Dự thi Thứ bánh ngọt của mùa đông

Dự thi Thứ bánh ngọt của mùa đông

Dự thi "Chuyện của mùa đông" - [ Thứ bánh ngọt của mùa đông] - [ Huyền Lam]

Trời đất tuần hoàn, vạn vật đổi thay, bốn mùa cứ vậy mà luân phiên nhau cai trị xứ cũ. Mỗi khi những cơn gió mùa Đông Bắc giá buốt ghé thăm, không cần phải nói người ta cũng biết mùa đông đã về. Như một lẽ thường của tạo hoá, khi mùa đông đến, bản năng sinh tồn của con người bỗng trỗi dậy mạnh mẽ. Không ai bảo ai, người nào người nấy khoác lên mình những bộ quần áo rét dày cộp, run rẩy trước cái lạnh thấu xương không hẹn trước mà năm nào cũng tới. Thuở ban đầu, có thể người ta còn e ngại trước sự lạnh lẽo héo úa của mùa đông. Họ nép mình vào trong chăn, vào những bộ quần áo dày để tránh gió, hoặc là quây quần bên những đám củi lớn trên đường để quên đi cái lạnh vờn quanh trong không khí. Dần dà, cái lạnh hoà vào cuộc sống thường nhật của họ rồi trở thành một thứ hiển nhiên, không thể thay thế được. Vì vậy mà trong khoảnh khắc mùa đông qua, mùa xuân về, có khi người ta lại nhớ nhung cái rét buốt của mùa đông hay những món ăn đặc biệt mà chỉ mùa đông mới có.

Ẩm thực mùa đông có thể tóm gọn lại trong những thứ gia vị cay nồng như tiêu, ớt, gừng, tỏi hay những món ăn nóng hổi người ta cùng ăn khi ngồi chung với nhau. Có những món không nhất thiết phải chờ đến mùa đông mới ăn được. Nhưng dường như trong cái lạnh của mùa đông, vị ngon của chúng mới có cơ hội được bung tỏa hết sức. Không ít người thích ăn kem vào mùa đông bởi nó đem lại cho họ cảm giác thích thú khi nhận lấy cái lạnh buốt răng cùng một chút ngọt béo nơi đầu lưỡi trong tiết trời rét mướt. Một vài người khác lại chọn cho mình một nồi lẩu nóng hổi. Họ sẽ cùng nhau ngồi quanh nồi lẩu lớn nghi ngút khói nóng, cùng ăn uống và chuyện trò. Những thứ nguyên liệu nóng hổi vừa được gắp ra, ngay lập tức như cuốn lấy vị giác của con người mà nâng niu, vuốt ve. Làm sao người ta có thể chối từ miếng thịt ngọt lịm đẫm trong thứ nước dùng tê tê cay và thơm lừng gia vị rồi xuýt xoa vì nóng. Dù có chảy hết cả nước mũi, người ta cũng thấy sảng khoái đến lạ. Thật không thể biết được, người ta cảm thấy sảng khoái vì đồ ăn ngon, hay là vì cái cảm giác hạnh phúc khi được đoàn tụ cùng gia đình và bạn bè trong tiết trời rét buốt nữa...

