Hướng dẫn Ôn tập cuối học kì 1 môn Ngữ văn

Hướng dẫn Ôn tập cuối học kì 1 môn Ngữ văn

Phong Cầm
Phong Cầm
  • Thạc sĩ lang thang ^^ 33 đến từ Nam Định
Đề cương ôn tập cuối học kì 1 môn Ngữ văn 11 thông qua các câu hỏi theo form đề thi cuối kì, cần sự đầu tư để làm bài tập, nhờ sự đầu tư làm bài sẽ giúp các bạn xem lại kiến thức đã học, khắc ghi kiến thức vào đầu, giúp ôn tập hiệu quả.

ĐỀ CƯƠNG ÔN TẬP NGỮ VĂN
KHỐI 11

PHẦN I - ĐỌC HIỂU

Đề 1 Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:

Để theo đuổi ước mơ của mình, bạn phải hành động. Nếu không, bạn sẽ mất cơ hội. Hãy chủ động hành động thay vì để cuộc đời đưa đẩy bạn. Nếu không có được những gì bạn muốn, thì hãy chủ động tạo ra những gì bạn muốn. Đấng Sáng Tạo sẽ thắp sáng con đường bạn đi. Vận may của cả đời bạn, cánh cửa của những ước mơ đang mở ra. Con đường dẫn tới mục đích sống có thể xuất hiện trước bạn bất cứ lúc nào.

Ngay cả khi đã xác lập được mục đích sống mạnh mẽ và đã phát triển được nguồn hy vọng lớn lao, niềm tin sâu sắc, lòng tự tôn, thái độ sống tích cực, lòng dũng cảm, tính kiên cường, khả năng thích nghi và những mối quan hệ tốt, bạn không thể chỉ ngồi đó và chờ đợi vận may đến với mình. Trên con đường vươn tới thành công, bạn phải nắm bắt từng cơ hội. Đôi khi bạn nhận thấy rằng trở ngại xuất hiện trên con đường của bạn không vì mục đích nào khác ngoài mục đích mở ra cơ hội để đưa bạn tới vị trí cao hơn. Nhưng bạn phải có lòng dũng cảm và sự quyết tâm để vươn lên.

Một trong những khẩu hiệu của tôi tại Tổ chức Life Without Limbs là "một ngày mới, một cơ hội mới". Không có những khẩu hiệu được đóng khung trên tường - chúng tôi cố gắng tạo ra những khẩu hiệu từ chính các hành động của mình.


(Trích Sống cho điều ý nghĩa hơn - Nick Vujicic, Nxb. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh)

Câu 1. Nêu nội dung và đặt nhan đề cho văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt, thao tác lập luận chính được sử dụng trong văn bản. (0,5 điểm)
Câu 3. Anh/chị hiểu thế nào về câu nói: "Đôi khi bạn nhận thấy rằng trở ngại xuất hiện trên con đường của bạn không vì mục đích nào khác ngoài mục đích mở ra cơ hội để đưa bạn tới vị trí cao hơn"? (1,0 điểm)
Câu 4. Thông điệp nào của văn bản trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? (1,0 điểm)

Đề 2 Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Em thấy không, tất cả đã xa rồi
Trong hơi thở của thời gian rất khẽ
Tuổi thơ kia ra đi cao ngạo thế
Hoa súng tím vào trong mắt lắm mê say.
Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu.
Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Bài hát đầu, xin hát về trường cũ
Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm - Rụng xuống trái bàng đêm.
Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?...

(
Trích bài thơ Chiếc lá đầu tiên (1), Hoàng Nhuận Cầm)

(1)Bài thơ là lời tự tình của một người lính trẻ vừa rời ghế nhà trường, trên đường ra trận với người yêu là cô bạn gái cùng lớp

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản?(0.5đ)
Câu 2. Những từ ngữ nào gợi hình ảnh và âm thanh khi người lính nhớ về trường cũ trong văn bản? (0.75đ)
Câu 3. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong đoạn thơ:

Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?...
(0.75đ)

Câu 4. Thông điệp mà anh/ chị tâm đắc nhất qua văn bản là gì ? Nêu lí do vì sao tâm đắc thông điệp đó.(1.0đ)

Đề 3 Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Cô ơi !

Cô không phải người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt thóc, nhưng cô dạy con biết quý bát cơm chan chứa mồ hôi. Cô không phải người công nhân kĩ sư kiến thiết mọi nơi, nhưng cô xây cho đời một tương lai phía trước.

Cha mẹ là người cho con cuộc sống, bạn bè là những chỗ dựa niềm tin, thử thách rồi những thất bại đã cho con trưởng thành hơn thì chính cô là người dạy con vượt qua khó khăn vấp ngã trên đường đời.

Chính cô là người nâng niu, uốn nắn cho con từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ dáng đi. Con lớn dần trong vòng tay yêu thương của cô mà không hay rằng ba năm học đã sắp kết thúc. Con sắp phải xa cô thật rồi sao? Con chỉ muốn mãi là cô trò nhỏ được cắp sách vở đến trường, ngày ngày được nghe cô giảng bài.

Nhưng con phải đi để còn nhường chỗ cho thế hệ các em học sinh mới. Đây cũng là lúc con vận dụng những bài học về cuộc đời của cô ở ngôi trường khác, to lớn hơn trường mình.


(Trích Thư gửi cô ngày tri ân, http://giaoducthoidai.vn,3-6-2014)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản
Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Con lớn dần trong vòng tay yêu thương của cô mà không hay rằng ba năm học đã sắp kết thúc.
Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về dòng tâm sự: Cha mẹ là người cho con cuộc sống, bạn bè là những chỗ dựa niềm tin, thử thách rồi những thất bại đã cho con trưởng thành hơn thì chính cô là người dạy con vượt qua khó khăn vấp ngã trên đường đời.
Câu 4. Thông điệp mà anh/chị tâm đắc nhất qua văn bản là gì? Vì sao chọn thộng điệp đó?

Đề 4 . Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:​

- Nín đi em, bố mẹ bận ra tòa!
Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi
Thằng bé khóc, bụng chưa quen chịu đói
Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm.

Bố mẹ đi từ sáng, khác mọi hôm
Không nấu nướng và không hề trò chuyện
Hai bóng nhỏ hai đầu ngõ hẻm
Cùng một đường sao chẳng thể chờ nhau?

Biết lấy gì dỗ cho em nín đâu
Ngoài hai tiếng ra tòa vừa nghe nói
Chắc nó nghĩ như ra đồng, ra bãi
Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về...

