Chợ Mực

Chợ Mực

Suốt từ đầu chợ, mà chính xác là kể cả dọc các con phố, quanh co mấy ngõ nhỏ hay bất cứ nơi nào mà mấy bà mấy mẹ tụ tập, đều có thể nghe người ta nói chuyện về mực. Người ta khen mực bữa nay ngon hơn hôm trước mà giá lại rẻ hơn, người ta thì thào với nhau xào mực như nào sẽ ngon hơn, người ta bàn bạc với nhau xem mua bao nhiêu thì sẽ lời hơn. Thậm chí các ông các chú cũng nói chuyện về mực, họ tỉnh rụi cụng nhau mấy chén rượu mà bông đùa cô bồi, hỏi vì sao con mực khô queo của họ lại vẫn cứ đắt như thế.

- Nước mực là gì hả mẹ?! – Đứa nhỏ ngồi lọt thỏm trong lòng mẹ, vừa nghe mấy cô bác hàng xóm nói vừa thắc mắc.

- Là mùa mực. Nghĩa là sẽ có rất nhiều rất nhiều mực, nên giá rẻ hơn những ngày bình thường trong năm.

Mùa thì năm nào cũng có, nước mực cũng thế, năm nào cũng có nước mực, nhưng chưa năm nào mà mực lại về nhiều và rẻ như năm nay.

Mười một giờ trưa, cổng chợ vắng hoe. Rác được vun thành từng đống, nào bã mía, vỏ cam, nào túi bóng, lá cây, xác thối. Bầy ruồi nhặng bu quanh mấy bãi rác, thỉnh thoảng lại tranh thủ lượn qua những cửa hàng thực phẩm hiếm hoi vẫn còn mở cửa, nhưng chẳng mấy chốc lại phải quay về với cái bụng rỗng, tiếp tục vo ve chui rúc bới tìm trong mớ vỏ cua, ghẹ. Các sạp rau quả, đồ khô đều đã đóng cửa, bảo quản sơ sài hàng hóa của mình bằng cách phủ lên mấy tấm vải bạt.

Bà ăn xin rũ nón ngồi đếm tiền ngay chân cầu vượt, chẳng thèm buông một lời nài xin khi một tốp công an giao thông đi qua. Tay thanh niên vội vàng xuống khỏi chiếc xe thể thao màu đỏ, bắt tay tới tấp mấy chú áo vàng, buông lời xin xỏ. Tiếng bộ đàm trầm bổng “xe hơi đỏ đi lấn làn có băng ghi hình. . . xe wave xanh một nam một nữ đi quá tốc độ . . .”.

Bà Hoa hớt hải dựng xe bên kia cầu vượt, nhờ người quen trông hộ rồi chạy lên cầu, sang bên kia đường, lấy vội tờ một ngàn đặt vào chiếc nón rách rồi đi thẳng vào chợ. Cô bán rau nài nỉ mua nốt mớ cải, bà lắc đầu từ chối. Cảnh chợ đìu hiu cũng chẳng khiến bà cảm thấy phiền lòng. Từ sớm bà đã đi chợ xong rồi, thức ăn đều đã mua đủ cả. Thậm chí bà còn mua nhiều là đằng khác, sợ mấy ngày nghỉ lễ người ta lại thi nhau tăng giá.

Thế mà bà lại vội vàng đi chợ thêm lần nữa, bất chấp cái nắng hè nóng như thiêu đốt này?!

Âu cũng là tại mấy cân mực.

Sáng nay thấy mấy người trong xóm khen mực vừa rẻ vừa ngon, bà khấp khởi mừng thầm. Chả là bữa trước bà cũng có mua một ít gửi về quê làm quà cho mấy người họ hàng, hôm ấy mực còn rẻ lắm, vậy mà hôm sau thì giá lại tăng vùn vụt. Có người bà con gọi ra nhờ bà mua thêm mấy cân nữa, mà bà chưa biết tính thế nào. Hôm trước bà đã trót khoe là mua được mớ mực rẻ, nay mua hộ lại lấy đắt lên thì bà còn mặt mũi nào về quê về quán. Còn giả như bà vẫn lấy giá cũ, thì số tiền phải bỏ ra bù cũng khiến bà không khỏi ái ngại ít nhiều.

