Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu

"Mỗi sáng tác văn học chân chính đều là một đề nghị về cách sống". Như vậy có nghĩa là mỗi tác phẩm chính là nơi biểu hiện cao nhất quan điểm nhân sinh của người nghệ sĩ. Đến với "Vội vàng", ta sẽ được bắt gặp một nhân sinh quan mới mẻ của Xuân Diệu - nhà thơ của "niềm khát khao giao cảm với đời". Ở bài thơ "Vội vàng", ngay từ tên đề, người ta đã thấy ẩn chứa biết bao ý nghĩa và quan niệm sống mà Xuân Diệu gọi tên ra là "Vội vàng". Hãy xem đó là một quan niệm sống như thế nào? Nó có tác dụng hay ảnh hưởng gì đến cuộc sống của con người trong bài viết "Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu".

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu.png

Xem thêm bài viết liên quan đến chủ đề: Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu
Phân tích bài thơ Vội vàng hay nhất (8 mẫu)
Nhận định hay về bài thơ Vội vàng và tác giả Xuân Diệu

Nội dung chính bài Vội vàng

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu​

Nhà thơ được Hoài Thanh đánh giá là “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” chính Xuân Diệu không ai khác. Thơ ông là một nguồn sống dào dạt tràn đầy xuân sắc xuân tình của một thi nhân yêu say đắm tình yêu, cuộc đời và biết trân trọng, tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống. Tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Diệu là bài thơ “Vội vàng” thể hiện quan niệm sống vội vàng rất mới mẻ, có ý nghĩa. Vậy tại sao Xuân Diệu lại có được điều đó ta cùng tìm hiểu bài thơ để làm rõ lối sống vội của thi nhân.

Vội vàng là một tính từ để chỉ sự nhanh chóng, gấp gáp. Theo Xuân Diệu sống vội là sống nhanh, sống gấp để tận lực cống hiến, tận tâm tận hưởng, thưởng thức vẻ đẹp tạo hóa ban tặng. Sống vội vàng trong quan niệm của ông là lối sống tích cực khác với cách sống gấp của một số bạn trẻ hiện nay vội chạy theo giá trị vật chất, vội sống để hưởng thụ mà quên mất làm việc, vội chạy theo xu thế thời thượng mà sa đà vào lối sống tiêu cực vô nghĩa. Chính quan niệm vội vàng của Xuân Diệu đã thức tỉnh cho ai đã lầm lối, mở đường cho ai đang bơ vơ đi tìm lẽ sống đích thực.

Vậy tại sao Xuân Diệu lại có được lối sống mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc như vậy? Ông là nhà thơ luôn khao khát giao hòa, giao cảm với cuộc đời, yêu tha thiết sự sống xung quanh mình. Xuân Diệu phát hiện ra vẻ đẹp tạo hóa ban tặng cho chúng ta, thi sĩ như người hướng dẫn viên du lịch đưa ta du ngoạn ngắm cảnh đẹp hết chốn nọ đến chỗ kia: là vẻ đẹp của ong bướm trong tuần tháng mật, hoa của đồng nội xanh rì, lá của cành tơ phơ phất, khúc tình si của yến anh, ánh sáng chớp hàng mi, thần Vui gõ của mỗi sáng sớm và tuyệt vời nhất là vẻ đẹp của tháng giêng được thi sĩ so sánh ngon như cặp môi gần của tình yêu. Những vẻ đẹp ấy không phải tìm ở đâu xa mà nó là “bữa tiệc ngon”, là chốn bồng lai tiên cảnh giữa trần gian. Nó không phải là vẻ đẹp đặc trưng cho một vùng quê như thơ Nguyễn Khuyến, Hàn Mặc Tử hay vẻ đẹp “Tràng giang” của Huy Cận mà thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu có ở bất cứ nơi nào, vùng quê nào bởi nét đẹp bình dị xung quanh ta. Thi nhân sung sướng tận hưởng, thỏa mãn chìm đắm trong thiên nhiên nhưng ông cũng “vội vàng một nửa”, ông bồi hồi nuối tiếc cảnh sắc đất trời trong những phút giây căng tràn nhựa sống trong khoảnh khắc tươi đẹp khi xuân sang.

