Tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và khám phá nội dung - Bài viết của HSG
“Ai bảo dính vào duyên bút mực
Suốt đời mang lấy số long đong”
Suốt đời mang lấy số long đong”
(Nguyễn Bính)
Nguyễn Bính đã từng than thở như thế. Trong câu nói của ông, rõ ràng ta thấy được số phận bạc bẽo, và những đòi hỏi rất cao đè nén lên các nhà văn nhà thơ ở thời điểm lúc bấy giờ. Phải chăng do sự đòi hỏi quá cao ấy, mà trong xuyên suốt các thời đại, văn chương vẫn như một món ăn tinh thần mà buộc người đầu bếp ấy phải là một người đầu bếp tài ba. Tạo ra những kiệt tác không chỉ về mặt thẩm mỹ mà còn là một cái nhìn về sự nhân đạo trong chính tác giả. Có lẽ vì vậy mà nhà văn Leonit Leonop đã từng khẳng định:”Tác phẩm nghệ thuật đích thực bao giờ cũng là một phát minh về hình thức và khám phá nội dung”. Mỗi tác phẩm, mỗi sáng tác nghệ thuật đều là một phát hiện sáng tạo độc đáo của người nghệ sĩ.
Văn chương chính là ánh sáng và nhà nghệ sĩ chính là tấm gương để phản chiếu, mang từng tia sáng len lõi vào trong những nơi ngõ ngách tăm tối của cuộc sống. Nhưng văn chương không phản ánh đơn điệu, một tác phẩm đích thực bao giờ cũng bộc lộ được những hình ảnh chủ quan trong thế giới khách quan, lưu lại trong trái tim độc giả những giá trị cao đẹp khó quên. Do vậy, những người nghệ sĩ phải có một cái nhìn mới, một cái nhìn độc đáo và thể hiện sự tìm tòi của mình qua sự mới mẻ về nghệ thuật lẫn nội dung. Sự lặp lại tẻ nhạt cũng chính là vũ khí vô hình giết chết nghệ thuật.
Cuộc sống phơi bày ra trước mắt mỗi người biết bao cảnh khổ, biết bao số phận trái ngang. Nhưng song hành với nó là những tấm gương soi chiếu hiện thực của cuộc sống. Tác phẩm chân chính đích thực là những ngọn cây được ươm mầm từ cuộc sống. Nên Nan Cao đã từng nói: “Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than”. Ông đã thành công khi lồng ghép được “kiếp lầm than” vào Lão Hạc trong tác phẩm cùng tên. Nam Cao đã không chối bỏ hiện thực của cuộc sống mà mang đến góc độ mới về cái nhìn nhân đạo trong tác phẩm qua hình ảnh lão Hạc. Tác phẩm đã thể hiện sự cảm thông, thương xót cho số phận của người nông dân nghèo khổ, bất hạnh trong xã hội thực dân nửa phong kiến:
“…Kiếp con chó là kiếp khổ thì ta hoá kiếp cho nó để nó làm kiếp người, may ra có sung sướng hơn một chút…kiếp người như kiếp tôi chẳng hạn…”. Giọng điệu của Nam Cao nghe sao thật chua chát. Kiếp người như lão thì sung sướng chỗ nào? Lão sống lui thủi một mình trong căn nhà với con chó vàng, chỉ có nó để bầu bạn. Cũng vì cái nghèo không đủ tiền cưới vợ cho con, anh con trai phẫn chí bỏ đi. Rồi bệnh tạt, mất mùa, đói khổ, lão cũng đem cậu vàng mà bán, niềm an ủi mong manh cũng không thể giữ được thì cuộc đời kia của lão có còn nghĩa lí gì không? Rõ ràng tác phẩm chính là một bài cáo trạng tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến tàn bạo, xấu xa đẩy con người vào những khổ đau tận cùng của cuộc đời. Phản ánh xã hội đen tối dưới góc nhìn nhân đạo, nên Lão Hạc vẫn là một trong những kiệt xuất văn học của ông.
