Ôn tập Bố của Xi-mông

Ôn tập Bố của Xi-mông

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Ôn tập Bố của Xi-mông qua các câu hỏi trắc nghiệm lẫn tự luận để các bạn tự trả lời, sau đó xem phần gợi ý là mình đưa ra để ôn tập bài học này một cách hiệu quả nhất.
Ôn tập Bố của Xi-mông.png

Ôn tập Bố của Xi-mông​

Câu 1. Truyện Bố của Xi-mông có sự kết hợp phương thức tự sự với phương thức nào?​

A. Biểu cảm
B. Nghị luận
C. Thuyết minh
D. Miêu tả

Câu 2. Người kể trong văn bản Bố của Xi-mông là ai?​

A. Bác công nhân Phi-líp
B. Chị Blăng-sốt
C. Xi-mông
D. Người kể vắng mặt

Câu 3. Xi-mông ở trong trạng thái nào khi đuổi bắt con nhái?​

A. Đau khổ đến muốn chết
B. Rất buồn ngủ và mệt mỏi
C. Vừa đau buồn lại chợt vui
D. Rất vui thích đuổi bắt con nhái

Câu 4. Phương án nào dưới đây thể hiện đầy đủ nhất tâm trạng của Xi-mông khi em thổ lộ với bác công nhân Phi-líp mong muốn có một ông bố?​

A. Vừa đau khổ, vừa khát khao, hi vọng
B. Tuyệt vọng vì không có bố
C. Đau khổ vì bị chế giễu, bắt nạt
D. Hi vọng bác Phi-líp nhận lời

Câu 5. Phương án nào nêu nhận xét đúng về sự xuất hiện của “ông bố” Phi-lip trong cuộc đời Xi-mông?​

A. Là kết quả của phép mầu kì diệu
B. Bất ngờ nhưng hợp lí và cảm động
C. Đã được dự báo từ trước
D. Là tự nhiên, do bác Phi-líp có ý từ lâu

Câu 6. Theo em, nguyên nhân chính dẫn đến việc lũ trẻ trêu chọc, hành hạ bé Xi-mông là gì?​

A. Vì muốn tạo trò vui
B. Vì thói vô cảm, độc ác
C. Vì định kiến của người lớn
D. Vì thiếu sự hiểu biết, cảm thông

Câu 7. Vì sao bác Phi-líp nhận lời làm bố của Xi-mông?​

A. Vì lời đề nghị của Xi-mông quá bất ngờ
B. Vì hoàn cảnh gia đình của thiếu phụ Blăng-sốt
C. Vì cảm thông và muốn giúp đỡ mẹ con Xi-mông
D. Vì bác khỏe mạnh và thường hay giúp đỡ người khác

Câu 8. Lời nhắn gửi chung nhất của câu chuyện này là gì?​

A. Không nên trêu chọc, giễu cợt Xi-mông.
B. Hãy cảm thông, chia sẻ với mẹ con Xi-mông.
C. Hãy đối xử nhân hậu với những người thiệt thòi, đau khổ.
D. Mong Xi-mông được hạnh phúc và có một ông bố.

Gợi ý:
12345678
DDCABDCC

Câu 9. Ý nghĩa của yếu tố “nhân” trong hai từ in đậm ở câu sau có giống nhau không? Em hãy giải thích vì sao.​

“Một bác công nhân cao lớn, râu tóc đen, quăn, đang nhìn em với vẻ nhân hậu”
- Ý nghĩa của yếu tố “nhân” trong hai từ in đậm không giống nhau.
- Nghĩa của từng từ:
  • Trong từ “công nhân”: nhân có nghĩa là người.
  • Trong từ “nhân hậu”: nhân có nghĩa là lòng yêu thương

Câu 10. Viết một đoạn văn (khoảng 6 - 8 dòng) trình bày suy nghĩ của em trước sự việc Xi-mông đột ngột đề nghị bác Phi-líp làm bố của mình.​

Gợi ý:
Khi đọc truyện “Bố của Xi-mông”, người đọc hẳn sẽ rất bất ngờ trước lời đề nghị của Xi-mông dành cho bác thợ rèn Phi-líp. Xi-mông vốn là một cậu bé mồ côi, không có bố. Trong truyện, sau khi bị bạn bè trêu chọc, Xi-mông đã lang thang ra bờ sông, chỉ muốn chết đi cho xong. Nhưng cậu bé lại tình cờ gặp được bác thợ rèn Phi-líp. Bác đã nghe Xi-mông kể chuyện cậu bị bắt nạt. Bác Phi-líp đã hứa sẽ cho cậu bé một ông bố, rồi đưa Xi-mông về nhà. Nhân vật bác Phi-líp là một người đàn ông hiền lành, tốt bụng. Sự xuất hiện của bác giống như ông bụt trong truyện cổ tích, đem đến sự kì diệu trong cuộc sống cho bé Xi-mông. Và chính lòng khát khao có một người bố yêu thương và che chở đã thúc đẩy Xi-mông đưa ra lời đề nghị với bác Phi-líp. Cậu bé đã hỏi bác rất hồn nhiên: “Bác có muốn làm bố cháu không?”. Đối với Xi-mông có lẽ không gì tuyệt vời hơn là có một người bố. Một lời đề nghị tưởng chừng đơn giản nhưng đã thể hiện được khao khát được yêu thương, có gia đình hạnh phúc của cậu bé Xi-mông.

Câu hỏi: Viết bài phân tích về nhân vật cậu bé Xi-mông​

Phân tích nhân vật Xi-mông qua trích đoạn Bố của Xi-mông.

Guydo Mô-pa-xăng là nhà văn hiện thực nổi tiếng của nước Pháp ở thế kỷ 19. Ông có một tuổi thơ nhiều nỗi buồn, cay đắng với những bất hạnh trong gia đình và nhà trường. Chính bởi cuộc đời nhiều sóng gió đã làm nên một tác giả có tấm lòng nhân hậu, vị tha trong từng trang viết. Sự nghiệp văn chương của ông vô cùng đồ sộ với khoảng trên 300 truyện ngắn, vở kịch và tiểu thuyết. Một trong những tác phẩm đặc sắc và để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm trí bạn đọc là “Bố của Xi-mông”. Nhân vật chính của tác phẩm là cậu bé Xi-mông, một em bé “không có bố” nhưng sau cùng, trải qua những tủi nhục trong cuộc sống, em đã có một người bố ấm áp và chan chứa tình yêu thương như một sự bù đắp cho cuộc đời bất hạnh của em.

Câu chuyện kể về cuộc đời của cậu bé Xi-mông. Đó là hoàn cảnh đáng thương của một em bé sinh ra đã không biết cha mình là ai. Cậu bé có một tuổi thơ bất hạnh với những ánh nhìn dè bỉu, chê bai, lạnh nhạt của mọi người. Mẹ cậu bé là Blăng-sốt. Cô từng là một cô gái xinh đẹp nhất vùng. Tuy vậy, cô phải nhận sự tệ bạc của một gã đàn ông và đánh mất tuổi trẻ của mình. Một mình cô sinh ra Xi-mông. Hai mẹ con sống với nhau trong một ngôi nhà nhỏ. Mặc dù đã hết lòng chăm sóc Xi-mông với trách nhiệm của một người mẹ, một người cha nhưng cũng không thể bù đắp được sự thiếu thốn trong tâm hồn trẻ thơ như cậu bé Xi-mông.

