Bình Thơ Hàn Mặc Tử

Bình Thơ Hàn Mặc Tử

TRĂNG TỰ TỬ

Trăng tự tử là thi phẩm thể hiện sâu sắc trạng thái hoảng loạn khôn cùng của con người khi vừa bị đày ải trong thế giới lạnh lẽo cô liêu, vừa nhận thức được sự ra đi vĩnh viễn của cái đẹp. “Lòng giếng lạnh” là một liên tưởng thực đến ám ảnh, nơi đó âm u, không ánh sáng, lạnh lẽo và đượm mùi tử khí. Nơi đó giam cầm và nuốt chửng mọi thứ: mùa thu, âm dương tụ họp, mây ngừng lại, nuốt ực bao la, vì sao rơi rụng… và cũng nuốt chửng cả trăng lẫn con người như một kiểu chôn sống! Với hình ảnh liên tưởng này, dường như thi nhân cảm nhận rõ nét cái chết đang đến rất gần. Khoảng trống nho nhỏ của miệng giếng chỉ đủ để nhân vật bị nhốt trong đó ý thức được mình đang thuộc về cõi âm, thuộc về cái chết, đủ để nhân vật trữ tình hoảng loạn. Những hoang tưởng hoảng loạn mạnh đến mức xâm nhập, chuyển hoá thành cảm giác thực, con người không còn kiểm soát được đâu là hiện thực, đâu là chiêm bao, mình đang sống trong cõi trần như bao người khác hay mình bị giam cầm trong lòng giếng lạnh? Cho nên thi sĩ mới trấn tĩnh “để nghe, à để nghe” và như một phút lóe lên hiếm hoi của nhận thức tỉnh táo, những giai âm thân thương của cõi đời (trai gái tự tình bên miệng giếng) như vẫy gọi ông đương mê man trở về thực tại. Từ đây, tâm lí hoảng loạn cuồng nộ khiến nhân vật trữ tình không kiểm soát được hành vi và nhận thức của mình nữa. Thi sĩ bật lên tiếng kêu thảm thiết: “Loạn rồi! Loạn rồi, ôi giếng loạn/ Ta hoảng hồn, hoảng vía, ta hoảng điên” cùng hành động rồ dại: “Nhảy ùm xuống giếng vớt xác trăng lên”. Thế nhưng, nhận thức quá muộn màng. “Trăng” chỉ còn là “xác trăng”. Sự vận động từ “trăng” đến “xác trăng” đã hoàn tất quá trình tự tử của nó. Hình ảnh cuối thi phẩm đậm chất siêu thực: Trăng - cái đẹp tinh khiết, trinh nguyên. Tử thi trăng khiến cái tôi trữ tình chợt tỉnh, nhận ra cái chết không thể cứu vãn của cái đẹp, và thi sĩ rơi vào hẫng hụt. Đó là khoảng hẫng sau hoảng loạn, là sự đau xót tột độ trước cái đẹp mãi mãi ra đi, sự sống con người bị tận diệt. Điều bài thơ Trăng tự tử thể hiện không phải là cái chết, mà là giai đoạn khủng hoảng trước cái chết. Nơi ấy là một cõi dương mà âm khí bao phủ. Nơi ấy chỉ có buồn thương, oán hận. Hàn bị nhốt trong cõi sâu hun hút ấy, như bị ngợp trong một cảm giác rợn lạnh đến ghê người! Phải chăng thi sĩ đã diễn tả một cách chân thực cái cảm giác “lưỡi hái tử thần đã huơ lạnh sống lưng” từ bi kịch đau đớn của chính cuộc đời ông.





