Nghệ thuật tổ chức cốt truyện trong truyện thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh

Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn có sách bán chạy số 1 tại Việt Nam, nhà văn đã có rất nhiều tác phẩm được chuyển thể thành phim, sách của ông cũng đạt lượng tái bản nhiều nhất. Vậy điều gì đã làm nên thành công trong tác phẩm của Nguyễn nhật Ánh? Các bạn hãy cùng Văn học trẻ tìm hiểu thông qua nghệ thuật tổ chức cốt truyện, một trong những điều làm nên thành công đó.

1. Nghệ thuật tổ chức diễn trình vận động cốt truyện

Các bước diễn biến của cốt truyện cũng giống như quá trình vận động của một xung đột, nghĩa là có mở đầu, thắt nút, phát triển và vươn tới cao điểm rồi đi đến giải quyết cụ thể và kết thúc. Tuy nhiên, không nhất thiết bất cứ cốt truyện nào cũng có đầy đủ các bước diễn biến hoặc được sắp xếp theo đúng trình tự tự nhiên trong đời sống của chúng.
Cách tổ chức, triển khai các sự kiện của Nguyễn Nhật Ánh luôn gây được sự ngạc nhiên, hấp dẫn bạn đọc một cách tự nhiên. Phần trình bày: bao giờ nhà văn cũng để cho nhân vật chính xuất hiện đầu tiên, giới thiệu sơ lược lai lịch cá nhân (tên, tuổi, nghề nghiệp, hoàn cảnh sống, các mối quan hệ bạn bè, gia đình) của nhân vật chính ở ngay mở đầu truyện hoặc bối cảnh chính mà câu chuyện sắp tới sẽ diễn ra.

Trong Tôi là Bêtô, ngay từ chương 1, chú cún đã tự giới thiệu về xuất xứ cái tên của mình là do chị Ni đặt theo tên một cầu thủ Brazil mà chị hâm mộ, gia đình có bố, mẹ và chị Ni và mọi chuyện tiếp theo trong cuộc đời chú cún chắc chắn sẽ ở căn nhà này. Tương tự, mở đầu tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, anh cu Mùi cũng tự giới thiệu năm lên 8 tuổi thế giới của mình chán ngắt và mình thường bắt đầu đến kết thúc một ngày buồn tẻ ấy như thế nào, sau đó mới lần lượt là những người bạn. Ở tác phẩm Kính vạn hoa, tác giả dù không giới thiệu hẳn họ tên, tuổi, gia đình, tính cách thế nào của ba nhân vật chính mà để cho người đọc tự khám phá các nét tính cách ấy dần dần qua mỗi chương truyện khi nhân vật thể hiện. Phần trình bày của Kính vạn hoa lại thường là các sự kiện gây tò mò cao cho người đọc hoặc một sự kiện khác thường, một biến cố khiến các nhân vật chính phải vào cuộc. Ví như trong tập Chiếc ba lô màu xanh, ngay mở đầu truyện là một chuyến đi của ba người bạn, khi xuống bến xe, chiếc ba lô mà Quý ròm để cạnh bên đã bị lấy trộm, kẻ trộm cố ý giữ khoảng cách để nhóm ba người bạn đuổi theo và khám phá một loạt truyện sau đó. Hay trong tập Cô giáo Trinh, mở đầu bằng sự kiện cô giáo Trinh bị mất giáo án và sổ sách khiến cô rất buồn, ba người bạn đã dùng suy luận của mình để tìm bằng được kẻ trộm giúp cô. Tập Họa mi một mình, tương tự, cũng được mở đầu bằng việc bạn Hiền Hòa vốn chăm chỉ, hát hay bỗng học hành sa sút hẳn, những người bạn đã cố gắng tìm đến nhà để tìm hiểu nguyên nhân… không chỉ khiến bạn đọc tò mò mà chính các nhân vật chính cũng vô cùng muốn biết để rồi dẫn đến hàng loạt các tình huống sau này.

