Phần 1.Thực tiễn áp dụng cặp phạm trù “Nội dung - Hình thức” để cảm hiểu tác phẩm văn học dân gian qua một số thể loại tiêu biểu: Tục ngữ, ca dao, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, truyện ngụ ngôn.
1. Nội dung và hình thức của tác phẩm văn học:
1.1. Nội dung của tác phẩm văn học:
Nội dung của tác phẩm văn học là cái được nói đến, được đề cập đến trong tác phẩm văn học. Thông thường nội dung của tác phẩm được xem là hiện thực khách quan được phản ánh vào tác phẩm thông qua cái nhìn chủ quan của nhà văn. Hay có thể nói, nội dung của tác phẩm văn học là hiện thực khách quan đã được đồng hoá bởi chủ thể sáng tạo. Vậy nội dung tác phẩm văn học là cái quan hệ chủ quan- khách quan sống động được đánh thức dậy trong lòng khi tiếp nhận tác phẩm. Nội dung không đơn giản là cái hiện thực được miêu tả, hoặc ý nghĩ trừu tượng của nhà văn mà là một quan hệ chủ quan- khách quan. Nội dung tác phẩm không thể gói gọn trong vài câu “tác phẩm này nói về”… hay “ tác phẩm này toát lên”… Nội dung tác phẩm phải được xem xét trong toàn bộ các yếu tố của tác phẩm.Song trong thực tế, để nắm bắt tác phẩm người ta vẫn nói lên loại nội dung của tác phẩm. Xét về nội dung của tác phẩm bao gồm các yếu tố: đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng nghệ thuật…
Trong tác phẩm văn học, đề tài là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong tác phẩm.Ví dụ: đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám, đề tài người lính…
Khi lựa chọn đề tài, nhà văn chẳng những lựa chọn một phạm vi phản ánh mà còn nhằm nêu lên những vấn đề có ý nghĩa hàng đầu về cuộc sống, xã hội, con người. Đó chính là chủ đề. Như vậy, chủ đề là vấn đề trung tâm mà nhà văn nêu lên, đặt ra trong tác phẩm theo một khuynh hướng tư tưởng nhất định.
Bên cạnh đề tài, chủ đề thì tư tưởng, cảm hứng nghệ thuật là những yếu tố quan trọng của nội dung. Bởi tư tưởng là sự lí giải của nhà văn về chủ đề đặt ra trong tác phẩm. Còn cảm hứng nghệ thuật là nội dung tình cảm chủ đạo của tác phẩm. Nó là tư tưởng, tình cảm, thái độ của nhà văn được cụ thể hoá một cách sinh động thành mạch cảm xúc, trạng thái tâm hồn…nó giống như một chất men lôi cuốn, truyền cảm và hấp dẫn người đọc.
Tuy nhiên, muốn nắm được nội dung tác phẩm thì đòi hỏi phải đặt trong một hình thức nhất định, tức là nội dung nằm trong chỉnh thể thống nhất với hình thức. Khi nội dung chưa được biểu đạt qua hình thức nào đó thì vẫn ở ngoài nghệ thuật.
1.2. Hình thức của tác phẩm văn học:
Nói tới nội dung tác phẩm là nói tới cái gì được thể hiện trong đó. Còn nói tới hình thức tác phẩm là nói tới nội dung ấy được thể hiện như thế nào? Hình thức tác phẩm do vậy chính là cách thể hiện nội dung.
Chất liệu và phương tiện nghệ thuật trở thành hình thức nghệ thuật chừng nào đó trở thành biểu hiện của nội dung, trở thành hình thức có tính nội dung.
Qua phân tích, hình thức nghệ thuật bao giờ cũng là hình thức của một nội dung nghệ thuật cụ thể, không lặp lại. Một đôi chỗ người ta phân tích hình thức nghệ thuật theo kiểu “ở đây tác giả dùng biện pháp so sánh”, “tác giả dùng phép ẩn dụ”.. thực chất là chưa phân tích gì về hình thức nghệ thuật mà chỉ giới thiệu các “phương tiện” nhà văn sử dụng. Nội dung có mặt trong toàn tác phẩm, do vậy hình thức cũng có mặt trong mọi yếu tố của tác phẩm. Hình thức có mặt trong ngôn từ, kết cấu, cốt truyện, thể loại, chi tiết, nhân vật...
Hình thức xuất hiện trong toàn bộ tác phẩm nhưng không đơn giản là số cộng của hình thức ở các yếu tố. Hình thức chỉ xuất hiện trong hệ thống chỉnh thể, trong sự thống nhất với nội dung và phụ thuộc lẫn nhau giữa các mặt của các lớp hình thức. Hình thức tác phẩm văn học có hình thức bên trong và hình thức bên ngoài.
Hình thức bên ngoài: là sự thực hiện bằng vật chất cái khách thể thẩm mỹ bên trong (khi ấn loát chiếm một số lượng trang giấy, khi đọc chiếm một lượng thời gian, âm thanh trầm bổng của vỏ ngôn ngữ…). Hình thức bên ngoài còn là hình thức quy phạm của các thể loại ( lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn…)được sử dụng vào các tác phẩm khác nhau. Hình thức bên ngoài còn là các thủ pháp mà nhà văn sử dụng (so sánh, ẩn dụ, nhân hoá, phép đối, phóng đại…).
Hình thức bên trong: là hình thức của cái nhìn nghệ thuật, là sự hiện diện của con mắt nghệ sĩ, yếu tố quy định cách tạo hình cho tác phẩm.
Như vậy chất liệu và phương tiện nghệ thuật chừng nào nó trở thành sự biểu hiện của nội dung, trở thành hình thức có tính nội dung, hình thức mang tính quan niệm.Vì vậy hình thức của một tác phẩm văn học là không lặp lại, là luôn sáng tạo mới mẻ khi mang một nội dung nhất định.
1.3. Sự thống nhất giữa nội dung và hình thức tác phẩm:
Trong tác phẩm văn học, nội dung và hình thức thống nhất với nhau. Nhưng đó không phải là sự thống nhất theo kiểu rượu và chai hay như hai mặt của tờ giấy. Sự thống nhất giữa nội dung và hình thức phải là sự thống nhất biện chứng không có cái này thì cũng không tồn tại cái kia. Sự thống nhất đó chính là sự sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Nhà văn luôn tìm tòi trăn trở tìm câu, chọn ý, lựa chọn các sự kiện, các tình huống, các nhân vật... sao cho phù hợp với tư tưởng nghệ thuật mà mình định trình bày. Biện luận về điều này, Hêghen viết: “Tác phẩm nghệ thuật mà thiếu một hình thức thích đáng thì không phải là một tác phẩm nghệ thuật thực sự”.
Trong sự thống nhất đó, nội dung giữ vai trò quyết định, còn hình thức có chức năng định hình và biểu đạt nội dung. Nội dung quyết định việc lựa chọn hình thức thể loại, ngôn ngữ, nhân vật, kết cấu...
Nội dung quyết định hình thức không có nghĩa là nhà văn sáng tạo ra nội dung trước rồi mới dùng hình thức phù hợp để chuyển tải. Cùng với sự hình thành và hoàn thiện nội dung là sự hình thành và hoàn thiện hình thức. Vì thế Hêghen đã nói: “Nội dung chẳng phải là cái gì khác, mà chính là sự chuyển hoá hình thức vào nội dung và hình thức chẳng có gì khác là sự chuyển hoá của nội dung vào hình thức”.
Hình thức mặc dù chịu sự quyết định của nội dung nhưng hình thức cũng có ý nghĩa độc lập tương đối và có vai trò tác trọng trở lại với nội dung. Không có hình thức phù hợp thì nội dung không thể hiện ra. Các nhà triết học từ xưa đã rất coi trọng hình thức. Arixtốt cho rằng: “Chất liệu cộng với hình thức thì tạo thành bản chất của sự vật”. Sau này Lênin có nói: “Hình thức mang tính bản chất, bản chất được biến thành hình thức”.
Có thể nói, sự thống nhất giữa nội dung và hình thức và một yêu cầu tất yếu của tác phẩm, vì nó không chỉ tạo nên tính chỉnh thể của tác phẩm mà còn làm cho tác phẩm có tính nghệ thuật.
2. Vận dụng cặp phạm trù “Nội dung - Hình thức” để cảm hiểu tác phẩm văn học dân gian qua: Tục ngữ, ca dao, truyện cười
2.1 Tục ngữ:
2.1.1. Khái quát chung về tục ngữ
- Tục ngữ là câu nói chắc gọn, xuôi tai, diễn đạt những kinh nghiệm của nhân dân về thiên nhiên, lao động sản xuất và con người xã hội.
- Theo Vũ Ngọc Phan: Tục ngữ là câu nói “tự nó diễn đạt một ý, một nhận xét hoặc một sự phê phán, có khi là một kinh nghiệm, một công lý, một luân lý.”
Theo Mã Giang Lân: “tục ngữ là lời ăn tiếng nói của nhân dânđược đúc kết lại dưới hình thức tinh giản, nội dung súc tích. Tục ngữ thiên về biểu hiện trí tuệ của nhân dân trong việc nhận thức thế giớ”.
VD: Câu tục ngữ “Người chửa cửa mả”: nói lên một nhận xét, một kinh nghiệm: Người chửa, nếu không gìn giữ cẩn thận thì dễ gặp nguy hiểm, có khi thiệt mạng.
- Xét về hình thức và nội dung, tục ngữ có thể xuất hiện vào thời mà tiếng nói của ta đã phát triển. Mặt khác, nó xuất hiện vào thời mà cuộc sống của nhân dân ta bắt đầu phức tạp, đã có những kinh nghiệm về sản xuất, kinh nghiệm về cuộc đời, tinh thần và vật chất để diễn đạt ý kiến của mình về một nhận định, kinh nghiệm thành những câu gọn ghẽ, xuôi tai, vần vè:
Những câu phê phán sắc sảo:
Những tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa:
Người ta là hoa đất.
Người sống, đống vàng.
2.1.2. Nội dung của các câu tục ngữ:
- Lao động là sự tác động của con người vào thiên nhiên, biến thiên nhiên thành sản phẩm cần thiết cho mình. Muốn như vậy, con người phải hiểu biết về quy luật của thiên nhiên. Thời xưa, khoa học chưa phát triển, bằng cảm tính, bằng kinh nghiệm, căn cứ vào hiện trạng, người dân nắm bắt được một số quy luật của thiên nhiên; kinh nghiệm ấy được ghi nhớ, gom góp và thể hiện bằng tục ngữ.
Những kinh nghiệm về sản xuất: Một phần khá lớn tục ngữ là những kinh nghiệm sản xuất, mà hầu hết là sản xuất nông nghiệp. Những câu tục ngữ đó đã giúp người lao động xưa rất nhiều trong công cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên để sống, để tồn tại.
Họ đưa ra những kinh nghiệm về thời tiết.
Dựa vào việc quan sát khí tượng, tập quán và sự biến đổi của sinh vật, nhân dân ta có câu:
- Gió bắc hiu hiu sếu kêu trời rét.
- Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão.
- Mùa hè đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa.
Khi nhận xét thiên nhiên, nhân dân ta lại khuyên nhau:
Đói thì ăn ngô ăn khoai
Đừng thấy lúa trổ tháng hai mà mừng.
Dù đói cũng không mừng khi thấy lúa trỗ tháng hai. Lúa chiêm được cấy từ tháng chạp năm trước. Thời tiết rét làm cây lúa cầm lại không phát triển. từ tháng 1 và 2 cây lúa chỉ lớn hơn cây mạ một chút. nên nếu lúa trỗ tháng hai sẽ báo hiệu mất mùa
+ Họ rút ra đặc tính của từng loại cây:
“Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen”.
Khoai ưa đất lạ, chưa từng trồng khoai, mạ ưa đất đã từng giao trồng. Câu tục ngữ nói về khả năng thích nghi của 2 loại cây quen thuộc của nhà nông.
“Cấy thưa thừa thóc, cầy dày cóc được ăn”.
“Được mùa lúa, úa mùa cau
Được mùa cau, đau mùa lúa”.
- Những kinh nghiệm về chăn nuôi:
VD: - Đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt. (Chọn trâu)
- Gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua,
- Lợn đói một bữa bằng người đói một năm.
- Những kinh nghiệm về nghề thủ công, buôn bán:
VD: - Của rề rề không bằng nghề trong tay.
- Một khúc sông, một đồng lãi.
- Kinh nghiệm trong, sinh hoạt:
Ông cha ta rất trọng lời ăn tiếng nói. Hàng trăm câu tục ngữ đưa ra các kinh nghiệm về lời ăn tiếng nói.
VD: - Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.
- Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
- Ăn có nhai, nói có nghĩ.
- Những câu tục ngữ khuyên răn đạo đức:
VD: - Chớ thầy sóng cả mà ngã tay chèo.
- Đói cho sạch, rách cho thơm.
- Sống đục không bằng thác trong.
- Những câu tục ngữ chỉ trích thói xấu:
VD: - Ăn như rồng cuốn.
Nói như rồng leo.
Làm như mèo mửa.
- Của người bồ tát, của mình lạt buộc.
- Những câu triết lý:
VD: - Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.
- Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.
- Những câu ghi lại thổ sản từng vùng:
VD: - Dưa La, húng Láng, nem Bảng, tương Bần,
Nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét.
- Những câu ghi lại ngày họi hè, đình đám của miền, vùng:
VD: - Dù ai buôn bán đi đâu
Mùng mười tháng 8 chọi trâu thì về. (Hội chọi trâu ở Đồ Sơn)
- Tục ngữ nói về trai tài gái sắc từng miền:
VD: - Trai Cầu Vồng Yên Thế (Địa danh thuộc Bắc Giang)
Gái Nội Duệ Cầu Lim (Địa danh thuộc Bắc Ninh)
Tục ngữ được cấu tạo trên cơ sở thực tế, lý trí nhiều, cảm xúc ít. Trong đấu tranh thiên nhiên, đấu tranh xã hội, những cái gì có kết quả tốt, những cái gì bị vấp váp, những gì cần chuẩn bị hay cần phòng ngừa, tổ tiên chúng ta thường ghi lại những lời nhận xét hoặc phê phán. Những lời ấy có thể chỉ là lời nói xuôi tai (Thật thà là cha quý quái; Việc to đừng lo tốn; Người ta là hoa đất.) được mọi người thừa nhận là đúng rồi nói ra thành thói quen, trở thành những câu có sẵn để áp dụng vào việc đời. Tục ngữ dễ thuộc, được nhiều người nhớ, mỗi khi nói chuyện, nhận xét về việc gì, muốn cho lời nói của mình có lý người ta thường vận dụng tục ngữ.
2.1.3 Hình thức của tục ngữ:
- Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, vần vè và đanh thép.