Một tác phẩm nghệ thuật chân chính không chỉ nói lên cái nhìn tăm tối của xã hội mà nó còn hướng con người ta đến những giá trị thiết thực, những giá trị chân thiện mỹ. Trong đó Nam Cao đã thật sự đi vào trong lòng cuộc sống khi tiếp nữa hình tượng Chí Phèo, một gã sâu rượu bê tha kia trong lại là một tấm lòng lương thiện. Nam Cao không làm độc giả có cái nhìn xấu đi về nhân vật Chí. Ông đã chạm đến trái tim người đọc khi biến Chí từ một kẻ rạch mặt ăn vạ trở thành một kẻ si tình, một đứa trẻ vô ưu vô lo mà vốn dĩ nó đã nằm ẩn yên trong anh từ trước, chỉ qua một bát cháo hành của nàng Thị Nở. “Ai cho tao lương thiện?” Chí Phèo như thốt lên, một đứa trẻ mồ côi sinh ra trong cái lò gạch cũ lại phải một mình chống trả lại sự thật phũ phàng của cuộc sống. Thể hiện được rằng dù cho anh Chí có tồn tại ở bất kì bản dạng nào, một tên côn đồ hay một kẻ si tình thì sự lương thiện trong tâm hồn anh vẫn luôn hiện diện. Nam Cao đã đánh thức trái tim của người đọc qua những giá trị nhân đạo sâu sắc và hướng nhân loại đến cái đẹp của thời đại. Qua từng tác phẩm, có thể thấy được sự đòi hỏi về mặt nội dung với một tác phẩm nghệ thuật đích thực là như thế nào? Nó không chỉ là những nội dung dễ trùng lắp, nó mang trong nó một phát minh về hình thức, về tư tưởng. Vì người nghệ sĩ hơn ở chỗ biết tìm ra những hiện tượng đặc sắc có thể nói lên rõ rệt bản chất của hiện thực. Độc giả tìm đến với những tác phẩm nhằm để bồi đắp tâm hồn, làm phong phú tri thức. Bởi lẽ đó, người nghệ sĩ luôn phải có một cái nhìn mới, một dấu ấn chủ quan trong mọi vấn đề. Cuộc sống chính là đề tài muôn thuở và vô tận cho những kiệt tác văn học. Nhưng sự hiểu biết và hứng thú của nhà văn đều có hạn. Buộc họ phải liên tục đi tìm mảnh đất mới đề gieo mầm tư tưởng, để có những mới mê trong những đề tài quen thuộc. Để có một con đường riêng khẽ chạm đến cuộc sống và trái tim bạn đọc. Văn học không chỉ xoay quanh những nội dung thuần tuý, một tác phẩm đích thực cần được khai mở một cái nhìn đa chiều về mặt nội dung. Như trong “Đây Thôn Vĩ Dạ” của nhà thi nhân Hàn Mạc Tử, tác giả đã vận dụng ngòi bút tài hoa của mình để cách điệu sự chia ly tan tác, lạc loài cùng nỗi nhớ nhung đối với người con gái ở thôn Vĩ bằng hình ảnh thiên nhiên:
“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay”
Với giọng điệu mới mẻ cùng nhịp thơ 4/3 đã thể hiện sự chia cách. Hình ảnh gió mây không miêu tả một cách đơn thuần, sự sáng tạo trong giọng thơ làm bạn đọc như gợi lên hình ảnh gió mây ngược lối trước mắt. Nâng tầm giá trị của tác phẩm, tạo cho nó màu sắc riêng biệt không bị trùng lắp. Tương tự là tác phẩm “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Nếu trong Nguyễn Đình Thi, hình ảnh đất nước trở nên hào hoa, kiêu hãnh, lãng mạn, và tràn đầy sức sống:
“Mùa thu nay đã khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre bay phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha”
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre bay phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha”
thì Nguyễn Khoa Điềm lại đem Đất Nước với hình ảnh giàu có về văn hoá, là sức mạnh của chân lý:
“Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn.”
