Nhà Đôi dòng nhớ về ngày xưa cũ

Nhà Đôi dòng nhớ về ngày xưa cũ

[Na]

Người ta bắt đầu bày bán na. Na màu xanh xanh, ngọt lịm. Thịt na mềm, hạt đen nháy. Na là một thức quà tuổi thơ. Nhìn na lại nhớ đến khoảnh vườn con con ngày bé, nhớ đến hiên nhà. Nhớ buổi trưa, bà bửa đôi quả na, sau cùng, vẫn là tôi ăn hết cả hai nửa.

[Nhà cũ]

Năm ấy, mấy gia đình chúng tôi còn ở trong làng cả, toàn nhà cấp bốn, ngói lợp êm đềm. Hồi ấy nhà tôi còn bị dột, bố hay để một chậu nước giữa nhà, hứng nước mưa. Phải để cho nó dột một tí lúc đầu mới xác định chính xác tọa độ mưa rơi xuống. Mấy ngày đầu còn phải làm thế, mấy ngày sau, nhắm mắt tôi cũng để được đúng chỗ rồi. Hồi ấy, bà hẵng khỏe, ban sáng hay đưa tôi ra chợ ăn xôi chè. Cái thứ xôi đỗ trộn với chè đỗ đen ấy, vừa ngọt, vừa thơm. Kể cũng lâu lắm rồi tôi chưa ăn lại, không biết mùi vị của nó thế nào. Giờ nghĩ lại, chỉ nhớ một vị ngòn ngọt như tiếng hát ru của bà, nghe từ trên lưng, bà cõng tôi vào những ngày êm ả.

Trong vườn của bà có một cây hồng xiêm, đúng thức quả mà tôi ưa thích. Ngẫm lại, đúng là có những chuyện xảy ra, không chỉ làm thay đổi nhận thức của mình, mà còn vô tình phủ một lớp màn lên những điều nguyên bản. Cớ gì tôi lại nói vậy, để kể cho nghe. Ngày ấy, có một hôm tôi ăn hồng xiêm, thì chị sang nhà, nói một điều gì đó. Đến giờ tôi cũng chẳng nhớ rõ, chỉ nhớ hồng xiêm tự dưng có một vị khó chịu, có cả vị của xấu hổ, của tức tối. Tôi đã không ăn hồng xiêm gần chục năm. Vài năm nay mới bắt đầu ăn lại. Bim bim Toonies cũng thế. Ngày xưa đang ăn, mẹ mở phim ma, sau đấy phải đi đánh răng một mình. Mà ở quê, ngồi đánh răng bên cái giếng ở góc sân to khiếp, lại có con mèo, mắt xanh lè, sáng rực, lăm lăm nhìn tôi. đồ "mèo già hóa cáo", mẹ tôi vẫn nói thế. Lần ấy tôi sợ cực, sau này không dám ăn bim bim Toonies luôn, nhìn là thấy sợ.

Hôm qua vào nhà cũ. Thằng em tôi bảo sao giờ trông nó bé thế, ngày xưa thấy to lắm. Tôi bảo, mày chẳng lớn đùng lên rồi còn gì, ngày xưa cao bằng cái giường, giờ đã cao bằng cái tủ, nhà hẳn nhiên là bé đi. Còn mẹ tôi bảo, do nó quen nhìn nhà to ở ngoài phố rồi, vào đây thấy bé là đúng thôi. Tôi chẳng biết do đâu nữa, nhưng nhà cũ với tôi, luôn là một thế giới, to đùng, trải dài, trải cả vào những đêm học bài xong ngủ gật trong buồng, mẹ tha hồ đập cửa bên ngoài không biết; trải cả vào những tiếng mắng của bố; tiếng kể chuyện của bà; trải cả vào lần đầu tiên tôi nhặt rau, rán thịt; cả những lần chập chững tập đi.

Có một lần, hôm ấy là Sinh nhật Bác Hồ. Mẹ tôi mua hoa sen cắm trên bàn thờ. Bà tôi thắp hương. À, Sinh nhật Bác mà, thế là tôi lôi đứa cháu ra múa hát bài Như có Bác Hồ trong Ngày vui đại thắng, trước bàn thờ luôn, đúng lúc bà đang thắp hương luôn. Cái kết thì chắc tôi chẳng phải kể, tất nhiên là lại no đòn, may mà chưa bị cấm túc trong chuồng lợn.

Lại nói đến cái chuồng lợn, nỗi ám ảnh của tôi. Nhìn bọn lợn kêu ủn ỉn, mắt hau háu mà xem. Phát khiếp. Lúc bé tôi hay lười ăn, mỗi lần ngậm cơm lại bị thả vào đấy. Những lần như vậy, chỉ biết gào mồm ra khóc chứ làm sao nhai được hạt cơm nào. Đáng sợ thật. Lúc bé thì gầy, mà giờ hết rồi, chắc vào chuồng lợn nhiều quá, học hỏi được ít nhiều.