(trích bài thơ Hai chị em, Vương Trọng, 1985)

Câu 1. Xác định thể thơ và phong cách ngôn ngữ của văn bản?(0.5đ)
Câu 2. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu thơ Hai bóng nhỏ hai đầu ngõ hẻm? (0.75đ)
Câu 3. Anh/ chị hiểu điều gì qua hai câu thơ: Chắc nó nghĩ như ra đồng, ra bãi/Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về... (0.75đ)
Câu 4. Thông điệp mà anh/ chị tâm đắc nhất qua văn bản là gì ? Nêu lí do vì sao tâm đắc thông điệp đó.(1.0đ)

Đề 5. Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Khi dùng chữ “kiểm soát”, nghĩa là tôi đang nói đến những nỗ lực không đáng của nhiều người trong việc điều chỉnh hành vi của người khác, áp đặt “cái tôi” của mình lên môi trường làm việc, hoặc khăng khăng buộc mọi thứ phải theo một trật tự nhất định. Từ đó, họ tỏ ra cố chấp, phòng thủ và bực tức khi người khác không cư xử theo chỉ định của họ hoặc theo cách họ muốn. Những người thích kiểm soát luôn bận tâm về hành động của những người xung quanh. Họ luôn xét nét thái độ của người khác khi thái độ đó không phù hợp với mong muốn của họ…

Một trong những ví dụ điển hình về thái độ kiểm soát người khác mà tôi được nghe kể liên quan đến những chiếc kẹp giấy! Một luật sư của công ty luật hàng đầu nọ có thói quen thực hiện mọi việc theo một cách nhất định. Ông ta chỉ thích sử dụng kẹp giấy đồng thay vì loại kẹp bạc mà công ty cấp cho (với ông thì đây là chuyện quan trọng). Vậy là ông ta yêu cầu thư ký phải mua kẹp đồng bên ngoài cho mình (nhưng lại không đưa tiền cho cô). Nếu ai đó mang tài liệu đến cho ông ta mà không dùng loại kẹp giấy đồng, thế nào ông ta cũng nổi giận với họ. Cả công ty đặt cho ông biệt danh là "ông vua kẹp giấy".

Chính vì thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi vị luật sư này luôn chậm trễ về giấy tờ và gây phiền toái cho khách hàng. Hầu như toàn bộ thời gian ông đều dùng vào việc giận dữ trước những điều nhỏ nhặt. Câu chuyện về chiếc kẹp giấy chỉ là một trong những biểu hiện của thái độ muốn kiểm soát người khác của vị luật sư. Ông ta đặt ra nhiều quy định và nguyên tắc khác, từ cung cách phục vụ cà phê cho ông ta (phải dùng tách và đĩa lót kiểu dáng Trung Hoa) cho tới việc ông phải được giới thiệu như thế nào trong các cuộc họp. Thái độ kiểm soát đó đã khiến ông ta đánh mất rất nhiều khách hàng và cuối cùng thì ông bị cho thôi việc.


(Theo Richard-carlson, Vượt lên những chuyện nhỏ trong công việc, NXB Trẻ)​

Câu 1. Nêu phương thức biểu đạt chính và thao tác lập luận chính của văn bản?(0.5đ)
Câu 2. Theo tác giả, người kiểm soát người khác là người như thế nào? (0.75đ)
Câu 3. Tại sao ông (vị luật sư) đánh mất rất nhiều khách hàng và cuối cùng thì ông bị cho thôi việc? (0.75đ)
Câu 4. Anh/ chị có đồng ý với việc kiểm soát người khác không? Nêu lí do vì sao.(1.0đ)

PHẦN II – LÀM VĂN

Đề 1. Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu:​

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất;
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi.

Của ong bướm này đây tuần trăng mật;
Này đây hoa của đồng nội xanh rì;
Này đây lá của cành tơ phơ phất;
Của yến anh này đây khúc tình si.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi;
Mỗi sáng sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần;
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.


Đề 2. Anh (chị) cảm nhận như thế nào về khổ thơ mở đầu và khổ thơ cuối cùng trong bài thơ Tràng giang của Huy Cận:​

“Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp,
Con thuyền xuôi mái nước song song.
Thuyền về nước lại, sầu trăm ngả,
Củi một cành khô lạc mấy dòng”.

“Lớp lớp mây cao đùn núi bạc,
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.
Lòng quê dợn dợn vời con nước,
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

Đề 3. Phân tích bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử​

Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?

Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra...
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?

Đề 4 Phân tích bài thơ Chiều tối (Mộ) của Hồ Chí Minh.​

Phiên âm :
Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không .
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lỗ dĩ hồng.


Dịch nghĩa :
Chim mỏi về rừng tìn cây ngủ,
Chòm mây lẻ loi trôi lững lờ trên tầng không .
Thiếu nữ xóm núi xay ngô,
Ngô vừa xong, lò than đã đỏ.


Dịch thơ:
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không .
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.

Đề 5. Phân tích bài thơ Từ ấy của Tố Hữu.​

Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ
Mặt trời chân lý chói qua tim
Hồn tôi là một vườn hoa lá
Rất đậm hương và rộn tiếng chim…

Tôi buộc lòng tôi với mọi người
Để tình trang trải với trăm nơi
Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời

Tôi đã là con của vạn nhà
Là em của vạn kiếp phôi pha
Là anh của vạn đầu em nhỏ

Không áo cơm, cù bất cù bơ…
 
Từ khóa
ôn tập cuối học kì 1 môn ngữ văn phân tích bài thơ
1K
2
1

Phong Cầm

Thạc sĩ lang thang ^^
17/5/21
890
911
363,000
33
Nam Định
forum.vanhoctre.com
Xu
7,469,529

HƯỚNG DẪN ÔN TẬP CUỐI HỌC KÌ I MÔN NGỮ VĂN 11

PHẦN I - ĐỌC HIỂU

Đề 1

1. * Nội dung chính của văn bản:​

- Để theo đuổi và đạt được ước mơ, chúng ta phải hành động.
- Trên con đường vươn tới thành công, phải nắm bắt từng cơ hội.
- Hãy tạo ra khẩu hiệu bằng các hành động thực tiễn.

* Đặt nhan đề cho văn bản:

- Một ngày mới, một cơ hội mới.
- Sức mạnh của hành động.

(Thí sinh có thể lựa chọn các phương án trên hoặc đặt một số nhan đề khác phù hợp với nội dung của văn bản).

