Cách dùng đại từ xưng hô trong truyện dã sử Việt Nam

Cách dùng đại từ xưng hô trong truyện dã sử Việt Nam

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 32 đến từ Nam Định
Dành cho những bạn viết truyện về dã sử hoặc viết truyện có bối cảnh xưa cũ của đất nước Việt Nam. Trả lời cho câu hỏi: Viết truyện ngày xưa thì dùng xưng hô của nhân vật thế nào cho hợp?

Viết truyện về lịch sử Việt một trong những điều quan trọng nhất có lẽ chính là cách xưng hô giữa các nhân vật. Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề vẫn còn lúng túng đối với rất nhiều người viết trẻ. Đã là viết sử Việt thì ai cũng có mong muốn viết một cách thuần Việt nhất, nhưng theo như trong nhiều diễn đàn lớn thì việc này vẫn còn có rất nhiều vấn đề phát sinh. Tôi chỉ dựa vào chút kiến thức ít ỏi, tản mạn một chút quan điểm cá nhân về vấn đề xưng hô trong truyện sử Việt.

(Bài viết chỉ nói về cách xưng hô chung của đa số người Việt, còn những cách gọi riêng biệt theo từng địa phương sẽ không đề cập. Đối với các vương triều thì nhà Nguyễn ở Huế cũng sẽ lưu hành cách xưng hô khá riêng cũng sẽ không nói đến trong bài viết này.)

1. Nguyên nhân dẫn đến xưng hô trong truyện dã sử Việt gây ra nhiều tranh cãi.
- Tư liệu cổ của nước ta ít.

Có thể thấy rõ sách vở của các vị tiền nhân từ trước thời Lê sơ còn tồn tại đến ngày nay là vô cùng ít ỏi. Ngoài bài kệ của các nhà sư, vốn được khắc lên đá hoặc lưu truyền ít ỏi trong các ngôi chùa thì những sáng tác của các nhà danh sĩ hay người có học thời kỳ đó đều gần như thất truyền. Nguyên nhân chủ yếu là do sự tàn phá của những cuộc chiến tranh cộng với khả năng bảo quản và lưu giữ trong dân gian của nước ta vẫn khá kém.

Chính từ rất nhiều biến động trong lịch sử nước ta, thế nên khối tư liệu của những thời lịch sử xa xưa còn lại đến ngày nay rất ít ỏi. Điều này cũng dẫn đến việc tham khảo bị thiếu hụt nghiêm trọng.

- Ảnh hưởng của văn học Trung Quốc

Văn phong Trung Quốc (trong đó có cách xưng hô của bên họ) đã gắn bó chặt chẽ trong tiềm thức của nhiều người đọc Việt Nam. Chính vì vậy dẫn đến nhiều người tự mặc định rằng xưng hô như trong truyện cổ đại Trung Quốc mới đúng cổ phong.

Hãy lấy ví dụ: Truyện cổ đại Trung Quốc xưng hô anh em thường là “huynh”, “đệ”, “nghĩa huynh”, “đại ca”...

Với nhiều người đọc hiện nay, xưng hô như vậy mới đúng là xưng hô của người xưa. Nếu ta gọi theo một cách khác đều sẽ cảm thấy ngang ngang và không còn không khí cổ phong nữa, điều này là hoàn toàn sai lầm.

2. Luận bàn về cách xưng hô của người Việt trong truyện lịch sử.
Với việc thiếu khuyết tư liệu tham khảo thì chúng ta có thể dựa vào đâu để đối chiếu?

Tôi cho rằng chúng ta ít tư liệu chứ không phải là không có tư liệu. Và kho tư liệu đồ sộ và lâu đời nhất mà chúng ta còn có đến bây giờ chính là ca dao, tục ngữ. Văn học dân gian có sức sống lâu bền và luôn giữ vững bản sắc của dân tộc Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta có thể tham khảo một số tư liệu vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Với tôi, tôi vẫn luôn ưu tiên cho bộ sử Đại Việt sử ký toàn thư. Mặc dù đã qua nhiều lần biên soạn trong suốt nhiều triều đại, nhưng Đại Việt sử ký toàn thư vẫn là bộ sử quý giá mang tính chất lịch sử không thể thay thế của nước ta.

