Tìm hiểu về tính liên văn bản góp phần dạy và học tốt hơn bộ môn Ngữ văn trong nhà trường - Trương Văn Hà

Tìm hiểu về tính liên văn bản góp phần dạy và học tốt hơn bộ môn Ngữ văn trong nhà trường - Trương Văn Hà

Với tư cách là một thuật ngữ, liên văn bản (intertextuality) ra đời từ giữa thập niên 1960. Nhưng với tư cách là một hiện tượng văn học, liên văn bản đã có từ ngàn xưa. Liên văn bản là một khái niệm đã quá quen thuộc với giới nghiên cứu, phê bình, sáng tác, giảng dạy và học tập văn học ở nhiều nước trên thế giới từ lâu. Tuy nhiên, ở nước ta, trong thời gian gần đây, khái niệm này mới được giới nghiên cứu, phê bình, sáng tác và nhiều giảng viên giảng dạy chuyên ngành Ngữ văn trong các trường đại học, cao đẳng đề cập. Còn đối với đội ngũ giáo viên giảng dạy Ngữ văn ở bậc phổ thông, thì liên văn bản còn xa lạ, ít được đề cập. Do chưa có hiểu biết khái niệm liên văn bản và đi xa hơn là về tính liên văn bản - một quy luật mang tính tất yếu trong sáng tác, tiếp nhận và cả dạy học Ngữ văn trong nhà trường, cho nên, việc giảng dạy và học tập bộ môn này thời gian qua vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, cần bàn.

LIÊN VĂN BẢN LÀ GÌ ?

Đến nay, nhiều nhà nghiên cứu văn học trên thế giới đã khẳng định được rằng, trung tâm của của hầu hết các lý thuyết về văn học xuất hiện trong nửa sau thế kỷ XX là khái niệm điển phạmliên văn bản. Trong đó, quan trọng nhất là khái niệm liên văn bản.

Như trên đã đề cập, với tư cách là một thuật ngữ, liên văn bản mới chỉ ra đời từ giữa thập niên 1960, nhưng với tư cách là một hiện tượng văn học, liên văn bản đã có từ ngàn xưa. Có nghĩa là từ khi biết sáng tác văn học, loài người đã biết vận dụng tính liên văn bản trong các sáng tác của mình. Tuy nhiên, chỉ sau khi bài viết Từ, đối thoại và tiểu thuyết của nhà nghiên cứu văn học phương Tây Julia Kristeva ra đời vào giữa thập niên 1960, thì khái niệm liên văn bản mới thực sự xuất hiện.

Theo Julia Kristeva, văn bản không được hình thành từ những ý đồ sáng tác riêng tư của người cầm bút mà chủ yếu là hình thành từ những văn bản khác đã hiện hữu trước đó: Mỗi văn bản là một sự hoán vị của các văn bản, nơi lời nói từ các văn bản khác gặp gỡ nhau, tan loãng vào nhau và trung hoà sắc độ của nhau”. Nói cách khác, không có văn bản nào là thực sự cô lập, một mình một cõi như một sự sáng tạo tuyệt đối của một cá nhân. Đó chính là tính liên văn bản trong quá trình tạo lập một văn bản cụ thể. Quy luật này không chỉ tồn tại đương nhiên trong sáng tác văn học mà suy rộng ra, trong toàn bộ các hoạt động tạo lập văn bản của con người, mà cả ngay trong các loại văn bản ngoài văn học.