VD: - Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.
- Một lời nói dối, sám hối bảy ngày.
- Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng.
- Nói ngọt lọt đến xương.
- Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.
- Có những câu là lời nói xuôi tai:
VD: - Đói thì đầu gối cũng phải bò.
- Gà què ăn quẩn cối xay.
- Có những câu vừa vần vừa đối:
VD: - Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm.
- Bỏ thì thương, vương thì tội.
- Yêu nhau lắm, cắn nhau đau.
- Mất lòng trước, được lòng sau.
- Lại có những câu không vần vè nhưng hai vế rất đối nhau:
VD: - No ra bụt, đói ra ma.
Những câu tục ngữ không vần là số ít, còn hầu hết tục ngữ đều có vần và vần rất phong phú.
Ở những câu tục ngữ ngắn thường là vần lưng, nghĩa là vần ở giữa câu.
+ Có câu 4 chữ:
VD: - Bút sa gà chết.
- Có tật giật mình.
- Thân lừa ưa nặng.
- Năng nhặt chặt bị,
Năng chơi vơi bị.
+ Có câu 5 chữ:
VD: - Cơm treo, mèo nhịn đói.
- Việc bé xé ra to.
+ Có câu 6 chữ. Những câu vần lưng và vần sát, nghĩa là vần liền kề với nhau
- Ăn lấy chắc, mặc lấy bền.
- Một câu nhịn, chín câu lành.
- Điếc hay ngóng, ngọng hay nói.
- Có câu vần lưng nhưng là vần cách (cách 1 chữ).
VD: - Mau tay hơn hay thuốc.
- Đi chợ ăn quà, về nhà đánh con.
- Những câu tục ngữ dài thường vần chữ 6 câu trên với chữ 4 câu dưới.
VD: - Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
- Ăn no thì lại nằm khèo,
Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem.
- Hay chữ 8 vế trên vần với chữ bốn vế dưới.
VD: - Ăn trộm ăn cắp, thành phật thành tiên
Đi chùa đi chiền, bán thân bất toại.
Ở hai vế này, mỗi vế lại chia ra làm 2 đoạn đối nhau, không vần như câu: No nên bụt, đói ra ma.
- Trong những câu tục ngữ, nhiều câu thuộc thể lục bát.
VD: - Cá tươi thì xem lấy mang
Người khôn xem lấy hai hàng tóc mai.
Tóm lại:
- Về nội dung: Tục ngữ biểu hiện thái độ ứng xử và tình cảm của nhân dân đối với vấn đề cuộc sống. Tục ngữ thể hiện một phần quan trọng của tư liệu khoa học dân gian và triết lý dân gian, gắn với lao động, với tự nhiên và những thăng trầm của lịch sử xã hội. Nhân dân đã bộc lộ một cách sâu sắc kinh nghiệm sống, lối sống, tư tưởng đạo đức của mình trong tục ngữ qua những nhận xét tinh tế về thời tiết, những kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi, những phê phán sắc sảo “Nén bác đâm toạc tờ giấy.”, “Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ.”; những tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa “Người ta là hoa đất.”, “Người sống đống vàng.”; những đức tính quý báu của nhân dân “Có công mài sắt có ngày nên kim.”; những chân lý ngàn đời “Năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn.”, “Nước chảy đá mềm.”, “Tre già măng mọc.”…
- Về nghệ thuật: Ý nghĩa của thể loại này biển hiện cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ dân tộc: Ngôn ngữ Việt Nam mẫu mực về tính chính xác, tính sinh động và tính hình tượng. Qua tục ngữ, ta thấy nhân dân đã phát huy được ưu điểm của tiếng Việt về mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp để biểu hiện tư tưởng của mình. Thông qua sáng tác tục ngữ, nhân dân ta rèn đúc, mài giũa ngôn ngữ dân tộc, làm cho ngôn ngữ dân tộc ngày càng chính xác, phong phú hơn.
+ Mỗi câu tục ngữ đều dùng hình ảnh, sự việc cụ thể nói lên ý trừu tượng, dùng cái cá biệt nói lên cái phổ biến. Vì vậy, mỗi câu tục ngữ thường có 2 nghĩa: Nghĩa đen (Nghĩa hẹp) và nghĩa bóng (Nghĩa rộng). Cái cụ thể, cái cá biệt tạo nên nghĩa đen; cái cụ thể, cái trừu tượng tạo nên nghĩa bóng.
+ Hình ảnh trong tục ngữ là hình ảnh cuộc sống phong phú, nhiều màu, nhiều vẻ, được nhân cách hóa rất linh hoạt và sinh động “Đũa mốc chòi mâm son”, “Khố son bòn khố nâu”.
+ Hầu hết tục ngữ đều có vần, chủ yếu là vần lưng nên nhịp điệu nhanh, mạnh, vững chắc. “Được làm vua, thua làm giặc.”, “Gái một con trông mòn con mắt”.
+ Những câu không vần thường giữ được tính chất nhịp nhàng, cân đối của các vế. “Già néo đứt dây.”, “Vỏ quýt đày có móng tay nhọn.”
+ Những câu không có đối giàu chất nhạc, chất hàm súc của thơ. “Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết.”, “Nằm trong chăn mới biết chăn có rận.”, “Dao sắc không gọt được chuôi.”
Nghệ thuật trong tục ngữ biểu hiện đầy đủ lối suy nghĩ dân gian của dân tộc về giới tự nhiên và đời sống xã hội, đồng thời biểu hiện cách nói của dân tộc qua nhiều thế hệ, trong tiến trình lịch sử dân tộc.
2.2 Ca dao:
2.2.1. Khái niệm và nguồn gốc ra đời
- Ca dao: Là những bài văn vần do nhân dân sáng tác. Ca dao không rõ tác giả, được lưu truyền bằng miệng và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân.
- Phong dao: Là bài ca dao nói về phong tục tập quán nào đó.
- Đồng dao: Là bài hát của trẻ (Nu na nu nống, Ông giẳng ông giăng)
(Phong dao và đồng dao đều là ca dao.)
- Dân ca khác với ca dao ở chỗ nó chỉ được hát lên trong những hoàn cảnh nhất định (hát giao duyên, hát ru em, hát ru con... )
- Xét về nguồn gốc và bản chất, ca dao không khác dân ca là mấy. Ca dao có thể xây dựng thành dân ca, nhiều bài dân ca lại biến thành ca dao.
VD: Bốn câu ca dao khích lệ chí làm trai :
Làm trai quyết chí tu thân
Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo
Khí nên trời giúp công cho
Làm trai năm liệu bảy lo mới hào.
Trong diễn xướng, các thể loại này đều là những câu hát. Tách khỏi điệu hát thì ca dao cũng là thơ.
- Ca dao cũng là những áng thơ ca trữ tình dân gian.
Mối liên hệ giữa tục ngữ và ca dao:
- Căn cứ vào hình thức có nhiều câu tục ngữ giống ca dao, cho nên phải căn cứ vào nội dung để phân biệt giữa tục ngữ, ca dao và mối liên hệ giữa hai loại
- Tục ngữ nhằm diễn đạt ý, nặng về lý trí. Nó nói lên nhận xét một chân lý nào đó chứ không phải nói lên lòng ghét, yêu, thương nhớ cảm xúc chủ quan của con người như ca dao.
- Còn ca dao thì khác. Ca dao chú ý về diễn tình, nặng về tình cảm. Ca dao nói lên những ý nghĩ cảm xúc của con người trong cuộc sống. Mỗi câu ca dao đều thể hiện một khía cạnh của tâm hồn, một rung động của tình cảm.
* Tuy nhiên có nhiều câu ranh giới giữa tục ngữ, ca dao không rõ rệt. Có câu nửa như tục ngữ, nửa như ca dao:
“Ở sao cho vừa lòng người
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.”
Ý nghĩ trong đó biểu lộ sự chán chường cho nhân tình thế thái.
Tóm lại: Tục ngữ khác nhau cả về hình thức lẫn nội dung. Một số ít câu ca dao diễn đạt ý như tục ngữ nhưng hình thức vẫn khác.
Nguồn gốc ra đời:
Ca dao có thể ra đời sau tục ngữ, nó chỉ xuất hiện vào thời mà tình cảm của con người đã bắt đầu dồi dào, vào thời mà con người ta có nhiều thắc mắc trong cuộc đời tình cảm. Ca dao lại đòi hỏi một tiếng nói phong phú để diễn tả mọi khía cạnh của cảm xúc với tự nhiên và xã hội.
2.2.2 Hình thức của ca dao:
- Ca dao là những bài hát thường ngắn, (có từ 2 đến 8 câu ) âm điệu lưu loát phong phú. Ca dao có nhiều thể: lục bát, ngũ ngôn, song thất lục bát cũng có. Ví dụ :
“Đêm qua nguyệt lặn về tây
Sự tình kẻ đấy người đây còn dài
Trúc nhớ mai, mai về trúc nhớ,
Trúc trở về mai nhớ trúc không.”
Cái đặc biệt của ca dao là vần vừa sát vừa thanh thoát không gò ép, lại giản dị, rất tươi tắn. Nó có vẻ như lời nói thường lại vần vè, lại tả được những tính tình sâu sắc
- Ca dao vận dụng tài tình những âm thanh nhạc điệu cuả tiếng ta nên khi tả người, tả cảnh, tả tiếng kêu rất tài tình:
“Sóng sầm sịch lưng chừng ngoài biển Bắc
Hạt mưa tình rỉ rắc chốn hàng hiên.”
→ Cảnh buồn
- Lời đẹp mà giản dị, “toàn bích” không pha phách một chữ Hán nào, không gò ép một Tiếng Việt nào, cái đẹp của ca dao nó nồng hậu như cái đẹp của gái quê.
a. Chữ dùng trong ca dao:
Tiếng mà ca dao dùng là ngôn ngữ thông thường dễ hiểu.
- Ca dao dùng nhiều từ láy: vàng vàng, trăng trắng, lửng lơ, mập mờ, nỉ non,….hoặc những tiếng ghép (mũ mãng...)→ tạo nhạc tính, tạo ra tiếng êm tai có ý nghĩa, làm lời ca thêm sâu sắc, gợi hình, gợi cảm.
Ví dụ: “Tôi ném hòn sành
Nó lăn lông lốc.”
Hay cảnh rất êm đềm tĩnh mịch, bát ngát :
“Lửng lơ vừng quế soi thềm
Hương đưa bát ngát càng thêm bận lòng.”
Điều đặc biệt là ca dao ít dùng điển tích, nếu dùng thì dùng điển tích dễ hiểu,
Ca dao dùng toàn những tiếng thông thường, những câu có sẵn ở tục ngữ, thành ngữ những điển tích dễ hiểu. Do đó, ca dao là những câu rất dễ thuộc với tất cả mọi người.
b. Những lối hình tượng hoá, cụ thể hoá, nhân cách hoá trong ca dao:
- Ca dao của ta dùng nhiều hình ảnh so sánh để nói lên cái đẹp và những đức tính tốt, hay nói về cái xấu nhưng không muốn nói thẳng. Nhờ hình tượng hoá nên ca dao lời tuy rất trong sáng, giản dị mà hàm súc.
Ví dụ : Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày.
Người con gái không được chủ động trong tình yêu, trong hôn nhân. Hạt mưa là hình ảnh để so sánh với người con gái đến tuổi lấy chồng là rất hợp lý. Người con gái không thể biết cha mẹ mình định gả mình cho ai. Hạt mưa từ trên trời rơi xuống, có thể là rơi vào vườn hoa vào gác tía, còn nếu rơi vào giếng (hoà tan). -> Hình ảnh ấy vừa nói lên được sự trong sáng của người thiếu nữ đồng thời nói lên được băn khoăn thắc mắc của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến.
Ví dụ: Ca dao dùng hình tượng để so sánh rất sâu sắc:
“Trai tơ lấy phải nạ dòng
Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu
Nạ dòng mà lấy trai tơ
Đêm nằm hí hửng như mơ được vàng .”
Hình ảnh đáng sợ, ghê, một bên là choáng ngợp, đẹp đẽ -> Nổi bật ý.
Có khi ca dao đưa ra một hình ảnh để so sánh coi như tột độ so sánh rồi lại bác đi và đưa cảnh tình lên một mức cao hơn.
“Gái không chồng như phản gỗ long đanh
Phản long đanh anh còn chữa được
Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi
Không chồng khốn lắm chị em ơi!”
Đem hình ảnh phản long đanh để người ta thấy ái ngại cho cảnh phụ nữ không chồng, nhưng rồi lại bác đi “phản long đanh còn chữa được” chứ sự long đong của người phụ nữ thật khốn khổ không thể chữa được. Diễn tả tâm trạng bằng hình ảnh tuyệt hay.
Tả một người con gái dưới chế độ tảo hôn, chưa vấn tóc gọn đã về nhà chồng. Anh chồng dửng dưng coi vợ như một đứa trẻ. Nhưng khi vừa đến tuổi dậy thì thì tình trạng khác hẳn. Một sự thay đổi lớn xảy ra trong hai con người, thứ đồ vật dùng chung cũng bị xáo động.
“Lấy chồng từ thuở mười lăm
Chồng chê tôi bé chẳng nằm cùng tôi.
Đến năm mười tám đôi mươi
Tôi nằm dưới đất, chồng lôi lên giường
Một rằng thương, hai rằng thương
Có bốn chân giường gãy một còn ba.”
Nghệ thuật tả thực bằng hình tượng đến thế là tuyệt diệu. Đó là đưa hình tượng để cụ thể hoá bằng một tình yêu tột độ của cặp vợ chồng trẻ.
Tả các cảnh sung sướng đơn giản, không rực rỡ, xa hoa nhưng lại rất thân yêu của đôi vợ chồng trẻ ở nông thôn mà dùng hình tượng so sánh thì mấy câu ca dao cũng rất tươi đẹp:
“Đôi ta lấm tấm hoa nhài
Chồng đây ta đấy kém ai ở đời.
Muốn cho gần chợ ta chơi
Gần sông tắm mát, gần nơi đi về.”
Hình ảnh so sánh (lấm tấm hoa nhài), hình ảnh xinh xắn, tươi tắn nhưng không rực rỡ.
Trong ca dao, nghệ thuật nhân cách hoá được áp dụng rất nhiều. Từ vật vô tri vô giác cho đến chim muông đều được gán những tâm tình, ý nghĩ như con người.
- Con vật được nhân cách hóa nhiều hơn trong ca dao là con kiến, con bống,, con cò.
“Cái kiến mày kiện củ khoai
Mày chê tao khó lấy ai cho giàu.”
+ Cái cò được nhân hoá và tượng trưng cho con người nông dân ở nhiều mặt: nào trong gia đình, ngoài xã hội, lúc cực khổ, lúc eo óc, thì hết “lặn lội bờ ao”, “đi đón cơn mưa”...