Bây giờ tôi sẽ nói chi tiết hơn về cách xưng hô.

Người Việt ít dùng chữ Hán trong giao tiếp hằng ngày. Ngay cả, trong triều đình hay các quan lại, họ vẫn dùng lối nói gần giống với chúng ta hiện nay để giao tiếp.

+ Trong đời sống hằng ngày.

Một lần nữa, tôi chắc chắn dân ta không xưng hô theo kiểu “huynh”, “Đệ”, “cô nương”, “tiểu đệ”... trong giao tiếp hằng ngày.

Hãy bắt đầu bằng một bài ca dao quen thuộc:

Hôm qua tát nước đầu đình,
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen.
Em được thì cho anh xin,
Hay là em để làm tin trong nhà?
Áo anh sứt chỉ đường tà,
Vợ anh chưa có, mẹ già chưa khâu.
Áo anh sứt chỉ đã lâu,
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng.


Có thể thấy rõ ở đây, xưng hô của người xưa vẫn không khác gì chúng ta thời kỳ hiện tại. Người con trai xứng “anh”, gọi cô gái là “em”.

Hay như trong gia đình sẽ là:

Anh em nào phải người xa,
Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.
Yêu nhau như thể tay chân,
Anh em hoà thuận, hai thân vui vầy.


Xưng hô vẫn là “anh”, “em” như chúng ta bây giờ thôi. Người ít tuổi hơn vẫn gọi người nhiều tuổi hơn là “anh”/”chị” và xưng là “em”. Có khác chăng là có một số từ cổ chỉ những bậc sinh thành như “bác mẹ” – cha mẹ, “áng” – cha... Tuy hiện nay ít gọi nhưng ở nhiều làng quê vẫn còn sử dụng lối nói xưa trong giao tiếp.

Ngoài ra giữa đôi lứa thì vẫn có thể xưng hô hơi kiểu cách một chút là “chàng”, “nàng”, “mình”, “ta” nhưng cũng dùng linh hoạt với cách xưng hô “em”.

Mình về, mình nhớ ta chăng,
Ta về ta nhớ, hàm răng mình cười.


Hay.

Dù ai cho bạc cho vàng
Chẳng bằng trông thấy mặt nàng hôm nay.


Tôi thấy trong một số truyện dã sử của các tác giả Việt nếu xưng hô “anh”, “em” luôn bị kêu là nghe hiện đại quá. Kiểu như phải xưng “huynh” gọi “đệ”, rồi thì “đại ca” này, “cô nương” kia thì mới đúng. Đó chính là nguyên nhân tôi đã nói ở trên, chính là việc người đọc đã bị ảnh hưởng quá lớn của văn học Trung Quốc nên có những khái niệm ăn sâu vào trong tâm trí. Kiểu như chúng ta tự mặc định để mang hơi thở ngày xưa thì nhất định phải dùng lối xưng hô kiểu Hán ngữ như vậy. Nhưng nằm ở khía cạnh thực tế của người Việt thì lại là sai lầm.

+ Trong triều đình, hoàng gia, quan lại

Ở những người có học ngày xưa thì có lẽ họ sẽ gọi kiểu cách hơn một chút. Chúng ta đều biết ngày xưa các cụ học chữ Hán. Thế nên văn học viết đều dùng chữ Hán. Các cụ cũng thường xuyên sử dụng các điển tích, điển cố từ văn học Trung Hoa. Nhưng điều đó không phải là trong lối nói hằng ngày cũng sẽ sử dụng cách xưng hô bằng chữ Hán.

Đối với xưng hô trong hoàng cung thì vẫn sẽ bị ảnh hướng khá lớn từ các triều đại Trung Hoa song song. Với hoàng thượng khi giao tiếp thì chắc chắn vẫn dùng lối nói quy tắc như “bệ hạ”, “trẫm”, “khanh”...