Khái niệm về tính liên văn bản của Julia Kristeva đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình của nhiều lý thuyết gia lớn trên thế giới. Trong đó, đáng chú ý là ý kiến của nhà nghiên cứu người Anh Michel Foucault. Với quan niệm biên giới của một cuốn sách không bao giờ thực rõ ràng, Michel Foucault cho rằng vượt ra ngoài nhan đề, vượt ra ngoài cấu trúc nội tại và hình thức mang tính tự trị của nó, mỗi cuốn sách là một quá trình hoà lẫn của các cuốn sách khác, mỗi văn bản là kết quả của quá trình lẫn của các văn bản khác, các câu văn khác. Mỗi văn bản không phải là một chuỗi từ ngữ phát ra một ý nghĩa duy nhất, cố định của một cá nhân riêng biệt, mà thực chất là một không gian đa kích thước, ở đó có sự hội tụ vô số các văn bản đến từ vô số văn bản, vô số nền văn hoá, vô số tri thức khác nhau. Tất cả chúng đều tan loãng, trộn hoà, bện chặt vào nhau. Vì thế, ý nghĩa của một văn bản không hoàn toàn nằm bên trong bản thân văn bản mà nó còn tồn tại trong mối quan hệ và tương tác với các văn bản khác ngoài nó. Cho nên, khi phân tích, tìm ý nghĩa của một tác phẩm văn học, ngoài việc đi sâu vào tìm hiểu những từ ngữ, câu, đoạn, vần, nhịp điệu, hình ảnh, cấu trúc trong tác phẩm, cũng rất cần thiết khi vận dụng các hiểu biết và kiến thức sẵn có của mỗi người về về văn hoá, lịch sử, thời đại...để tìm hiểu tác phẩm.​

PHÂN BIỆT LIÊN VĂN BẢN VÀ VIỆC SỬ DỤNG ĐIỂN CỐ, ĐIỂN TÍCH

Khi đề cập đến khái niệm và hiện tượng liên văn bản, có người sẽ hỏi là việc sử dụng điển cố và điển tích trong văn học trung đại có phải là một biểu hiện của hiện tượng liên văn bản ? Xin thưa, việc sử dụng điển cố và điển tích là một bộ phận của liên văn bản. Nhưng theo nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Hưng Quốc và nhiều học giả khác cũng như qua quá trình nghiên cứu, so sánh thực tế, có thể nhận thấy rằng liên văn bản và thói quen sử dụng điển cố, điển tích có một số điểm khác nhau như sau:

Thứ nhất, về chức năng, nếu như việc sử dụng điển cố, điển tích chỉ là một thủ pháp nghệ thuật, thì liên văn bản chính là một đặc điểm, một bản chất của một văn bản.

Thứ hai, về quan hệ, việc sử dụng điển cố, điển tích chỉ có quan hệ hai chiều giữa văn bản và văn bản gốc nơi xuất xứ của điển cố, điển tích, rất dễ dàng nhận biết, còn trong liên văn bản, mối quan hệ có rất nhiều chiều và không ai có thể nhận diện được dấu vết của liên văn bản, bởi vì nó vô tận.

Thứ ba, về mục tiêu, việc sử dụng điển cố, điển tích thường tiến hành một cách nghiêm trang, nhằm mục đích khoe kiến thức của người viết và tận dụng kiến của người đọc, làm giàu lượng thông tin của văn bản, còn liên văn bản được sử dụng chủ yếu để làm nổi bật tính tương đối của văn bản và sự sáng tạo của tác giả.

Cuối cùng, về ý nghĩa, việc sử dụng điển cố, điển tích không làm thay đổi ý nghĩa của điển cố, điển tích ấy và không làm thay đổi cấu trúc tác phẩm. Việc sử dụng tính liên văn bản thường tạo ra ý nghĩa mới, mang lại diện mạo mới cho văn bản...​