2. - Phương thức biểu đạt chính: Nghị luận
- Thao tác lập luận chính: Bình luận

3. Giải thích câu nói: "Đôi khi bạn nhận thấy rằng trở ngại xuất hiện trên con đường của bạn không vì mục đích nào khác ngoài mục đích mở ra cơ hội để đưa bạn tới vị trí cao hơn":

- Câu nói khẳng định vai trò, ý nghĩa của trở ngại, thử thách trên con đường đi đến thành công của mỗi người. Thông thường, theo thói quen suy nghĩ của nhiều người thì khó khăn, thử thách là rào cản khiến con người khó đạt được mục đích. Tuy nhiên, câu nói đã cho thấy: trở ngại, khó khăn cũng là cơ hội giúp con người phát huy năng lực bản thân, đạt được thành công và khẳng định vị trí của mình trong xã hội.

- Câu nói đã thể hiện cách suy nghĩ, và thái độ sống tích cực: lạc quan, có niềm tin, bản lĩnh, ý chí và lòng quyết tâm... để biến trở ngại thành cơ hội.

4. Học sinh có thể rút ra thông điệp ý nghĩa nhất khác nhau nhưng phải kiến giải lựa chọn của mình một cách hợp lý và thuyết phục.

Đề 2

1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: biểu cảm
2. Những từ ngữ gợi hình ảnh và âm thanh khi người lính nhớ về trường cũ trong văn bản:
- Từ ngữ gợi hình ảnh: hoa súng tím;hoa phượng hồng;
- Từ ngữ gợi âm thanh: Tiếng ve trong veo;Sân trường đêm - Rụng xuống trái bàng đêm.

3. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ sử dụng trong văn bản:
Biện pháp tu từ: điệp cú pháp ( Nỗi nhớ…)
- Tác dụng: một mặt tạo ấn tượng sâu đậm về những kỉ niệm thiêng liêng của tuổi học trò, một mặt tạo cảm giác về một sự xúc động trào dâng, khi nghĩ về tuổi học trò.

4. Học sinh có thể trình bày và lí giải thông điệp tâm đắc nhất theo ý riêng, không vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Sau đây là vài gợi ý:
- Tuổi học trò là tuổi đẹp nhất
- Mối tình đầu ở học đường đẹp một cách gần gũi, hồn nhiên mà trong sáng, thánh thiện.
- Hãy biết nâng niu, gìn giữ những kỉ niệm của tháng năm học trò. Đó là động lực để mỗi con người trưởng thành khi bước vào đời.

Đề 3

1. Phong cách ngôn ngữ : sinh hoạt
2. Biện pháp tu từ: hoán dụ (vòng tay)
-Tác dụng: tạo nên cách diễn đạt giàu hình ảnh, mang ý nghĩa ca ngợi tình cảm yêu thương ấm áp, chở che của cô dành cho học trò, đồng thời thể hiện niềm xúc động và lòng biết ơn của học trò dành cho cô giáo trong ngày chia tay.

3. Cách hiểu: Cha mẹ là người cho con cuộc sống, bạn bè là những chỗ dựa niềm tin, thử thách rồi những thất bại đã cho con trưởng thành hơn thì chính cô là người dạy con vượt qua khó khăn vấp ngã trên đường đời.
- Cha mẹ có công sinh thành dưỡng dục, nuôi con nên người;
- Bạn bè là người gần gũi, giúp ta có sức mạnh tinh thần
- Thử thánh, thất bại là bài học của sự thành công
- Cô giáo là người mẹ hiền, nâng đỡ cho bao thế hệ học sinh vượt qua mọi chông gai trong cuộc sống.

4. Học sinh có thể trình bày 1 thông điệp tâm đắc nhất và có lí giải vì sao. Sau đây là vài gợi ý:

- Tri ân là đạo lí truyền thống của dân tộc
- Thầy cô là kĩ sư tâm hồn
- Nghề giáo là nghề cao quý…

Đề 4

1. Thể thơ: tự do
- Phong cách ngôn ngữ : nghệ thuật

2. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ:
- Biện pháp tu từ hoán dụ ( hai bóng nhỏ- chỉ hình ảnh bố mẹ)
- Tác dụng: gợi hình ảnh cụ thể, gần gũi trên quan hệ tiếp cận giữa bóngngười, từ đó câu thơ gợi cảnh ra toà để li hôn, báo hiệu sự tan vỡ của hạnh phúc gia đình.

3. Cách hiểu hai câu thơ: Chắc nó nghĩ như ra đồng, ra bãi/Sớm muộn chi rồi bố mẹ cũng về...:
Đó là suy nghĩ thể hiện sự ngây thơ, trong sáng của hai đứa trẻ. Các em càng ngây thơ, người đọc, người nghe càng xót xa, đau đớn trước tình trạng li hôn trong cuộc sống;
Đó cũng là niềm khao khát mái ấm gia đình của trẻ thơ.

4. Học sinh có thể trình bày và lí giải thông điệp tâm đắc nhất theo ý riêng, không vi phạm chuẩn mực đạo, pháp luật và có lí giải hợp lí. Sau đây là vài gợi ý:
- Gia đình là tổ ấm duy nhất của mỗi con người
- Hãy đem lại hạnh phúc cho trẻ thơ…

Đề 5

1. Phương thức biểu đạt chính: nghị luận
- Thao tác lập luận chính của văn bản: chứng minh
2. Theo tác giả, người kiểm soát người khác là người:
- cố chấp, phòng thủ và bực tức khi người khác không cư xử theo chỉ định của họ;
- luôn bận tâm về hành động của những người xung quanh;
- luôn xét nét thái độ của người khác khi thái độ đó không phù hợp với mong muốn của họ.
3. Ông (vị luật sư) đánh mất rất nhiều khách hàng và cuối cùng thì ông bị cho thôi việc,bởi vì:
- Ông có thói quen sử dụng kẹp giấy đồng của cá nhân theo sở thích của mình, chứ không dùng kẹp giấy bạc do công ty cấp cho. Những khách hàng không dùng kẹp giấy như ông sẽ bị ông tức giận.
- Ông đã áp đặt cái tôi cá nhân vào khách hàng, khiến họ bị kiểm soát, mất tự do riêng tư.

