh trăng”
Trả lời
- “Ánh trăng” là nhan đề bài thơ đồng thời cũng là hình ảnh xuyên suốt bài thơ và là đối tượng để nhà thơ Nguyễn Duy thể hiện những quan niệm, triết lý về cuộc đời.
- “Ánh trăng” xuất hiện với tư cách là hình ảnh thực, một hiện tượng, biểu tượng của thiên nhiên. Nó gắn liền với cái thi vị, lãng mạn, tươi mát. Trong bài thơ vầng trăng còn là người bạn gắn bó với những kỉ niệm tuổi thơ, đồng thời cũng gợi nhắc con người nhớ đến truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.
Câu 4. Viết một đoạn văn trình bày của cảm nhận của bản thân về tác phẩm “Ánh trăng”
Đoạn văn mẫu
Trăng từ lâu đã trở thành đề tài muôn thuở nhưng không bao giờ cũ trong dòng chảy của nền văn học Việt Nam. Đến với ''Ánh trăng'' của Nguyễn Duy, ta lại bắt gặp một tư tưởng hoàn toàn mới lạ. Trăng ở đây là quá khứ thuỷ chung, bất diệt; là người bạn nghĩa tình, tri kỉ; là bài học thấm đẫm giá trị nhân văn sâu sắc. Bao trùm cả bài thơ là một nỗi day dứt, ăn năn cứ kéo dài triền miên khôn nguôi. Ở đây, trăng và người vẫn là hai người bạn gắn bó bên nhau không rời '' thành tri kỉ''. Nó đều là sự san sẻ, cảm thông và thấu hiểu nhau sâu sắc. Trăng là người bạn để chia sẻ mọi vui buồn, trăng đồng cam cộng khổ, xoa dịu những nỗi đau thương, mất mát của chiến tranh bằng thứ ánh sáng mát dịu, chan chứa yêu thương. Chính vì vậy mà, những ngày tháng tuổi thơ, những năm tháng kháng chiến đã trở thành kí ức chan hoà, tình nghĩa với nhân vật trữ tình. Từ một cuộc sống chan hoà với thiên nhiên, nay cuộc sống của con nguời đã thu hẹp hơn. Không gian núi rừng hoang vu, rộng lớn đã thay bằng không gian phố phường hiện đại, hào nhoáng. Và hình ảnh vầng trăng - người bạn luôn kề vai sát cánh bên con người cũng đã bị thu hẹp lại. Không có con người bên cạnh, nó chỉ biết lủi thủi đi qua con ngõ nhỏ tối tăm, mù mịt. Tầm quan trọng của trăng cũng không còn như xưa. Ngày ngày, trăng vẫn hiện hữu trong đời sống con người, vẫn bên con người, đồng hành cùng con người dù có ở nơi đâu, chốn nào, mặc mọi thời gian, không gian, mặc mọi khó khăn, nhọc nhằn. Trăng vẫn vậy, vẫn tròn đầy,thuỷ chung, chẳng hề thay đổi nhưng con người thì đã đổi thay. Cái bạc bẽo, vô tình đến với người ta một cách từ từ, kín đáo, khó nhận ra. Từ'' vầng trăng tri kỉ'', ''vầng trăng tình nghĩa ''bỗng chốc trở thành ''người dưng qua đường'' lúc nào không hay. Trong khoảnh khắc bất ngờ từ bóng tối bước ra ngoài ánh sáng ấy, nhân vật trữ tình không khỏi bàng hoàng, ngỡ ngàng khi nhận ra ánh trăng vẫn tròn, vẫn đẹp đẽ, đầy đặn, vẹn nguyên như xưa. Chính cái khoảnh khắc ấy đã tạo nên một bước ngoặt cảm xúc của nhân vật trữ tình. Đằng sau cánh cửa, vầng trăng xuất hiện ''tròn vành vạnh'' không chút thay đổi. Trăng lặng lẽ nhưng rất nhân hậu, bao dung, không oán hờn, không trách móc người bạn đã từng quay lưng với mình. Thế nhưng, cũng chính cái im lặng nghiêm khắc, cái sự cao thượng ấy lại khiến cho bản thân con người phải giật mình thức tỉnh. Cái giật mình của lương tâm con người thật đáng trân trọng. Nó thể hiện sự suy nghĩ, trăn trở, tự đấu tranh với chính mình để sống tốt hơn, tìm lại cái đẹp trong tâm hồn. Từ một câu chuyện riêng, bài thơ cất lên lời nhắc nhở thấm thía về thái độ, tình cảm của con người đối với những năm tháng quá khứ gian khổ mà hào hùng, nghĩa tình với thiên nhiên, đất nước bình dị. ''Ánh trăng'' có ý nghĩa sâu sắc, là lời nhắn nhủ không chỉ dành riêng cho người lính chống Mĩ mà nó còn ý nghĩa với tất cả mọi người, mọi thời - trong đó có chúng ta.
Các bạn có thể xem thêm các bài viết cùng chủ đề: TẠI ĐÂY
- Từ khóa
- ánh trăng nguyễn duy nhà thơ nguyễn duy