Baivanhay Phân tích, bình giảng truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu)

Baivanhay  Phân tích, bình giảng truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu)

Trong thể loại văn xuôi viết về người dân Việt Nam trước năm 1945 có rất nhiều tác phẩm để đời. Với cuộc sống cùng cực dưới ách thống trị của bọn chúa đất ở miền núi, chúng ta có "Vợ chồng A Phủ", hay chủ nghĩa anh hùng đậm chất sử thi – "Rừng Xà nu"… Nhưng sau đó, năm 1986, xã hội có sự thay đổi, nước ta xóa bỏ bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường vì thế văn học cũng có bước chuyển mình. Đề tài thế sự và đạo đức được các nhà văn xoáy sâu vào khai thác. Và "Chiếc thuyền ngoài xa" là một tác phẩm tiêu biểu cho thời kỳ ấy.

PHÂN TÍCH, BÌNH GIẢNG TRUYỆN NGẮN CHIẾC THUYỀN NGOÀI XA (NGUYỄN MINH CHÂU)

(In trong Phân tích bình giảng tác phẩm văn học 12 Nâng cao, Nguyễn Đăng Mạnh chủ biên, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, 2010, trang 155)

4963

Phân tích, bình giảng truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa - Nguyễn Minh Châu
Căn cứ theo điều Nguyễn Minh Châu lúc sinh thời từng tâm niệm: “Không có một thứ nghề nào mà kết quả công việc lại có thể cắt nghĩa rõ rệt chân giá trị của người làm ra nó như nghề viết văn” thì có thể khẳng định rằng những gì ông để lại cho đời đã đảm bảo chắc chắn ông là một tài năng và một nhân cách lớn. Sự nghiệp sáng tác của ông có một vị trí quan trọng trong quá trình vận động và phát triển của nền văn học Việt Nam giai đoạn đổi mới sau năm 1975 và ông rất xứng đáng với lời đánh giá của nhà văn Nguyên Ngọc: "Nguyễn Minh Châu thuộc số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng của văn học ta hiện nay.”

Mẫn cảm với nghề, Nguyễn Minh Châu ý thức rất sớm về xu thế tất yếu phải đổi mới văn học, mà trước nhất là đổi mới quan niệm về văn chương, về bản lĩnh và trách nhiệm của nhà văn. Từ năm 1945 đến 1975, văn học Việt Nam có sứ mệnh phục vụ chiến đấu, nó phải trở thành một vũ khí, một “mặt trận” tư tưởng. Yêu cầu đó quy định cách văn học tiếp cận cuộc sống chủ yếu từ góc độ lịch sử-sự kiện. Những vấn đề của cộng đồng được ưu tiên và được coi như tiêu chí hàng đầu để định giá tác phẩm. Tự nguyện làm một nhà văn-chiến sĩ, Nguyễn Minh Châu đã góp vào nền văn học kháng chiến những tác phẩm xuất sắc: Cửa sông, Dấu chân người lính, Mảnh trăng cuối rừng. Chính trong thời kì hào hùng và cam go ấy, nhà văn ghi vào nhật kí: “Hôm nay chúng ta đang chiến đấu vì quyền sống của cả dân tộc, nhưng sẽ đến một ngày chúng ta phải chiến đấu cho quyền sống của từng con người, sao cho con người ngày một tốt hơn. Chính cuộc đấu tranh ấy mới là lâu dài.” Hoá ra con người là mối bận tâm thường xuyên của ông. Nhận xét văn học viết trong chiến tranh của chúng ta thường có hạn chế lớn: “sự kiện lấn át con người”, ông cả quyết rằng sẽ đến lúc văn học “phải viết về con người”, “trước sau con người cũng leo lên trên sự kiện để đòi quyền sống”.

Khi đất nước hoà bình, Nguyễn Minh Châu có điều kiện để hiện thực hoá những suy tư đầy sáng suốt đó. Ông coi “văn học và cuộc sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm là con người”, còn nhà văn chân chính thì bao giờ cũng “mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống, nhất là tình yêu thương con người”. Tình yêu ấy thôi thúc ông làm một cuộc tự đổi mới âm thầm mà quyết liệt. Trong những sáng tác từ sau năm 1975, ngòi bút ông ngày càng nghiêng hẳn về đề tài thế sự, nơi ông có thể đi sâu vào những vấn đề cá nhân trong mối quan hệ đời thường đa đoan, phức tạp. Rồi từ đó ông đề xuất quan niệm mới mang nội dung dân chủ và nhân bản sâu sắc về con người.

