Baivanhay Cảm nhận bài thơ “Thời nắng xanh” của Trương Nam Hương

Baivanhay  Cảm nhận bài thơ “Thời nắng xanh” của Trương Nam Hương

Âm điệu thơ tự bao giờ cứ ngân vang mãi trong trái tim tôi. Khúc hát ca văn chương mang một sức mạnh diệu kỳ đi sâu vào tiềm thức nơi trái tim người đọc để lại biết bao rung cảm sâu sắc trong lòng những kẻ phiêu lưu du ngoạn cùng ngôn từ. Từ bao đời nay, thi ca luôn hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình đặt chân đến xứ xở của cái đẹp. Song thơ cũng không chỉ là cái đẹp nó còn là “người thư kí trung thành của những trái tim” (Duy bra lay). Ngoài việc là tấm gương phản ánh cuộc sống, thi ca là dòng chảy của tình cảm- nơi thi nhân trải những cảm xúc lên trang giấy trắng chỉ có thể diễn đạt bằng thơ. Quả là như vậy, chỉ khi đến với “Thời nắng xanh” của Trương Nam Hương tôi mới thấm thía sâu sắc thứ tình cảm kì diệu trong thơ qua những hình tượng tưởng gần gũi nhưng được làm mới theo cách riêng dưới góc nhìn của người nghệ sĩ :

Nắng trong mắt những ngày thơ bé
Cũng xanh mơn như thể lá trầu
Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền cau
Chở sớm chiều tóm tém
Hoàng hôn đọng trên môi bà quạnh thẫm
Nắng xiên khoai qua liếp vách không cài
Bóng bà đổ xuống đất đai
Rủ châu chấu, cào cào về cháu bắt
Rủ rau má, rau sam
Vào bát canh ngọt mát
Tôi chan lên suốt dọc tuổi thơ mình.

Dù vài câu thơ nhưng thành công neo vào lòng người đọc hình ảnh người bà tần tảo yêu thương con cháu. Giọng thơ tâm tình tha thiết ăm ắp tình cảm chân thành của người cháu dành cho người bà kính yêu.

Bài thơ gây ấn tượng với người đọc từ nhan đề của bài thơ “Nắng thời xanh”. Nắng trong thi ca không còn là hình ảnh mới, từng xuất hiện trong rất nhiều thi phẩm như “ Đây thôn Vĩ Dạ” ( Hàn Mặc Tử )
“Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên”
Hay nắng xanh cũng từng xuất hiện trong thơ Tố Hữu :
“Bác đã đi rồi sao Bác ơi !
Mùa thu đang đẹp nắng xanh trời “

Nhưng trong thơ của Trương Nam Hương nắng lại gắn với một “thời xanh”. Phải chăng đó là quãng thời gian hạnh phúc vui vẻ nhất của tác giả trong suốt tuổi thơ của mình. Màu xanh gợi liên tưởng đến một sức sống thanh xuân khoẻ khoắn, bền lâu cùng với dòng chảy vô tình của thời gian. Dường như một phần đời nơi tâm hồn ấy mãi nằm lại với những hồi ức đẹp nhất rực rỡ như ánh nắng của thiên nhiên đất trời. Và thi sĩ cũng dùng hình ảnh nắng lật tứ vẽ nên bức chân dung người bà kính yêu mang vẻ đẹp giản dị truyền thống chân quê:
“Nắng trong mắt những ngày thơ bé
Cũng xanh mơn như thể lá trầu
Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền cau
Chở sớm chiều tóm tém
Hoàng hôn đọng trên môi bà quạnh thẫm

Trong mắt của đứa trẻ “nắng” xanh mơn mởn như “lá trầu” . Nhà thơ còn khéo léo kết hợp nghệ thuật so sánh cùng ẩn dụ chuyển đổi cảm giác hoàn toàn mới mẻ “ nắng” có màu xanh mơn mởn tinh khôi mới mẻ. Hình ảnh thơ đầy sáng tạo khiến câu thơ trở nên sinh động mang đậm dấu ấn sáng tạo riêng của thi sĩ. Hai câu thơ đầu như cánh cửa dẫn lối người đọc đến với người bà hiện lên bình dị trong lao động hàng ngày. Bà bổ cau thành tám chiếc thuyền và giành để thưởng thức sớm chiều. Ngược trở lại dòng chảy văn chương hình ảnh những người bà ăn trầu đã không còn quá xa lạ. “Miếng trầu làm đầu câu chuyện” và nó cũng trở thành hình ảnh gợi nhắc về người bà. Ăn trầu là tập tục ở miền quê đó cũng là truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Lắng nghe trong đôi câu chữ là hình ảnh của người bà mang vẻ đẹp, thói quen sinh hoạt của người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Ôi! Chỉ là màu của trầu mà ngỡ cả ráng chiều đọng lại trên vành môi quặng thâm của bà. Nó đã trở thành mảnh kí ức ghim chặt trong nỗi nhớ của người cháu về bà của mình. Một hình ảnh quá đỗi giản dị gần gũi thân quen nhưng bước vào thơ Trương Nam Dương lại dội nên một nỗi nhớ sâu sắc về bóng hình gắn bó với một thời nắng xanh tươi đẹp. Những kỉ niệm về người bà như một cuốn sách tiếp tục đươc lật mở đến không gian mới :

