Cây non còn có thể uốn, cây già chỉ có thể gãy

Cây non còn có thể uốn, cây già chỉ có thể gãy

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 32 đến từ Nam Định
“Nếu cây còn non nó còn có thể uốn được, thay đổi được, nhưng còn cây già nó chỉ có thể gãy” (Vladislav Ivanov)

4574

Câu nói này không phải của một nhà thơ, nhà văn hay một nhà nghiên cứu nào cả. Đó là câu nói của một chàng trai người Nga sinh năm 1994 trong một chương trình thực tế của Trung Quốc có tên “Chuang 2021” với vai trò là một thực tập sinh. Mặc dù mục đích của chương trình là tuyển chọn nhóm nhạc nam thần tượng nhưng đó lại không phải ý nguyện của Vladislav (hay còn có nghệ danh Lelush), vì cậu đi thi chỉ cho đủ quân số. Một cách tình cờ, Lelush lại được nhiều người quan tâm, hâm mộ trong khi cậu thực sự không có thế mạnh ca hát, nhảy múa như nhiều thực tập sinh khác. Lelush thậm chí còn là thí sinh được quan tâm nhất chương trình, một ngoại lệ idol “dân tuyển”.

Trước sự nổi tiếng bất ngờ ấy, nhiều người khuyên cậu tích cực luyện tập, lợi dụng sự nổi tiếng này để debut (xuất đạo thành ca sĩ) nhưng cậu cho rằng: “Nếu cây còn non nó còn có thể uốn được, thay đổi được, nhưng còn cây già nó chỉ có thể gãy”. Đứng trước sự nổi tiếng, nhưng Lelush vẫn luôn hiểu chính bản thân mình và cái mình muốn, không hề ham mê nổi tiếng. Câu nói dù ra đời trong hoàn cảnh ấy, nhưng càng ngẫm, càng thấy có ý nghĩa sâu xa, ngụ ý của nó cũng phù hợp với rất nhiều hoàn cảnh và cả tính khuyên bảo chân thành.

4573

Nói về cây cần uốn nắn, thường là từ ngữ xuất hiện trong nghệ thuật bonsai, cây cảnh. Các nghệ nhân thường chọn những cây còn non để uốn, bởi đó là thời điểm cây có tính mềm dẻo cao, dễ uốn nắn, dễ phục hồi (những chỗ đứt gãy do làm hỏng). Con người cũng vậy, những môn đòi hỏi cơ thể có tính mềm dẻo như múa, nhảy, kỹ nghệ thì đa số sẽ được dạy dỗ, uốn tập từ khi còn là đứa trẻ. Những cây già muốn biến nó thành cây cảnh, thành bonsize vẫn được nhưng phải cắt ngang thân, kích thích cành non để uốn chỗ non đó, những cành già nếu cố uốn thì chỉ gãy gập.

Từ chuyện bàn về cái cây, thời điểm nào uốn nắn cho thích hợp chúng ta cũng có thể nghĩ tới đời người, thời điểm nào để uốn nắn một con người cho thích hợp? Chắc chắn mỗi người đều có câu trả lời: Đó chính là từ lúc biết nói, từ lúc đứa trẻ hiểu được lời nói, hiểu được giao tiếp chúng đã nên được uốn nắn, dạy bảo.

Uốn nắn một con người ở đây không chỉ nhằm nói về mỗi cơ thể, xương khớp. Dù cơ thể được cha mẹ sinh ra, tính di truyền từ hình dáng cha mẹ rất cao, nhưng nếu cố gắng ở mặt ăn uống hợp lí, đầy đủ dinh dưỡng, rèn luyện với các bài tập đặc thù, mát xa cơ thể thì vẫn có thể hướng tới vẻ đẹp theo xu hướng xã hội như: cao hơn, thân thể cân đối, có cơ bắp, cằm thon thả, xương vai rõ ràng, da dẻ mịn màng trắng sáng, … Nhưng điều quan trọng nhất mà chúng ta thường hướng tới khi nói về uốn nắn một con người, đó là ở nội hàm bên trong hay dễ hiểu hơn là tri thức, đạo đức, lối sống đẹp, chân – thiện mới tới mỹ.

