Nhà Trở về dòng sông tuổi thơ

Nhà  Trở về dòng sông tuổi thơ

Phạm Thị Thúy
Phạm Thị Thúy
  • Thành Viên 34 đến từ TP.HCM
“Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê, ơi con sông dạt dào như lòng mẹ, chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn ….”

Lời bài hát “Khúc hát sông quê” qua giọng ca ngọt ngào của ca sỹ Anh Thơ như đưa tôi về những năm tháng ấu thơ, vui đùa tắm mát bên dòng sông quê thanh bình, yên ả. Quê tôi ở Thái Bình, một làng quê Bắc Bộ với tên gọi khác là “quê hương chị Hai năm tấn” trong thời kỳ kháng chiến, quê tôi là một trong những tỉnh thành sản xuất và cung cấp lúa gạo đạt sản lượng lớn nhất nhì cả nước.

Bố đi bộ đội về, mẹ và bố cùng nhau xây dựng ngôi nhà hạnh phúc, tôi chào đời vào những năm 1990 nên may mắn được trải nghiệm một thời thơ ấu không ti vi, điện thoại. Lớn lên cùng đám bạn trong xóm với những trò chơi dân gian bên lũy tre làng và cánh đồng lúa thơm ngào ngạt.

Tuổi thơ của chúng tôi ngày ấy thật tuyệt vời, kết thúc năm học là kỳ nghỉ hè kéo dài 3 tháng. Không học thêm, học bù chúng tôi được thỏa thích chơi đùa suốt 3 tháng hè với những buổi chiều thả diều trên đồng, lang thang triền đê chơi chọi cỏ gà, những trưa trốn ngủ sang nhà bạn chơi ô ăn quan, trốn tìm, … ký ức tuổi thơ tươi đẹp mà trẻ em bây giờ dẫu đủ đầy vẫn không được trải nghiệm.

Những trưa hè tháng sáu nắng như đổ lửa, mỗi đứa mỗi giỏ rủ nhau ra đồng mò cua, bắt ốc mặc cho bố mẹ ngăn cản bắt ở nhà ngủ trưa. Nước ruộng thì nóng như đun vậy mà đứa nào đứa nấy chẳng biết nóng là gì cứ thoăn thoắt mò cua để thi xem giỏ đứa nào đầy nhanh nhất. Có mấy thằng bạn trong xóm tinh quái mang theo cả chiếc “dậm” để bắt được nhiều tôm, cua cá ở những mương dẫn nước chung quanh ruộng. Đúng là chẳng biết sợ là gì, đám con gái mò cua ở bờ đất ngang ruộng bất thình lình sờ phải ổ của con rắn nước mà vẫn gan không bỏ chạy. Những tiếng cười cứ rộn vang cả cánh đồng, quần áo lấm lem giỏ đầy tôm cá chúng tôi rủ nhau đến lũy tre làng ngồi thi đếm giỏ. Cùng chia sẻ cho nhau để về nhà nấu đủ bữa.

Hầu như nhà nào trong xóm cũng nuôi lợn để gia tăng sản xuất, tôi được mẹ giao nhiệm vụ vớt bèo, thái chuối nấu cám cho lợn ăn. Làm mau mải lo đi chơi với đám bạn mà biết bao lần tôi thái chuối vào tay để giờ đây bàn tay tôi vẫn còn những vết sẹo đáng nhớ. Mẹ thu hoạch vụ hoa màu còn sót lại những “rãi khoai” nho nhỏ đem dành nấu cám lợn. Ấy vậy mà mỗi lúc được giao nhiệm vụ nấu cám tôi thường dùng cây đũa đảo cám bới lên những củ rãi khoai to trong nồi cám thơm lừng để “ăn dành của lợn”. Chẳng hiểu sao khoai nấu với cám lại thơm ngon đến lạ lùng.

