Viếng bạn của Hoàng Lộc- Tìm thấy vẻ đẹp trong nỗi đau đớn, xót xa

Viếng bạn của Hoàng Lộc- Tìm thấy vẻ đẹp trong nỗi đau đớn, xót xa

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 32 đến từ Nam Định
“Viếng bạn” là một bài thơ kiệm lời nhưng nhiều ý. Bài thơ ngắn ngủi đã cùng một lúc và rất tự nhiên vừa diễn tả được lòng căm thù quân địch sâu sắc, vừa biểu hiện được tình đồng đội, đồng chí và tình quân dân mặn nồng, thiêng liêng.

Hôm qua còn theo anh
Đi ra đường quốc lộ
Hôm nay đã chặt cành
Đắp cho người dưới mộ

Đứa nào bắn anh đó
Súng nào nhằm trúng anh
Khôn thiêng xin chỉ mặt
Gọi tên nó ra anh!

Tên nó là đế quốc?
Tên nó là thực dân?
Nó là thằng thổ phỉ?
Hay là đứa Việt gian?

Khóc anh không nước mắt
Mà lòng đau như thắt
Gọi anh chửa thành lời
Mà hàm răng dính chặt

Ở đây không gỗ ván
Vùi anh trong tấm chăn
Của đồng bào Cửa Ngăn
Tặng tôi ngày phân tán

Mai mốt bên cửa rừng
Anh có nghe súng nổ
Là chúng tôi đang cố
Tiêu diệt kẻ thù chung.

[Hoàng Lộc]
Hoàng Lộc sinh tháng 2-1922 ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Hoàng Lộc vốn là học sinh Trường Bưởi (Hà Nội), sau lên chiến khu gia nhập bộ đội, làm phóng viên của Báo Xông Pha, tờ báo của Vệ quốc quân khu 12 (bộ đội Hà Nội) đóng ở Bắc Giang. Khi Chiến dịch Thu Đông năm 1947 diễn ra, Hoàng Lộc tình nguyện đi mặt trận, cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với những người lính chiến. Bài thơ “Viếng bạn” được viết trong dịp đó.
Viếng bạn.png

(Viếng bạn của Hoàng Lộc- Tìm thấy vẻ đẹp trong nỗi đau đớn, xót xa)

Trước khi qua đời, Hoàng Lộc đã để lại một bài thơ giờ đây đã trở nên quen thuộc với bạn đọc chúng ta - bài "Viếng bạn". Cùng với nhiều tác phẩm như "Nhớ" của Hồng Nguyên, Đồng chí của Chính Hữu... "Viếng bạn" của Hoàng Lộc đã phần nào thể hiện được một loại tình cảm mới mẻ mà thiêng liêng: Tình đồng đội cách mạng.

Thời trước, người ta quen viếng cha, viếng mẹ, viếng tổ tiên... giờ Hoàng Lộc viếng bạn. Trước đó vào thời 30 -45, người ta thường khóc chàng, khóc nàng, khóc người tình, giờ Hoàng Lộc khóc đồng đội của mình. Trước tổn thất mất mát ta xót thương và luyến tiếc. Ta còn căm phẫn nữa nếu cái chết có kẻ chủ tâm gây ra. Quy luật tình cảm là vậy : yêu thương bao giờ cũng đi liền với căm ghét. Xuân Diệu viết rất đúng rằng: Yêu với căm hai đợt sóng ào ào, Vỗ bên mình vọng mãi tới trăng sao. Tình cảm bộc lộ trong "Viếng bạn" không ra ngoài cái chung này. Khổ đầu của bài thơ trĩu nặng xót đau :

Hôm qua còn theo anh
Đi ra đường quốc lộ
Hôm nay đã chặt cành
Đắp cho người dưới mộ

“Hôm qua” cùng sống kề vai sát cánh chiến đấu vì mục đích chung, “hôm nay” kẻ mất người còn, không xót xa sao được ! Cái chết đến đường đột quá, nên nỗi đau càng trăm lần, càng ngàn lần tăng lên. Nỗi xót thương cố ghìm nén lại để bật lên thành tiếng thét oán hờn đối với những kẻ gây ra cái chết đau đớn ấy ở khổ thơ kế theo :

Đứa nào bắn anh đó
Súng nào nhắm trúng anh
Khôn thiêng xin chỉ mặt
Gọi tên nó ra anh !

