Chia Sẻ Ngữ liệu cho kiểu bài đọc hiểu

Chia Sẻ Ngữ liệu cho kiểu bài đọc hiểu

Lan Hương
Lan Hương
  • Thành viên BQT
  • Truyền thông VHT 19
NGỮ LIỆU CHO KIỂU BÀI ĐỌC HIỂU
Đọc – hiểu là một trong những kĩ năng quan trọng nhất khi thực hiện hoạt động giao tiếp qua văn bản, và vì vậy, đó là kĩ năng không chỉ cần thiết cho đối tượng học trò mà cần cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, công việc, lĩnh vực…
Đọc – hiểu cũng là kĩ năng thuộc cùng hệ thống với một loạt các kĩ năng không thể thiếu trong hoạt động giao tiếp cộng đồng, ví dụ nghe – hiểu, nhìn – hiểu, thậm chí chỉ linh cảm mà hiểu…
Trong thực tế cuộc sống, thực tế giao tiếp, có những sự tri âm tri kỉ như Bá Nha – Tử Kì, chỉ nghe tiếng đàn mà hiểu tiếng lòng nhau; lại có những tứ thơ như của H. Heine, cô gái thậm chí mong đợi người mình yêu có năng lực nhìn – hiểu: “Sao mà anh ngốc thế/ Không nhìn vào mắt em”… Và trong thực tế cuộc sống cũng có biết bao nhiêu bi kịch xảy ra vì sự hạn chế của năng lực đọc – hiểu, nghe – hiểu, nhìn – hiểu… Trong Chuyện mười năm trước, B. Kornilov đã cho thấy chỉ vì người con gái không nghe được âm thanh không lời ( The sound of silence) trong trái tim chàng trai, khi “Trái tim dù biết hát/Nhưng tình đời dễ đâu”, nên “Chỉ có một lần thôi/ Em hỏi, anh im lặng... Thế là thành chia phôi”! Hoặc cô gái của Phan Thị Thanh Nhàn đã chờ đợi chàng trai nhà bên, thậm chí có thể hiểu tình yêu của cô qua hương thơm của chùm hoa bưởi, và “Cô gái như chùm hoa lặng lẽ/Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu./(Anh vô tình anh chẳng biết điều/Tôi đã đến với anh rồi đấy...)”! - ( năng lực này, xin mời các bạn đặt tên!).
Hoặc trên mạng xã hội, vấn đề thường xuất hiện trong khả năng đọc – hiểu status, comments … khiến nhiều khi status một đằng, comment một nẻo, gây tranh cãi, bất đồng vì sự đọc mà không hiểu nhau!
Nên việc đưa kiểu bài đọc – hiểu vào chương trình Ngữ văn phổ thông, trong đề thi các cấp từ THCS tới THPT, theo tôi là vô cùng cần thiết, hữu ích, thiết thực, giúp rèn luyện năng lực giao tiếp cho học trò dù ở trong hay ngoài nhà trường, dù khi đi học, đi thi hay sau này, trong suốt cuộc đời! Vấn đề là cần đặt ra những yêu cầu như thế nào với kiểu bài này? Yêu cầu đó tất nhiên sẽ hướng tới hai bình diện trong cấu trúc bài: ngữ liệu đọc hiểu và câu hỏi đọc hiểu. Bài viết này chỉ đề cập tới việc chọn ngữ liệu đọc hiểu.
Thời gian mới xuất hiện kiểu bài đọc hiểu, ngữ liệu được chọn có khi là những trích đoạn của văn bản đã được học trong sách giáo khoa Ngữ văn các lớp. Việc ngay sau đó, yêu cầu không sử dụng văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu đọc hiểu đã cho thấy sự bất cập của nguồn ngữ liệu này – khi học sinh đã được tiếp xúc, suy nghĩ, được nghe thầy cô giảng về tác phẩm, việc lấy một vài trích đoạn ra làm ngữ liệu đọc hiểu sẽ giảm thiểu giá trị rèn luyện kĩ năng đọc hiểu khi các em sẽ lặp lại những điều đã nghe giảng để trả lời các câu hỏi đọc hiểu. Trong khi đó, mục đích hướng tới là cung cấp cho các em kĩ năng đọc – hiểu bất kì văn bản nào sẽ gặp trong cuộc sống sau này, khi các em không có sự dắt tay của thầy cô như ở trường phổ thông. Đó là nguyên nhân ngữ liệu đọc hiểu là những trích đoạn văn bản hoặc văn bản hoàn toàn ngoài chương trình sách giáo khoa phổ thông.
Nhưng nên chọn kiểu loại văn bản nào làm ngữ liệu đọc hiểu để dạng bài này phát huy cao nhất mục đích rèn luyện kĩ năng đọc hiểu cho học trò?
Nếu thống kê các đề văn lớp 12 trong các kì thi, các đề tràn lan trên mạng…, có thể thấy phần ngữ liệu đọc hiểu tập trung với tần suất cao nhất là các đoạn văn mang phong cách chính luận, và chiếm vị trí chủ đạo trong đó là mảng sáng tác nửa chính luận, nửa tản văn, vừa kể vài câu chuyện vụn thực ít bịa nhiều, vừa xen những triết lí dạy đời..., có xuất xứ từ một số đầu sách được xếp vào hàng những cuốn sách best seller của thị trường sách Việt!
Không khó để nhận ra những gượng ép bất cập của dạng đề đọc hiểu này khi các câu hỏi đọc hiểu và sau đó là vấn đề nghị luận trong câu nghị luận xã hội rất khó tránh khỏi sự lặp lại những nội dung đã bàn luận trong ngữ liệu - học trò ít dư địa để phát huy năng lực độc lập sáng tạo của mình khi nội dung trả lời hay bàn luận phần lớn là những vấn đề trọng tâm của đoạn trích.
Đương nhiên vẫn có những ngữ liệu mang phong cách chính luận, dùng nghị luận làm phương thức biểu đạt cơ bản đã đặt ra những vấn đề rất hữu ích cho học sinh cả về rèn luyện kĩ năng lẫn giáo dục tư tưởng… Kiểu văn bản này cũng khá thuận lợi cho người ra đề, thầy không lo phải xác định đúng hướng để đặt ra yêu cầu trong hệ thống câu hỏi, trò không phải kiếm tìm…bởi vấn đề thường khá hiển ngôn trong tiêu đề văn bản, hoặc xuất hiện trong những câu thường được sử dụng cho câu hỏi ở mức độ thông hiểu hoặc vận dụng…, ngữ liệu kiểu này có thể khiến câu hỏi đọc hiểu rơi vào tình trạng “kiển tố vừa đố vừa giải”, hoặc khiến cho câu nghị luận xã hội nhàm, nhạt nhưng độ an toàn tương đối cao!
Thực tế, trong cuộc sống hàng ngày, các em không mấy khi tiếp xúc với các văn bản mang phong cách ngôn ngữ chính luận mà chủ yếu là các văn bản mang phong cách ngôn ngữ báo chí hoặc nghệ thuật, đặc biệt là thơ, truyện… Nếu văn bản mang phong cách ngôn ngữ chính luận thường có định hướng chủ đề hiển ngôn như đã nói ở trên thì khi đến với các tác phẩm nghệ thuật, kể cả lời thoại trong phim ảnh, sân khấu, ca từ các bài hát…, các em phải tự mình tìm ra thông điệp tư tưởng, tự tìm ra phần chìm của tảng băng, đọc được ý tình thực sự thường nằm ngoài lời, được gợi từ lời mà không hiển ngôn trong lời! Trong những tình huống giao tiếp thông qua văn bản sẽ liên tục xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày, trong công việc, khi các em không có bất kì sự trợ giúp nào của thầy cô, cũng không thể dựa vào gợi ý trong 4 câu hỏi đọc hiểu như trong nhà trường, các em phải được rèn luyện để có được năng lực tự đọc, tự khám phá, tự đặt ra những câu hỏi cho chính mình, tự giải đáp thấu đáo những câu hỏi ấy, đặng tìm ra thông điệp thường ẩn kín dưới lớp ngôn từ của văn bản.