Ngày ấy quê tôi mọi nhà nuôi vịt, chiều chiều đem thả đồng cho vịt mò cua bắt ốc, cứ thường thả đến chiều tối là đàn vịt lại được lùa về. Tôi và đám bạn hay rủ nhau đi “mót trứng vịt” vì thường đến giờ đẻ trứng mà chưa được lùa về kịp là sẽ có những con vịt đẻ rơi trứng ra ruộng. Cả lũ đang mò mẫm trên ruộng bỗng nhìn thấy thứ gì tròn tròn màu trắng trên đồng là khoái chí hò hét vui sướng. Tối mang về khoe mẹ và ăn cơm với thành quả mót được ngon tốn đến ba bốn bát cơm.

Giếng khoan là xa xỉ đối với đám trẻ nông thôn như chúng tôi nên hầu như trong xóm chỉ một vài nhà có điều kiện mới khoan được giếng. Con sông quê hiền hòa, xanh mát những buổi chiều tôi và đám bạn hẹn rủ nhau cùng tắm sông. Cả lũ bạn trong xóm đều biết bơi, chỉ riêng mình tôi là được chuồn chuồn cắn rốn bao lần mà vẫn chỉ ôm cây chuối dạo quanh bờ nhìn đám bạn thi đua bơi mà ấm ức. Chúng còn rủ nhau chơi trò trồng cây chuối và nhảy từ trên cao xuống bì bõm, tụi con trai tinh quái thường chơi trò ngụp lặn rồi trốn dưới nước hù dọa đám con gái. Vừa tắm chúng tôi còn tranh thủ “dậm trai” để đem về cho mẹ nấu cháo trai tía tô. Tắm xong là trong chậu cũng được vài con trai mang về đổi bữa.

Cả xóm ngày ấy chỉ có vài nhà có ti vi màu, nên tắm xong sớm chúng bạn hẹn nhau sang nhà tôi xem chương trình “Những bông hoa nhỏ” – một chương trình thiếu nhi yêu thích của chúng tôi. Cả đám ngồi nghiêm chỉnh, xem chăm chú đứa nào phá đám là tôi ra oai “không cho xem nữa”. Thời điểm hè cũng là khoảng thời gian mà ti vi chiếu bộ phim truyền hình “Tây Du Ký” một bộ phim có thể coi là ký ức tuổi thơ của đám trẻ nông thôn nên thường làm xong hết việc nhà là lũ bạn lại tụ tập ở sân nhà tôi. Bố tôi mang ti vi ra sân và trải một cái chiếu thật to cho tôi và đám bạn ngồi quây quần xem. Mấy đứa nhát gan xem xong thường sợ “yêu quái” bị đám con trai dọa cho phát khóc trên đường về nhà.

Tháng bảy mùa mưa bão, bố mẹ tôi thì lo lắng trang bị lại ngôi nhà cho kiên cố, đóng những bao cát chằng lên mái ngói để tránh những cơn gió lớn giật mạnh làm tốc mái nhà. Với tụi trẻ con chúng tôi thì mùa bão lại là mùa sung sướng nhất bởi vì đâu phải trèo cây hái quả, gió bão giật mạnh làm cây nhãn, bưởi, roi rụng đầy gốc. Mưa tầm tã cả ngày lẫn đêm nước dâng ngập bờ ao cá thi nhau bơi lên bờ, tràn vào cả vườn rau. Cứ tranh thủ trời tạnh mưa chút là tôi và đám bạn lại rủ nhau đi “mót cá”. Nào cá quả, cá rô có khi còn bắt được cả những con cá chép, chỉ cần xách giỏ chạy quanh vườn rau cạnh ao nước sau nhà là đã có được một giỏ đầy.

Ngày mong chờ nhất trong năm với lũ trẻ nông thôn chúng tôi đó là Tết Trung Thu. Xóm tôi luôn giữ vững phong trào tổ chức cắm trại cho các cháu thiếu nhi. Từ ngày mười bốn âm lịch là mọi người đã cùng nhau trang trí cắm trại, tụi nhỏ chúng tôi được giao nhiệm vụ mang gạo đi “nổ ống hay còn gọi là nổ gậy”. Một đám kéo nhau mang gạo, ngô, lạc trộn đều thành túi mang đi nổ, mấy anh lớn xin bác nổ ống cho một cây gậy dài để vác lên vai như gậy của “Tề thiên đại thánh”. Vác bao ống nổ trên vai với cây gậy dài các anh lớn thi nhau múa gậy như Tôn Ngộ Không.