“Nắng xiên khoai qua liếp vách không cài
Bóng bà đổ xuống đất đai
Rủ châu chấu, cào cào về cháu bắt
Rủ rau má, rau sam
Vào bát canh ngọt mát”

Bài thơ được triển khai theo kết cấu đan xen một câu tả hình ảnh “nắng” thiên nhiên và sau đó là những câu thơ xuất hiện hình ảnh người bà của nhân vật trữ tình. Người bà một lần nữa xuất hiện cùng hình ảnh “nắng” trong những luống khoai liếp vách không cài. Nắng hồn nhiên như trẻ con nhảy từ luống khoai nọ đến luống khoai kia. Cả khu vườn rắc đầy bụi vàng của nắng. Hình ảnh thôn quê thanh bình, yên ả hiện lên sống động trước mắt những người thưởng thức. “Xiên” là động từ mạnh chỉ ánh sáng đột ngột, xuyên thẳng xuống. Có lẽ đó là cái nắng nóng gay gắt của những ngày hạ chí nhưng người bà vẫn tiếp tục công việc cày xới :

“Bóng bà đổ xuống đất đai”

Hình ảnh thơ khơi nguồn liên tưởng về những người nông dân chân lấm tay bùn “bán lưng cho đất bán mặt cho trời” để làm nên những hạt lúa mang nặng tinh hoa đất trời, hạt cơm ta có trong mỗi bữa ăn. Người bà của nhà thơ mang dáng dấp của những người nông dân lao động cần cù, vất vả. Nhưng tất cả những gian truân ấy để đổi lấy niềm vui cho đứa cháu thơ “rủ châu chấu cào cào” và cả luống rau ăn ngày còn thiếu thốn đủ điều. Hạnh phúc ấy kết vào bát canh yêu thương ngọt mát. Một thời thơ ấu bình yên bên người bà, dù còn nhiều khó khăn nhưng cháu vẫn có được tuổi thơ trọn vẹn nhất. Tựa như một bát canh ngọt mát có thể làm dịu cơn đói của người lâu ngày chưa ăn thì những kí ức đấy làm bóng mát cho tâm hồn nhân vật trữ tình để khi nhớ lại bật thành thơ dồn nén cảm xúc:

“Tôi chan lên suốt dọc tuổi thơ mình.”

Tất cả những kỉ niệm hồi cháu sống với bà đã hoá thân vào hình ảnh “bát canh” ngọt lành bà cho. Bát canh đầy ăm áp những hạnh phúc giản dị bình yên ấy chan lên “thời nắng xanh” của mình trở thành tuổi thơ không bao giờ quên. Chỉ với một câu thơ mà bao nhiêu phù sa tình cảm lắng đọng xuống đáy sâu trong lòng người đọc về tình cảm của người cháu. Dù trong bài thơ không có một chữ “yêu” nhưng cứ đọc câu thơ hiện lên như cả một bầu trời thương nhớ đến người bà của nhà thơ. Chính tuổi thơ ngọt ngào bên người bà đã nâng đỡ thi sĩ bước trên ngả đường của giấc mơ và khát vọng.