Xét về ý nghĩa biểu đạt thì hai câu : Đứa nào bắn anh đóSúng nào nhắm trúng anh không khác biệt nhau mấy. Tuy nhiên, ý nghĩa biểu cảm thì lại được nâng cao thêm khiến người đọc không thể dửng dưng, không thể nín lặng. Kẻ thù phải được nêu đích danh, phải được chỉ mặt, phải được gọi tên, có thế mới đáp ứng được đòi hỏi khẩn thiết, da diết và chính đáng của tình cảm. Mức độ xót thương và căm thù được diễn tả một cách bình dị, tự nhiên nhưng không thua kém bất cứ trường hợp nào xảy ra trong đời sống, và trong văn chương là vì thế ! Có điều, chất tình cảm của bài thơ đã nhiều phần đổi khác. Kẻ thù gieo rắc tội lỗi đâu phải là một người hay một nhóm người :

Tên nó là đế quốc
Tên nó là thực dân
Nó là thằng thổ phỉ
Hay là đứa Việt gian ?

Có thể hiểu kẻ thù là bất cứ loại người nào trong đó. Lại cũng có thể hiểu tất cả bọn chúng là kẻ thù, vì lẽ, trong thực tế, sự tồn tại của chúng nào có tách rời nhau. Kẻ thù đã không phải của một người hoặc một nhóm người thì cái chết cũng không phải vì một người hoặc nhóm người nào đấy. Người vừa nằm xuống đã không tiếc máu xương chiến đấu và hy sinh vì lẽ tồn vong của đất nước này, của sự nghiệp này. Cái chết của một người để bảo vệ sự sống của muôn người. Ý nghĩa của sự hy sinh ngời ngời sáng tỏ. Đó là lý do khiến người viết trĩu nặng xót đau mà không rơi vào ủy mị, yếu mềm. Câu thơ ngũ ngôn chắc khoẻ giúp nhà thơ tìm được hình thức thích hợp cho sự biểu lộ tình cảm của mình. Đó là lẽ tồn tại của khổ thơ cuối mà suy cho cùng cũng là lẽ tồn tại của cả bài thơ :

Mai mốt bên cửa rừng
Anh có nghe súng nổ
Là chúng tôi đang cố
Tiêu diệt kẻ thù chung

Từ cái “tôi” nhỏ bé riêng rẽ đã chuyển thành “chúng tôi” rộng lớn. Sự trả thù thật đích đáng, triệt để và hợp đạo lý. Thế giả định đã trở thành thế khẳng định chắc chắn, dứt khoát. Bài thơ viết về cái chết, về những giọt nước mắt mà không làm người đọc yếu lòng. Cái ch.ết vì cách mạng quả đã góp phần nâng bài thơ lên một tầm cao mới. Nhà thơ Xuân Diệu có lần kể rằng: Vào năm 1948, ở huyện Hạ Hòa, Phú Thọ, Tố Hữu có đọc bài "Viếng bạn" cho ông nghe. Nghe xong, Xuân Diệu đánh giá bài thơ không có gì cuốn hút, độc đáo cả. Vì sao? Xuân Diệu thành thật tâm sự : “Kháng chiến chống Pháp đã hai năm mà cái “gu” cái khẩu vị thơ của tôi vẫn chưa thay đổi được là mấy. Vẫn như mơ màng tìm kiếm những sáng loáng bóng lộn thơm phức ở đâu đâu”. Cũng theo Xuân Diệu, về sau ông “dần dần chuyển cách thức ăn nếm của của mình” thì lại thấy "Viếng bạn" lại là một bài thơ hay. Vậy có gì đáng nói về cái hay của bài thơ? Theo tôi, trước hết bài thơ có vẻ đẹp của sự bình dị, trong sáng. Để diễn tả một tâm trạng tương tự, không ít người đã tìm đến những câu thơ sau :