Buổi tối trước rằm là vui nhất vì cả xóm quây quần chung quanh trại, đám con trai thì gõ trống quân, đám con gái thì thi nhau rước đèn lồng làm bằng những lon sữa ông Thọ, chai nhựa bỏ đi. Đêm rằm phá cỗ với đầy đủ các loại bánh nướng, bánh dẻo, bưởi và cả món đặc trưng của quê tôi là “bánh đa – dừa” món ăn dân giã nhưng vô cùng ngon bởi vị thơm của đánh đa nướng kèm với vị béo ngậy của cùi dừa quện lại “ngon đến khó cưỡng”.

Giờ đây giữa bộn bề lo toan cuộc sống, bôn ba nơi Sài Gòn hoa lệ. Trong những ngày cả nước hướng về Sài Gòn để động viên sẻ chia sớm vượt qua đại dịch Covid-19. Những ngày sống chậm cho tôi được nhớ về những tháng ngày ấu thơ yên bình, hạnh phúc. Bấy lâu nay tôi mải mê đi kiếm tìm những thứ lớn lao mà quên mất rằng nơi “quê nhà thân yêu, dòng sông quê hiền hòa” chính là miền hạnh phúc nhất. Cầu mong dịch bệnh sớm qua đi, đất nước bình an để con được trở về thăm quê hương, về bên vòng tay yêu thương của bố mẹ.

“Về tắm mát bên dòng sông quê hiền hòa, được sống mãi những tháng ngày ấu thơ êm đềm, hạnh phúc”.
 
  • LGL_1163.JPG
    LGL_1163.JPG
    666.3 KB · Lượt xem: 288
  • Love
Reactions: Thiện Đức
1K
1
2
Trả lời
Bạn mến! Mình cũng may mắn được tắm mình trong những ký ức của đứa trẻ vùng quê nghèo những năm trước 2000. Chắc cũng vì vậy mà bài viết của bạn gợi cho mình nhiều ký ức quá đỗi.

"Tuổi thơ của chúng tôi ngày ấy thật tuyệt vời, kết thúc năm học là kỳ nghỉ hè kéo dài 3 tháng. Không học thêm, học bù chúng tôi được thỏa thích chơi đùa suốt 3 tháng hè với những buổi chiều thả diều trên đồng, lang thang triền đê chơi chọi cỏ gà, những trưa trốn ngủ sang nhà bạn chơi ô ăn quan, trốn tìm, … ký ức tuổi thơ tươi đẹp mà trẻ em bây giờ dẫu đủ đầy vẫn không được trải nghiệm." Mình sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước nên những trò chơi dân dã là những thứ đậm đặc dấu ấn của tuổi thơ. Dĩ nhiên, sẽ có những thứ giống và cũng có những thứ khác giữa các vùng miền. Thế nhưng, sự giản đơn lại là nét đặc biệt của tuổi thơ xưa mà tuổi thơ của những đứa trẻ thời hiện đại khó mà cảm nhận được. Sản vật phong phú, muốn ngon có ngon; muốn độc lạ có độc lạ; muốn làm hoàng thượng thì làm, muốn kinh doanh thì thì thiếu gì lá cây, bịch xà bông,… Vui vẻ, đắm say, mãi là những giây phút trong ngần của từng đứa trẻ thơ như mình.

"Cả lũ bạn trong xóm đều biết bơi, chỉ riêng mình tôi là được chuồn chuồn cắn rốn bao lần mà vẫn chỉ ôm cây chuối dạo quanh bờ nhìn đám bạn thi đua bơi mà ấm ức." Ừa, mình cũng vậy. Cười cái đã rồi mình mới viết tiếp. Cái này là thứ duy nhất đến bây giờ mình vẫn chưa làm được. Dù biết là kỹ năng bơi quan trọng nhưng có lẽ chính vì quá khứ một thời oanh liệt cho bé chuồn chuồn cắn rốn thế mà nhảy xuống nước thì rơi liền cái tủm rồi lặn luôn là ký ức khó phai, gây “ám ảnh” đến bây giờ luôn.

