Đề cương Đầy đủ nhất kiến thức của bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Đề cương Đầy đủ nhất kiến thức của bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
kiến thức cơ bản về bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ, phân tích khổ thơ, các khúc hát, suy nghĩ về hình ảnh người mẹ Tà ôi, suy nghĩ về tình mẫu tử qua bài thơ này.
VĂN BẢN: KHÚC HÁT RU NHỮNG EM BÉ LỚN TRÊN LƯNG MẸ (Nguyễn Khoa Điềm)​

I) Kiến thức cơ bản

1, Tác giả- SN 1943, quê ở Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế
- Ông là nhà thơ chiến sĩ và trở thành một trong những gương tiêu biểu của thơ ca kháng chiến chống Mĩ.
- Thơ ông tập trung khám phá vẻ đẹp của đất nước, nhân dân trong cuộc chiến đấu chung của toàn dân tộc.
- Phong cách sáng tác: Thơ NKĐ có sự hòa quyện giữa cảm xúc trữ tình nồng thắm và chất suy tư sâu lắng; mang đậm chất dân gian bằng việc vận dụng ca dao, dân ca, tục ngữ.
2, Văn bản* Hoàn cảnh sáng tác
- Bài thơ sáng tác năm 1970, khi ông đang công tác ở chiến khu miền Tây tỉnh Thừa Thiên. Đây là thời kì ác liệt của cuộc khnags chiến chống Mĩ cứu nước.
- Bài thơ được in trong tập thơ “ Đát và khát vọng” năm 1984.
* Cấu trúc của bài thơ:
- Lặp cấu trúc: Bài thơ được chia làm ba khúc ru, mỗi khúc lại được cấu thành bởi hai khổ thơ
+ Khổ đầu: Lời ru của nhà thơ
+ Khổ hai: Lời ru của mẹ
-> Cấu trúc đặc biệt này đã tạo cho bố cục bài thơ trở nên cân đối và chặt chẽ. Đồng thời tạo cho âm điệu của khúc ru trở nên da diết, vấn vương tựa như tình cảm trìu mến của mẹ.
- Lặp câu:
+ Mở đầu lời ru là những câu thơ:
“Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ”
++ Miêu tả một hình ảnh có thực, xuất hiện trong những năm tháng kháng chiến của đất nước: Những em bé ngủ trên lưng mẹ từ trong sản xuất tới chiến đấu.
++ Gợi về một hình ảnh vĩ đại của những người mẹ vùng cao, dù trong bom đạn chiến tranh vẫn bao bọc chở che cho những đứa con được khôn lớn, trưởng thành.
+ Mở đầu lời ru của mẹ là câu thơ:
Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi”
-> Lời ru của tác giả và lời ru của mẹ nói tiếp, đan cài một cách nhịp nhàng khiến cho lời ru thêm ngọt ngào, đằm thắm, lắng sâu.
Nghệ thuật
- Giọng thủ thỉ tâm tình
- Cách ngắt nhịp linh hoạt
Nội dung
Bài thơ “ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” là những lời tâm tình tha thiết của người mẹ Tà-ôi đối với đứa con yêu. Thông qua lời ru, người mẹ đã bộc lộ tình thương đằm thắm đối với người con, tình cảm gắn bó với quê hương, với cuộc sống lao động và chiến đấu dù còn nhiều những gian nan, vất vả. Đồng thời, mẹ còn gửi gắm những ước mơ về sự trưởng thành, khỏe mạnh, khôn lớn của con trở thành công dân của một đất nước tự do.
3, Ý nghĩa nhan đề Đây là một bài thơ có nhan đề dài, độc đáo và chưá đựng hai hình ảnh nổi bật:
- Hình ảnh khúc hát ru:
+ Gợi cho chúng ta liên tưởng đến giai điệu ngọt ngào, thiết tha trong nững bài hát ru của mẹ.
+ Gợi tấm lòng của những người bà, người mẹ.
+ Gợi âm hưởng của ca dao, dân ca với chất trữ tình sâu lắng, thiết tha.
- Hình ảnh những em bé lớn trên lưng mẹ:
+ Gợi cho chúng ta liê tưởng đến những em bé được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đặc biệ.
+ Gợi không gian núi rừng- nơi đồng bào, dân tộc cư trú, sinh sống.
+ Gợi lên tình yêu thương và niềm tin, nghị lực của những bà mẹ vùng cao.


