Cánh Đồng Bất Tận, nhìn từ góc độ phân tâm học

Cánh Đồng Bất Tận, nhìn từ góc độ phân tâm học

Viet Phong
Viet Phong
  • Du Mục Số 39 đến từ Vietnam
“Cánh đồng bất tận” là tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được xuất bản vào năm 2005, do nhà xuất bản Trẻ Ấn hành. Tập truyện gồm 14 truyện ngắn và cũng là 14 câu chuyện với những mảng màu sáng tối khác nhau nhưng hài hòa, mang cảm xúc của người đọc đi cho kì hết những hỉ, nộ, ái, ố của đời người.

"Cánh đồng bất tận" là tác phẩm gây xôn xao trong đời sống văn học, bởi ở đó người ta tìm thấy sự dữ dội, khốc liệt của đời sống thôn dã qua cái nhìn của một cô gái. Bi kịch về nỗi mất mát, sự cô đơn được đẩy lên đến tận cùng, khiến người đọc có lúc cảm thấy nhói tim...

canh_dong_bat_tan__nguyen_ngoc_tu.jpg


1. Thế giới nhân-vật-tính-dục-bản-nguyên

Người vợ của Út Vũ, "người đàn bà có cái cười làm lấp lánh cả khúc sông" thường "thở dài khi tắm, khi nước trôi dài trên làn da trắng như bông bưởi" trong những ngày dài chồng đi chuyến. Và rồi một ngày, chị đã "oằn uốn người" dưới tấm lưng của người đàn ông bán vải dạo. "Họ cấu víu. Vật vã. Rên xiết".

Người đàn bà Bàu Sen, người đàn bà bị chồng bỏ để đi theo vợ bé, "ba năm vắng bóng đàn ông", "một mình nhìn gương, tự ve vuốt và yêu lấy mình"… Giữa mùa đại hạn ấy, một buổi chiều, anh thợ mộc Út Vũ như cơn mưa rào bất chợt đến. Chiêm ngưỡng trộm cảnh Út Vũ tắm, "nước mỏng tang tràn qua những thớ thịt đỏ au", "chị chợt giật thót người, cài vội chiếc nút áo bung ra vì không chịu nổi đôi vú căng tức". Chiến dịch giữ chân con mồi bắt mắt được thực hiện. Chị không để ý gì nữa, "chị đang ưng bụng, ngây ngất tràn trề trong mắt". Rồi những lúc "bưng nước ra", những lúc "kêu nghỉ tay ăn bánh, anh thợ à" là "tiếng bào trượt trên ván ọt ẹt ngừng lại, buổi trưa im phắc. Và đống dăm bào bị dẫm tạo ra âm thanh lạo xạo lao xao lào xào".

Và "chị đĩ". Sau chuỗi ngày bướm chán ong chường, vẫn "cần nhiều hơn, nhiều hơn, nhiều khủng khiếp, tưởng như chị có thể ngốn ngấu, bào mòn tất cả đàn ông trên thế gian này. Lúc đầu là kiếm sống, nhưng lâu dần, sự chung đụng của thể xác làm chị nghiện". Ngày đầu dừng chân nơi quán trọ Út Vũ, chị bị hớp hồn bởi "người đàn ông đang vồng lưng trong nắng sớm", "đẹp trai dễ sợ". Chị "tìm mọi cách để sà vào". Và rồi trong cái chòi nhỏ trên bờ, nơi có người đàn ông tuổi tứ tuần ấy, phát ra "tiếng sột soạt rạo rực" khi chị táo tợn tách hai đứa nhỏ cùng chiếc ghe để lên đó. Rồi "Chị bước ra khỏi chòi, khoan khoái vươn vai. Sự ưng ý, mãn nguyện lấp lánh trên khoé mắt. Khuôn mặt chị tràn ngập ánh sáng". "Rồi chị giành nấu cơm. Chị xoắn tay áo lên hì hụi thổi lửa (...). Trông chị như bà vợ tảo tần".