+ Con cò có thể là con trai, con gái. Còn con cá bống đối với người dân lao động chỉ có thể là hình ảnh của thiếu nữ hay thiếu phụ.
“Cái bống đi chợ cầu nôm.”
“Cái bống cõng chồng đi chơi.”
Với mọi người dân, cái bống xinh xắn, hiền lành nên khi nói về bống, người nông dân nước ta có giọng trìu mến.
c. Các thể cổ điển của ca dao:
- Thể phú:
Trình bày diễn tả như nói về người về việc hay vật gì thì trình bày diễn tả cho người ta hình dung được người, việc hay vật ấy.
Ví dụ : “Đường lên xứ Lạng bao xa
Cách một trái núi với ba quãng đường
Ai ơi đứng lại mà trông
Kìa núi Thành Lạng, kìa sông Tam Cờ.
Em chớ thấy anh lắm bạn mà ngờ
Bụng anh vẫn thẳng như tờ giấy phong.”
Sau khi tả cảnh đẹp, tác giả mới ngỏ tâm sự của mình đối cảnh sinh tình.
Thể tỉ:
Là so sánh, ở thể này ca dao không nói thẳng ngay như ở thể phú mà lại mượn một sự vật khác làm so sánh, hoặc muốn ngụ một ý gì hoặc gửi một tâm sự gì.
Ví dụ : “Thiếp xa chàng như rồng nọ xa mây
Như con chim chèo bẻo xa cây măng vòi.”
(Rồng mây vốn nói lên sự gắn bó, hài hoà không tách rời, đã được sử dụng một cách sáng tạo như “rồng nọ xa mây”. So sánh đã sáo mòn, thiếu sức gợi không nói được nhiều điều bằng con chim chèo bẻo xa cây măng vòi ?
Thể hứng:
Hứng là do cảm xúc mà phấn khởi, thấy ngoại vật mà có hứng, muốn nói lên nỗi lòng mình tả tâm trạng riêng mình với ngoại vật.
Ví dụ : “Cơm trắng ăn với chả chim
Chồng đẹp vợ đẹp những nhìn mà no.”
Thể hứng nhiều khi gần giống với thể tỉ. Vì cảnh buồn thì người buồn, cảnh vui thì người vui. Tuy là hứng nhưng trong câu cũng có ý so sánh.
Ở ca dao có ba thể như vậy. Nhưng không phải mỗi một bài có một thể riêng. Có bài có tới hai, ba thể.
- Vừa phú vừa hứng :
“Qua đình ngả nón trông đình,
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.”
Tả mái đình (thể phú) nhưng đồng thời cảnh đình làm lòng người thiếu nữ xúc động thì đó là thể hứng.
- Ba thể có thể ở chung trong một bài ca dao:
“Áo xông hương của chàng vắt mắc
Đêm em nằm em đắp lấy hơi
Gửi khăn, gửi túi, gửi lời
Gửi đôi chàng mạng cho người đằng xa
Vì mây cho núi lên xa
Mây cao mù mịt núi nhoà xanh xanh...”
Hai câu trên vừa tả cảnh xa người yêu và cùng kỷ vật bên mình (thể phú). Câu 3,4 nói lên dự định của mình đồng thời những vật ấy cũng tượng trưng cho lòng gắn bó (thể tỉ). Và câu cuối vừa là tỉ vừa là hứng.
2.2.3: Nội dung của ca dao
Đề tài ca dao:
Hai đề tài lớn:
- Đề tài than thân, phản kháng.
- Đề tài tình yêu (Nam nữ, gia đình, thiên nhiên, xóm làng, đất nước).
- Diễn tả được tâm hồn của nhân dân, xưa kia ca dao là bạn thân thuộc của mỗi người (Chào đời – nghe hát; bé - đồng giao; lớn lên thì sử dụng câu hò, vè; từ giã cõi đời nghe bài ca tang lễ).
- Trong ca dao đầy ắp những chi tiết về cảnh vật, phong thục, về cuộc sống gia đình, cuộc sống xã hội của nước ta, dân ta bởi vì ca dao tìm thi hứng ở ngay những cuộc đời hàng ngày.
Chức năng:
Chức năng thẩm mĩ độc đáo của ca dao là diễn tả đời sống tâm hồn của nhân dân:
- Nói đến thơ trữ tình là nói đến cái tôi. So với cái tôi trữ tình của văn học viết, ở ca dao không có cái tôi cá nhân. Ở ca dao chủ thể trữ tình (tác giả) luôn luôn đồng nhất với nhân vật trữ tình (tức nhân vật xưng tôi mà cảm nghĩ của nó được biểu hiện trong câu ca). Tuy là cá thể nhưng không phải là một cá nhân riêng rẽ nào, cá thể này cất lên lời ca diễn tả cảm nghĩ của cả quần chúng.
Trong ca dao chỉ có một số nhân vật trữ tình nhất định: Đó là cô gái, chàng trai trong quan hệ tình duyên. Là người phụ nữ (người con gái, con dâu, người vợ, người mẹ) trong cảnh ngộ éo le về gia đình; là những người lao động trong công việc làm ăn trên đồng ruộng hay trong cảnh ngộ khó khăn.
- Với dân tộc nào cũng vậy, thơ ca trữ tình dân gian được coi là tấm gương của tâm hồn dân tộc, của tâm hồn dân chúng.
Trong sinh hoạt của nhân dân, những câu hát dân gian được hát lên không chỉ nhằm mục đích thiết thực nào đó: Câu hát phục vụ cho nghi lễ, có câu hát sử dụng nhằm phục vụ hoạt động lao động sinh hoạt, hay trò chuyện kết bạn.
Thi pháp:
Những yếu tố gốc, những yếu tố đó đã trở thành truyền thống tạo ra phong cách chung của ca dao, đồng thời có khả năng biến hoá đem lại cho hình thức nghệ thuật ca dao sức biểu đạt phong phú khiến ca dao trẻ mãi và sống mãi.
a. Thể thơ và cách dùng các thể thơ:
Thể thơ trong ca dao là thể thơ thuần tuý dân tộc. Các thể thơ dân tộc gốc đều từ ca dao mà ra. Ngoài lục bát, song thất lục bát ca dao còn có thể vần (chuyện kể có cả vần).
Với những thể thơ ấy ca dao có đủ khả năng diễn tả mọi nội dung, cảm nghĩ, mọi sắc thái tình cảm.
- Cách dùng:
+ Thể thơ lục bát có thể được bỏ theo nhiều làn điệu đựợc dùng phổ biến hơn.
+ Thể thơ song thất lục bát được dùng trong một số điệu hò (hò mái nhì, mái đẩy)
+ Vãn: Dùng trong hát dặm, trong lối hát vui vui của trẻ em.
b. Lối trữ tình - trò chuyện và các kiểu cấu tứ gắn liền với nó:
- Chủ thể trữ tình trong ca dao luôn tự đặt mình vào vị thế người đang trò chuyện trực tiếp với một đối tượng cụ thể đang giãi bày cảm nghĩ tâm tình của mình với người nào đó.
Ví dụ qua bài hát ru ta đọc lên như hiện lên trước mắt hình ảnh người mẹ, người chị đang kể lể, trò chuyện tâm tình với đứa trẻ đang nghe hát.
Hầu hết những kiểu cấu tứ (tức tìm ý, lập ý, sắp đặt ý) trong ca dao đều mang đặc điểm trữ tình - trò chuyện.
c. Những cách phô diễn tình ý:
- Nói bằng so sánh ví von là một đặc điểm nổi bật của lối nói năng của quần chúng nhân dân. Chất liệu so sánh chủ yếu là cảnh vật thiên nhiên , làng quê, những vật quen thuộc, gần gũi trong lao động và sinh hoạt. So sánh làm cho câu văn có ý tình và trở nên bóng bẩy.
- Ca dao truyền thống đã sáng tạo hàng loạt hình ảnh được coi là kiểu mẫu về so sánh và ẩn dụ. Nhất là ẩn dụ về người con gái trong quan hệ tình duyên -> Cách phô diễn này tạo nên tính hàm súc, tự nhiên rất khó bắt chước.
d. Ngôn ngữ trong ca dao: Giản dị, tự nhiên, sinh động. Điều này thể hiện tập trung ở cách sử dụng tài tình những động từ, tính từ để đặc tả (thể phú), gợi tả (thể hứng) để cấu tạo những hình ảnh so sánh, những ẩn dụ động (thể tỉ).
Ví dụ: “Trời mưa
Quả dưa vẹo vọ
Con ốc nằm co
Con tôm đánh đáo
Con cò kiếm ăn.”
Bối cảnh chung một sự xáo động của thiên nhiên. Mọi vật đểu chịu ảnh hưởng đều thay đổi cho mỗi vật tượng trưng cho một hạng người, kẻ thì tùy thời (quả dưa méo mó biến dạng đi), kẻ chờ thời (con cốc), kẻ thì mặc kệ (con tôm nhởn nhơ), người lao động vẫn là mình, vẫn bình thản cần mẫn làm lụng (con cò kiếm ăn mọi lúc).
Phân tích ca dao phải thấy được chân chất, hồn nhiên, tươi tắn.
e. Định hướng phân tích:
Nội dung: Yêu cầu cơ bản là nắm bắt được cảm hứng chủ đạo cụ thể của chủ thể trữ tình.
Chủ thể trữ tình của bài ca khi cảm nghĩ về thân phận mình là thấy buồn, thấy khổ nhưng cảm nghĩ về người thương, về những nơi, những vật thân thuộc là thấy yêu thương. (Người ấy muốn nói điều gì, muốn thể hiện cảm xúc gì).
Cái hay, cái sâu sắc của ca dao nhiều khi không phải chủ yếu ở bản thân nội dung ý nghĩa trực tiếp của câu ca dao mà là ở sức gợi của nó (Nói đến sức gợi tức là nói khả năng cộng hưởng của người thưởng thức và người sáng tạo)
Từ nội dung của ca dao mà người ta chia ca dao thành các loại sau:
CA DAO LAO ĐỘNG
Ca dao lao động là toàn bộ những lời ca dao nói về đề tài lao động bắt nguồn từ dân ca lao động và các loại dân ca khác. Việc phân loại ca dao lao động có tính chất độc lập tương đối.
- Căn cứ vào đề có thể phân biệt thành các bộ phận:
+ Ca dao lao động nông nghiệp.
+ Ca dao về các nghề thủ công (Thợ mộc, thợ rèn).
+ Ca dao về nghề đánh cá, nghề rừng.
- Căn cứ vào nguồn gốc và xuất xứ có thể phân ca dao thành bộ phận nhỏ:
+ Bộ phận bắt nguồn từ hò lao động.
+ Bộ phận gắn với ca dao nghi lễ.
+ Bộ phận gắn với đồng dao.
CA DAO TRỮ TÌNH
Ca dao trữ tình là bộ phận quan trọng phong phú và phát triển mạnh mẽ nhất. Ca dao trữ tình phô diễn tâm tư tình cảm, thế giới nội tâm của con người, phản ánh thái độ, cảm xúc thẩm mỹ của con người đối với nhau cũng như đối với các hiện tượng trong thiên nhiên xã hội. Phân loại ca dao (hai cách ) :
Ở cách thứ nhất, toàn bộ ca dao trữ tình được coi là nguồn gốc dân gian chung, rồi căn cứ vào đề tài và nội dung chia ca dao thành các bộ phận tiểu loại nhỏ :
- Ca dao về tình cảm gia đình
- Ca dao về tình yêu quê hương đất nước
- Ca dao về tình yêu nam nữ
- Ca dao về đề tài xã hội
- Ca dao trữ tình về tình yêu nam nữ (ca dao tình yêu): là bộ phận lớn nhất trong ca dao trữ tình của người Việt, là tiếng nói trái tim của nam nữ thanh niên ở nông thôn.
Nhân vật chính là chàng trai, cô gái trong thực tế sáng tác và biểu diễn ca dao tình yêu ở địa phương có mặt đông đủ những người lớn tuổi (người có vợ có chồng, nhiều tuổi, đông con) nhưng khi sáng tác và biểu diễn thì tất cả đều tạm thoát ly. Họ đều coi mình là chàng, nàng.
Hoàn cảnh phát sinh, phát triển của ca dao tình yêu :
Nó nảy sinh từ rất sớm do nhu cầu thổ lộ tình cảm yêu đương của nam nữ thanh niên trong nhân dân.
* Một số dạng đề về cảm thụ ca dao:
1. Với các dẫn chứng sau em hãy viết một đoạn văn nghị luận chứng minh để làm sáng tỏ nội dung “ Bằng những hình ảnh khác nhau, ca dao nói lên một cách sâu sắc và thấm thía nhất công lao của cha mẹ đối với con cái.
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
“Ơn cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.”
“Nuôi con cho được vuông tròn
Mẹ con dầu dãi xương mòn gối long.”
2. Qua ba bài ca dao trên, hãy viết một đoạn văn nói lên tình cảm của người con với cha mẹ là rất sâu nặng.
Qua ca dao, ta thấy tình cảm của con cái với cha mẹ thật nồng nàn sâu sắc làm sao. Yêu cha mẹ, người con hiểu được công lao trời biển của cha mẹ “Công cha như núi Thái Sơn...”. Công của cha lớn lao sâu nặng lắm, còn nghĩa của mẹ mênh mông như biển trời vô tận như nước trong nguồn không bao giờ cạn. Càng yêu cha mẹ người con càng thấm thía nỗi vất vả nhọc nhằn mà cha mẹ phải chịu. Để nuôi con “được vuông tròn” mẹ cha đã phải dãi dầu, dầm mưa dãi nắng, phải hao tâm tổn sức, “ phải xương mòn gối long”. Càng yêu cha mẹ, người con tự như với lòng mình “một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
3. Phân tích và chứng minh tình cảm gia đình là một đề tài lớn của ca dao dân ca.
- Tình cảm của cha mẹ với con cái
- Tình cảm con cái với cha mẹ
- Tình cảm vợ chồng
- Tình cảm anh em
- Tinh thần lạc quan của người nông dân thể hiện trong hai bài ca dao :
“Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn nơi thì cày sâu
Công lênh chẳng quản bao lâu
Ngày nay nó bạc ngày sau cơm vàng”
“Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.”
- Tình cảm của con cái với cha mẹ
+ Người con hiểu ý thức được công lao to lớn, nỗi vất vả mà người cha người mẹ giành cho con mình.
+ Người con hiểu được mong ước thầm kín của cha mẹ mong cho con được vuông tròn.
+ Người con nghĩ trách nhiệm làm con: thờ mẹ kính cha
* Nghệ thuật:
- So sánh cụ thể công lao của cha mẹ. Nói quá, chọn hình ảnh so sánh đều là vô cùng lớn lao, vô tận, mênh mông rộng lớn. Giọng điệu trữ tình khi thì tha thiết, đằm thắm, khi thì trầm lắng pha chút xót xa.