II) Đọc- hiểu văn bản

1, Khúc hát ru thứ nhất
a, Lời ru của tác giả
Hình ảnh người mẹ dân tộc Tà – ôi xuất hiện trong công việc:
“Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
Nhịp nhàng nghiêng giấc ngủ em nghiêng
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi
Lưng đưa nôi vầ tim hát thành lời”
  • Đó là một công việc vô cùng vất vả, nặng nhọc
+ Hình ảnh “nhịp chày nghiêng” giàu giá trị tạo hình, gợi lên vóc dáng nghiêng nghiêng trong công việc của mẹ.
+ Hình ảnh “giấc ngủ em nghiêng” gợi về một giấc ngủ chao nghiêng, đung đưa theo nhịp chày của mẹ
+ Giữa những hình ảnh liệt kê: “mồ hôi, vai gầy” để đặc tả , tô đậm sự vất vả trong lao động của mẹ.
  • Giữa những công việc vất vả như thế, tình yêu thương mẹ dành cho con càng thêm sâu sắc:
+ Hình ảnh “vai mẹ gầy” gợi vóc dáng mẹ gầy, lam lũ của mẹ. Nhưng cũng chính đôi vai gầy ấy cũng chính là chiếc gối đưa con vào giấc ngủ êm
+ Câu thơ “lưng đưa nôi và tim hát thành lời” là hình ảnh mới lạ của bà mẹ Tà – ôi đưa nôi cho con bằng tấm lưng và hát bằng cả trái tim yêu thương sâu lắng.
b, Lời ru của mẹ
  • Trong lời ru của mẹ, mẹ đã gửi gắm, mong muốn bao điều tốt đẹp cho con:
Mẹ thương A – kay, mẹ thương bộ đội
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
Mai sau con lớn vung chày lún sân
+ Mẹ thương con, yêu con sâu sắc. Và tình thương của mẹ cứ lón dần và được chuyển hóa, mở rộng sang tình thương bộ đội.
+ Hình ảnh “hạt gạo trắng ngần” mẹ mơ gợi lên một cuộc sống no đủ, êm đềm sẽ đến với con.
+ Hình ảnh “vung chày lún sân” cho thấy mẹ không chỉ mong con có một cuộc sống no đủ mà còn ước con khỏe mạnh, lao động giỏi
  • Khúc hát ru thứ nhất đã cho thấy tấm lòng bao la, vĩ đại của người mẹ, mẹ vừa là mẹ, vừa là gia đình, vừa là người mẹ của kháng chiến, của đất nước.
2, Khúc hát ru thứ hai
a, Lời ru của tác giả:
Hình ảnh người mẹ Tà – ôi được tái hiện trong khung cảnh, không gian rộng lớn:
Mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka – lưi
Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ
Em ngủ ngoan em đừng làm mẹ mỏi
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng
  • Hình ảnh “lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ” là một hình ảnh tượng phản:
+ Gợi thiên nhiên, khung cảnh mênh mông, heo hút của núi rừng Ka – lưi
+ Gợi vóc dáng nhỏ bé, hao gầy của mẹ trong lao động, sản xuất.
  • Câu thơ đã nhấn mạnh sự nhọc nhằn, vất vả của mẹ.
  • Tác giả đã sáng tạo hình ảnh ẩn dụ “Mặt trời của mẹ” để diễn tả tình yêu thương vô bờ bến của mẹ:
+ “Mặt trời của bắp” đó là mặt trời thực của thiên nhiên, của vũ trụ tỏa hơi ấm đến muôn nơi .
+ “mặt trời của mẹ” là sự sáng tạo độc đáo, ẩn dụ cho con. Mẹ muốn nói con chính là nguồn sáng, là niềm hạnh phúc, sự ấm áp của đời mẹ.
b, Lời ru của mẹ
“Mẹ thương A – kay, mẹ thương làng đói
Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều
Mai sau con lớn phát mười Ka – lưi”
  • Từ tình thương con, mẹ mở rộng sang tình thương bộ đội và sang cả buôn làng.
  • “Hạt bắp lên đều” ẩn dụ cho cuộc sống no đủ mà mẹ mong ước
  • Câu thơ “mai sau con lớn, phát mười Ka – lưi” gợi về một ngày rất gần, con sẽ trưởng thành, khỏe mạnh phi thường, đem sự lo ấm cho muôn làng
  • Ước mơ và tình yêu của mẹ cứ mở rộng dần đã cho thấy tấm lòng, sự hi sinh vĩ đại của mẹ
3, Khúc hát ru thứ ba
a, Lời ru của tác giả
Nếu như ở hai khúc ra trên, công việc chủ yếu ở hậu phương để phục vụ chiến đấu thì ở khúc ru thứ ba mẹ đang ở tư thế trực tiếp chiến đấu.
Mẹ đang chuyển lán, mẹ đang đạp rừng
Thằng Mĩ đuổi ta phải rời con suối
Anh trai cầm súng, chị gái cầm chông
Mẹ địu em đi để giành trận cuối
Từ trên lưng mẹ em đến chiến trường
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn”
  • Hình ảnh liệt kê “chuyển lán”, “đạp rừng” gợi hình ảnh người mẹ đang bảo vệ căn cứ, di chuyển lực lượn để kháng chiến lâu dài với tinh thần quyết tâm vào lòng tin thắng lợi
  • Hình ảnh liệt kê “ anh trai cầm súng”, “chị gái cầm chông”, “mẹ địu em đi”:
+ Gợi lên một gia đình, dân tộc đang anh dũng đứng lên chống kẻ thù chung
+ Cho thấy sự lớn mạnh, trưởng thành vượt bậc của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ. Chúng ta tập hợp được một lực lược đông đảo, thuộc mọi tầng lớp từ già trẻ, gái trai cùng tham gia chiến đấu.
  • Cấu trúc “từ ... đến ...” gợi sự trưởng thành của anh em cu Tai từ trên lưng mẹ đã khôn lớn, đủ khỏe để chiến đấu
- Nhịp thơ 4/4 nhanh, mạnh gợi không khí hào hùng, sôi động của cuộc kháng chiến
b, Lời ru của mẹ
Mẹ thương A – kay, mẹ thương đất nước
Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ
Mai sau con lớn làm người tự do ...”
  • Từ tình thương con mẹ mở ra tình yêu quê hương, đất nước. Từ tình cảm gia đình riêng tư mẹ hòa hơp với tình cảm chung rộng lớn của dân tộc, đất nước
  • Xuất phát từ tình cảm lớn lao, tấm lòng cao cả ấy, mẹ đã mơ về con những ước mơ lớn lao, vĩ đại:
+ mẹ mơ “được thấy Bác Hồ” là mẹ mong muốn cho con sớm trưởng thành và tìm thấy được chân lí, con đường đúng đắn.
+ Ước mơ tha thiết nhất, mãnh liệt nhất của mẹ là con được “làm người tự do”, sống trong một dân tộc làm chủ được vận mệnh của mình
  • Tác giả không để cho người mẹ trực tiếp nói về ước mơ của mình mà mong “con mơ cho mẹ”, Như vậy, người mẹ đã gửi trọn niềm mong mỏi vào giấc mơ của con nên lời ru càng thêm tha thiết, tin tưởng.
  • Qua lời ru , lần lượt hiện lên những công việc, tấm lòng của người mẹ. Người mẹ ấy bền bỉ trong công việc lao động và quyết tâm tỏng công cuộc bảo vệ đất nước.
III)BÀI TẬP