Đến lượt, trước "chị đĩ", trước những đưa đẩy lả lơi đầy chủ ý của chị, bản năng tính dục nơi hai người đàn ông cán bộ ấp xã đã bùng phát. "Một người nuốt nước miếng, ánh nhìn ham muốn như mũi kim thò ra khỏi bọc, lơ láo. Mắt ông ta lột trần chị".

Rồi trước nhân vật "tôi", một đứa con gái mới lớn với vẻ đẹp trời phú, những người đàn ông không ngăn nổi cái nhìn thèm khát. "Bằng mắt, họ sờ soạng khắp người tôi. Ánh mắt giống bàn tay của ông xẩm mù mà tôi từng gặp, đụng chỗ nào cũng dừng lại, vuốt vuốt bóp bóp (chắc là cho dễ hình dung), rồi lần dò tới một chỗ khác, rờ nắn mê miết". Và sau cuối, lũ thằng Hận đã từ "ngỡ ngàng" "thảng thốt" đến "lau dãi ròng rãi trên khoé miệng" và sau cuối "ghì ngửa trên mặt ruộng bì bõm nước" "con nhỏ đẹp quá"...

Dục tình là một phần tất yếu của cuộc sống. Phần chìm vô thức này như khối nham thạch luôn chờ cơ hội để trào vọt. Năng lượng Libidô là xung năng tạo nên sự sống ở mỗi người. Nhu cầu thỏa mãn tình dục của con người là nhu cầu rất người. "Kiểu yêu tinh thần để nhìn nhau, để nắm tay, vuốt tóc, để nín nhịn và hy sinh chỉ tồn tại trong văn chương". "Dục tình và xác thịt không xấu xa, không đáng bị khinh bỉ". Tuy nhiên nếu con người cứ hồn nhiên để cái ấy (id) vô tư chiến thắng cái tôi (ego) thì hậu quả thật khôn lường. Với người vợ Út Vũ, đó là chị phải ra đi, "để bi kịch chất đống lên những người ở lại". Với những người đàn ông quê mùa, đó là "mớ tiền công ít ỏi suốt một ngày làm việc quần quật", hay "những món tiền cắm câu đêm đêm, tiền bán lúa, dừa khô hay những buồng chuối chín", hay "một triệu hai" trong tổng số hai triệu "vốn vay xoá đói giảm nghèo"... biến mất cùng người tình chớp nhoáng của mình, để rồi về nhà ngậm ngùi ngồi nhìn "vợ con bu quanh nồi khoai luộc trong nhập nhoạng nắng chiều". Với "chị đĩ", đó là cơn "chết lặng trong nỗi ngượng ngùng" của thằng con trai mười bảy tuổi khi nó bị bàn tay người đàn bà trải đời "táo tợn làm gì đó" nơi phần bụng dưới trong nước. Với những người thoáng chốc "rũ cái sột, sạch trơn" để đi theo người tình, đó là bất tận "đau lòng người ở lại". Với những người đàn bà đánh đổi gia đình, ruộng vườn, làng xóm, cả đứa con nhỏ để chạy theo Út Vũ, đó là nỗi bẽ bàng bị bỏ rơi ("và cộng thêm niềm đau vỡ của những người quây quanh họ" "thấu qua những tầng mây"), là "con đường quay về bị bịt kín". Đối với lũ thằng Hận, đó là tia hy vọng "le lói nhìn thấy con đường dẫn đến cuộc - sống - bình - thường" của một đứa con gái mới lớn "chẳng phải bình thường" đã bị dập tắt.

Tính dục mang giá trị mỹ học và nhân văn là tính dục nhằm tôn vinh con người, khai phóng năng lực tiềm ẩn của con người, giúp họ thức nhận đầy đủ giá trị của mình, tận hiến và tận hưởng cuộc sống trong sự bao bọc của những cảm xúc thiêng liêng. Con người sẽ tự nhục mạ mình khi thả lỏng theo sự sai khiến của xung động bản năng, trật xa cái trục ego mình, không biết dung hòa giữa nguyên tắc khoái lạc và nguyên tắc thực tại, biến cấu trúc nhân cách của mình thành khuyết thiếu.