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn.”
Cùng với một đề tài về Đất Nước nhưng ở mỗi nhà thơ đều mang một nét rất riêng, một cách nhìn, một cách hiểu khác nhau. Từ đó tạo nên sự đa dạng và phong phú để dung nạp vào nền văn học nước nhà những áng văn thơ bất hủ sống mãi với thời gian.
Cuối cùng tác phẩm nghệ thuật đích thực có nghĩa là tác giả đang khám phá nội dung ở góc nhìn hiện thực và nhân đạo. Thật là như vậy, Mộng Liên Đường Chủ Nhân đã từng có một nhận định đúng đắn khi nói về Tố Như: “Phải có con mắt trông suốt sáu cõi và tấm lòng nghĩ thấu ngàn đời mới có cái bút lực ấy”. Với cái tâm hồn thấm đầy tình trào trên đầu ngọn bút của Nguyễn Du, của Đoạn Trường Tân Thanh nhuốm lệ. Từ một tác phẩm không tiếng tăm, có thể nói là xếp dô hàng loại xoàng xĩnh, thì Nguyễn Du đã biến Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân trở thành tác phẩm văn học kiệt xuất thời đại. Tác phẩm không chỉ phản ánh cuộc sống đầy bất công mà còn mang lại giá trị nhân đạo, điển hình như Thuý Kiều, một cô gái tài sắc:
“Thông minh vốn sẵn tính trời
Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đửt Hồ cầm một trương.”
Pha nghề thi hoạ đủ mùi ca ngâm
Cung thương làu bậc ngũ âm
Nghề riêng ăn đửt Hồ cầm một trương.”
(Truyện Kiều)
Thật đẹp! Khi Tố Như đã kết tinh trong lòng bàn tay Thuý Kiều bao nhiêu tài hoa, từ ánh mắt đến bờ môi, từ lời văn đến tư dáng, sự hội tụ của thiên nhiên, trí tuệ con người. Nhưng Kiều đẹp là thế nhưng cái thuyết “Tài mệnh tương đối” vẫn đè nặng lên tư tưởng Tố Như:
“Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.”
Tài ấy, sắc kia nhưng nàng Kiều vẫn mang trong một số phận truân chuyên chua xót, đầy những bất công oan trái. Tác phẩm đã không xoáy sâu vào vẻ đẹp ấy, mà đi sâu vào số kiếp con người, số phận của người phụ nữ xã hội phong kiến. Một hiện tượng đáng lên án, khi chính đồng tiền đã tước đi quyền sống, quyền hạnh phúc của con người. Một xã hội kim tiền được xây lên bởi những viên gạch đầu tiên, nên Tố Như đã căm tức mà thốt lên rằng: “Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong”.
Có thể thấy được sự ngậm ngùi, cay đắng trong câu nói của Tố Như, khi đồng tiền lên ngôi, sức mạnh đồng tiền trở nên vạn năng:
“Tính bài lót đó luồn đây
Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”
Có ba trăm lạng việc này mới xuôi”
hay là:
“Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm”
Nguyễn Du đã phơi bày tất cả ra ánh sáng, những hiện thực phũ phàng của bọn quan lại tham lam, bỉ ổi. Hiện lên một xã hội thối nát, bất công. Ở đó không tồn tại pháp luật hay sự công bằng. Nó dễ dàng bị mua chuộc, đổi trắng thay đen. Bọn tàn ác đã tước đi cuộc sống đáng lẽ đã là của nàng Kiều:
“Một là cứ phép gia hình
Một là lại cứ lầu xanh phó về”
Một là lại cứ lầu xanh phó về”
Gần như làm rõ nên số phận người phụ nữ xưa đã được định đoạt. Họ không có quyền mưu cầu hạnh phúc cho riêng mình. Một sự đắng cay mà Nguyễn Du đã khắc lên qua từng con chữ. Nhưng tác giả đã mở tầm nhìn rộng hơn để bạn đọc thấy được giá trị nhân đạo trong tác phẩm. “Truyện Kiều” chính là tiếng nói, là ước mơ về một tình yêu tự do, khát vọng công lí cho thân phận người phụ nữ xưa. Tố cáo sự tàn ác, tham lam của bọn Mã Giám Sinh, Tú bà trong xã hội cũ.
