Tết thật gần

Tết thật gần

Cuối đông, những cơn gió bấc cuối cùng nhẹ thổi, khi khe khẽ vờn trên những tán cây bàng còn thưa thớt lộc non, khi mơn man đùa nghịch với mái tóc mây của cô em gái đương độ xuân thì. Cơn gió như đang thầm thì với cảnh và người lời tạm biệt của mùa đông trước khi nhường lại đất trời này cho mùa xuân ấm áp. Thiên nhiên đang chuyển mình. Đó là sự chuyển giao ngọt ngào mà ta dễ dàng nhận ra: ngày không còn rét mướt, chỉ một chút se lạnh mỗi sớm mai để cô em gái tóc mây nọ thay thế lớp áo dày cộm mùa đông bằng những chiếc áo nhẹ nhàng, tha thướt hơn. Nắng nhẹ trải vàng nơi nơi. Nắng gọi những mầm non còn đang lim dim khép mắt sau lớp vỏ cây sần sùi bừng tỉnh. Đây đó, người ta tất bật hoàn thành những công việc dở dang để trở về và đón những người con xa xứ trở về nhà vui Tết. Giao mùa, con người và thiên nhiên đều có sự thay đổi: rộn ràng, tươi vui và tràn đầy nhựa sống.
1643162117517.jpeg

(Tết thật gần - Ảnh: ĐK)​

Mùa xuân là thời gian của sự hồi sinh và phát triển. Giữa tháng chạp đã thấy nhộn nhịp hình ảnh mùa xuân đang về khắp khu vườn nhỏ. Từng luống rau thẳng hàng lún phún vươn mình lên khỏi mặt đất. Nào cải, nào xà lách, tần ô, rồi hành, ngò… mới hôm qua còn li ti những chấm màu xanh nhạt trên nền đất phủ rơm mà sáng nay đã phát triển thành những lá mầm đầu tiên, đựng được cả giọt sương mai lấm tấm vào buổi bình minh. Trong tán lá sẫm màu của cây mai già, chồi non đã lấp ló. Lá mai không tự rụng như lá bàng, muốn cây có chồi khỏe, hoa dày thì cần thiết người phải lặt hết lá. Năm nào nắng ấm thì độ từ mười bảy đến hai mươi âm người ta bắt đầu lặt lá mai. Phải năm tháng chạp nhiều mưa, trời còn lạnh thì lặt sớm hơn, tầm mùng mười thì hoa mới kịp Tết. Ấy là thấy mùa xuân đã rộn ràng trước cửa nhà rồi. Dáng mai yểu điệu, mềm mại như nét duyên dáng của người thiếu nữ; chi chít cành, nhánh. Chồi non từ các nhánh khi không còn trở ngại là lớp lá già đã được dịp phát triển thành những búp, những lá non mơn mởn căng tràn sức sống, hứa hẹn một ngày nở rộ vàng rực một góc sân để đón Tết mới sang.

Tết về là dịp để những gia đình Việt được đoàn viên, sum họp sau một năm bận rộn với bộn bề cuộc sống. Tết này lại càng ý nghĩa hơn khi một năm qua dịch bệnh gây ra cho chúng ta bao sự chia cắt và cả tang thương. Từng chuyến xe chở những người con rời xa thành phố tấp nập để về lại với quê nhà, với vòng tay yêu thương của gia đình. Chợt khóe mắt cay cay khi nghĩ về những người đã không bao giờ có thể trở về nữa, một năm dịch bệnh đã lấy đi của chúng ta quá nhiều thứ. Nỗi đau đột ngột khi mất đi người thân của nhiều gia đình vẫn còn rất mới, nhưng sau cùng, ngày xóm nhỏ đón những đứa con xa quê trở về ăn Tết thì người người đều vui chung niềm vui sum họp. Xóm làng đông đúc hơn, tiếng cười nói rôm rả khắp đầu đường cuối ngõ. Mẹ mừng con về bằng bát canh rau đắng đầu mùa thơm thơm mùi kỷ niệm. Cha từ tờ mờ sáng đã cắp nón ra ruộng dưa, hái quả dưa to tròn nhất để dành lại trong lứa quả bán Tết - mấy hôm nay cha săm soi từng chút một, nhẩm ngày con về trái cũng chín ngọt để con ăn. Cô em gái đương độ xuân thì bỗng nhiên hôm nay biết e thẹn trước ánh nhìn của anh hàng xóm vừa trở về từ nơi đô thành nhộn nhịp ấy…

Tết đến, người ta còn vui vẻ với những tất bật của người mua người bán ở những khu chợ, những hàng quán mà tưởng như không gian ở đó chật hẹp hơn vì đông đúc. Người người sắm Tết. Các em nhỏ vui mừng ríu rít khi được mẹ mua cho bộ quần áo mới. Những xanh xanh đỏ đỏ của bánh mứt trên các kệ hàng như níu ánh mắt người mua. Đồ cúng, đồ ăn, bánh kẹo đãi khách… có nhiều thứ cần phải mua cho một cái Tết đầy đủ. Khu chợ những ngày giáp Tết luôn ồn ào, đông đúc từ sáng đến đêm. Có vất vả, có mệt nhọc nhưng cũng có sự hân hoan chuẩn bị chào đón một khởi đầu mới.

Những ngày cuối tháng chạp là thời điểm để sửa sang lại mộ phần của ông bà, người thân đã khuất. Tảo mộ - một phong tục thể hiện sự hiếu kính của con cháu đối với tiền nhân, diễn ra trong không khí khẩn trương của những ngày cuối năm. Tiếng người cười nói vui vẻ; tiếng cuốc giẫy cỏ, đào đất lạo sạo; mùi nhang trầm phất phưởng trong không khí…, ấm cúng - ấm cúng từ trên bàn thờ đến nơi yên nghỉ của ông bà, đó là Tết. Quan niệm của cha ông Tết là mọi điều phải tươm tất, chỉn chu, có như vậy một năm mới được may mắn, thuận lợi. Ngày Tết cổ truyền không thể thiếu bánh chưng, bánh tét - linh hồn người Việt. Bánh chưng, bánh tét dâng lên bàn thờ như gởi gắm lòng biết ơn của con cháu đến tổ tiên, đến đất trời. Ngồi bên bếp lửa bập bùng cùng gia đình để canh nồi bánh chưng ngày Tết, kể cho nhau những câu chuyện vui buồn trong một năm, ta cảm nhận được sâu sắc sự gắn bó của tình thân, niềm vui quây quần hòa cùng sự háo hức chờ đợi đến khi bánh chín - cảm xúc ấy khắc sâu trong tâm tưởng mỗi người con Việt. Ngọn lửa lung linh hiện lên trong đáy mắt đang cười. Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong năm của dân tộc, lưu giữ nhiều giá trị truyền thống đẹp đẽ từ ngàn xưa.

Ngồi bên nhau, cùng nghe một khúc nhạc xuân vui tươi, ngửi thấy mùi hương của lá, của nếp cái hoa vàng tỏa ra từ nồi bánh chưng đang sôi, lòng nôn nao đến lạ khi nhận ra Tết thật gần.​
 
Từ khóa
bánh chưng hồi sinh sắm tết sum họp tảo mộ tết thật gần
871
3
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top