Nhưng ngoài ra, trong các mối quan hệ trong gia đình, ngay cả hoàng đế cũng có lối xưng hô cũng bình thường.

Như trong trường hợp Trần Quốc Khang là anh trai của hoàng thượng Trần Thánh Tông. Trong một lần vui đùa bên thượng hoàng Trần Thái Tông có nói một câu: "Cái quý nhất là ngôi hoàng đế, hạ thần còn không tranh với chú hai. Nay đức chí tôn ban cho thần một vật nhỏ mọn mà chú hai cũng muốn cướp lấy chăng ?".

Anh em trong nhà, ngay cả khi là hoàng đế vẫn được xưng hô bằng lối nói rất bình dị. Trần Quốc Khang gọi vua Thánh Tông là “chú hai”. Từ này, có lẽ phiên âm từ từ Hán là "nhị lang". Theo tôi thấy cũng hay được sử dụng. Như lúc trước Trần Thủ Độ từng gọi Trần Cảnh là "nhị lang", bởi vì Trần Cảnh là con trai thứ 2 trong nhà.

Ngoài ra, những người có chức có quyền cũng hay gọi một cách bình thường như: “Ta”, “mày”, “chúng bay”, hay như vợ chồng còn gọi “mụ”, “ông”.

Lấy ví dụ khi Linh từ quốc mẫu vợ thái sư Trần Thủ Độ đi kiệu qua thềm cấm bị ngăn lại thì đã về kêu với thái sư rằng: “Mụ này làm vợ ông, mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế”

Đến chuyện Trần Nhật Duật, lúc kẻ hầu người hạ trong phủ bị người ngoài kiện bắt trói. Vợ ông kêu khóc nói ông phải lấy công bằng. Ông chỉ bình thản với kẻ hầu: “"Mày cứ ra đi, ở đâu cũng đều có phép nước".

Lại chuyện Thiếu sư Trần Khắc Chung đời nhà Trần. Con trai ông là Công Xước lấy vợ không hợp ý ông, nên Khắc Chung gọi con đến mà mắng rằng: “Mày lấy con gái nhà ấy sao không bảo cho ta biết?”

Đến thời kỳ cận hiện đại hơn. Là khoảng thế kỷ 17 -18. Thời điểm nay chữ Nôm ra đời nên trong văn thơ, các cụ đã thường hay viết bằng chữ Nôm thay vì chữ Hán. Từ đó, ta cũng biết rõ thêm về cách xưng hô.

Trong bài Hồng Hồng, Tuyết Tuyết (Gặp cô đào cũ) của Dương Khuê:

Ngày xưa Tuyết muốn lấy ông,
Ông chê Tuyết bé, Tuyết không biết gì.
Bây giờ Tuyết đã đến thì,
Ông muốn lấy Tuyết, Tuyết chê ông già.


Có thể thấy cũng chỉ xưng “ông” với cô gái.

Cùng thời với Dương Khuê, còn có Nguyễn Khuyến. Trong văn chữ Nôm, tức là không có yếu tố tiếng Hán cũng đã viết rõ cách xưng hô của các vị đồ nho xưa:

Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày;
Làm sao bác vội về ngay,
Chợt nghe, tôi bỗng chân tay rụng rời.
Ai chẳng biết chán đời là phải,
Vội vàng sao đã mải lên tiên;


Cụ Nguyễn Khuyến xưng với bạn là “bác” – “tôi”

Có thể thấy, xưng hô của người xưa không khác mấy với xưng hô của chúng ta thời kỳ hiện tại, đặc biệt là ở nhiều làng quê vẫn giữ lối gọi xưa cũ. Điều này khiến nhiều người đọc bị ảnh hưởng bởi lối xưng hô kiểu cách của Trung Quốc cảm giác rằng nếu gọi như vậy là mất đi cái không khí cổ phong, kiểu như nghe thấy cảm giác bị hiện đại. Theo tôi, nếu muốn nói đến cái gọi là thuần Việt trong văn học sử Việt Nam thì người đọc nên hiểu rằng người Việt mình không giống người Hán và cách xưng “anh”, “em” trong truyện hoàn toàn không phải là cách gọi theo kiểu hiện đại.