Tưởng chừng như cậu bé bất hạnh ấy có thể sẽ không phải chịu thêm khổ đau gì nữa. Vậy nhưng bất hạnh vẫn đeo bám cậu khi ở trường. Ngày đầu tiên đi học cậu đã bị bạn bè đưa ra trêu chọc, nhục mạ và đánh đập vì sinh ra là một đứa trẻ không có cha. Với sự lạnh nhạt và phân biệt đối xử từ bạn bè, cậu luôn sống trong bóng tối với sự mặc cảm, tự ti. Chi tiết giọt nước mắt đã thể hiện rất rõ sự đau đớn, nỗi tủi hờn của Xi-mông. Điều này đã được tác giả khắc họa rất chi tiết: “cảm giác uể oải thường thấy sau khi khóc”, “và thấy buồn vô cùng, em lại khóc. Người em rung lên”, “chẳng nhìn thấy gì quanh em nữa và em chỉ khóc hoài”...Chính điều này đã thể hiện sự bi kịch trong tâm hồn cậu bé bất hạnh và từ những suy nghĩ tiêu cực đã khiến cậu có những hành động và việc làm tiêu cực. Cậu đã có ý nghĩa bỏ ra bờ sông và tự tử để giải thoát sự đau đớn, dày vò. Nhưng nhờ vẻ đẹp đặc biệt của thiên nhiên đã khiến cậu vơi bớt đi phần nào sự tủi hờn. Suy nghĩ vẩn vơ và bế tắc, Xi-mông loay hoay với những ý nghĩ về gia đình, ở đó có mẹ, có nhà...Thế rồi nỗi tuyệt vọng của em ngày một lớn dần. “Em quỳ xuống và đọc kinh cầu nguyện...nhưng em không đọc hết được, vì những cơn nức nở lại kéo đến, dồn dập, xốn xang choán lấy em”. Dường như Xi-mông đã được đền đáp. Em đã gặp được bác Phi-lip, một bác thợ rèn “cao lớn, râu tóc đen quăn...nhân hậu”. Như một phép màu giữa đời thường, chú Phi-lip nhẹ nhàng nói: “Thôi nào, đừng buồn nữa, về nhà mẹ cháu với bác đi. Người ta sẽ cho cháu...một ông bố”. Câu nói ấy có sức nặng vô cùng lớn, nó khiến tâm hồn của một đứa trẻ bất hạnh, đau đớn tột cùng trở nên vui vẻ và hào hứng đến kì lạ. Nó xoa dịu mọi nỗi đau trong tâm hồn cậu bé non nớt ấy.

Cuộc gặp gỡ định mệnh ấy là sợi dây nối kết tình phụ tử, nối kết hạnh phúc gia đình. Cảnh tượng Xi-mông nhận bác Phi-lip làm cha thật khiến con người ta chứa chan nhiều xúc cảm. Em ngây thơ hỏi: “Bác có muốn làm bố cháu không?” đã thể hiện hết được nỗi khát khao cháy bỏng của cậu bé ấy. Và khi được bác Phi-lip trả lời “Có chứ, bác có muốn” thì tâm hồn của cậu bé như được vui tươi trở lại. Em nói với một giọng điệu chắc chắn: “Thế nhé! Bác Phi-lip, bác là bố cháu”. Chính sự việc này đã khiến cho em tự tin, hãnh diện và có niềm tin hơn vào cuộc sống. Đó là sự tin tưởng, lạc quan về hạnh phúc trọn vẹn của một gia đình. Và ai cũng có quyền được hưởng điều ấy.

Lê Nguyễn Cẩn đã nhận định “Bố của Xi-mông là câu chuyện về một mảnh đời đặc biệt của trẻ thơ, mảnh đời ấy nhắc nhở mọi người về quyền của trẻ em được sống trong tổ ấm gia đình. Nó còn cho thấy khát vọng trong sáng của tuổi thơ có thể đánh thức dậy ở người khác tình yêu thương, lòng nhân hậu và thái độ không định kiến với những người ở xung quanh mình”. Qua nhân vật Xi-mông, ta cũng hiểu thêm được nhiều điều về cuộc sống, về những ước mơ một mái ấm gia đình tràn đầy yêu thương của những cô bé, cậu bé bất hạnh.
 
Từ khóa
cảnh tượng xi-mông nhận bác phi-lip làm cha guydo mô-pa-xăng lòng khát khao có một người bố người kể trong văn bản bố của xi-mông ôn tập bố của xi-mông phân tích nhân vật xi-mông tâm trạng của xi-mông
480
0
0

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top