[Cái sân]

Nhà cũ tôi ngay sát vách với nhà bác, thành ra cái sân to đùng. Mỗi lần có cỗ là đầy chỗ, chẳng cần phải mượn sân nhà ai. Các anh các bác hay ngồi góc sân nhà tôi, mấy cái nồi niêu xoong chảo to để hết ở đấy, lôi cả cái bếp ra, nấu nướng xôn xao lắm. Tiếng leng keng va vào nhau, nghe đã thấy vui. các chị các bà thì hay ngồi ở góc bên này, nhặt rau, bóc tỏi, buôn chuyện. Còn tôi thì chuyên đời đi lau bát đũa. Việc nhẹ, không lương, thỉnh thoảng được gọi vào cho quả tim gà, hay cái đùi, hoặc miếng nem rán cháy. Cứ tận hưởng cảm giác được chiều chuộng thế cho đến khi mấy đứa bé hơn ra đời. Thế là tôi lại kiêm thêm việc trông giữ trẻ.

Ngày xưa có cái nong. Cái nong to đùng, bác tôi hay phơi thuốc lào vào đấy. Những lúc không phải mùa thuốc, chị tôi lôi ra để giữa sân, đổ đầy đồ chơi vào. Đây búp bê, đây ngày hè, công chúa. Thỉnh thoảng hai chị em cũng dỗi nhau, tôi không thèm ngồi vào cái nong nữa, lên nhà, chơi xếp hình một mình. Bọn trẻ con hàng xóm cũng hay sang. tôi nhận làm chị cả, làm cô giáo, tha hồ sai vặt chúng nó.

Có lần đám bạn của tôi sang chơi. Năm ấy tiểu học, chúng nó còn ngồi nhặt rau, nấu cơm cùng. Lúc chơi hăng quá, một đứa bị chó cắn. Tôi vẫn nhớ như in cả nhà xúm lại bôi thuốc cho nó. Khổ thân con bé, mà giờ lớn lên, nó xinh nhất làng, nhất tỉnh tôi luôn rồi.

Bà ở cùng chúng tôi, nên mỗi lần trung thu, hay rằm, Tết, tất cả các bác đều vào nhà tôi cả. Nhớ có năm trung thu, hồi tôi còn chưa mọc tóc, tôi đội cái tóc giả đúng "mốt" thời bấy giờ, mặc cái váy xòe trắng, xong quần tất đỏ. Nhìn lại ảnh trông ngố cực. Anh chị em tôi cũng thế, nào là mặt nạ Tôn Ngộ Không, gậy Như Ý, đầu lân, đủ cả. chiếu trải đầy sân, xếp bánh trung thu hình cá, nhân thập cẩm. Hồi ấy chưa chuộng nhân ngọt như bây giờ, tôi toàn ăn vỏ. bác tôi bảo lần sau đặt cho cái bánh không nhân, nhưng năm sau, vẫn phải ngồi tách vỏ. Chúng tôi bày một cái bàn, phủ giấy lên, ghi chữ Đón Trung thu các kiểu, dán vào nhau bằng hạt cơm nguội. Bên trên bày nào là bưởi, là hồng, bày đầy bánh trái, có cả hoa. Ở giữa là hai ông Tiến sĩ giấy. Chao ôi, làm sao mà quên được. Đợi trăng lên đến đỉnh đầu, anh em tôi hát vài bài, cầm đèn ông sao đi quanh xóm, đi đến nhà văn hóa lấy kẹo về rồi cả nhà ngồi phá cỗ. Thực ra cái lúc chuẩn bị vẫn vui hơn. Phá cỗ thì mấy. Một loáng là hết, đặc biệt với cái lũ trẻ lâu lâu mới có dịp được thoải mái ăn quà. các dịp khác cũng thế, Tết, Sinh nhật, cũng chỉ vui lúc chờ đợi mà thôi.

Sau này, các nhà dần dần ra đô thị hết. Nói thế nào thì nói, ở nhà to, có phòng riêng vẫn thích hơn. Nhưng cũng vì thế, những ngày ngồi cả đại gia đình với nhau, quây quần bên bà, cũng dần ít đi hẳn. Hoặc là vì tôi lớn rồi, cũng phải đi học xa nên cái cảm giác ấy trở nên mai một. Không biết bây giờ lũ trẻ con trong nhà thấy thế nào?

"Giờ mỗi khi nhớ lại chuyện ấu thơ, tôi lại mê mẩn! Bà nội, các bác, các thím và các chị đều như nhân vật trong truyện cổ tích hay kịch. Nhưng trong mắt tôi, nhân vật chính của vở kịch ngày ấy chính là tôi. Hồi ức đẹp đẽ ngọt ngào làm sao!" (Phong Tử Khải)

Chuyện xưa dần tan như mộng, nhưng mỗi lần quay lại nơi chốn cũ, chạm tay vào chiếc cột mối mọt gần hết trong lòng, một vài xúc cảm lại hiện ra, mai một, nhưng nó vẫn còn ở đó. thi thoảng, ôn lại một chút, như uống chút rượu cũ, để yên lòng.


gom nỗi buồn đổi lấy một trận mưa
gom ngày xưa mang trưa về bình dị
gom tất thảy những miên du mộng mị
gói hết về trong phơn phớt nhị hoa

trong góc phòng còn vương vấn mình ta
trong phiêu linh nơi nhà xưa năm cũ
mảnh hồn kia thôi đã dừng ủ rũ

đơm nụ hoa xao xuyến thoảng ngang đời.

tản văn - Tố Diệp.PNG
 
Sửa lần cuối:
Từ khóa
nha tản văn đôi dòng nhớ về ngày xưa cũ
672
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top