Mỗi một nghệ sĩ, khi lặng nhìn cuộc sống, đều nỗ lực tìm ra một cách khám phá mới lạ. Cùng viết về nông dân, nhưng Nam Cao vẫn có một nhân sinh quan khác với Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan. Chính vì thế, người nghệ sĩ không thể xem sáng tác như một thứ nghề để chơi, mà cần phải có sự khổ luyện tìm tòi. Nên nhà phê bình văn học Ai-ma-tốp đã từng nói: “Tác phẩm chân chính không kết thúc ở trang cuối”. Những tác phẩm đích thực sẽ nằm ngoài sự băng hoại của thời gian và sống mãi trong lòng người đọc.
Đề bài: Nhà văn Nga Lêônit Lêônôp có viết: "Mỗi tác phẩm là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung". Anh, chị hãy bình luận ý kiến trên. (Đề thi Học sinh giỏi Quốc gia năm 1998, bảng A)
(Bài làm đạt giải Nhất của học sinh Lê Thị Hồng Hạnh - trường THPT chuyên Hùng Vương - Phú Thọ)
"Ai bảo dính vào duyên bút mực
Suốt đời mang lấy số long đong."
Nguyễn Bính đã từng than thở như thế. Bao con người cũng phải gánh chị nỗi đau vì sự bạc bẽo của văn chương. Tai sao như vậy? Phải chăng nghệ thuật đòi hỏi rất cao ở người nghệ sĩ, đúng như Lêônit Lêônôp đã yeu cầu: "Mỗi tác phẩm là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung".
Cũng như ý kiến của Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Măcxin Gorki..., nhà văn Nga Lêônit Lêônôp muốn khẳng định các nghệ sĩ phải trau dồi cá tính sáng tạo của mình. Mỗi tác phẩm phải là một sự hiện diện của nhà văn đối với cuộc đời. Do vậy cái mới, cái độc đáo trong phong cách của người sáng tác phải thể hiện ở sự tìm tòi cái mới về nghệ thuật cũng như nội dung. Nghệ thuật là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Hiện thực cuộc sống là kho đề tài vô tận để người nghệ sĩ khám phá, phát hiện, nhưng đối với mỗi cây bút, nó lại được chiếu rọi dưới một ánh sáng riêng. Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình và biết làm cho ấn tượng ấy có được hình thức riêng biệt, độc đáo. Đúng như vậy, sự lặp lại tẻ nhạt là cái chết của nghệ thuật.
Cuộc sống bày ra trước măt biết bao cảnh ngộ, số phận. Người nghệ sĩ hơn những người bình thường ở chỗ biết tìm ra những hiện tượng đặc sắc có thể nói lên rõ rệt bản chất của hiện thực. Độc giả tìm đến với tác phẩm trước hết là để bồi đắp tâm hồn, làm phong phú hơn vốn tri thức. Vì lẽ đó, người sáng tac phải đem đên cho họ một cái nhìn mới, mang đậm dấu ấn chủ quan.
