Nhà Tôi để lại một khoảng trống.

Nhà Tôi để lại một khoảng trống.

[Dự thi NHÀ - Tôi để lại một khoảng trống - Cham]

Mùi hương của những trang giấy mới thoang thoảng xung quanh tôi dâng lên một cảm giác dễ chịu và thư giãn khi tôi mở quyển nhật ký của mình ra. Như một thói quen hàng ngày, tôi cầm bút ghi ngày vào góc phải của trang giấy mới và nhật ký của tôi bắt đầu.

“Ngày 14/09/2021,

Đã một tháng kể từ ngày dịch bệnh lại tái phát ở nước Úc bình yên này. Trong suốt một tháng qua khiến tôi quên cái cảm giác đi bộ dưới cái thời tiết se se lạnh của mùa thu để đến trường là như thế nào. Nhưng hôm nay lại khác, sau bao ngày mong chờ thì tôi cũng đã có thể bước xuống khu nhà mình đang ở đang tận hưởng làn gió mới của mùa xuân mà tôi mong chờ. Nhìn mình trong gương, tôi lại bật cười vì một cảm giác lạ lẫm chưa từng có. Một tháng qua đã khiến làn da ngăm đen của tôi trở nên hồng hào hơn bao giờ hết. Mở cửa bước ra tôi chạy thẳng ra ngoài với sự nô nức của một người bị giam cầm trong ngôi nhà sau nhiều ngày. Đứng dưới cái nắng của nước Úc, da tôi dần ấm nóng lên và một cảm giác quen thuộc trong tôi lại ùa về mà đã rất lâu rồi tôi chưa dám tự mình đưa mảng ký ức đó tái hiện lại một lần nào trong tâm trí tôi.

“Này Trâm! Bưng chén đũa ra bàn đi!”, “Trâm! Ra mua cho ba 5 ngàn đá!, “Trâm! Ra xách đồ phụ Má Hai từ trên thành phố về!”. Cái nắng của Úc làm tôi nhớ về những chuỗi ngày Tết nhộn nhịp nhưng vô cùng oi bức của Sài Gòn, quê hương tôi! Một mảng ký ức mà tôi đã cất giấu thì giờ đây đứng dưới cái nắng lại gợi về cho tôi một cảm xúc mà dường như tôi đã được xuyên về quá khứ tại các thời điểm ấy. Tôi nhớ như in từ khi tôi mới sinh ra cho đến lúc chập chờn 3,4 tuổi thì Nhà Bè chính là nơi mà tôi lớn lên với biết bao kỉ niệm đẹp cùng với anh chị em họ Nội. Những lần ăn phá lấu 5 ngàn vào mỗi buổi chiều cùng với các bạn trong xóm mà mỗi lần nghe tiếng mẹ gọi về nhà ăn cơm, tôi lại luyến tiếc mong ngày mai mau chóng đến nhanh và sự yêu thương, cưng chiều mà tôi nhận được từ các cô chú xung quanh. Dù mảng kí ức mơ hồ và mong manh nhưng cái cảm xúc mà tôi có thì không mong manh chút nào, nó hoài niệm mà sâu sắc trong chính trái tim tôi. Sau đó khi lớn lên tôi đã chuyển đến quận khác sinh sống, từ đó tôi không còn lưu giữ trong mình một mảng ký ức rõ rệt nào hết cho đến khi tôi đã lớn, đã trở thành một thiếu nữ và đã nhận thức được cuộc sống xung quanh mình. Mảng ký ức về nhà trong tôi lại được thêu dệt đầy sắc màu vào mỗi dịp tết khi tôi quay trở về Nhà Bè để đón tết cùng với gia đình bên Nội của tôi. Những năm đầu sau khi tôi đang chăm chỉ thêu lại ký ức của mình thì tôi nhớ như in cái cảm xúc sung túc và nhộn nhịp của mỗi mùa Tết. Tiếng các cô của tôi sai các đứa cháu sắp xếp bàn cúng để chuẩn bị giao thừa, tiếng các chị họ rủ nhau diện đồ và chụp ảnh làm sao cho thật đẹp, tiếng các anh em họ bày trò nghịch ngợm đánh nhau và tưởng tượng mình đang trong một sàn đấu thật thụ. Những tiếng bận rộn ấy lại một lần nữa xuất hiện trong đầu tôi khiến cho tôi cảm thấy mảng ký ức mà tôi trân trọng ấy lại quay về trong tôi.

“Này, này, xếp hàng vô chúc tết rồi chơi đánh bài nè !” Phong tục hàng năm mà chúng tôi mong chờ nhất vào những dịp Tết. Chúng tôi chen nhau nô nức nhận tiền lì xì và trao cho các bác của chúng tôi một nụ hôn thật ngọt ngào. Rồi tốp con cháu chúng tôi được gọi là đám con nít sẽ nhanh chóng chạy xuống dưới nhà, giành một chỗ thoải mái , xắn tay áo, duỗi tay chân ra và một trận chiến xương máu bắt đầu. Ai cũng thầm cầu nguyện Tết này sẽ phải thu thật nhiều, năm nào tôi cũng cầu mong cho trăm trận trăm thắng để tiền lì xì trở nên đầy ú nhưng sau mỗi một mùa Tết, tôi đều được an ủi bằng một câu:
-Không sao đâu,đen bạc đỏ tình mà !
Nhưng thực ra tôi đen tình lẫn đen bạc. Cái chiếu bình thường chỉ đủ cho 2 người nằm thì vào dịp Tết lại bị bao vây cả hơn chục người chen chút, giành chỗ để được có một tụ bài và những lúc hồi hộp xem bài mình to hay nhỏ. Đứa nhóc nào mà thua bài hết tiền đến nổi khóc to thì lại khiến chúng tôi một phen cười vỡ bụng.