Đôi ba câu thơ nhẹ nhàng nhưng neo đậu vào tâm hồn người đọc rung động đưa ta trở lại với miền đất mang tên kỉ niệm về một thời thương nhớ. Thi sĩ đã phục dựng hình ảnh người bà mang nét đẹp của người phụ nữ truyền thống, chăm chỉ cần cù, chịu thương chịu khó. Dù hoàn cảnh còn thiếu thốn nhưng người bà ấy vẫn yêu thương và mang đến cho đứa cháu những điều tốt đẹp nhất. Tuổi thơ của cháu có “châu chấu, cào cào”, có niềm vui từ bát canh ngọt mát và cả bóng hình của bà chở che. “Thơ chỉ tràn ra khi trong tim cuộc sống đã ứ đầy” ( La mác tin ), có lẽ tình yêu của người cháu dành cho người bà suốt bao năm không thể kìm nén mà chảy tràn trên ngòi bút thành thơ. Đó là tình cảm chân thành, kính trọng, nhớ thương da diết, giàu tình yêu thương đối với người bà tần tảo của mình. Song thơ hay là “hay cả hồn lẫn xác”, thời nắng xanh đâu chỉ cuốn người đọc vào giai điệu tâm hồn mà còn vào cả thứ âm nhạc diệu kì của ngôn ngữ thơ. Lời thơ giản dị, nhẹ nhàng mà dồn nén tất cả cảm xúc chan chứa từ bên trong. Nghệ thuật so sánh kết hợp với những hình ảnh của cuộc sống quen thuộc “lá trầu”, “cào cào”, “châu chấu” , “bát canh” tạo dựng hình ảnh lên cuộc sống chân quê thanh bình, yên ả nhưng thật gần gũi thân thương trong ký ức. Chắp vá kí ức bạc màu thành thước phim quay chậm sống dậy hồi ức ngọt ngào, hạnh phúc một thời không thể quên.

Hình ảnh người bà trong thi ca là nguồn thi liệu khơi gợi cảm xúc của người nghệ sĩ như “Bếp lửa” của Bằng Việt hay “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh, “Thời nắng xanh của Trương Hương Dương cũng đóng góp một nhìn mới vào dòng chảy của văn chương nghệ thuật. Hình ảnh người bà truyền thống, giàu tình yêu thương, tần tảo, chăm chỉ cần cù sẽ mãi khắc ghi trong lòng người đọc. Tình cảm trân trọng, kính yêu với người bà của thi sĩ sẽ được văn chương lưu giữ vẹn nguyên vượt qua mọi sự biến thiên của lịch sử và đẻ lại trong lòng người đọc dấu lặng không thể nào quên.

Mặt trời mọc và tỏa nắng Hài hước Hình nền máy tính.png
 
Từ khóa Từ khóa
cam nhan bai tho thơ văn học
45K
4
3
Trả lời
Trời sinh ra người đời có đôi mắt để nhìn. Nhà thơ không khác người đời “Giàu hai con mắt”, nhưng nhà thơ khác người đời ở cách nhìn. Họ nhìn bằng trái tim, trí óc, bằng cảm giác, linh cảm và cả trí tưởng tượng về mọi điều trong nhân thế. Nhưng trong cách nhìn, các nhà thơ cũng không giống nhau. Bởi họ đứng ở góc độ khác nhau và tài hoa khác nhau. Thơ Trương Nam Hương điển hình cho điều ấy.

“Thời nắng xanh & những bài thơ khác”trong cảm xúc của tôi -0
Nhà thơ Trương Nam Hương.
Trước hết, anh thông minh trong cách nhìn và thể hiện cách nhìn. Ví như với các nhân vật Thị Mầu, Thúy Vân, Chí Phèo trong tác phẩm văn học Việt Nam. Anh không chỉ hóa thân làm họ mà còn nhìn thấy “ruột gan” họ ở một góc nhìn khác hẳn với người đời thường nghĩ. Với cách nhìn phát hiện này, ta gặp một Thị Mầu rất đáng cảm thông bởi bản năng đàn bà: “Tin yêu vụng dại đâm liều/ Em chơi vơi quá đơm điều chị thôi” (Ưu tư Thị Mầu). Ta gặp một Thúy Vân không hề vô tư nông nổi, biết đòi quyền yêu chính đáng cho trái tim mình: “Lấy người yêu chị làm chồng/ Đời em thể thắt một vòng oan khiên” (Tâm sự nàng Thúy Vân) và gặp một Chí Phèo bị đẩy đến bước đường cùng phải: “Chửi cho vỡ chén để vày mặt thôi” chứ đó là con người lương thiện nhất trong cõi đắng cay, hiểm ác, nghèo khổ mà “Khát khao lương thiện có thành được đâu” (Chí Phèo tự bạch).

