Books Cơ Bản là Cơ Bản - Huy Thông

Books Cơ Bản là Cơ Bản - Huy Thông

Đại dịch Covid bùng phát kéo theo vô vàn những hệ luỵ không ngờ. Đó là việc học sinh phải nghỉ học ở trường để học online ở nhà và phát sinh những vấn đề ở con trẻ yêu cầu bậc cha mẹ phải thay đổi. Cuốn sách “Cơ Bản là Cơ Bản” của Huy Thông đã truyền tải thành công vấn đề thời đại đó.

Cậu bé thần đồng văn học 12 tuổi Trần Cơ Bản đã trải qua những tháng ngày bị giam hãm trong một căn chung cư tại Hà Nội. Ngoài việc học online, sáng tác, cậu còn làm vè câu like giúp mẹ bán hàng qua mạng. Tuy nhiên, kì nghỉ hè đặc biệt nơi quê nội là vùng núi Mường đã mời gọi cậu có những trải nghiệm thú vị, có một không hai trong đời, được tắm mình trong bầu không khí thôn dã miền quê để khám phá những điều kì lạ trong đời và điều đặc biệt là học cách “sống có chất”!

Hai thế giới

Cuốn sách mở ra câu chuyện về hai thế giới trái ngược nhau mà cậu bé Bản đã trải qua. Đó là thế giới nơi đô thị ồn ào, náo nhiệt, chật chội, tù túng, đầy khói bụi với những phương tiện thông tin hiện đại như: ti vi, máy tính, điện thoại, máy đọc sách,…Nơi đó trẻ con chỉ có không gian vui chơi là những khu vực chật hẹp. Và con người trở nên lệ thuộc vào máy móc lúc nào không hay. Không có những kết nối yêu thương gửi trao mà chỉ thông qua cuộc gọi trực tiếp, tin nhắn hay biểu tượng của mạng xã hội. Còn thế giới thứ hai cậu được đắm chìm là nơi miền núi giàu bản sắc văn hoá truyền thống với phong tục li kì, đặc sắc như: lễ hội rối Chuộc, tục chèo ma,…Theo chân cô em họ Huyền, cậu bé đã trải qua những điều kì thú mà ít đứa trẻ thành phố nào có được: chăn trâu, thả diều, học bơi và biết được cả những thuật chữa bệnh độc đáo của người xưa. Cậu cùng cậu bạn học Kiên được biết thế nào là tắm suối, những con vật kì lạ và ăn những thứ quả lạ lùng,…

Cuốn sách mang giá trị hiện thực và tính nhân văn cao cả

Việc học online trong thời đại dịch không còn là điều xa lạ đối với học sinh trên toàn thế giới. Điều này được tác giả miêu tả vô cùng chân thực qua từng trang văn. Với Bản, việc học online lúc đầu gây hứng thú vì không phải đến trường, không phải ngồi cạnh cậu bạn khó ưa, được tự do làm những điều mình thích nhưng lâu dần cậu thấy nhàm chán vì thiếu tính gắn kết giữa người với người. Đặc biệt hơn, giáo viên và phụ huynh phát hiện ra việc gian lận trong học hành và thi cử khiến họ phải đưa ra những biện pháp phù hợp để giáo dục con em. Về quê tránh dịch, những đứa trẻ như Bản, Kiên, Huyền,… trải qua những tháng ngày êm đẹp như xích lại gần nhau hơn, vượt qua hiềm khích, định kiến tạo nên tình bạn đẹp, tình anh em vô cùng thắm thiết để cùng nhau làm những việc tốt. Và hơn thế nữa, những mảnh đời bất hạnh đã nhận được sự quan tâm, yêu thương, chia sẻ từ những tấm lòng vàng đưa câu chuyện lấp lánh ánh sáng của lòng nhân ái và nghĩa cử cao đẹp.

Cách kể chuyện hấp dẫn, cuốn hút

Truyện phân làm hai nửa rõ rệt. Nửa đầu truyện kể về cuộc sống của cậu bé nơi thủ đô với những sinh hoạt thường nhật của một gia đình trung lưu thời đại dịch. Những câu chuyện xảy ra nơi chung cư được tác giả mô tả vô cùng chân thực với nhiều sự kiện hấp dẫn người đọc bởi những tình tiết khiến độc giả có thể soi mình trong đó. Nửa sau truyện kể về cuộc sống lạ lẫm của người dân tộc miền núi với những tập tục và sinh hoạt lạ kì mà ít người biết đến. Phần đầu truyện hiện thực, sống động bao nhiêu thì phần sau truyện gây nhiều rung động, xúc cảm bấy nhiêu. Với lối kể chuyện có phần hài hước, dí dỏm nhưng đằng sau mỗi sự kiện cùng lời nói của nhân vật bao lần khiến trái tim người đọc khẽ run lên vì cảm động. Mỗi chương truyện với tựa đề “Cơ bản là…” đưa độc giả đến với những ý niệm và hành động tử tế mang tính giáo dục cao giúp bồi đắp nhân cách trẻ thơ.

Với nội dung và nghệ thuật đặc sắc, tác phẩm ngầm khẳng định thông điệp: mỗi đứa trẻ cần được quan tâm, yêu thương, thấu hiểu nhiều hơn và giữa chúng nên có sự gắn bó và chia sẻ cùng nhau nhiều hơn nữa. Vì thế giới cần có thật nhiều những đứa trẻ hạnh phúc!

IMG_2713.JPG
 
601
2
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top