A) Đoc- hiểu

Bài tập1:
Trình bày bằng một đoạn văn ngắn cảm nghĩ của em về hình ảnh người mẹ Tà Ôi trong bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

* Gợi ý:

1. Yêu cầu về nội dung: Có thể nêu một số cảm nghĩ về hình ảnh người mẹ Tà Ôi: trong bài thơ tương đối tự do, nhưng cần làm rõ cảm nghĩ về những tình cảm sau của người mẹ:

- Người mẹ Tà-ôi làm những công việc vất vả: giã gạo, phát rẫy, tỉa bắp, chuyển lán, đạp rừng.

- Tình cảm của mẹ: Tình thương con hoà quyện trong tình thương bộ đội, thương dân làng, thương đất nước. Chính tình thương ấy làm cho mẹ có sức mạnh bền bỉ, dẻo dai để nuôi những đứa con hiến dâng cho kháng chiến.

* Người mẹ Tà-ôi vô danh là tiêu biểu cho người mẹ Việt Nam anh hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

2. Yêu cầu về hình thức:

- Hình thức là một đoạn văn ngắn (có độ dài từ 7 đến 10 câu văn).
- Các câu liên kết chặt chẽ.
- Lời văn có cảm xúc.
- Diễn đạt lưu loát.

Bài tập 2. Trong bài thơ “ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”, tại sao chỉ có một em cu Tai mà tác giả lại viết là “ những em bé lớn trên lưng mẹ”? Nhan đề bài thơ có ý nghĩa như thế nào?

* Gợi ý:

- Chỉ có một em cu Tai, nhưng tác giả lại viết là những em bé. Đây là cách khái quát ở trong thơ. Em cu Tai là một hình ảnh cụ thể, nhưng có bao nhiêu em bé ở rừng đã lớn trên lưng của các bà mẹ người dân tộc Tà- ôi. Cũng có bao nhiêu bà mẹ ngoài đời, nhưng nhà thơ lại chỉ viết một từ mẹ mà thôi. Một em bé để nói rất nhiều em bé. Một bà mẹ , nhưng là để nói về nhiều người mẹ.

- Nhan đề bài thơ là một ý thơ. Bài thơ ca ngợi người mẹ miền núi, cũng là người mẹ Việt Nam, kết hợp lòng thương con, yêu con với yêu thương bộ đội, yêu thương dân làng, yêu nước. Hình ảnh người mẹ là hình ảnh tượng trưng đã nuôi lớn những người con của mình để hiến dâng cho cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bài tập 3. Có bao nhiêu người ru trong bài thơ “ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”? Khúc hát này có điều gì đặc biệt về nhịp điệu, nội dung tình cảm?

*Gợi ý:

- Có hai người ru em cu Tai, một là lời ru của tác giả, một lời ru khác là của mẹ em “ Lưng đưa nôi và tim hát thành lời. Hai lời ru này hoà quyện vào nhau trong suốt bài thơ tạo thành khúc hát ru độc đáo. Hai lời ru trong một khúc hát. Mỗi lời ru gồm hai phần: lời ru của tác giả và lời ru của mẹ. Lời ru của tác giả kể ra những công việc mẹ làm. Lời ru của mẹ mong ước về em và về kết quả công việc đó.

- Điều đặc biệt của khúc hát:

+ Về nhịp điệu: Âm điệu có phần lặp lại, nhưng cũng có phần phát triển làm cho lời ru vừa du dương, lại vừa biến hoá.

+ Nội dung tình cảm: Không phải là lời ru buồn quen thuộc với những sung chát đào chua, với những con cò và cơn mưa mù mịt. Nội dung lời ru là những công việc của một bà mẹ kháng chiến: giã gạo nuôi bộ đội, phát rẫy tỉa bắp lấy lương thực cho kháng chiến, chuyyển lán, đạp rừng đánh Mỹ. Tình cảm không chỉ dành cho con trai bé bỏng, mà còn dành cho bộ đội, cho dân làng, cho lãnh tụ và cho đất nước. Đấy chính là những nét mới mẻ, độc đáo của bài hát ru.

Bài tập 4. Hãy nêu tư tưởng chủ đề của bài thơKhúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”.

* Gợi ý:

Bài thơ “ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” được Nguyễn Khoa Điềm được sáng tác năm 1971, khi đang công tác ở chiến khu miền tây Thừa Thiên. Bằng ngòi bút tinh tế, nhạy cảm và tấm lòng trân trọng, tác giả ca ngợi người mẹ dân tộc Tà-ôiyêu con, thương làng, thương bộ đội, yêu nước đã làm những công việc phục vụ cho cuộc kháng chiến và nuôi những người con hiến dâng cho cuộc kháng chiến cứu nước.



Bài tập 5.
Cho câu thơ sau:

“…Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng…”

Phân biệt nghĩa của từ “nghiêng” trong câu thơ trên? Cho biết đó là hiện tượng gì trong tiếng Việt?

* Gợi ý:

- Từ “nghiêng” trong “giấc ngủ em nghiêng” được sử dụng với nghĩa chuyển miêu tả trạng thái của giấc ngủ, đứa trẻ trên lưng mẹ ngủ không yên giấc, nghiêng theo nhịp chày giã gạo, nỗi vất vả của người mẹ lan truyền sang đứa con, em cu Tai chia sẻ gian truân cùng với mẹ.

- Đây là hiện tượng chuyển nghĩa của từ trong tiếng Việt.

Bài tập 6. Trong bài “ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”, giữa từng lời ru của người mẹ với hoàn cảnh, công việc mà mẹ đang làm được miêu tả trước đó có mối quan hệ thật chặt chẽ. Hãy chứng minh điều đó.

*Gợi ý:

- Cần đọc kĩ từng đoạn thơ để chỉ ra hoàn cảnh cụ thể, công việc mà người mẹ ở chiến khu đang làm.

- Phân tích nội dung cảm xúc, ước vọng được gửi vào từng khúc ru.

- Chứng minh hai phần này có mối liên hệ chặt chẽ và tự nhiên:

+ Vì đang giã gạo nuôi bộ đội nên mẹ ước: “ Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần – Mai sau con lớn vung chày lún sân”.

+ Vì đang tỉa bắp trên núi nên mẹ ước: “ Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều – Mai sau con lớn phát mười ka-lưi”.

+ Vì đang chuyển lán, đạp rừng, đang địu con đi để giành trận cuối nên mẹ ước: “ Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ – Mai sau con lớn làm người tự do”.

Bài tập 7.
Đọc bài thơ: “ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm, đối chiếu với bài thơ “ Con cò” của Chế Lan Viên, chỉ ra cách vận dụng lời ru ở mỗi bài thơ có điểm gì giống và khác nhau?

* Gợi ý:

Cả hai bài thơ đều thấm đẫm trong âm điệu con của người mẹ, nhưng hai bài thơ lại có những điểm khác nhau:

- Bà mẹ Tà- ôi ru trực tiếp đứa con, trực tiếp nói lên tình hình người mẹ. Còn bà mẹ trong “Con cò” của Chế Lan Viên gửi gắm tình cảm suy nghĩ về con qua hình ảnh con cò trong ca dao.

- Thơ Nguyễn Khoa Điềm : Thể thơ 8 chữ. Thơ Chế Lan Viên: Thể thơ tự do.

- Hình ảnh con cò ở bài thơ của Chế Lan Viên thay đổi theo suy nghĩa, tình cảm, mang tính đa nghĩa. Còn ở bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” hình ảnh người mẹ Tà- ôi được nâng dần lên từ người mẹ thương con đến người mẹ- chiến sĩ.

- Ở bài thơ “Con cò”, người mẹ ru con trong cuộc sống hoà bình trên miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở “Khúc hát ru nhưng em bé lớn trên lưng mẹ” người mẹ - chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ ác liệt của dân tộc.

Bài tập 8. Trong bài “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” có câu thơ:

“Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối
Lưng đưa nôi và tim hát thành lời.”

a/ Em hiểu hai câu thơ trên như thế nào?

b/ Chép chính xác năm câu thơ trước hai câu thơ trên.

c/ Có kiến cho rằng trong tác phẩm không chỉ có một lời ru. Theo em điều đó có đúng không?

d/ Viết một đoạn văn 10 câu theo cách tổng - phân- hợp trong đó sử dụng câu hỏi tu từ, câu tình thái để phân tích đoạn thơ em vừa chép.


* Gợi ý:

a. Hai câu thơ trên vừa tả việc làm của mẹ, vừa biểu hiện tình cảm, xúc động của mẹ với con, với bộ đội cách mạng. Người mẹ nhỏ nhắn vừa giã gạo, vừa địu con trên lưng. Trong lúc lao động cật lực, mẹ vẫn chăm chú đến giấc ngủ của con. Câu thơ gợi lên hình ảnh người mẹ chịu thương, chịu khó trong lao động và vô cùng yêu con.

b. Chép năm câu thơ trước hai câu thơ trên:

Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi
Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ
Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội
Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng
Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi.

c/ Bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” không chỉ có một lời ru: Bài thơ có ba khúc hát, mỗi khúc hát được tạo nên bằng hai lời ru ( Lời ru của tác giả và lời ru của mẹ).

- Lời ru “ em” ( Tác giả nhập vai) được mở đầu bằng câu: “ Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi.”

- Lời ru “ con”( mẹ) được mở đầu bằng câu: “Ngủ ngoan a - kay ơi, ngủ ngoan a - kay hỡi”.

d. Viết đoạn văn:

* Nội dung.

- Câu chủ đề: Hình ảnh người mẹ Tà-ôi chịu thương chịu khó trong lao động và vô cùng yêu con.

- Các câu triển khai.

+ Mẹ vừa địu con trên lưng vừa giã gạo góp phần nuôi bộ đội ăn no đánh giặc.

+ Từ láy “ Nghiêng”: Giàu chất tạo hình và gợi nhiều xúc động, diễn tả dáng điệu nghiêng nghiêng vất vả của mẹ bên cối gạo đồng thời cũng giúp ta cảm nhận về giấc ngủ của em cu Tai. Trong giấc ngủ say nồng trên tấm lưng gầy của mẹ, cả người em cũng nghiêng nghiêng áp vào lưng mẹ và nhấp nhô lên xuống theo mỗi nhịp chày.

+ Hình ảnh “ giọt mồ hôi nóng hổi”: khiến ta cảm nhận được sự vất vả, chịu thương, chịu khó của mẹ.

+ Hình ảnh “ vai mẹ gầy” kết hợp với từ láy “ nhấp nhô“: không chỉ diễn tả sự thiếu thốn mà còn cho ta thấy tất cả sự cố gắng, nỗ lực, kiên trì, nhẫn nại trong công việc của mẹ.

+ Dù lao động cật lực nhưng mẹ vẫn chăm chú đến giấc ngủ của đứa con yêu.

- Câu kết: Hình ảnh người mẹ Tà - ôi cần cù, nhân hậu chính là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

* Hình thức:

- Đoạn văn viết theo kiểu tổng- phân- hợp.

- Sử dụng câu hỏi tu từ và tình thái.


Bài tập 9.

1. Chép chính xác những đoạn thơ diễn tả trực tiếp lời ru của bà mẹ Tà-ôi trong bài “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm.

2. Nêu ngắn gọn hoàn cảnh ra đời của bài thơ này.

3. Em hiểu thế nào về hai câu thơ:

“ Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng


4. Cho câu chủ đề: “ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ không chỉ là lời ru thiết tha ngọt ngào của người mẹ mà còn thể hiện tình cảm ngọt ngào của nhân dân Tây Nguyên đối với cách mạng.”

Hãy viết tiếp câu trên bằng một đoạn văn theo kiểu tổng - phân - hợp có độ dài khoảng 10 câu. Trong đoạn có sử dụng câu cảm thán, câu hỏi tu từ.

* Gợi ý:

1. Những đoạn thơ diễn tả trực tiếp lời ru của bà mẹ Tà-ôi trong bài “ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm:

“… Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi
Mẹ thương a-kay, mẹ thương bộ đội
Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần
Mai sau con lớn vung chày lún sân…”


“…Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi
Mẹ thương a-kay, mẹ thương làng đói
Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều
Mai sau con lớn phát mười ka-lưi…”


“…Ngủ ngoan a-kay ơi, ngủ ngoan a-kay hỡi

Mẹ thương a-kay, mẹ thương đất nước

Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ

Mai sau con lớn thành người tự do…”


2. Hoàn cảnh ra đời của bài thơ: Bài thơ được sáng tác năm 1971, khi tác giả ở chiến khu Thừa Thiên. Lúc này cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn gay go quyết liệt nhất “ tất cả vì miền Nam ruột thịt”

3.- Mặt trời ở đây là một hình ảnh so sánh, ẩn dụ rất sáng tạo, giàu ý nghĩa thẩm mĩ, thể hiện một liên tưởng đẹp: “ mặt trời của bắp” là mặt trời của thiên nhiên vĩnh hằng, đem ánh sáng và sự sống cho muôn loài, đem lại sự tốt tươi cho ngô lúa, sắn khoai…Từ mặt trời của vũ trụ, nhà thơ đã liên tưởng đến “ mặt trời của mẹ”, đó là em cu Tai. Em là nguồn sống, nguồn hạnh phúc, niềm tự hào của mẹ.

- Ca ngợi lòng mẹ, tình yêu thương tha thiết của mẹ dành cho con thì đây là hai câu thơ tuyệt vời nhhất, nó vừa bình dị nhưng vừa thấm thía biết bao! Đứa con chính là mặt trời trong lòng mỗi người mẹ, một ẩn dụ sáng tạo làm rung động lòng người. Thế mới thấy tình mẫu tử thiêng liêng biết nhường nào.

4. Viết đoạn văn nghị luận:

* Nội dung:

- Câu chủ đề: Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” không chỉ là lời ru thiết tha, ngọt ngào của người mẹ mà còn thể hiện tình cảm của nhân dân Tây Nguyên đối với cách mạng.

- Các câu triển khai: Bài thơ có ba khúc ru thể hiện tình cảm yêu con tha thiết.

+ Ơ khúc ru thứ nhất tình yêu thương con gắn liền với tình yêu thương bộ đội.

+ Ơ khúc ru thứ hai tình yêu thương con gắn liền với tình yêu dân làng.

+ Ơ khúc ru thứ ba tình yêu thương con gắn liền với tình yêu đất nước đang anh dũng kháng chiến.

+ Trong ước mơ của người mẹ Tà-ôi, bên cạnh mong muốn đứa con trưởng thành, khát khao con được tự do, được thấy Bác Hồ còn là tình yêu sâu đậm mẹ dành cho kháng chiến, cho cách mạng, cho Bác Hồ.

- Câu kết: Phải chăng tình cảm của bà mẹ Tà-ôi chính là một biểu tượng đẹp đẽ cho tình cảm của nhân dân Tây Nguyên đối với cách mạng.

* Hình thức.

- Đoạn văn trình bày theo kiểu tổng - phân - hợp.

- Trong đoạn văn có sử dụng câu hỏi tu từ, câu cảm thán.


B) NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

ĐỀ BÀI: Cảm nhận hình ảnh người mẹ Tà-ôi trong bài thơ?

Dàn bài:

1, Mở bài:


- Giới thiệu tác giả, văn bản.

- Nêu vấn đề nghị luận: hình tượng người mẹ Tà-ôi.

2, Thân bài:

a) Cảm nhận về hình tượng người mẹ Tà-ôi

-
Đó là một người mẹ đảm đang, giàu nghị lực.

+ Bà mẹ luôn được miêu tả trong trạng thái làm việc: “ giã gạo nuôi bộ đội”, “ tỉa bắp trên núi Ka-lưi”, “ đi chuyển lán, đi đạp rừng.”

+ Dù công việc nhọc nhằn, vất vả, khổ cực, vừa phải địu con vừa làm, “ mồ hôi mẹ rơi”, “ lưng núi thì to, lưng mẹ thì nhỏ”, thậm chí là nguy hiểm “ Thằng Mĩ đuổi ta phải rời con suối” thì người mẹ vẫn không quản ngại, vẫn chăm chỉ, nỗ lực.

- Đó là một người mẹ giàu tình yêu thương con.

+ Trong bất cứ hoàn cảnh nào, mẹ vẫn có bên cạnh và mong cho con giấc ngủ ngon “ Em ngủ cho ngoan, đừng rời lưng mẹ.” ( điệp 3 lần).

+ Lưng mẹ là chiếc nôi, mẹ ru con bằng tiếng hát từ trái tim: “ Lưng đưa nôi và tim hát thành lời.”

+ Mẹ yêu con, ví con như “mặt trời”- con là nguồn sống, là niềm hi vọng soi sáng cuộc đời mẹ. Hình ảnh ẩn dụ “ mặt trời của mẹ” thực sự gây ấn tượng về tình mẹ sâu sắc, bao la.

+ Tình yêu thương còn bộc lộ trực tiếp qua lời ru: “ Mẹ thương a-kay”( điệp ngữ 3 lần).

+ Mẹ luôn mong ước cho con những điều tốt đẹp nhất:

. Mong con lớn lên có sức khỏe phi thường “ Mai sau con lớn vung chày lún sân”/ “ Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi”

. Mong con lớn lên trở thành “người tự do.

-> Tình yêu con của người mẹ Tà-ôi thật lớn lao, xúc động.

- Đó còn là bà mẹ yêu nước, có tinh thần cách mạng cao.

+ Mẹ tham gia vào kháng chiến cả trực tiếp và gián tiếp : “ giã gạo nuôi bộ đội”, “ chuyển lán”, “ đạp rừng”, “ đi giành trận cuối”, “ mẹ “ đến chiến trường”, mẹ “ vào Trường Sơn”.

+ Tình yêu nước được bộc lộ trực tiếp qua lời ru: “ mẹ thương bộ đội”, “ mẹ thương làng đói”, “ mẹ thương đất nước”.

+ Khát vọng của mẹ đều hướng tới những điều tốt đẹp cho kháng chiến. Cho đất nước:” Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần”, “ Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều”, mong đất nước sớm được độc lập, tự do.

+ Lòng kính yêu đối với lãnh tụ của bà mẹ cũng là một biểu hiện đẹp của tinh thần yêu nước: “ Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ”

-> Bà mẹ Tà- ôi mang những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam và tinh thần thời đại: vừa yêu thương con , vừa yêu đất nước và giàu tinh thần chiến đấu.

b) Nghệ thuật xây dựng hình tượng

- Đặt bà mẹ trong hoàn cảnh đặc biệt- chiến tranh, đói nghèo, vất vả để làm nổi bật hơn vẻ đẹp của người mẹ dân tộc thiểu số.

- Sử dụng nhuần nhuyễn các biện pháp tu từ: điệp ngữ, ẩn dụ, nói quá.

- Kết cấu lời ru thể hiện tình mẹ chan chứa, dạt dào trong toàn bài.

3, Kết bài

- Hình tượng người mẹ Tà-ôi là điển hình cho những vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới.

- Khẳng dịnh sức sống của hình tượng nhân vật trong lòng độc giả.


Bài viết tham khảo:

Hình ảnh người mẹ Tà-Ôi được miêu tả trong bài thơ qua lời ru của tác giả Từ lời ru của tác giả tượng hình lên vóc dáng người mẹ được gắn với hoàn cảnh và công việc cụ thể qua từng đoạn thơ. Người mẹ vừa địu con vừa làm biết bao công việc của người dân nơi chiến khu, việc nhà mà cũng là việc nước, việc kháng chiến. Đầu tiên là mẹ giã gạo góp phần nuôi bộ đội kháng chiến. Công việc thì vất vả nhưng tình cảm mẹ giành cho con thì sâu nặng vô cùng:

Nhịp chày nghiêng, giấc ngủ em nghiêng
Mồ hôi mẹ rơi mà em nóng hổi
Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối


Lưng đưa nôi và tim hát thành lời Hai mẹ con cùng chung một nhịp, theo nhịp chày giã, nhịp lao động của mẹ. Tấm thân của mẹ như dành trọn cho con: vai làm gối, lưng đưa nôi và tim hát thành lời ru cho con ngủ. Tiếp đến là hình ảnh người mẹ “Tỉa bắp trên núi Ka-lưi”, nghĩa là đang làm công việc lao động sản xuất của người dân ở chiến khu – bám đất bám làng chiến đấu. Sự chịu đựng gian khổ của người mẹ giữa núi rừng mênh mông, heo hút được thể hiện qua hình ảnh đối lập: “Lưng núi thì to mà lưng mẹ thì nhỏ”. Tấm lưng người mẹ nhỏ nhưng bền bỉ như lưng núi và kiêu hãnh hơn lưng núi vì con trai – mặt trời của mẹ nằm ở trên lưng:

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng


Lối nói ẩn dụ đã diễn tả tình cảm mẹ yêu con thật cảm động. Mặt trời là kì vĩ, quý giá nhất trong vũ trụ này, thì con cũng là mặt trời của mẹ, là nguồn cảm xúc ấm áp vừa gần gũi, vừa thiêng liêng của đời mẹ, góp phần sưởi ấm lòng tin yêu, ý chí của mẹ trong cuộc sống, con là ánh sáng, là sự sống, là hi vọng của đời mẹ. Mặt trời con cứ trẻ trung và ngày càng rực rỡ trên thế gian này như mặt trời kia là vĩnh hằng. Từ trên sân nhà, mẹ ra nương rẫy rồi mẹ đến chiến trường: “Mẹ đi chuyển lán, mẹ đi đạp rừng”. Mẹ cùng các anh trai, chị gái cầm súng, cầm chông, “mẹ địu em đi để dành trận cuối”. Mẹ đã trực tiếp tham gia chiến đấu để bảo vệ căn cứ, di chuyển lực lượng để kháng chiến lâu dài với lòng quyết tâm, tin tưởng vào thắng lợi. Và đứa con của mẹ cũng lớn dần, cùng mẹ góp phần vào kháng chiến:

Từ trên lưng mẹ em tới trường
Từ trong đói khổ em vào Trường Sơn


Phải chăng mẹ đã dùng tấm lưng làm nôi nuôi dưỡng những dũng sĩ cho cuộc kháng chiến của dân tộc và gánh chịu tất cả nỗi vất vả, gian lao để giành chiến thắng. Ta hiểu vì sao mà tác giả đặt nhan đề cho bài thơ là “Khúc hát ru của những em bé lớn trên lưng mẹ”. Qua ba đoạn thơ, lần lượt hiện lên những công việc và tấm lòng của người mẹ nơi chiến khu gian khổ. Người mẹ ấy bền bỉ, quyết tâm trong công việc lao động và kháng chiến thường ngày. Người mẹ ấy thắm thiết yêu con và nặng tình thương buôn làng, đất nước, khát khao độc lập, tự do. Vì thế, người mẹ ấy không chỉ riêng của Cu Tai mà còn là mẹ chiến sĩ, cao hơn là mẹ Tổ quốc. Tấm lòng và ước mong của người mẹ qua những lời ru trực tiếp của mẹ – “Tim hát thành lời” Người mẹ còn hiện lên rõ nét qua những lời ru của mẹ. Tình yêu con tha thiết, dịu dàng, âu yếm thể hiện ngay từ lời mở đầu mỗi khúc hát ru: “Ngủ ngoan A-kay ơi, ngủ ngoan A-kay hỡi”. Qua lời ru, ta thấy được sự nâng niu, âu yếm, vỗ về rất dịu dàng của người mẹ với con. Tình mẹ yêu con trải dài qua những lời ru nhắc đi nhắc lại như điệp khúc: “Mẹ thương A-kay, mẹ thương …”. Qua mỗi lời ru ở mỗi đoạn thơ, chiều dày tình cảm càng tăng lên, càng được nâng lên. Thương con, mẹ mong ước cho con bao điều. Nếu lời ru của tác giả hướng vào thực tại thì lời ru của mẹ lại hướng về tương lai, như là lời lí giải động lực tinh thần sâu xa giúp mẹ vượt qua gian lao, thử thách. Tình cảm và ước mong người mẹ giành cho con hòa với tình cảm và ước mong dành cho bộ đội, dân làng, đất nước. Giữa hoàn cảnh, công việc cụ thể của người mẹ ở từng đoạn thơ với tình cảm, ước mong của mẹ có sự liên hệ tự nhiên, chặt chẽ. Vì đang giã gạo nuôi bộ đội, mẹ ước: “Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần. Mai sau con lớn vung chày lún sân”. Vì đang tỉa bắp trên núi nên mẹ ước “Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều – Mai sau con lớn phát mười Ka-lưi”. Vì đang đìu con đi để “giành trận cuối” nên mẹ ước “Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ – Mai sau con lớn được làm tự do”, (lúc ấy, mơ được thấy Bác Hồ là mơ nước nhà thống nhất, Bắc Nam sum họp). Người mẹ mong cho con mau chóng lớn khôn để trở thành chàng trai cường tráng, mạnh mẽ trong lao động sản xuất (vung chày lún sân, phát mười Ka-lưi) và trở thành người lính chiến đấu vì nền độc lập, tự do thiêng liêng, để được làm người dân của một đát nước hòa bình. Ước mong của người mẹ gắn liền và hòa hợp tình yêu con với tình thương bộ đội, thương dân làng, thương đất nước. Ước mong ấy lớn dần lên, từ hạt gạo, hạt bắp đến tự do, từ cho con, cho đến quê hương, cho đất nước. Tình cảm và khát vọng của người mẹ ngày càng lớn rộng và hòa cùng công việc kháng chiến gian khổ, anh dũng của quê hương, đất nước. Điều thú vị là người mẹ gửi trọn niềm mong ước vào giấc mơ của đứa con: “Con mơ cho mẹ…”, mà không nói mẹ mơ điều này, điều kia. Mẹ mong con ngủ ngoan, có giấc ngủ sâu và những giấc mơ đẹp. Lặp lại cụm từ “Con mơ cho mẹ…”, lời ru càng thêm thiết tha, tin tưởng, tự hào.

Từ những hình ảnh, tấm lòng người mẹ Tà-Ôi, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện tình yêu quê hương, đất nước thiết tha, ý chí chiến đấu cho độc lập tự do và khát vọng thống nhất nước nhà của nhân dân ta trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Bài thơ đã khắc tạc nên bức tượng đài kì vĩ về người mẹ bình dị mà vĩ đại trong cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc. Khúc hát ru đã được phổ nhạc và góp một giai điệu đẹp vào bản trường ca bất tận về người mẹ Việt Nam.



C) NGHỊ LUẬN XÃ HỘI

Đề bài :
Từ bài thơ “ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm, hãy nêu suy nghĩ của em về tình mẫu tử.

I. Mở bài:

- Giới thiệu về vấn đề cần nghị luận.

II. Thân bài:

a. Giải thích:


+ Tình mẫu tử là tình ruột thịt nồng nàn giữa người mẹ và đứa con của mình.

