Dự thi Mãi yêu màu áo trắng

Dự thi Mãi yêu màu áo trắng

Truyện ngắn dự thi "Mùa Yêu đầu":

MÃI YÊU MÀU ÁO TRẮNG

1. Hôm nay bất chợt rét nàng Bân tràn về, bầu trời âm u, se se lạnh.

Buổi sáng, như thường lệ sau khi làm bữa ăn sáng cho cả nhà xong chị lại pha cho riêng mình một ly café rồi lên ban công tầng 2 nơi có giàn hoa hồng đang khoe sắc và nhâm nhi thưởng thức hương vị đặc trưng của café phố núi cao nguyên mà người bạn thường hay gửi cho chị. Nó như là một thói quen khó bỏ. Khi nào chồng không bận thì hai vợ chồng chị thường ngồi cùng nhau, có khi chỉ là lặng im nắm tay nhau ngồi ngắm phố phường trong nắng sớm, cũng có khi chỉ có một mình chị ngắm những cánh hoa còn ngậm sương trong tia nắng ban mai.

Suốt cả tuần nay kể từ khi giãn cách toàn xã hội chị hầu như ngày nào cũng lên đây ngồi nhìn ra con phố vắng với những hàng cây xào xạc lá, một bầu không khí tĩnh lặng trong lành, tinh khiết, đâu đó có những tiếng chim lích chích gọi nhau, điều mà lâu lắm rồi chị không còn cảm nhận thấy bởi sự ồn ã của phố phường.

Chị đang mải mê lắng nghe tiếng chim, ngắm nhìn những cánh hoa hồng chúm chím thì chợt nghe tiếng chiếc điện thoại “gừ…gừ…” trên bàn. Với tay lấy máy, ngó vào màn hình chị thấy hiện lên số điện thoại quen thuộc được chị đánh dấu là yêu thích với cái tên “BLOUSE”, chị mỉm cười đưa lên máy lên nghe, chưa kịp để chị lên tiếng đầu bên kia đã vang lên tiếng đàn ông trầm ấm:

- Ô, chào dược sỹ, giờ này chắc em vẫn nhâm nhi café trên ban công đấy nhỉ?

- Vâng, em chào bác sỹ, sao nay bác sỹ lại rảnh mà gọi cho em thế? Lại còn biết em ngồi café trên ban công nữa chứ?- Chị vui vẻ trả lời.

- Nếu như em chưa bỏ đi những thói quen thường ngày thì anh dễ đoán ra thôi. À, hôm nay rét nàng Bân đang về, ngoài trời lạnh đấy, em mặc thêm áo ấm nhé. Nhớ giữ ấm cho cơ thể kẻo ho!

Chị chợt lặng người, theo bản năng chị kéo chiếc khăn đang choàng hờ trên vai vắt ngang qua cổ rồi mới trả lời:

- Vâng ạ, em cảm ơn anh, bác sỹ! Anh cũng giữ gìn sức khỏe để cùng đồng nghiệp chiến thắng Covid nhé!

Đầu máy bên kia chợt bật lên tiếng cười vang sảng khoái:

- Em đừng lo, bác sỹ bọn anh rất khỏe, sẽ đẩy lùi Covid nhanh thôi, Việt Nam sẽ chiến thắng em ạ! Em nhớ thực hiện tốt việc giãn cách xã hội nhé! Hôm nào xong việc anh về anh em mình sẽ gặp lại nhau. Anh đang trực vừa giãn bệnh nhân một chút, anh ra ngoài hít thở không khí thì thấy lạnh và nhớ em. Nhớ những ngày tháng thanh xuân cũng tiết trời sau tết, anh đèo em bằng xe đạp đi chơi. Rét nàng Bân vừa đủ cho anh cảm nhận được hơi thở nóng hổi của em qua lưng chiếc áo bay của lính.

Lặng đi một lúc nhưng chị có thể hình dung ra đầu máy bên kia anh đang tủm tỉm cười, rồi lại có tiếng anh nhẹ nhàng hỏi:

- Em còn nhớ không?