Theo quan điểm cá nhân, thì nếu cần một tác phẩm văn học để tham khảo về lối xưng hô thì tôi đề xuất tiểu thuyết lịch sử Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái. Hoàng Lê nhất thống chí được viết bằng chữ Hán, sau này có nhiều bản dịch như: Cát Thành 1912, Ngô Tất Tố 1942 (tái bản 1958), bản dịch của Nguyễn Đăng Tấn - Nguyễn Công Liên xuất bản năm 1950 dưới tiêu đề Hậu Lê thống chí, bản dịch của Nguyễn Đức Vân và Kiều Thu Hoạch xuất bản năm 1964, tái bản vào năm 1970; 1984; 1987 và được nhà xuất bản Giáo dục xuất bản nhưng ở thể chọn lọc dùng trong nhà trường. Dù ở bản dịch nào, tôi vẫn thấy tác phẩm vẫn truyền tải đầy đủ cái chất Việt cổ đậm nét.

6119


3. Cách xưng hô danh/tự/hiệu thời xưa
Ngày xưa, các bậc tri thức như nhà nho, bậc học sĩ, quan lại, nhà thơ ngoài tên gọi còn có thêm tự hoặc hiệu.

Lấy ví dụ như: Nguyễn Du là danh, có tên tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu là Hồng Sơn lạp hộ, Nam Hải điếu đồ.

Ở đây, mình sẽ nói sơ qua về ý nghĩa và cách xưng hô thường thấy đối với những bậc tri thức có danh vọng thời xưa.

Cách đặt tên tự/hiệu bắt nguồn từ tầng lớp quý tộc của Trung Quốc, sau này được mở rộng không chỉ có ở tầng lớp quí tộc mà cả các tầng lớp khác trong xã hội, như: quan lại, nho Sĩ, các bậc tao nhân mặc khách, v.v…

- Tên (danh)/húy là tên riêng do ông, bà, cha, mẹ đặt cho. Có thể coi là tên khai sinh của mỗi người.

- Tên chữ (tự) được đặt khi đã thành niên (theo như tập tục xưa là khi nam 20 tuổi, nữ 15 tuổi) và thường do cha mẹ hoặc bề trên đặt cho, cũng có khi do chính bản thân tự đặt.

Việc đặt tên tự là chứng tỏ người đó bắt đầu được mọi người trong xã hội công nhận và tôn trọng. Khi đặt tên tự, người ta thường căn cứ vào danh để chọn từ tương ứng mang ý nghĩa liên quan và phụ trợ cho danh.

- Tên hiệu (hiệu) là tên gọi được đặt khi người ta đã thực sự trưởng thành, các sĩ phu và văn nhân thời phong kiến thường có tên hiệu hoặc biệt hiệu của mình.

Tên hiệu là do người sử dụng tự đặt, không hề bị chi phối bởi gia tộc, thứ bậc trong gia đình. Thông qua việc đặt tên hiệu, hoặc biệt hiệu, người ta có thể tự do gửi gắm tư tưởng và tình cảm, biểu lộ chí hướng và hoài bão, thể hiện sở thích của mình trong cuộc sống. Việc đặt tên hiệu hoặc biệt hiệu đôi khi còn để mang dấu ấn địa phương, quê hương bản quán của mình. Một người có thể thay đổi khá nhiều tên hiệu hoặc biệt hiệu, và thông qua sự thay đổi này có thể hiểu được quan niệm sống, tâm tư tình cảm và tư tưởng của người đó trong cuộc sống ở các thời kỳ khác nhau.

Ví dụ: La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.

