Miễn phí
Bạn có thích miễn phí không? Chắc hẳn mỗi chúng ta ai cũng thích sự miễn phí cả. Mua hàng online thì luôn chọn mã freeship, chọn săn những đơn 0 đồng vì chúng miễn phí. Một số người vào siêu thị tranh thủ ăn những đồ được ăn thử vì nó miễn phí. Hay một số kẻ khác lợi dụng lòng hảo tâm, một lần lấy 2-3 suất cơm của người nghèo vì chúng miễn phí. Đúng vậy miễn phí giúp ta tiết kiệm tiền, miễn phí khiến chúng ta cảm thấy mình được lợi vì không phải cho đi nhưng vẫn được nhận về. Nhưng đồng thời miễn phí cũng khiến ta mất đi lòng trân trọng. Như khi săn được 1 món đồ 0 đồng ta có thể vô tình làm mất nó mà không thấy tiếc rẻ vì ra đâu phải bỏ tiền ra mua chúng. Khi nhận được đồ ăn miễn phí nhiều người ăn không hết, có khi chê bai nó, hay chỉ cắn thử một miếng cho biết vị rồi thẳng tay ném đồ thừa vào thùng rác. Thậm chí nhiều người táng tận lương tâm hơn, nhận những suất ăn từ thiện của người nghèo 30-40 nghìn rồi đem bán rẻ, dù 5 - 10 nghìn họ cũng bán để cốt thu được cái lợi từ miễn phí dù cái lợi ấy bèo bọt, rẻ mạt và hèn hạ như lương tâm của họ vậy. Miễn phí xuất phát từ sự hào phóng, giáo dục miễn phí, y tế miễn phí, cơ sở vật chất miễn phí nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển con người, nhưng đôi khi ta không biết quý trọng hay sử dụng sai lòng hào phóng đó. Trái lại ta quý trọng những thứ ta bỏ tiền ra mua hay bỏ công sức ra để có được. Ta nâng niu những món đồ hiệu mình mua, những túi da cá sấu, những đồng hồ nạm kim cương, nhiều khi không phải vì chúng là những món đồ được gia công, thiết kế tinh xảo mà vì chúng là những thứ rất đắt ta phải bỏ tiền túi ra mua. Tương tự như vậy ta đi ăn nhà hàng để thức ăn thừa thãi, thấy những đứa trẻ ăn cơm rơi vãi lung tung ta cũng thấy tiếc nhưng là tiếc cho túi tiền của ta chứ mấy ai nghĩ được xa hơn là tiếc cho công sức những người nấu món ăn đó hay là những người nông dân vất vả làm ra hạt thóc như thế nào. Cuộc sống tất bật khiến người ta mải nghĩ về bản thân mình được gì, mất gì. Con người ai cũng trân trọng công sức của mình hơn là công sức của người khác. Đồ vật, hiện vật đã vậy, tình cảm cũng thế.