Hai tập truyện ngắn Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983) và Bến quê (1985), đánh dấu bước chuyển vững vàng của Nguyễn Minh Châu. Truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa (viết xong tháng 8-1983) in trong tập Bến quê.

Những đổi mới của Nguyễn Minh Châu trong truyện ngắn này về cơ bản tập trung ở cách tiếp cận đời sống và quan niệm về con người. Chọn số phận cá nhân trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn thời hậu chiến làm đối tượng khám phá, nhà văn đã kiên quyết khước từ cái nhìn lí tưởng hoá con người, để hiện thực hiện lên với tất cả cái xù xì, góc cạnh của nó. Truyện dường như không có bóng dáng bất cứ một sự kiện chính trị-xã hội nào, chỉ là cuộc sống bế tắc quẩn quanh, thường nhật của một gia đình dân chài vùng đầm phá miền Trung, cách Hà Nội hơn sáu trăm cây số. Điều tác giả muốn nhấn mạnh là: tính chất phức tạp, bí ẩn của đời sống không thể nhìn bằng cái nhìn giản đơn, dễ dãi. Ông đã sáng tạo một tình huống thật độc đáo và hấp dẫn nhằm chuyển tải tư tưởng riêng, những phát hiện riêng về cuộc đời và về văn chương.

Vai trò của tình huống luôn được người viết truyện ngắn đề cao. Với Nguyễn Minh Châu, “Đôi khi người ta nghĩ ra được một cái tình thế xảy ra câu chuyện thật hay và thế là coi như xong một nửa”. Tình huống chính là “thứ nước rửa ảnh” làm nổi hình nổi sắc nhân vật, làm rõ tư tưởng của nhà văn”.

Chiếc thuyền ngoài xa được triển khai trên hai tình huống chính. Tình huống nhận thức là tình huống lớn, bao trùm toàn bộ câu chuyện: Nhân vật Phùng được cử tới vùng biển xa xôi kia để chụp ảnh bổ sung cho bộ ảnh lịch chuyên đề mười hai tháng về biển. Trưởng phòng khi giao nhiệm vụ nói với Phùng: “không có người. Hoàn toàn thế giới tĩnh vật.” Nhờ đó mà Phùng có cơ hội chứng kiến một tình huống khác hết sức bất ngờ và khó tin: một người phụ nữ làng chài thường xuyên bị chồng đánh đập dã man, vẫn cắn răng cam chịu, từ chối lời khuyên đầy thiện chí của vị thẩm phán toà án huyện, kiên quyết không rời bỏ người chồng vũ phu. Cách xử sự lạ lùng của người đàn bà gây thắc mắc cho cả Phùng (phóng viên ảnh) lẫn Đẩu (thẩm phán). Kết cục là họ “vỡ ra” được nhân thức mới, đúng hơn, một nhận thức làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ quen thuộc của họ (kiểu tình huống này cũng xuất hiện ở nhiều truyện khác của Nguyễn Minh Châu như Bức tranh, Bến quê, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành…)

Do tình huống đặt ra là tình huống tự nhận thức nên cốt truyện được xây dựng trên nguyên tắc luận đề: sự kiện, sự việc chỉ là phông nền cho quá trình vận động tâm lí dẫn đến bước ngoặt tư tưởng.

Chủ thể của quá trình nhận thức ở đây là nhân vật Phùng, người kể chuyện xưng tôi (một hoá thân của Nguyễn Minh Châu?). Phùng có phẩm chất đáng quý của một nghệ sĩ giàu tâm huyết, tâm hồn tinh tế, thiết tha với cái đẹp. Cảnh thiên nhiên vùng đầm phá buổi sáng, “phẳng lặng và tươi mát”; cảnh đẩy thuyền ra khơi sôi nổi, náo nhiệt và khoẻ khoắn, cảnh thuyền cá trở về lúc bình minh rực rỡ; cảnh biển đêm huyền bí, sâu thẳm…đã đem lại những rung động “tuyệt đỉnh”, khiến anh vui sướng, hạnh phúc đến mức “tưởng như chinh mình vừa khám phá thấy cái chân lí của sự toàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn”. Đằng sau những câu văn khá du dương, hào phóng mĩ từ trong đoạn này, ngầm ẩn một nụ cười hài hước, chế giễu nhẹ nhàng lối tư duy lãng mạn của nhiều nghệ sĩ (đó cũng có thể là nụ cười tự trào đầy thâm thuý của Nguyễn Minh Châu). Tự tin và tự mãn, Phùng đã vội thu vào ống kính “cái đẹp tuyệt đỉnh của ngoại cảnh vừa mang lại”. Anh ngỡ rằng mình sáng suốt hơn người trưởng phòng, biết gắn cái đẹp thiên nhiên với hình ảnh con người, biết tìm ra sự hài hoà giữa chất thơ của trời biển với vẻ “náo nhiệt” tưng bừng của lao động. Nhưng anh đã lầm. Bước ngoặt trong nhận thức người nghệ sĩ được tác giả khắc hoạ thật sắc sảo qua sự đối lập gay gắt giữa “cái-thấy-phút-trước” với “cái-thấy-phút-sau”. Mấy cụm từ giản dị mà đầy sức nén của chân lí: “tôi chắc mẩm” (niềm tin có sẵn”, “ngay lúc ấy” (đột biến), “bất giác tôi nghe” (hoang mang trước sự thật).