LIÊN VĂN BẢN VÀ VIỆC DẠY VĂN, HỌC VĂN

Văn bản văn học trong chương trình Ngữ văn ở bậc phổ thông đã được các nhà biên soạn sách giáo khoa tuyển chọn rất kỹ càng với nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn khác khau. Nhìn chung, mỗi câu trích, đoạn trích, mỗi tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa đều mang tính tiêu biểu về nội dung tư tưởng cũng như có nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật. Không có một văn bản văn học nào là nằm ngoài quy luật liên văn bản. Ví dụ khi viết Bình Ngô đại cáo, không chỉ có việc sử dụng các kiến thức về văn chương để sáng tác, mà Nguyễn Trãi đã phải vận dụng nhiều kiến thức chuyên ngành khác nhau, như lịch sử, địa lý, văn hoá, quân sự để hoàn thành tác phẩm của mình. Vì thế, để dạy tốt đoạn trích này trong chương trình học, đòi hỏi giáo viên Ngữ văn phải có vốn hiểu biết cần thiết về lịch sử, địa lý, văn hoá, quân sự, văn học...Nhân nói đến văn bản Bình Ngô đại cáo trong chương trình Ngữ văn phổ thông, trong quá trình theo học chương trình Thạc sỹ Ngôn ngữ học tại Đại học Vinh, tôi đã có dịp trao đổi với nhiều giáo viên Văn ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh về địa danh Trà Lân trong câu văn Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay, nhưng nhiều người không biết rõ về tên gọi này. Sau khi được giải thích Trà Lân là một địa danh thuộc huyện Con Cuông, giáp với Tân Kỳ (cũng ở tỉnh Nghệ An) - là km số 0 nơi khởi nguồn của tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, thì nhiều người mới hết sức ngạc nhiên về thông tin này. Tôi chắc rằng, trước khi dạy văn bản này, nếu không nghiên cứu, tìm hiểu kỹ càng những nội dung trong sách giáo khoa và sách giáo viên chưa từng đề cập, nếu học sinh có hỏi, mà giáo viên trở nên bí, lúng túng và bất lực, thì thử hỏi giờ Văn có hấp dẫn nữa không, hay trở thành nỗi ám ánh thực sự đối với những ai có kiến thức nghèo nàn, ít ỏi...

Đọc Truyện Kiều cũng vậy, ta sẽ thấy được Nguyễn Du đã vận dụng nhuần nhuyễn hiện tượng liên văn bản, với nhiều tri thức và vốn văn hoá, hiểu biết phong phú của bản thân để làm nên một tác phẩm để đời. Nếu chỉ có vốn kiến thức ít ỏi, giáo viên sẽ rất khó để cảm nhận hết được cái hay, cái đẹp của tác phẩm, cho nên, việc dạy cho tốt các văn bản trong chương trình là điều rất khó khăn. Cho nên, nếu chỉ sử dụng sách giáo viên hướng dẫn và tham khảo thêm một vài tài liệu khác, mà không có quá trình tích lũy kiến thức liên ngành, đa ngành để tạo lập cho mình một vốn văn hoá tổng hợp (phông văn hoá) và biết vận dụng nó vào quá trình giảng dạy môn học này, thì chính giáo viên là những người đã góp phần làm cho học sinh chán học văn.

Vì vậy, để giảng dạy tốt mỗi băn bản văn học, góp phần làm cho học sinh yêu thích môn Ngữ văn, làm cho môn học này lấy lại vị thế của mình, mỗi một giáo viên Ngữ văn phải nâng cao hơn nữa ý thức học tự học của bản thân; phải biết trang bị cho mình một vốn kiến thức cần thiết, phong phú, đa dạng để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của việc đổi mới nội dung, phương dạy học môn Ngữ văn trong giai đoạn hiện nay. Bởi vì dạy Văn cũng chính là một quá trình thực hiện tính liên văn bản.​
 
Từ khóa Từ khóa
dạy ngữ văn học ngữ văn nhà trường phổ thông tính liên văn bản
773
4
4
Trả lời
Cảm ơn bạn Quang Nhật đã đọc và chia sẻ với tác giả nội dung bài viết. Đây là nội dung tác giả rất tâm huyết lúc còn làm công việc dạy học. Hiện nay mặc dù đã chuyển công tác nhưng mỗi lần được đọc lại các bài nghiên cứu lúc còn làm nghề này, tác giả cũng còn cảm thấy rất thú vị, nên mong muốn sẻ chia để bạn đọc cùng tham khảo !
 
Cảm ơn bạn Quang Nhật đã đọc và chia sẻ với tác giả nội dung bài viết. Đây là nội dung tác giả rất tâm huyết lúc còn làm công việc dạy học. Hiện nay mặc dù đã chuyển công tác nhưng mỗi lần được đọc lại các bài nghiên cứu lúc còn làm nghề này, tác giả cũng còn cảm thấy rất thú vị, nên mong muốn sẻ chia để bạn đọc cùng tham khảo !
Trương Văn HàRất tuyệt vời ạ. Mong rằng có nhiều tài liệu văn học được chia sẻ thêm.
 
  • Like
Reactions: Trương Văn Hà

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.