Cuộc sống là phong phú vô tận, nhưng sự hiểu biêt và hứng thú của nhà văn thì có hạn. Do đó ngoài việc tìm đến những mảnh đất mới của hiện thực để gieo mần tư tưởng, người nghệ sĩ phải biết phát huy vố ấn tượng riêng của mình để tìm ra những gì mới mẻ trong những đề tài quen thuộc. Có như vậy, nhà văn mới tránh khỏi sự lặp lại vô nghĩa những điều mà người khác đã nói. Nói cách khác, mỗi nghệ sĩ phải tìm ra cho mình một con đường riêng để đến với cuộc sống và trái tim bạn đọc. LepTônxtôi đã từng nói với những người viết văn trẻ, đại ý: Nào, các anh có đem đến cho chúng tôi một cái gì mới khác với những người đến trước anh không? Bàn về thơ Nguyễn Tuân cũng khẳng định: "Thơ là đã mở ra được một cái gì đó mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó, vẫn như là bị đóng kín".
Mỗi tác phẩm là một thông điệp thẩm mỹ mà người nghệ sĩ gửi đến bạn đọc. Do đó trước hết mỗi tác phẩm là một "khám phá về nội dung". Muốn vậy, nhà văn không chỉ là "người thợ khéo tay, làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho", mà phải biết "đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa ai có" (Nam Cao). Nhà văn phải biết nhìn sâu vào cuộc sống, hiểu về tâm hồn của con người để khám phá ra những vấn đề mới, cất tiếng nói riêng của mình với cuộc đời. Trong nghệ thuật, nội dung và nghệ thuật gắn bó chặt chẽ, mật thiết với nhau. Nội dung là nội dung của hình thức, hình thức là hình thức của nội dung. Một nội dung mới sẽ tìm cho mình một hình thức mới. Sự thay đổi về hình thức biểu hiện cũng có thể kéo theo sự thay đổi về nội dung. Có khi nhà văn đề cập đến những vấn đề của muôn đời nhưng lại nói với giọng điệu riêng, âm sức riêng của tâm hồn mình; do vậy tác phẩm vẫn đem đến cho người đọc cái mới đáng quý.
Cái độc đáo sáng tạo về nội dung và hình thức của tác phẩm tạo nên phong cách riêng của người nghệ sĩ không phải là chuyện cách nói mà chủ yếu là vấn đề cách nhìn, một cách nhìn nếu không do nghệ sĩ đem lại thì không bao giờ có được. Cái mới không chỉ đơn thuần thuộc về nội dung hay nghệ thuật một cách cực đoan, có nghĩa là không chỉ đơn thuần tìm ra cái mới trong hình thức mà trước hết phải xuất phát từ các mới của nội dung. Khi cả tác phẩm toát lên cốt cách riêng, phong vận riêng mới lạ thì nó sẽ tác động mạnh mẽ vào người tiếp nhận. Người nghệ sĩ đi sâu vào cái chủ quan, cái cá nhân của mình, mặt khác vẫn phải gắn bó với cuộc sống để không đẩy sự mới lạ lên thành cá nhân chủ nghĩa.
Mỗi thời đại, mỗi tác giả góp vào dòng chảy văn học một cách cảm nhận mới, một niềm trăn trở khác nhau và một cách nói mới. Điếu này sẽ tạo ra tính liên tục, phát triển sự phong phú của nền văn học. Mỗi giai đoạn văn học, mỗi nghệ sĩ có một bản sắc riêng, một diện mạo riêng. Chính những phát minh về hình thức đã góp phần làm cho văn học nhân loại vận động từ kiểu sáng tác này đến kiểu sáng tác khác.