Thơ Trương Nam Hương còn thể hiện cách nhìn thông minh về tình yêu khiến anh có duyên, thu hút phụ nữ, về thế sự khiến người đọc phải ngẫm nghĩ xót xa mà không nổi loạn đối kháng, về bà, về cha mẹ, khiến ta động lòng trắc ẩn mà thương cảm muôn kiếp người. Và đây là cách nhìn thời gian của nhà thơ tài hoa: “Thời gian rúc lòng người như mối vậy” (Gặp Kiều tiết Thanh minh); “Từ trong mắt/ Sông vừa trôi ngang cửa/ Mang nhan sắc những người đàn bà/ Về đâu/ Không hay” (Màu hoa khác); “Em qua xuân sắc bao giờ/ Để chân lược nhắc chiều thưa mái đầu” (Gửi hai dòng sông quê); “Thời gian lệch gió trên đầu/ Sớm hay sợi tóc chuyển màu sang trưa” (Nhặt tuổi mình); “Da mặt ngoại như vỏ cây tróc lở” (Thời nắng xanh)…

Thơ Trương Nam Hương còn thể hiện thông minh trong cách nhìn ở những câu thơ mơ hồ nhưng giàu sức liên tưởng, đầy gợi cảm: “Em hây hẩy khép chiều ngấn mẩy/ Sương buông nghiêng bóng liễu mơ gì” (Về lại); “Em nhón gót cho thời gian tụ lại/ Tay học trò giọt Hạ rớt lem xanh” (Sau lưng mùa Hạ cũ); “Đêm rập rình đom đóm giấu tai ương…/ …Mẹ âm thầm vá víu lại niềm tin” (Tạp cảm).

Những câu thơ trên, không cụ thể rõ ràng một điều gì mà ai cũng hiểu. Nhưng bởi nó mơ hồ nên nhiều cách hiểu khác nhau, bởi nó gợi mà sự tưởng tượng của người đọc tha hồ mơ mộng. Ấy là phẩm chất đích thực của thơ. Nhưng viết được thế không nhiều người.

Một thành công làm nên giá trị tập thơ mà nhiều bạn đọc tâm đắc là: thơ Trương Nam Hương tài hoa câu chữ. Điều này thể hiện ở việc sáng tạo từ ngữ và Phá cách luật thơ.

Chưa thống kê hết mà tập thơ đã có khoảng 3 chục từ “mới toanh” không hề có trong Từ điển tiếng Việt:

Sông lơ lạc; Nắng tung tuây; sông thon thắt; tiếng sông úng ớ; xanh xót đầu thu; thun thăn váy lá; cây khẳng khơ; Hà Nội lung liêng; trời đất ngây ngoai; Dênh giao giữa khoảng khuyết bồi; chớp bờ đê nháy nhóa; ghẹo ngốc ngây; thu nhơm nhớm tím; Xao xít dây bìm; dây khoai huây hoải; ngao ngát dây bìm; sóng nước ngung nguây; heo may ngao ngát; hoe hoét nắng; Em hây hẩy khép chiều ngấn mẩy; buồn lơ lạc; hơi mẹ ấp òa; bạn cười nhúm nhó; thấm thắc trôi; nở trên khấc khô; thấm thểnh oai xưa; phơ phay tóc mình; nhếch nhơ hè phố; tôi thơm thao bùn đất; loăn thoăn đồng đất; em hây hẩy muốt…

Sự sáng tạo này vừa làm mới ngôn ngữ thơ vừa tạo ra nhiều gợi cảm. Điều quan trọng là những từ sáng tạo đó vẫn gợi được hình, gợi được thanh, gợi được cảm, đôi khi gỡ bí cho thơ trong lúc gieo vần mà vẫn giữ được ý của câu thơ một cách tài tình: “Mùa đừng chuốc lá ta say/ Nhìn lên trán bạn phơ phay tóc mình” (Viết ở Nghi Tàm).

Về tài phá cách luật thơ và sáng tạo thể loại thơ: Đây chính là Trương Nam Hương đang đổi mới thơ nhằm thoát ra khỏi sự nhàm chán, cũ càng mà bấy lâu thơ đang tồn tại. Anh tung tẩy hình thức. Thơ không gò vào 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ, lục bát, thất ngôn hay thơ tự do. Thơ anh phá cách về vần, luật, tạo thành một giọng điệu thơ khác lạ, tự nhiên, giúp người đọc cải thiện thính giác, giúp tập thơ có sức hút vì không cũ càng, nhàm chán với những âm điệu vần luật truyền thống quá gò bó.