Khóc anh không nước mắt
Mà lòng đau như thắt
Gọi anh chửa thành lời
Mà hàm răng dính chặt

Nỗi đau đớn xót xa cố ghìm lại qua những biểu hiện bên ngoài để day dứt, để nhức nhối sâu thẳm tự bên trong. Câu thơ như tự nhiên thốt ra từ cõi lòng người viết để mãi rung động người đọc chúng ta.

Đi liền với vẻ đẹp giản dị trong sáng là sức mạnh của tiếng nói thống thiết từ nỗi lòng chân thực. Dễ nhận ra đặc điểm này qua từng câu thơ và cả bài thơ. Thì ra sự chân tình, chân thành bao giờ cũng là con đường ngắn nhất đi đến sự giao hoà, sự cảm thông thật sự và bền lâu. Hãy đọc lại những dòng thơ tưởng chỉ kể lể sau đây để tiếp cận với một trong sự thách đố không dễ gì vượt qua của thơ hay :

Ở đây không gỗ ván
Vùi anh trong tấm chăn
Của đồng bào Cửa Ngăn
Tặng tôi ngày phân tán.

Viếng bạn thật xứng đáng là tấm bia kỷ niệm bằng thơ đặt trước anh linh của những người đã ngã xuống cho cuộc sống của chúng ta hôm nay và tương lai muôn đời của con cháu mai sau.

<Phạm Quang Trung>​

Nguyễn Đình San cũng có bài viết về Viếng bạn đăng trên CAND như sau:

Bài thơ được bắt đầu một cách thật tự nhiên bằng việc nhắc lại một sự kiện cuối cùng trước khi bạn ngã xuống. Cái khoảng cách giữa “hôm qua” và “hôm nay” chỉ là 24 tiếng đồng hồ mà ở đây đã là một khoảng cách không thể tưởng tượng được giữa cõi sống và cõi chết.
Theo lối diễn tả thông thường, để phụ họa cho nỗi tiếc thương của người còn sống, thiên nhiên hay được “huy động” để sụt sùi, than khóc cùng con người. Người bạn còn lại chỉ lặng lẽ chặt một cành cây để “đắp cho người dưới mộ”. Cành cây phủ ở trên mộ, che cho ngôi mộ, sao lại “đắp cho người dưới mộ” được? Nhưng có lẽ không ai bắt bẻ, chất vấn về câu thơ đột xuất này, chính vì nó đã là hợp lý nhất.

Bài thơ chỉ là “Viếng bạn”, chỉ là vài phút mặc niệm bên nấm mồ của bạn, chỉ vẻn vẹn có 6 khổ thơ 5 chữ, không có điều kiện miêu tả cụ thể cái chết của bạn mà sao người đọc hình dung rất rõ cái tư thế lúc chết cùng cả cuộc đời chiến đấu trước đó của người liệt sĩ, phải chăng vì nhờ có những câu ít có vẻ là thơ: Đứa nào bắn anh đó/ Súng nào nhằm trúng anh/ Khôn thiêng xin chỉ mặt/ Gọi tên nó ra anh!/ Tên nó là đế quốc/ Tên nó là thực dân/ Nó là thằng thổ phỉ/ Hay là đứa Việt gian?
Trong một khúc hát có những chỗ tình cảm trào dâng nhất hoặc lắng đọng nhất, ấy là chỗ “cao trào”. Trong khúc “Viếng bạn” này, có thể xem cao trào ở chỗ: Khóc anh không nước mắt/ mà lòng đau như thắt/ Gọi anh chửa thành lời/ mà hàm răng dính chặt.