Trong Cánh đồng bất tận, các nhân vật đã điểm với bản năng tính dục không được kiểm soát, tình dục ở họ không là sự thăng hoa của tình yêu, mà chỉ hoặc là phương tiện để đổi chác, hoặc là hành vi tìm khoái lạc, bất chấp đạo lý, bổn phận và trách nhiệm, họ do vậy, vừa đáng cảm thông, vừa cần được cảnh báo để rồi được thanh lọc, giải thoát.

2.Ám ảnh tuổi thơ

Hai chị em Nương và Điền - hai đứa trẻ vô tội, đặc biệt là Điền trong Cánh đồng bất tận, sau cuối đã phát triển không bình thường về tâm sinh lý. Ngoài nguyên nhân là khắc khoải nỗi mặc cảm về "sự trừng phạt", sự "báo ứng", là việc bị "đẩy trượt dài vào nỗi thiếu thốn triền miên": thiếu vật chất, thiếu đồng loại, thiếu tình mẹ, thiếu cả tình cha dẫu có cha kề cạnh, thiếu quyền được đến trường, phải tự học cách để lớn lên...; còn là dư chấn tất yếu của những va chấn tâm sinh lý dữ dội buổi thiếu thời - những va chấn bởi những cảnh tượng, những âm thanh, những niềm mà chúng bất đắc dĩ phải nhìn thấy, nghe thấy, và nghĩ. Đó là cảnh tượng "trên chiếc giường tre quen thuộc, má oằn uốn người dưới tấm lưng chơm chởm những nốt ruồi. Họ cấu víu. Vật vã. Rên xiết". Đó là cảnh những đôi người "khi không còn mảnh vải nào trên người họ vẫn điềm nhiên cười khúc khích và uốn éo thân mình" mà tối nào mua ruợu cho cha, chúng cũng ngang qua. Đó là "tiếng sột soạt rạo rực trong cái chòi nhỏ trên bờ" khi "chị đĩ" lên chòi cùng cha. Đó là "đống dăm bào bị dẫm tạo ra âm thanh lạo xạo lao xao lào xào" khi người đàn bà Bàu Sen bị chồng bỏ ở chỗ cha làm mộc. Đó là niềm "cay đắng" với cảm giác cha "quắp lấy" những người đàn bà "vùi mặt vào da vào thịt, ngấu nghiến mà lòng cha lạnh ngắt", “cha làm chuyện đó thì cũng giống như mấy con vịt đạp mái…”, thậm chí "nhạt nhẽo hơn cả việc quan hệ theo mùa, theo bản năng, trong cha không còn một chút cảm xúc nào, nét mặt tràn ngập những rắp tâm, chưa gặp mặt đã tính chuyện phụ phàng"...