Phần vận động: Các sự kiện có tính chất thử thách nhân vật được nhà văn tạo ra một cách tự nhiên từ chính hoàn cảnh, tính tò mò của lũ trẻ, từ đó dẫn đến hàng loạt các sự kiện khác tiếp nối. Với tác phẩm hầu như không có sự kiện nổi bật như Tôi là Bêtô thì ở phần này chủ yếu là những mẩu chuyện vụn vặt mà chú chó Bêtô trải qua hoặc chứng kiến, cái hay chính là những suy nghĩ có phần ngây ngô, hành động bản năng như một cậu bé chuẩn bị lớn và triết lí mà chú cún này rút ra cho chính mình. Trong Kính vạn hoa, mỗi tập lại là một chuỗi sự kiện mới với phần vận động căng thẳng, đầy chất trinh thám. Trong tập Họa mi một mình, để tiếp cận với Hiền Hòa, Quý ròm đã phải bày mưu tạo một trận cướp giả để mình và các bạn lọt được vào nhà Hiền Hòa và trong nhiều ngày liền đến để vừa giúp đỡ cô bạn vừa tìm ra được chân tướng sau những lời nói dối vòng vo của Hiền Hòa. Còn ở tập Chiếc ba lô màu xanh, ba người bạn lại không ngừng phải giải các câu đố, tìm tới chỗ chỉ dẫn câu đố mới để lấy lại chiếc balo, và từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi nhóm Hải Âu lấy trộm chiếc balo để thử thách ba bạn trẻ nhưng chiếc balo lại bị trộm lại một cách thần bí khiến ba người bạn lẫn cả nhóm Hải Âu nháo nhào đi tìm kẻ trộm hay như trong tập Anh và em, Quý ròm đã làm rất nhiều việc để giúp đỡ nhỏ Diệp và làm cho nhỏ vui trong lúc bị ốm. Vốn là đứa vô tâm và lười nhác nhưng Quý ròm đã tình nguyện nhận việc chép bài cho em gái, giảng bài mới cho em không bị tụt lại kiến thức, thậm chí còn mượn sách Truyện cổ Grim, Truyện cổ Andecxen để về đọc cho em gái nghe. Quý ròm để ý từng nét mặt của em gái, nó cảm thấy lo lắng khi mãi mà em gái vẫn chưa khỏi, rồi biết chắc là nhỏ Diệp cũng đang buồn vì không có chiếc máy ảnh, nó bấm bụng mà nhường cho em gái vui. Một loạt hành động của Quý ròm được đưa ra đã cho thấy tình cảm yêu mến của Quý ròm cho em gái mà vốn bình thường chính nó cũng không nhận ra và không nghĩ là mình có thể làm được. Trong truyện Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, Nguyễn Nhật Ánh cũng để phần vận động là những trò chơi, những trò nghịch ngợm và những suy nghĩ khác thường của lũ trẻ qua mỗi chương truyện, từ trò đặt lại tên cho thế giới, gọi tên sự vật, sự việc này bằng tên sự vật sự việc khác, đi tìm kho báu, nuôi chó hoang, yêu đương trẻ con và trò tập làm vợ chồng, cha con, mở phiên tòa định tội người lớn… toàn những trò chơi mà chỉ có trẻ con mới có thể nghĩ ra.
Phần kết thúc: Kết thúc truyện Nguyễn Nhật Ánh luôn gây bất ngờ cho người đọc. Kết thúc cũng thường là kết thúc mở tạo cho người đọc cảm giác về những cuộc hành trình, tình yêu, tình bạn không bao giờ chấm dứt. Gấp lại trang sách nhưng khoảng trời mộng mơ trong các em vẫn luôn mở ra.

