NGƯỜI VÔ HÌNH - LỜI TIÊN TRI CHO THẾ GIỚI TƯƠNG LAI

NGƯỜI VÔ HÌNH - LỜI TIÊN TRI CHO THẾ GIỚI TƯƠNG LAI

“Người lạ đến vào sáng sớm một ngày giá lạnh, tuyết giăng gió giật của tháng Hai. Giữa đợt tuyết cuối cùng của năm, từ trạm hỏa xa Bramblehurst, hắn mặc đồ phủ kín từ đầu đến chân, tay đeo cặp găng dày, cầm theo chiếc vali đen nho nhỏ. Khuôn mặt hắn khuất sau chiếc mũ rộng vành bằng da mềm, chỉ để lộ đầu mũi; tuyết bám đầy ngực và vai, cả trên chiếc vali của hắn nữa…”. Đó là những dòng đầu tiên trong cuốn “Người vô hình” mà tác giả H.G.Wells gửi đến bạn đọc. Lướt sơ qua, ta có cảm tưởng như bắt gặp lại Bê-li-cốp, nhân vật chính trong truyện ngắn “Người trong bao” của nhà văn Nga Sê-khốp. Thế nhưng, càng đi sâu vào cốt truyện, ta mới thấy đó là một nhận định hoàn toàn sai lầm.

“Người vô hình” là tiểu thuyết thứ năm trong đời viết văn của H.G.Wells (Herbert Geogre Wells), bên cạnh các tác phẩm nổi tiếng trước đó như “Cỗ máy thời gian” (The time machine), “Hòn đảo của tiến sĩ Moreau (The island of Moreau doctor), “Chiến tranh giữa các hành tinh” (The war of the worlds)… Truyện có nội dung xoay quanh nhân vật Griffin – nhà khoa học nghèo có tài năng thiên bẩm về vật lí học, người tìm ra bí thuật tàng hình, điều tưởng chừng như rất phi lý và không thể xảy ra được.

91358043_121216946166983_8045916807174815744_n.jpg


Xuyên suốt câu chuyện trong tiểu thuyết, Griffin được Wells xây dựng vô cùng thành công trên nhiều khía cạnh khác nhau. Ngoại hình, tính cách, hành động, tâm lý… được nhà văn sử dụng thủ pháp điển hình hóa khiến nhân vật chính – Griffin – được khắc họa rõ nét, gây ấn tượng mạnh với độc giả. Là một thiên tài vật lí, tuy nhiên, ảo mộng quyền lực cùng sự đưa đẩy của hoàn cảnh đã khiến Griffin trở thành một kẻ vĩ cuồng, với âm mưu và tham vọng dùng khả năng vô hình để thống trị cả thế giới.

Dưới ngòi bút của H.G.Wells, Griffin hiện lên là một kẻ vừa đáng ghét vừa đáng thương, một sát thủ tàn độc nhưng đồng thời cũng là nạn nhân, thừa tài năng song lại thiếu thiện lương, suốt đời chạy theo ảo vọng điên rồ để cuối cùng tan vào hư vô như chính cái tên của tiểu thuyết.

Cũng như trong các tác phẩm trước đó, Wells sử dụng văn phong của một kí giả, súc tích nhưng chi li, ngắn gọn mà khúc chiết, minh tường. Tuy nhiên, khác ở chỗ, trong “Người vô hình”, nhà văn không xưng “tôi” mà dùng ngôi thứ 3 – kẻ giấu mặt toàn tri – để kể chuyện. Bên cạnh trí tưởng tượng phong phú cùng các tình tiết li kì, quái đản lạ thường, đâu đó trong tiểu thuyết còn chấm phá những “nét mảnh” vô cùng tinh vi về sự hoạt kê, hóm hỉnh mà ý nhị, đi cùng nỗi đau đớn, suy tư về thân phận của con người trong xã hội hiện đại.

---

NGƯỜI VÔ HÌNH (The Invisible Man), tác giả H.G.Wells (Nguyễn Minh dịch), NXB Văn Học, 2018.
Ảnh: Kì Phong
 
894
3
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top