Và thế là hai đứa trẻ từ lúc nào đã trở nên "kỳ dị, đến mức nhiều khi tự giật mình". Chúng "quái dị" "chẳng phải những đứa trẻ bình thường". Cái gì đến nhất định phải đến. Một ngày "thằng Điền nổi loạn". Dấu hiệu bắt đầu từ một bữa trong xóm đê, tình cờ ngó đôi chó nhảy nhau, thằng Điền "cầm đoạn cây xông đến quất đôi chó tới tấp". "Hai con chó kêu la thống thiết, hoảng loạn, xà quần trong đám bụi đất. Đau đớn cùng cực, chúng rúc vào chân đống rơm, nhưng không chịu rời nhau. Con đực phục đầu sát đất, rên rỉ, nước dãi chảy ròng. Không chạy hả. Bốp. Không chạy nè. Bốp. Thằng Điền gào lên. Cây trúc giập nát. Tôi giữ tay Điền lại bảo, “Ác với tụi nó chi vậy, cưng”, thấy nước mắt bê bết trên mặt em tôi". "Dục tình và xác thịt không xấu xa, không đáng bị khinh bỉ" nhưng đã bị Điền khinh bỉ, ghê tởm, coi đó là nguồn cơn của mọi bi kịch, của sóng gió đã cồn lên bất tận với chị em nó. Rồi "Điền chối bỏ niềm vui được trở thành một người đàn ông thực thụ. Nó tự kìm hãm bản năng trỗi dậy mạnh mẽ ở tuổi dậy thì bằng tất cả sự miệt thị, giận dữ, căm thù. Nó phản kháng bằng cách trút sạch những gì cha tôi có, cha tôi làm. Giãy dụa đến rã rời, nhiều bữa, nó dầm mình dưới ao đến khi người tái nhợt. Nó chạy như điên trong đêm, trên những bờ ruộng mướt cỏ đến khi mỏi nhừ, gục xuống. Rồi nằm xoãi trên đồng, tả tơi". "Điền mười sáu tuổi (...) đã lạnh ngắt. Nó dửng dưng nhìn những đứa con gái làm cỏ lúa, quần xoắn cao, đùi non mởn. Đôi lúc bắt gặp những đôi người quấn nhau giữa các chòi ruộng hay lùm cây, nó khinh khỉnh cười khào"...

Một nhân cách phát triển bình thường là nhân cách biết dung hòa, điều tiết giữa nguyên tắc khoái lạc và nguyên tắc thực tại. Ngược lại với những nhân vật tính dục đã điểm ở trên, Điền, do oằn mình đau đớn vì gánh ám ảnh, nên đã một mình đi về phía cực đoan khác, đó là hòng lấy nguyên tắc thực tại áp chế, triệt tiêu nguyên tắc khoái lạc, thay vì sở hữu thứ bản năng có sức tái sinh là nỗ lực tự hủy hoại để nhận về mình bản năng chết.

3. Nhân vật Điền với "mặc cảm Ơđíp" và "mặc cảm tàn phế"

Mẹ bỏ đi, bố bỏ mặc, Điền cùng chị gái như cây hoang tự gồng mình về phía ánh sáng mặt trời để cầm cự. "Chị đĩ" xuất hiện, rồi mặc dù đã là người của cha, nhưng bao nhiêu tình yêu của một đứa con giành cho mẹ vẫn được Điền dốc hết cho chị. Mười bảy tuổi, Điền yêu "chị đĩ" bằng tình yêu vô điều kiện. "Điền có những ngày bối rối. Nó hay hỏi tôi, “người ta thương mẹ ra làm sao?”. Mặt nó dãn ra, khi biết cây kẹp tóc, trái dừa tươi hay con cá thác lác… mà nó dành cho chị cũng giống hệt như người ta vẫn thường cho mẹ. Và niềm nhớ lúc đi xa, nỗi khao khát được nằm gần, được dụi mũi mình vào da thịt người đó… cũng tự nhiên như ý nghĩ bình thường nhất của những đứa con". Vào cái đêm phát ra "tiếng sột soạt rạo rực trong cái chòi nhỏ trên bờ" khi "chị đĩ" tách khỏi ghe lên chòi cùng cha, "Điền đã mệt mỏi thiếp đi, nó nằm co quắp, hai tay kẹp giữa đùi, mặt buồn như phủ một lớp sương giá". Rồi chứng kiến cảnh chị bị cha làm nhục bằng cách trả tiền vụ hồi đêm, sợ chị buồn, Điền đã cùng Nương rủ chị đi câu. Suốt buổi, không dính con cá nào, Điền đã làm chị vui bằng cách "lặng bắt con cá rô lội xuống mương, lặn sâu, móc cá vô lưỡi câu của chị".

"Điền đuổi theo chị, và chị thì chạy theo cha".