Ai đã từng nếm trải đau khổ mới thấy chí lý một điều: đau khổ đến mức không kêu than, cặp mắt cứ ráo hoảnh không một giọt lệ, lúc ấy đau khổ mới đến độ tột cùng. Nhưng có lẽ cái ấn tượng mạnh nhất đến với người đọc ở mấy câu thơ trên là nhờ tác giả đã bắt gặp được một cái âm khép “ắt”, lại là âm trắc để gieo vần ở khổ thơ thứ tư. Càng đau khổ càng ái ngại hơn khi ở nơi đây, không thể có những phương tiện bình thường nhất để khâm liệm, để chôn xác bạn, chỉ có một tấm chăn, có lẽ tấm chăn này đã nhiều dịp ủ ấm hai người, nhất lại là “của đồng bào Cửa Ngăn”. Người còn sống đã gửi theo vong linh người đã khuất vật kỷ niệm cuối cùng ấp ủ tình quân dân và tình đồng chí. Nếu cả bài thơ là màu sắc u buồn, ngậm ngùi, tưởng niệm thì đến đây đã ít nhiều được sáng lên bởi một lời khấn thờ thiết tha mà cụ thể. Hẹn “mai mốt” nhưng âm điệu của bốn câu thơ cuối cùng cho ta cảm giác như tiếng súng trả thù của người bạn còn sống đã vang lên.

“Viếng bạn” là một bài thơ kiệm lời nhưng nhiều ý. Bài thơ ngắn ngủi đã cùng một lúc và rất tự nhiên vừa diễn tả được lòng căm thù quân địch sâu sắc, vừa biểu hiện được tình đồng đội, đồng chí và tình quân dân mặn nồng, thiêng liêng. Giọng thơ thâm trầm, lắng đọng phù hợp với cảnh ngộ nhưng không bi lụy, não nề.

Một bài thơ gọn gàng, hàm xúc. Không ai nghĩ tác giả làm thơ mà chỉ thấy anh thương bạn, nhớ bạn bởi vì mọi lời lẽ chỉ là những ngôn ngữ bình dị nhất. Thế mới biết, muốn hình ảnh, âm thanh, muốn nhịp điệu, tiết tấu điệu nghệ sao chăng nữa cũng không thể thay thế tình người để quyết định sức sống lâu bền của một bài thơ. “Viếng bạn” cũng là một trong số những bài thơ hay xuất hiện trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Thật cảm động, bài thơ ra đời chẳng được bao lâu thì chính tác giả của nó đã hy sinh trong một chuyến đi công tác. Và đã có người viếng anh khi anh ngã xuống cũng như anh từng viếng đồng đội trong bài thơ.

Đến hôm nay đọc lại “Viếng bạn” ta như thấy vẫn còn nguyên vẹn không khí và cảm xúc của cả đối tượng lẫn chủ thể sáng tạo. Người đọc không mấy nghĩ bài thơ nói đến chủ đề liệt sĩ, chỉ thấy một tấm lòng, tình cảm thật lớn lao, sâu nặng mà giản dị của những người lính chung một chiến hào – những người đã có công lớn làm nên ngày hôm nay.
 
Từ khóa
bài thơ viết về cái chết tấm bia kỷ niệm bằng thơ tình đồng đội cách mạng về những giọt nước mắt viếng bạn
691
2
2

Triều Anh

Người yêu của văn chương ❤️
Thành viên BQT
3/12/22
606
439
63,000
Sóc Trăng
Xu
6,078,826
Bài thơ này gắn liền với thời sinh viên của Triều Anh. Thầy dạy môn Văn học Việt Nam thích bài thơ này nên đọc suốt. Thầy còn tổ chức bình thơ.
 
  • Like
Reactions: Vanhoctre

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top