Phùng đã hai lần chứng kiến cảnh người đàn bà bị chồng đánh đập tàn nhẫn trên bờ biển (lần thứ hai, thậm chí anh còn nhảy vào can thiệp và bị thương) rồi lại chứng kiến cách chị ta ứng xử tại toà án của chánh án Đẩu. Trong suy nghĩ của Phùng và Đẩu, người đàn bà khốn khổ đáng thương không nên cam chịu bị hành hạ, chắc bà ta sẽ vui vẻ chấp thuận bỏ chồng để được giải thoát khỏi đòn roi. Ngờ đâu cả thiện chí lẫn luật pháp đều bất lực: người đàn bà khi mới nghe vị thẩm phán thuyết phục li dị chồng đã “chắp tay lại vái lia lịa: “-Con lạy quý toà…”. Trước cảnh này, Phùng kinh ngạc cao độ và cảm thấy bức bối: “gian phòng ngủ lồng lộng gió biển của Đẩu tự nhiên bị hút hết không khí, trở nên ngột ngạt quá” vì “không thể nào hiểu được” thái độ cam chịu lạ lùng ấy. Ở đây diễn ra một sự va chạm gay gắt giữa những điều đã mặc định về con người với thực tế sống động của hiện thực. Phùng và Đẩu đều tin rằng mình đúng: họ đã bảo vệ bà ta bằng cả thiện chí lẫn luật pháp. Họ đinh ninh chồng bà ta là kẻ xấu xa, bỏ lão là giải pháp tốt nhất. Chỉ có điều người đàn bà lam lũ ấy giống như một bí mật mà họ chưa bao giờ biết. Sự thay đổi hoàn toàn tư thế và lối xưng hố, những câu nói chất phác mà “thấu tình đạt lí” của bà làm cả Phùng lẫn Đẩu bối rối “những lời ấy, nhất là đấy lại là lời một người đàn bà khốn khổ, không phải dễ nghe đối với chúng tôi…” Một lần nữa cách nhìn đầy định kiến và đơn giản “va” phải cái trí khôn của đời sống. Người đàn bà thất học lại có tư cách giảng giải cho hai vị trí thức về những nghịch lí mà con người phải chấp nhận khi nó bị cầm tù trong hoàn cảnh đói nghèo cùng cực. Hoá ra cuộc sống vốn đầy nghịch lí mà cái nhìn chủ quan duy ý chí không bao giờ thấy hết. Pháp luật công bằng, lòng tốt vô tư đều chưa đủ hoá giải những nghịch lí ấy. Nguyễn Minh Châu thật sâu sắc khi phát hiện sự cam chịu của người đàn bà là một phẩm chất, là cái đẹp đáng giá nhất, vì nó cần thiết nhất cho những dân hàng chài cơ cực kia khi xã hội chưa có một giải pháp thật sự hiệu quả đế thay đổi số phận họ.

Người đàn bà thất học mà không tăm tối. Thái độ nhẫn nhịn là kết quả của bao tình cảm vị tha, thánh thiện: “Đàn bà ở thuyến chúng tôi phải sống cho con chứ không phải sống cho mình như ở trên đất được!...”. Vậy là người đàn bà đã chủ động nhận về mình mọi đau đớn, phiền não để đảm bảo cho sự tồn tại của cái gia đình đông con sống dựa vào nghề sông nước vốn đầy dẫy bất trắc. Tình yêu thương như một bản năng mãnh liệt ngàn đời của người phụ nữ ở câu chuyện này phát lộ dưới hình thức bất ngờ nhất và cũng cảm động nhất. Nó cho bà ta can đảm để chịu đựng những trận đòn tàn bạo của chồng (khi bị chồng đánh bà không hề kêu khóc hay chống cự), nhưng lại khiến bà “đau đớn”, “xấu hổ”, “nhục nhã” khi biết mình vô tình làm tổn thương tâm hồn đứa con thơ dại (bà “mếu máo” gọi tên Phác, “ôm chầm lấy nó”, “chắp tay vái lấy vái để” đứa con, bà cũng đã khóc ở toà án khi nghe Phùng nhắc đến thằng Phác.