Tôi nhớ cô tôi kể một câu chuyện rằng cô có bạn học sinh từ nhỏ được ông bà yêu thương, chiều chuộng nhưng dường như bạn này không để ý quan tâm ông bà nhiều bằng con mèo bạn ấy nuôi. Cho đến khi ông bà mất bạn ấy không một giọt nước mắt nhưng khi con mèo bạn ấy chăm sóc chết đi thì cô bạn khóc như mưa, buồn thương mãi không nguôi. Có thể coi trường hợp của cô bạn là một người vô ơn nhưng tại sao người ta lại dành tình cảm nhiều hơn cho thứ họ chăm sóc, yêu quý thay vì đáp trả lại tình cảm cho những người yêu quý mình. Đó là vì họ trân trọng nhiều hơn những thứ họ bỏ công sức ra để có thay vì những tình cảm họ miễn phí có được. Thật vậy cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng, kể ngày. Tình cảm cha mẹ dành cho con cái luôn lớn hơn tình cảm con cái dành cho cha mẹ. Vì cha mẹ là người bỏ công sức ra chăm sóc, nuôi nấng đứa con từng ngày. Đứa con khôn lớn, trưởng thành là thành quả của bao vất vả, lo lắng, tình yêu cộng lại trong đó. Tất nhiên người làm cha làm mẹ sẽ phải yêu hơn cả con người mà họ dồn tâm huyết dạy dỗ, nâng niu. Cùng với đó tình cảm mà người con nhận được từ cha mẹ là thứ tình cảm miễn phí, là tình yêu vô điều kiện, từ khi sinh ra đã được yêu chiều hết mức. Vì thế mà vài người coi đó là điều hiển nhiên, không biết quý trọng, bao năm tháng cha mẹ nuôi dưỡng thì dửng dưng mà một phút người ngoài giúp đỡ lại cảm kích. Đương nhiên đó chỉ là số ít, trong cuộc sống vẫn có rất nhiều người con luôn biết ơn và hiếu thảo với cha mẹ. Nhưng nếu có câu hỏi rằng: ‘Cha mẹ yêu con và con yêu cha mẹ, tình yêu nào lớn hơn?’ Câu trả lời có lẽ là tình yêu của cha mẹ dành cho con bởi dẫu sao không gì to lớn và sâu sắc được bằng cái thứ tình cảm mình dành cho một người mà mình đã dồn bao công sức, tâm tư, mong mỏi, hy vọng, người mà mình dứt ruột đẻ ra ấy, dành thời gian nuôi dạy ấy, sự quan tâm, lo lắng cũng dành nhiều nhất cho người ấy, chứng kiến toàn bộ quãng thời gian con người ấy phát triển, trưởng thành dưới bàn tay vun đắp của chính mình. Đúng vậy, con người ai cũng yêu tha thiết thứ mà họ dày công chăm sóc.
Cả vật chất hay tình cảm, thứ gì miễn phí cho đi đều buồn, đều sợ người ta không trân trọng. Nhưng trong xã hội hiện đại ta còn phải đèo thêm một nỗi sợ nữa, sợ người ta nghi ngờ. Biết được tâm lý ai cũng thích miễn phí, nhiều trung tâm dịch vụ, mua sắm thường để quảng cáo to tướng rằng miễn phí cái nọ, cái kia để rồi khi người ta hồ hởi tranh nhau tham gia, tranh nhau mua sắm thì treo đầu dê, bán thịt chó. Nhiều người thành ra bị lừa, nhiều người thành ra mất hẳn niềm tin vào cuộc sống. Vì vậy người ta thường hay nói ở đời làm gì có thứ gì miễn phí, miếng phomat chỉ có ở trong bẫy chuột. Quan niệm ấy dẫn đến việc khi ta nhận được thứ gì miễn phí một cách quá dễ dàng, ta sẽ không vui mừng ngay mà nảy sinh cảnh giác, nghi ngờ. Liệu có chiêu trò gì không, thứ đồ miễn phí này dùng có tốt không, sao anh cái gì cũng chiều chuộng, cũng tốt với em mà không đòi hỏi gì thế? Liệu anh có yêu em thật lòng không hay chỉ muốn dụ em. Những cảnh giác về thứ nhận được miễn phí ấy không phải là xấu, nó giúp người nhận được an toàn, tránh được rủi ro trong cuộc sống muôn trùng bề bộn này. Nhưng đồng thời nó cũng vô tình làm tổn thương những người thật lòng, trân thành và hào phóng, nghĩa hiệp . Đôi khi mình thực sự có lòng yêu mến, muốn giúp đỡ người ta không cần báo đáp mà họ lại cảnh giác mình, hiểu lầm mình, không muốn mang ơn mình vì sợ sau này mình đem chuyện giúp đỡ ra để dây dưa, biến người ta thành kẻ chịu ơn làm họ khó xử. Nếu vậy, thiết nghĩ ta còn miễn phí mãi được hay không? Miễn phí vật chất có lẽ nhiều người sẽ thích. Nhưng miễn phí lòng tốt, tình cảm có lẽ cần cân nhắc một chút kẻo chẳng những người ta không trân trọng mà ta còn phải nhận thêm tổn thương cho trái tim mình.