Trong văn mạch dân tộc, nhìn trên diện rộng cũng có thể thấy mỗi thời đại để lại một khí chất, mang một cảm hứng chủ đạo khác nhau. Văn học Lí, Trần, Lê lấy cảm hứng chủ đạo là lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Sang giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, các nhà nghệ sĩ lại bị ám ảnh hơn cả bởi vấn đề số phận con người. Họ không đi vào ngợi ca cảnh thài bình thịnh trị như văn học thời Lê mà xoáy sâu vào bi kịch của những thân phận con người. Mỗi tác phẩm lớn của thời kỳ này là một tiếng yêu thương mỗi cá nhân. Sang giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, cảm hứng nổi lên trong văn học chân chính lại là tình yêu mãnh liệt, khát vọng độc lập dân tộc. Vào những năm đầu của thế kỷ XX, các thi sĩ phong trào thơ mới nói lên khát vọng cởi trói cho cái "tôi" cá nhân của mình... Mỗi thờ đại có một nét riêng và cải riêng ấy dội vào tác phẩm với những âm hưởng khác nhau. Thú vị thật, độc đáo nhất với người đọc lá sự lắng nghe những giọng điệu riêng của mỗi tâm hồn nghệ sĩ. Lĩnh vực thử thách lớn nhất đối với tài năng người cầm bút là trong một đề tài quen thuộc, anh có thể nói lên được điều gì mơi lạ hay không. Bản sắc riêng, khí chất riêng của mỗi tâm hồn làm cho mỗi tác phẩm có một diện mạo riêng.
Cũng viết về kỹ nữ, nhưng Bạch Cư Dị, Nguyễn Du, Xuân Diệu, Tố Hữu, mỗi người có một cách nhìn riêng, một cách nói riêng. Bằng khúc "Tì Bà Hàng", thi sĩ họ Bạch cất lên tiếng nói xót thương đầy cảm thông cho người phụ nữ tài sắc và cũng thể hiện nối đau trong chính số phận long đong, lận đận của mình. Tiếng hát của người kỹ nữ cất lên giữa đêm trăng cô vắng làm thức dậy bao nỗi niềm của chàng Tư mã áo xanh. Nỗi xót thương ấy, nỗi đau khổ ấy vẫn gặp trong văn học cổ điển. Thấm thía mà nhẹ nhàng, nỗi sầu muốn lan ra cùng cảnh vật:
"Bến Tầm Dương đêm khuya đưa khách
Quạnh hơi thu, lau lách đìu hiu"
Không hiểu sao hai chữ "canh khuya" với mỗi tâm hồn Việt Nam lại có sức gợi đến thế? Không chỉ gợi cái khuya của thời gian mà còn chứa sẵn trong đó cảm giác bất trắc, muôn màng, e sợ. Nỗi buồn lan ra theo những dải tơ trời , khiến không gian như lặng ngắt để lắng vào cõi tâm tư, thấm vào lòng người và tràn ra thành dòng lệ. Nỗi đau ở đây là sự cộng hưởng của hai nguồn yêu thương: thương người và thương thân, tạo mối tình tri âm và tri kỷ, nói đúng hơn là tạo nên sự xót thương, đồng cảm giữa những nạn nhân đau khổ cùng một lứa bên trời lận đận. Mang tấm lòng đầy yêu thương đến với cái đẹp. Nguyễn Du lại nhìn thấy trong thân phận bất hạnh của người ca nữ nơi đấu Long Thành cả lẽ hưng phế của thời cuộc bể dâu, của một đời người đã trải qua bao cơn sóng gió, bao phen giang sơn thay chủ đổi ngôi. Cảm quan dâu bể thấm sâu trong từng câu chữ, tạo thành nỗi thương người, thương đời da diết của nhà thơ.
Tất cả những cảm thương, đau đớn ấy thể hiện những nét tâm tình của con người trung đại, yêu thương mà bất lực, bất lực nhưng vẫn lặng lẽ nếm chịu nỗi đau. Sang đến thơ mới, cái "tôi" cá nhân thức dậy với sự tự ý thức về bản ngã rất mãnh liệt. Ở một hồn thơ cuồng nhiệt như Xuân Diệu, hình ảnh người kỹ nữ không đau xót một cách ngậm ngủi nàng như run lên vì đau khổ và giá lạnh.
"Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo
Trời đầy trăng lạnh lẽo buốt xương da"
Nàng như một linh hồn cô đơn bị vây phủ bởi bốn bề lạnh lẽo. Cái lạnh xuyên thấu vào tâm can. Trăng không "trong vắt" một cách tĩnh lặng, xa xôi mà từ cái sáng của vầng trăng còn toả ra hơi lạnh và sự cô đơn.
Nếu như Bạch Cư Dị, Nguyễn Du, Xuân Diệu yêu thương mà vẫn bất lực, vẫn chỉ biết đau đời cất lên tiếng kêu tuyệt vọng với con tạo hay đánh ghen với khách má hồng, thì Tố Hữu lại đem đến cho chúng ta một niềm lạc quan, tin tưởng . Từ trong hiện tại còn bao nhục nhã, xót xa, thi sĩ đã hướng tới ngày mai, một ngày mai tươi sáng. Nhà thơ khẳng định cuộc đời đau khổ của người kĩ nữ kia sẽ đổi thay:
"Ngày mai bao lớp đời dơ
Sẽ tan như đám mây mờ hôm nay"
Như vậy, cùng viết về người kĩ nữ, các nhà nghệ sĩ đã gặp nhau ở sự đồng cảm, xót thương. Nhưng mỗi tác phẩm lại có một linh hồn riêng, tạo nên sức sống riêng. Nếu Bạch Cư Dị, Nguyễn Du viết bằng thể thơ Đường luật thì Xuân Diệu lại sử dụng thể thơ tự do, thoát khỏi sự gò bó về niêm luật.
Thiên nhiên cũng là một đề tài muôn thuở của văn chương nhưng không bao giờ cũ bởi mỗi thời đại, mỗi nghệ sĩ lại nhìn thiên nhiên ấy với một cảm quan riêng. Trong thơ cổ, thiên nhiên mang kích thước vũ trụ và thường được miêu tả như là bức tranh tĩnh lặng. Cảnh vật thiên nhiên được khắc hoạ bằng đoi nét chấm phá cốt ghi lấy cái linh hồn của tạo vật. Cũng là gió ấy, trời nước ấy nhưng thiên nhiên hiện lên trong mỗi tác phẩm một khác. Ta hãy cùng thưởng thức thiên nhiên trong thơ Nguyễn Trãi:
"Nước biếc, non xanh thuyền gối bãi
Đêm thanh, nguyệt bạc khách lên lầu."
Cảnh vật hiện lên như bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Màu xanh của nước hoà cùng màu xanh của non tạo nên một vẻ đẹp thanh nhã. Con "thuyền gối bãi" thật nhàn nhã, lặng lẽ. Cảnh tĩnh như không có chút xao động nào. Cả một bầu không khí thanh sạch, thơ mộng được mở ra. Nói là cảnh đêm mà sao ta vẫn thấy lung linh ánh sáng. Bến nước hay là bến thơ? Dường như không có chút bụi trần nào làm vẩn đục khung cảnh ấy. Hình ảnh con người - chủ thể trữ tình không đối diện với người đọc bằng một cái tôi cá thể một là nói về ai đó, có thể là một khách văn chương. Tư thế con người là đang vận động, đi lên cao, nhưng sao vẫn tĩnh lặng như không. Thi nhân thả hồn mình vào thiên nhiên, đắm say thiên nhiên, nhưng vẫn lặng lẽ, vẫn ung dung như đứng ngoài dòng chảy của thời gian. Ức Trai giao hòa với cảnh vật nhưng không hề làm cho nó động lên mà tất cả nhưng ngưng đọng lại.
Đến thời Nguyễn Khuyến, thiên nhiên vẫn mang nét đơn sơ, tĩnh lặng ấy:
"Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao
Câu trúc lơ phơ gió hắt hiu."
Từ xanh gắt không chỉ gợi độ xanh mà còn gợi chiều cao, chiều sâu thăm thẳm. Không gian thanh sạch như được đẩy ra tới vô cùng. Cảnh có chuyển động nhưng thật khé khàng. Cái lơ phơ vừa gợi sự thưa thớt của lá trúc trên cầu trúc vừa gợi sự lay động nhẹ nhàng. Dường như cái lơ phơ ấy chỉ để nhận ra làn gió hắt hui.
Cũng là mùa thu ấy, làn gió ấy khi vào thơ Xuân Diệu chúng trở lên khác hẳn:
"Những luồng run rẩy rung ring lá
... Đã nghe rét mướt luồn trong gió"
Làn gió của Xuân Diệu không hắt hui thổi mà run rẩy vì thu đến. Rét mướt như một sinh thể ẩn trong gió. Cũng là cảnh cây cối, nhưng trong cảm quan của Xuân Diệu, lá cây cũng run lên vì lạnh.
Từ vầng trăng trong thơ Nguyễn Khuyến đến vầng trăng trong thơ Xuân Diệu cũng khắc biệt biết bao. Với Nguyễn Khuyến, vầng trăng hiều hoà như người bạn muôn đời của thi nhân:
"Nước biết trông như tầng khói phủ
Song thưa để mặc bóng trăng vào"
Vầng trăng cứ thế giãi lên thềm, cứ lọt qua song cửa, nơi giao lưu của tinh thần. Trăng với người đồng cảm, đồng điệu, nhưng tình cảm ấy cũng có cái gì đó lẵng lẽ. Vầng trăng vẫn còn mang vẻ tự nhiên của tạo vật không lời.
Đến Xuân Diệu, trăng như có linh hồn, có tâm tư, trăng cũng thấm thía nỗi cô đơn: Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ. Có thể nói, lòng yêu thiên nhiên của Xuân Diệu mang cái đắm say của một hồn thơ khao khát sống, khao khát yêu đương mãnh liệt. Đọc "Vội vàng" ta cũng thấy đây là "một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung". Không hiểu sao đến với bài thơ này nói riêng, thơ Xuân Diệu nói chung tôi cứ nghĩ đến tiếng hát của chàng Danjyar trong truyện Giamilya của Aimatôp. Chàng trai ấy đã cất tiếng hát từ tình yêu mê đắm của mình không chỉ mê đắm một con người cụ thể mà là tình yêu đối với cuộc sống, cả đất trời này. Thực sự "Xuân Diệu là một nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới" (Hoài Thanh). Khi ông nói đến thiên nhiên cũng là nói đến niềm say đắm cuộc sống. Trái tim bồi hồi, rạo rực, băn khoăn ấy đã tự tìm cho mình bộ "y phục tối tân", trút cái "áo cổ điển" gò bó tìm đến thể thơ tự do với những câu dài ngắt khác nhau. Thơ Xuân Diệu bài nào cũng có sự hăm hở, say đắm. Thi sĩ cuống quýt, hối hả để tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên, chứ không chỉ lặng lẽ ngắm nhìn như các nhà thơ cổ.
Mỗi nghệ sĩ khi đi sâu vào cuộc sống, đều nỗ lực tìm ra một cách khám phá mới lạ. Cũng viết về nông dân, Nam Cao khác Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, ... Chính những khám phá mới ấy đã tạo nên sự phong phú, đa dạng của nền văn học. Để tạo ra cái mới, người nghệ sĩ cần có tài năng, có năng khiếu bẩm sinh để phát huy cái riêng của mình. Để tạo ra sự mới lạ, nhà văn không thể xem sáng tác như một thứ nghề chơi mà cần có sự khổ luyện, có sự đào sâu tìm tòi.
Một nhà văn nước ngoài có nói đại ý: Trong văn chương có những niềm hạnh phúc trong nỗi đau tột cùng mà chỉ người nghệ sĩ mới hiểu được. Sáng tạo ra cái mới chính là kết quả của sự công phu và tài năng, nó tạo sức mạnh cho người nghệ sĩ chiến thắng quy luật băng hoại của thời gian.