Trong tập Cô giáo Trinh (Kính vạn hoa), chính Quới Lương đã cãi nhau với Lâm, người bạn thân lâu nay của nó, mặc cho Lâm đe dọa sẽ tố cáo chuyện xấu của Quới Lương, nó đã tự đến nhà cô Trinh và thú nhận mọi chuyện. Hành động của Quới Lương khiến cho nhóm ba người bạn vô cùng bất ngờ. Hay trong tập Những con gấu bông, bất ngờ lớn xảy đến với bản thân Long nói riêng và cả gia đình nói chung khi không chỉ những chú công an mang gấu bông đến tặng cho nó mà cả ông chủ quán ném phi tiêu ở công viên và người phụ nữ trước đó đã được Long giúp đỡ mang gấu đến tặng. Hành trình của ba người bạn sẽ không bao giờ ngừng lại, sẽ luôn đồng hành cùng các em nhỏ và đợi chờ, biết đâu, một ngày nào đó, sẽ tái hợp lại trong trang văn của Nguyễn Nhật Ánh. Những cô cậu bé tám tuổi như cu Mùi, Tí sún, Tủn, Hải cò còn làm bao nhiêu trò “khác thường” khiến chúng phải thường xuyên bị ăn đòn hay khiến người lớn đau đầu nữa không? Cuốn sách xuất bản xong rồi và liệu có còn những cuốn sách tiếp, những tấm vé tàu miễn phí để thêm chặng về chuyến hành trình tuổi thơ những năm 9 tuổi, rồi 15 tuổi nữa không? Nguyên và Kăply không bao giờ nghĩ rằng việc che giấu thân phận, sống dưới lốt người khác của hai đứa từ lâu đã nằm trong sự sắp xếp của K’Tub và đã được ngài hiệu trưởng N’Trang Long biết được. Và chúng cũng không ngờ chính mình lại là người cứu cả vương quốc, cả phe Ánh Sáng thoát khỏi nạn xâm chiếm vài trăm năm xảy đến một lần từ phe Hắc Ám. Nguyễn Nhật Ánh đã dừng lại ở đó, còn bạn đọc thì băn khoăn không biết sau đó hai cậu bé sẽ như thế nào? Nguyên và Kăply sẽ tiếp tục ở lại thế giới phù thủy như những vị anh hùng hay trở về thế giới con người, nơi sinh ra hai cậu bé, có người thân, có trường học nhưng đã rất lâu xa cách hoặc cũng có thể bằng sức mạnh của mình mà Nguyên và Kăply sẽ đi đi lại lại giữa hai thế giới? Lời băn khoăn bỏ ngỏ ấy còn mở ra trong trí tưởng tượng mỗi bạn đọc và cũng cho thấy cái tài của nhà văn.

Cách tạo diễn biến hấp dẫn, kết thúc bất ngờ, gợi mở đã khiến cho trang văn của Nguyễn Nhật Ánh đầy lôi cuốn, không thể rời mắt cho đến dòng cuối cùng. Thậm chí, bạn đọc nhỏ tuổi, sau khi đã gấp lại trang sách, vẫn không ngừng mộng mơ về tác phẩm vừa đọc, kèm theo nụ cười trên môi.

2. Nghệ thuật tổ chức tình huống

Tình huống truyện là những sự kiện có ý nghĩa thử thách đối với số phận, đối với những đặc điểm bản chất của tính cách, ở đó tính cách buộc phải hành động, phải phơi bày diễn biến tâm lí của nó, phải bộc lộ tư tưởng, tình cảm của nó với các tính cách khác.