Ông vẫn được biết với cái tên Nguyễn Thiếp nhưng thực ra tên húy/danh là Minh. Tức là ngày nhỏ, tên bố mẹ ông đặt cho ông là Nguyễn Minh, nhưng sau bởi kiêng húy của vua (tức là tên của vua) nên đổi thành Nguyễn Thiếp.

Khi trưởng thành ông có tên tự là Quang Thiếp. Riêng ông, sau này cũng nhiều lần đổi tên tự như: Khải Xuyên, Hạnh Am, Điên ẩn, Cuồng ẩn.

Sau này, trong thời gian làm quan, về dạy học rồi lại ra làm quan, rồi lại về dạy học ẩn cư, sau này lại được vua Quang Trung nhà Tây Sơn mời ra phụ giúp, cuộc đời nhiều chìm nổi nên ông cũng tự đặt cho bản thân rất nhiều tên hiệu. Có thể kể đến như: La Sơn phu tử, Lạp Phong cư sĩ, Hầu Lục Niên, Lam Hồng dị nhân, Lục Niên tiên sinh, La Giang phu tử... Tên hiệu của ông đều là các địa danh nơi quê hương ông.

4. Cách xưng hô với các bậc tri thức thời xưa như thế nào?
Danh, tự và hiệu, hay biệt hiệu đều là tên người, nhưng khi sử dụng không thể tùy tiện mà phải tuân theo nguyên tắc nhất định. Do người xưa trọng lễ nghĩa nên cách dùng danh, tự và hiệu cũng rất cầu kỳ.

Trong giao tiếp, danh/húy thường được dùng trong trường hợp khiêm xưng (khi xưng thì khiêm nhường), hoặc trên gọi dưới, còn những người ngang hàng thì chỉ gọi danh khi thật thân mật.

Trường hợp không phép mà gọi thẳng danh của người đang nói chuyện là bất lễ, danh của cha mẹ mà nhắc tới là bất kính, còn danh của vua chúa mà nhắc tới là đại nghịch.

Tự và hiệu dùng trong trường hợp người dưới gọi người trên, hoặc những người ngang hàng nhau gọi.

Bên cạnh việc dùng trong giao tiếp, tên tự, hiệu còn được dùng tên trước tác của người đó.

Như vậy trong giao tiếp hằng ngày, thì gọi danh/tên húy trong trường hợp là người trong gia đình thân mật, hoặc là người trên gọi người dưới.

Còn nếu mà người có mối quan hệ bình thường, tôn trọng, hoặc người dưới gọi người trên thì thường xưng hô bằng tự hoặc hiệu. Thường thì hiệu sẽ thể hiện sự tôn trọng, kính trọng cao nhất.

Thế cho nên khi vua Quang Trung lên mời Nguyễn Thiếp xuống núi, ông mặc dù là bậc đế vương đức cao vọng trọng vẫn luôn xưng hô với Nguyễn Thiếp là La Sơn phu tử, chứ không dùng bất cứ tên tự nào.

Lại lấy ví dụ trong truyện Tam Quốc diễn nghĩa. Tào Tháo có tự là Mạnh Đức và biểu tự A Man. Chính vì vậy trong rất nhiều cuộc đối thoại ngoài việc xưng chức vụ thừa tướng thì phần lớn đều gọi Tào Tháo là Mạnh Đức/ Tào Mạnh Đức. Hoặc Tào A Man.

Như Việt quốc công Lý Thường Kiệt. Ông có danh là Tuấn (họ Ngô hay Quách, hiện nay vẫn còn nhiều tranh cãi), biểu tự là Thường Kiệt. Cho nên ông thường xuyên được gọi bằng Thường Kiệt, thay vì tên khai sinh. Sau này, ông được ban quốc tính họ Lý nên thường được biết đến với tên Lý Thường Kiệt.



Tác giả: Cổ Nguyệt Quang
 
Từ khóa
bản sắc dân tộc việt nam cách xưng hô của người việt trong truyện lịch sử dã sử việt giao tiếp hàng ngày viết truyện ngày xưa thì xưng hô thế nào xưng hô giữa các nhân vật đại việt sử kí toàn thư
1K
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top