Nguyễn Minh Châu đã di chuyển điểm nhìn từ Phùng sang Đẩu rồi bất ngờ “trao” cho người đàn bà và chính cái người mẹ hàng chài thô kệch, mặt rỗ xấu xí, đầy vẻ lam lũ, cam chịu ấy lại là người sắc sảo, hiểu đời hơn hẳn hai vị trí thức. Chánh án Đẩu và phóng viên nhiếp ảnh Phùng đã từng kinh qua chiến tranh, đi nhiều, thấy nhiều mà hoá ra vẫn nông cạn, hời hợt trước hiện thực khắc nghiệt của gia đình bà và những người dân chài khác. Cuộc sống được Đẩu nhìn bằng sự rành rẽ, công bằng của luật pháp, Phùng nhìn bằng con mắt nghệ sĩ. Cả hai đều có sẵn lòng tốt và thiện chí với cuộc đời. Chỉ có điều các anh quen tư duy một chiều về cuộc đời (chẳng hạn, câu hỏi “như lạc đề” của Phùng: “Lão ta trước hồi bảy nhăm có đi lính nguỵ không?” hay cái thắc mắc rất ngây thơ của Đẩu: “Vậy sao không lên bờ mà ở?”) nên chỉ thấy được những gì là tất yếu, hợp lí. Người đàn bà trái lại, từ số phận mình đã buộc các anh phải đặt đời sống vào cái nhìn nhiều chiều để nhận ra vô vàn nghịch lí: bãi xe tăng bị bốc cháy (chứng tích về chiến công anh hùng trong chiến đấu) là nơi người đàn bà thường xuyên bị đánh đập, còn những đứa trẻ thì đói khát và thất học (bi kịch đói nghèo chưa cách gì chấm dứt), thiếu nữ mảnh dẻ duyên dáng “như nàng tiên cá” lại “được tách ra từ da thịt một người đàn bà hàng chài xấu xí và đau khổ”, người mẹ yêu con, cố che giấu sự thật để tránh cho con khỏi đau lòng, không ngờ lại làm nó tức giận đến mù quáng…Chính những lời giãi bày chất phác, dè dặt của người đàn bà đã dần dần “mở mắt” cho Phùng và Đẩu. Tất nhiên việc thay đổi cách nhìn, cách nghĩ quen thuộc không dễ dàng gi. Làm sao hai vị cựu chiến binh của một thời đánh giặc lừng lẫy có thể thấm thía được ngay bao nhiêu nông nỗi yêu thương, xa xót, đắng cay, hờn tủi, bao nhiêu thấu hiểu độ lượng trong giọng nói đứt quãng của bà ta: “Bất kể lúc nào thấy khổ quá là lão xách tôi ra đánh, cũng như đàn ông thuyền khác uống rượu […]. Giá mà lão uống rượu […] thì tôi còn đỡ khổ […]”. Phùng và Đẩu đã “cùng một lúc thốt lên”: “Không thề nào hiểu được, không thể nào hiểu được”. Có lẽ họ chỉ thực sự “tâm phục khẩu phục” khi phát hiện cái sức mạnh nội tâm kì lạ nâng đỡ người đàn bà: “Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười-vả lại, ở trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hoà thuận vui vẻ […]. Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con chúng nó được ăn no […]”.

Nguyễn Minh Châu đã thật “cao tay” khi làm cuộc hoán đổi vị thế giữa Phùng, Đẩu với người đàn bà-cuộc hoán đổi để xác lập quan niệm dân chủ về con người. Tính cách đầy mâu thuẩn của người phụ nữ hàng chài thể hiện tư tưởng nhân bản sâu sắc của nhà văn, hiện thực hoá ý định của ông khi sáng tác truyện ngắn này: “Con người sống trong xã hội, sống giữa cộng đồng đã từng tồn tại từ lâu và còn tồn tại mãi nhưng họ phải chịu biết bao đau đớn để cho người và người được bên nhau, gắn bó với nhau trong cái quần thể xã hội đầy mâu thuẫn trên chiếc thuyền nọ…Không phải lúc nào con người cũng đấu tranh với nhau mà nhiều khi phải chịu đựng lẫn nhau. Những con người lao động và lương thiện hết đời này sang đời khác đã chịu biết bao nhiêu điều đau khổ bất công để sống nuôi nấng con cái, làm cho đời sống bất diệt”. Tình yêu thương con người ở Nguyễn Minh Châu lúc nào cũng nặng trĩu những suy tư se xót nên tình cảm nhân đạo của ông thường nghiêng về phía những thân phận bé nhỏ, nhiều đau khổ và ông đặc biệt nhạy cảm với những vẻ đẹp thầm lặng mà vững bền-những vẻ đẹp mang gương mặt phụ nữ (như Liên trong Bến quê, Thai trong Cỏ lau …).