MÙA XUÂN CHÍN

Bài thơ có một nhan đề rất đằm thắm: “Mùa xuân chín”, phải chăng nó đã gợi hướng cho người đọc hình dung về một bức tranh xuân nồng nàn, tươi thắm ở cái giai đoạn đỉnh điểm nhất. Thật vậy, Mùa xuân bắt đầu chín dần với những dấu hiệu: "Trong làn nắng ửng khói mơ tan/ Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng/ Sột soạt gió trêu tà áo biếc/ Trên giàn thiên lí bóng xuân sang". Điều đáng nói là tác giả đâu chỉ gợi cái sắc xuân mà còn gợi cái tình xuân. Tình dậy lên bên trong và phát lộ thành cảnh sắc bên ngoài. Khi xuân chín, nắng vàng ửng lên, mái nhà tranh lấm tấm vàng thêm, gió sột soạt trêu tà áo, giàn thiên lí đổ bóng xuân xanh… Đó đâu chỉ đơn thuần là bức tranh thiên nhiên nữa mà đã là cái đẹp ái tình của nàng xuân hay của một người thiếu nữ tràn ngập xuân tình. Và dấu hiệu chín nhất của mùa xuân, phải kể đến là tiếng hát tình tứ của bao cô thôn nữ trên đồi. Đoạn thơ dồn dập âm thanh “vắt vẻo”, “hổn hển”, “thầm thì”, “ý vị”, “thơ ngây” là các cung bậc của tiếng hát tạo sự chuyển đổi cảm giác rất mực tinh tế. Tâm hồn thi sĩ như ngất ngây thêm. Rõ ràng đã có một độ chín nhất của tuổi xuân, tình xuân. Thế nhưng, nghịch lí thay, đỉnh điểm cũng là giao điểm. “Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua/ Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”. Giờ xuân chín cũng là giờ xuân mãn. Xuân chín cũng là chấm dứt xuân. Nó chấm dứt vào cái ngày cuối cùng của quãng đời thiếu nữ. Và dấu mốc nhận thấy sự chuyển biến rõ rệt đó là “Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/ Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Cô gái đi lấy chồng! Từ đây, ta phải xác lập một từ ngữ chính xác hơn: hậu xuân chín. Qua cái thời điểm đẹp nhất, nắng chuyển thành “chang chang”, gay gắt trên những bờ sông trắng. Còn cô thôn nữ không còn hát trên đồi, cô trở thành chị gái gánh thóc giữa trời nắng. HMT với con mắt của một người lữ khách qua gặp lúc mùa xuân chín, ông không chỉ trầm trồ trước cái đẹp rực rỡ, tươi thắm, mà còn nuối tiếc, hụt hẫng vì mùa xuân sẽ trôi qua mau, tuổi xuân đời người có thì, tuổi xuân của đời con gái lại còn ngắn hơn nữa. Sự việc đi lấy chồng của người con gái như là một sự mất mát không gì sánh được. Cái “sực nhớ” của thi sĩ cũng là một dự báo se lòng về hậu xuân chín. Hôm nay họ là những người con gái ngây thơ, trong trẻo, ngày mai họ sẽ phải gánh vác cuộc sống vất vả, lam lũ trên vai. Cái nắng chang chang chắc chắn sẽ làm tiêu tan cái “nắng ửng” trên gò má thiếu nữ ngày nào. Và như vậy vui sướng chỉ là thoáng qua, nhọc nhằn mới là vĩnh viễn. Hiếm có bài nào HMT thơ mộng đến vậy, nhưng rồi ta cũng ngỡ ngàng nhận ra trong thi sĩ vẫn là một cái tôi thống nhất: yêu đời, yêu cuộc sống nhưng vẫn sớm hụt hẫng vì cái bất hạnh của cuộc đời, cái hữu hạn của cái đẹp và đời người.