4. Viết đoạn văn ngắn chứng minh tình cảm vợ chồng thuỷ chung son sắt qua ba bài ca dao sau:
“Rủ nhau lên núi đốt than
Chồng mang đòn gánh vợ mang quang giành
Củi than nhem nhuốc với tình
Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên.”
“Rủ nhau xuống biển mò cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.”
“Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.”
“Một thuyền, một bến, một dây
Ngọt bùi ta hưởng đắng cay chịu cùng.”
Phân tích bài ca dao sau :
“Rủ nhau xuống bể mò cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.”
Có gì liên quan giữa từ chua ngọt ở câu ba với hai câu ở đầu bài? Thử tìm hiểu nghĩa của từ “chua ngọt”, chỉ ra cái hay của nó.
Non xanh nước bạc và non xanh nước biếc có khác nhau không? Có thể thay thế cho nhau được không?
Hãy chỉ ra ý nghĩa của bài ca dao.
Tình cảm vợ chồng thủy chung gắn bó:
- Họ cùng kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ, chia ngọt xẻ bùi trong những công việc khó khăn.
Rủ nhau lên núi đốt than…
Rủ nhau xuống biển mò cua…
+ Họ cùng nhau lên rừng xuống biển, cùng nhau làm những công việc khó khăn vất vả.
+ Họ tìm được niềm vui trong công việc. Họ gắn bó, ríu rít, tíu tít bên nhau niềm vui của con người được lao động cùng nhau.
+ Họ cùng trải qua vất vả “lên rừng, xuống biển” cùng “chua ngọt, đắng cay, cùng chịu nhem nhuốc”.
- Tình yêu của họ giúp họ được tự nguyện đến với nhau, nguyện được gắn bó, nguyện được thủy chung:
“Một thuyền, một bến, một dây
Ngọt bùi ta hưởng, đắng cay ta chịu cùng.”
Họ tự nói với lòng mình:
“Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.”
Người phụ nữ yêu chồng ấy thật dũng cảm, nghị lực, vì tình yêu, vì hạnh phúc chị dám hy sinh bằng lòng với cuộc sống nghèo khổ của mình.
- Khao khát được sống bên nhau, được kề cận, được cùng chung niềm vui, cùng chia hạnh phúc.
“ Non xanh nước bạc xin đừng quên nhau.”
“Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên.”
2.3 . Truyện cười
2.3.1. Khái quát chung về truyện cười
a Khái niệm: Truyện cười là truyện kể về những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống, trong hành vi của người đời nhằm gây ra cái cười.
b Phân loại: Căn cứ vào tính chất của cái đáng cười, người ta chia ra làm 2 loại:
+ Truyện hài hước (Truyện khôi hài)
+ Truyện châm biếm (Truyện trào phúng)
Ranh giới giữa truyện hài hước và truyện châm biếm không rành mạch nhưng người ta cũng có quy ước:
+ Truyện hài hước: Nhằm mục đích mua vui tuy cũng có thể có ý nghĩa phê phán.
+ Truyện trào phúng: Dụng ý là nhằm đả kích, nhẹ về giải trí.
- Truyện hài hước thiên về khai thác những chuyện buồn cười, những hiểu lầm, hớ hênh, lầm lỡ hoặc nhược điểm phổ biến ở một lứa tuổi, một nghề nghiệp hoặc một địa phương.
- Truyện châm biếm thường tìm cái đáng cười ở những hiện tượng, những hành vi bộc lộ nét bản chất của thói xấu làm ảnh hưởng đến thể thống con người, những thói xấu phản xã hội.
2.3.2 Nội dung của truyện cười
Về đề tài: Rất rộng, tìm cái cười ở mọi lĩnh vực, mọi ngóc ngách cuộc sống:
+ Những thói xấu thuộc về bản chất, bộc lộ chủ yếu ở những hành vi buồn cười trong sinh hoạt của nhân vật tiêu biểu cho xã hội phong kiến: Vua chúa, quan lại, sai nha, hào lý, địa chủ…
+ Những thói xấu thông thường ở người bình dân bộc lộ ở những hành vi buồn cười trong sinh hoạt của họ.
+ Những hiện tượng buồn cười do hiểu lầm, do lầm lỡ, hớ hênh…mà thường tình ai cũng có lúc mắc phải hoặc do nhược điểm, khuyết tật nhưng không gây tổn hại cho ai.
Về mặt chức năng: Truyện cười là truyện kể để cười, tức là gây ra cái cười. Muốn hiểu được mục đích của truyện cười cần làm rõ hai khái niệm: Cái đáng cười và cái cười.
+ Cái đáng cười là cái gây ra cái cười. Đó là những hiện tượng mang một loại mâu thuẫn đặc biệt: Hình thức bên ngoài có vẻ hợp với lẽ tự nhiên nhưng thực chất bên trong là trái với lẽ tự nhiên; hình thức bên ngoài có vẻ hợp với nội dung bên trong những lại để lộ ra sự không phù hợp. Ngôn ngữ của tiếng cười có sự tương phản, mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa cái xấu xa với cái đẹp đẽ, cái tầm thường – cái cao quý, cái phi lý và có lý, máy móc và sinh động…Tóm lại, đó là những hiện tượng mà ở đó có sự ngược đời.
+ Cái cười là hành động cười, do cái đáng cười gây ra và do trí óc ta phát hiện ra cái đáng cười. Tất nhiên, phải có cái đáng cười mới có cái cười, nhưng cái đáng cười mà trí óc ta không phát hiện ra (tức là không phát hiện ra cái ngược đời ở hiện tượng) thì cũng không có cái cười.
Cái cười hài hước, cái cười châm biếm là sản phẩm của nhận thức lý tính (Tư duy ta phát hiện ra cái ngược đời mang bề ngoài hợp lẽ đời đã đánh lừa luân lý của nó).
- Chức năng sinh hoạt của truyện cười dân gian gắn với ý nghĩa nhân sinh, ý nghĩa xã hội sắc bén của nó -> Có sức lưu truyền rất mạnh.
- Truyện cười có chức năng giáo dục độc đáo. Nó mài sắc tư duy suy lý. Nó làm giàu óc phê phán. Nó giúp trau dồi khả năng ngôn ngữ.
Thi pháp:
- Mấu chốt của nghệ thuật gây cười là ở chỗ làm sao cho cái đáng cười tự nó bộc lộ ra một cách cụ thể, sinh động, nực cười để người nghe tự mình phát hiện ra và bật cười. Người ta phải tạo ra một hoàn cảnh thích hợp để mâu thuẫn tiềm tàng bộc lộ.
- Truyện cười thường được kết cấu theo dáng dấp của một màn kịch:
+ Giới thiệu hiện tượng có mâu thuẫn tiềm tàng.
+ Mâu thuẫn tiềm tàng phát triển đến đỉnh điểm.
+ Mẫu thuẫn bộc lộ (Mâu thuẫn được giải quyết).
Hiện tượng có mâu thuẫn tiềm tàng là hiện tượng mang sẵn cái cười, chỉ nhờ có điều kiện bộc lộ và phát hiện.
VD: Tính tham ăn: Đặt trong hoàn cảnh ăn bữa cơm với khách, ăn giỗ nhà bố vợ, tính tham ăn trở thành hiện tượng có mâu thuẫn tiềm tàng.
Mâu thuẫn phát triển đến đỉnh điểm: Cái cười từ thế tiềm tàng đã được đẩy đến cái thế sắp sửa bị phơi bày ra một cách cụ thể, sinh động và nực cười.
VD: Thà chết còn hơn, Tay ải tay ai…
Mâu thuẫn được giải quyết: Là lúc cái đáng cười được bộc lộ; là lúc cái ngược đời ở hiện tượng tự phơi bày ra, bị ta phát hiện.
VD: Anh keo kiệt cố ngoi lên lần nữa “3 quan tiền vẫn còn đắt, thà chết còn hơn.”
- Truyện cười bao giờ cũng có kết thúc, kết thúc trọn vẹn, kết thúc theo kiểu của nó.
- Truyện cười dân gian thường được cấu tạo một cách hết sức chặt chẽ, đặc biệt trong việc lựa chọn, bố trí, sắp xếp các chi tiết.
- Nhân vật: Nhân vật trong truyện cười đơn giản là hành vi ứng xử của nó trong một hoàn cảnh nhất định và hành vi ứng xử ấy luôn luôn được biểu hiện ở lời nói.
+ Cười hướng vào cái đáng cười hơn là cười nhân vật gây ra cái đáng cười -> Cười hài hước.
+ Khi ta hướng cái cười vào cả cái đáng cười và nhân vậ thì đó là cái cười châm biếm.
Phân tích tình tiết hướng vào sự việc nêu bật cái đáng cười:
- Phân đoạn đầu:
+ Ngay đầu câu chuyện, nhân vật có thói xấu hay tính cách dẫn đến hành vi buồn cười đều được giới thiệu không úp mở.
+ Ngay đầu câu chuyện, nhân vật ấy được đặt trong tình thế khiến nó trở thành hiện tượng có mâu thuẫn tiềm tàng. Phần đoạn đầu được gọi là tình thế mở đầu.
Giới thiệu nhân vật , đặt nhân vật vào mâu thuẫn tiềm tàng.
- Phân đoạn nút: Mâu thuẫn tiềm tàng phát triển đến đỉnh nút – tình thế gay cấn.
Gợi cho người đọc điểm lại diễn tiến của sự việc từ tình thế mở đầu đến điểm nút, nhận thức rõ mâu thuẫn cụ thể ở tình thế gay cấn, người nghe chờ xem kịch tính.
- Phân đoạn kết thúc:
+ Nhân vật bị đặt trong tình thế có mâu thuẫn , “giải quyết” mẫu thuẫn ngay ở điểm nút bằng hành vi, một lời nói bất ngờ làm bộc lộ cái đáng cười.
Mục đích và nội dung truyện khôi hài:
Truyện khôi hài dùng cái cười, cái trào phúng làm phương tiện miêu tả những phiền phức của xã hội loài người để khuyên răn, giáo dục.
- Nội dung truyện khôi hài: Mâu thuẫn trong đời sống bình thường. Mâu thuẫn ấy là những thói xấu làm phiền nhiễu đến đời sống con người.
-> Nêu ra mâu thuẫn không phải chỉ để cười mà chủ yếu là để giải quyết mâu thuẫn ấy, làm cho thói xấu không còn.
+ Những thói xấu mà truyện khôi hài đưa ra: Cô gái không chồng mà chửa, tính khoác lác một tấc tới giời, tính lưỡng lự nước đôi, sự dốt nát của thầy đồ…
2.3.3 Hình thức truyện cười
Các tác giả dân gian đã xây dựng truyện cười qua việc xây dựng một số thủ pháp xây dựng nghệ thuật như:
+ Phương pháp phóng đại điển hình: Tác giả cường điệu hóa, bịa đặt ra để làm nổi bật mục đích của mình.
VD: Con nói hợp với ý ta, Con rắn vuông, Thầy đồ liếm mật…
+ Lối chơi chữ: Trong truyện cười, nghệ thuật chơi chữ được áp dụng tinh vi.
VD: Đào trường thọ, Món ăn mầm đá…
+ Nghệ thuật dùng cái tục.
+ Sự sắp đạt các mâu thuẫn trong thế tương phản để gây cười.
Phần 2. Một số kết luận về phương pháp luận trong việc dạy nội dung, hình thức vào việc giảng dạy và nhìn nhận sự vật, hiện tượng
Một số giải pháp thực tế ứng dụng vào việc giảng bài cho học sinh
- Trong quá trình tìm hiểu tác phẩm văn học giáo viên phải cho học sinh nắm được được đặc trưng thể loại và vận dụng vào phân tích tác phẩm .
Ví dụ, khi dạy tục ngữ, học sinh cần hiểu khái niệm tục ngữ, nội dung, ý nghĩa và một số hình thức nghệ thuật như kết cấu, nhịp điệu, cách lập luận của tục ngữ.
Về hình thức tục ngữ có đặc điểm chung:
- Ngắn gọn.
- Thường có vần, nhất là vần lưng.
- Các vế thường đối xứng nhau cả về hình thức, cả về nội dung.
- Lập luận chặt chẽ giàu hình ảnh.
- Tục ngữ thường diễn đạt bằng so sánh.
- Diễn đạt bằng cách dùng hình các hình ảnh ẩn dụ.
- Từ và nhiều câu có nhiều nghĩa.
Giáo viên phải hướng học sinh nắm được nội dung tác phẩm thông qua các hình thức biểu hiện. Nắm hiểu được các đặc điểm về nghệ thuật sẽ có chìa khóa để giải mã về nội dung.
Người dạy phải thiết kế được hệ thống câu hỏi có vấn đề có tác dụng kích thích trí não vừa khơi dậy ham muốn tìm hiểu, lí giải của học sinh đối với nội dung và hình thức đồng thời thấy được mối quan hệ giữa chúng.
Muốn đạt được hiệu quả như mong muốn giáo viên cần chú trọng vào hướng dẫn học sinh soạn bài ở nhà chu đáo theo câu hỏi gợi ý . Đây là thao tác quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của giờ học.
Phần 3. KẾT LUẬN
Từ việc tìm hiểu các ví dụ trên chúng ta có thể thấy rằng: một tác phẩm văn học có giá trị là một tác phẩm phải có nội dung sâu sắc và hình thức mới mẻ. Thiếu hoặc yếu một trong hai điều kiện trên thì giá trị và sức hấp dẫn của tác phẩm sẽ bị giảm đi theo những mức độ khác nhau. Vì vậy, trong quá trình tìm hiểu tác phẩm, giáo viên phải cho học sinh thấy được sự thống nhất để tạo nên tính chỉnh thể có tính nghệ thuật cao. Sự thống nhất này không chỉ là mục đích mà nhà văn hướng tới mà còn là thước đo tài năng của nhà văn. Vì vậy hình thức hàm chứa mọi quy tắc biểu hiện của nội dung. Muốn hiểu được nội dung chỉ có một con đường là đi sâu vào khám phá hình thức. Đúng như nhà văn L. Léonov đã nhận xét: Tác phẩm nghệ thuật đích thực- nhất là tác phẩm ngôn từ- bao giờ cũng có một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung.