Cứ mỗi khi gió lạnh trở về, vạn vật chìm vào giấc ngủ đông dài đằng đẵng, tôi lại thèm cái món bánh trôi nước dẻo quẹo thơm nức mùi gừng mà chỉ cần ngửi qua thôi cũng thấy ấm cả người. Ở mỗi vùng miền khác nhau, người ta lại có những cách biến tấu khác nhau cho món bánh trôi nước. Ví dụ như ở miền Bắc, bánh trôi nước được làm từ hỗn hợp bột gạo nếp gạo tẻ, có nhân là đường phên và ăn kèm cùng nước luộc bánh có thêm mấy sợi gừng tươi vàng óng. Nhưng ở miền Nam, người ta lại thay đường phên bằng nhân đậu xanh và ăn kèm cùng nước đường với gừng thái lát mỏng. Dù là ở vùng nào, cách chế biến ra sao, bánh trôi nước vẫn mang một hương vị thơm ngon khó cưỡng, đủ để chiều lòng vị giác của bất kỳ ai khi có dịp được thưởng thức món bánh này. Dưới cái lạnh cắt da cắt thịt của mùa đông, một bát bánh trôi nóng hổi cũng có thể đem đến hơi ấm nồng nàn, xua tan mọi giá lạnh bao lấy cơ thể. Những viên bánh trôi không quá to, chỉ lớn hơn quả nhãn một chút nhưng chứa đựng cả một bầu mật ngọt trong bụng. Tôi chỉ nhớ mang máng loại bột để làm bánh phải là loại bột nếp mới, trộn cùng bột gạo tẻ để bánh dẻo và nặn được thành hình, bột để lâu sẽ làm bánh có mùi mốc, ăn không thơm. Đầu tháng 10, khi mùa gặt vừa xong, người ta sẽ chọn ra loại gạo ngon để làm thành bột. Có hai cách để làm bột bánh. Cách thứ nhất là ngâm gạo qua đêm rồi xay, sau đó ép hết nước khỏi vải lọc bột, đem đi phơi cho khô hoặc nặn trực tiếp thành bánh. Tuy nhiên, cách đầu tiên lại có thể khiến bột bị chua nếu không được xử lý đúng cách. Cách thứ hai ít phổ biến hơn, thay vì làm như trên, người ta xay gạo trực tiếp thành bột nhưng bánh làm ra sẽ không được dẻo bằng cách thứ nhất. Bánh trôi muốn ngon thì phải bỏ nhiều công sức. Cách làm bánh nhìn sơ qua có vẻ đơn giản mà thực tế lại phức tạp hơn nhiều, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ từ người làm bánh. Mỗi chiếc bánh được thành hình lại là một tạo tác hoàn mĩ của bàn tay người nặn. Phải làm sao cho viên bánh không quá to, cũng không quá nhỏ để nhồi được phần nhân vào bên trong mà bánh không vỡ nát, không bục ra khi luộc. Viên bánh tròn đầy, vỏ bánh dẻo dai nhưng vừa nhai được một lần là như đã tan ra ngay trong miệng. Người ta có thể lập tức cảm thấy hương thơm của bột gạo hoà chung với chút man mát của hương đồng nội và gió trời lồng lộng mỗi mùa lúa chín. Bên trong viên bánh trăng trắng, trong veo là cục đường phên ngọt thanh đã kịp tan chảy trong khi luộc bánh hoặc là lớp nhân đậu xanh sánh mịn, dịu ngọt mà càng ăn lại càng thấy bùi bùi, béo béo. Ăn bánh trôi mà thiếu mất phần nước gừng đi kèm thì quả là một điều đáng tiếc, đặc biệt khi thưởng thức món bánh trong tiết trời se se lạnh của miền Bắc. Nếu bạn sợ rằng phần bánh nếp nhanh no mà dễ bị ngán thì phần nước gừng sẽ giúp bạn giảm bớt cảm giác ấy. Gừng tươi không những không làm át đi hương vị mà còn tôn lên những gì tinh túy nhất, tốt đẹp nhất của viên bánh. Những viên bánh ngâm mình trong làn nước nóng hổi, để hương gừng tự thấm vào trong da thịt của nó, hoà quyện với chất nếp sẵn có từ trước, đánh thức vị giác như đã bị mùa đông làm cho cứng ngắc, lạnh lẽo của con người... Tất cả đã tạo nên một thứ bánh ngọt đặc biệt của mùa đông, ăn một lần là nhớ mãi không thôi.

Có lẽ người ta ăn bánh trôi, cốt không phải là để cho no bụng. Người ta coi bánh trôi như một thứ bánh ăn chơi, ăn là để thưởng thức cái ngon của nó, để thỏa mãn cơn thèm ngọt bất chợt trong ngày đông rét mướt, hoặc là để quay trở lại miền kí ức sâu thẳm, quay lại cái "ngày xưa" tưởng chừng như đã bị lãng quên từ lâu. Trong cái thời đại mà những thú ăn chơi của ngày trước dần bị thay thế bởi thứ mới hơn, hiện đại hơn, con người lại có xu hướng muốn trở về với những giá trị truyền thống. Họ sẽ còn hoài niệm và còn nhớ nhung mãi về một món bánh kì diệu, tuy đơn giản nhưng tinh tế đến lạ. Và rồi, cứ mỗi khi mùa đông về, người ta lại quây quần bên nhau, cùng thưởng thức bát bánh trôi nóng hổi hay những món ăn đặc biệt chỉ có trong tiết trời nơi xứ lạnh. Chính những bữa ăn ấy đã gắn kết con người lại gần hơn với nhau rồi biến sự ấm cúng của tình người trở thành thứ vũ khí mạnh mẽ chống lại băng giá lạnh lẽo - một nét không thể thiếu của mùa đông.
Thứ bánh ngọt của mùa đông - Văn Học Trẻ.jpg

Bánh trôi nước ( Nguồn: Google image)
 
Sửa lần cuối:
  • Like
Reactions: Hoa Phù Sa
817
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top