Quản Chi Miệng Đời

Quản Chi Miệng Đời

Quản Chi Miệng Đời !


“Chuyện mình dấu ngược, dấu xuôi

Chuyện người vạch lá tìm sâu ích gì.

Sửa mình tánh vụng nên thi,

Dở thành ra tốt, quản chi miệng đời !”

Sống trong cuộc đời, đã mấy ai dám tự nhận bản thân mình không có một lúc nào đó lỡ miệng, lỡ lời. Bởi đã là con người, hầu như ai cũng ít nhiều trải qua những cung bậc “hỉ nộ ái ố”. Vợ chồng, anh em, bạn bè, đồng môn, đồng nghiệp dù thân thiết, chân tình đến mấy, cũng khó tránh khỏi có lúc “nóng lạnh” mà phát ra lời nọ ý kia không hợp lòng nhau. Đến vô tri, vô giác như cái bát để trong giàn có lúc còn xô nhau mà, huống chi con người ăn ở, sinh sống, công tác với nhau hằng ngày. Vài ba lời giận hờn, mắng mỏ nhất thời rồi lại bao dung cho qua, miễn là cái tâm mình lành, cái dạ mình thiện, động cơ mình sáng, thì sự “va chạm” nhau trong lời nói, giao tiếp của con người được ví như một thứ “gia vị” làm cho cuộc sống này thêm phong phú. Chứ quanh năm ngày tháng, chỗ nào, ở đâu mà ai ai cũng “giữ miếng” nhau thì cuộc đời sao tránh khỏi đơn điệu, tẻ nhạt!

Nhưng! Số mệnh của một người tốt hay không, hãy nhìn xem người đó có nhiều “khẩu đức” hay không là biết. Vì vậy, “khẩu nghiệp” rất quan trọng. Trong cuộc đời của một người, không phải ngày nào cũng làm chuyện thất đức, nhưng việc nói những lời thất đức, thiếu đức, khó nghe, và không đứng đắn thì có thể xảy ra mỗi ngày. Tích luỹ qua năm tháng, phúc báo sẽ vì “khẩu nghiệp” mà chạy mất hết. Do đó, người nói chuyện không có “khẩu đức”, cả cuộc đời thường gập ghềnh, nhấp nhô, thậm chí rất thê lương.

Người ta chỉ mất 2 năm học nói nhưng lại mất cả đời để học im lặng. Bởi vậy, "nói" chính là một loại năng lực trời cho, nhưng nói thế nào để không bị xem là "xà khẩu" mới chính là một loại trí tuệ mà không phải ai cũng học hỏi được ở đời. Điều quan trọng là chúng ta phải tự nhận ra lời nói của mình hàm ẩn ý không thật, không tốt đẹp và phải tự mình sửa chữa. Điều này rất khó, bởi vì ít ai tự thấy bản thân mình xấu, mình dở, mình hay nói lời "khẩu nghiệp"...

Đặc biệt, khi viết hoặc bình luận trên mạng xã hội, chúng ta có nhận ra giọng điệu của mình rất sắc bén và "nanh nọc", áp đặt không? Chúng ta ít khi dám làm điều gì hại người nhưng lời nói đôi khi lại có sức sát thương rất lớn. Vì sao ông bà xưa bảo lời nói "xà khẩu" - một chữ ném ra hại người thì ít nhưng tự rước họa vào thân thì nhiều. Bởi vì lẽ đó mà ông bà xưa đã đúc kết ra 20 loại "xà khẩu" chúng ta không nên thốt ra khỏi cửa miệng thì sẽ tốt hơn.

3752

Ảnh sưu tầm: "Tu ở cái miệng là tu nửa đời người"

Chúng ta mai mắn khi có được trí tuệ, được chữ viết và mai mắn khi chúng ta có một phương tiện hết sức quan trọng để truyền trao các thông điệp cho nhau, đó là lời nói. Lời nói quả thật là một khả năng vô cùng đặc biệt của con người chúng ta. Là một dạng truyền thông hữu hiệu để giúp chúng ta lắng nghe và tiếp nhận những giá trị sống bằng lòng từ ái, sự yêu thương và đôi khi sự hận thù hay ghét bỏ cũng xuất phát bằng lời nói.

Ác ngữ là một trong bốn điều bất thiện thuộc về lời nói, đó là: vọng ngữ (nói láo), ỷ ngữ (nói thêu dệt), lưỡng thiệt (đâm thọc), ác khẩu (chửi rủa). Những người “ác khẩu” thì sớm muộn cũng sẽ gánh chịu “khẩu nghiệp”, tức là phải chịu cái hệ lụy, hậu quả do những lời ác ý, ác tâm của mình gây ra. Thông thường, một lời ác khẩu của một người trong đời sống thực có thể gây phiền toái, liên lụy, xúc phạm đến một hay vài ba người khác; nhưng mỗi cư dân mạng chỉ cần “like”, “share”, “comment” trên mạng xã hội thì một lời ác khẩu có thể nhân lên, biến thành hàng vạn, thậm chí hàng triệu lời ác khẩu thì lúc đó, hệ lụy kéo theo vô cùng lớn. Và như vậy, cái khẩu nghiệp của một người có thể cuốn vô số người khác bị khẩu nghiệp theo.

Theo nhà Phật, trong mười nghiệp bất thiện của con người thì khẩu nghiệp có bốn, tức là chiếm gần một nửa. Nếu cứ tạo khẩu nghiệp triền miên, con người không chỉ gây hại cho người khác, cộng đồng, xã hội mà bản thân họ cũng không được thanh thản, thảnh thơi, thậm chí rơi vào cảnh luân hồi đau khổ. Vậy nên, nếu ai mà không chú trọng tu tâm rèn tính, tu thân tích đức, nói lời hay, làm việc thiện, thì người đó sẽ khó tránh khỏi phiền toái, hệ lụy. Cổ nhân có câu “họa tòng khẩu xuất” như muốn cảnh tỉnh, khuyên răn người đời chớ để cho cái miệng mình nói năng tùy tiện, lung tung mà có lúc tự rước họa vào thân!.

3750

Ảnh sưu tầm: "Sự hồn nhiên của một đứa trẻ thật đáng ngưỡng mộ"

Tác giả: Lê Tuấn
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
hồn nhiên khẩu nghiệp lê tuấn miệng đời ngưỡng mộ theo nhà phật tu ở cái miệng
910
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top