Một đứa trẻ khi bắt đầu đi học, đầu tiên là được học về chữ viết, cách nói năng sao cho đầy đủ nội dung truyền đạt, đủ chủ ngữ, đúng chính tả, giao tiếp được với mọi người xung quanh, còn phải có ngữ điệu phù hợp hoàn cảnh và người giao tiếp. Học cách nói, cách ăn, cách ứng xử, học cách tôn trọng người khác… Có thể bạn đã gặp rất nhiều trường hợp, ở tại một quán ăn, nhà hàng nào đó, có một đám trẻ con chạy nhảy khắp nơi, xô ngã đồ đạc, không những làm ồn, làm phiền, làm đổ vỡ, lấy đồ của những vị khách khác nhưng cha mẹ không quản. Thậm chí có người nhắc nhở thì những bậc phụ huynh ấy không thèm nói gì, quát nạt lũ trẻ thì họ xửng cồ: “Nó còn nhỏ đã biết gì đâu”. Hoặc là có rất nhiều câu chuyện về những đứa trẻ mới chín, mười tuổi đã phạm tội, nhẹ thì lừa tiền, nặng thì giết người máu lạnh. Mà nguyên nhân gia đình chiếm phần lớn. Đừng tưởng rằng còn nhỏ thì chưa biết gì. Nhỏ còn không dạy, không uốn nắn thì còn chờ tới bao giờ?

Bạn đã thấy ai dạy chữ cho người lớn chưa? Khi một đứa trẻ trưởng thành tới 18 tuổi, thành một cây lớn, thì việc thay đổi hệ tư tưởng của người đó là rất khó khăn. Giống như từ bé bạn đã tin Phật, lớn lên người ta lại muốn bạn tin tưởng rằng Phật không tồn tại, chỉ có Jesu mới chân thật, đó là điều rất khó. Nếu cố gắng thì may ra, người đó tin cả Phật và Jesu.

Xã hội ngày nay, khi quá nhiều người mải mê chạy theo đồng tiền, chạy theo hư vinh, theo đuổi sự nổi tiếng, hào quang chốn showbiz thì những đứa trẻ lớn lên mà kiến thức ít, chí tiến thủ càng ít lại vô cùng nhiều. Không ít những đứa trẻ vừa thoát khỏi cây non, chưa kịp thành cây lớn đã chỉ thích khoe thân, khoe giàu. Chúng không biết quý trọng đồng tiền vất vả của cha mẹ, theo đuổi thần tượng làm thú vui duy nhất, là lẽ sống đời mình, dễ dàng yêu đương, dễ dàng chia tay, dễ sa vào đua đòi, dễ thù hằn với người giáo huấn chúng, nhưng cũng dễ gãy trước khó khăn cuộc sống. Nếu không uốn nắn thì lớp trẻ mà tôi vừa kể khi lớn lên sẽ như thế nào? Chúng sẽ trở thành những con người vô ích, giống như chiếc bình nhựa đã uống hết nước, vứt không được, dùng lại không xong, lại không biết đem đi tái chế.

Vladislav Ivanov được gọi bằng biệt danh “thầy giáo nhân dân” không phải không có lí. Một con người không phải tự dưng nổi tiếng, tự dưng được quan tâm. Bằng rất nhiều câu nói mang hàm ý triết học sâu xa, mà một trong số đó chúng ta vừa nhắc tới, anh đã khiến rất nhiều người phải suy ngẫm về con người, về giá trị đích thực mà chúng ta hướng tới hiện nay.

- Phong Cầm -

(Chúc cho Lelush hạnh phúc và thành công với con đường của anh – từ một Măng triết học)
 
Từ khóa
cam nhan cây già cây non chuang chuang 2021 ivanov lelush nghị luận triết học vladislav
  • Like
Reactions: VHT and Vanhoctre
2K
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top