Dự thi Hương vị quê nhà - Nguyễn Minh

Dự thi Hương vị quê nhà - Nguyễn Minh

Xuống máy bay, rời Nội Bài, xe ông bon bon trên con đường nhựa phẳng lì về Vân Đình dưới hai hàng phượng vĩ đỏ rực rỡ tựa những quầng lửa chen lẫn lá xanh rì dưới bầu trời tháng năm cao xanh vời vợi. Tiếng ve kêu râm ran trong tán lá như khúc nhạc giao hưởng tuyệt diệu của mùa hè, đưa ông trở về với mảnh đất thân thương của tuổi thơ.

Ông Thanh đỗ xịch ô tô trước khu vườn dường như đã quen thuộc với mình từ rất lâu. Bước ra khỏi xe tay xách chiếc ca - táp là một người đàn ông quắc thước ra dáng một trí thức với kính trắng lấp loá và bộ thường phục giản dị quần kaki, áo phông trắng cùng giày thể thao. Dợm bước xuống nền con ngõ xi măng nóng rẫy, giữa cái nắng như đổ lửa ông rút khăn mùi soa thấm những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt chữ điền. Khu vườn vẫn nhiều cây cối sum suê và hơi tối mà khi nhắm mắt lại ông cũng có thể mường tượng ra, trên nền đất hiện ra những bông hoa nắng lung linh. Hương hoa bưởi thoang thoảng đâu đây cùng mùi hương của ổi chín thơm lựng như muốn níu chân người khách lạ phương xa.

Ông bỗng gọi lớn:

- Có ai ở nhà không ạ?

Không có tiếng đáp lại. Nhận thấy chiếc cổng gỗ hé mở, ông mạnh dạn đẩy vào trong. Một cảm giác mát mẻ vô cùng khoan khoái dễ chịu chiếm lấy cơ thể ông. Khu vườn vẫn như xưa, chỉ có ngôi nhà là đổi khác: nhà mới xây, mái bằng, nền lát gạch hoa sáng loáng. Ngôi nhà bị bóng râm của vườn cây trùm lên, phải định thần lại ông mới nhìn thấy rõ.

Bóng một người bé nhỏ, gầy guộc, lưng còng, tóc bạc trắng mang trên người bộ quần áo nâu sòng từ thế kỉ trước lầm lũi bước ra, khuôn mặt bà hằn in những nếp gấp của thời gian. Ngạc nhiên và bất ngờ, bà ngừng nhai trầu, lộ ra hàm răng đen bóng:

- Cậu là ai?

- Dạ, con là Thanh, học trò của thầy Đức đây ạ…


- Thanh nào ấy nhỉ?

Đoán chừng bà không nhận ra mình vì xa quê đã ngót mấy chục năm, ông phân trần:

- Cụ có nhớ bà Cả Bình hàng xóm ngày xưa của cụ có con trai là thằng cu Thanh hay sang nhà cụ trèo cây ổi bị ngã gãy chân không ạ?

- Bà Cả Bình thì…à, bà nhớ ra rồi. Thằng cu Thanh học giỏi nhất làng Vân Đình nhưng cũng nghịch ngợm không kém, xin được học bổng toàn phần bên Pháp đây mà. Nhanh quá, ra là thằng cháu học trò thầy Đức nhà này đây,...
- đôi mắt mờ đục của bà bỗng chốc đỏ hoe rồi hình như ươn ướt vì xúc động.

- Bố mẹ con bên ấy vẫn khoẻ cả chứ? Bà Cả Bình tuy là hàng xóm nhưng thân thiết với bà như hai chị em ruột. Cả gia đình chuyển đi khiến bà buồn lắm!

- Dạ, bố mẹ con vẫn khoẻ. Mẹ con vẫn cứ hay nhắc đến bà và thầy Đức đấy ạ!


Bà cầm lấy tay ông, kéo vào trong nhà khiến ông cảm nhận được đôi bàn tay gầy guộc nhiều vết chai sần thô ráp của người phụ nữ có cuộc đời lam lũ, tảo tần.

Mâm cơm đang ăn dở đơn sơ với cà muối, canh cua và đậu phụ rán. Bà lấy thêm bát và đũa mời ông.

- Ăn đi con. Bà chỉ có rau mắm qua ngày, con đừng khách sáo.

Mấy chục năm qua sống nơi đất khách quê người ông đã quen với vô vàn những sơn hào hải vị của những món ăn Pháp từ các loại bánh ngọt hảo hạng đến những món ngon khó cưỡng: bò bít tết + khoai tây chiên, súp hải sản, bánh Crepe, sườn cừu, gan ngỗng,...Nhưng chúng không thể nào so sánh được với hương vị những món ăn dân dã của quê hương với vị giòn tan mặn mặn chua chua của cà pháo quyện với vị béo béo ngậy ngậy của đậu phụ rán, chan thêm canh cua ngọt mát. Tay bưng bát cơm nóng gạo mới dẻo thơm mà lòng ông rưng rưng một cảm xúc trào dâng, khó tả. Giữa không gian yên lặng, tịch mịch chỉ có tiếng chim hót ríu rít, bao nhiêu kỉ niệm thời thơ ấu lại sống dậy trong ông.
-----o0o-----​

Ngày ấy giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc điên cuồng trong khi chiến trường miền Nam đang trên đà thắng lớn. Bác Hồ kêu gọi cả nước: “Dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải dành cho được tự do, độc lập”. Không khí thời chiến lan rộng, cả nước bước vào tư thế sẵn sàng tay cày - tay súng, tay búa - tay súng luôn trong tư thế vừa sản xuất vừa chiến đấu. Trước tình thế ngày một căng thẳng, một số cơ quan trường học được lệnh sơ tán ra khỏi thành phố.

Chị Hiền con bác họ ở Hà Nội sơ tán về nhà ông. Chị tuy bằng tuổi ông, học lớp bốn nhưng rất ra dáng người lớn, thông minh, lại hiểu biết rộng. Thấy ông nghỉ học giữa chừng hi sinh bản thân chỉ quanh quẩn ở nhà phụ mẹ, chăm sóc các em và đi dệt chị thương lắm. Ngày ông còn đi học cả nhà chỉ trông vào gánh hàng xén của mẹ ông nên bữa no thì ít mà bữa đói thì nhiều. Cơm không có mà ăn chỉ húp cháo loãng và độn khoai sắn qua ngày. Có khi húp nước gạo suông. Có hôm đói quá, lả đi trên lớp, thầy Đức dạy ở lớp bên biết chuyện đã cõng ông về nhà. Mẹ ông xót quá dằn lòng mình: “Dù có thiếu thốn thế nào hay nợ cũng cố cho các con được ăn cơm”. Chị Hiền biết chuyện đánh vào tình cảm của mẹ ông, nói ông mà thế này thì làm sao có tương lai. Rồi chị thì thào vào tai ông rằng chị có cách. Ông nghe xong mà trong lòng sướng rơn. Ông phục tài chị ấy thật, không biết chị nói thế nào mà mẹ ông đồng ý cho ông đi học trở lại. Vậy là ông lại được đi học cùng chúng bạn rồi.

Lớp học mới của ông là một cái lán tre lợp rạ, xung quanh bốn bề luỹ dày đắp đất. Trong lớp có hai dãy bàn ghế, dưới gậm bàn là hai dãy hào chạy xuyên ra ngoài có các nhánh hào dẫn vào các căn hầm tre hình chữ A, đắp đất rất kiên cố, nằm dưới những gốc cây. Lớp học nằm giữa một vườn ổi xum xuê, từ xa nhìn lại như một chiến luỹ xanh. Còn ông và các bạn đi học vai đeo túi cứu thương, cổ quàng khăn đỏ, đầu đội mũ rơm, tay mang cặp sách.

Nhận dạy lớp ông là thầy Đức, con trai duy nhất của cụ Mẫn, hàng xóm nhà ông. Ông vô cùng sung sướng vì thầy xếp chị Hiền ngồi cạnh ông. Thầy Đức học giỏi nổi tiếng làng Vân Đình, thầy học trường Đại học sư phạm Hà Nội khoa Toán ra trường với tấm bằng hạng ưu được giữ lại trường làm giảng viên nhưng không hiểu sao thầy xin về dạy cấp một ở quê. Hôm nay ông mới biết nguyên do nhờ đâu ông được đi học và tại sao thầy Đức nhất quyết về quê dạy học. Đó là từ câu chuyện của bà cụ Mẫn.

Ông tần ngần đứng trước bàn thờ với ba bát hương đặt trước di ảnh của hai người đàn ông rất trẻ, chưa đầy ba mươi tuổi có nét hao hao giống nhau, đặc biệt là đôi mắt to và sáng lấp lánh như hai vì sao với cái nhìn ánh lên nét hiền từ với người đối diện. Ông đặt lên bàn thờ cạnh đĩa ổi một gói bánh mà vợ ông khéo léo cài vào trong chiếc phong bì, nhẹ nhàng rút nén hương châm lên ngọn đèn con đặt ở một góc bàn thờ. Cắm nén hương xong, ông thành khẩn chắp tay khấn. Người đàn ông bên cạnh ảnh thầy Đức là cha thầy. Ông Tâm theo Cách mạng rải truyền đơn bí mật thời thuộc Pháp bị bắt và xử tử lúc tuổi đời hai chín. Lúc đó cụ Mẫn đang mang thai sắp sinh ra thầy, hay tin mà lòng đau như cắt nhưng bà cụ nén đau thương để bình tâm sinh ra đứa trẻ tội nghiệp mồ côi cha từ lúc đỏ hỏn. Nhà neo người, mẹ thầy ngày ngày rao tìm mua lông gà, lông ngan, lông vịt khắp làng Vân Đình và các làng khác từ sáng sớm đến tận chiều muộn. Cứ nghe tiếng rao: “Ai bán lông gà, lông ngan lông vịt đồng nát không?” là mọi người trong làng biết ngay là bà cụ Mẫn.

-----o0o-----​

Lại nói chuyện thầy Đức dạy lớp ông. Được đi học, ông vui như Tết nhưng cái lớp ông được xếp học kém nhất trường. Không thầy cô nào dám nhận dạy. Chỉ có thầy đồng ý. Các bạn ông đa phần là con em nông dân đen nhẻm đen nhèm như củ súng, đầu tóc cháy nắng khét lèn khét lẹt. Dù còn ít tuổi nhưng đứa nào đứa nấy phải lo phụ gia đình việc nhà nông: chăn trâu cắt cỏ, vớt bèo, nấu cám, bắt cá, đánh dậm...nên chẳng có thời gian học hành.

Ông ấn tượng nhất là hình ảnh buổi đầu nhận lớp, sau khi giới thiệu bản thân, thầy đã cho cả lớp làm bài kiểm tra tất cả các môn. Hôm trả bài, tất cả đều xơi trứng, chỉ có chị Hiền là được điểm 10.

Cách giảng bài của thầy vô cùng đặc biệt. Ví như môn sử, thầy không cho ghi chép dài mà chỉ cho ghi năm và sự kiện, do đó chỉ cần nhìn năm và nhớ ra bài học. Thầy kể những câu chuyện lịch sử bằng giọng trầm ấm dễ đi vào lòng người khiến cả lớp say sưa nghe giảng. Ngoài bài học thầy còn kể thêm những câu chuyện về những vị anh hùng dân tộc từ xưa đến nay, khiến cả lớp tưởng như nghe thấy tiếng ngựa hí, voi gầm tiếng quân hò reo lúc thắng giặc ngoại xâm khi vua Quang Trung kéo quân ra Bắc vào đúng mùa hoa đào nở hay hình ảnh Bác Hồ kính yêu lãnh đạo toàn dân chống Pháp và Mỹ. Khi câu chuyện hết rồi mà cả lớp nhao nhao đòi thầy kể tiếp.

Giờ toán thầy giảng rất kĩ những quy tắc rồi yêu cầu cả lớp phát biểu xem hiểu đến đâu, ai hăng hái phát biểu sẽ được cộng điểm đồng thời thầy kiểm tra ngay trên lớp nhiều lần làm sao cho học sinh thực sự hiểu bài mới thôi. Để động viên, khích lệ tinh thần ham học hỏi và sự sáng tạo của học trò thầy cho cả lớp làm báo tường, ai cũng phải làm văn hoặc thơ. Những minh hoạ tuy còn non nớt, nguệch ngoạc nhưng vẫn được thầy hoan nghênh.

Có một luồng gió mới đã thổi vào cái lớp học này, xua tan đi những tự ti, mặc cảm của lớp kém nhất trường. Yêu sao những giờ địa lí thầy vẽ bản đồ trên bảng, viết các địa danh rồi lần lượt gọi học sinh lên bảng chỉ vào bản đồ và phát biểu. Rất thực tế và dễ hiểu. Cả lớp hiểu bài ngay trong giờ học. Theo thời gian, điểm kém ít dần. Thầy ráo riết cho học sinh ôn tập, kiểm tra ngay tại lớp. Hết học kì một, mình thầy vực dậy cái lớp cá biệt ấy trở thành lớp đạt yêu cầu. Sang học kì hai thầy đề ra mục tiêu cho cả lớp phấn đấu để cuối năm trở thành lớp tiên tiến.

-----o0o-----​

Bà cụ Mẫn mời ông uống nước, ăn ổi và trò chuyện thân mật. Cụ nói:

- Thầy Đức quý con nhất trong cái lớp học tre lán ngày ấy. Chính thầy đã đến nhà vận động bà Cả Bình cho con được đi học đó. Thầy nói con có tố chất hơn người. Nếu con được ăn học tử tế sẽ trở thành người có tài, giúp ích cho quê hương, đất nước....Giờ con thành đạt rồi, quả là có phước lớn.

Giờ thì ông đã hiểu chị Hiền nhờ thầy giáo đến vận động mẹ ông cho ông được học trở lại.

- Vâng, con đã hoàn thành lời hứa khi xưa với thầy trở thành Giảng viên dạy ở Đại học Y Paris và mở bệnh viện chữa bệnh ngay ở đó.

- Sao con không quay về Việt Nam? Về giúp cho quê hương đất nước con ạ.

- Dạ, con đang triển khai chương trình chữa bệnh miễn phí cho trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo miền núi nước ta.

- Vậy à, thế thì tốt quá. Thầy Đức nơi chín suối chắc ngậm cười…Giá mà nó…
- Cụ Mẫn lấy vạt áo gạt nhẹ nước mắt.

Ông không biết nói gì hơn cũng rút khăn thấm nhẹ đôi mắt đang cay cay. Nếu thầy còn sống thì chắc giờ này đã con đàn cháu đống. Tự dưng một cảm giác vừa xót xa vừa thương cảm trào dâng trong lòng. Xót xa cho cuộc đời ngắn ngủi của thầy và thương cảm cho số phận éo le, ngang trái của mẹ thầy.

Nâng chén nước nhỏ trong tay ông nghe như dậy lên mùi hương nhè nhẹ dịu mát của hoa nhài, nước đi đến đâu toàn bộ cơ thể bỗng lâng lâng, nhẹ bẫng đến đó. Miếng ổi giòn ngọt tan nơi đầu lưỡi mới thấy ý vị của ngày xưa và nhất là cái kỉ niệm khó quên một lần trèo ổi bị gãy chân. Không có thầy chắc ông trở thành kẻ tàn phế suốt đời.

Hè nào ông cũng xin mẹ sang nhà thầy trèo ổi. Hôm đó lơ đễnh thế nào mà ông bị trượt chân ngã xuống đất xõng xoài. Sáng chủ nhật hôm đó, đang ngồi soạn bài thầy nghe tiếng bịch rất lớn, chạy ra thì ra thằng cu Thanh con bà Cả Bình bị ngã máu chảy lênh láng ở ống chân. Thầy vội vàng chạy đến lấy mấy chiếc khăn mặt, dùng kéo cắt thành những dải dài rồi dùng hai cái thước gỗ nẹp hai bên quấn tạm những chiếc dây - khăn mặt. Thầy lấy ngay chiếc xe cải tiến xốc ông lên đặt trên đó rồi chạy như bay đến bệnh viện ngay gần đó. Cũng may là bệnh viện gần nhà. May mà thầy sơ cứu kịp thời nên ông bị bó bột ba tháng.

Vì nghỉ học dài dài nên ông không theo kịp chương trình trên lớp. Tối nào thầy cũng phụ đạo kèm cho ông học. Kể từ đó hai thầy trò thân thiết như hai anh em. Có sách hay thầy lại cho ông đọc ké để nâng cao kiến thức. Trong thâm tâm ông biết rất rõ thầy thương yêu ông nhiều lắm. Dần dà ông học giỏi nhất lớp, vượt cả chị Hiền. Ông thổ lộ với thầy ước muốn sau này cũng trở thành thầy giáo. Biết được điều đó, thầy vô cùng xúc động. Thầy bảo rằng dạy chữ chỉ là một phần, trở thành người thầy có tâm, có đức, dạy học trò học làm người mới quan trọng. Lời dạy đó khiến ông khắc cốt ghi tâm.

Một cảm xúc vừa ngưỡng mộ vừa biết ơn của mình dâng đầy lên trong lòng như nhắc ông rằng sẽ trở thành một người tốt như thầy, giúp đỡ những kẻ yếu thế hơn mình với tấm lòng rộng mở.

-----o0o-----​

- Ngày đó, thầy Đức cứ nằng nặc đòi đi chiến trường. Bà biết thầy con có mối thù với những kẻ đã giết cha. Thầy đòi về đi dạy gần nhà là vì sợ bà cô đơn. Tội nghiệp thằng bé… Ngôi nhà này là xã xây tặng cho bà vì hoàn cảnh goá bụa, côi cút. Bà biết ơn Đảng, biết ơn cụ Hồ lắm…

Thật đáng thương cảm cho mẹ con thầy Đức quá! Hồi còn dạy lớp ông, sau tiết dạy nghỉ giữa giờ, trong khi học sinh nô đùa ầm ĩ thì một mình thầy ngồi đó với vẻ đăm chiêu, tư lự. Chị Hiền lôi ông ra một góc thì thào:

- Em đã biết chuyện gì chưa?

- Chuyện gì cơ?
- ông ngơ ngác.

- Thầy giáo bị nhà trường phê bình.

Ông ngạc nhiên hết nấc, không biết thầy mắc lỗi gì, thầy đang dạy học trò rất tiến bộ mà.

- Em không biết gì à, nhà thầy rất nghèo, thầy không có xe toàn cuốc bộ đi dạy. Thầy phải nuôi mẹ đau ốm quanh năm. Lương giáo viên thấp quá, ngoài giờ dạy thầy còn phải ra sông kéo cá, tôm lấy tiền đong gạo và mua thêm thức ăn. Nhưng nhà trường bảo không được làm vậy. Làm vậy là mất hình ảnh thầy giáo.

Tôi choáng người, thương thầy quá. Kéo cá thì có gì là xấu nhỉ?

Cuộc chiến tranh ngày càng khốc liệt, cả nước lên đường vào mặt trận phía Nam. Thầy xung phong đi chiến trường, lớp ông nháo nhác như gà con lạc mẹ, nhà trường điều về dạy lớp ông là một thầy giáo trẻ mới ra trường. Thầy rất nhiệt tình giảng dạy nhưng trong những con tim non nớt của học trò hình ảnh thầy giáo cũ vẫn chiếm trọn.

Ngày hội tòng quân tưng bừng, nhộn nhịp trong tiếng trống, tiếng loa phóng thanh, những dòng người từ các ngả đường đổ về sân đình nơi các đơn vị tuyển quân chuẩn bị đón người ra mặt trận. Từng đoàn xe nối đuôi nhau xanh rờn lá nguỵ trang đã sẵn sàng ra mặt trận. Bà Cả Bình, bà cụ Mẫn và lớp ông đến tiễn thầy lên đường, bịn rịn theo thầy ra xe. Tất cả đều xúc động không nói lên lời. Khi xe sắp chuyển bánh, thầy dặn dò cả lớp học hành chăm chỉ và chịu khó giúp đỡ gia đình. Xe lăn bánh, mọi người nhìn theo bóng dáng thầy trong bộ quân phục màu xanh khuất dần cùng với với nhiều đồng đội, lá nguỵ trang xanh rì trong gió sớm…

Không ai biết được rằng đó là lần cuối cùng mình được nhìn thấy hình ảnh của thầy. Thầy đã hi sinh trong một trận tiến công vào đồn địch. Những gì còn lại của thầy chỉ là bộ quân phục và chiếc ba lô. Cả lớp ông khi đó khóc như mưa còn bà cụ Mẫn ngất lên ngất xuống. Khi đó thầy vẫn chưa có người yêu.

Riêng ông sẽ nhớ mãi hình ảnh người thầy đội chiếc mũ lá với bộ quần áo kaki đã phai màu, cặm cụi nhặt từng con cá, con tôm bên bờ sông lộng gió. Và đặc biệt khắc sâu trong trái tim mọi người về thầy là hình ảnh người thầy tận tình trên bục giảng và người chiến sĩ kiên cường nơi tuyến đầu diệt giặc.

Chiếc xe lao nhanh trên đường phố, để lại sau lưng khu vườn ghi dấu bao kỉ niệm về người thầy kính yêu với hình ảnh người mẹ như chiếc bóng lặng lẽ, liêu xiêu trong ánh chiều tà. Ôi, dưới ánh tà dương biết có khi nào gặp lại? Bỗng giọng ca da diết của ca sĩ Tùng Dương vang lên như đồng cảm với những dòng suy tưởng đang miên man chảy trong ông.

Quê nhà tôi ơi, xứ Đoài xa vắng

Khói chiều mênh mông, sông Đà buông nắng

Nhớ thương làng quê, luỹ tre bờ đê

Ước mơ trở về nghe mẹ hiền ru bên thềm đá cũ

Quê nhà tôi ơi, con đường qua ngõ

Bóng mẹ liêu xiêu trong chiều buông gió

Nhớ thương đàn con

Biết phương trời nào

Áo nâu mùa đông thương mình lận đận

Đêm buồn mẹ ru…


Nguyễn Minh
Hương vị quê nhà - Văn học trẻ.jpg


@Ảnh: Hương vị quê nhà - Văn Học Trẻ. Nguồn: internet.

 
Sửa lần cuối:
  • Like
Reactions: Phong Cầm
927
1
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Bình luận mới

Top