Chị lặng im, nghe con tim mình đập mạnh, làm sao chị quên được chứ, nhưng phải nói với anh thế nào đây, tất cả đã qua rồi, và mọi cái đã trở thành hồi ức, phải, tất cả đã trở thành hồi ức, một lát sau chị chợt buột miệng:

- Em nhớ ạ, nhưng là hồi ức anh à!

- Anh biết. Nhưng anh còn nhớ em nói yêu màu áo lính, yêu màu áo blouse và anh đã từng mặc cả hai màu áo ấy và giờ đây anh lại đang mặc 2 màu áo ấy.

Chị bồi hồi, thấp thoáng trước mặt chị như đang hòa trộn hai màu áo ấy bay qua, bay lại, chị khe khẽ đáp:

- Vâng ạ, em vẫn nhớ và chưa bao giờ em hết yêu màu áo ấy anh ạ!

Đầu máy bên kia chợt vang lên tiếng những bước chân gấp gáp, tiếng những chiếc bánh xe lăn lộc cộc trên nền xi măng mà chị đã quá quen thuộc. Tiếng anh gấp gáp:

- Anh có ca cấp cứu rồi, anh dừng nhé. Em nhớ giữ gìn sức khỏe!

- Vâng anh, chúc bác sỹ chiến thắng dịch bệnh nhé!

Buông điện thoại mà con tim chị vẫn như ở nơi đâu. Sau bao nhiêu năm anh vẫn thế, vẫn lãng mạn và quan tâm chị như ngày nào. Ai bảo dân Toán khối A là khô khan nhỉ? Chị không tin. Ít ra thì vẫn còn anh chống lại cái nhận định ấy.

Anh ít khi gọi điện thoại cho chị chỉ khi có công việc đột xuất hoặc liên quan đến công việc chị hỏi về chuyên môn để cắt thuốc cho bệnh nhân mà thôi. Chắc tại rét nàng Bân chăng? Chỉ mỉm cười xòe tay ra ngoài hiên. Lạnh thật và em sẽ mặc thêm áo, quấn khăn lên luôn đây bác sĩ ạ! Tự nhiên chị thấy yêu đời và hạnh phúc vì giờ vẫn được có người nhắc mặc ấm nhé. Chị nhấp ngụm café mà mỉm cười một mình. Trong cái lặng yên của một sớm ban mai bất chợt những dòng ký ức xưa cũ nằm sâu đâu đó trong lớp bụi thời gian chợt lũ lượt ùa về như những đợt sóng biển ào ạt xô vào bờ cát lặng yên.
tải xuống.jpg


2. Tháng 4 năm 1972. Hà Nội được lệnh sơ tán toàn thành phố sau khi Tổng thống Mỹ Nixon cho không quân tập kích Hà Nội, B52 rải thảm Hải Phòng.

Ngọc đang lúi húi chuẩn bị đồ đạc cùng mẹ và chị gái thì anh trai ở đâu ào về:

- Đợt này con sẽ đưa nhà mình lên Làng Mía, Sơn Tây nơi nhà anh bạn con để sơ tán, mẹ và hai chị em thu dọn nhanh lên rồi mình đi.

Rạng sáng ngày 17/4/1972, Ngọc cùng cả nhà gồng gánh nhau trên quãng đê sông Đáy theo đoàn người rồng rắn nhau với các thử đồ lỉnh kỉnh xoong nồi, bếp dầu, chăn màn, rời Thủ đô đi về những miền quê.

Ngọc theo chân anh trai cùng gia đình về làng Mía thuộc xã Đường Lâm, Sơn Tây nơi sinh ra 2 ông vua là Phùng Hưng và Ngô Quyền. Đó là một ngôi làng trung du, nhà dân hầu hết xây bằng gạch đá ong. Giếng sâu và nước trong vắt. Làng Mía với những con đường làng sạch sẽ, bình yên. Gia đình Ngọc ở là nhà của anh Kim, bạn cùng học Đại học Quân y (*) với anh trai Ngọc, nhà chỉ có một mình mẹ Kim, bố Kim cũng như bố Ngọc theo chân các đoàn quân vào Nam chiến đấu. Thi thoảng Kim được nghỉ hay đoảng về thăm nhà, và chính trong những dịp này họ đã quen với nhau.

