Sa – ri – ka – keo ơi, Si ầy cón con?
Sa – ri – ka – keo ơi, Si ầy cón con?
Si phle đóm bon, Prò chật khnia lêng
Sa – ri – ka – keo ơi! Sa – ri – ka – keo ơi!
Trung thu, đến rồi cũng lại đi theo vòng quay vô thường của cuộc đời. Duy chỉ có chúng tôi, lũ trẻ nơi miền quê nghèo thì lúc nào cũng vẹn nguyên nỗi thèm muốn, ước ao, khao khát được chạm tay vào chiếc lồng đèn ông sao năm cánh màu đỏ rực những dịp trăng tròn tuyệt mĩ.
Không ít lần, mỗi khi được đặt chân rảo bước trên nẻo đường tấp nập của thị trấn, đám trẻ chúng tôi lại đứng lại để kịp rảo mắt ngắm những chiếc lồng đèn được trưng bày trên sạp chợ một cách thèm thuồng. Vừa rạo rực vừa buồn tủi đến lạ! Phải chi có được nhiều tiền? Phải chi cuộc sống dư dả? Phải chi… Phải chi…Phải chi…
Lẽ dĩ nhiên, chẳng cần những cái phải chi trở thành hiện thực thì chúng tôi luôn có vô vàn cách thức để biến cuộc sống của mình trở nên nhộn nhịp và rộn rã tiếng cười. Năm nay, trung thu đến, chúng tôi bàn bạc rôm rả để mở tiệc hoành tráng cho dịp lễ đặc biệt này của thiếu nhi. Rồi bỗng có một đứa xầm xì, nó bảo rằng nhất định là phải vừa đi diễu hành rước đèn mà phải vừa đọc một bài thơ thật đặc biệt. Ngồi lẩm bẩm một lát, chắc đang dò lại bài, rồi nó đọc to:
“Trung thu là tết thiếu nhi
Mà sao người lớn lại đi chơi nhiều
Chơi nhiều rồi lại làm liều
Làm liều rồi mới có nhiều thiếu nhi”.
Đọc xong, đứa nào đứa nấy cười sằng sặc. Nếu lúc này mà có đứa nào tình nguyện đi lấy rổ để đựng răng thì chắc sưu tập được cả bộ hết thảy chục chiếc cho mà xem. À, thôi! Chắc cũng chả ai thèm lấy vì toàn răng sún, răng mẻ với răng sâu không à.
Còn lồng đèn? Thiếu gì cách để làm! Chúng tôi bàn kế hoạch đi tìm mấy cái lon sữa bò mà người ta bỏ rồi đem về trang trí cho màu mè hoa lá hẹ. Đứa chạy về nhà tìm giấy cũ, đứa thì đi kiếm mấy cái sợi dây. Rồi nào là hoa, nào là lá, toàn mấy thứ đồ nghề mà các anh chị lớn hơn mách nước để chơi trung thu sao cho hoành tráng được truyền tai qua nhiều thế hệ lũ trẻ miệt vườn.
Ấy vậy mà năm nay, một điều đặc biệt hơn cả, tôi sẽ được mẹ dắt tay đến trường để tham gia cuộc thi văn nghệ chào đón trung thu mặc dù tôi mới chỉ vào học lớp một được có mấy tháng thôi. Bài hát tôi chọn là “Sa-ri-ka-keo”. Vì sao vậy? Bởi vì đây là bài hát mà đám trẻ chúng tôi ngày nào cũng cùng nhau vừa hát vừa nhảy như mấy đứa tâm thần mỗi độ đêm tối xập xình. Nhảy hoài, nhảy mãi, nhảy đến chừng nào mệt thì mới túa đi kiếm mấy trò khác để vừa chơi vừa phá. Nói chứ, mấy đứa nhóc trong xóm tôi đa số là người dân tộc Khmer, mọi người vừa hiền lành, lại thật thà, chất phác. Hằng năm, cứ vào dịp lễ cổ truyền, mọi người lại đến chùa để tổ chức lễ hội rồi cùng nhau nhảy múa đến khi trời gần sáng. Cũng vì thế mà văn hóa nghệ thuật của người Khmer đã ngấm ngầm chảy trong tôi. Và dĩ nhiên, tôi cũng không ngại ngần mà đem trình làng bài hát song ngữ Việt – Khmer “Sa-ri-ka-keo”.
Quang cảnh lúc trình diễn khi xưa thì chẳng còn nhớ nhiều nhưng cái phút giây tôi tỏa sáng rực rỡ như ngọn đèn lồng trên sân khấu thì ắt hẳn chẳng bao giờ quên được. Lúc ấy, tôi tựa như “Sa-ri-ka-keo” cứ thế mà nhảy nhót, rồi thánh thót mà cất tiếng hót vang lừng, cùng bạn vui chơi, không âu lo, nghĩ ngợi. “Sa-ri-ka-keo” trong sáng, hiền lành và cố gắng để cống hiến giá trị mà nó có cho cuộc đời. Đứa bé nghèo đem ngòm, bé tí tẻo teo khi xưa ấy cũng vậy.