+ Nó còn là sự hi sinh vo điều kiện của người mẹ giành cho con.

+ Là sự yêu thương tôn kính của đứa con với người mẹ của mình.

b. Vai trò của tình mẫu tử:

+ Giúp đời sống tinh thần của ta đầy đủ, phong phú và ý nghĩa.

+ Giúp ta tránh khỏi những cám dỗ trong cuộc sống.

+ Là điểm tựa tinh thần, tiếp thêm cho ta sức mạnh trước mỗi khó khăn.

+ Là niềm tin, là động lực và là mục đích cho sự nỗ lực và khát khao sống của cá nhân.

c. Để giữ gìn tình mẫu tử:

+ Biết tôn trọng và khắc ghi công ơn mẹ.

+ Biết sống sao cho xứng đáng với tình mẹ.

+ Cần biết đón nhận, cởi mở với mẹ của mình để tạo điều kiện cho sự thấu hiểu của hai người.

III. Kết bài

- Khẳng định vai trò tình mẫu tử.

Bài viết tham khảo:

Có những lúc mỏi mệt trên đường đời, có những phút yếu lòng tưởng chừng như ngã gục, có những khi lỡ lầm đường lạc lối thì không ai khác chính mẹ là người đã nâng đỡ, đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi trên con đường lắm chông gai ấy. Tình mẫu tử quả là thiêng liêng và bất diệt, tôi càng thấm thía hơn câu thơ của Chế Lan Viên:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi suốt đười lòng mẹ vẫn theo con.”​

Tình mẫu tử là tình cảm ruột thịt thiêng liêng cao qúy giữa người mẹ và đứa con. Đó là sự hi sinh vô điều kiện của người mẹ vì hạnh phúc và thành công của con cái mình, là sự tôn trọng, biết ơn và khắc cốt ghi tâm tình mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào, vô tận. Chúng ta với sự hữu hạn của tâm hồn và lí trí không bao giờ có thể cân đong đo đếm được giá trị thiêng liêng và vai trò to lớn của người mẹ trong hành trình trưởng thành, trong hành trình sống làm người của mỗi người.

Tình mẫu tử là suối nguồn yêu thương vĩ đại nhất mà nhân loại được ban tặng. Tình mẫu tử giúp ta được sống đầy đủ và phong phú hơn với những nguồn tình cảm vốn xứng đáng được hưởng đặc quyền như nhau. Hãy thử nhìn những số phận bất hạnh ngoài kia, những người mồ côi không nơi nương tựa đang khao khát tình mẹ, khoa khát được một lần áp mặt vào bầu sữa nóng của mẹ, được mẹ gối đầu, được sà vào vòng tay âu yếm của mẹ mà khó biết bao. Tình mẹ là điểm tựa vững chắc và mạnh mẽ giúp ta vượt qua những chông gai của cuộc đời. Mỗi khi cuộc sống khó khăn, mỗi khi thất bại tưởng chừng gục ngã, bên cạnh mẹ và những lời động viên của mẹ là liều thuốc thần tiên tiếp thêm cho ta sức mạnh để soi đường chỉ lối, giúp ta vượt lên phía trước. Tình mẹ bao la luôn dung chứa và khoan dung, độ lượng, nhân hậu vô điều kiện với những sai lầm và tội lỗi ta gặp phải trong hành trình trưởng thành làm người. Mẹ là ánh sáng trên cao soi đời con những lúc tăm tối, là ánh mặt trời bừng sáng để sưởi ấm và nạp đầy năng lượng cho những bước đi của con. Có những điều có thể mất đi, có thể thay thế nhưng tình mẫu tử thì không gì bù lấp được nếu mất đi.

Vậy nên, mới nói tình mẫu tử thiêng liêng và cao cả như vậy. Lòng mẹ bao la là bến đỗ bình yên nhất trong cuộc đời mỗi người. Thế nên phật dạy: “đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ, gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Đó là sự hi sinh, sự cắt máu và nhỏ những giọt nước mắt chắt ra từ an ruột để nuôi ta không lớn. Ấy vậy mà vẫn có những người sẵn sàng vất bỏ đi tình mẹ thiêng liêng ấy, có khi chỉ vì những giá trị vật chất nhất thời, những danh lợi tầm thường và ti tiện. Rất phổ biến trong xã hội hiện nay là tình trạng con cái hỗ láo, đánh đạp và phụ bạc cha mẹ, bản thân sống trong giàu có, sung túc nhưng lại bỏ mặc mẹ già neo đơn, cô độc không nơi nương tựa. Hơn nữa là việc sau khi thành đạt rồi họ lại cảm thấy coi thường và xấu hổ chỉ vì mẹ mình không sang trọng và giàu có như người khác, ảnh hưởng đến thanh danh của họ nên cũng sẵn sàng gửi mẹ đến viện dưỡng lão hoặc phó mặc như một kẻ vô tình, máu lạnh. Buồn biết bao khi những giọt mồ hôi, máu và nước mắt của những dấu chân mẹ in mọi nẻo đường, những giọt mồ hôi thấm từng hạt gạo, bông lúa để tảo tần nuôi con ăn học, thành đạt mà nay lại bị đối xử như vậy.

Hãy sống như một con người chân chính đó là việc trân trọng tình mẹ thiêng liêng, tôn thờ vai trò và tấm òng thiêng liêng của mẹ. Chính tình mẫu tử là nguồn cội, gốc rễ sâu xa nhất cho sự trưởng thành và phát triển bền vững của tâm hồn ta.
 
Từ khóa
cảm nhận về hình ảnh người mẹ phân tích khúc hát ru con suy nghĩ về tình mẫu tử
918
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top