Mỗi lần thấy Kim trong bộ quân phục về đến nhà là lòng Ngọc lại thấy náo nức đến lạ, nào nức vì được nom thấy bộ quân phục mà mình hằng yêu thích từ bao giờ không biết nữa. Có lẽ là từ người anh trai mà Ngọc hằng yêu quý. Anh trai hơn Ngọc 3 tuổi, cũng là bạn học Đại học với Kim. Từ bé Ngọc đã hay chạy theo anh chơi đủ các trò chơi của con trai như đánh đáo, đánh khăng, vật, chạy...và cả đánh nhau cùng lũ trẻ trong phố nữa. Nhưng kiểu gì Ngọc cũng bám sát anh, mặc dù anh rất ghét cái trò bám đuôi của một đứa con gái. Mặc kệ, Ngọc chỉ thích chơi khi có anh cùng chơi trong nhóm đó mà thôi. Ngọc là con gái nhưng thích trò chơi của con trai như đá cầu, đá bóng và chơi trận giả nữa, nhất là trò công an bắt gián điệp. Năm tháng tuổi thơ của anh em Ngọc cứ lớn dần lên như vậy. Từ bé Ngọc đã rất thích hình ảnh các anh bộ đội, cứ mỗi lần có đoàn bộ đội hành quân qua nhà là kiểu gì Ngọc cũng đứng vẫy tay mãi rồi sau đó chạy theo. Thế rồi, hết lớp 10, anh trai Ngọc thi tuyển vào trường Đại học Quân Y. Anh vào quân đội, Ngọc mừng lắm, mỗi lần thấy anh mặc quân phục về nhà là lại suýt xoa trầm trồ đứng ngắm và xoắn xuýt lấy anh cả buổi. Ngọc ngưỡng mộ anh trai lắm và thường hãnh diện về anh và các bạn của anh. Năm nay Ngọc lên lớp 10, anh trai bước vào năm thứ 3 đại học. Lúc này Ngọc trở thành thiếu nữ, biết e thẹn và tự nhiên ít nói hẳn, không nghịch và không vòi vĩnh anh cho đi chơi nữa, và cũng đã biết giúp anh nhiều việc như tiết kiệm tiền riêng của mình cho anh khi cuối tuần anh về, biết giặt chiếc áo blouse, bộ đồ quân phục cho anh mà không cần anh phải nhờ vả….

Rồi trái tim thiếu nữ của Ngọc cũng đập liên hồi khi chạm ánh mắt của Kim- anh bạn học của anh trai mỗi khi anh về thăm nhà...Ngọc chả học được mà chỉ nghĩ về Kim, nói chung là trái tim Ngọc đặt ở trên đầu. Anh trai biết và quán triệt tinh thần là “cấm yêu và đặc biệt là cấm yêu bộ đội”, vì thương em gái sau này nếu lấy bộ đội sẽ vất vả.

Những ngày tranh thủ về thăm nhà biết Ngọc đang chuẩn bị thi vào Đại học, Kim thường bồi dưỡng thêm kiến thức cho Ngọc, được biết Kim cũng là một học sinh giỏi trong những năm học phổ thông Ngọc càng thêm phần ngưỡng mộ. Những khi rảnh rỗi Kim lại lấy xe đạp chở Ngọc dạo quanh những con đường rợp bóng cây trong làng rồi lên con đê vi vút gió ngắm con sông Hồng đục ngàu phù sa…Ngồi phía sau Ngọc bồi hồi ngắm cảnh làng quê vừa hít hà chút hơi ấm phả ra từ chiếc áo quân phục của Kim đang mặc…

Những ngày ở Làng Mía, ngoài việc tranh thủ học Ngọc còn tham gia đào hầm chữ A cùng những người dân trong làng nhằm tránh bom đạn địch. Để có được công trình khá an toàn này Ngọc đã cùng các bạn sơ tán về đây phải lao động cật lực, rồi đi xin tre của dân để làm kèo chữ A. Với sức vóc của các cô cậu học trò thành phố, những ngày đầu chưa quen, nhưng rồi cùng hoàn thành những chiếc hầm chữ A chắc chắn.
53799262_2816345701924973_1504955376582262784_n.jpg


3. Cuối tháng 11/1972. Khi cục diện Hội nghị Paris đi vào bế tắc, nắm được ý định Mỹ lại tiếp tục cho B52 ném bom miền Bắc nhằm đưa miền Bắc xã hội chủ nghĩa trở về thời kỳ đồ đá. Ngọc lại tiếp tục ngược lên làng Mía nơi nhà Kim để sơ tán. Lúc này Ngọc đã trở thành cô sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Dược. Sau những ngày được Kim bồi dưỡng thêm kiến thức và cũng chính Kim và anh trai hộ tống đi thi khi sơ tán trở về Ngọc đã đỗ Đại học với số điểm rất cao, trong lòng cô luôn thầm biết ơn Kim, người anh- người thầy đã giúp mình rất nhiều trong những ngày sơ tán, chính trong những ngày ấy con tim Ngọc đã rung lên và thầm yêu Kim với với tâm hồn thiếu nữ trong veo, thánh thiện với ý nghĩ Kim chính là chàng hoàng tử đẹp trai bước ra từ trong những câu truyện cổ tích cô được đọc. Kim dường như cũng cảm nhận được những tình cảm của Ngọc giành cho mình. Nhưng giữa họ chỉ như một sự ngầm hiểu mà chưa chính thức nói với nhau những lời yêu thương từ tận đáy lòng.

Một buổi chiều, khi cả anh trai và Kim trở về với bộ dạng khẩn trương, Ngọc đã dự cảm sẽ có điều gì đó xảy ra. Anh trai đã đã gọi riêng Ngọc ra và nói:

- Có lẽ sắp tới địch sẽ rải thảm B52 ở Hà Nội và khắp các thành phố lớn ở miền Bắc, bọn anh sẽ tạm nghỉ học để tham gia cùng các đơn vị bảo vệ Thủ đô, nhất là việc cứu chữa thương binh và nhân dân còn ở lại.

Hai người ra đi, còn Ngọc ngày đêm ngóng về hướng Thủ đô cầu chúc cho hai người bình an.

Đêm ngày 18/12/1972. Mỹ chính thức dùng B52 ném bom Hà Nội. Cả đêm Ngọc không ngủ, đứng trên nóc hầm chữ A ngóng về Hà Nội. Bầu trời Hà Nội rực sáng những quả đạn tên lửa, những chùm đạn cao xạ và cả những vũ khí nhỏ như súng trường. Thỉnh thoảng bầu trời rực sáng cả một vùng, bắt đầu từ trên cao một chùm cầu lửa rơi xuống to dần rồi nổ tung thành nhiều mảnh sáng. Đó là những chiếc B52 bị trúng tên lửa và rơi xuống đất. Trong lần trước sơ tán ở nới đây, một lần Ngọc đã được chứng kiến tên lửa ta hạ máy bay Mỹ rất ngoạn mục. Quả thứ nhất bắn lên, chiếc F4 của địch rẽ phải ngoặt xuống đất tránh quả tên lửa, được một quãng thì bị quả tên lửa thứ 2 bắn muộn hơn đón đầu. Chiếc máy bay không kịp tránh quả thứ 2 và trúng tên lửa, bốc cháy dữ dội. Hai quả được phóng lệch nhau và có tính toán rất kỹ. Tên phi công kịp nhảy dù ra, nhìn rõ dù nó lơ lửng trên không rồi rơi xuống cách làng chừng 3, 4 km. Nhân dân hò reo đi bắt phi công Mỹ, tên này sau đó bị bắt và được giải lên tỉnh đội.

Đã từng chứng kiến cảnh B52 bắn phá, thậm chí còn chứng kiến những cảnh máy bay của ta quần nhau với những “Thần sấm”, “Con ma” trên bầu trời nhưng chưa bao giờ Ngọc thấy hồi hộp xen lẫn run sợ như khi này, Ngọc luôn chắp tay cầu nguyện cho người anh trai và người mình yêu quý đang ở Thủ đô được an toàn.

Đêm ngày 26 tháng 12, như có linh tính Ngọc thấy nóng ruột bừng bừng, lúc thì đứng ở sân nhà Kim, lúc thì thập thò ở cửa hầm chữ A ngoài vườn ngóng về Thủ đô nơi những chớp lửa không ngừng lóe sáng. Cho đến sáng hôm sau khi nghe tin phố Khâm Thiên đã bị bom Mỹ san bằng, Ngọc tức tốc lấy chiếc xe đạp đi một mạch không ngừng nghỉ về Thủ đô. Khi đến đầu phố Khâm Thiên, Ngọc đã sững người lại trước cảnh hoang tàn của khu phố sau trận bom. Đó là những hình ảnh mà suốt đời Ngọc không thể quên về chiến tranh ngay trên đất Thủ đô. Cả con phố bị san phẳng, tường sập, nhà bay, những hố bom lổn nhổn gạch đá, những thi thể người không còn nguyên vẹn vẫn còn vương vãi. Lúc này đây những người dân đang cố gắng dọn dẹp, cứu chữa, tìm kiếm những người còn hy vọng sống sót. Những bóng bác sỹ áo blouse trắng vẫn đang chạy ngược chạy xuôi. Vứt vội chiếc xe vào một góc Ngọc ngơ ngác đi lẫn vào những bóng người lặng lẽ, hai hàng nước mắt cứ chảy dài. Tang thương và chết chóc. Chưa bao giờ Ngọc lại chứng kiến cảnh mất mát lớn đến như thế này. Hoang tàn, đổ nát. Những con người chết không toàn thây. Ngổn ngang, bừa bộn…Không biết hai anh bây giờ ra sao? Ngọc nhủ thầm.

- Ngọc, Ngọc…sao em lại ở đây.

Đang đi giữa dòng người ngang dọc chợt có tiếng gọi giật giọng. Quay ra, một bóng áo blouse loang lổ màu khói bụi, một gương mặt quen thuộc nhem nhuốc trờ đến. Là Kim. Ngọc chỉ biết ôm chầm lấy Kim rồi òa lên nức nở như một đứa trẻ con.

- Anh Kim, anh trai em đâu?

- Bọn anh không sao. Đêm qua

ngay sau khi địch đánh phá nơi đây bọn anh đã có mặt để tìm kiếm và cứu chữa những người còn sống sót, chắc Tuân quanh đâu đấy thôi.

- Vâng, các anh không sao là em an tâm rồi, để em cùng phụ giúp các anh.

Ngọc gạt nước mắt rồi nhanh chóng cùng Kim làm nhiệm vụ.

4. Năm 1975, chuẩn bị tốt nghiệp thì Chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, thực hiện mệnh lệnh cũng như lời hiệu triệu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới chiến trường giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”, Tuân và Kim không tham gia thực tập mà xin theo đoàn quân đang hừng hực khí thế vào chiến trường tham gia giải phóng miền Nam với ý nghĩ, không thực tập ở đâu bằng thực tế chiến trường.

Ngày chia tay theo đoàn quân Nam tiến, Kim đã nắm chặt tay Ngọc rồi dặn:

- Chờ anh về em nhé!

- Vâng!- Ngọc gục vào vai Kim rồi thì thầm vào tai anh.

Chia tay hai người thân yêu Ngọc thầm cầu mong họ bình an trở về. Giá như anh trai và mẹ mà đồng ý thì giờ này chắc Ngọc cũng đã có mặt trong đoàn quân vào giải phóng miền Nam rồi. Bởi đã có lúc Ngọc muốn xin bảo lưu kết quả học để xung phong vào chiến trường. Nhưng anh trai cô can lại với lý do đã có bố và chị gái cũng tham gia trong ấy rồi, nếu Ngọc đi rồi ai ở nhà chăm sóc mẹ những lúc ốm đau, còn anh thì cũng bận những năm cuối. Và giờ đây anh cũng theo chân bố và chị đi nữa, chỉ còn mình Ngọc ở lại với mẹ già từng ngày ngóng trông người thân lành lặn trở về.
53833954_2816345641924979_4878865969587421184_n.jpg


5. Chị nhấp nốt ngụm cafe đã nguội bồi hồi nhớ lại những tháng ngày qua, vậy mà đã mấy chục năm trôi đi, ai rồi cũng đã già. Giá như ngày ấy chị đừng giận dỗi vu vơ, tự ái vì cái tôi quá lớn thì có lẽ giờ đây chị với anh đã ở chung một mái nhà.