1. Nội dung và hình thức của tác phẩm văn học:
1.1. Nội dung của tác phẩm văn học:
Nội dung của tác phẩm văn học là cái được nói đến, được đề cập đến trong tác phẩm văn học. Thông thường nội dung của tác phẩm được xem là hiện thực khách quan được phản ánh vào tác phẩm thông qua cái nhìn chủ quan của nhà văn. Hay có thể nói, nội dung của tác phẩm văn học là hiện thực khách quan đã được đồng hoá bởi chủ thể sáng tạo. Vậy nội dung tác phẩm văn học là cái quan hệ chủ quan- khách quan sống động được đánh thức dậy trong lòng khi tiếp nhận tác phẩm. Nội dung không đơn giản là cái hiện thực được miêu tả, hoặc ý nghĩ trừu tượng của nhà văn mà là một quan hệ chủ quan- khách quan. Nội dung tác phẩm không thể gói gọn trong vài câu “tác phẩm này nói về”… hay “ tác phẩm này toát lên”… Nội dung tác phẩm phải được xem xét trong toàn bộ các yếu tố của tác phẩm.Song trong thực tế, để nắm bắt tác phẩm người ta vẫn nói lên loại nội dung của tác phẩm. Xét về nội dung của tác phẩm bao gồm các yếu tố: đề tài, chủ đề, tư tưởng, cảm hứng nghệ thuật…
Trong tác phẩm văn học, đề tài là lĩnh vực đời sống được nhà văn nhận thức, lựa chọn, khái quát, bình giá và thể hiện trong tác phẩm.Ví dụ: đề tài người nông dân trước cách mạng tháng Tám, đề tài người lính…
Khi lựa chọn đề tài, nhà văn chẳng những lựa chọn một phạm vi phản ánh mà còn nhằm nêu lên những vấn đề có ý nghĩa hàng đầu về cuộc sống, xã hội, con người. Đó chính là chủ đề. Như vậy, chủ đề là vấn đề trung tâm mà nhà văn nêu lên, đặt ra trong tác phẩm theo một khuynh hướng tư tưởng nhất định.
Bên cạnh đề tài, chủ đề thì tư tưởng, cảm hứng nghệ thuật là những yếu tố quan trọng của nội dung. Bởi tư tưởng là sự lí giải của nhà văn về chủ đề đặt ra trong tác phẩm. Còn cảm hứng nghệ thuật là nội dung tình cảm chủ đạo của tác phẩm. Nó là tư tưởng, tình cảm, thái độ của nhà văn được cụ thể hoá một cách sinh động thành mạch cảm xúc, trạng thái tâm hồn…nó giống như một chất men lôi cuốn, truyền cảm và hấp dẫn người đọc.
Tuy nhiên, muốn nắm được nội dung tác phẩm thì đòi hỏi phải đặt trong một hình thức nhất định, tức là nội dung nằm trong chỉnh thể thống nhất với hình thức. Khi nội dung chưa được biểu đạt qua hình thức nào đó thì vẫn ở ngoài nghệ thuật.
1.2. Hình thức của tác phẩm văn học:
Nói tới nội dung tác phẩm là nói tới cái gì được thể hiện trong đó. Còn nói tới hình thức tác phẩm là nói tới nội dung ấy được thể hiện như thế nào? Hình thức tác phẩm do vậy chính là cách thể hiện nội dung.
Chất liệu và phương tiện nghệ thuật trở thành hình thức nghệ thuật chừng nào đó trở thành biểu hiện của nội dung, trở thành hình thức có tính nội dung.
Qua phân tích, hình thức nghệ thuật bao giờ cũng là hình thức của một nội dung nghệ thuật cụ thể, không lặp lại. Một đôi chỗ người ta phân tích hình thức nghệ thuật theo kiểu “ở đây tác giả dùng biện pháp so sánh”, “tác giả dùng phép ẩn dụ”.. thực chất là chưa phân tích gì về hình thức nghệ thuật mà chỉ giới thiệu các “phương tiện” nhà văn sử dụng. Nội dung có mặt trong toàn tác phẩm, do vậy hình thức cũng có mặt trong mọi yếu tố của tác phẩm. Hình thức có mặt trong ngôn từ, kết cấu, cốt truyện, thể loại, chi tiết, nhân vật...
Hình thức xuất hiện trong toàn bộ tác phẩm nhưng không đơn giản là số cộng của hình thức ở các yếu tố. Hình thức chỉ xuất hiện trong hệ thống chỉnh thể, trong sự thống nhất với nội dung và phụ thuộc lẫn nhau giữa các mặt của các lớp hình thức. Hình thức tác phẩm văn học có hình thức bên trong và hình thức bên ngoài.
Hình thức bên ngoài: là sự thực hiện bằng vật chất cái khách thể thẩm mỹ bên trong (khi ấn loát chiếm một số lượng trang giấy, khi đọc chiếm một lượng thời gian, âm thanh trầm bổng của vỏ ngôn ngữ…). Hình thức bên ngoài còn là hình thức quy phạm của các thể loại ( lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn…)được sử dụng vào các tác phẩm khác nhau. Hình thức bên ngoài còn là các thủ pháp mà nhà văn sử dụng (so sánh, ẩn dụ, nhân hoá, phép đối, phóng đại…).
Hình thức bên trong: là hình thức của cái nhìn nghệ thuật, là sự hiện diện của con mắt nghệ sĩ, yếu tố quy định cách tạo hình cho tác phẩm.
Như vậy chất liệu và phương tiện nghệ thuật chừng nào nó trở thành sự biểu hiện của nội dung, trở thành hình thức có tính nội dung, hình thức mang tính quan niệm.Vì vậy hình thức của một tác phẩm văn học là không lặp lại, là luôn sáng tạo mới mẻ khi mang một nội dung nhất định.
1.3. Sự thống nhất giữa nội dung và hình thức tác phẩm:
Trong tác phẩm văn học, nội dung và hình thức thống nhất với nhau. Nhưng đó không phải là sự thống nhất theo kiểu rượu và chai hay như hai mặt của tờ giấy. Sự thống nhất giữa nội dung và hình thức phải là sự thống nhất biện chứng không có cái này thì cũng không tồn tại cái kia. Sự thống nhất đó chính là sự sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Nhà văn luôn tìm tòi trăn trở tìm câu, chọn ý, lựa chọn các sự kiện, các tình huống, các nhân vật... sao cho phù hợp với tư tưởng nghệ thuật mà mình định trình bày. Biện luận về điều này, Hêghen viết: “Tác phẩm nghệ thuật mà thiếu một hình thức thích đáng thì không phải là một tác phẩm nghệ thuật thực sự”.
Trong sự thống nhất đó, nội dung giữ vai trò quyết định, còn hình thức có chức năng định hình và biểu đạt nội dung. Nội dung quyết định việc lựa chọn hình thức thể loại, ngôn ngữ, nhân vật, kết cấu...
Nội dung quyết định hình thức không có nghĩa là nhà văn sáng tạo ra nội dung trước rồi mới dùng hình thức phù hợp để chuyển tải. Cùng với sự hình thành và hoàn thiện nội dung là sự hình thành và hoàn thiện hình thức. Vì thế Hêghen đã nói: “Nội dung chẳng phải là cái gì khác, mà chính là sự chuyển hoá hình thức vào nội dung và hình thức chẳng có gì khác là sự chuyển hoá của nội dung vào hình thức”.
Hình thức mặc dù chịu sự quyết định của nội dung nhưng hình thức cũng có ý nghĩa độc lập tương đối và có vai trò tác trọng trở lại với nội dung. Không có hình thức phù hợp thì nội dung không thể hiện ra. Các nhà triết học từ xưa đã rất coi trọng hình thức. Arixtốt cho rằng: “Chất liệu cộng với hình thức thì tạo thành bản chất của sự vật”. Sau này Lênin có nói: “Hình thức mang tính bản chất, bản chất được biến thành hình thức”.
Có thể nói, sự thống nhất giữa nội dung và hình thức và một yêu cầu tất yếu của tác phẩm, vì nó không chỉ tạo nên tính chỉnh thể của tác phẩm mà còn làm cho tác phẩm có tính nghệ thuật.
2. Vận dụng cặp phạm trù “Nội dung - Hình thức” để cảm hiểu tác phẩm văn học dân gian qua: Tục ngữ, ca dao, truyện cười
2.1 Tục ngữ:
2.1.1. Khái quát chung về tục ngữ
- Tục ngữ là câu nói chắc gọn, xuôi tai, diễn đạt những kinh nghiệm của nhân dân về thiên nhiên, lao động sản xuất và con người xã hội.
- Theo Vũ Ngọc Phan: Tục ngữ là câu nói “tự nó diễn đạt một ý, một nhận xét hoặc một sự phê phán, có khi là một kinh nghiệm, một công lý, một luân lý.”
Theo Mã Giang Lân: “tục ngữ là lời ăn tiếng nói của nhân dânđược đúc kết lại dưới hình thức tinh giản, nội dung súc tích. Tục ngữ thiên về biểu hiện trí tuệ của nhân dân trong việc nhận thức thế giớ”.
VD: Câu tục ngữ “Người chửa cửa mả”: nói lên một nhận xét, một kinh nghiệm: Người chửa, nếu không gìn giữ cẩn thận thì dễ gặp nguy hiểm, có khi thiệt mạng.
- Xét về hình thức và nội dung, tục ngữ có thể xuất hiện vào thời mà tiếng nói của ta đã phát triển. Mặt khác, nó xuất hiện vào thời mà cuộc sống của nhân dân ta bắt đầu phức tạp, đã có những kinh nghiệm về sản xuất, kinh nghiệm về cuộc đời, tinh thần và vật chất để diễn đạt ý kiến của mình về một nhận định, kinh nghiệm thành những câu gọn ghẽ, xuôi tai, vần vè:
Những câu phê phán sắc sảo:
Nén bạc đâm toạc tờ giấy,
Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ.
Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ.
Những tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa:
Người ta là hoa đất.
Người sống, đống vàng.
2.1.2. Nội dung của các câu tục ngữ:
- Lao động là sự tác động của con người vào thiên nhiên, biến thiên nhiên thành sản phẩm cần thiết cho mình. Muốn như vậy, con người phải hiểu biết về quy luật của thiên nhiên. Thời xưa, khoa học chưa phát triển, bằng cảm tính, bằng kinh nghiệm, căn cứ vào hiện trạng, người dân nắm bắt được một số quy luật của thiên nhiên; kinh nghiệm ấy được ghi nhớ, gom góp và thể hiện bằng tục ngữ.
Những kinh nghiệm về sản xuất: Một phần khá lớn tục ngữ là những kinh nghiệm sản xuất, mà hầu hết là sản xuất nông nghiệp. Những câu tục ngữ đó đã giúp người lao động xưa rất nhiều trong công cuộc đấu tranh chinh phục thiên nhiên để sống, để tồn tại.
Họ đưa ra những kinh nghiệm về thời tiết.
Dựa vào việc quan sát khí tượng, tập quán và sự biến đổi của sinh vật, nhân dân ta có câu:
- Gió bắc hiu hiu sếu kêu trời rét.
- Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão.
- Mùa hè đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa.
Khi nhận xét thiên nhiên, nhân dân ta lại khuyên nhau:
Đói thì ăn ngô ăn khoai
Đừng thấy lúa trổ tháng hai mà mừng.
Dù đói cũng không mừng khi thấy lúa trỗ tháng hai. Lúa chiêm được cấy từ tháng chạp năm trước. Thời tiết rét làm cây lúa cầm lại không phát triển. từ tháng 1 và 2 cây lúa chỉ lớn hơn cây mạ một chút. nên nếu lúa trỗ tháng hai sẽ báo hiệu mất mùa
+ Họ rút ra đặc tính của từng loại cây:
“Khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen”.
Khoai ưa đất lạ, chưa từng trồng khoai, mạ ưa đất đã từng giao trồng. Câu tục ngữ nói về khả năng thích nghi của 2 loại cây quen thuộc của nhà nông.
“Cấy thưa thừa thóc, cầy dày cóc được ăn”.
“Được mùa lúa, úa mùa cau
Được mùa cau, đau mùa lúa”.
- Những kinh nghiệm về chăn nuôi:
VD: - Đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt. (Chọn trâu)
- Gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua,
- Lợn đói một bữa bằng người đói một năm.
- Những kinh nghiệm về nghề thủ công, buôn bán:
VD: - Của rề rề không bằng nghề trong tay.
- Một khúc sông, một đồng lãi.
- Kinh nghiệm trong, sinh hoạt:
Ông cha ta rất trọng lời ăn tiếng nói. Hàng trăm câu tục ngữ đưa ra các kinh nghiệm về lời ăn tiếng nói.
VD: - Ăn trông nồi, ngồi trông hướng.
- Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
- Ăn có nhai, nói có nghĩ.
- Những câu tục ngữ khuyên răn đạo đức:
VD: - Chớ thầy sóng cả mà ngã tay chèo.
- Đói cho sạch, rách cho thơm.
- Sống đục không bằng thác trong.
- Những câu tục ngữ chỉ trích thói xấu:
VD: - Ăn như rồng cuốn.
Nói như rồng leo.
Làm như mèo mửa.
- Của người bồ tát, của mình lạt buộc.
- Những câu triết lý:
VD: - Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.
- Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.
- Những câu ghi lại thổ sản từng vùng:
VD: - Dưa La, húng Láng, nem Bảng, tương Bần,
Nước mắm Vạn Vân, cá rô đầm Sét.
- Những câu ghi lại ngày họi hè, đình đám của miền, vùng:
VD: - Dù ai buôn bán đi đâu
Mùng mười tháng 8 chọi trâu thì về. (Hội chọi trâu ở Đồ Sơn)
- Tục ngữ nói về trai tài gái sắc từng miền:
VD: - Trai Cầu Vồng Yên Thế (Địa danh thuộc Bắc Giang)
Gái Nội Duệ Cầu Lim (Địa danh thuộc Bắc Ninh)
Tục ngữ được cấu tạo trên cơ sở thực tế, lý trí nhiều, cảm xúc ít. Trong đấu tranh thiên nhiên, đấu tranh xã hội, những cái gì có kết quả tốt, những cái gì bị vấp váp, những gì cần chuẩn bị hay cần phòng ngừa, tổ tiên chúng ta thường ghi lại những lời nhận xét hoặc phê phán. Những lời ấy có thể chỉ là lời nói xuôi tai (Thật thà là cha quý quái; Việc to đừng lo tốn; Người ta là hoa đất.) được mọi người thừa nhận là đúng rồi nói ra thành thói quen, trở thành những câu có sẵn để áp dụng vào việc đời. Tục ngữ dễ thuộc, được nhiều người nhớ, mỗi khi nói chuyện, nhận xét về việc gì, muốn cho lời nói của mình có lý người ta thường vận dụng tục ngữ.
2.1.3 Hình thức của tục ngữ:
- Tục ngữ là những câu nói ngắn gọn, vần vè và đanh thép.
VD: - Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.
- Một lời nói dối, sám hối bảy ngày.
- Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng.
- Nói ngọt lọt đến xương.
- Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.
- Có những câu là lời nói xuôi tai:
VD: - Đói thì đầu gối cũng phải bò.