Xuất phát từ quan niệm này, ngữ liệu cho kiểu câu hỏi đọc hiểu và nghị luận xã hội trong cuốn sách Hướng dẫn ôn thi THPT môn Ngữ văn, phần Đọc hiểu và Nghị luận xã hội của tôi ưu tiên lựa chọn nhiều nhất các văn bản mang phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, tập trung vào những trích đoạn thơ hoặc truyện.
Có thể ví dụ một số văn bản được trích dẫn: Bài báo về xác xuất ra đời của con người; bài báo về câu chuyện ngôi mộ cậu bé đặt cạnh lăng tổng thống Hoa Kì; câu chuyện về chiếc vòng của vua Salomong; Truyện ngắn Con sẻ của Ivan Turgenev; bài báo về cảnh tượng xúc động khi con tàu Titanic bắt đầu chìm; bài thơ 8 câu của Zaxun Gamzatov về Chim di cư và đại bàng; Truyện ngắn Phu đào huyệt của Azit Nexin; trích đoạn bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ; trích đoạn bài thơ Đãi cát tìm vàng của Onga Becgon; trích đoạn bài thơ Lời mẹ dặn của Phùng Quán, trích đoạn bài thơ Họ đầu độc thân tôi của H. Heine; câu chuyện sưu tầm về Ba người bạn; trích đoạn bài thơ Hoa tigon của Lưu Quang Vũ; trích đoạn Status của Irina Govorukha, nữ nhà văn Ucraina; câu chuyện về người đàn ông và bình nước trên sa mạc; trích đoạn truyện ngắn Nếp nhà của Nguyễn Khải; bài thơ Quán hàng phù thủy (Sưu tầm); trích đoạn bài thơ Cho Quỳnh những ngày xa của Lưu Quang Vũ; hai bản dịch bài thơ Đốt lửa của Nazim Hikmet; bài thơ Thường dân của Nguyễn Long; truyện cười dân gian Mua giày; câu chuyện về Vị sư già và con bướm; trích đoạn bài thơ Chân trời mẹ của nhà thơ Văn Công Hùng; câu chuyện dân gian Nga - Cháo rìu (3/2020); câu chuyện về Bức tranh đẹp nhất; câu chuyện Biết sống vì nhau; câu chuyện về Cậu bé chảy máu cam; câu chuyện Muỗi và bò đực; câu chuyện về thái độ ứng xử của người phụ nữ khi mua trứng và vào nhà hàng; trích đoạn lá thư của ông chủ bút tờ báo Francis P. Church gửi một cô bé; câu chuyện về cuộc thi vẽ tranh với đề tài bình yên; câu chuyện về Những vết đinh và cậu bé hay giận dữ; bài báo về Cây cầu Choluteca; câu chuyện về Nghệ sĩ biểu diễn trên đường phố; câu chuyện về những cô bé Đưa người già qua đường; câu chuyện về Mẩu bánh mì; câu chuyện về lời người mẹ nói với con trên đường đi về ngoại…
Có thể coi là một thể nghiệm giúp cung cấp kĩ năng đọc hiểu cho học trò, quan trọng hơn, đó sẽ là cơ sở nhằm hướng tới mục đích cao nhất, giúp các em trở thành những con người tinh tế, nhạy cảm trong giao tiếp, dù là kênh thị giác, thính giác, hay kì diệu nhất, đó là có thể nghe thấy thanh âm của sự im lặng, cảm nhận được tiếng thầm thì trong trái tim con người!
 
2K
27
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.
Top