Sau giải phóng anh về mang theo cho chị một con búp bê nhỏ xinh mà chị vẫn cất giữ đến tận bây giờ. Rồi anh nhận công tác tận Tây bắc xa xôi, những lá thư anh gửi về thấm đẫm yêu thương và anh cũng kể về nỗi vất vả của những người lính nơi biên cương. Chị thương anh nhiều, và cũng gửi tới cho anh những lá thư ướp đẫm tình yêu và cả nước mắt. Nhưng rồi anh gửi cho chị một lá thư bảo rằng có thể người lính như anh sẽ không mang lại hạnh phúc được cho chị, mong chị hãy đi tìm lấy hạnh phúc cho riêng mình. Chị đã giận anh vì nghĩ anh không còn yêu thương mình nữa, và có lẽ nơi xa ấy có lẽ chăng anh đã có người yêu mới nên mới vậy. Chị giận. Chị hờn. Chị không liên lạc với anh nữa. Rồi chị lấy chồng. Cho đến khi gặp lại anh chị mới biết anh vẫn yêu chị tha thiết và vẫn chưa có ai. Ngày ấy khi viết bức thư bảo chị đi tìm hạnh phúc cho riêng mình là lúc anh vừa mới khỏi dậy sau đợt sốt rét kéo dài 1 tuần lúc đi công tác xuyên rừng. Nằm điều trị một mình vừa nhớ chị quay quắt anh vừa thương chị và nghĩ nếu như chị gắn bó với anh khi đời lính phong sương nay đây mai đó liệu anh có đem lại hạnh phúc cho chị hay không, trong lúc mơ hồ ấy anh đã viết cho chị lá thư như một lời từ biệt. Chị ân hận và giận mình. Anh chúc chị hạnh phúc và đọc cho chị câu thơ của Tố Hữu “Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ…Anh giành riêng cho Đảng phần nhiều…phần cho thơ và phần để em yêu…”. Và anh đã dành riêng cho chị một góc nhỏ trái tim cho đến tận bây giờ. Với hai người cho dù tình yêu không thành vì nhiều lý do nhưng trong cả anh và chị đều không có sự trách móc hay hận thù mà chị luôn đau đáu một niềm tự hào hãnh diện vì một thời được anh ấy yêu thương, đó là tình cảm trân quý mà chị tôn thờ. Có lúc anh nói với chị rằng, có lẽ tại anh trai chị nên họ không đến được với nhau, anh bảo một lúc nào đó anh muốn gặp thằng Tuân (anh trai chị) để đấm cho nó một quả vì ngày xưa nó đã đấm anh khi anh thú nhận với nó là anh đã yêu em! Rồi anh cười và chị cũng cười, tất cả giờ đã là dĩ vãng. Anh giờ đã thành người thân trong gia đình chị. Với chị bây giờ anh như là một người anh lớn, người thầy và như ngọn hải đăng luôn dẫn đường cho chị trong công việc, cuộc sống và anh vẫn luôn quan tâm đến chị như một người anh trai với một người em gái nhỏ bé ngày nào.

Rồi cả anh và anh trai chị đều trở thành những bác sỹ, Sỹ quan cao cấp và công tác ở Bệnh viện đầu ngành của Quân đội. Họ về hưu khi cống hiến hết mình cho nền Y học Quân đội và của nước nhà.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, những người lính khoác trên mình màu áo trắng ấy lại xung phong lên tuyến đầu chống dịch. Anh bảo “Dịch bây giờ là giặc, ngày xưa anh đã đi đánh giặc, bây giờ còn sức anh vẫn tiếp tục tham gia đánh giặc, khi nào bình yên anh mới an tâm về hưởng tuổi già…”.

Chị thầm cầu chúc cho các anh mau chóng chiến thắng “giặc Covid” để chị lại được ôm bó hoa tươi thắm đến trước cổng bệnh viện chúc mừng các anh như năm nào chị thẹn thùng ôm hoa chúc mừng các anh nhân ngày 22 tháng 12 tại cổng trường Đại học Quân y của các anh.

**********


HẾT
Nguyễn Công Đức
 
1K
2
1

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top