Thi sĩ sống vội vàng là bởi ông nhận ra quy luật trôi chảy khắc nghiệt và sự tàn phá của thời gian. Nếu như trong văn học trung đại các nhà thơ quan niệm thời gian là tuần hoàn, xoay vòng còn đối với Xuân Diệu đó là thời gian tuyến tính một đi không trở lại:

“Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất”.


Nếu người khác cảm nhận mùa xuân qua đi khi hạ đến còn nhà thơ không cần đợi nắng đến mới hoài xuân mà ông nuối tiếc mùa xuân ngay cả khi nó đang hiện hữu. Đối với ông xuân đang đến nghĩa là đang qua, xuân còn non rồi cũng già, thậm chí là xuân hết nhà thơ cũng mất. Xuân Diệu yêu quý mùa xuân của thiên nhiên đất trời, màu xuân của tuổi trẻ với ông tuổi trẻ qua đi cuộc đời trở nên vô nghĩa. Tuổi trẻ là quãng thời gian tươi đẹp, ý nghĩa, hạnh phúc nhất của đời người. Câu thơ mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc tác giả như muốn gửi gắm lời nhắn nhủ đến bạn đọc hãy biết trân trọng từng khoảnh khắc của thời gian, nhất là mấy năm ngắn ngủi thanh xuân, khoảng thời gian ấy ta có sức khỏe, có ý chí, có niềm tin và có cơ hội để thử thách bản thân, để cho mình được “thất bại” để thấy cuộc đời có ý nghĩa vô cùng. Nhà thơ ám ảnh trước sự tàn phá của thời gian khiến cho mọi vật đều được nhân hóa hiện hữu lên như con người cũng biết buồn vui, tủi hờn, đều biết lo sợ bởi khoảnh khắc qua đi của mùa xuân. Nên kết thúc cho mạch cảm xúc là thán từ ôi và dấu chấm than, cùng với dấu ba chấm biểu đạt ý chưa nói hết thể hiện tâm trạng nuối tiếc đến tột cùng của tác giả: “Chẳng bao giờ, ôi! Chẳng bao giờ nữa…”

Vì cảnh sắc trời xuân quá đẹp nên nhà thơ muốn “tắt nắng”, “buộc gió” muốn can thiệp vào quy luật của tạo hóa để lưu giữ hương sắc tươi đẹp của đất trời. Đó là một ước muốn táo bạo, nghe có vẻ phi lí nhưng đứng trong hoàn cảnh, tâm trạng thi nhân ta mới thấy nó có nghĩa có lí vô cùng. Thi nhân đang tiếc nuối cho thanh xuân của đất trời và con người nên cất tiếng kêu gọi “Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm” ta đã từng bắt gặp lời thúc giục ấy trong câu thơ: “Mau với chứ vội vàng lên với chứ/ Em em ơi, tình non sắp già rồi”. Lúc nào trong tâm thức Xuân Diệu cũng muốn hưởng trọn thanh sắc của thiên nhiên, ông muốn ôm, muốn riết, muốn say, muốn thâu và tột đỉnh là muốn cắn vào xuân hồng. Hàng loạt các động từ được sắp xếp theo mức độ tăng tiến cho thấy khao khát cháy bỏng của nhà thơ muốn hòa mình, tan chảy vào thiên nhiên để tận hưởng trọn vẹn. Nếu không phải một con người yêu tha thiết cuộc sống, say đắm trước vẻ đẹp của đất trời làm sao có thể viết nên những vần thơ tuyệt mĩ như vậy. Chưa có một hồn thơ nào mà thiên nhiên lại rạo rực tràn đầy sức sống mãnh liệt như trong bài thơ “Vội vàng”.