ĐÂY THÔN VĨ DẠ

Tương truyền ĐTVD được khơi gợi từ mối tình đơn phương của HMT với cô gái thôn Vĩ Hoàng Thị Kim Cúc. Vì vậy, người ta thường cho rằng cảm hứng chủ đạo của bài thơ là tình yêu đơn phương chân thành nhưng mặc cảm chia lìa, xa cách. Tuy nhiên, dựa trên mạch cấu tứ của bài thơ, đây còn là lời tỏ tình với cuộc đời của một niềm tha thiết đến đau thương, một tình yêu mãnh liệt mà vô vọng. Cấu tứ của bài thơ được kết nối bởi 3 câu hỏi không có lời giải đáp vang lên ở mỗi khổ. Câu hỏi đầu tiên là một lời mời, cũng có thể là một lời trách cứ: “Sao anh không về chơi thôn Vĩ?”. Câu hỏi gợi lên sự gắn bó, thân thuộc, nhắc nhở về một việc cần làm: thăm lại chốn cũ, cảnh xưa. Tại sao phải thăm? Bởi thôn Vĩ – nơi có người Tử thương – đẹp đến nao lòng: “Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên/ Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền”. Cái nắng đầu tiên của một ngày mới trên hàng cau, khu vườn xanh như một viên ngọc lớn, người con gái hiền hậu lấp ló sau lá trúc che ngang... là “chốn nước non thanh tú” với vẻ đẹp tinh khôi, cao sang, quý giá trong niềm yêu trần thế dâng trào của thi sĩ. Nhưng cách đẩy cái đẹp lên mức tột đỉnh, “quá ngưỡng” ấy cũng là cách thi nhân bày tỏ một cảm giác đau thương: Tử không còn cơ hội nào để trở về Vĩ Dạ nữa. Vậy nên, câu hỏi thứ 2 xuất hiện như một sự níu kéo tuyệt vọng cuối cùng của nhà thơ: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?”. Trong cơn bấn loạn, lòng vội vàng, gấp gáp, “trăng” như một nơi bám víu duy nhất, một cứu tinh mỏng manh. Lòng người đã thế thì sao thiên nhiên còn có thể tinh khôi, trong trẻo được nữa, thế giới ánh sáng đã chuyển thành bóng tối âm u. Vạn vật đang lìa bỏ nhau và dường như cũng lìa bỏ cả con người: “Gió theo lối gió, mây đường mây/ Nhìn nắng hàng cau hoa bắp lay”. Từ “kịp” đã diễn tả một cách chuẩn xác cả 2 sắc thái: Hi vọng và Tuyệt vọng. Nếu trăng về kịp, đó sẽ là sự xoa dịu phần nào linh hồn cô đơn của cô cung nữ bị số phận oan nghiệt đày vào lãnh cung. Nhưng nếu không kịp, kẻ bị số phận bỏ rơi sẽ hoàn toàn lâm vào tuyệt vọng, vĩnh viễn đau thương. Quỹ thời gian đang vơi đi từng giờ khắc, cuộc chia lìa vĩnh viễn đã sát gần. Nếu Xuân Diệu tìm cách tận hưởng tối đa phút giây hạnh phúc của tuổi trẻ, thì HMT chỉ mong tối thiểu được sống thôi đã là hạnh phúc rồi. Tưởng như đó đã là đỉnh điểm của bi kịch thân phận, nhưng không, câu hỏi thứ ba mới là cú hạ gục cuối: “Ai biết tình ai có đậm đà?”. Ta biết rằng trong thơ HMT vốn tách biệt 2 thế giới: Ngoài kiaTrong này, thi sĩ tự xếp mình vào thế giới trong này đau đớn, mặc cảm, bi thương. Nhưng Tử vẫn khát thèm thiên đường trần gian một cách mạnh mẽ. Vậy nên, một lần nữa, thế giới ngoài kia lại xuất hiện một cách mời gọi: “Mơ khách đường xa, khách đường xa/ Áo em trắng quá nhìn không ra”. Người con gái với sắc áo trắng tinh khôi là ao ước thường trực, triền miên trong cơn mê của thi sĩ. Nhưng có giấc mơ nào mà không tỉnh, thi sĩ trở về với thực tại: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà?”. Thế đấy, tồn tại “ở đây”, ở “trời sâu này” thật quá đỗi mong manh. Chỉ có cái tình kia là sợi dây duy nhất níu buộc Tử với “ngoài kia”. Vậy mà cái tình kia cũng mong manh, không chắc.

Tôi không hiểu tình đời

Người có hiểu tình tôi?

Câu hỏi cuối cùng khép lại dòng tâm tư bất định như một tiếng thở dài của nỗi cô đơn trống vắng hay một hồn thơ đau thương vẫn không thôi khao khát được sống, được yêu. Cuối cùng, Hàn cũng không thể thoát khỏi sự truy đuổi của số phận để bật ra tiếng thơ, nhiệt liệt tỏ tình với cuộc đời để rồi giành lấy phần bất hạnh, đau đớn!
 
  • hanmactu_11_1.jpg
    hanmactu_11_1.jpg
    55.2 KB · Lượt xem: 65
825
2
1
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.