Nguyễn Minh Châu có những câu văn giản dị như lời nói thường, không một chút “làm văn” mà đầy dư ba. Câu văn sau đây là một ví dụ- đấy là câu Phùng hỏi người đàn bà: “cả đời chị có một lúc nào thật vui không?”. Vâng! Với những kiếp đàn bà nhọc nhằn như thế mà nói đến niềm vui liệu có xa xỉ quá không? Nhưng mấy ai đã hiểu sự tận tuỵ hi sinh cho chồng con chính là niềm vui lớn nhất đối với họ. Nghe người đàn bà hàng chài nói về niềm vui, Đẩu như “bừng ngộ”: “Một cái gì mới vừa vỡ ra trong đầu vị Bao Công của cái phố huyện vùng biển, lúc này trông Đẩu rất nghiêm nghị và đầy suy nghĩ.” Đến đây người kể chuyện (Phùng) đã nhập hẳn vào dòng tâm tư của Đẩu, sự giác ngộ của Đẩu cũng chính là sự giác ngộ của anh. Hành trình tự nhận thức của cả hai luôn có sự song trùng. Nhưng qua Phùng-người phóng viên nhiếp ảnh, Nguyễn Minh Châu còn thực hiện một cuộc “tự vấn” của văn chương: giữa cuộc sống cơm áo nhiều hệ luỵ, văn chương chọn cách ứng xử nào? “Chiếc thuyền ngoài xa” rất khác với nó khi đã cập bờ. Nghệ thuật tiếp cận hiện thực thế nào để không bỏ quên số phận con người? Nhan đề truyện rõ ràng là một ẩn dụ sâu sắc (nó gợi nhớ các nhan đề Mảnh trăng cuối rừng, Bến quê, Bức tranh, Cỏ lau,…), một câu hỏi bỏ ngỏ cho những ai muốn chọn văn chương nghệ thuật để bày tỏ tình yêu con người. Câu hỏi này ám ảnh tới mức dù bức ảnh lịch năm đó của Phùng chỉ có hai màu đen trắng mà sau này mỗi lần ngắm nó Phùng cứ thấy hiện về cái màn sương màu hồng (lãng mạn) như đối lập với dáng đi chậm rãi, vững chắc của người đàn bà trên cát (hiện thực). Một lời nhắc nhở hay một niềm tin sâu xa vào sứ mệnh cao quý của người nghệ sĩ? Chắc chắn rằng với Nguyễn Minh Châu, với truyện ngắn này, nghệ sĩ không có quyền nhìn sự vật một cách giản đơn, dễ dãi mà phải đào xới vào những tầng sâu đời sống để làm lộ ra những gì có khả năng đánh thức tình yêu thương con người.

Tình huống truyện độc đáo, kết hợp với nhân vật tư tưởng và nhân vật tính cách - số phận đã giúp nhà văn giãi bày nỗi băn khoăn, trăn trở về tính phức tạp đa chiều của cuộc sống, về bao nhọc nhằn còn đè nặng lên số phận con người, về mối quan hệ máu thịt giữa nghệ thuật và hiện thực. Khát vọng đổi mới văn chương bằng việc đi tìm một quan niệm chân thật hơn, hợp lí hơn về con người dựa trên nền tảng triết học nhân bản quan giọng văn thấm thía chiêm nghiệm, qua cái nhìn dân chủ hoá của người trần thuật đã trở thành nhu cầu tự vấn mạnh mẽ, trung thực, đủ sức khẳng định tư cách “người mở đường” cho cộng cuộc đổi mới văn học Việt Nam sau 1975 của Nguyễn Minh Châu.
 
Từ khóa Từ khóa
binh giang chiếc thuyền ngoài người đàn bà nguyen minh chau nhân vật phùng phan tich tinh huong truyen
  • Like
Reactions: Thích Văn Học
2K
1
1
Trả lời

Đang có mặt

Không có thành viên trực tuyến.