Không chỉ mang mặc cảm Ơđíp, như một hệ quả tất yếu đã phân tích ở trên, Điền còn mang cả mặc cảm tàn phế nữa. "Điền yêu chị, nhưng tình yêu đó khiếm khuyết mất rồi. Sau giấc ngủ dài, bản năng nó đã không trở dậy. Trái tim nó chỉ là hòn than nhỏ, không thể hâm nóng lại cơ thể ngả màu tro. Sợi dây xúc cảm như lối đi lâu lắm không người lui tới, cỏ dại mọc bít mất, đường đứt, cầu gãy...". Cái buổi trưa khi bàn tay của chị "táo tợn làm gì đó" nơi phần bụng dưới của nó trong nước, Điền, thằng con trai mười bảy tuổi đã "chết lặng trong nỗi ngượng ngùng". Đây là cái "chết lặng trong nỗi ngượng ngùng" của một chàng trai mới lớn mang mặc cảm tàn phế trước người đàn bà mình yêu thương.

4. Những giấc mơ

Theo Freud, chẳng có giấc mơ nào không có nghĩa. Giấc mơ là thấu kính soi chiếu đời sống tâm sinh lý của con người. "Một bữa tôi chiêm bao, chẳng đầu chẳng cuối gì, chỉ thấy vía má giãy dụa trong tấm vải đỏ lạ lùng kia nhưng nó thít chặt, riết lấy, siết dần cho tới khi má thành một con bướm nhỏ, chấp chới bay về phía mặt trời". Giấc mơ này của cô bé Nương nói được cái sự cô bị ám bởi sự "xa lạ" của má, cùng nỗi bất an, phấp phỏng, hoang sợ, niềm linh cảm, dự cảm của cô về cơ nguy mất má, cơ nguy má cô sẽ bỏ cha con cô để ra đi cùng ông chủ của những "tấm vải đỏ lạ lùng" "đỏ hơn cả máu" mà bà đã bị ám.

Ngày cô gái có kỳ kinh nguyệt đầu tiên. "Máu chảy giữa hai đùi không tạnh được, tôi thụp xuống, bụm chỗ ấy lại. Máu từ từ chảy qua kẽ tay, tôi thấy mình rỗng ra, tái nhợt, chết dần. Thằng Điền vói bứt đọt chuối, tọng vào miệng nhai ngốn ngấu, điên dại, để lấy bã rịt lại chỗ máu. Thuốc gò nghe nói cầm máu rất tốt, cũng chẳng ăn thua. Hai đứa nhìn nhau khóc, tôi đã mơ thấy ngôi mộ của mình, như chiếc giường giữa bốn bề đồng nước...". Giấc mơ này tường minh cơn hoảng loạn, niềm tủi cực tột cùng của một cô gái bị tước quyền được bình thường, nỗi mặc cảm về cái án bất tận bi đát, tuyệt đối trống rỗng, vô nghĩa của cô giữa kiếp nạn nhân sinh; tường minh cái trạng thái thường trực lưỡng phân mê - tỉnh, vô thức - hữu thức, sống - chết, tồn tại - không tồn tại; tường minh sự xuất hiện ở một kiểu dạng khác thứ bản năng chết (nếu ở Điền là nỗ lực tự hủy hoại như đã nói, thì đến lượt, ở Nương là mong muốn được chết); tường minh cái điềm báo về thảm họa bị lũ thằng Hận "ghì ngửa", "xé toạc" giữa cánh đồng bì bõm nước...

"Nằm chèo queo, co rúm, chen chúc nhau trên sạp ghe, chúng tôi đánh mất thói quen chiêm bao. Điều này làm tôi và Điền buồn biết bao nhiêu, vì cách duy nhất để được nhìn lại hình bóng má cũng tan rồi". Việc "đánh mất thói quen chiêm bao" của hai đứa trẻ đồng nghĩa với sự "quái dị" "kì dị" "không phải bình thường" theo tháng năm của chúng, đồng nghĩa với sự "nghèo rơi nghèo rớt" bởi bị "đẩy trượt dài vào nỗi thiếu thốn triền miên", không quá khứ, không hiện tại, không tương lai của chúng.