Tới trưa chúng tôi sẽ bày trò nghịch ngợm, đi bấm chuông các nhà trong hẻm hay lại lấy xe đạp chạy khắp các con phố và tưởng như rằng chúng tôi là những dũng sĩ đi khám phá một thành phố mới hoang vắng hay mùng 1 Tết cả gia đình tôi sẽ đi cúng hơn 10 kiểng chùa để cầu bình an cho gia đình mỗi dịp xuân về và chính những cái nắng lúc giữa trưa ấy khiến làn da tôi bị rám nắng từ năm này sang năm khác sau mỗi dịp Tết. Buồn nhất chắc có lẽ là lúc tôi không còn được đếm ngày bằng mùng nữa, chúng tôi lại phải quay về nhà và bắt đầu một kỳ học mới. Nói lời tạm biệt làm tôi phải nghẹn ngào trong nước mắt nhưng tôi tự nhủ rồi lại có cái Tết năm sau. Nhưng tôi nhận ra những mảng ký ức được tôi thêu càng rõ rệt thì cũng là lúc những người xung quanh tôi vào mỗi dịp Tết dần ít đi. Đôi lúc trong cái sự đông đúc đó, tôi để cho bản thân một vài phút đi ghi nhớ sâu sắc hình ảnh này. Tôi tự hỏi bản thân mình sẽ ra sao nếu những hình ảnh trước mắt mình sẽ không còn nữa. Liệu 365 ngày sau tôi vẫn sẽ được đắm chìm trong những tiếng ồn và sự sung túc này chứ. Những người anh chị mà luôn chen chúc xếp hàng nhận tiền lì xì, luôn tranh ghế trên bàn ăn để không phải đứng gắp thức ăn, tranh giành một chỗ ngồi thoải mái trên chiếc chiếu nhỏ bé đó, những người anh chị cùng tôi bày trò sau khi tiệc tàn, những người anh chị đùn đẩy việc dọn dẹp bàn ăn giờ đây đã lớn. Khi mảng kí ức tôi càng rõ rệt thì cũng là lúc mọi người dần trưởng thành. Mỗi một năm trôi qua, thì lại dư thêm một chiếc ghế trên bàn ăn, chiếc chiếu lại dư thêm một chỗ và đến một lúc nào đó tôi nhận ra mình đã không phải chạy nhanh thật nhanh để dành một chỗ ngồi nữa, cũng đã có thể thoải mái duỗi chân trên chiếc chiếu cũ mèm đó và tôi biết rằng mọi người đã trưởng thành, đã có gia đình,đã phải lo lắng cho con cái và cũng là lúc tôi cảm thấy trái tim mình bắt đầu có một khoảng trống làm tôi đau nhói. Tôi luôn mong chờ đến Tết nhưng lần này lại khác, vì tôi biết rằng cái Tết năm sau sẽ chào đón tôi bằng cảm giác xa lạ vì tôi không còn được nghe tiếng nhộn nhịp và bận rộn của ngôi nhà ấy. Ngồi nhà vẫn ở đó, bàn ăn vẫn ở đó, chiếc chiếu vẫn ở đó nhưng tôi đã không còn ở đó, nhà của tôi. Đến lúc tôi cũng đã đi, để lại thêm một khoảng trống. 14/09/2021 cũng đã tròn một năm tôi chính thức nói lại tạm biệt với ngôi nhà nhỏ của tôi và đi sang nước Úc. Tôi trông mong những khoảng trống ấy lại được lấp đầy một lần nữa. Tôi muốn hỏi rằng trong cuộc đời mỗi người sợ nhất điều gì? Khi xưa ấy, tôi thản nhiên trả lời rằng tôi sợ ma nhưng có lẽ giờ thì tôi sẽ ngậm ngùi trả lời rằng chính là trưởng thành. Khi trưởng thành, ngôi nhà trong tôi lại có thêm những khoảng trống vô hình và tôi lại nhớ da diết cái cảm giác bận rộn và chen chúc khi xưa. Giờ đây tôi chuẩn bị kết thúc những dòng nhật ký này cũng như đóng lại một mảng ký ức đang hiện hữu trong tôi. Ký ức vẫn sẽ ở đó là tôi sẽ quay trở lại ngôi nhà ấy và sẽ thêu dệt, vun đắp thêm cho mảng ký ức ức đang tiếp diễn này thật ấm áp và đầy đủ qua những dịp Tết một lần nữa.”

Đóng lại quyển nhật ký, tôi mở cửa và bước ra ngoài lan can và nhìn lên bầu trời lúc chập choạng hoàng hôn. Có lẽ những người thân yêu cùng tôi cũng đang ngắm chung một bầu trời cùng tôi nhưng có lẽ không phải là một màu hồng của hoàng hôn mà là một bầu trời trong xanh. Dù ở đâu đi nữa thì tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc. Trời đã tối nhưng lòng tôi bỗng bừng sáng.
6603
 
486
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top