Mặc dù gọi là thoát li ra thành phố được gần hai chục năm, nhưng nhà bà cũng chẳng khá giả gì. Chồng bà chạy xe ôm, khổ nỗi yếu người nên không làm được mấy. Về phần bà, trước kia còn khỏe ngày nào cũng lang thang khắp ngõ xóm thu mua đồng nát sắt vụn cho người ta. Nhưng nay có tuổi, tuy rằng nhờ chắt chiu tiết kiệm được chút vốn rồi tự phong mình thành đại lý đầu mối, công việc có phần nhàn nhã hơn cơ mà tiền lại chẳng bằng trước. Nói ra chẳng ai tin.

Hai ông bà lấy nhau khi đã ngoài bốn mươi. Ở cái tuổi ấy người ta đến với nhau vì thương nhiều hơn là vì yêu. Khi biết tin bà có bầu, hai nhà nội ngoại ai nấy đều vui mừng ra mặt, chỉ có bà là nhìn ông bằng cái nhìn rặt những phân vân. Trước kia chỉ hai vợ chồng đã vất vả, nay lại đèo thêm đứa con, không biết phải làm thế nào.

Chín tháng trời nhìn bụng mình cứ to dần, trong khi sức khỏe chồng ngày một yếu, cũng nhiều lần bà nảy sinh những ý nghĩ xấu xa. Nhưng phụ nữ ai chẳng giống nhau, nghèo khổ đến mấy, vẫn muốn được làm mẹ, vẫn muốn có được đứa con. Không có thì thôi, chứ nay Trời đã thương bà, cho bà, làm sao bà nỡ bỏ. Ngày bà sinh con bé Lan, bà thấy lẫn trong những giọt nước mắt hạnh phúc của ông là nỗi lo âu phiền muộn không thể nào che giấu.

Bà biết rằng ông không sợ khổ, nhưng cũng giống bà, ông chỉ sợ rằng đứa con mới sinh kia sẽ phải chịu nhiều thua thiệt so với những đứa trẻ khác mà thôi.

Ấy thế mà năm nay con bé Lan cũng đã lên mười, vóc dáng không thua gì chúng bạn cùng lứa. Nó bảo nó phải lớn nhanh còn giúp bố mẹ nó. Dù chỉ là lời của một đứa con nít, cũng không vì thế mà không khỏi khiến bà Hoa xúc động.

Thế nên lúc này, bà vội vàng đi chợ thêm lần nữa, bất chấp cái nắng hè nóng như thiêu đốt.

Âu cũng là tại con bé Lan.

Sáng nay hai mẹ con đi chợ, vì thấy người ta kháo nhau là mực rẻ quá, rẻ lắm. Bà ngồi nhẩm tính xem mua hộ người bà con kia mấy cân, rồi mua thêm một ít gửi về nhà. Bà tính toán đâu ra đấy, sắp xếp trong đầu hết cả.

Bà mua một cái bánh rán, bảo con bé Lan đứng đợi ở ngoài. Vì nó vào chợ cá cũng không giải quyết được gì, mà cái tính nó nghịch ngợm không khéo lại gây chuyện.

Gọi là chợ cá chứ thực chất đó chỉ là một khoảnh nhỏ của khu chợ mà thôi, nhưng đang vào nước mực nên dạo này thường xuyên đông đúc tấp nập lắm. Nằm thấp hơn hẳn so với mặt nền của chợ nên lúc nào cũng ẩm ướt và có phần không được sạch sẽ, chợ cá chỉ rộng chừng 30m2 mà luôn chật ních xô, chậu, rổ rá, xảo, người bán, người mua, và tất nhiên là rất nhiều cá.

Bình thường thì mỗi hàng sẽ kinh doanh một vài loại cá đặc trưng riêng, nhưng thời điểm này, cả mấy chục hộ kinh doanh, không hộ nào là không bán mực. Thậm chí những xô những thùng mực cũng chen chúc nhau mà chắn ngang dọc lối đi, thiếu điều chợ mắc thêm cái thang dây cho người ta đu qua mua mực.

Bà Hoa chẳng suy nghĩ nhiều, đi thẳng đến chỗ cô bán hàng ngồi ở góc trong cùng bên trái. Một là vì khách quen, hai là vì cô ấy bán giá khá vừa phải. Giá vừa phải, một là vì khách quen, hai là vì cô ấy chỉ lấy hàng loại tầm trung, vừa tiền mà thôi. Kể cả đang vào nước mực, bà Hoa cũng không bao giờ dám mua loại tốt nhất, ngon nhất.

Thế là sáng nay bà đã mua năm cân mực, ba cân là mua hộ người ta, còn hai cân là gửi về cho mẹ với ông anh trai.