Cứ thế, thời gian trôi qua như chẳng mảy may sự lưu tâm của kiếp người, tôi đã bước đi gần nửa chặng đời. Giờ đây, tôi đã không còn là “sa-ri-ka-keo” của ngày xưa nữa.
Bởi lẽ, chừng ấy năm tháng ngụp lặn trong gánh nặng mưu sinh, nụ cười trên môi tôi tắt dần, giọng nói trầm đi, khuôn mặt hiện lên vẻ hốc hác, hao mòn. Những phút giây trầm mặc trước gương, tôi cứ tưởng mình là một cái xác chết không hồn với đôi mắt lờ đờ trong một cơ thể kiệt quệ vì lao lực. Bao nhiêu năm gồng gánh làm giàu vật chất, phục vụ cho nhu cầu ăn uống ngủ nghỉ để giờ cái còn lại trong tôi là một nội tâm úa tàn.
Cho bản thân thêm thời gian thinh lặng để nhìn ngắm lại cuộc đời, tôi tự thấy mình sao tệ quá. Tôi có thể kiếm từng đồng tiền để gây dựng một ngôi nhà khang trang nhưng thứ tôi không kiếm lại được đó lại chính là thời gian để nuôi dưỡng tình yêu thương cho chính bản thân mình.
Tôi mất đi nhiều nên lo sợ nhiều. Tôi làm sai nhiều nên bất an cũng nhiều. Chỉ cần có người thầm thì sau lưng là tôi lại nghĩ họ đang nói về mình. Chỉ cần có người chê trách là tôi lại xù lông nhím để phòng thân. Càng ngẫm, càng nghĩ, tôi lại thấy sởn da gà vì đời sống tâm hồn ích kỷ, hẹp hòi. Tôi đã từng có nhiều tri thức nhưng vì lo sợ nên chẳng chịu san sẻ cho ai. Tôi lo mình thiếu thốn nên luôn giữ khư khư những món đồ mà tôi may mắn sở hữu trong người. Tôi sợ sự phản bội nên ngại ngần cho đi tình thương yêu. Tôi sợ bị ghét bỏ nên cố tỏ ra dễ thương, thảo mai một cách giả tạo,…
Trong một phần bình luận về truyện ngắn Bóng ma, tác giả Kì Phong từng gợi cho tôi những suy ngẫm tương quan về vấn đề “Nhà” gắn với hình ảnh đời sống tâm thức. Đấy là một điểm mở tuyệt vời để tôi gửi gắm những niềm suy tư thông qua bài viết này.
Thật vậy, khi mãi chạy theo những giá trị bên ngoài thì chẳng biết cố ý hay vô tâm mà ta đã lãng quên ngôi nhà cần được yêu thương, chăm sóc và nuôi dưỡng trong mỗi con người. Cảm xúc của người khác, ta không thể chạy theo. Thế nhưng cảm xúc của chính mình là thứ mà ta hoàn toàn có thể học cách để quản lý và điều chỉnh từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây.
Ngôi nhà tâm thức của mỗi người tựa như một ngôi nhà không đáy. Trong từng khoảnh khắc, ta đổ vào trong đó không biết bao nhiêu là rác rưởi. Vậy thì, đừng đòi hỏi vì sao ta mãi chẳng thể nào thật sự có được hạnh phúc.
Nuôi dưỡng tâm thức thì cần thực phẩm an lành. Muốn có thực phẩm an lành thì phải làm những hành động, nói những lời nói và nghĩ suy những suy nghĩ chân thật, đúng đắn. Hành trình tu sửa căn nhà trong chính mỗi người là một hành trình dài, cần sự nhẫn nại, bền lâu. Hơn hết, với những tâm hồn ứa đầy vết máu của phong ba bão táp cuộc đời thì muốn chữa lành lại càng trở nên gian khó vô cùng. Vậy nên, tôi mới chọn bút danh mà mình sẽ theo đuổi nghiệp văn chương để luôn tự nhắc nhở bản thân là: “Bạch Phong Lữ”.
Bởi lẽ, nếu có chết trong từng giây phút thì cũng xin được nguyện sống hạnh phúc trong từng ấy phút giây. Muốn chữa cho người thì trước hết phải chữa lành cho chính mình trước đã, vậy nên:
Sa – ri – ka – keo ơi, Si ầy cón con?
Sa – ri – ka – keo ơi, Si ầy cón con?
Si phle đóm bon, Prò chật khnia lêng
Sa – ri – ka – keo ơi! Sa – ri – ka – keo ơi!
Sửa lần cuối: