Dự thi Tấm lịch cũ của ba

Dự thi  Tấm lịch cũ của ba

Truyện ngắn Tấm lịch cũ của ba-Văn học trẻ.jpg

ẢNH: SƯU TẦM
Ngày 23 tháng Chạp năm nào đó….

Con gà trống nhà hàng xóm gáy vang một góc trời, gọi người thức dậy. Nhỏ Thùy cứ hay phàn nàn vì hay bị âm thanh đó cắt ngang chiêm bao mộng mị. Giấc mơ đẹp sắp được trọn vẹn lại thành dở dang, có cố ngủ lại cỡ nào cũng không được. Nhỏ đâm ra giận nguyên bầy gà bên nhà cô Ba. Nhưng hôm nay đến lạ. Nhỏ dậy trước cả tiếng gà, cuốn mùng, xếp gối mền ngay ngắn rồi ngồi đợi gà gáy.

Khoảng sân trước nhà còn ướt hơi sương, bình minh phía xa xa còn chưa kịp ghé thì đã nghe tiếng máy xe ba nổ giòn chở má đi chợ cho ngày đưa ông Táo về trời. Thùy lon ton ra mở cửa không quên dặn “Ba má nhớ mua nước ngọt cho con nha”. Trẻ con chỉ có Tết là được đường đường chính chính đòi ba má mua nước ngọt cho uống, thứ nước với con nít là tất cả hương vị Tết. Nước ngọt cũng là lý do Thùy dậy sớm như sáng nay, dù tối trước khi ngủ nhỏ đã dặn đi dặn lại ba má cỡ chục lần. Cũng không phải vì sợ ba má quên, chỉ là nhỏ đang xốn xang trong lòng, muốn nhắc tới nhắc lui hoài điều nhỏ khoái.

“Ba má hôm nay đi chợ lâu dữ”, Thùy ngồi trên ghế đá bên hiên nhà, nhắc đi nhắc lại điệp khúc đó. Nhỏ còn bày ra vẻ mặt suy tư của người lớn mà nhỏ xem trên mấy phim Đài Loan. Cô Ba giặt mớ mùng mền ngoài sân cũng ngó qua nhỏ Thùy, vẻ mặt cảm thán như kiểu “Con nít thời nay mau lớn ghê, mới 6 7 tuổi đầu đã ra được bộ dạng âu lo đó”.

Ngồi bên hiên nhấp nhỏm chừng 10 phút mà như 10 tháng trời, nhỏ lẩm nhẩm “Hay là mình đi ké cô Chín ra chợ kiếm ba má” ra bộ đắn đo cân nhắc. Nhỏ biết nhỏ sẽ cứ đứng đây đợi thôi, đi cùng cô Chín thì được nhưng sinh ra đủ thứ lặt vặt phiền hà. Biết vậy rồi mà nhỏ cứ nghĩ về ý định đó, kiểu muốn để đầu óc bận rộn. Bác Năm hàng xóm thấy con nhỏ Thùy loay hoay đi tới đi lui cũng gọi ới ra “Nay chợ đông, ba má bây còn lâu mới về, vô nhà bật vô tuyến coi đi cho khỏe”. Gọi bằng bác là vậy nhưng bác Năm cũng xấp xỉ, Thùy thấy mến và nể trọng lắm nên nhỏ vâng lời vào nhà. Vẻ mặt lúc ấy như đang phải làm điều gì đó bất đắc dĩ và khổ tâm lắm.

Nhỏ thơ thẫn đi nhóm bếp, đun nước nấu trà, uống gần nửa bình vẫn chưa thấy bóng dáng ba má: “Gì mà lâu quá chừng. Người ta chờ cũng mệt chứ bộ”. Ngồi đợi trong mỏi mòn, Thùy tinh nghịch mở tủ sách, lựa một quyển có vẻ dày nhất rồi bắt chước điệu bộ của ba. Bày trò vậy nhưng Thùy cũng sợ ba rầy la lắm, vì nó thấy ba quý mấy cuốn sách, mỗi lần mở tủ là nâng niu như má cất vàng. Cũng vì vậy mà nó lôi thêm tấm lịch cũ làm đế lót cuốn sách cho đỡ dính bẩn.

Nắng ban mai bắt đầu sưởi ấm cả khoảng sân nhà. Tiếng xe máy của ba từ từ gần lại, ba bấm chuông teng teng cho nhỏ Thùy ra mở cổng. Hôm nay giỏ của má chất đầy, coi bộ xách từng đó đồ chen chúc giữa dòng người đông đúc trong chợ cũng làm má mệt lắm, vầng trán ướt mồ hôi. Nhỏ lật đật chạy ra, cuống quýt sao mà quơ tay đổ bình trà. Dòng nước nhanh chóng lan ra làm ướt tấm lịch cũ. Vẻ mặt nhỏ từ giật mình thành thảng thốt rồi thành thở phào nhẹ nhõm vì nước không làm ướt cuốn sách.

Chạy vội ra mở cổng, nhỏ lí lắc hỏi liền về cái nhỏ chờ đợi sáng giờ:“Nước ngọt, có mua nước ngọt cho con không má”. Má biết con má đã khổ sở chờ ngóng: “Có, mới đầu má quên rồi, bữa nay lu bu đủ thứ đồ đưa ông Táo về trời nè. Mà may sao đi nửa đường về thì ba bây nhớ ra mới quay ngược lại chợ mua cho bây”. Nhỏ cười hì hì, nhảy chân sáo từ cổng vô nhà. Bữa nay má mua nhiều bông đẹp quá, mà nhỏ không quan tâm chúng lâu, phụ má sắp xếp mớ đồ vừa mua ra, nhỏ cầm liền lon nước ngọt đem cất. Ba thấy nhỏ xách lon nước chạy ào ào vô phòng ngủ cũng hỏi:“Đem đâu vô phòng ngủ vậy con”. Nhỏ vừa chạy vừa trả lời với theo hướng ba: “Con cất để dành lúc bắn pháo bông con uống”.

Cái dáng gấp gáp, nhanh nhảu của Thùy lướt qua vèo, ba nhỏ chỉ hỏi vậy thôi chứ cũng hiểu tính con gái, năm nào con nhỏ cũng cất nước ngọt dưới gối. Con nít có những thú vui người lớn khó hiểu, với họ đó có thể là điều ngớ ngẩn hoặc vô nghĩa nhưng với tụi nhỏ đó là cả thế giới. Với nhỏ Thùy, lon nước ngọt đó là cả cái Tết, nhỏ đâu cần củ kiệu, bánh tét như ba má.

Đang gói lon nước qua mấy lớp mền, nhỏ Thùy nghe tiếng ba đang văng vẳng ngoài hiên: “Thùy, bây phá tấm lịch của ba phải không?”. Nhỏ Thùy hớt hải chạy ra khi nghe tên mình, ba ít khi lớn tiếng nên lần này vừa chạy nó vừa sợ. Nhìn tấm lịch đã ướt gần hết, mềm nhũn ra, nhỏ lấm lét: “Dạ con chỉ lỡ tay làm đổ, nhưng cuốn sách không sao, tấm lịch này để con dọn dẹp rồi đem bỏ”. Nhỏ định chạy đi kiếm khăn lau bàn thì ba nhỏ chặn lại: “Đi vô phòng, khuất mắt ba”. Trước giờ ba luôn nhẹ nhàng với nhỏ, lúc làm bể bình bông văng mảnh vỡ khắp nhà, má la um trời ba cũng chỉ răn dạy vài câu, lần này ba lớn tiếng lại con kêu nhỏ khuất mắt ba, nhỏ chạy ào vô phòng, nước mắt rơi lã chả.

Nhỏ không biết tại sao ba lại giận dữ như vậy, dù biết mình có lỗi nhưng chẳng phải cuốn sách vẫn nguyên vẹn đó sao. Bữa trưa đó má gọi ra ăn cơm nhưng Thùy giận dỗi, nằm ì trong phòng, má gọi sao cũng không lên tiếng. Giận thì giận nhưng bụng nhỏ vẫn đang kêu gào, mớ nước trà uống lúc sáng không lấp đầy được cái dạ dày tham ăn của nhỏ. Ngủ thiếp đi lúc nào không hay, lúc mở mắt ra là má với tô cơm nóng hổi có món thịt kho nhỏ khoái. Má vuốt mớ tóc ướt nhem do ẩm nước mắt sang hai bên vành tai cho Thùy, vừa nhìn nhỏ ăn vừa dạy bảo.

- “Ba không giận bây về cuốn sách, ba giận vì tấm lịch bị ướt”. Má nói.

- “Nhưng nó có gì đâu, con thấy nó cũ lắm rồi”. Nhỏ Thùy vừa ăn vừa ngạc nhiên, mở to mắt.

- “Tấm lịch đó theo ba còn trước má, ba kể hồi ba 10 tuổi nhà đón Tết mà không có kiệu, bánh tét hay thịt kho hột vịt gì hết, nhà chỉ có tấm lịch mà bác hàng xóm cho. Cũng tấm lịch đó cho ba cảm giác Tết”. Má vừa kể vừa xoa đầu Thùy.

- “Tết hồi xưa mà con, làm gì có nước ngọt rồi đầy đủ như bây giờ, ba má cũng làm lụng vất vả mới được vậy nhưng hồi xưa nghèo khổ thì vẫn nhớ, không quên được”. Má tiếp lời.

“Ba cũng cất tấm lịch đó để tự nhắc nhở bản thân ba về cuộc sống cơ cực hồi trước, cũng là kí ức về ba má của ba. Ông bà nội bây cũng đi được vài năm, ba bây cũng hay lấy tấm lịch đó ra nhìn mỗi khi nhớ hai người đó. Hồi xưa gia đình không chụp được tấm ảnh tử tế nên giờ toàn nhìn vật nhớ người. Bởi vậy ba quý tấm lịch đó dữ lắm”. Má thoáng chút nghẹn ngào rồi nói tiếp.

- Thôi xin lỗi ba đi, ba giận vậy thôi chứ một chút cũng xong hết. Lúc nãy ba còn dặn chừa thịt nhiều cho con Thùy”. Má dặn rồi đi ra khỏi phòng.

Nhỏ Thùy nín lặng nghe má kể. Nhỏ biết đã làm gì sai và trong người tràng ngập cảm giác hối hận vì cuốn lịch. Nhỏ gạt nước mắt, bước từng bước thận trọng đi tìm ba. Nhà bếp không có, ngoài vườn không có, phòng khách phòng ngủ cũng không. Chắc chỉ còn ngoài hiên, nhỏ rón rén hé mắt ra nhìn. Ba đang kê tấm lịch ướt lên cái ghế, đặt ở chỗ nhiều nắng. Nhìn tấm lưng gầy của ba loay hoay xoay trở cái ghế ngay chỗ nắng gắt làm lòng Thùy thắt lại. Kỉ niệm làm người ta mạnh mẽ và cũng làm người ta yếu đuối. Hình ảnh ba của lúc này là lần đầu Thùy thấy và sẽ là hình ảnh không thể nào quên.

23 tháng Chạp nhiều năm sau đó…..

“Lúc đó vợ bây chạy ra ôm chân ba rồi khóc chứ không nói gì, ba cũng đâu giận nó được, thì ba kêu nín nín ba thương”.

Ba vừa hớp ngụm trà vừa kể với Long. Má và Thùy đang chụm đầu cắm mớ bông, nhà bếp có hai người đàn bà mà rôm rả như chục người. Chuyện của năm đó đã lùi xa, năm nay vợ chồng Thùy về ăn Tết bên nhà ba má Thùy, ba vợ con rể được dịp nhắc chuyện xưa. Mớ bông mai nở sớm cùng từng đợt gió xuân làm ba Thùy nói nhiều hơn mọi ngày, hay vui vì đón Tết đông người như năm nay thì chắc tự ba mới biết. Thùy chỉ tự nhủ lòng năm nào cũng thu xếp chu đáo để ít gì cũng về với ba má vài ngày nhân mấy ngày đặc biệt này.

Đang loay hoay nấu cơm chiều thì má hỏi Thùy: “Lon nước của bây cất cho kĩ, vài bữa thằng cháu cô Ba qua chơi nó uống là má không biết tính sao đâu nha”. Thùy cười mỉm, bao nhiêu năm rồi kể từ năm đó, lon nước ngọt ngày cũ vẫn theo cô từ nhà trọ này qua nhà trọ khác, từ căn nhà đầu tiên cho tới căn nhà hai vợ chồng an cư, cô vẫn giữ bên mình. Tết nào cô cũng mang nó theo bên mình để tự ôn lại ngày 23 tháng Chạp năm đó. Kỉ niệm ngày đó được tượng hình trong lon nước ngọt rồi lại được Thùy gói gém, gìn giữ cẩn trọng như tấm lịch cũ của ba. Người lưu giữ kiểu này, người kiểu khác nhưng cũng khác gì nhau khi tất cả đều giữ ở trong tâm. Thế gian này thật đẹp biết bao khi có những tình cảm vĩnh viễn không suy suyển mặc cho vật đổi sao dời.

*Bài viết có sử dụng phương ngữ Nam Bộ
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa Từ khóa
mùa tết quê tôi tình cảm gia đình
869
7
3
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.