Như vậy qua tác phẩm ta có thể thấy được quan niệm sống vội vàng tích cực đáng để ngưỡng mộ và học tập. Qua đó tác giả đã cho em cũng như bạn đọc những giá trị nhân sinh sâu sắc. Học xong bài thơ em nhận thức được giá trị của thời gian, vẻ đẹp của cuộc sống không phải ở chốn thần tiên xa vời mà hiện hữu ngay trong thường nhật. Xuân Diệu cho em biết thế nào là sống có ích, có nghĩa, biết nỗ lực hết mình cho tuổi trẻ ngắn ngủi, biết cống hiến sức mình cho quê hương và biết tận hưởng cuộc sống tươi đẹp.

Quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu có ý nghĩa sâu sắc với cuộc đời, tồn tại lâu bền với thời gian và luôn đúng trong mọi thời đại đặc biệt với các bạn trẻ đúng như nhận xét của Hoài Thanh: “Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới – nên chỉ những người còn trẻ mới thích đọc Xuân Diệu, mà đã thích thì phải mê”.
 
Từ khóa Từ khóa
hoài thanh phân tích quan niệm sống vội vàng của xuân diệu quy luật trôi chảy khắc nghiệt sự tàn phá của thời gian thi sĩ sống vội vàng xuân diệu xuân diệu mới nhất trong các nhà thơ mới
  • Like
Reactions: QuangNhat
2K
1
2
Trả lời

Phân tích quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu​


Xuân Diệu nhà thơ tình của thi ca Việt Nam. Thơ ông tràn ngập tình yêu, không chỉ là tình yêu nam nữ mà còn là tình yêu cuộc sống. Ông sống vội vàng, gấp gáp để nắm bắt trọn vẹn mọi khoảnh khắc của cuộc đời. Triết lí sống vội vàng, gấp gáp đã được ông thể hiện đầy đủ trong bài thơ “Vội vàng” trích trong tập “Thơ thơ” – tập thơ đầu tay của ông.

Trong bài thơ “Giục dã” Xuân Diệu đã từng viết:

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ
Em ơi em, tình non sắp già rồi.

Triết lí sống vội vàng gấp gáp đã trở thành một quan niệm sống của Xuân Diệu, nó được thể hiện xuyên suốt trong hành trình sáng tác của ông.

Ngay từ nhan đề của bài thơ triết lí sống vội vàng, gấp gáp đã được nhà thơ thể hiện. Vội vàng có nghĩa là sự vội vã, làm việc luôn gấp gáp, nhanh chóng không thể chần chừ. Đối với Xuân Diệu cũng vậy, ông vội vàng trong từng giây phút. Vậy tại sao Xuân Diệu phải sống vội vàng, gấp gáp như vậy. Bởi ông ý thức được rằng, thời gian đời người thật ngắn ngủi, hữu hạn, còn thời gian vũ trụ lại tuần hoàn, vô hạn.

“Xuân đương tới, nghĩa la xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời”.

Xuân Diệu rất ám ảnh với những bước đi của thời gian , bởi vậy ông vô cùng nhạy cảm trước sự chảy trôi của nó. Xuân đương tới đồng thời lúc đó cũng là lúc nó đang vụt khỏi bàn tay chúng ta, xuân “non” rồi đến lúc xuân sẽ “già”, thậm chí, và khi xuân hết cũng là lúc tôi sẽ chết. Sự cực đoan ấy của Xuân Diệu là hoàn toàn hợp lí. Cuộc sống này đẹp đẽ, tươi vui là vậy nhưng nó như một dòng sông chảy đi và không bao giờ trở lại nữa. Khoảnh khắc đẹp đẽ, phút giây lãng mạn cũng chỉ đến với ta có một lần. Thiên nhiên có thể đẹp mãi, trường tồn mãi, còn “tôi” thì không, tôi chỉ có một đời này, một khiếp này để tận hưởng trọn vẹn mọi mĩ vị, mọi thắng cảnh trong cuộc sống. Bởi vậy cần phải sống vội, sống gấp, có những khao khát mãnh liệt:

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi

Cái khao khát của ông thật khác thường, mà cũng thật mãnh liệt. tắt nắng, buộc gió, hỏi chăng có ai trên cuộc đời này đã làm được. Xuân Diệu muốn tắt nắng để những màu sắc của cuộc sống không bị phai tàn, muốn buộc gió để sắc hương của cỏ cây không bị bay đi. Ý muốn ấy quả thực đẹp đẽ, ông muốn lưu lại những gì đẹp đẽ nhất của thiên nhiên cho cuộc sống con người. Đồng thời ước mơ ấy của ông cũng hoàn toàn có cở sở, cuộc sống đẹp đẽ dường kia, nếu không sống tận hiến chẳng phải là sẽ uống phí lắm hay sao:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
….
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

Đoạn thơ như một tiếng reo vui, một bản hoan ca trước vẻ đẹp của thiên nhiên vạn vật. Trần thế hiện lên với vẻ đẹp toàn mĩ, tràn đầy nhất: tuần tháng mật, hoa của đồng nội xanh rì, lá của cành tơ phơ phất, yến anh này đây khúc tình si, anh sáng,… Một bức tranh tuyệt đẹp được thi sĩ Xuân Diệu vẽ lên, đó là bức tranh có sự hài hòa của màu sắc (xanh rì), âm thanh (khúc tình si) và ngập tràn ánh sáng. Đây quả là một thiên đường. Vẻ đẹp này không phải ở đâu xa, mà nó ở ngay đây, hiện hữu trong cuộc sống này. Đây cũng là cái đích mà Xuân Diệu muốn hướng người đọc đến, tiên cảnh bồng lai không phải chỉ có ở trong tưởng tượng, mà nó có ở ngay đây, tại mặt đất này. Đang vui sướng, yêu đời, sống hối hả, gấp gáp là vậy, nhưng giọng thơ Xuân Diệu như bị trùng xuống ở câu thơ tiếp theo: “Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa/ Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân”. Câu thơ bị bẻ làm đôi, khi thi nhân nhận ra sự chảy trôi của thời gian, con người lo lắng, sợ hãi trước bước đi của thời gian, nó chẳng đợi chờ tuổi xuân của bất cứ ai, bất cứ sự vật nào: “Con gió xinh thì thào trong lá biếc/ Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?/ Chim rộn rang bỗng đứt tiếng reo thi/ Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa”. Trước bước đi không ngừng của thời gian, ông không còn dừng lại ở khao khát tắt nắng buộc gió mà sống vội sống gấp đã biến thành hành động:

“Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”

Đoạn thơ nồng nàn, cháy bỏng nhất, thể hiện mạnh mẽ nhất khao khát, ước muốn sống vội, sống gấp của thi nhân. Nhịp thơ nhanh, gấp gáp, biểu hiện của cảm xúc dâng trào. Ông muốn ôm tất cả sự sống, dùng hàng loạt động từ mạnh theo cấp độ tăng tiến: ôm, riết, say để tận hưởng cuộc sống bằng mọi giác quan. Từ ôm một cử chỉ thân mật, riết lại mạnh bạo, mạnh mẽ hơn đến say thì đã ở độ quyến luyến, nồng nàn và cuối cùng là thâu hết mọi vẻ đẹp của mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu vào tâm hồn thi nhân. Ông mở tất cả các giác quan để tận hưởng tận độ mọi thanh sắc của đời sống và câu thơ cuối cùng đã thể hiện trọn vẹn cảm xúc của ông: “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi”.

Tác phẩm Vội vàng đã thể hiện một cách đầy đủ, trọn vẹn nhất lối sống, quan niệm sống “vội vàng” của Xuân Diệu. Ông sống vội vàng để tận hưởng hết vẻ đẹp, để cống hiến hết tuổi xuân cho cuộc đời này. Đó là một nhân sinh quan, lối sống lành mạnh. “Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chón nước non lặng lẽ này” (Hoài Thanh)
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.