- Gà què ăn quẩn cối xay.
- Có những câu vừa vần vừa đối:
VD: - Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm.
- Bỏ thì thương, vương thì tội.
- Yêu nhau lắm, cắn nhau đau.
- Mất lòng trước, được lòng sau.
- Lại có những câu không vần vè nhưng hai vế rất đối nhau:
VD: - No ra bụt, đói ra ma.
Những câu tục ngữ không vần là số ít, còn hầu hết tục ngữ đều có vần và vần rất phong phú.
Ở những câu tục ngữ ngắn thường là vần lưng, nghĩa là vần ở giữa câu.
+ Có câu 4 chữ:
VD: - Bút sa gà chết.
- Có tật giật mình.
- Thân lừa ưa nặng.
- Năng nhặt chặt bị,
Năng chơi vơi bị.
+ Có câu 5 chữ:
VD: - Cơm treo, mèo nhịn đói.
- Việc bé xé ra to.
+ Có câu 6 chữ. Những câu vần lưng và vần sát, nghĩa là vần liền kề với nhau
- Ăn lấy chắc, mặc lấy bền.
- Một câu nhịn, chín câu lành.
- Điếc hay ngóng, ngọng hay nói.
- Có câu vần lưng nhưng là vần cách (cách 1 chữ).
VD: - Mau tay hơn hay thuốc.
- Đi chợ ăn quà, về nhà đánh con.
- Những câu tục ngữ dài thường vần chữ 6 câu trên với chữ 4 câu dưới.
VD: - Lời nói không mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.
- Ăn no thì lại nằm khèo,
Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem.
- Hay chữ 8 vế trên vần với chữ bốn vế dưới.
VD: - Ăn trộm ăn cắp, thành phật thành tiên
Đi chùa đi chiền, bán thân bất toại.
Ở hai vế này, mỗi vế lại chia ra làm 2 đoạn đối nhau, không vần như câu: No nên bụt, đói ra ma.
- Trong những câu tục ngữ, nhiều câu thuộc thể lục bát.
VD: - Cá tươi thì xem lấy mang
Người khôn xem lấy hai hàng tóc mai.
Tóm lại:
- Về nội dung: Tục ngữ biểu hiện thái độ ứng xử và tình cảm của nhân dân đối với vấn đề cuộc sống. Tục ngữ thể hiện một phần quan trọng của tư liệu khoa học dân gian và triết lý dân gian, gắn với lao động, với tự nhiên và những thăng trầm của lịch sử xã hội. Nhân dân đã bộc lộ một cách sâu sắc kinh nghiệm sống, lối sống, tư tưởng đạo đức của mình trong tục ngữ qua những nhận xét tinh tế về thời tiết, những kinh nghiệm sản xuất chăn nuôi, những phê phán sắc sảo “Nén bác đâm toạc tờ giấy.”, “Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ.”; những tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa “Người ta là hoa đất.”, “Người sống đống vàng.”; những đức tính quý báu của nhân dân “Có công mài sắt có ngày nên kim.”; những chân lý ngàn đời “Năm ngón tay có ngón dài ngón ngắn.”, “Nước chảy đá mềm.”, “Tre già măng mọc.”…
- Về nghệ thuật: Ý nghĩa của thể loại này biển hiện cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ dân tộc: Ngôn ngữ Việt Nam mẫu mực về tính chính xác, tính sinh động và tính hình tượng. Qua tục ngữ, ta thấy nhân dân đã phát huy được ưu điểm của tiếng Việt về mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp để biểu hiện tư tưởng của mình. Thông qua sáng tác tục ngữ, nhân dân ta rèn đúc, mài giũa ngôn ngữ dân tộc, làm cho ngôn ngữ dân tộc ngày càng chính xác, phong phú hơn.
+ Mỗi câu tục ngữ đều dùng hình ảnh, sự việc cụ thể nói lên ý trừu tượng, dùng cái cá biệt nói lên cái phổ biến. Vì vậy, mỗi câu tục ngữ thường có 2 nghĩa: Nghĩa đen (Nghĩa hẹp) và nghĩa bóng (Nghĩa rộng). Cái cụ thể, cái cá biệt tạo nên nghĩa đen; cái cụ thể, cái trừu tượng tạo nên nghĩa bóng.
+ Hình ảnh trong tục ngữ là hình ảnh cuộc sống phong phú, nhiều màu, nhiều vẻ, được nhân cách hóa rất linh hoạt và sinh động “Đũa mốc chòi mâm son”, “Khố son bòn khố nâu”.
+ Hầu hết tục ngữ đều có vần, chủ yếu là vần lưng nên nhịp điệu nhanh, mạnh, vững chắc. “Được làm vua, thua làm giặc.”, “Gái một con trông mòn con mắt”.
+ Những câu không vần thường giữ được tính chất nhịp nhàng, cân đối của các vế. “Già néo đứt dây.”, “Vỏ quýt đày có móng tay nhọn.”
+ Những câu không có đối giàu chất nhạc, chất hàm súc của thơ. “Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết.”, “Nằm trong chăn mới biết chăn có rận.”, “Dao sắc không gọt được chuôi.”
Nghệ thuật trong tục ngữ biểu hiện đầy đủ lối suy nghĩ dân gian của dân tộc về giới tự nhiên và đời sống xã hội, đồng thời biểu hiện cách nói của dân tộc qua nhiều thế hệ, trong tiến trình lịch sử dân tộc.
2.2 Ca dao:
2.2.1. Khái niệm và nguồn gốc ra đời
- Ca dao: Là những bài văn vần do nhân dân sáng tác. Ca dao không rõ tác giả, được lưu truyền bằng miệng và được phổ biến rộng rãi trong nhân dân.
- Phong dao: Là bài ca dao nói về phong tục tập quán nào đó.
- Đồng dao: Là bài hát của trẻ (Nu na nu nống, Ông giẳng ông giăng)
(Phong dao và đồng dao đều là ca dao.)
- Dân ca khác với ca dao ở chỗ nó chỉ được hát lên trong những hoàn cảnh nhất định (hát giao duyên, hát ru em, hát ru con... )
- Xét về nguồn gốc và bản chất, ca dao không khác dân ca là mấy. Ca dao có thể xây dựng thành dân ca, nhiều bài dân ca lại biến thành ca dao.
VD: Bốn câu ca dao khích lệ chí làm trai :
Làm trai quyết chí tu thân
Công danh chớ vội, nợ nần chớ lo
Khí nên trời giúp công cho
Làm trai năm liệu bảy lo mới hào.
Trong diễn xướng, các thể loại này đều là những câu hát. Tách khỏi điệu hát thì ca dao cũng là thơ.
- Ca dao cũng là những áng thơ ca trữ tình dân gian.
Mối liên hệ giữa tục ngữ và ca dao:
- Căn cứ vào hình thức có nhiều câu tục ngữ giống ca dao, cho nên phải căn cứ vào nội dung để phân biệt giữa tục ngữ, ca dao và mối liên hệ giữa hai loại
- Tục ngữ nhằm diễn đạt ý, nặng về lý trí. Nó nói lên nhận xét một chân lý nào đó chứ không phải nói lên lòng ghét, yêu, thương nhớ cảm xúc chủ quan của con người như ca dao.
- Còn ca dao thì khác. Ca dao chú ý về diễn tình, nặng về tình cảm. Ca dao nói lên những ý nghĩ cảm xúc của con người trong cuộc sống. Mỗi câu ca dao đều thể hiện một khía cạnh của tâm hồn, một rung động của tình cảm.
* Tuy nhiên có nhiều câu ranh giới giữa tục ngữ, ca dao không rõ rệt. Có câu nửa như tục ngữ, nửa như ca dao:
“Ở sao cho vừa lòng người
Ở rộng người cười, ở hẹp người chê.”
Ý nghĩ trong đó biểu lộ sự chán chường cho nhân tình thế thái.
Tóm lại: Tục ngữ khác nhau cả về hình thức lẫn nội dung. Một số ít câu ca dao diễn đạt ý như tục ngữ nhưng hình thức vẫn khác.
Nguồn gốc ra đời:
Ca dao có thể ra đời sau tục ngữ, nó chỉ xuất hiện vào thời mà tình cảm của con người đã bắt đầu dồi dào, vào thời mà con người ta có nhiều thắc mắc trong cuộc đời tình cảm. Ca dao lại đòi hỏi một tiếng nói phong phú để diễn tả mọi khía cạnh của cảm xúc với tự nhiên và xã hội.
2.2.2 Hình thức của ca dao:
- Ca dao là những bài hát thường ngắn, (có từ 2 đến 8 câu ) âm điệu lưu loát phong phú. Ca dao có nhiều thể: lục bát, ngũ ngôn, song thất lục bát cũng có. Ví dụ :
“Đêm qua nguyệt lặn về tây
Sự tình kẻ đấy người đây còn dài
Trúc nhớ mai, mai về trúc nhớ,
Trúc trở về mai nhớ trúc không.”
Cái đặc biệt của ca dao là vần vừa sát vừa thanh thoát không gò ép, lại giản dị, rất tươi tắn. Nó có vẻ như lời nói thường lại vần vè, lại tả được những tính tình sâu sắc
- Ca dao vận dụng tài tình những âm thanh nhạc điệu cuả tiếng ta nên khi tả người, tả cảnh, tả tiếng kêu rất tài tình:
“Sóng sầm sịch lưng chừng ngoài biển Bắc
Hạt mưa tình rỉ rắc chốn hàng hiên.”
→ Cảnh buồn
- Lời đẹp mà giản dị, “toàn bích” không pha phách một chữ Hán nào, không gò ép một Tiếng Việt nào, cái đẹp của ca dao nó nồng hậu như cái đẹp của gái quê.
a. Chữ dùng trong ca dao:
Tiếng mà ca dao dùng là ngôn ngữ thông thường dễ hiểu.
- Ca dao dùng nhiều từ láy: vàng vàng, trăng trắng, lửng lơ, mập mờ, nỉ non,….hoặc những tiếng ghép (mũ mãng...)→ tạo nhạc tính, tạo ra tiếng êm tai có ý nghĩa, làm lời ca thêm sâu sắc, gợi hình, gợi cảm.
Ví dụ: “Tôi ném hòn sành
Nó lăn lông lốc.”
Hay cảnh rất êm đềm tĩnh mịch, bát ngát :
“Lửng lơ vừng quế soi thềm
Hương đưa bát ngát càng thêm bận lòng.”
Điều đặc biệt là ca dao ít dùng điển tích, nếu dùng thì dùng điển tích dễ hiểu,
Ca dao dùng toàn những tiếng thông thường, những câu có sẵn ở tục ngữ, thành ngữ những điển tích dễ hiểu. Do đó, ca dao là những câu rất dễ thuộc với tất cả mọi người.
b. Những lối hình tượng hoá, cụ thể hoá, nhân cách hoá trong ca dao:
- Ca dao của ta dùng nhiều hình ảnh so sánh để nói lên cái đẹp và những đức tính tốt, hay nói về cái xấu nhưng không muốn nói thẳng. Nhờ hình tượng hoá nên ca dao lời tuy rất trong sáng, giản dị mà hàm súc.
Ví dụ : Thân em như hạt mưa rào
Hạt rơi xuống giếng hạt vào vườn hoa
Thân em như hạt mưa sa
Hạt vào đài các hạt ra ruộng cày.
Người con gái không được chủ động trong tình yêu, trong hôn nhân. Hạt mưa là hình ảnh để so sánh với người con gái đến tuổi lấy chồng là rất hợp lý. Người con gái không thể biết cha mẹ mình định gả mình cho ai. Hạt mưa từ trên trời rơi xuống, có thể là rơi vào vườn hoa vào gác tía, còn nếu rơi vào giếng (hoà tan). -> Hình ảnh ấy vừa nói lên được sự trong sáng của người thiếu nữ đồng thời nói lên được băn khoăn thắc mắc của người phụ nữ dưới chế độ phong kiến.
Ví dụ: Ca dao dùng hình tượng để so sánh rất sâu sắc:
“Trai tơ lấy phải nạ dòng
Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu
Nạ dòng mà lấy trai tơ
Đêm nằm hí hửng như mơ được vàng .”
Hình ảnh đáng sợ, ghê, một bên là choáng ngợp, đẹp đẽ -> Nổi bật ý.
Có khi ca dao đưa ra một hình ảnh để so sánh coi như tột độ so sánh rồi lại bác đi và đưa cảnh tình lên một mức cao hơn.
“Gái không chồng như phản gỗ long đanh
Phản long đanh anh còn chữa được
Gái không chồng chạy ngược chạy xuôi
Không chồng khốn lắm chị em ơi!”
Đem hình ảnh phản long đanh để người ta thấy ái ngại cho cảnh phụ nữ không chồng, nhưng rồi lại bác đi “phản long đanh còn chữa được” chứ sự long đong của người phụ nữ thật khốn khổ không thể chữa được. Diễn tả tâm trạng bằng hình ảnh tuyệt hay.
Tả một người con gái dưới chế độ tảo hôn, chưa vấn tóc gọn đã về nhà chồng. Anh chồng dửng dưng coi vợ như một đứa trẻ. Nhưng khi vừa đến tuổi dậy thì thì tình trạng khác hẳn. Một sự thay đổi lớn xảy ra trong hai con người, thứ đồ vật dùng chung cũng bị xáo động.
“Lấy chồng từ thuở mười lăm
Chồng chê tôi bé chẳng nằm cùng tôi.
Đến năm mười tám đôi mươi
Tôi nằm dưới đất, chồng lôi lên giường
Một rằng thương, hai rằng thương
Có bốn chân giường gãy một còn ba.”
Nghệ thuật tả thực bằng hình tượng đến thế là tuyệt diệu. Đó là đưa hình tượng để cụ thể hoá bằng một tình yêu tột độ của cặp vợ chồng trẻ.
Tả các cảnh sung sướng đơn giản, không rực rỡ, xa hoa nhưng lại rất thân yêu của đôi vợ chồng trẻ ở nông thôn mà dùng hình tượng so sánh thì mấy câu ca dao cũng rất tươi đẹp:
“Đôi ta lấm tấm hoa nhài
Chồng đây ta đấy kém ai ở đời.
Muốn cho gần chợ ta chơi
Gần sông tắm mát, gần nơi đi về.”
Hình ảnh so sánh (lấm tấm hoa nhài), hình ảnh xinh xắn, tươi tắn nhưng không rực rỡ.
Trong ca dao, nghệ thuật nhân cách hoá được áp dụng rất nhiều. Từ vật vô tri vô giác cho đến chim muông đều được gán những tâm tình, ý nghĩ như con người.
- Con vật được nhân cách hóa nhiều hơn trong ca dao là con kiến, con bống,, con cò.
“Cái kiến mày kiện củ khoai
Mày chê tao khó lấy ai cho giàu.”