Cánh đồng bất tận, thông qua miêu tả những ám ảnh tuổi thơ, mặc cảm tàn phế, những giấc mơ... nói trên, ám ảnh, đắng xót linh hồn người đọc bởi những đứa trẻ chết già (từ dùng của Nguyễn Bình Phương) trong sự đày đọa, bỏ rơi do thói vô trách nhiệm, u tối bản năng của người lớn.

Cảm quan phân tâm học đã chi phối cái nhìn nghệ thuật của Cánh đồng bất tận, nhất quán từ nội dung đến hình thức. Tác phẩm tỏ ra khá nhuần trong kiến tạo cấu trúc tự sự giàu dữ kiện phân tâm. Cốt truyện, thời gian tâm lý lấn lướt, phân rã, nhòe mờ cốt truyện, thời gian sự kiện. Thủ pháp gián ghép điện ảnh những mảnh vụn, những phiến đoạn ký ức đứt gãy của nhân vật, đẩy nhân vật trượt vào, tan chảy trong dòng xúc cảm hỗn độn giữa quá khứ và hiện tại và tương lai, giữa tâm cảnh và ngoại cảnh. Ngôn ngữ tâm trạng, ngôn ngữ cảm giác lấn lướt, chồng quyện ngôn ngữ miêu tả. Sự độc dụng điểm nhìn bên trong, để nhân vật tự cảm nghiệm, tự nói bằng ngôn ngữ hoặc của khoái lạc, hoặc của niềm đau vỡ... Và bao trùm lên tất cả, đó là một không khí truyện "ẩn chứa bên trong sự dồn nén cái sức mạnh của bộc phá" (Đoàn Ánh Dương) - sức mạnh của khát vọng thành thực.

Cánh đồng bất tận, thông qua cái nhìn phân tâm học, đã miêu tả nỗi cô đơn, khát thèm, bẽ bàng, bi đát, sự tha hóa của con người bằng tất cả tình yêu thương, sự cảm thông và thiện chí cảnh báo, phản tỉnh con người. Đọc Cánh đồng bất tận, chúng ta thêm cơ hội nhận diện đầy đủ tính hiện đại của văn học Việt Nam, nhận diện hành trình tư tưởng văn học là hành trình con người từ trạng thái Trời về trạng thái Người, từ quần thể về cá thể. Vang ngân niềm khắc khoải thiết tha của tác giả, rằng trên hành trình ấy, con người hãy nỗ lực bảo vệ, chắt chiu, gìn giữ những giá trị Người. Cánh đồng bất tận sẽ sống rất lâu vì nó chạm đến miền sâu nhất, khuất nhất, người nhất của con người./.

Nguồn : Văn học nghệ thuật
 
Từ khóa
cánh đồng bất tận chị đĩ cuoc song dục tình nguyễn ngọc tư yêu tình thần đàn ông
2K
0
1

Viet Phong

Du Mục Số
28/8/19
66
45
17,999
39
Vietnam
dumucso.vn
Xu
0
“Cánh đồng bất tận” là tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư được xuất bản vào năm 2005, do nhà xuất bản Trẻ Ấn hành. Tập truyện gồm 14 truyện ngắn và cũng là 14 câu chuyện với những mảng màu sáng tối khác nhau nhưng hài hòa, mang cảm xúc của người đọc đi cho kì hết những hỉ, nộ, ái, ố của đời người.

Tập truyện mở ra với một âm hưởng man mác buồn của người cha lặn lội, làm đủ mọi cách để đi tìm đứa con gái thất lạc lúc nó mới 13 tuổi. Nhưng giữa biển người mênh mông rộng cùng trời cuối đất như thế, biết con gái đâu mà tìm. Rồi đến cái buồn của Mút Cà Tha khi mà trẻ con ở đó cứ lũ lượt lớn lên nhưng không mảy may quay trở lại quê nhà. Đến nỗi bác sĩ trẻ tên Văn cũng như bao người thanh niên khác, cũng không chịu đươc cái buồn nơi đây mà rời nó. Mút Cà Tha lại trở về với sự cô đơn vắng vẻ, “thèm người” đến lạ. Rồi đến những chuyện tình buồn rười rượi, của những “mối tình năm cũ”, của những chuyện tình lỡ bước sang ngang…