Và cuối cùng tôi muốn nói tới một tài hoa nữa nhờ câu chữ của thơ mà nhận ra. Ấy là sự tinh tế trong cảm xúc.

Nếu chưa biết tác giả, chỉ đọc “Thời nắng xanh & những bài thơ khác”, hẳn ai cũng công nhận đây là cây bút đa tình và sâu sắc. Đa tình là bản tính của tất cả người làm thơ. Không đa tình không làm được thơ. Nhưng làm được thơ đạt đến độ sâu sắc, kéo được tâm hồn người khác nhập vào tâm trạng của mình thì khó. Vậy mà gần hết cả tập thơ, Trương Nam Hương đã đạt được điều ấy: “Chao ôi trời lẻ cánh diều/ Gió đâu thổi quắt một chiều xa quê” (Tha hương).

Một từ “quắt” dùng đúng lúc đúng chỗ là bật lên được tâm trạng. Có gì thương nhớ quắt ruột quắt gan. Có gì cô đơn quắt lòng quắt dạ, có gì thiếu vắng quắt queo tâm hồn… Chỉ một từ thôi mà thành tâm điểm nhức nhối, lan tỏa ra mọi tâm trạng. Ấy là tinh tế. “Rạ rơm vây ấm một vùng/ Bọc con vào giữa tận cùng hồn quê” (Khói bếp xưa).

Trong tập thơ, có khoảng 2 chục bài, nhà thơ viết về mẹ, có hình ảnh mẹ hoặc nhắc nhiều đến mẹ. Có 4 bài thơ viết về bà và 2 bài thơ về cha. Điều tinh tế là mỗi bài một tâm sự, một nỗi niềm riêng mà không trùng lặp tâm trạng, không trùng lặp hình ảnh, không trùng lặp ý tứ, không giống ai cách viết về cha mẹ (hoặc bà) của mình. Theo tôi, chùm thơ về mẹ cha và bà đã làm nên sức nặng giá trị nhất của tập thơ. Bởi bài thơ nào cũng sâu sắc, cũng gây ấn tượng, cũng để lại nỗi buồn thương da diết vì những câu thơ tinh tế giàu cảm xúc: “Ta từng khóc hoàng hôn tóc mẹ/ Hoa xoan rơi qua tuổi vô tình/ Kinh Bắc níu tháng ngày son trẻ/ Mẹ xuống đò nhận đắm thời xanh/ Phải quan họ mẹ buồn từ đấy/ Những đêm mưa Hà Nội đèn dầu/ Mẹ nhìn chớp bờ đê nháy nhóa/ Lặng ngước về Kinh Bắc hồi lâu…” (Hồi tưởng).

Viết về mẹ, Trương Nam Hương không tả hoặc kể như bao người khác mà chỉ dùng phép biểu cảm là chính. Nhưng hiện lên chân dung một người mẹ đồng bằng Bắc bộ tảo tần và tài giỏi. Nghèo và nặng nghĩa. Thương yêu và chịu đựng. Đẹp và buồn.

Viết về cha, Trương Nam Hương có bài “Dâng cha” và bài “Lời thưa”. Vẫn không tả, không kể. Duy chỉ có cảm xúc trong ngôn từ và ý nghĩ của tác giả. Người cha hiện lên với quê hương xứ xở, với cảnh đời buồn thương của người đàn ông xứ Huế tài hoa đa đoan: “Trong cha có một câu hò/ Trong câu hò có con đò sông Hương/ Trong sông Hương có nỗi buồn/ Trong thăm thẳm có vô thường thi ca...” (Lời thưa).

Viết như thế là bóc từng lớp tâm trạng, vào đến tận cùng nỗi đời con người.

Phải từng trải, phải giàu vốn sống, phải có con mắt tinh đời, phải tài năng… nói chung là “phải” nhiều lắm thì thơ mới đạt được sự tinh tế trong cảm xúc như vậy.

Trong muôn vàn tập sách xuất bản tuôn trào ở những năm tháng này, “Thời xanh nắng & những bài thơ khác” là tập thơ đáng lưu giữ. Bởi những bài thơ trong đó đắp bồi cho ta thêm phong phú ngôn từ, góp phần làm giàu tiếng Việt. Cho ta những kinh nghiệm sáng tạo thú vị và chia sẻ những cảm xúc tinh tế giúp ta chạm đến được tâm hồn mình, giúp ta sống chân thiện mĩ hơn với cuộc đời này.

Hà Nội, ngày 1-5-2022



Nguyễn Thị Mai - CAND
 

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.