4. Học sinh có thể trình bày ý kiến riêng của cá nhân, có thể đồng ý hoặc không đồng ý, hoặc vừa đồng ý, vừa không đồng ý, có lí giải hợp lí theo ý riêng, không vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Sau đây là vài gợi ý:
- Nếu theo hướng đồng ý: đưa ra tình huống kiểm soát con cái của cha mẹ: Trước xã hội luôn biến động và đầy rẫy những cạm bẫy, việc thấu hiểu những thay đổi trong lối sống, cách suy nghĩ của con cái là điều vô cùng quan trọng. Chính vì vậy, ngoài việc luôn lắng nghe, chia sẻ để biết những tâm tư, nguyện vọng của con mình, cha mẹ cũng nên kiểm soát mọi hành vi và nếp sống của con mình. Vấn đề là ở chỗ cha me hiểu và thực hiện việc kiểm soát đấy như thế nào để con mình không cảm thấy áp lực, căng thẳng, hay mất đi tính tự lập
- Nếu theo hướng không đồng ý: Trong quan hệ gia đình, xã hội , nếu một người bị người khác kiểm soát ngặt nghèo, người đó sẽ có cảm giác mình không được tôn trọng quyền riêng tư, dẫn đến rạn nứt tình cảm, để lại nhiều hậu quả đáng tiếc…
- Nếu vừa đồng ý vừa không đồng ý: kết hợp 2 ý kiến trên.

PHẦN II – LÀM VĂN

1. Hướng dẫn luyện tập đề 1:

Tìm hiểu đề

Dạng đề: Phân tích một đoạn thơ.
Yêu cầu của đề:
Yêu cầu về nội dung: Làm rõ nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ.
Yêu cầu về thao tác: Phân tích là thao tác chính, cần kết hợp các thao tác khác như:
chứng minh, bình luận, so sánh…
Yêu cầu về tư liệu: Tư liệu chính là những câu thơ trong đoạn thơ đã cho, tư liệu có liên quan để bổ sung cho ý phân tích.

Lập dàn ý

I. Mở bài: Giới thiệu tác giả Xuân Diệu, dẫn vào bài thơ “Vội vàng”. Nêu vấn đề: Bài thơ có giá trị sâu sắc về nội dung và nghệ thuật mà tiêu biểu là đoạn thơ sau:
(ghi nguyên văn đoạn thơ”)

II. Thân bài:
Khái quát:
Nêu xuất xứ, thời gian sáng tác, bố cục bài thơ, nội dung chính mỗi phần, vị trí đoạn thơ ở đề bài.

Phân tích nội dung nghệ thuật đoạn thơ: Các ý chính cần phân tích:

Khổ thơ ngũ ngôn đầu bài thơ:

Điệp kết cấu “Tôi muốn …”, sáng tạo từ ngữ “buộc” diễn tả ước muốn phi lí…Hé mở lòng yêu đời, ham sống mãnh liệt của thi sĩ.

Khổ thơ tiếp theo:

Bảy câu thơ đầu: điệp từ “này đây”; nhịp thơ dồn dập, sôi nổi, hình ảnh thơ tươi vui, sáng tạo, cảm nhận mới lạ, độc đáo -> Trần gian hiện lên trong cảm nhận của nhà thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” là như thế: tươi đẹp, mơn mởn sức sống, chan chứa niềm vui, niềm hạnh phúc, ngập tràn tình yêu. Trần gian này chính là một thiên đường thực thụ, không phải tìm đâu xa. Trần gian này lúc nào cũng tươi xanh mơn mởn như đang giữa mùa xuân. Thi sĩ như ngất ngây, say đắm trong hương sắc của nó.

Hai câu sau : Lời tuyên bố sống “vội vàng”. Dùng cách nói hình ảnh để khẳng định: phải sống ngay từ bây giờ, ngay khi đang còn trẻ, còn đầy sức xuân, khi tâm hồn còn ngập tràn tình yêu.

Cả đoạn thơ: với phép điệp, nhịp thơ sôi nổi, dồn dập, hình ảnh thơ sáng tạo, cảm nhận mới lạ diễn tả cuộc sống trần gian như một thiên đường và tuyên bố sống vội vàng; từ đó thể hiện quan niệm thẩm mĩ mới mẻ của Xuân Diệu: trong thế giới này, đẹp nhất, quyến rũ nhất là con người giữa tuổi trẻ và tình yêu.

III. Kết bài:
Kết luận về nội dung, nghệ thuật đoạn thơ, nêu ý nghĩa đoạn thơ.
Xem các bài liên quan tới bài thơ Vội vàng TẠI ĐÂY

2. Hướng dẫn luyện tập đề 2:

Tìm hiểu đề
1. Dạng đề:
Cảm nhận một đoạn thơ.
2. Yêu cầu của đề:
Yêu cầu về nội dung: Làm rõ nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ.
Yêu cầu về thao tác: Phân tích là thao tác chính, cần kết hợp các thao tác khác như: chứng minh, bình luận, so sánh…
Yêu cầu về tư liệu: Tư liệu chính là những câu thơ trong đoạn thơ đã cho, tư liệu có liên quan để bổ sung cho ý phân tích.

Lập dàn ý
I. Mở bài:
Giới thiệu tác giả Huy Cận, dẫn vào bài thơ “Tràng giang”. Nêu vấn đề: Bài thơ có giá trị sâu sắc về nội dung và nghệ thuật mà tiêu biểu là đoạn thơ sau:
(ghi nguyên văn đoạn thơ”)

II. Thân bài:

Khái quát:
Nêu hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, thể loại, bố cục bài thơ, vị trí đoạn thơ ở đề bài, về nhan đề bài thơ.
Phân tích nội dung nghệ thuật đoạn thơ: Các ý chính cần phân tích:
Khổ thơ đầu : Bức tranh thiên nhiên tràng giang:
Ba câu đầu: mang màu sắc cổ điển.

+ Câu đầu: Hình ảnh “sóng”, cụm từ “gợn tràng giang”, từ láy “điệp điệp” -> diễn tả những con sóng liên tiếp vỗ vào nhau, nối đuôi nhau, lan ra rộng dần, xa dần, gợi nỗi buồn triền miên như những con sóng.

+ Câu hai: Hình ảnh “con thuyền xuôi mái”, từ láy “song song” -> thuyền và nước không đi liền với nhau mà “song song”, gợi cảm giác rời rạc, buồn tẻ.

+ Câu ba: Hình ảnh “thuyền về nước lại”, cụm từ “sầu trăm ngả” -> thuyền và nước chia lìa, nỗi buồn tăng cấp thành nỗi sầu, nỗi sầu lan tỏa khắp không gian, trăm ngả nước là trăm nỗi sầu.

Cảnh tràng giang gợi cảm giác buồn, cô đơn, xa vắng, chia lìa.

Câu cuối : mang màu sắc hiện đại.

Phép đảo đưa hình ảnh “củi” lên đầu câu gợi ấn tượng về sự nhỏ nhoi; phép đối giữa “một”

cành củi khô với “mấy” dòng nước nhấn mạnh sự cô đơn, lạc lõng -> gợi liên tưởng đến thân phận những kiếp người nhỏ bé, bơ vơ giữa dòng đời.

Khổ thơ tiếp theo, cũng là khổ thơ cuối bài thơ, vừa hoàn thiện bức tranh tràng giang, vừa trực tiếp bộc lộ nỗi lòng nhà thơ.

Hai câu đầu : bức tranh thiên nhiên tràng giang đậm chất cổ điển.

+ Câu đầu: Hình ảnh “mây”, “núi bạc”, từ “lớp lớp”, từ “đùn” -> khắc họa khung cảnh tràng giang rộng lớn, hùng vĩ, tráng lệ.

+ Câu hai: Hình ảnh “chim nghiêng cánh nhỏ” giữa bầu trời rộng lớn mênh mông -> gợi sự nhỏ bé đến tội nghiệp.

Hai câu sau:

+ “Lòng quê” : tấm lòng với quê hương; “dợn dợn” : đong đầy.
+ Tâm trạng “nhớ nhà”; vận dụng sáng tạo thơ cổ.
Lòng yêu quê hương đất nước thầm kín của nhà thơ.

Nghệ thuật đoạn thơ:
- Sự kết hợp hài hòa giữa sắc thái cổ điển và hiện đại (Cổ điển: thể thơ thất ngôn; những hình ảnh thơ quen thuộc trong văn học trung đại. Hiện đại: sự xuất hiện của những cái tưởng như tầm thường, vô nghĩa; cảm xúc buồn mang dấu ấn “cái tôi” cá nhân…)
- Nghệ thuật đối, bút pháp tả cảnh giàu tính tạo hình, hệ thống từ láy giàu giá trị biểu cảm.

III. Kết bài : Kết luận chung về nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ, nêu ý nghĩa đoạn thơ.

3. Hướng dẫn luyện tập đề 3:

I. Giới thiệu về tác giả và tác phẩm:

Hàn Mặc Tử là con người tài hoa mà bất hạnh, là “ngôi sao chổi trên bầu thơ Việt Nam” (Chế Lan Viên). Là một trong những nhà thơ có sức sáng tạo mãnh liệt trong phong trào Thơ mới, ông để lại cho đời những vần thơ vừa “điên loạn”, “đau thương” vừa thiết tha, trong sáng. Tiêu biểu cho những vần thơ trong sáng, thiết tha ấy là bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”. (Nêu vấn đề theo đề bài)

II. Khái quát về bài thơ:

Bài thơ được viết năm 1938, khi Hàn Mặc Tử đã mắc căn bệnh nan y. Thi phẩm được in trong tập “Thơ điên”, được khơi nguồn cảm hứng từ tấm bưu ảnh mà Hoàng Thị Kim Cúc (cô gái thôn Vĩ mà thi sĩ đã yêu, một tình đơn phương) gửi cho ông. Bài thơ viết theo thể thơ thất ngôn, gồm ba khổ thơ.

III. Nội dung và nghệ thuật:

1. Khổ thơ đầu: là bức tranh thôn Vĩ vào buổi bình minh:


“Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc.
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.”

Câu thơ mở đầu là câu hỏi : sao anh lại không trở về thôn Vĩ chơi? Đây là câu hỏi tu từ, hỏi không yêu cầu trả lời. Ở đây, nhà thơ tự phân thân ra để tự hỏi mình. Câu hỏi thoáng chút trách móc, hờn giận, nhưng chủ yếu là bộc lộ nỗi lòng nhà thơ. Câu thơ bảy tiếng thì có sáu tiếng đầu liên tục là thanh bằng. Sáu thanh bằng liên tục ấy tạo ra âm hưởng chơi vơi. Có lẽ nỗi nhớ chơi vơi về thôn Vĩ khiến Hàn Mặc Tử đã mở đầu bài thơ bằng âm hưởng chơi vơi ấy. Cuối câu hỏi là một thanh sắc chói gắt, xoáy vào lòng người, làm người đọc cảm nhận được nỗi xót xa, tiếc nuối vì đã không trở về thôn Vĩ thân yêu. Câu thơ bộc lộ rõ nỗi nhớ chơi vơi và niềm xót xa tiếc nuối của thi sĩ khi không có cơ hội trở về thôn Vĩ.

Sau câu hỏi như mời gọi ấy là bức tranh thiên nhiên Vĩ Dạ. Đó là cảnh ở một khu vườn thôn Vĩ vào buổi sáng bình minh, có những ánh nắng đầu tiên của một ngày chiếu dọi lên hàng cau và cả khu vườn ánh lên sắc xanh như ngọc. Cảnh thôn Vĩ được nhìn từ xa nên sự vật đầu tiên mà tác giả trông thấy là “nắng hàng cau” – nắng ban mai chiếu trên hàng cau cao vút. Đó là thứ “nắng mới lên”, thứ nắng gợi ra sự ấm áp, trong trẻo, tinh khôi. Điệp từ “nắng” hai lần trong câu hai gợi tả một không gian tràn ngập ánh nắng, dường như cả khu vườn đang tắm gội dưới ánh bình minh. Tới gần hơn, nhà thơ nhìn thấy vườn “xanh” “mướt” “như ngọc”. “Mướt” là từ tả độ bóng, sự óng ả, mượt mà tràn đầy sức sống của cây lá trong vườn. Từ cảm thán “quá” như một tiếng reo vui kinh ngạc trước vẻ đẹp bất ngờ của khu vườn. Nó lại ánh lên sắc “xanh như ngọc”. Có lẽ, vào buổi sáng sớm, cây lá còn đẫm sương đêm, được ánh nắng dọi lên nên ánh lên long lanh “như ngọc”. Cảnh thôn Vĩ hiện về trong nỗi nhớ của nhà thơ thật gần gũi, thật đẹp, thật trong trẻo, tinh khôi.

Thấp thoáng sau cảnh vật là hình ảnh con người. Con người thôn Vĩ hiện ra với khuôn “mặt chữ điền” – khuôn mặt của người phúc hậu, hiền lành. Khuôn mặt ấy lại thấp thoáng đằng sau “lá trúc” nên càng trở nên duyên dáng, đáng yêu.

Cả khổ thơ một là bức tranh thiên nhiên thôn Vĩ vào buổi bình minh đẹp trong trẻo, tinh khôi, tràn đầy sức sống và con người thôn Vĩ phúc hậu, duyên dáng, đáng yêu. Đằng sau bức tranh có cảnh và người đó, người đọc cảm nhận được tấm lòng yêu đời, yêu người đáng quý của nhà thơ bất hạnh.

2. Khổ thơ thứ hai : chuyển sang một cảnh khác: cảnh dòng sông đêm trăng

“Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay.
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?”

Gió - mây là đôi bạn tâm giao trong vũ trụ. Gió thổi đưa mây bay đi, cả hai cùng hướng. đó là quy luật tự nhiên. Nhưng trong câu thơ của Hàn Mặc Tử thì “gió theo lối gió, mây đường mây”, gió - mây chia lìa đôi nẻo. đây không còn là hình ảnh của thị giác nữa, mà là hình ảnh của mặc cảm. Mặc cảm chia lìa của một con người luôn sợ sẽ phải xa rời trần thế. Mặc cảm ấy đã chia lìa cả những thứ tưởng như không thể chia lìa. Ở câu hai, “dòng nước” được miêu tả “buồn thiu”. Dòng nước trôi chậm, lững lờ đến tĩnh lặng. “Hoa bắp” thì chỉ “lay” nhẹ, chuyển động khẽ khàng, vô hồn. Cảnh thật tĩnh lặng, mang đậm nỗi buồn, hiu hắt. So với khổ thơ đầu, cảnh ở đây hoàn toàn khác. Nắng tắt, chiều xuống, rồi trăng lên. Câu ba, câu bốn tả cảnh dòng sông có trăng soi chiếu. Chắc trăng sáng lắm nên soi tỏ con thuyền. Thuyền “chở” đầy trăng, cả dòng nước tràn đầy ánh trăng trở thành dòng “sông trăng”. Đêm trăng thật đẹp, thật lung linh, huyền ảo. Thế mà có gì đó nghe da diết mà khắc khoải : “Có chở trăng về kịp tối nay?”. Câu hỏi tu từ và động từ “kịp” gợi ra sự chờ đợi đến khắc khoải. Có về “kịp” tối nay không? Dường như, nếu trăng không về “kịp” thì kẻ bị số phận bỏ rơi trong đau khổ ấy sẽ hoàn toàn tuyệt vọng, đau thương. Với các thi nhân, trăng là người bạn thân thiết. Lí Bạch bất chợt bắt gặp ánh trăng ở đầu giường thì nhớ về quê hương (“Tĩnh dạ tứ” - Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh). Bác Hồ của chúng ta ở trong tù có trăng làm bạn (“vọng nguyệt” - Ngắm trăng), khi ra tù làm cách mạng lại có trăng cùng “bàn bạc việc quân” (“Nguyên tiêu” - Rằm tháng giêng)…Còn với Hàn Mặc Tử lúc này, trăng là tri âm tri kỉ, là cứu cánh duy nhất để con người bất hạnh này thoát khỏi cô đơn và mặc cảm chia lìa. Nỗi niềm khắc khoải chờ đợi trăng ấy của nhà thơ khiến người đọc nhận ra khát khao giao cảm với đời, với người của thi nhân.

3. Khổ thơ cuối: Nếu như khổ một, khổ hai nỗi nhớ chủ yếu hướng về cảnh thì khổ thơ thứ ba lại hướng về con người:

“Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá, nhìn không ra.
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh,
Ai biết tình ai có đậm đà?”

Con người hiện ra trong “mơ” hư ảo, chập chờn. Đó lại là “khách đường xa”, là khách ở nơi xa xôi. Phép điệp lặp lại hai lần cụm từ “khách đường xa” càng tô đậm thêm sự xa xôi, hư ảo. Đến câu thơ thứ hai, dường như thiếu nữ thôn Vĩ hiện ra rõ ràng hơn trong màu “trắng” của “áo em”. Sắc “trắng” được cực tả “trắng quá” để miêu tả vẻ đẹp trong trắng, trinh khiết của “em”. Nhưng sắc trắng ấy cũng làm tôi “nhìn không ra”. Thì ra là vậy. “Em” vẫn chập chờn, hư ảo quá, xa xôi quá, khó với tới quá. Với tôi, em là như vậy. Niềm đau ấy khiến thi sĩ quay trở lại với thực tại của mình: “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”. “Ở đây”, nơi tôi đang sống đây, trong cõi lòng tôi đây, thì chỉ còn là “sương khói mờ nhân ảnh”, chỉ còn sự u ám, lạnh lẽo, cô đơn. Cuối bài thơ là một câu hỏi : “Ai biết tình ai có đậm đà?” Tình yêu đơn phương với Hoàng Cúc khiến nhà thơ day dứt, băn khoăn: Không biết, em có biết tình tôi dành cho em đậm đà lắm hay không? Không biết tình cảm của em với tôi có chút gì đậm đà chưa? Câu thơ chứa đựng niềm day dứt mà vẫn rất tha thiết của một con người đang yêu nhưng lại sợ tình yêu không thành. Nó khiến cho người đọc thêm cảm thương cho thi sĩ tài hoa mà bạc mệnh, yêu say đắm mà suốt đời lại phải sống trong cô đơn, tật bệnh.

4. Cuối cùng, không thể không nhắc đến đại từ “ai” rải rác trong bài thơ: Cả bốn lần, đại từ phiếm chỉ này xuất hiện trong bài thơ đều mơ hồ, ám ảnh:

“Vườn ai mướt quá xanh như ngọc?”
“Thuyền ai đậu bến sông trăng đó?”
“Ai biết tình ai có đậm đà?”


Con người nhà thơ nói đến là phiếm chỉ, xa vắng trong hoài niệm, mông lung trong cảm xúc. Hi vọng về mối tình đơn phương ấy như đang nhạt nhòa theo sương khói. Không chỉ thế, đại từ “ai” còn tạo ra nét duyên dáng “rất Huế” cho cả bài thơ.

5. Nghệ thuật cả bài thơ:

Với trí tưởng tượng phong phú cùng với nghệ thuật so sánh, nhân hóa; thủ pháp lấy động tả tĩnh, sử dụng câu hỏi tu từ và những hình ảnh sáng tạo, có sự hòa quyện giữa thực và ảo, Hàn Mặc Tử đã dẫn người đọc trở về với thôn Vĩ thơ mộng, hữu tình; đồng thời thể hiện lòng yêu đời, ham sống mãnh liệt mà đầy uẩn khúc của nhà thơ.

IV. Ý nghĩa văn bản:
Bức tranh phong cảnh Vĩ Dạ và lòng yêu đời, ham sống mãnh liệt mà đầy uẩn khúc của nhà thơ.

Xem thêm các bài viết thuộc chủ đề: ĐÂY THÔN VĨ DẠ _ HÀN MẶC TỬ

4/ Hướng dẫn luyện tập đề 4:

I. Về tác giả và tác phẩm:
Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Người không chỉ là một nhà cách mạng kiệt xuất mà còn là một nhà văn, nhà thơ lớn. Người để lại một khối lượng sáng tác lớn với nhiều tác phẩm có giá trị. Một trong số đó là bài thơ “Chiều tối”. (Nêu vấn đề theo đề bài)

II. Khái quát về bài thơ:
Bài thơ thuộc tập thơ “Nhật kí trong tù” – viết trong khoảng thời gian người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam và giải đi khắp các nhà lao ở tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). “Chiều tối” là bài thứ 31 trong 134 bài của tập thơ, được gợi cảm hứng trong lần Người bị giải đi từ nhà lao Tĩnh Tây sang nhà lao Thiên Bảo. Bài thơ được viết bằng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt.

III. Nội dung và nghệ thuật:
Hai câu đầu: khung cảnh thiên nhiên núi rừng Quảng Tây buổi chiều tối.
“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”.
(“Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không”.)

Bằng bút pháp chấm phá trong thơ cổ, chỉ với vài nét vẽ “chim” và “mây”, Bác đã vẽ ra bức tranh núi rừng Quảng Tây buổi chiều tối. Trong thơ ca cổ, hình ảnh cánh “chim” thường tượng trưng cho thời gian chiều tối:

“Chim bay về núi tối rồi” (Ca dao)
“Chim hôm thoi thót về rừng” (“Truyện Kiều” – Nguyễn Du)

Thế nên, ngay đầu bài thơ, dù không có một từ chỉ thời gian nhưng người đọc vẫn cảm nhận được không gian sắp về tối. Tuy nhiên, thi liệu cổ ấy (“chim”) đã được Bác vận dụng sáng tạo. Trong thơ xưa, hình ảnh cánh chim thường được miêu tả qua trạng thái bên ngoài của nó (bay). Còn trong thơ Bác, Người cảm nhận sâu sắc trạng thái bên trong của nó : “chim mỏi” sau một ngày kiếm ăn vất vả. Tấm lòng thương yêu vô bờ bến của con người “chỉ biết quên mình cho hết thảy” đã đồng cảm với cánh chim mỏi mệt ấy. Bức tranh núi rừng buổi chiều muộn còn có “mây”. Đây cũng là thi liệu quen thuộc trong thơ ca cổ điển:

“Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt” ( Thu điếu – Nguyễn Khuyến)
“Cô vân độc khứ nhàn” (Lưng trời thơ thẩn đám mây một mình - Thơ Lí Bạch)

Nếu như hình ảnh đám mây trong thơ ca xưa thường gợi ra sự nhàn tản, thoát tục của một nhà nho tìm về với chốn làng quê ẩn dật thì trong thơ Bác, nó là hình ảnh của hiện thực. Trên đường chuyển lao, ánh mắt Bá hướng lên cao và bắt gặp đám mây trôi chầm chậm, lơ lửng (“mạn mạn”) trên bầu trời. Đám mây ấy gợi ra không gian tĩnh lặng nhưng cũng thanh bình, thơ mộng của vùng rừng núi buổi chiều muộn.

Những cụm từ “quyện điểu” (chim mỏi) và “cô vân” (đám mây lẻ) vừa gợi tả cảnh, vừa gợi lên tâm trạng của con người. Sau một ngày bị giải đi bộ vất vả trên đường rừng núi gập ghềnh, chân tay lại bị xiềng xích, chờ đợi phía trước lại là một nhà lao khác chật chội, bẩn thỉu; lại đang ở nơi đất khách quê người nên Bác cũng cảm thấy mệt mỏi, cô đơn. Tuy vậy, ánh mắt Bác vẫn hướng lên bầu trời, đồng cảm với cánh chim “mỏi”, thả hồn theo đám mây lẻ trôi lững lờ. Phải có một tấm lòng yêu thiên nhiên tha thiết và một phong thái ung dung, tự tại, vượt lên trên hoàn cảnh thì mới có thể chan hòa cùng với thiên nhiên như thế. Hai câu đầu vừa đậm màu sắc cổ điển với bút pháp chấm phá và những hình ảnh thơ cổ; vừa đậm tính hiện đại với vẻ đẹp tâm hồn của người tù – chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh. Đó cũng chính là “chất tình” dào dạt và chất “thép” cứng cỏi thường gặp trong thơ Người.

Hai câu sau: Bức tranh cuộc sống con người miền sơn cước:

“Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết lò than đã rực hồng”.

(“Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn lô dĩ hồng”.)

Trên con đường chuyển lao, ánh mắt người tù cộng sản nhận ra người lao động trong công việc: cô gái xóm núi xay ngô. Cũng như các nhà thơ, nhà văn xưa, tấm lòng nhân đạo của họ hướng về những con người yếu đuối: người phụ nữ có số phận bất hạnh (Thúy Kiều trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du; nàng Vũ Nương trong truyện “Người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ; nàng chinh phụ lẻ loi chờ chồng trong “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn…); Bác cũng hướng tới người phụ nữ, nhưng trong thơ Bác, đó lại là một người phụ nữ lao động bình thường, giản dị trong lao động. Đó chính là tình yêu thương của một chiến sĩ cộng sản đối với con người thuộc giai cấp vô sản, nhân dân lao động – đối tượng mà người dành cả cuộc đời mình đấu tranh vì họ. Điệp ngữ “ma bao túc” ở cuối câu ba được lặp lại ở đầu câu bốn, gợi tả những vòng xoay liên tục, liên tục của cái cối xay ngô. Những vòng xoay liên tục ấy gợi ra không khí làm việc miệt mài, chăm chỉ và vẻ đẹp khỏe khoắn trong lao động của cô gái xóm núi. Cuối bài thơ là chữ “hồng”, được xem là “nhãn tự” của bài thơ. Một chữ “hồng” gợi không gian sáng rực, gợi không khí ấm áp, tươi vui. Thế đấy, dù đang mệt mỏi, cô đơn là thế, chỉ cần nhìn thấy người lao động cần cù, chăm chỉ trong cuộc sống đời thường, tâm hồn Bác đã rực lên niềm vui, ấm áp trở lại. Không như quy luật thông thường, chiều rồi chuyển dần về tối, cuối bài thơ lại là không gian sáng rực. Cái tài tình của Bác cũng là ở chỗ này. Cả bài thơ không có một chữ “tối”, thế mà người đọc vẫn thấy thời gian đã về tối rồi. Chính cái ánh lửa đỏ rực của lò than khiến người ta nhận ra điều đó, bởi trời có tối thì nhìn từ xa mới thấy được ánh lửa đỏ rực lên. Cùng với sự vận động của thời gian là sự vận động trong tư tưởng của Người: từ buồn sang vui, từ lạnh lẽo cô đơn sang ấm nóng tình người. Bác là thế đấy: dạt dào tình yêu – yêu con người, yêu cuộc sống mà vẫn luôn cứng cỏi, kiên cường, luôn lạc quan, yêu đời, luôn hướng về ánh sáng, tương lai. Hình ảnh con người trở thành trung tâm của bức tranh thiên nhiên và mạch thơ vận động hướng về sự sống, về ánh sáng ấy khiến hai câu sau đậm tính hiện đại.

Cả bài thơ chỉ với hai mươi tám chữ mà chứa đựng biết bao nhiêu cảm xúc, ý nghĩa. Người đọc không thể nào quên được một tâm hồn thi sĩ chan chứa tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người, yêu cuộc sống và cũng không thể nào quên được bản lĩnh “thép” của người chiến sĩ cộng sản Hồ Chí Minh – dù trong hoàn cảnh nào vẫn luôn ung dung tự tại, lạc quan, yêu đời, vượt lên trên tất cả để vui với niềm vui của người lao động, để hướng về phía ánh sáng, tương lai.

Tóm lại, “Chiều tối” là một trong những bài thơ tiêu biểu của tập “Nhật kí trong tù”. Sự kết hợp giữa bút pháp cổ điển và tinh thần hiện đại làm bài thơ vừa có dáng dấp của một bài thơ tứ tuyệt cổ kính vừa mang đậm tinh thần thời đại. Bài thơ vẽ ra bức tranh thiên nhiên và cuộc sống con người miền sơn cước mà Bác thấy trên đường chuyển lao, từ đó người đọc thấy được tình yêu thiên nhiên, cuộc sống; tinh thần lạc quan yêu đời, luôn hướng về ánh sáng, tin tưởng vào tương lai của thi sĩ – chiến sĩ Hồ Chí Minh. Bài thơ là minh chứng tiêu biểu cho “những vần thơ thép” mà vẫn “mênh mông bát ngát tình” của Bác.

Nghệ thuật cả bài thơ:

Với hệ thống từ ngữ cô đọng, hàm súc, thủ pháp đối lập, điệp liên hoàn…bài thơ bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách nghệ sĩ – chiến sĩ Hồ Chí Minh.

IV. Ý nghĩa văn bản:

Vẻ đẹp tâm hồn và nhân cách nghệ sĩ – chiến sĩ Hồ Chí Minh: yêu thiên nhiên, yêu con người, yêu cuộc sống; kiên cường vượt lên trên hoàn cảnh, luôn ung dung, tự tại và lạc quan trong mọi cảnh ngộ đời sống.

5.Hướng dẫn luyện tập đề 5:

Tìm hiểu đề

1. Dạng đề: Phân tích một bài thơ.
2. Yêu cầu của đề:
Yêu cầu về nội dung: Làm rõ nội dung, nghệ thuật của bài thơ.
Yêu cầu về thao tác: Phân tích là thao tác chính, cần kết hợp các thao tác khác như: chứng minh, bình luận, so sánh…
Yêu cầu về tư liệu: Tư liệu chính là những câu thơ trong bài thơ đã cho, tư liệu có liên quan để bổ sung cho ý phân tích.

Lập dàn ý

I/ Mở bài: Giới thiệu tác giả Tố Hữu, dẫn vào bài thơ “Từ ấy”. Nêu vấn đề: Bài thơ có giá trị sâu sắc về nội dung và nghệ thuật:
(ghi nguyên văn bài thơ”)

II/ Thân bài:

Khái quát:
Nêu hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, thể loại, bố cục bài thơ, nội dung chính của bài thơ.
Phân tích nội dung nghệ thuật bài thơ: Các ý chính cần phân tích:
Phân tích khổ thơ đầu: Niềm vui lớn

Hai câu đầu: “Từ ấy” là mốc thời gian có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: khi nhà thơ được giác ngộ cách mạng. Những hình ảnh ẩn dụ “nắng hạ”, “mặt trời chân lí” cùng với các động từ mạnh “bừng”, “chói” đã nhấn mạnh: ánh sáng lí tưởng mở ra trong tâm hồn nhà thơ một chân trời mới của nhận thức, tư tưởng và tình cảm.

Hai câu sau: cụ thể hóa ý nghĩa, tác động của ánh sáng lí tưởng. Liên tưởng, so sánh: “Hồn tôi là một vườn hoa lá – Rất đậm hương và rộn tiếng chim” thể hiện vẻ đẹp và sức sống mới của tâm hồn cũng là của hồn thơ Tố Hữu.

Phân tích khổ thơ thứ hai: Lẽ sống lớn

Từ “buộc” thể hiện ý thức tự nguyện hòa nhập cái “tôi” cá nhân vào cái “ta” chung của cộng đồng.

Từ “trang trải” : tâm hồn trải rộng ra, tạo ra khả năng đồng cảm sâu xa với mọi người ở trăm nơi.

“Trăm nơi”, “hồn khổ” : cộng đồng quần chúng lao khổ.

“Mạnh khối đời” : khi cái tôi hòa chung vào cái ta, sức mạnh của khối đại đoàn kết sẽ tăng lên gấp bội.

Khẳng định mối liên hệ sâu sắc với quần chúng nhân dân.

Phân tích khổ thơ thứ ba: Tình cảm lớn

Điệp từ “là”, nhịp thơ hăm hở, sôi nổi khẳng định niềm vui khi được hòa nhập vào quần chúng lao khổ.

Những từ “con”, “em”, “anh” nhấn mạnh tình cảm thân thiết như người trong một gia đình.

Tự xác định mình là thành viên của đại gia đình quần chúng lao khổ.

d) Nghệ thuật cả bài thơ:
“Từ ấy” là tuyên ngôn cho tập thơ “Từ ấy” nói riêng và cho toàn bộ sáng tác của Tố Hữu nói chung. Với những ẩn dụ, so sánh độc đáo; những hình ảnh thơ tươi sáng, giàu ý nghĩa tượng trưng; ngôn ngữ gợi cảm giàu nhạc điệu và giọng thơ sảng khoái, nhịp điệu thơ hăm hở, bài thơ đã thể hiện thành công niềm vui sướng, say mê rạo rực của người thanh niên yêu nước Tố Hữu trong buổi đầu bắt gặp lí tưởng cộng sản.

III. Kết bài: Khẳng định lại nội dung, nêu ý nghĩa bài thơ.

 

BBT đề xuất

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.

Bình luận mới

Top