Còn nhiều đoạn văn mà bạn đã khơi gợi lên từng niềm thương đối với ký ức thời ấu thơ của mình nữa nhưng mình chỉ xin chốt lại bằng từ: Lưu luyến. Nhiều lúc trải qua chặng đường gian khó của cuộc đời. Tối đến, nước mắt lung tròng. Những khi ấy, tuổi thơ đầy vô tư, hồn nhiên là thứ neo giữ để mình biết rằng mình cũng đã từng trải qua những năm tháng rất đẹp của cuộc đời. Tuy nhiên, tuổi thơ đã qua thì không thể trở lại, mình chọn cách giữ một góc trong miền ký ức như để tưởng về mỗi lúc cần an yên.

Cảm ơn lời văn nhiều xúc cảm của bạn! Chúc bạn an lành trong mùa đại dịch!
 
  • Like
Reactions: Phong Cầm
Bạn mến! Mình cũng may mắn được tắm mình trong những ký ức của đứa trẻ vùng quê nghèo những năm trước 2000. Chắc cũng vì vậy mà bài viết của bạn gợi cho mình nhiều ký ức quá đỗi.

"Tuổi thơ của chúng tôi ngày ấy thật tuyệt vời, kết thúc năm học là kỳ nghỉ hè kéo dài 3 tháng. Không học thêm, học bù chúng tôi được thỏa thích chơi đùa suốt 3 tháng hè với những buổi chiều thả diều trên đồng, lang thang triền đê chơi chọi cỏ gà, những trưa trốn ngủ sang nhà bạn chơi ô ăn quan, trốn tìm, … ký ức tuổi thơ tươi đẹp mà trẻ em bây giờ dẫu đủ đầy vẫn không được trải nghiệm." Mình sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước nên những trò chơi dân dã là những thứ đậm đặc dấu ấn của tuổi thơ. Dĩ nhiên, sẽ có những thứ giống và cũng có những thứ khác giữa các vùng miền. Thế nhưng, sự giản đơn lại là nét đặc biệt của tuổi thơ xưa mà tuổi thơ của những đứa trẻ thời hiện đại khó mà cảm nhận được. Sản vật phong phú, muốn ngon có ngon; muốn độc lạ có độc lạ; muốn làm hoàng thượng thì làm, muốn kinh doanh thì thì thiếu gì lá cây, bịch xà bông,… Vui vẻ, đắm say, mãi là những giây phút trong ngần của từng đứa trẻ thơ như mình.

"Cả lũ bạn trong xóm đều biết bơi, chỉ riêng mình tôi là được chuồn chuồn cắn rốn bao lần mà vẫn chỉ ôm cây chuối dạo quanh bờ nhìn đám bạn thi đua bơi mà ấm ức." Ừa, mình cũng vậy. Cười cái đã rồi mình mới viết tiếp. Cái này là thứ duy nhất đến bây giờ mình vẫn chưa làm được. Dù biết là kỹ năng bơi quan trọng nhưng có lẽ chính vì quá khứ một thời oanh liệt cho bé chuồn chuồn cắn rốn thế mà nhảy xuống nước thì rơi liền cái tủm rồi lặn luôn là ký ức khó phai, gây “ám ảnh” đến bây giờ luôn.

Còn nhiều đoạn văn mà bạn đã khơi gợi lên từng niềm thương đối với ký ức thời ấu thơ của mình nữa nhưng mình chỉ xin chốt lại bằng từ: Lưu luyến. Nhiều lúc trải qua chặng đường gian khó của cuộc đời. Tối đến, nước mắt lung tròng. Những khi ấy, tuổi thơ đầy vô tư, hồn nhiên là thứ neo giữ để mình biết rằng mình cũng đã từng trải qua những năm tháng rất đẹp của cuộc đời. Tuy nhiên, tuổi thơ đã qua thì không thể trở lại, mình chọn cách giữ một góc trong miền ký ức như để tưởng về mỗi lúc cần an yên.

Cảm ơn lời văn nhiều xúc cảm của bạn! Chúc bạn an lành trong mùa đại dịch!
Thiện ĐứcCám ơn bạn đã đọc và cảm nhận.
 
  • Love
Reactions: Thiện Đức

Đang có mặt