14 truyện ngắn như một thước phim thâu tóm hết linh hồn về tình người nơi mảnh đất Nam Bộ vốn mang chất buồn tự bao giờ. Giọng văn buồn mang đầy chất tự sự của Nguyễn Ngọc Tư khi mà nhà văn đi bút đến đâu ta lại đau điếng đến đó với sự trần trụi và thực đến nào lòng!

Sẽ thật là môt thiếu sót lớn nếu ta không nhắc về “linh hồn” của tập truyện – truyện ngắn Cánh đồng bất tận. Lần giở từng trang của Cánh đồng bất tận trong tập truyện ngắn cùng tên, tôi bất giác nhói lòng vì câu này "Đứa bé không cha nhưng chắc chắn sẽ được đến trường, sẽ tươi tỉnh và vui vẻ sống đến hết đời, vì được mẹ dạy, là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn...". Tôi không biết các bạn có cùng cảm xúc như tôi không, nhưng tôi chắc khi đọc truyện cũng như xem phim được chuyển thể thì chúng ta đều có một điểm chung là ĐAU.

Người ta bảo Nguyễn Ngọc Tư đã nói quá, đã bôi bác rẻo đất quê hương. Nhưng với tôi, phải yêu quê hương mình đến cùng ruột cùng gan mới có thể “bôi bác” nó thực đến như vậy. Vừa thực mà vừa đau!

Cánh đồng bất tận là một thiên truyện vừa, tái hiện một cách đậm nét và dứt khoát nỗi cám cảnh của nhà văn về kiếp người long đong, với những mảnh đời nghèo khổ, dặt dẹo nhưng họ vẫn bám đất, bám lấy cánh đồng nơi quê cha đất tổ, để rồi lang bạt cùng với nó đến cùng những BẤT TẬN.

Ngoài ra, Nguyễn Ngọc Tư còn làm toát lên cái hiện thực cay đắng, phũ phàng của những người phụ nữ tội nghiệp, họ bị lấy ra làm trò tiêu khiển, để thỏa mãn dục vọng của đàn ông mà không hề nhận lại được sự thương cảm từ người đàn ông ấy. Hay có một cuộc đời thê thảm như Nương khi đến cuối truyện cô phải trả giá bằng trinh tiết của mình cho những gì mà cha cô đã đối xử với những người phụ nữ mà ông từng “lường gạt” họ để trả thù đời, trả thù phụ nữ, bỡn cợt với tình yêu của những nhân tình thoáng qua đời mình.

Cô bé Nương có thai, cái thai của ai, chúng ta đều không biết nhưng biết chắc rằng Nương sẽ sinh nó, sẽ dạy dỗ nó nên người. Nương buông bỏ, không đặt cho nó những cái tên như Hận, tên Thù mà là Thương, là Nhớ, là Xuyến với mong ước con mình sẽ có một cuộc đời bình lặng, không khắc khoải, không u uất như mẹ của chúng và đặc biệt là không phải mang vào mình chiếc gông mang chữ HẬN. Và chất nhận văn được đẩy lên khi cuối truyện, Nguyễn Ngọc Tư không quên gửi gắm: “Là trẻ con, đôi khi nên tha thứ lỗi lầm của người lớn”, bởi người lớn nào cũng từng là trẻ con một thời!
Chất nhân văn của Nguyễn Ngọc Tư trong truyện có mặt ở khắp câu chữ, nhà văn đẩy nó đi liên tục, không lúc nào ta không thấy nó hiện hữu.

Cánh đồng bất tận vẫn còn đó, rọi soi và đâu đó vẫn còn có những kiếp người như Nương, như Điền phải lang thang trong cái quạnh quẽ của đời mình.

- Nguyễn Anh Trường -
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top