Trên đường đi từ chợ về, hai mẹ con gặp người hàng xóm ở đầu ngõ. Chị này đang ngồi rán mực ngoài cửa, nghếch mặt lên chào hai người:

- Thế có mua không?

- Có! Mua hết cả chợ luôn. – Bà Hoa cười nói đùa.

- Ơ không mua được à? Hôm nay thôi chứ mấy ngày nữa là hết rồi đấy cô ạ.

- Dạ em mua rồi. Mua 5 cân, 80 chị ạ. Không còn trong suốt đổi màu nhưng vẫn tươi, tròn mình mà đều con lắm.

- Mua nhiều thế cơ à?

- Em mua gửi về quê ấy chứ nhà thì ăn sao hết hả chị. – Bà Hoa thật thà đáp. Hoàn cảnh gia đình bà, cả cái xóm nhỏ này không ai là không biết, bà cũng chẳng vòng vo làm gì.

Con bé Lan, chẳng biết học ai được câu nói đùa:

- Từ đầu mùa đến giờ mẹ cháu phải mua cả tạ mực rồi ấy mà nhà cháu đã thèm ăn bữa nào đâu bác.

Nó vừa nói vừa cười khanh khách, đi sau đẩy xe đạp bà Hoa vượt qua con dốc nhỏ. Tiếng cười vừa hồn nhiên vừa ngây thơ của con bé khiến tim bà Hoa nhỡ mất một nhịp, bần thần và xốn xang.

Hôm nay chợ đông tợn lại không có người làm nên bà mua mấy cân mực về phải tự ngồi làm hết. Bà học người ta, lấy cái chuôi thìa để lôi túi mực ra, mấy con đầu còn chưa quen làm dây bẩn hết tay chân quần áo. Con bé Lan ngồi bên cạnh rút sống lưng với rửa mực, ra chiều thích thú lắm. Nó lướt những ngón tay nhỏ bé bên trên chậu nước đen ngòm, thỉnh thoảng lại nhúng đầu ngón tay vào rồi viết chữ lên mặt sân. Nó rút một lấy cái sống lưng của con mực vẫn còn tươi rói, giơ lên cao quá đầu, nheo mắt lại mà nhìn ánh nắng xuyên qua từng chùm, lấp lánh sắc màu như cầu vòng.

Bà nhìn con bé, bà thương nó quá. Nước mực đã gần rút mà con gái bà chưa được bữa mực nào.

Bà rửa qua tay, chùi vội vào hai ống quần rồi đứng dậy. Bà dặn con gái trông nhà rồi đội nón, quảy quả dắt xe ra khỏi nhà.

Bà dựng xe bên chân cầu vượt, nhờ người quen để ý hộ rồi chạy lên cầu, sang bên chợ.

Chợ giữa trưa, nắng tràn trề nung mặt đường nhựa, rót mùa hè xuống cả những tàng cây. Cảnh chợ vắng hoe mà khu chợ cá vẫn còn tấp nập. Người ta mua mực.

So với mớ mực ban sáng bà mua được thì giờ này mực vừa bé hơn lại vừa không tươi bằng. Có điều ai nấy đều tranh nhau nên chẳng mặc cả được bao lơi, bà nhặt vội hai cân, sợ chỉ chần chừ thêm một lúc nữa thôi là người ta sẽ mua hết mất.

Bà chằng vội túi cá mực lên xe rồi đạp về nhà. Bữa nay chồng bà không về, nhưng nấu muộn thì bà sợ con bé Lan nó đói.

Bà về đến cổng đã thấy con bé rửa xong mấy cân mực, phơi lên rổ cho ráo. Nó nhìn túi mực trên tay bà, nói ráo hoảnh:

- Con biết ngay mà! Lúc nãy mẹ tính còn thiếu nhà cô Hai cạnh nhà bà ngoại nữa. Bà bảo ở nhà cô ấy hay sang giúp bà lắm mẹ ạ.

Gió đầu hạ. Nắng gắt. Không biết chợ mực đã tàn chưa?
 

Đính kèm

  • {B7FF147E-89DB-445D-8D4E-93D9A5CDE755}_20210427151749.jpg
    {B7FF147E-89DB-445D-8D4E-93D9A5CDE755}_20210427151749.jpg
    109 KB · Lượt xem: 538
1K
2
4

Bich Khoa

Thành Viên Mới
3/9/19
78
74
18,000
33
Xu
177,682
Mình dân miền biển, thấy ảnh này lại nhớ ghê.
 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top