Nguyễn Nhật Ánh có nhiều cách để dẫn dắt câu chuyện, nhà văn đã sử dụng kết hợp các tình huống nhận thức, tâm lí, hành động, tạo ra những sự kiện, tình huống bất ngờ, những “thử thách” để nhân vật có cơ hội thể hiện mình. Các chi tiết gây hiểu lầm, cách bố trí cho nhân vật xuất hiện đạt hiệu quả tối đa trong việc gây bất ngờ cho câu chuyện. Ở truyện có cốt truyện tâm lí như Tôi là Bêtô thì những sự kiện mang tính chất thử thách rất ít, đa số là những tình huống nhỏ để nhân vật chính bộc lộ suy nghĩ của mình hoặc tình cảm của mình. Ví như tình huống người bạn Binô bị viêm phổi phải nằm cách li, Bêtô đã rất buồn bã, thương Binô và cầu mong cho Binô sớm khỏi, tình huống đã giúp thể hiện tình bạn sâu đậm giữa Bêtô và Binô. Hay tình huống chị Ni bị đánh vì tội đi chơi muộn và câu chuyện chị Ni kể cho Bê tô nghe về ông Bá Du đã thể hiện được cá tính, sự dũng cảm và hiếu thảo của nhân vật Ni. Đó là một cô bé làm sai thì chịu nhận đòn phạt, không hề oán trách cha mẹ, trái lại còn tỏ ra vui mừng vì cha mẹ còn khỏe mạnh. Ở bộ truyện Kính vạn hoa, tác giả đã xây dựng được rất nhiều tình huống mang tính chất thử thách để các nhân vật bộc lộ được phẩm chất và cá tính của mình. Trong tập Những con gấu bông, tình huống xuất hiện khi em gái Tiểu Long thích con gấu bông, tình huống Tiểu Long gặp tên cướp, tình huống ông chủ ở công viên nước ra yêu cầu ném trúng năm phát liên tiếp mới được thưởng con gấu bông (Kính vạn hoa) khiến cho người đọc nhận ra nhân vật Tiểu Long là một người thương em gái vô cùng, dù em gái không đòi hỏi nhưng nó cũng tìm mọi cách đạt được nguyện vọng cho em, không những thế Tiểu Long còn là đứa trẻ kiên trì, có lòng tốt và có lòng tự trọng. Cũng qua tình huống nhỏ Oanh thích những con gấu bông mà Quý cũng bộc lộ ra tính cách hết lòng vì bạn bè. Quý ròm đã nhiệt tình giúp đỡ bạn bằng cách bán vé xem ảo thuật cho lũ trẻ trong xóm. Trong những thời khắc đi ném phi tiêu, nó cũng luôn đi cùng Tiểu Long để cổ vũ và an ủi bạn. Trong tập Bắt đền hoa sứ, gặp phải tình huống ba đứa trẻ bắt nạt một cậu nhóc ốm nhom, Tiểu Long đã buộc phải ra tay giải thoát cho cậu bé và không may rơi vào tình huống khó xử khi đắc tội với Tắc Kè Bông, chính là con riêng của người mợ mình. Trước những gây hấn từ Tắc Kè Bông, Quý ròm tỏ ra mất kiên nhẫn và bực tức thay cho người bạn, nhưng Tiểu Long lại càng nhẫn nhịn. Trước những tâm sự của Tiểu Long và hành động nhẫn nhịn đó, không chỉ Quý ròm mà bạn đọc càng thêm yêu mến Tiểu Long hơn bởi suy nghĩ “người lớn”, sâu sắc của cậu bé. Rồi khi đối mặt với nỗi buồn năm lên 8 tuổi, cậu bé Mùi trong tác phẩm Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ đã phải tìm cách cho cuộc sống buồn tẻ của mình vui lên. Cu Mùi với ba người bạn là Tí sún, Tủn, Hải cò nào là chơi trò làm cha mẹ, con cái, vợ chồng, tập làm người lớn với suy nghĩ trẻ con; đặt tên lại cho thế giới, , tìm kho báu hay nuôi chó hoang đã không chỉ khiến những bậc cha mẹ của bốn đứa trẻ phải đau đầu mà chính bạn đọc cũng phải bật cười trước những suy nghĩ luôn muốn làm trái ngược, làm khác đi hoặc bắt chước người lớn bằng suy nghĩ trẻ con. Sau những tình huống tự đặt ra, lũ trẻ phải đối mặt với tình huống người lớn xử phạt và những trò mà lũ trẻ nghĩ ra luôn được kết thúc bằng mấy roi tre, bằng cuộc họp phụ huynh và lũ trẻ đã dần nhận ra không nên làm xáo trộn trật tự thế giới.

Truyện của Nguyễn Nhật Ánh có rất nhiều tình huống hay để khi các nhân vật phải tự mình giải quyết, không chỉ bộc lộ ra nhiều phẩm chất, tính cách các nhân vật mà còn khiến cho bạn đọc nhận ra được những bài học vô cùng ý nghĩa rút ra từ việc giải quyết các tình huống ấy. Về phần những đứa trẻ, qua những tình huống truyện đặt ra, không chỉ giúp các em thấy mình một lần nữa trong đó bởi đứa trẻ nào cũng đều đã từng làm những chuyện khiến bố mẹ cho ăn đòn. Các em vừa nhận được tiếng cười vui từ chính nhân vật và cũng là từ chính mình và sau đó là nhận ra những giá trị cuộc sống về tình cảm gia đình, tình bạn bè, tình cảm với những người có cuộc sống khó khăn và cách cư xử đầy nhân văn mà tác giả đưa ra.

Văn của Nguyễn Nhật Ánh là thế, bao giờ cũng dí dỏm, bao giờ cũng vui tươi nhưng ẩn sau mỗi nụ cười luôn là những bài học bổ ích cho các bạn nhỏ. Đọc xong tác phẩm, bạn đọc còn phải suy ngẫm rất nhiều chứ không phải cười xong rồi quên luôn sau đó.

Phong Cầm
Bản quyền bài viết thuộc về Văn học trẻ.

Có thể bạn quan tâm:
Nguyễn Nhật Ánh - nhà văn của thiếu nhi
Các kiểu nhân vật trong truyện thiếu nhi Nguyễn Nhật Ánh
Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong truyện Nguyễn nhật Ánh
 
Từ khóa Từ khóa
diễn trình vận động cốt truyện li luan van hoc nghệ thuật tổ chức cốt truyện nghệ thuật tổ chức tình huống tôi là beto truyện thiếu nhi nguyễn nhật ánh
3K
0
0
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.