+ Cái cò được nhân hoá và tượng trưng cho con người nông dân ở nhiều mặt: nào trong gia đình, ngoài xã hội, lúc cực khổ, lúc eo óc, thì hết “lặn lội bờ ao”, “đi đón cơn mưa”...
+ Con cò có thể là con trai, con gái. Còn con cá bống đối với người dân lao động chỉ có thể là hình ảnh của thiếu nữ hay thiếu phụ.
“Cái bống đi chợ cầu nôm.”
“Cái bống cõng chồng đi chơi.”
Với mọi người dân, cái bống xinh xắn, hiền lành nên khi nói về bống, người nông dân nước ta có giọng trìu mến.
c. Các thể cổ điển của ca dao:
- Thể phú:
Trình bày diễn tả như nói về người về việc hay vật gì thì trình bày diễn tả cho người ta hình dung được người, việc hay vật ấy.
Ví dụ : “Đường lên xứ Lạng bao xa
Cách một trái núi với ba quãng đường
Ai ơi đứng lại mà trông
Kìa núi Thành Lạng, kìa sông Tam Cờ.
Em chớ thấy anh lắm bạn mà ngờ
Bụng anh vẫn thẳng như tờ giấy phong.”
Sau khi tả cảnh đẹp, tác giả mới ngỏ tâm sự của mình đối cảnh sinh tình.
Thể tỉ:
Là so sánh, ở thể này ca dao không nói thẳng ngay như ở thể phú mà lại mượn một sự vật khác làm so sánh, hoặc muốn ngụ một ý gì hoặc gửi một tâm sự gì.
Ví dụ : “Thiếp xa chàng như rồng nọ xa mây
Như con chim chèo bẻo xa cây măng vòi.”
(Rồng mây vốn nói lên sự gắn bó, hài hoà không tách rời, đã được sử dụng một cách sáng tạo như “rồng nọ xa mây”. So sánh đã sáo mòn, thiếu sức gợi không nói được nhiều điều bằng con chim chèo bẻo xa cây măng vòi ?
Thể hứng:
Hứng là do cảm xúc mà phấn khởi, thấy ngoại vật mà có hứng, muốn nói lên nỗi lòng mình tả tâm trạng riêng mình với ngoại vật.
Ví dụ : “Cơm trắng ăn với chả chim
Chồng đẹp vợ đẹp những nhìn mà no.”
Thể hứng nhiều khi gần giống với thể tỉ. Vì cảnh buồn thì người buồn, cảnh vui thì người vui. Tuy là hứng nhưng trong câu cũng có ý so sánh.
Ở ca dao có ba thể như vậy. Nhưng không phải mỗi một bài có một thể riêng. Có bài có tới hai, ba thể.
- Vừa phú vừa hứng :
“Qua đình ngả nón trông đình,
Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu.”
Tả mái đình (thể phú) nhưng đồng thời cảnh đình làm lòng người thiếu nữ xúc động thì đó là thể hứng.
- Ba thể có thể ở chung trong một bài ca dao:
“Áo xông hương của chàng vắt mắc
Đêm em nằm em đắp lấy hơi
Gửi khăn, gửi túi, gửi lời
Gửi đôi chàng mạng cho người đằng xa
Vì mây cho núi lên xa
Mây cao mù mịt núi nhoà xanh xanh...”
Hai câu trên vừa tả cảnh xa người yêu và cùng kỷ vật bên mình (thể phú). Câu 3,4 nói lên dự định của mình đồng thời những vật ấy cũng tượng trưng cho lòng gắn bó (thể tỉ). Và câu cuối vừa là tỉ vừa là hứng.
2.2.3: Nội dung của ca dao
Đề tài ca dao:
Hai đề tài lớn:
- Đề tài than thân, phản kháng.
- Đề tài tình yêu (Nam nữ, gia đình, thiên nhiên, xóm làng, đất nước).
- Diễn tả được tâm hồn của nhân dân, xưa kia ca dao là bạn thân thuộc của mỗi người (Chào đời – nghe hát; bé - đồng giao; lớn lên thì sử dụng câu hò, vè; từ giã cõi đời nghe bài ca tang lễ).
- Trong ca dao đầy ắp những chi tiết về cảnh vật, phong thục, về cuộc sống gia đình, cuộc sống xã hội của nước ta, dân ta bởi vì ca dao tìm thi hứng ở ngay những cuộc đời hàng ngày.
Chức năng:
Chức năng thẩm mĩ độc đáo của ca dao là diễn tả đời sống tâm hồn của nhân dân:
- Nói đến thơ trữ tình là nói đến cái tôi. So với cái tôi trữ tình của văn học viết, ở ca dao không có cái tôi cá nhân. Ở ca dao chủ thể trữ tình (tác giả) luôn luôn đồng nhất với nhân vật trữ tình (tức nhân vật xưng tôi mà cảm nghĩ của nó được biểu hiện trong câu ca). Tuy là cá thể nhưng không phải là một cá nhân riêng rẽ nào, cá thể này cất lên lời ca diễn tả cảm nghĩ của cả quần chúng.
Trong ca dao chỉ có một số nhân vật trữ tình nhất định: Đó là cô gái, chàng trai trong quan hệ tình duyên. Là người phụ nữ (người con gái, con dâu, người vợ, người mẹ) trong cảnh ngộ éo le về gia đình; là những người lao động trong công việc làm ăn trên đồng ruộng hay trong cảnh ngộ khó khăn.
- Với dân tộc nào cũng vậy, thơ ca trữ tình dân gian được coi là tấm gương của tâm hồn dân tộc, của tâm hồn dân chúng.
Trong sinh hoạt của nhân dân, những câu hát dân gian được hát lên không chỉ nhằm mục đích thiết thực nào đó: Câu hát phục vụ cho nghi lễ, có câu hát sử dụng nhằm phục vụ hoạt động lao động sinh hoạt, hay trò chuyện kết bạn.
Thi pháp:
Những yếu tố gốc, những yếu tố đó đã trở thành truyền thống tạo ra phong cách chung của ca dao, đồng thời có khả năng biến hoá đem lại cho hình thức nghệ thuật ca dao sức biểu đạt phong phú khiến ca dao trẻ mãi và sống mãi.
a. Thể thơ và cách dùng các thể thơ:
Thể thơ trong ca dao là thể thơ thuần tuý dân tộc. Các thể thơ dân tộc gốc đều từ ca dao mà ra. Ngoài lục bát, song thất lục bát ca dao còn có thể vần (chuyện kể có cả vần).
Với những thể thơ ấy ca dao có đủ khả năng diễn tả mọi nội dung, cảm nghĩ, mọi sắc thái tình cảm.
- Cách dùng:
+ Thể thơ lục bát có thể được bỏ theo nhiều làn điệu đựợc dùng phổ biến hơn.
+ Thể thơ song thất lục bát được dùng trong một số điệu hò (hò mái nhì, mái đẩy)
+ Vãn: Dùng trong hát dặm, trong lối hát vui vui của trẻ em.
b. Lối trữ tình - trò chuyện và các kiểu cấu tứ gắn liền với nó:
- Chủ thể trữ tình trong ca dao luôn tự đặt mình vào vị thế người đang trò chuyện trực tiếp với một đối tượng cụ thể đang giãi bày cảm nghĩ tâm tình của mình với người nào đó.
Ví dụ qua bài hát ru ta đọc lên như hiện lên trước mắt hình ảnh người mẹ, người chị đang kể lể, trò chuyện tâm tình với đứa trẻ đang nghe hát.
Hầu hết những kiểu cấu tứ (tức tìm ý, lập ý, sắp đặt ý) trong ca dao đều mang đặc điểm trữ tình - trò chuyện.
c. Những cách phô diễn tình ý:
- Nói bằng so sánh ví von là một đặc điểm nổi bật của lối nói năng của quần chúng nhân dân. Chất liệu so sánh chủ yếu là cảnh vật thiên nhiên , làng quê, những vật quen thuộc, gần gũi trong lao động và sinh hoạt. So sánh làm cho câu văn có ý tình và trở nên bóng bẩy.
- Ca dao truyền thống đã sáng tạo hàng loạt hình ảnh được coi là kiểu mẫu về so sánh và ẩn dụ. Nhất là ẩn dụ về người con gái trong quan hệ tình duyên -> Cách phô diễn này tạo nên tính hàm súc, tự nhiên rất khó bắt chước.
d. Ngôn ngữ trong ca dao: Giản dị, tự nhiên, sinh động. Điều này thể hiện tập trung ở cách sử dụng tài tình những động từ, tính từ để đặc tả (thể phú), gợi tả (thể hứng) để cấu tạo những hình ảnh so sánh, những ẩn dụ động (thể tỉ).
Ví dụ: “Trời mưa
Quả dưa vẹo vọ
Con ốc nằm co
Con tôm đánh đáo
Con cò kiếm ăn.”
Bối cảnh chung một sự xáo động của thiên nhiên. Mọi vật đểu chịu ảnh hưởng đều thay đổi cho mỗi vật tượng trưng cho một hạng người, kẻ thì tùy thời (quả dưa méo mó biến dạng đi), kẻ chờ thời (con cốc), kẻ thì mặc kệ (con tôm nhởn nhơ), người lao động vẫn là mình, vẫn bình thản cần mẫn làm lụng (con cò kiếm ăn mọi lúc).
Phân tích ca dao phải thấy được chân chất, hồn nhiên, tươi tắn.
e. Định hướng phân tích:
Nội dung: Yêu cầu cơ bản là nắm bắt được cảm hứng chủ đạo cụ thể của chủ thể trữ tình.
Chủ thể trữ tình của bài ca khi cảm nghĩ về thân phận mình là thấy buồn, thấy khổ nhưng cảm nghĩ về người thương, về những nơi, những vật thân thuộc là thấy yêu thương. (Người ấy muốn nói điều gì, muốn thể hiện cảm xúc gì).
Cái hay, cái sâu sắc của ca dao nhiều khi không phải chủ yếu ở bản thân nội dung ý nghĩa trực tiếp của câu ca dao mà là ở sức gợi của nó (Nói đến sức gợi tức là nói khả năng cộng hưởng của người thưởng thức và người sáng tạo)
Từ nội dung của ca dao mà người ta chia ca dao thành các loại sau:
CA DAO LAO ĐỘNG
Ca dao lao động là toàn bộ những lời ca dao nói về đề tài lao động bắt nguồn từ dân ca lao động và các loại dân ca khác. Việc phân loại ca dao lao động có tính chất độc lập tương đối.
- Căn cứ vào đề có thể phân biệt thành các bộ phận:
+ Ca dao lao động nông nghiệp.
+ Ca dao về các nghề thủ công (Thợ mộc, thợ rèn).
+ Ca dao về nghề đánh cá, nghề rừng.
- Căn cứ vào nguồn gốc và xuất xứ có thể phân ca dao thành bộ phận nhỏ:
+ Bộ phận bắt nguồn từ hò lao động.
+ Bộ phận gắn với ca dao nghi lễ.
+ Bộ phận gắn với đồng dao.
CA DAO TRỮ TÌNH
Ca dao trữ tình là bộ phận quan trọng phong phú và phát triển mạnh mẽ nhất. Ca dao trữ tình phô diễn tâm tư tình cảm, thế giới nội tâm của con người, phản ánh thái độ, cảm xúc thẩm mỹ của con người đối với nhau cũng như đối với các hiện tượng trong thiên nhiên xã hội. Phân loại ca dao (hai cách ) :
Ở cách thứ nhất, toàn bộ ca dao trữ tình được coi là nguồn gốc dân gian chung, rồi căn cứ vào đề tài và nội dung chia ca dao thành các bộ phận tiểu loại nhỏ :
- Ca dao về tình cảm gia đình
- Ca dao về tình yêu quê hương đất nước
- Ca dao về tình yêu nam nữ
- Ca dao về đề tài xã hội
- Ca dao trữ tình về tình yêu nam nữ (ca dao tình yêu): là bộ phận lớn nhất trong ca dao trữ tình của người Việt, là tiếng nói trái tim của nam nữ thanh niên ở nông thôn.
Nhân vật chính là chàng trai, cô gái trong thực tế sáng tác và biểu diễn ca dao tình yêu ở địa phương có mặt đông đủ những người lớn tuổi (người có vợ có chồng, nhiều tuổi, đông con) nhưng khi sáng tác và biểu diễn thì tất cả đều tạm thoát ly. Họ đều coi mình là chàng, nàng.
Hoàn cảnh phát sinh, phát triển của ca dao tình yêu :
Nó nảy sinh từ rất sớm do nhu cầu thổ lộ tình cảm yêu đương của nam nữ thanh niên trong nhân dân.
* Một số dạng đề về cảm thụ ca dao:
1. Với các dẫn chứng sau em hãy viết một đoạn văn nghị luận chứng minh để làm sáng tỏ nội dung “ Bằng những hình ảnh khác nhau, ca dao nói lên một cách sâu sắc và thấm thía nhất công lao của cha mẹ đối với con cái.
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.”
“Ơn cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang.”
“Nuôi con cho được vuông tròn
Mẹ con dầu dãi xương mòn gối long.”
2. Qua ba bài ca dao trên, hãy viết một đoạn văn nói lên tình cảm của người con với cha mẹ là rất sâu nặng.
Qua ca dao, ta thấy tình cảm của con cái với cha mẹ thật nồng nàn sâu sắc làm sao. Yêu cha mẹ, người con hiểu được công lao trời biển của cha mẹ “Công cha như núi Thái Sơn...”. Công của cha lớn lao sâu nặng lắm, còn nghĩa của mẹ mênh mông như biển trời vô tận như nước trong nguồn không bao giờ cạn. Càng yêu cha mẹ người con càng thấm thía nỗi vất vả nhọc nhằn mà cha mẹ phải chịu. Để nuôi con “được vuông tròn” mẹ cha đã phải dãi dầu, dầm mưa dãi nắng, phải hao tâm tổn sức, “ phải xương mòn gối long”. Càng yêu cha mẹ, người con tự như với lòng mình “một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
3. Phân tích và chứng minh tình cảm gia đình là một đề tài lớn của ca dao dân ca.
- Tình cảm của cha mẹ với con cái
- Tình cảm con cái với cha mẹ
- Tình cảm vợ chồng
- Tình cảm anh em
- Tinh thần lạc quan của người nông dân thể hiện trong hai bài ca dao :
“Ơn trời mưa nắng phải thì
Nơi thì bừa cạn nơi thì cày sâu
Công lênh chẳng quản bao lâu
Ngày nay nó bạc ngày sau cơm vàng”
“Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.”
- Tình cảm của con cái với cha mẹ
+ Người con hiểu ý thức được công lao to lớn, nỗi vất vả mà người cha người mẹ giành cho con mình.
+ Người con hiểu được mong ước thầm kín của cha mẹ mong cho con được vuông tròn.
+ Người con nghĩ trách nhiệm làm con: thờ mẹ kính cha
* Nghệ thuật:
- So sánh cụ thể công lao của cha mẹ. Nói quá, chọn hình ảnh so sánh đều là vô cùng lớn lao, vô tận, mênh mông rộng lớn. Giọng điệu trữ tình khi thì tha thiết, đằm thắm, khi thì trầm lắng pha chút xót xa.
4. Viết đoạn văn ngắn chứng minh tình cảm vợ chồng thuỷ chung son sắt qua ba bài ca dao sau:
“Rủ nhau lên núi đốt than
Chồng mang đòn gánh vợ mang quang giành
Củi than nhem nhuốc với tình
Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên.”
“Rủ nhau xuống biển mò cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.”
“Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.”
“Một thuyền, một bến, một dây
Ngọt bùi ta hưởng đắng cay chịu cùng.”
Phân tích bài ca dao sau :
“Rủ nhau xuống bể mò cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi chua ngọt đã từng
Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.”
Có gì liên quan giữa từ chua ngọt ở câu ba với hai câu ở đầu bài? Thử tìm hiểu nghĩa của từ “chua ngọt”, chỉ ra cái hay của nó.
Non xanh nước bạc và non xanh nước biếc có khác nhau không? Có thể thay thế cho nhau được không?
Hãy chỉ ra ý nghĩa của bài ca dao.
Tình cảm vợ chồng thủy chung gắn bó:
- Họ cùng kề vai sát cánh, đồng cam cộng khổ, chia ngọt xẻ bùi trong những công việc khó khăn.
Rủ nhau lên núi đốt than…
Rủ nhau xuống biển mò cua…
+ Họ cùng nhau lên rừng xuống biển, cùng nhau làm những công việc khó khăn vất vả.
+ Họ tìm được niềm vui trong công việc. Họ gắn bó, ríu rít, tíu tít bên nhau niềm vui của con người được lao động cùng nhau.
+ Họ cùng trải qua vất vả “lên rừng, xuống biển” cùng “chua ngọt, đắng cay, cùng chịu nhem nhuốc”.
- Tình yêu của họ giúp họ được tự nguyện đến với nhau, nguyện được gắn bó, nguyện được thủy chung:
“Một thuyền, một bến, một dây
Ngọt bùi ta hưởng, đắng cay ta chịu cùng.”
Họ tự nói với lòng mình:
“Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.”
Người phụ nữ yêu chồng ấy thật dũng cảm, nghị lực, vì tình yêu, vì hạnh phúc chị dám hy sinh bằng lòng với cuộc sống nghèo khổ của mình.
- Khao khát được sống bên nhau, được kề cận, được cùng chung niềm vui, cùng chia hạnh phúc.
“ Non xanh nước bạc xin đừng quên nhau.”
“Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên.”
2.3 . Truyện cười
2.3.1. Khái quát chung về truyện cười
a Khái niệm: Truyện cười là truyện kể về những hiện tượng đáng cười trong cuộc sống, trong hành vi của người đời nhằm gây ra cái cười.
b Phân loại: Căn cứ vào tính chất của cái đáng cười, người ta chia ra làm 2 loại:
+ Truyện hài hước (Truyện khôi hài)
+ Truyện châm biếm (Truyện trào phúng)
Ranh giới giữa truyện hài hước và truyện châm biếm không rành mạch nhưng người ta cũng có quy ước:
+ Truyện hài hước: Nhằm mục đích mua vui tuy cũng có thể có ý nghĩa phê phán.
+ Truyện trào phúng: Dụng ý là nhằm đả kích, nhẹ về giải trí.
- Truyện hài hước thiên về khai thác những chuyện buồn cười, những hiểu lầm, hớ hênh, lầm lỡ hoặc nhược điểm phổ biến ở một lứa tuổi, một nghề nghiệp hoặc một địa phương.
- Truyện châm biếm thường tìm cái đáng cười ở những hiện tượng, những hành vi bộc lộ nét bản chất của thói xấu làm ảnh hưởng đến thể thống con người, những thói xấu phản xã hội.
2.3.2 Nội dung của truyện cười
Về đề tài: Rất rộng, tìm cái cười ở mọi lĩnh vực, mọi ngóc ngách cuộc sống:
+ Những thói xấu thuộc về bản chất, bộc lộ chủ yếu ở những hành vi buồn cười trong sinh hoạt của nhân vật tiêu biểu cho xã hội phong kiến: Vua chúa, quan lại, sai nha, hào lý, địa chủ…
+ Những thói xấu thông thường ở người bình dân bộc lộ ở những hành vi buồn cười trong sinh hoạt của họ.
+ Những hiện tượng buồn cười do hiểu lầm, do lầm lỡ, hớ hênh…mà thường tình ai cũng có lúc mắc phải hoặc do nhược điểm, khuyết tật nhưng không gây tổn hại cho ai.
Về mặt chức năng: Truyện cười là truyện kể để cười, tức là gây ra cái cười. Muốn hiểu được mục đích của truyện cười cần làm rõ hai khái niệm: Cái đáng cười và cái cười.
+ Cái đáng cười là cái gây ra cái cười. Đó là những hiện tượng mang một loại mâu thuẫn đặc biệt: Hình thức bên ngoài có vẻ hợp với lẽ tự nhiên nhưng thực chất bên trong là trái với lẽ tự nhiên; hình thức bên ngoài có vẻ hợp với nội dung bên trong những lại để lộ ra sự không phù hợp. Ngôn ngữ của tiếng cười có sự tương phản, mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa cái xấu xa với cái đẹp đẽ, cái tầm thường – cái cao quý, cái phi lý và có lý, máy móc và sinh động…Tóm lại, đó là những hiện tượng mà ở đó có sự ngược đời.
+ Cái cười là hành động cười, do cái đáng cười gây ra và do trí óc ta phát hiện ra cái đáng cười. Tất nhiên, phải có cái đáng cười mới có cái cười, nhưng cái đáng cười mà trí óc ta không phát hiện ra (tức là không phát hiện ra cái ngược đời ở hiện tượng) thì cũng không có cái cười.
Cái cười hài hước, cái cười châm biếm là sản phẩm của nhận thức lý tính (Tư duy ta phát hiện ra cái ngược đời mang bề ngoài hợp lẽ đời đã đánh lừa luân lý của nó).
- Chức năng sinh hoạt của truyện cười dân gian gắn với ý nghĩa nhân sinh, ý nghĩa xã hội sắc bén của nó -> Có sức lưu truyền rất mạnh.
- Truyện cười có chức năng giáo dục độc đáo. Nó mài sắc tư duy suy lý. Nó làm giàu óc phê phán. Nó giúp trau dồi khả năng ngôn ngữ.
Thi pháp:
- Mấu chốt của nghệ thuật gây cười là ở chỗ làm sao cho cái đáng cười tự nó bộc lộ ra một cách cụ thể, sinh động, nực cười để người nghe tự mình phát hiện ra và bật cười. Người ta phải tạo ra một hoàn cảnh thích hợp để mâu thuẫn tiềm tàng bộc lộ.
- Truyện cười thường được kết cấu theo dáng dấp của một màn kịch:
+ Giới thiệu hiện tượng có mâu thuẫn tiềm tàng.
+ Mâu thuẫn tiềm tàng phát triển đến đỉnh điểm.
+ Mẫu thuẫn bộc lộ (Mâu thuẫn được giải quyết).
Hiện tượng có mâu thuẫn tiềm tàng là hiện tượng mang sẵn cái cười, chỉ nhờ có điều kiện bộc lộ và phát hiện.
VD: Tính tham ăn: Đặt trong hoàn cảnh ăn bữa cơm với khách, ăn giỗ nhà bố vợ, tính tham ăn trở thành hiện tượng có mâu thuẫn tiềm tàng.
Mâu thuẫn phát triển đến đỉnh điểm: Cái cười từ thế tiềm tàng đã được đẩy đến cái thế sắp sửa bị phơi bày ra một cách cụ thể, sinh động và nực cười.
VD: Thà chết còn hơn, Tay ải tay ai…
Mâu thuẫn được giải quyết: Là lúc cái đáng cười được bộc lộ; là lúc cái ngược đời ở hiện tượng tự phơi bày ra, bị ta phát hiện.
VD: Anh keo kiệt cố ngoi lên lần nữa “3 quan tiền vẫn còn đắt, thà chết còn hơn.”
- Truyện cười bao giờ cũng có kết thúc, kết thúc trọn vẹn, kết thúc theo kiểu của nó.
- Truyện cười dân gian thường được cấu tạo một cách hết sức chặt chẽ, đặc biệt trong việc lựa chọn, bố trí, sắp xếp các chi tiết.
- Nhân vật: Nhân vật trong truyện cười đơn giản là hành vi ứng xử của nó trong một hoàn cảnh nhất định và hành vi ứng xử ấy luôn luôn được biểu hiện ở lời nói.
+ Cười hướng vào cái đáng cười hơn là cười nhân vật gây ra cái đáng cười -> Cười hài hước.
+ Khi ta hướng cái cười vào cả cái đáng cười và nhân vậ thì đó là cái cười châm biếm.
Phân tích tình tiết hướng vào sự việc nêu bật cái đáng cười:
- Phân đoạn đầu:
+ Ngay đầu câu chuyện, nhân vật có thói xấu hay tính cách dẫn đến hành vi buồn cười đều được giới thiệu không úp mở.
+ Ngay đầu câu chuyện, nhân vật ấy được đặt trong tình thế khiến nó trở thành hiện tượng có mâu thuẫn tiềm tàng. Phần đoạn đầu được gọi là tình thế mở đầu.
Giới thiệu nhân vật , đặt nhân vật vào mâu thuẫn tiềm tàng.
- Phân đoạn nút: Mâu thuẫn tiềm tàng phát triển đến đỉnh nút – tình thế gay cấn.
Gợi cho người đọc điểm lại diễn tiến của sự việc từ tình thế mở đầu đến điểm nút, nhận thức rõ mâu thuẫn cụ thể ở tình thế gay cấn, người nghe chờ xem kịch tính.
- Phân đoạn kết thúc:
+ Nhân vật bị đặt trong tình thế có mâu thuẫn , “giải quyết” mẫu thuẫn ngay ở điểm nút bằng hành vi, một lời nói bất ngờ làm bộc lộ cái đáng cười.
Mục đích và nội dung truyện khôi hài:
Truyện khôi hài dùng cái cười, cái trào phúng làm phương tiện miêu tả những phiền phức của xã hội loài người để khuyên răn, giáo dục.
- Nội dung truyện khôi hài: Mâu thuẫn trong đời sống bình thường. Mâu thuẫn ấy là những thói xấu làm phiền nhiễu đến đời sống con người.
-> Nêu ra mâu thuẫn không phải chỉ để cười mà chủ yếu là để giải quyết mâu thuẫn ấy, làm cho thói xấu không còn.
+ Những thói xấu mà truyện khôi hài đưa ra: Cô gái không chồng mà chửa, tính khoác lác một tấc tới giời, tính lưỡng lự nước đôi, sự dốt nát của thầy đồ…
2.3.3 Hình thức truyện cười
Các tác giả dân gian đã xây dựng truyện cười qua việc xây dựng một số thủ pháp xây dựng nghệ thuật như:
+ Phương pháp phóng đại điển hình: Tác giả cường điệu hóa, bịa đặt ra để làm nổi bật mục đích của mình.
VD: Con nói hợp với ý ta, Con rắn vuông, Thầy đồ liếm mật…
+ Lối chơi chữ: Trong truyện cười, nghệ thuật chơi chữ được áp dụng tinh vi.
VD: Đào trường thọ, Món ăn mầm đá…
+ Nghệ thuật dùng cái tục.
+ Sự sắp đạt các mâu thuẫn trong thế tương phản để gây cười.
Phần 2. Một số kết luận về phương pháp luận trong việc dạy nội dung, hình thức vào việc giảng dạy và nhìn nhận sự vật, hiện tượng
Một số giải pháp thực tế ứng dụng vào việc giảng bài cho học sinh
- Trong quá trình tìm hiểu tác phẩm văn học giáo viên phải cho học sinh nắm được được đặc trưng thể loại và vận dụng vào phân tích tác phẩm .
Ví dụ, khi dạy tục ngữ, học sinh cần hiểu khái niệm tục ngữ, nội dung, ý nghĩa và một số hình thức nghệ thuật như kết cấu, nhịp điệu, cách lập luận của tục ngữ.
Về hình thức tục ngữ có đặc điểm chung:
- Ngắn gọn.
- Thường có vần, nhất là vần lưng.
- Các vế thường đối xứng nhau cả về hình thức, cả về nội dung.
- Lập luận chặt chẽ giàu hình ảnh.
- Tục ngữ thường diễn đạt bằng so sánh.
- Diễn đạt bằng cách dùng hình các hình ảnh ẩn dụ.
- Từ và nhiều câu có nhiều nghĩa.
Giáo viên phải hướng học sinh nắm được nội dung tác phẩm thông qua các hình thức biểu hiện. Nắm hiểu được các đặc điểm về nghệ thuật sẽ có chìa khóa để giải mã về nội dung.
Người dạy phải thiết kế được hệ thống câu hỏi có vấn đề có tác dụng kích thích trí não vừa khơi dậy ham muốn tìm hiểu, lí giải của học sinh đối với nội dung và hình thức đồng thời thấy được mối quan hệ giữa chúng.
Muốn đạt được hiệu quả như mong muốn giáo viên cần chú trọng vào hướng dẫn học sinh soạn bài ở nhà chu đáo theo câu hỏi gợi ý . Đây là thao tác quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của giờ học.
Phần 3. KẾT LUẬN
Từ việc tìm hiểu các ví dụ trên chúng ta có thể thấy rằng: một tác phẩm văn học có giá trị là một tác phẩm phải có nội dung sâu sắc và hình thức mới mẻ. Thiếu hoặc yếu một trong hai điều kiện trên thì giá trị và sức hấp dẫn của tác phẩm sẽ bị giảm đi theo những mức độ khác nhau. Vì vậy, trong quá trình tìm hiểu tác phẩm, giáo viên phải cho học sinh thấy được sự thống nhất để tạo nên tính chỉnh thể có tính nghệ thuật cao. Sự thống nhất này không chỉ là mục đích mà nhà văn hướng tới mà còn là thước đo tài năng của nhà văn. Vì vậy hình thức hàm chứa mọi quy tắc biểu hiện của nội dung. Muốn hiểu được nội dung chỉ có một con đường là đi sâu vào khám phá hình thức. Đúng như nhà văn L. Léonov đã nhận xét: Tác phẩm nghệ thuật đích thực- nhất là tác phẩm ngôn từ- bao giờ cũng có một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung.